Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Sunday, February 17, 2013

Tìm Một Niềm Tin [30]

Ký sự Tùy bút

30.- TỪ LÊN ÐƯỜNG TRỞ THÀNH XUỐNG ÐƯỜNG  
Không biết hai tiếng xuống đường thực sự do đâu và có từ lúc nào nhưng cũng vẫn cái anh chàng Lưu công hồi còn học chung ở Chu Văn An có lần kể cho tôi nghe là hai tiếng ấy phát sinh ở Hà Nội vào đầu thập niên 1950 khi mà các thành phố Hà Nội và Sài gòn còn bị quân đội Pháp chiếm đóng và thường có những cuộc biểu tình của học sinh xảy ra. Gọi là xuống đường vì học sinh, sinh viên thường ở trọ trên gác cho nên lúc rủ nhau đi biểu tình thì họ phải xuống gác để ra đường, từ đó mà nảy ra hai tiếng xuống đường có nghĩa là đi biểu tình. Không biết lối giải thích tìm về nguồn gốc theo kiểu ấy của anh bạn có chính xác không nhưng dù sao thì hai tiếng đó cũng mang lại cho tôi một hình ảnh rất gợi cảm, đồng thời nó cũng gây cho tôi vài suy nghĩ về những hành động gọi là xuống đường hay lên đường của tuổi trẻ qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. 
 
Vào thời kỳ khởi nghĩa 1945, lúc ấy tôi hãy còn là một học sinh bé nhỏ của một ngôi trường dòng ở Qui Nhơn, chưa hiểu tí gì về những chuyện như đi làm Cách Mạng, giành Ðộc lập, xây dựng Tự Do và Dân Chủ v.v..., nhưng khi chứng kiến những người thuộc thế hệ cha anh hăng say tham gia công cuộc phá bỏ cái xã hội cũ để xây dựng một xã hội mới mà ai cũng tin là sẽ tốt đẹp hơn, tôi cũng thấy mình náo nức theo. Nhiều bài ca cổ võ cho Cách Mạng mà các sư huynh tập cho bọn học sinh nhỏ như chúng tôi hát vào thời ấy từng làm tôi xúc động cho nên tôi đã thuộc và nhớ mãi, trong đó có bài hát Lên đường của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã một thời vang vang khắp nơi:
 
Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường, mang nguồn tươi sáng
Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông từ đây, vang tiếng Lạc Hồng... 
 
Dĩ nhiên là một học sinh bé nhỏ tôi chưa phải lên đường nhưng khi nhìn những người như anh Ðài hãnh diện trong bộ đồng phục Vệ quốc đoàn, tôi thấy mình cũng đã trầm trồ ngưỡng mộ. 
 
Kể từ ngày ấy, lớp người đã từng hăng say hát bài ca trên, biết bao người đã gục ngã trong khi lên đường phụng sự cho niềm tin của mình. Nhưng cũng có không biết bao nhiêu người bỗng một lúc nào đó chợt nhận ra niềm tin của mình đã bị lừa dối và nhiệt tình của mình bị lợi dụng khi ý thức được rằng: cuộc Tổng khởi nghĩa Mùa Thu chỉ là một sự cướp công toàn dân của Việt Minh để độc chiếm chính quyền, và cuộc Cách mạng mà Việt Minh đang nỗ lực hô hào chỉ là một sự áp đặt chủ nghĩa Cộng sản lên dân tộc, cũng như cuộc chiến tranh giành độc lập của toàn dân chỉ là cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt chủ nghĩa Tư bản của nhóm người tôn thờ chủ nghĩa Mác Lê. Chính vì sự tỉnh ngộ đó mà rất đông những người không cộng sản đã buộc lòng tìm cách rời bỏ hàng ngũ kháng chiến để quay về thành sống chung với kẻ thù Thực dân ít nguy hiểm hơn hầu mong tìm một con đường giải cứu khác. 
 
Nhưng những con đường quê hương rộng mở không còn mà những người có tinh thần Quốc gia khi trở về sống co cụm trong mấy cái thành phố, lớp bị Thực dân đế quốc chèn ép, lớp bị Việt Minh Cộng sản kết án là phản bội dân tộc để đi làm tay sai cho giặc nên cái chính nghĩa Quốc gia vẫn cứ là một cái gì rất mơ hồ, không lôi cuốn được tuổi trẻ lên đường mà chỉ còn biết vận động tuổi trẻ xuống đường, đấu tranh quanh quẩn trong các thành phố để mà hoan hô hay đả đảo. Kết quả là sau chín năm chiến tranh tang tóc, đất nước thì bị qua phân và lòng người thì ly tán. 
 
Vào thời kỳ đất nước mới bị phân chia, tình hình Miền Nam còn nhiều xáo trộn vì quân đội Pháp chưa rút hết và tình trạng sứ quân vẫn còn, học sinh sinh viên cũng có những lần tham gia xuống đường để chống Thực dân, đả đảo Cộng sản, chống Hiệp thương, truất phế Bảo Ðại... nhưng đó không phải là những phong trào của sinh viên học sinh mà chỉ là sự vận dụng lực lượng sinh viên học sinh hỗ trợ cho chính quyền ông Diệm để tranh đấu cho một mục tiêu chính trị lúc bấy giờ. Sau đó, khi tình hình đã đi vào ổn định và Miền Nam trở thành một quốc gia độc lập với những sự phát triển về kinh tế và giáo dục thì người sinh viên học sinh cũng không còn bận tâm đến những chuyện lên đường hay xuống đường nữa mà chỉ lo chú tâm vào việc sách đèn để tạo dựng cho mình một tương lai vững chắc hơn. 
 
Ðến lúc cuộc chiến tranh Quốc Cộng tái phát và chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm với chủ trương chống cộng triệt để, bắt đầu đi vào khuynh hướng độc tôn, và cho thi hành nhiều chính sách có tính cách độc tài khiến cho lòng người bắt đầu sinh bất mãn, rồi lệnh Tổng động viên được ban hành bắt buộc tuổi trẻ lại một lần nữa phải đối diện với chiến tranh, với những vấn đề liên quan đến thân phận mình thì bấy giờ người sinh viên mới lại thấy mình phải nhập cuộc. 
 
Nếu trước đây hai tiếng lên đường mang một ý nghĩa tích cực, nhằm kêu gọi mọi người tham gia vào cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm thì bây giờ lên đường chỉ còn là lời kêu gọi thanh niên tòng quân nhập ngũ chống lại Việt Cộng. Người thanh niên sinh viên Miền Nam ngày nay mang trong tâm hồn một chút ý thức về nhân bản, đứng trước cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn họ cũng không tránh khỏi thấy lòng mình có ít nhiều bất nhẫn. 
 
Chính vì thế mà người sinh viên đã có nhiều thái độ hay hành động cũng rất là nghịch lý. Trường đại học là nơi đào tạo trí thức cho đất nước thì đồng thời đó cũng là một chỗ cho các thanh niên dựa vào luật động viên để tạm thời trì hoãn sự đi lính, và trường đại học cũng là cái kho nhân lực cho những thế lực chính trị hay khuynh hướng đảng phái nhằm vào để khai thác và lợi dụng. Tuổi trẻ không thích cầm súng lên đường ra chiến trường để bảo vệ cho chế độ họ đang sống, cũng không muốn lên đường ra bưng hay vào rừng theo Việt cộng, nhưng cũng không hài lòng với cái xã hội hiện tại, nên vô tình cứ để cho các thế lực chính trị lôi cuốn vào những cuộc xuống đường. 
 
Trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, những cuộc xuống đường của sinh viên học sinh hãy còn mang tính cách rời rạc. Ðến lúc bước qua giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh để lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm, tuy có sự tham gia tích cực của thành phần sinh viên học sinh nhưng lực lượng chủ yếu vẫn là khối tăng ni và nam nữ tín đồ Phật giáo thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Chỉ từ khi Hội đồng Quân nhân Cách mạng lên nắm chính quyền thì hiện tượng sinh viên xuống đường mới trở thành một phong trào rộng lớn thực sự. 
 
Cuộc đảo chánh tuy lật đổ được chế độ nhà Ngô nhưng nhóm tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh thực ra chỉ dùng sức mạnh của quân đội trong tay họ để thừa hành một ý đồ chính trị của ngoại bang chứ không phải là những người chủ động đứng ra làm một cuộc cách mạng thật sự, cho nên khi đảo chính xong thì họ cũng không biết làm sao để lãnh đạo đất nước, khiến cho guồng máy quốc gia bị rối loạn, hàng ngũ Quốc gia lại bị phân hóa. Ðứng trước những thử thách đó, người sinh viên lại một lần nữa ý thức về vai trò và sức mạnh của mình nên không thể không dấn thân vào trong cơn biến động này. 
 
Mặc dù đảo chính xong thì tướng Dương Văn Minh được bầu làm Quốc trưởng nhưng thực ra đó chỉ là một hư vị còn quyền hành đều nằm trong tay nhóm tướng lãnh. Các tướng tham gia cuộc đảo chánh như tướng Kim, tướng Ðôn, tướng Xuân... vốn thân Pháp nên có khuynh hướng cầu thân với chính phủ De Gaule của Pháp để trung lập hóa miền Nam theo giải pháp trung lập do chính phủ Pháp khởi xướng. Ðiều này khiến cho người Mỹ lo sợ ảnh hưởng của người Pháp sẽ phá vỡ kế hoạch an ninh của Mỹ ở vùng Ðông Nam Á nên đã dùng tướng Khánh đứng ra làm một cuộc chỉnh lý rồi bắt tất cả các tướng thân Pháp quản thúc tại gia và sau đó là đem ra tòa án quân sự.
 
Do những tranh chấp chính trị có tính chất quyết định vận mệnh của Miền Nam này đã khiến cho sinh viên cũng bị lôi cuốn theo và nhập cuộc. Nếu có một số sinh viên khuynh tả hay chịu ảnh hưởng của người Pháp nên cho rằng trung lập hóa là con đường dẫn đến hoà bình thì cũng có những sinh viên khác mà gia đình từng trải qua những kinh nghiệm đau thương dưới chế độ Cộng sản thì lại cương quyết chống đối vì cho rằng trung lập chỉ là chiêu bài cọng sản dùng để thôn tính Miền Nam bằng con đường chính trị mà thôi. Ðiều này dẫn đến tình trạng hết phe này hô hào biểu tình tới nhóm kia kêu gọi bãi khóa, tổ chức những cuộc đình công bãi thị, khiến cho đời sống của người dân càng ngày càng bị khó khăn thêm vì những hậu quả của nó như vật giá leo thang, đầu cơ tích trữ và nạn lạm phát bắt đầu. 
 
Nếu trong khi Phú, Hi con chú Cọp, hoặc Mân con dì Phiên và một số bạn bè sinh viên của tôi xuống đường đấu tranh loạn xà ngầu thì vài bạn bè hoặc người thân khác như cậu Kiên, thằng Lâm lại không ngớt lặn lội ngoài chiến trường, đối đầu với cái chết. Kể về vai vế thì cậu Kiên và tôi là cậu cháu nhưng trên phương diện tuổi tác và hoàn cảnh thì cậu Kiên và tôi chỉ là hai thằng bạn có những nỗi buồn giống nhau cho nên có thể thông cảm cả những u uẩn trong tâm hồn. 
 
Cậu Kiên vốn mang trong lòng hoài bão giải phóng quê hương khỏi chế độ Cộng sản độc tài, nên đã tình nguyện vào trường Võ bị khi vừa tốt nghiệp xong Tú Tài. Thời gian này quân trường Võ bị vừa được cải tổ chương trình huấn luyện thành 4 năm, nhưng sau khi ông Diệm vừa bị lật đổ thì mặc dù khóa học chưa mãn cũng bị chính phủ của tướng Minh cho ra trường luôn. Cậu vừa mới ra đơn vị được vài tháng thì tôi đã nhận được một lá thư nhắn vào thăm cậu ở Quân y viện Cộng Hoà. Tôi vào Quân y viện tìm đến chỗ cậu nằm ở khu ngoại khoa thì thấy cậu mặc bộ đồ xanh bệnh nhân nhưng thân thể vẫn có vẻ lành lặn nên hơi ngạc nhiên, nhưng khi cậu kéo hai ống quần lên cho tôi xem tôi mới thấy hai chân cậu đầy những vết thương do mìn. 
 
Mặc dù tướng Khánh đưa ra chiêu bài Bắc tiến để tranh thủ sự ủng hộ của những người tích cực chống Cộng nhưng tướng Khánh cũng không phải là người có khả năng lãnh đạo về chính trị nên lúc đưa ra bản Hiến chương thường gọi là Hiến Chương Vũng Tàu có tính chất quân phiệt và độc tài thì gặp ngay sự chống đối mạnh mẽ từ mọi giới. Có thể nói cao điểm của phong trào sinh viên học sinh xuống đường là lần đấu tranh tại phủ Thủ Tướng để đòi hủy bỏ bản Hiến chương này. Khí thế của sinh viên lên cao đến nỗi tướng Khánh đành phải ra tiếp xúc với sinh viên để tuyên bố hủy bỏ bản Hiến chương trên và cùng hô đả đảo chính mình với sinh viên. Tướng Khánh bị lật đổ và bị Hội đồng tướng lãnh buộc phải lưu vong nhưng trước khi lên máy bay rời khỏi nước còn cố diễn thêm màn kịch chót là ôm theo một nắm đất quê hương. Những thái độ và hành động gần như khôi hài này đã khiến cho những mẫu người anh hùng cũng không còn chỗ đứng trong tâm hồn tuổi trẻ. 
 
Thật tình tôi cũng rất cảm mến cái nhiệt tình năng nổ của các bạn bè sinh viên của tôi nhưng những cuộc xuống đường đả phá như lâu nay chỉ cho tôi thấy thế hệ tuổi trẻ của tôi đang lâm vào một cơn khủng hoảng niềm tin và những hành động họ làm chỉ tạo thêm đổ vỡ chẳng khác gì ngày xưa thế hệ cha anh của tôi từng lên đường nhưng rốt cuộc chỉ mang lại cho đất nước một cuộc chiến tranh tàn khốc, một lần đất nước bị qua phân, bao nhiêu gia đình tang tóc và ly tán, còn lòng người nếu không phải chỉ biết mù quáng đuổi theo một ảo tưởng nào đó để cứ mãi mãi vong thân thì cũng chất chứa hận thù vì những đau thương hay bất công từ phía bên này hay phía bên kia mang lại. 
 
Trong thời gian này, tình hình quân sự tại miền Nam càng ngày càng suy thoái đến độ người Mỹ buộc lòng phải tham chiến trực tiếp và mở đầu bằng chiến dịch oanh tạc Bắc Việt hòng chận đứng sự tấn công của Việt cộng ở Miền Nam. Ðể tranh thủ lòng người và kích thích tinh thần quân đội Miền Nam, không quân Việt Nam cũng được cử tham gia vào các cuộc không tập Miền Bắc. Phạm Phú Quốc là một trong hai viên phi công đã từng ném bom xuống dinh Ðộc Lập trước đây, nhân dịp này cũng được phái đi thực hiện một phi vụ oanh tạc ở Vinh nhưng lúc trở về đã bị cao xạ phòng không Bắc Việt bắn hạ ở phía bắc vĩ tuyến 17. 
 
Lần ném bom dinh Ðộc Lập ba năm trước, máy bay của Phạm Phú Quốc cũng bị cao xạ từ tàu Hải quân đậu ở bến Bạch Ðằng bắn hạ rơi xuống sông Sài gòn và anh đã nhảy dù thoát chết nhưng sau đó thì bị bắt và bị cầm tù cho đến khi chính phủ Ngô Ðình Diệm sụp đổ mới được thả ra và trở về phục vụ trong quân đội. Lần ấy hành động của anh tuy gây được tiếng vang nhưng không tạo cho anh thành người hùng. Lần này sự hy sinh của anh trên đất Bắc bỗng nhiên lại gây được một sự cảm kích trong lòng người nhạc sĩ Phạm Duy nên ông ta đã sáng tác ra bản Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc như một hình thức muốn huyền thoại hóa cái chết của người phi công. 
 
Qua bao lần những thần tượng liên tiếp bị đổ vỡ đã làm cho những hình ảnh cao cả của con người cứ ngày càng bị xoá nhòa thì đột nhiên cái hình ảnh của một sự hy sinh được tô điểm vì tình yêu Tổ quốc này chợt như đáp lại nỗi trống vắng những hình ảnh anh hùng thần tượng trong lòng người dân Miền Nam và nhờ thế mà bản nhạc bỗng nhiên trở thành phổ biến đến nỗi gần như đi đâu người ta cũng nghe bài ca ấy: 
 
Ngày xưa khi anh vừa khóc vào đời
Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời
Ðặt tên cho anh, anh là Quốc
Ðặt tên cho anh, anh là nước
Ðặt tên cho người, đặt tình yêu nước vào nôi... 


Chiến tranh càng leo thang thì số sinh viên học sinh bị động viên càng nhiều. Người sinh viên học sinh bây giờ đứng trước thực trạng phải xác định lại thân phận của mình để giã từ những chuyện "xuống đường" vì những sự đổ vỡ của niềm tin để "lên đường" chiến đấu cho một quê hương tang tóc trong một cuộc chiến tranh phi lý như hiện nay có lẽ như cũng muốn tìm nơi bài hát ca ngợi người phi công bạc mệnh này một chút gì an ủi cho lòng mình đang cần có được chút niềm tin: 
 
...Anh Quốc ơi! Từ nay trong gió xa khơi
Từ nay trong đám mây trôi
Có hồn anh trong cõi lòng tôi
Anh Quốc ơi ! Nghìn thu anh nhớ tới tôi
Thì xin cho Thái Dương soi
Nước Việt Nam sáng rọi muôn đời...


Và tiếng súng chen lẫn tiếng bom đạn lại tiếp tục rền vang trên khắp quê hương...

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment