Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 16, 2013

Tìm Một Niềm Tin [32]

Ký sự Tùy bút

32.- NGƯỜI HIỆP SĨ VỚI
THANH GƯƠM VÀ CHIẾC ỐNG SÁO TRÚC 

Kể từ khi bỏ nhà ra đi làm kiếp ngựa hoang một thời gian rồi lại quay trở về sống với ông ngoại, tuy là ở chung trong nhà, nhưng thực ra thì tôi cũng chỉ cốt nương vào ông tôi để có một chỗ ở tương đối dễ chịu vì tại chốn đô thành đất chật người đông này, muốn có một chỗ ở tương đối rộng rãi mà ít tiền không phải dễ. Vả lại, cho dù là khi làm ngựa hoang có lắm lúc túng đói phải ăn "cơm tay cầm", "cơm xã hội", nhưng không biết có phải tại vì tôi vẫn còn sót một tí máu "con nhà quan" trong mình hay chỉ vì bản tính luôn thích có chút gì yên tĩnh và riêng tư mà ở hoàn cảnh nào tôi cũng muốn làm sao tìm cho mình có được một chỗ ở thoải mái một tí vẫn quan trọng hơn  
 
Tuy là lại về ở với ông nhưng cũng từ ngày đó tôi không còn lệ thuộc vào ông tôi cái ăn cái mặc nữa cho nên khi ông qua đời, tôi không bị những thay đổi của hoàn cảnh ảnh hưởng, nhưng đối với những người khác trong gia đình thì ông tôi mất đi cũng là khởi đầu một bước ngoặt. 
 
Bà tôi vốn người Minh hương ở Phan Rang nhưng từ ngày về làm kế thất của ông tôi, bà phải theo cái nề nếp phong kiến của ông nên hầu như cũng không còn mấy khi liên hệ với gia đình mình nữa, lâu dần cũng trở thành như xa lạ với người quê hương cũ mà chỉ còn biết theo ông bất cứ nơi nào. Hơn nữa, suốt đời bà cũng chẳng bao giờ phải lo tính toán làm ăn một chuyện gì ngoài việc lo cơm nước hầu hạ ông vì mọi việc trong ngoài gì cũng đều do ông tôi nắm quyền và giải quyết. Qua bao năm sống lệ thuộc và lặng lẽ, bà tôi cũng giống như một cái cây bị bứng rời khỏi mạch sống tự nhiên của mình để trở thành một loài cây kiểng trong chậu, có lẽ bà không bao giờ còn nghĩ đến một sự thay đổi cũng như ngại tất cả mọi sự đổi thay, cho nên sau ngày ông chết, các cháu bà nghe tin có tìm vô thăm bà và ngỏ ý muốn đón bà về lại với bà con quê cũ của mình nhưng bà đã từ chối.
 
Cậu mợ Ðôn sau khi lo cho ông ngoại tôi nơi yên nghỉ cuối cùng rồi thì cũng muốn nhân cơ hội này giải quyết những vướng mắc khó chịu từ lâu không thể nói ra. Dù sao thì suốt bao năm qua, cậu Ðôn cũng đã tròn bổn phận với ông tôi rồi, bây giờ cậu đã về hưu nhưng cậu Viện cũng đã có công ăn việc làm tất nhiên đến lượt cậu Viện phải nhận lấy trách nhiệm lo lắng cho bà. Nghe thì có vẻ nặng nề lắm nhưng thật ra thì trước kia ông tôi còn sống, cậu Ðôn phải gánh vác bao nhiêu thứ chứ bây giờ nhà cửa đã có sẵn, bà lại có tiền hưu quả phụ, và bản thân bà nếu không mê mua giấy số thì cũng đâu có phải ăn tiêu gì nhiều, cho nên trách nhiệm của cậu Viện thật ra cũng chỉ là về mặt tinh thần hơn là vật chất. Tuy nhiên, cũng nhờ cơ hội này mà cậu Viện cũng đã có một lý do rất chính đáng để có thể xin với cơ quan của mình cho thuyên chuyển về Sài gòn làm việc. 
 
Riêng trường hợp của em tôi tưởng như là đơn giản, thế mà lại thành ra lướng vướng khó giải quyết hơn cả. Ðành rằng em tôi bây giờ cũng đã trưởng thành về tuổi tác nhưng trong bao năm nay cứ phải sống ru rú trong nhà và bị gò bó theo cái quan niệm về gia đình và nếp sống cổ hủ của ông bà nên học vấn cũng chẳng tới đâu, nghề nghiệp không có mà ngay cả cái việc thường tình là lấy chồng cũng khó vì người xa thì không ai biết mà kẻ gần thì ngại ngùng. 
 
Lúc em tôi mới vào học ở Thiên Phước, các soeurs thấy hoàn cảnh của em tôi đáng thương nên cũng từng khuyên nhủ em tôi vào dòng tu. Tôi cũng thấy sống ở ngoài đời với ông bà theo kiểu không có tương lai thì nếu em tôi chọn con đường tu hành ấy cũng là một điều tốt. Khổ nỗi khi em tôi ngỏ ý ấy ra thì ông bà cậu mợ tôi lại viện cớ này cớ nọ, nghe thì có vẻ như là có tình có lý lắm, nhưng cái lý do thực tế và phũ phàng nhất thì hầu như ai cũng tránh né không bao giờ dám nói thẳng ra cả. Bây giờ là lúc em tôi có cơ hội thoát ly thì em tôi lại quá lớn, nghỉ học đã quá lâu nên không còn điều kiện để xin vào dòng nữa. 
 
Vì ông tôi mất rồi tất nhiên cũng không cần người đỡ đần bà công việc nhà nữa nên mới đầu mợ Ðôn cũng muốn đưa em tôi về ở với mình như kiểu ngày xưa em tôi đã về sống với ngoại. Cậu Ðôn thì chưa có giải pháp thực tế nào khả dĩ mở ra cho em tôi một hướng đi, vừa thương hại bà hiu quạnh vì thấy rằng dù sao thì bao nhiêu năm nay bà cũng đã quen sống gần em tôi rồi, bây giờ ông không còn thì bà lại càng cảm thấy cần thiết có em tôi bên cạnh cho bà đỡ cô độc, cho nên cứ lừng chừng. Tôi không muốn thấy em tôi lại rơi vào vết xe cũ nên phải tìm cách tạo cho em tôi một cơ hội. Thế là tôi phải chạy nhờ chú Cọp giúp đỡ và chú đã xin cho em tôi theo học một khóa đánh máy để có thể kiếm một việc làm tương đối nhẹ nhàng cho một người con gái bản chất chậm chạp như em tôi. 
 
Với cái vốn liếng trang bị vào đời nhỏ nhoi ấy giữa chốn đô thành toàn cảnh bon chen này, em tôi cũng khó mà kiếm được một việc làm ngay, nhưng rồi nhờ bác Ðàm giới thiệu, em tôi được nhận vào làm thư ký cho Hội Hướng Ðạo. Kể ra cái công việc làm thư ký cho một cái Hội vô vị lợi và sinh hoạt có tính cách thiện nguyện như thế này thì công việc cũng không có gì khó khăn nặng nhọc nên lương bổng cũng rất là khiêm tốn nhưng đó cũng là bước đầu để cho em tôi tập làm quen với nếp sống tự lập sau này. 
 
Thế là bây giờ hàng ngày em tôi cũng sáng ra đi làm còn bà an phận sống chuỗi ngày còn lại. Tuy nhiên, dù sao thì mỗi chiều em tôi lại về với bà cho nên bà cũng đỡ lẻ loi. Cuộc sống trong nhà nhờ thế kể như cũng tạm bình lặng và tiếp tục êm trôi mặc dù bên ngoài xã hội thì chiến tranh và những biến động chính trị không ngớt gây lo âu và xáo trộn. 
 
Một hôm sau khi em tôi đi làm như thường lệ còn tôi không có việc gì phải ra trường nên chỉ ngồi nhà đọc sách chuẩn bị cho kỳ thi cuối niên học cũng sắp đến thì mới vừa nửa buổi bỗng thấy em tôi tất tả quay về bảo tôi hãy gấp vào ngay nhà thương Grall thăm chú Cọp vì chú vừa mới bị kẻ lạ mặt bắn lén ngay ngoài đường phố trước ngõ vào nhà chú sáng nay, tình trạng chưa biết ra sao. 
 
Nhà chú ở đường Trần Văn Thạch. Con đường này chạy từ đường Trần Quang Khải đổ ra đường hai Bà Trưng là hông chợ Tân Ðịnh nên lúc nào cũng đông nghẹt người buôn bán và xe cộ. Sát thủ chắc chắn đã theo dõi thói quen và nắm vững giờ giấc của chú nên sáng hôm đó chú vừa bước ra tới đường sửa soạn lên xe đi thì hung thủ đã chờ bên lề đường rút khẩu súng dấu trong người ra nhắm ngay vào chú và nhả liền mấy phát đạn rồi leo lên một chiếc xe gắn máy của đồng bọn chờ sẵn tẩu thoát trước khi người đi đường kịp nhận thức được sự việc gì xảy ra. Chú ngã qụy trên vũng máu. Người trong nhà hay tin chạy ra chỉ còn biết vực chú chở ngay vào bệnh viện để cứu cấp. 
 
Tôi vội vã chạy vào bệnh viện thăm chú nhưng đến nơi thì được biết là chú đã tắt thở và thi thể đã được chuyển xuống nhà xác. Tất cả người trong gia đình cũng đã có mặt đầy đủ và đang tề tựu chung quanh thi hài chú để nhìn mặt chú lần cuối. Tôi đứng lặng nhìn thi thể chú với vết đạn bắn nơi bụng và lan man suy nghĩ ... 
 
Cuộc đời tham gia hoạt động chính trị của chú cũng đầy dẫy những gian truân nhưng trong quá khứ chú đã có nhiều lần gặp may mắn. Thời Khởi nghĩa 45, lúc Việt Minh mới thành lập chính phủ Liên Hiệp kháng chiến, chú là một trong những đảng viên QDÐ được đảng bộ QDÐ đề cử ra để nắm giữ số ghế Ðại biểu Quốc Hội mà Việt Minh đã thỏa hiệp dành cho QDÐ. Sau đó, trong chủ trương tiêu diệt các phe phái Quốc gia để độc chiếm quyền hành, Việt minh đã dùng thủ đoạn vu cáo dựng nên vụ án Ôn Như Hầu để tấn công trụ sở của Việt nam Quốc Dân đảng tại Hà nội. Chú Cọp có mặt tại trụ sở đêm hôm bị Công an Việt Minh tấn công nên đã bị bắt cùng với một số cán bộ đảng viên quan trọng của QDÐ. Một số đảng viên QDÐ bị bắt hôm đó đã bị Việt Minh thủ tiêu, riêng chú Cọp may mắn không bị Việt Minh giết mà chỉ đưa vào an trí ở Liên khu V. 
 
Cũng do những ngày bị giam lỏng ở đất Bình Ðịnh này mà chú đã có cơ duyên gặp và gần gũi với cha tôi và có dịp sống gần anh em tôi và thương anh em tôi như con từ đó. Cũng trong thời gian này, chính sách của Việt Minh chưa siết chặt nên chú cũng đã có dịp tiếp xúc thêm nhiều bạn bè cùng chí hướng và tham gia sinh hoạt trong các tổ chức Hướng Ðạo và Tôn giáo tại đây và cũng vì thế mà chú đã trở lại đạo Công giáo. Tuy nhiên khi mà Việt Minh sắp bắt đầu cho thi hành chính sách tiêu diệt các thành phần trí thức, địa chủ, tôn giáo thì chú lại có cái may mắn vượt thoát được về thành trước khi chiến dịch đàn áp này xảy ra nên không bị bắt bớ, giết hại hay tù đày như những người ở lại. 
 
Sau khi đất nước bị chia đôi, chú có ra giúp ông Cẩn trong lần chú đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Công an Trung phần để hoá giải vụ các nhóm Ðại Việt ly khai thành lập chiến khu ở Miền Trung và do thành tích đó chú được chính phủ Ngô Ðình Diệm ân thưởng Bảo quốc Huân chương. Tuy nhiên khi chính quyền ông Diệm tỏ ra có khuynh hướng độc tài thì chú lại rút lui khỏi chính quyền nên không bị ảnh hưởng tai tiếng khi nhà Ngô sụp đổ. 
 
Thế nhưng lần này, trong cơn biến động chính trị của Miền Nam sau cuộc đảo chính ông Diệm, cái may mắn không còn theo chú nữa cho nên mặc dù thời gian gần đây chú chỉ mới tham gia những cuộc vận động chính trị chứ chưa chính thức tham dự vào một chính phủ nào và chú cũng chưa kịp làm được việc gì thì đã gục ngã. 
 
Vì cái tình của chú đối với cha tôi trước kia và cái nghĩa của anh em tôi đối với chú hiện nay khiến cho mấy ngày sau đó tôi vẫn thường xuyên túc trực bên nhà chú. Gia đình chú gốc bên lương thành thử sau khi trở lại đạo Công giáo rồi vẫn còn duy trì nhiều tập tục cũ cho nên thím cũng cho lập bàn thờ chú trong nhà. Trên bàn thờ trước bức ảnh bán thân của chú là tấm Bảo Quốc Huân chương, thanh gươm Nhật và chiếc ống sáo trúc. 
 
Lúc sinh thời chú rất qúy thanh kiếm Nhật và cái ống sáo trúc này. Ðây chính là hai kỷ vật thân thiết của chú từ thời còn ở Liên Khu V. Ngày chú trốn về thành, chú phải để hai món này lại nhà cha tôi ở Gò Xoài. Sau khi cha tôi bị Việt Minh bắt rồi xử tử vì vụ án mệnh danh "Gián Ðiệp Bình Ðịnh", anh em tôi phải sống lưu lạc, nên hai món kỷ vật này của chú cũng thất lạc theo, nhưng đến thời đình chiến và chính quyền Quốc gia trở lại tiếp thu tỉnh Bình định thì chú cũng đã nhờ người về tìm lại được hai vật kỷ niệm này mang về trả chú. 
  
Thanh gươm được con người làm ra với mục đích là dùng để chém người cho nên thanh gươm là một khí vật mang đến sự hung bạo. Tuy nhiên nếu thanh gươm trong tay người công chính thì nó còn mang ý nghĩa của uy dũng. Còn cái ống sáo trúc thì lại là một khí cụ con người tạo ra để giúp mình diễn đạt những trạng thái tình cảm tâm hồn của mình. Hai món này không có vẻ gì là đi chung với nhau cả nhưng chú lại vừa qúy gươm mà cũng mến cái ống sáo phải chăng trong tâm hồn chú cũng có một cái gì đó rất nghịch lý? 
 
Tôi lại nhớ những ngày chú sống ở Bồng Sơn, tôi vẫn thường nghe chú thổi đi thổi lại mỗi một bài "Con thuyền không bến". Ngày ấy chú thổi sáo bài ấy có thể chỉ là để ru tâm hồn mình vào một thoáng lãng mạn nào đó nhưng điều ấy vô tình cũng lại nói lên được cuộc đời tham gia hoạt động chính trị của chú sau này. Thật ra tôi không bao giờ nghĩ chú muốn làm lãnh tụ mà chỉ muốn tìm minh chúa để phò. Nhưng đời không còn minh chúa và cái thanh gươm của người hiệp sĩ khi muốn vung lên trừ gian khử bạo, thì lại bị cái tiếng sáo trúc làm cho tâm hồn mềm yếu nên chùn xuống vì không còn cương quyết. 
 
Có lẽ vì thế mà thanh gươm của người hiệp sĩ chưa khử được bạo thì bạo lực đã ra tay trước mất rồi. Ðiều khiến cho tôi lấy làm buồn nhất là vì kẻ cầm súng bắn chú đã tẩu thoát an toàn sau khi thi hành xong thủ đoạn nên không ai có thể xác định được kẻ chủ mưu vụ ám sát là ai, tuy nhiên dư luận người thân vẫn cho rằng thủ phạm không nhất thiết đã là Việt cộng mà có thể chỉ là trong số những con người tự xưng là Quốc gia với nhau nhưng lòng thì đầy âm mưu và đố kỵ. 
 
Chú được an táng ở nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi. Ðám táng chú rất đông người đưa tiễn và trang nghiêm vì ngoài số thân nhân bạn bè và đại diện đảng phái, chính quyền, còn có cả một tiểu đội lính dàn hầu hai bên linh cữu vì tấm Bảo quốc Huân chương của chính phủ Ngô đình Diệm trước kia vẫn được tôn trọng. Khi quan tài đã hạ huyệt và theo tập tục, mọi người lại lần lướt ném xuống huyệt nắm đất hay cành hoa tiễn biệt chú. 
 
Tôi vốn biết chú cũng thích màu đỏ nhưng không thích màu đỏ đến mức cực đoan như ông ngoại tôi. Ở nơi chú, cái màu đỏ chỉ là sự tượng trưng cho tính hoạt động và tâm hồn nhiệt tình thẳng thắn chứ không phải màu đỏ sắt máu của Cộng sản hay màu đỏ phong kiến cố chấp của ông tôi. Bản tính chú tuy có nóng nảy nhưng cũng rất cương trực cho nên tên rừng trong Hướng Ðạo của chú là "Cọp thẳng thắn". 
 
Dù rằng cuộc đời chính trị của chú tựu trung cũng mới là sự cố gắng của một người muốn làm hiệp sĩ nhưng lại mang trong mình tâm hồn của một nghệ sĩ nên rốt cuộc những nỗ lực của chú nhằm giúp đời giúp nước cũng chưa đạt được thành quả gì và chú đã gục ngã khi đang ra tay chèo chống một con thuyền không bến vào cái lúc mà con thuyền này đang chao đảo vì sóng gió. Tuy thế, vì cảm mến tấm lòng nhiệt tình và tính cương trực của chú nên tôi đã chọn một đoá hoa hồng đỏ gửi theo xuống huyệt cho chú như muốn biểu lộ cùng chú rằng, những gì chú đã làm trong đời, thế hệ tiếp theo sau cũng đã và sẽ còn ghi nhớ. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment