29.- GIỜ THỨ
25 CỦA
NHỮNG NGƯỜI HƠN MỘT LẦN TRỐN CHẠY
NHỮNG NGƯỜI HƠN MỘT LẦN TRỐN CHẠY
Nếu như mọi chuyện trong cái xã hội này cứ trôi chảy bình thường thì sinh viên các trường Ðại học cũng đã vào niên học mới từ hơn cả tháng nay, nhưng chỉ vì mấy vụ tranh đấu, xuống đường, đảo chính cứ làm cho rối mù cả lên khiến cho học sinh, sinh viên năm nay bị bắt buộc hưởng một kỳ nghỉ hè quá dài, do đó mà sau khi đã lật đổ xong ông Diệm thì các trường cũng được cho mở cửa lại ngay. Tôi về tới Sài gòn thì cũng là lúc trường Văn Khoa bắt đầu cho ghi danh niên học mới nên vừa trở về ngày hôm trước là hôm sau tôi cũng lò dò ra trường như không hề có gì xảy
ra.
Thành phố không lưu lại dấu vết gì của những cuộc giao tranh đụng độ như lần đánh Bình Xuyên năm xưa, ngoại trừ pho tượng Hai Bà Trưng ở công viên đầu đường Hai Bà Trưng nhìn ra bến Bạch Ðằng đã bị đám biểu tình quá khích kéo đổ, viện cớ pho tượng này nhằm tôn vinh bà Ngô đình Nhu chứ không phải Hai Bà Trưng vì lẽ khuôn mặt của Hai Bà giống hệt khuôn mặt phu nhân của ông Cố vấn. Phố xá cũng đã sinh hoạt lại bình thường, chỉ vắng đi những bức chân dung Ngô Tổng Thống ở các nơi công cọng và các biểu ngữ cổ vũ cho các chính sách của chế độ Ngô Ðình
Diệm.
Những cuộn dây kẽm gai quanh khu dinh Gia Long cũng đã dẹp hết và không còn Cảnh sát Dã chiến canh gác quanh khu vực như trước. Khuôn viên dinh và các cấu trúc vẫn còn nguyên vẹn ngoại trừ một số vết đạn lỗ chỗ. Còn khu nhà tiền chế bên Ðại học Văn khoa bây giờ cũng không còn bị phong tỏa nữa vì dinh Tổng Thống nay coi như bỏ trống. Sau cuộc đảo chính thì quyền hành do các tướng lãnh nắm giữ nên những cuộc hội họp bàn định đều xảy ra tại Bộ Tổng Tham Mưu.
Gặp lại bạn bè cũ, ai cũng có vẻ như thở phào nhẹ nhõm sau bao nhiêu tháng trời sống trong sự căng thẳng. Dù sao thì cuộc đảo chánh thành công cũng đã giải tỏa xong những gì uất ức ở trong lòng của những kẻ tự cho mình có uất ức, còn kẻ nào có thương tiếc nhà Ngô thì cũng chỉ biết để trong lòng. Riêng tôi, cái cuộc hành trình để đi tìm cho mình một lối thoát khỏi cái xứ sở khốn khổ này lại đụng nhằm lúc phong ba nổi lên thổi bay về ngõ cụt thì chỉ mới có một số người thân hoặc có liên hệ trong vấn đề là biết đến, cho nên nay sự thể đã khác rồi, tôi cũng chẳng buồn kể lại với bạn bè làm chi.
Làm xong thủ tục ghi danh thì cũng rảnh rỗi nên theo thói quen cũ, tôi lại ghé ra sạp báo anh Ðạt đọc ké báo. Vừa thấy tôi, anh Ðạt hỏi ngay sao lâu nay không thấy tôi ghé lại và rút ngay một tờ Newsweek số mới ra lật lật và chỉ cho tôi xem. Tôi đã nhìn thấy tờ tạp chí Mỹ có đăng một bức hình chụp bên trong chiếc thiết vận xa có ông Diệm và ông Nhu nằm chết co quắp. Tấm ảnh tuy không được rõ ràng lắm nhưng bài tường thuật của người phóng viên Mỹ cho biết thì ngoài các vết đạn bắn còn có những vết dao đâm trên thân thể của hai ông. Ðiều này làm cho tôi cảm thấy vô cùng bất nhẫn và chợt nhớ lại một câu trong lời Hiệu triệu gởi quốc dân của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trước đây:
"Tôi tiến, đồng bào tiến theo tôi, tôi lùi đồng bào lùi, nếu tôi
chết, đồng bào hãy trả thù cho tôi". Phải chăng đó là lời trăn
trối trước của một kẻ biết rằng con đường mình đi sẽ
dẫn vào tử địa.
Mặc dù là người ta có thể tố cáo Ngô triều là phong kiến, là độc tài, là gia đình trị, là muốn ki tô hóa dân tộc Việt Nam v.v..., cũng như người ta có thể nói ông Nhu là người thủ đoạn, kiêu ngạo hay là gì gì đi nữa, nhưng người ta vẫn phải nể cái uy tín lãnh đạo của hai ông cũng như không thể kết án hai ông là những kẻ phản bội tổ quốc cho nên cái chết bất thường của hai ông Diệm và Nhu vô tình tạo ra một cuộc khủng hoảng lãnh đạo chính trị và Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng cứ lúng túng trong việc giải quyết vấn đề nên không ai dám minh bạch hóa vụ sát nhân này.
Mới đầu có giả thuyết cho là vì tư thù nên tướng Xuân đã ra lệnh giết hai ông Diệm và Nhu nhưng nhân chứng lịch sử là viên đại úy Nhung, người sĩ quan tùy viên của tướng Minh và là người được lệnh đi đón hai ông Diệm và Nhu thì đã đem hai cái xác chết về trình diện, vừa được cho thăng Thiếu tá thì cũng bị bắn chết ngay trong một cuộc họp của các tướng lãnh tại Bộ Tổng Tham mưu để ém nhẹm luôn đầu mối thành thử sự thật như thế nào không làm sao biết được một khi người ra lệnh không công khai nhìn nhận điều mình làm. Hung thủ đã bị cho đi theo nạn nhân về bên kia thế giới để cho tội ác không còn bị phanh
phui.
Tuy nhiên, cho dù là ai đã ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Nhu thì phần trách nhiệm sâu xa vẫn được nhiều người quy về cho Tổng Thống Mỹ Kennedy và Ðại sứ Cabot Lodge, những kẻ chủ mưu đảo chính ông
Diệm, mặc dù cả hai vị này đều tỏ ra hối tiếc về hành động sát nhân bất ngờ đó. Chính vì thế mà chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát ở Hoa Kỳ và hung thủ sau khi bị bắt thì cũng bị ám sát để bịt luôn đầu
mối, nhiều người mến ông Diệm lúc nghe tin này đã bàn tán với nhau phải chăng đây chính là một sự quả báo.
Mặc dầu sau khi đảo chánh
xong, các tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh cho thành lập Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng để điều khiển quốc
gia, và cử tướng Dương Văn Minh làm Quốc Trưởng, nhưng vì các tướng lãnh không ai đủ tài năng và uy tín lãnh đạo cho nên tình hình chính trị rơi vào một cơn rối loạn chưa từng
thấy. Hết đảo chính, tới
"chỉnh lý" rồi "biểu dương lực lượng"... toàn là những danh từ kêu vang vang mà thực chất chỉ là cái trò đem quân ra hù nhau để tranh nhau cái ghế lãnh đạo, và sau mỗi lần như thế thì lại có một số bị đi đày hay cho về nhà ngồi chơi xơi nước, còn một số thì tự lên cấp cho nhau và chia nhau mấy cái ghế khập
khiểng.
Tướng đã bị lạm phát nhưng vẫn còn
chưa đủ vì còn nhiều người muốn mình cũng phải là tướng nên người ta phải chế thêm cấp chuẩn tướng, mà hễ là tướng thì phải có hiệu kỳ và theo quy ước thì cờ là nền đỏ và sao màu trắng nhiều ít tùy theo
cấp. Vì Thiếu tướng là hai sao cho nên bây giờ thêm cấp chuẩn tướng người ta đành bớt đi một sao cho hợp lẽ thành thử khi người dân nhìn cái hiệu kỳ chuẩn tướng từ xa xa không phân biệt được trắng với vàng thì thấy nó cũng chẳng khác nào cờ đỏ sao vàng của Việt
cộng.
Trong lúc cái dinh Quốc trưởng hay phủ Thủ tướng chả có chút uy quyền gì cả vì hết chính phủ này tới chính phủ khác liên tiếp thay nhau như những tiết mục trình diễn trên sân khấu một đại nhạc hội thì cái Toà Ðại sứ Mỹ lại trở thành cái dinh tập trung quyền
lực. Cái cơ sở cũ của tòa Ðại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi nằm sát bên mấy cái ngân hàng và cơ sở thương mại từ ngày bị đặc công Việt cộng đặt bom nổ
cách đây mấy năm làm chết mấy nhân viên thì không còn được xử dụng làm
trụ sở toà Ðại sứ nữa mà chính phủ Mỹ đã cho xây luôn một cái toà Ðại sứ mới đồ sộ và kiên cố nằm trên đại lộ Thống
Nhất. Từ đó toà Ðại sứ tha hồ
hết khống chế cái dinh Tổng Thống thì lại đến cái Phủ Thủ Tướng nằm ở hai đầu đường. Các chính khách đua nhau lui tới để thỉnh ý, xin
xỏ, cầu cạnh và ngài Ðại sứ Mỹ lúc này chẳng khác nào một ông quan Toàn Quyền thời Tây hay quan Thái Thú thời Bắc
thuộc.
Cũng vì thiếu một nhân vật đầy đủ đức độ và uy tín để lãnh đạo nên từ tướng tá tới chính khách đua nhau tranh giành, kéo bè kết cánh tạo ra một tình trạng hỗn độn ngay từ trung ương. Nào là phân biệt người Nam với người
Bắc, kỳ thị Công Giáo với Phật Giáo, moi móc đảng này với đảng
kia, kèn cựa giữa dân sự với quân sự, nhưng gay cấn nhất là sự tranh chấp giữa chính quyền với tôn giáo.
Hầu hết các ông tướng tá đang xưng mình là Cách mạng thì trước đây nếu không là
"con nuôi cụ" thì cũng "Cần Lao ăn có" cho nên bây giờ dù nhờ cơ hội mà nắm được chính quyền thì cũng còn vướng chút mặc cảm nào đó nên cứ bị cả Phật giáo lẫn Công giáo làm áp lực đòi hỏi này
nọ. Ðể tránh bị Phật giáo hài tội và Công giáo trách móc, mấy ông quân nhân này cứ phải xoay ra nhân nhượng cũng như không dám có thái độ mạnh đối với bất cứ tôn giáo nào cho nên người dân lúc ấy có câu:
"Nhất sư nhì cố".
Sôi động nhất là những vụ biểu tình dẫn đến đụng độ và đổ máu giữa Phật giáo
Ấn Quang và Công giáo di cư. Xưa Phật Thích ca thấy chúng sinh cứ trầm luân trong vòng khổ
lụy, đã từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú qúy để tìm ra con đường giải thoát nên mới dạy chúng sinh đừng tham sân si nữa mà hãy sống từ bi hỉ xả thì nay người ta lại nhân danh bảo vệ Phật pháp để đâm lòi ruột kẻ nào dám thách thức
ta. Còn lời Chúa Giê su xưa dạy môn đệ:
"Nếu kẻ nào tát má phải của con thì con hãy đưa luôn má trái cho người ta tát" thì người Ky tô hữu ngày nay lại thể hiện đức bác ái theo cách thức nếu kẻ nào tát má ta thì ta phải bửa luôn cái đầu nó ra thì mới hả
dạ. Thế là hai bên cứ việc choảng nhau chí tử, xong rồi mỗi bên đua nhau phong thánh cho các
"anh hùng tử vì đạo" của phe mình, lại còn đòi chính quyền phải cho tống táng thật long
trọng. Trong khi đó thì Việt cộng cứ càng ngày càng tiến sát vào thành phố mà chẳng ai làm gì được
cả.
Cũng vì cái bản tính thâm thù nhau này mà trong cuộc đảo chính nhà Ngô, ông Diệm và ông Nhu đã bị sát hại một cách âm thầm và tức tưởi, và sau đó những người có mối thâm thù với nhà họ Ngô vẫn chưa nguôi cơn hận nên đã làm áp lực với chính quyền quân nhân để dứt điểm nhà họ Ngô bằng cách phải đem ông Cẩn ra xử tử
nốt.
Thế là nhà họ Ngô ngoại trừ ông
Ngô Ðình Khôi và người con trai đã từng bị Việt Minh sát hại
vào thời kỳ Khởi nghĩa năm 45, nay chỉ còn ông Ngô Ðình Luyện không có gì xuất sắc vì chỉ làm đại sứ ở Anh suốt thời gian ông Diệm cầm quyền cho nên cũng không có gì tạo thành ân oán, ba người con của ông Nhu được tha cho đi ngoại quốc gặp
mẹ, mấy người khác như Ðức cha Ngô Ðình Thục,
người từng gây sóng gió với phe Phật giáo thì đã bị buộc phải
tạm lánh qua La Mã sau khi vụ Phật giáo bùng nổ, và bà Ngô Ðình
Nhu, người từng bị dư luận đàm tiếu nhiều nhất thì nhờ đang đi
giải độc dư luận ở Mỹ không có mặt ở trong nước cho nên
mới thoát khỏi cơn tàn sát này.
Cơn khủng hoảng chính trị kéo theo sự thất bại về quân
sự. Cùng với sự sụp đổ của chế độ Ngô Ðình Diệm là sự sụp đổ của chính sách ấp chiến lược và sự tan rã của các lực lượng chống Cộng ở hạ tầng cơ
sở. Từ khi có kế hoạch xây dựng ấp chiến lược thì nhiều vùng nông thôn bị cộng sản chiếm trước đó cũng đã bình định lại được, nhưng nay với chủ trương bỏ ấp chiến lược đã khiến cho Việt cộng thừa cơ lấn chiếm trở
lại. Lực lượng tự vệ địa phương thiếu sự chỉ đạo chẳng khác nào rắn mất đầu, nên một khi bị Việt cộng tấn công thì chỉ bỏ chạy nếu không thì cũng chỉ chiến đấu rời rạc và bị Việt cộng tiêu diệt vì thiếu yểm
trợ.
Ngoài ra vì thiếu chính sách cũng như thiếu sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương nên chính quyền địa phương ở nhiều nơi cũng lỏng lẻo
theo. Bình Ðịnh vốn là nơi đã trải qua bao đời đau khổ vì đủ thứ nạn do trời có, do người có, giờ đây cũng đang lâm vào một tình trạng bi đát.
Ủy ban Cứu Quốc ra đời gây náo động thành phố biển và các quận trong
tỉnh. Chỉ nghe cái tên gọi cũng đủ cho người dân từng sống dưới chế độ cộng sản nổi da gà vì họ cũng thừa hiểu núp dưới cái chiêu bài ấy là ai
rồi.
Ủy ban Cứu quốc lợi dụng mấy ông quân nhân yếu kém về chính trị để gây áp lực với chính quyền và đi lùng bắt những người thuộc đảng Cần Lao hay hài tội những người làm mật vụ cho ông
Cẩn. Rất nhiều chú bác có thành tích chống Cộng phải bỏ tỉnh nhà chạy vào các tỉnh trong Nam lánh
nạn, trong số đó có cả chú Bảy Quận trưởng quận Phù cát.
Riêng ở nông thôn thì tình trạng còn bi đát hơn. Tại xóm đạo Gò Xoài, nơi tôi đã sống những ngày thơ
ấu, cả một trung đội tự vệ bị Việt cộng tấn công đã tự mình chiến đấu cầm cự cho tới khi hết đạn phải đầu hàng thì bị Việt cộng tràn vào giết
sạch. Nghe tin này tôi rất xúc động vì xót thương cho những người đã có với tôi một thời kỷ
niệm, nhưng bao năm qua tôi đã đi xa còn họ vẫn tiếp tục gắn bó với mảnh vườn dừa và những luống khoai mì vui đời cần lao chỉ vì lúc nào cũng tha thiết với nếp sống hiền hòa của cái quê nghèo này, đến nay thì tan nát
hết. Một số gia đình nữa thì sau cơn loạn lạc đã phải tìm vào Qui Nhơn hay Sài gòn lánh nạn như gia đình bà cụ Trương, cô Mươi
v.v...
Cũng trong thời gian này, Việt cộng đã
lợi dụng tình hình an ninh suy thoái để ám sát và thủ tiêu không biết bao nhiêu cán bộ cơ sở hạ
tầng. Dượng Ba, người đã từng tổ chức cho chú Cọp và chú Uyển vượt tuyến về thành thời kháng chiến nên sau đó đã bị Việt Minh cầm tù cho đến ngày có Hiệp định đình chiến mới được
thả. Sau ngày Quốc gia tiếp thu tỉnh nhà, dượng lại tham gia giúp cho chính quyền địa phương vững mạnh nên lần này dượng đã bị Việt cộng đón đường bắt cóc và dẫn đi thủ tiêu luôn.
Anh Bảy, người thanh niên yêu nước từng là bộ đội Nam bộ kháng chiến đánh Tây rồi bị thương được cho phục viên về sống ở Tam
Quan, nhưng vẫn hào hiệp cưu mang tôi, và dạy cho tôi nghề hớt tóc vào cái thời mà cả Liên khu V đang đói khổ vì chiến
tranh, đấu tố. Khi chính quyền Quốc gia tiếp thu tỉnh Bình Ðịnh, anh Bảy đã trở thành xã trưởng Tam Quan và rất tích cực trong công tác chống
cộng. Chính vì thế mà khi cơ cấu an ninh địa phương bị phá
vỡ, anh cũng đã bị Việt cộng tìm bắt và sát hại
một cách rất dã man.
Chính vì những hậu quả không lường trước
do cuộc đảo chính ông Diệm mang lại mà khi Tổng thống Kennedy bị ám sát và Phó Tổng thống Johnson lên kế
vị, có tuyên bố việc giết ông Diệm là thất sách đi nữa thì đó cũng là sự đã
rồi. Tình hình chính trị càng ngày càng nát bét và tình hình an ninh càng ngày càng thêm nguy ngập đến nỗi nhiều người lo âu và đồn đãi với nhau về một giải pháp cho số người công giáo di cư lại làm một chuyến di cư nữa sang
Úc. Tin đồn này đã làm xôn xao dư luận trong giới di cư một dạo cho đến khi người Mỹ khởi sự tham chiến trực tiếp vào Miền Nam thì mới chấm
dứt.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment