Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 16, 2013

Tìm Một Niềm Tin [31]

Ký sự Tùy bút

31.- HÃY NGỦ YÊN DĨ VÃNG
 
Sau chuyến ra Huế như là cuộc đi tìm một cơ may được "quới nhơn" giúp đỡ cho mình xa rời cái đất nước mình vẫn yêu thương nhưng chỉ toàn trông thấy những chuyện não lòng thì lại nhằm vào lúc thời vận của "quới nhơn" bị sao quả tạ chiếu nên phải quay về lại nhà ông ngoại, không còn mơ tưởng một chân trời mới lạ nào nữa sẽ mở ra cho mình, tôi đành an phận tiếp tục lại ngày tháng cũ. Thật đúng là đã mang cái số lận đận rồi thì có chạy trời cũng không thoát được lận đận. Tuy nhiên, dù sao thì tôi cũng chỉ là con kiến mới bò quanh cái chậu qúy nên khi chậu qúy bị bể thì kiến cũng chỉ văng về lại với cái tổ đất của mình để tiếp tục nhìn quê hương mình thêm đổ nát chứ không đến nỗi bị trốc gốc gãy cành rụng lá như là cây kiểng. 
 
Cánh họ hàng bên ngoại di cư của tôi cũng là thành phần những người rất "nhớ ơn Ngô Tổng Thống" nhưng hầu hết cũng chỉ là công chức nhỏ ngành chuyên môn cho nên qua cơn biến động vừa rồi cũng không có ai bị bắt bớ hay bị sa thải. Không những thế, nhờ có anh Bàng vẫn tiếp tục làm Giám thị ở tại khám Chí Hòa cho nên cũng biết được đôi chút tình hình trong khám để kể cho tôi nghe về tình trạng của ông Cẩn từ ngày ông bị đưa từ Huế vào Sài gòn giam giữ cho đến ngày ông bị đem ra hành quyết tại pháp trường thiết lập ngay trong khuôn viên khám Chí Hòa. 
 
Mặc dù về mặt chính trị, ông Cẩn từng có những nhận định, thái độ và hành động sai lầm khiến cho ông bị nhiều người chống đối, kể cả những người đã từng ủng hộ ông, khiến cho ông phải nhận lãnh cái án tử hình từ những kẻ thù ghét ông, nhưng dù sao thì lâu nay giữa ông Cẩn và tôi vẫn có chút liên hệ dựa trên tình nghĩa nên tôi không thể quên và không thể không thương xót cho ông. Do đó mà khi nghe tin ông đã bị hành quyết, tôi lại càng cảm thấy như có một chút ân hận vì đã không thể từ giã ông lần cuối.

Ông ngoại tôi khi nghe tin ông Cẩn bị xử bắn cũng tỏ ra có một thoáng trầm ngâm. Tôi biết là ông ngoại tôi vốn cũng có chút liên hệ nào đó với gia đình họ Ngô vì ông tôi cũng đã từng có thời làm việc ở Huế, cũng như bà ngoại ruột tôi đã chết ở Huế và chôn ở Phủ Cam từ thủa xa xưa, nhưng gia thế bà ngoại ruột tôi như thế nào tôi muốn biết lắm thì không bao giờ nghe ông nhắc đến. Một lần trước đây, cũng vì cái chuyện nhắc nhở đến bà ngoại ruột này mà không khí trong gia đình trở thành nặng nề nên tôi không bao giờ dám hỏi thêm gì nữa. Tuy nhiên tôi cũng có lần nghe cậu Viện nói thoáng qua ngày xưa lúc ông Nhu còn chưa gặp thời, chỉ làm báo và lo vận động cho phong trào ủng hộ ông Diệm về nước chấp chính thì ông Nhu cũng đã từng mời ông ngoại tôi tham gia nhưng ông tôi không nhận lời. Lý do tại sao thì cậu không nói rõ nhưng cậu có nói ông ngoại tôi không thích gia đình họ Ngô chỉ vì cho rằng cánh ấy quá kiêu ngạo. 


Nếu trong khi xã hội bên ngoài đầy biến động thì đời sống trong nhà ngoại tôi vẫn bình lặng và có vẻ như càng ngày càng bình lặng hơn. Mặc dù sau ngày lật đổ ông Diệm, hết chính phủ này lên chính phủ kia xuống và đường lối chính sách thay đổi như chong chóng nhưng chẳng qua những sự thay đổi xảy ra cũng chỉ là trên bề mặt chính trị và về nhân sự trên cấp lãnh đạo, còn quy chế xã hội thì vẫn cứ nếp cũ mà quay đều cho nên cậu Ðôn sau khi mãn thời gian lưu dụng thì cũng đã đáo hạn về hưu hẳn. Vốn không bị vướng mắc vào những hệ lụy về chính trị, cậu bình thản trở về với nếp sống một công chức hồi hưu an nhàn tại nhà riêng của mình ở Tân Ðịnh. Giờ đây mỗi kỳ đến ngày đi lãnh hưu bổng, cậu lại lái xe qua đón ông ngoại tôi cùng đi vì tên cậu vần Ð và tên ông ngoại tôi thuộc vần G nên được lãnh cùng ngày. 


Cậu Viện thì sau khi đậu được bằng Lower Certificate về Anh ngữ , lại nằm ngoài hạng tuổi bị chi phối bởi luật động viên nên đã có thể dễ dàng xin ngay được một chân thông dịch viên cho cơ quan USOM và được chuyển lên làm việc ở Ban Mê Thuột. Thái độ từ bỏ những giấc mộng kinh doanh theo kiểu cô bé bán sữa trong ngụ ngôn của La Fontaine để yên tâm làm một nhân viên sở Mỹ lương bổng cao hơn công chức chính phủ vào lúc này của cậu Viện là một sự nhẹ nhõm cho cả nhà. Riêng đối với cậu mợ Ðôn thì đó là một điều đáng mừng vì thoát được cái nợ phải lo cung phụng cho ông tôi nuôi cậu Viện như trước, nhất là bây giờ cậu Ðôn về hưu rồi thì bổng lộc cũng không còn dồi dào như lúc còn tại chức. 


Kể từ ngày cậu Viện phải đi làm xa thì ở nhà bà ngoại và em tôi cũng rảnh rang ra nhiều, nhưng không vì thế mà em tôi được có dịp ra tiếp xúc với đời sống bên ngoài mà vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà nhổ tóc sâu cho bà. Ông tôi thì cũng đã ngoại bát tuần và sức khoẻ đã có phần kém vì tim thường hay mệt nên cũng bớt đam mê bày vẽ những trò nặng nhọc cũng như bớt loay hoay nổ máy chiếc mobylette mỗi ngày. Những cái thú tiêu khiển để cho qua thì giờ của ông bây giờ có vẻ nhẹ nhàng hơn. 


Nhà có cái radio Philips nhỏ ba đèn chạy điện trước đây ông mua cho cậu Viện xài đến nay cũng đã cũ và lỗi thời, thế nhưng từ khi cậu Viện đi làm xa bỏ nó lại nhà thì ông đem cất vào tủ chứ không cho tôi đụng tới. Mỗi ngày trước giờ cơm chiều ông lại cẩn thận bê nó ra đặt ở bàn ăn, cắm điện, mở đài Sài gòn rồi ngồi đợi cho đến khi tiết mục phát thanh trước 6 giờ vừa chấm dứt là ông bắt đầu chăm chú lắng tai nghe và mắt thì dán vào mấy cây kim chỉ giờ của chiếc đồng hồ quả quít trong tay. Khi mà đài phát ra ba tiếng "tít... tít... tít..." rồi tiếng xướng ngôn viên cất lên: "Bây giờ là đúng mười tám giờ, giờ Sài gòn..."  ông lại loay hoay chỉnh mấy cây kim của cái đồng hồ một hồi rồi tắt radio, gỡ dây điện và bê cái radio cất vào tủ đợi chiều hôm sau lại tái diễn cái màn ấy. 
 
Ðành rằng tuổi già thì có nhiều cái lẩm cẩm nhưng khi thấy ông chỉ xử dụng cái radio để giải trí khô khan bằng cách chỉnh lại thời khắc vào cái buổi mà giá trị thời khắc không còn mấy ý nghĩa đối với ông nữa càng làm cho ông như có vẻ thêm cằn cỗi. Cái cung cách khô khan này còn được biểu lộ qua thái độ không bao giờ ông nghe nhạc, cho dù là cổ nhạc, và hình như ông lại càng không chịu được tiếng đàn của tôi cho nên từ khi tôi về đây mang theo cây đàn thì tôi cũng chẳng bao giờ dám khảy đàn ở nhà và cây đàn chỉ còn là một chứng tích cho tôi lưu lại ít nhiều kỷ niệm khôi hài có, cay đắng có. 
 
Mặc dầu đời sống chính trị có sôi động và phong trào sinh viên có những lúc sôi sục, nhưng ai tranh đấu thì cứ tranh đấu, ai muốn học hành thì cứ học hành cho nên niên học dù có đôi lúc bị ảnh hưởng vì mấy vụ biểu tình hay bãi khóa nhưng tựu trung thì vẫn theo nhịp độ ngày tháng mà trôi đều. Sau cuộc đảo chính, hệ thống phòng vệ dân sự phường khóm ở đô thành cũng được bãi bỏ nên tôi cũng không còn bị quấy rầy vì cái nạn bị gọi đi canh gác ban đêm, có điều khu Khánh Hội này vốn hỗn tạp nên lâu lâu đang đêm lại bị Cảnh sát hành quân bố ráp đập cửa xét tờ khai gia đình để lùng bắt thanh niên trốn quân dịch. Cũng may là tôi vẫn là sinh viên có đầy đủ giấy tờ hoãn dịch hợp lệ nên cũng không bị ai làm khó dễ gì. 


Gần đến kỳ nghỉ hè và sinh viên các trường cũng đang chuẩn bị thi cuối khóa thì một hôm mới sáng sớm ông tôi bỗng thấy xây xẩm nên vội sai tôi lấy chiếc mobylette của ông chạy đi mời cậu Ðôn. Nghe tôi báo tin, cậu Ðôn liền vội vã lái xe qua đưa ông ngoại tôi vào bệnh viện Grall. Thấy tình trạng ông tôi cũng không có gì lấy làm nguy kịch nên sau khi bác sĩ khám và cho nằm để điều trị thì tất cả ra về, chỉ còn bà ngoại và em tôi ở lại để lo săn sóc cho người bệnh. Chiều tối hôm đó lần đầu tiên ở nhà có một mình, tôi muốn tận hưởng chút tự do thoải mái trong căn nhà bao lâu nay tôi cứ phải sống theo kiểu gò bó bèn đem đàn ra khảy.


Ðang mê mải thả hồn theo âm thanh của những bài nhạc từng ru tôi vào những giấc mơ và kỷ niệm êm đềm thì thấy em tôi hớt hải đi taxi về gọi tôi đi báo cho cậu Ðôn đến bệnh viện ngay vì ông đã qua đời. Thế là tôi vội dẹp đàn lấy mobylette chở em tôi qua cậu Ðôn báo hung tin. Em tôi kể là mới rồi ông ngồi dậy định tự mình đi vào phòng vệ sinh thì lên cơn xây xẩm. Bà tôi lo đỡ ông nằm xuống còn em tôi chạy đi gọi y tá trực nhưng khi nhân viên bệnh viện mang bình dưỡng khí đến tiếp hơi cho ông tôi thì không còn kịp nữa. Cái chết đến với ông tôi quá đột ngột nên ngoài bà ngoại đang đỡ ông thì không còn người thân nào ở bên cạnh và ông cũng không hề kịp trăn trối gì cả. 


Vì cậu Viện thì đang làm việc ở nơi xa xôi phải đợi sau khi nhận được điện tín báo mới biết rồi còn phải xin phép nghỉ và thu xếp về thì cũng chỉ còn kịp đưa đám thôi nên mọi việc lo liệu cho ông tôi được mồ yên mả đẹp đều do cậu Ðôn. Tuy nói là cậu Ðôn nhưng thật ra phải nói chính mợ tôi mới là người sắp xếp và quyết định mọi việc. Ðể tiện cho việc đi lại, mợ tôi đã quyết định để ông tôi nằm lại nhà xác bệnh viện rồi sau đó được tẩm liệm và quàn luôn tại đây thay vì đưa về nhà bên Khánh Hội như ý bà ngoại tôi muốn. Ngoài ra vì muốn giữ thể diện, mợ tôi cũng lo ngay cho ông tôi một phần mộ trong nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi thay vì an táng ở cái Nghĩa trang Xóm Chiếu là nơi lúc sinh thời ông đã lo sẵn cho mình. Cái nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi ở Tân Ðịnh trước đây thường được gọi là Ðất Thánh Tây vốn của người Pháp lập ra để chôn cất các ông Tây chết ở thuộc địa. Trong trận chiến tranh Pháp Việt vừa qua, rất nhiều binh sĩ Pháp tử trận đã được mai táng ở đây. Sau ngày Tây bại trận và phải rút về nước, nghĩa trang này được giao lại cho Chính phủ Việt Nam. Hầu hết các hài cốt quân nhân Pháp đều được hốt đem về nước và nơi đây trở thành như một nghĩa trang quốc gia chỉ dành cho người có địa vị trong xã hội cho nên người chết được an táng tại đây được coi như là một niềm hãnh diện cho thân nhân và con cháu.


Vì các cháu nội trai thì đều ở Pháp không thể về được nên ngày đưa tiễn ông ra nghĩa trang, mợ tôi đã chỉ định cho tôi ôm bức chân dung ông tôi đi hàng đầu. Ngoài con cháu trong gia đình không lấy gì làm đông lắm và cánh họ hàng bên ngoại thì lúc nào cũng giữ một thái độ khiêm tốn, người đi đưa tiễn đa số là bạn bè đồng liêu khá giả phía gia đình cậu mợ Ðôn nên đám ma cũng có vẻ rình rang. Bạn bè và người quen của tôi không có ai vì từ khi về ở với ông, thấy ông có vẻ phong kiến nên tôi không bao giờ dám rủ bạn bè hay người quen lại nhà cho nên ngày hôm nay ông ra đi tôi cũng không báo cho một ai biết để họ đưa tiễn ông cả. Con đường từ bệnh viện Grall đến nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi không lấy gì làm xa nên tất cả những người đi đưa tiễn đều đi bộ suốt quãng đường. Tôi vừa ôm bức ảnh ông trước ngực, bước từng bước chậm rãi vừa suy nghĩ... 


Ðất nước tôi thuộc ba thế hệ từ ông tôi đến tôi đã trải qua một lần lịch sử sang trang đẫm máu và đầy biến động. Tuy nhiên suốt cuộc đời ông tôi từ lúc sinh ra, lớn lên, ra làm việc cho đến khi về hưu là sống trong xã hội phong kiến và thực dân nhưng tương đối là thanh bình nên ông đã may mắn có điều kiện để tiếp nhận và thụ hưởng những tiến bộ của thời đại từ bên ngoài du nhập vào. Ông đã từng cỡi mô tô trong khi xã hội hãy còn quen cỡi ngựa và đi cáng, thích đi săn và ăn mặc như kiểu một nhà săn bắn qúy tộc Âu châu mà chứng tích còn sót lại là bức hình chụp ông ngồi trên mình con voi bị hạ còn được treo ở phòng ăn, trong khi nhiều người vẫn còn ôm cái khăn đóng áo dài... Có lẽ nhờ thái độ đó mà việc hôn nhân của cậu Ðôn hay của mẹ tôi ngày ấy đã không bị gò bó vào cái quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy"...


Tuy nhiên khi cái xã hội phong kiến ấy đến giai đoạn bị đào thải và đất nước lâm vào hoàn cảnh chiến tranh với không biết bao nhiêu tang thương biến đổi, nhưng ông vẫn còn được cái may mắn là không bị sống trong chế độ Việt Minh ngày nào mà lại còn được sống an ổn trọn đời ở một vùng có thể chế tự do hơn, nhưng đến lúc này thì ông lại không còn thích ứng kịp với những biến chuyển của thời cuộc và tiến bộ của thời đại khiến cho ông lại trở thành bảo thủ và khép kín. Ðiều này đã khiến cho anh em tôi khi vì hoàn cảnh phải về sống chung với ông, anh em tôi như rơi vào một môi trường bế tắc không có điều kiện để phát triển khả năng mà còn phải chịu thêm nhiều thiệt thòi. Chính vì thế mà trước đây đôi khi không chấp nhận nổi quan niệm phong kiến của ông, tôi đã có lúc phản kháng lại thì bị ông cho là ngỗ nghịch đến nỗi lại phải có một thời bỏ nhà ra đi làm con ngựa hoang.


Thời gian gần đây thấy ông không còn quá khe khắt, tôi vẫn mong có một lúc nào đó thuận tiện tôi sẽ đem hết những tâm tư tình cảm của mình ra san sẻ với ngoại để ông cháu lại có thể cảm thông nhau, nhưng cơ hội chưa đến thì ngoại tôi đã ra đi vĩnh viễn và những lời tôi muốn nói với ngoại tôi không bao giờ có thể nói được nữa. Và cứ thế tôi vừa đi vừa suy nghĩ miên man cho đến lúc đưa ông ra tận huyệt.

Lúc quan tài ông tôi đã được đặt nằm yên trong lòng đất và các nhân viên nhà đòn bắt đầu lấp huyệt, mọi người lần lượt tiến lại bên huyệt để ném một nắm đất hay cành hoa tiễn biệt người quá cố, tôi cũng tiến lại chỗ để các vòng hoa tươi nhón lấy một nhánh hoa huệ. Sinh thời, ông ngoại tôi chỉ thích màu đỏ nên thoạt đầu tôi đã định cầm lấy một nhánh huệ đỏ nhưng bỗng nhiên tôi lại nhớ ra cái màu đỏ chỉ toàn gây cho tôi một ấn tượng xấu của những tâm hồn cứng cỏi khô khan và màu đỏ hình như chỉ mang lại cho tôi những kỷ niệm đau buồn trong suốt cuộc đời nên tôi đã chọn lấy một nhánh hoa huệ trắng ném xuống huyệt và khẽ thầm thì: "xin hãy nghỉ yên trong sự bình an" 


Dù sao thì tất cả bây giờ cũng đã là dĩ vãng và tôi muốn tình cảm của tôi đối với ông tôi vẫn cứ là trong sáng như những ngày xưa tôi còn bé ở miền quê ngoại. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment