Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 20, 2013

Tìm Một Niềm Tin [3]

Ký sự Tùy bút 

3.- CHƯA KỊP BẮT TAY ÐÃ THẤY QUAY LƯNG LẠI

Vốn là cựu chủng sinh công giáo nên khi ra tới Tam kỳ, hai anh thanh niên đồng hành liền kéo tôi ghé vào nhà thờ sở tại định xin cha sở cho nghỉ tạm một hôm thì cũng nhằm lúc ông tỉnh trưởng Quảng nam vào đây kinh lý đang có mặt ở đó, nhờ thế mà khi ông tỉnh trưởng nhận ra một trong hai anh thanh niên kia vốn thuộc một gia đình cũng là họ hàng với mình hiện ở Ðà Nẵng, ông đã cho chúng tôi tháp tùng về Hội an. Thế là chiều hôm đó chúng tôi lại leo lên chiếc Land Rover ngồi chung với mấy người lính đi hộ tống, tiếp tục cuộc hành trình vượt thêm một đoạn đường dài nữa. 


Trời tối đã lâu lắm đoàn xe mới về tới Hội An và chạy thẳng vào dinh tỉnh trưởng nên tối hôm ấy chúng tôi được ông tỉnh trưởng cho nghỉ lại trong dinh và được cho ngồi dùng cơm chung. Dù ông tỉnh trưởng có tỏ ra vẻ bình dị nhưng nhìn cung cách trong dinh, tôi nhận thấy chung quanh tôi là cả một rừng lễ nghi phong kiến mà tôi đã quên mất từ lâu, còn những người phục dịch trong dinh thì hình như cũng ngạc nhiên lắm khi thấy ông tỉnh trưởng lại bỗng nhiên mang về mấy người khách lạ từ bên kia kèm thêm một tên thiếu niên bộ dạng lôi thôi lếch thếch như thế này. Ðiều này khiến cho tôi thấy mình đâm ra như có mặc cảm với thân phận. Chính vì thế mà bữa cơm ấy tôi ăn chẳng ngon lành tí nào cả. 


Sáng hôm sau, đợi lo xong cái bổn phận cám ơn và chào từ giã ông tỉnh trưởng rồi là hai anh thanh niên liền dẫn tôi ra phố để đến trại tiếp đón người mới hồi cư làm thủ tục và xin cấp giấy tờ tùy thân. Có lẽ do cái mặc cảm từ khi tiếp xúc với người của xã hội bên đây khiến cho tôi bỗng nảy sinh ý định nhân dịp này thử thay tên đổi họ, tạo cho mình một lý lịch giả để làm một con người bình thường trong một xã hội mới không ai biết quá khứ xem sao, thế nhưng, vừa ra đến phố chưa kịp cân nhắc lại dự tính của mình thì đã thấy mình lại bị quá khứ ràng buộc rồi. 


Hội an tức là Phố Hiến mà ngày nào học lịch sử tôi vẫn tưởng tượng như một nơi đông đúc phồn thịnh như câu tục ngữ "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố hiến", không ngờ lại quá nhỏ bé và cũ kỹ. Phố xá không nhiều mà đường phố thì hẹp đến nỗi có nhiều con phố không thể nào hai xe cùng đi lọt. Do bị quân Pháp chiếm đóng trước khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp thực sự bùng nổ cho nên thành phố vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị tiêu thổ kháng chiến như các thành phố thuộc vùng Việt Minh kiểm soát. 


Không biết trước khi rời Bình định trốn đi, hai anh thanh niên này có được chú bác nào căn dặn đưa tôi về đâu không nhưng trong suốt cuộc hành trình vừa qua, hai anh này chỉ dẫn tôi theo mà không hề giải thích gì cả. Tuy nhiên, hôm nay trong lúc đang tìm đường đến cơ quan tiếp nhận người hồi cư thì hai anh thanh niên tình cờ gặp một người quen và bảo với tôi đó là ông Nghĩa, nguyên giáo sư trường trung học Lê Khiết ở Quảng ngãi, cũng từng bị Việt minh cầm tù vì có liên hệ trong các vụ án chính trị tại Liên khu V. Khi hai anh thanh niên giới thiệu tôi cho ông ta thì lập tức ông ta bảo hai anh thanh niên giao tôi cho ông ta để ông dẫn ra Huế sẽ có người lo cho được tiếp tục ăn học. Thế là tôi được hai anh thanh niên ủy thác lại cho ông Nghĩa ngay tại chỗ.


Trước đây tôi cũng đã từng nghe tên ông Nghĩa dù chưa gặp mặt, tuy nhiên hôm nay gặp nhau đây với cái nhãn hiệu ông ta là bạn đồng chí hướng của cha tôi cũng như tôi mang trong mình cái lý lịch là con của một liệt sĩ đã hy sinh vì chống Cộng thì tất nhiên là người nhà với nhau cả. Chính vì thế mà ông ta đã xưng chú với tôi và tôi cũng gọi ông ta bằng chú mặc dù tôi không biết ông ta thân thiết với cha tôi như thế nào. 


Sau khi chia tay với hai anh thanh niên Bình định, ông Nghĩa mà bây giờ tôi bắt đầu gọi bằng chú liền đưa tôi đến một căn nhà có lẽ dùng làm nơi tạm trú cho các thanh niên từ Quảng ngãi trốn ra vì họ đều nói giọng Quảng. Thấy các thanh niên này đều gọi chú bằng thầy tôi đoán họ đều là đám học sinh cũ của chú ở trường Lê Khiết. Chú gọi một anh trong đám đó lại chỉ tôi và dặn dò anh ta mấy điều xong móc túi đưa cho anh ta một số tiền bảo để lo cho tôi ăn uống và đưa tôi đi may gấp mấy bộ quần áo vì bộ đồ vải ta tôi đang mặc quả tình không phù hợp tí nào với cái xã hội văn minh bên này. Sau đó chú bảo tôi cứ ở tạm đây chờ chú lo xong công việc của chú rồi sẽ lo cho tôi ngay. Dặn dò xong là chú đi và anh thanh niên cũng lập tức dẫn tôi đến một tiệm may âu phục, đồng thời ghé vào một tiệm tạp hóa để mua sắm thêm cho tôi vài món vật dụng cá nhân linh tinh cần thiết .


Suốt mấy năm qua phải chịu cảnh thiếu ăn thiếu mặc, tôi đã quen với kiểu quần xà loỏng áo vải ta thô nên khi vào tiệm may, đứng trước đống vải của chủ tiệm đưa ra cho tôi chọn, tôi chẳng biết chọn vải gì và may kiểu gì. Thấy anh thanh niên dẫn tôi đi đang mặc bộ đồ gabardine áo may theo kiểu túi có nắp và cầu vai trông có vẻ cũng gồ ra phết, tôi bèn nói với chủ tiệm may cho tôi hai bộ giống như vậy. Thế là qua hôm sau khi đóng bộ đồ mới vào và thảy bộ đồ vải ta cũ - chứng tích của người về từ bên kia - vào sọt rác, tôi thấy mình dân chẳng ra dân, cán bộ cũng không phải cán bộ, chỉ mới trút bỏ đi được cái hình ảnh đói rách, nhưng còn cái vẻ ngố thì có lẽ càng ngố thêm. 


Do ở chung với mấy anh thanh niên này mà tôi được biết thêm về chú Nghĩa. Chú vốn là một đảng viên kỳ cựu của QDÐ, và hiện là một trong số các nhân vật có thành tích từ vùng kháng chiến trốn ra và đang được Chính quyền Quốc gia chọn để nắm chức tỉnh trưởng về tiếp thu tỉnh Quảng ngãi. Chính vì thế mà chú cứ phải đi tiếp xúc với cơ quan này nhân vật nọ để lo công chuyện nên những ngày tiếp theo đó tôi không thấy chú Nghĩa ghé lại, còn mấy anh thanh niên thì hình như ai cũng bận rộn lo đi tìm cho mình một cuộc sống mới. Riêng anh thanh niên được chú Nghĩa giao trách nhiệm trông coi tôi thì cũng đi suốt ngày nhưng đến bữa đều tạt về nhà dẫn tôi ra một quán cơm cùng ăn với nhau. Chỉ có tôi không biết gì làm bèn ngày ngày thả rong đó đây, và cũng tại đây lần đầu tiên tôi thấy lại những người lính Pháp mà tôi không còn phải coi là kẻ thù, nhưng dù sao thì cái hình ảnh người lính Pháp như là một kẻ xâm lược chỉ biết gieo rắc đau thương và tang tóc vẫn còn lưu lại trong tôi khiến cho tôi vẫn cứ muốn tránh né và không mấy thiện cảm.


Nhờ có anh thanh niên này mà tôi biết được cô Mươi cũng đã được dượng Mươi cho người đón về thành và đang ở đây nên có dẫn tôi lại thăm. Tôi đã gặp lại dượng Mươi trong sắc phục sĩ quan, đi bằng xe Jeep, có lính hầu cận đi theo, trông có vẻ oai phong và quyền hành chứ không xuề xòa như ngày nào còn ở Gò xoài. Dượng Mươi là người đã từng vượt tuyến về thành bằng ghe đánh cá chung một chuyến với chú Cọp. Về được vùng Quốc gia, Dượng đã xin vào trường Võ bị Ðà lạt và nay là một Ðại úy Quân đội Quốc gia đang có nhiệm vụ đưa đơn vị đi tiếp thu các vùng đất Liên khu V. 


Cô Mươi thì nay được mọi người gọi là bà Ðại úy và cũng đang bắt đầu sửa sang cho xứng với cái địa vị mới trong xã hội của mình. Cô có hỏi thăm em tôi sao không cùng đi chung một lượt với tôi nhưng khi nghe cô nói cô đang thiếu người giữ em, tự nhiên tôi cảm thấy có một chút gì bất nhẫn. Thì ra một người khi gặp phải hoàn cảnh sa cơ lỡ vận, nếu không tự mình cố gắng vươn lên thì chắc chắn sẽ bị người đồng đẳng mãi mãi coi thường bằng không thì cũng chỉ là thương hại mà thôi. 


Bẵng đi cả tuần không gặp chú Nghĩa, bỗng nhiên một hôm tôi đang ngồi nhà chờ anh thanh niên về để cùng đi ăn cơm thì thấy chú đi bằng công xa có tài xế lái đến chỗ tôi trọ và bảo tôi đi theo chú. Thấy người tài xế luôn tỏ ra một thái độ cung kính và mỗi khi nói chuyện với chú luôn luôn có mấy tiếng: "Thưa ông Tỉnh trưởng...", tôi hiểu ngay là chú đã được bổ nhiệm chính thức vào chức vụ này.


Cùng đi chung với chú có một người nữa mà chú giới thiệu là chú Diêu, giáo sư ở Huế . Cả hai chú đưa tôi đến hiệu cơm Tây duy nhất trong thành phố. Trong bữa ăn, tôi tưởng hai chú sẽ nói với tôi về chuyện ra Huế học hành nhưng khi thấy hai chú chỉ chăm chú hỏi tôi những gì đã diễn ra tối hôm qua ở nhà trọ, tôi bỗng nhiên thấy mình như vừa ở cung trăng rớt xuống. Thực ra tối hôm qua tôi có thấy trên tường nhà trọ có trương một lá cờ mà tôi đoán là cờ của một đảng phái nào đó tôi không rõ và có mấy người lớn tuổi cùng đến tham dự một buổi hội họp giống như là lễ kết nạp cho mấy thanh niên ở đây. Tuy nhiên vì lâu nay tôi không để ý đến những sinh hoạt có tính cách chính trị của mấy anh thanh niên này nên tôi cũng không chú ý tìm hiểu. Có điều qua thái độ không hài lòng về chuyện này của hai chú, tôi cũng đoán được là đang có sự tranh chấp hay chia rẽ gì đó trong những người cùng chung một đảng phái với nhau. 


Ngay hôm đó, chú Nghĩa không để tôi ở chung với mấy anh thanh niên kia nữa mà đưa tôi lại gửi tạm ở nhà một người quen của chú ở phố bờ sông. Chủ căn phố này có cửa hàng ở tầng dưới, còn tôi được chủ nhà chỉ cho ngủ chung với người con trai nơi bộ phản gỗ ở trên lầu có ban công nhìn ra sông. Người con trai trạc tuổi tôi và hiện đang là học sinh đệ ngũ hay đệ tứ gì đó. Thấy có người cùng trang lứa và cũng là học sinh, tôi bắt chuyện làm quen để hỏi thăm về chuyện học hành. Người bạn mới nghe nói tôi là học sinh từ vùng kháng chiến trở về cũng tỏ ra thích nói chuyện với tôi lắm. 


Mới đầu anh bạn này hỏi tôi rất nhiều chuyện, nhất là về cách thức sinh hoạt bên vùng Việt Minh nhưng hình như anh ta chỉ hỏi để được tôi xác nhận lại những điều mà anh ta đã được nghe từ người khác nói hơn chứ không phải để nghe tôi kể. Anh ta cũng tỏ ra rất khâm phục bộ đội Việt Minh vì cho rằng họ là những anh hùng đã làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc. Thì ra cái hào quang chiến thắng Ðiện Biên Phủ đang làm mê hoặc tuổi trẻ có chút lòng với quê hương dân tộc. Phải rồi, Việt minh như là hình ảnh của những chàng trai nhiệt tình yêu nước bỏ phố phường, chấp nhận gian lao, ra đi kháng chiến giành độc lập và tự do cho dân tộc quả là cao cả và tốt đẹp. Tôi cũng yêu mến cái hình ảnh ấy lắm vì tôi đã chứng kiến những hình ảnh ấy từ những ngày đầu mới xảy ra cuộc khởi nghĩa. Nhưng những con người ấy nay không còn nữa mà giờ đây chỉ còn lại những con người hoặc là đang được đào tạo để trở thành những kẻ vong thân cho một chủ nghĩa ảo tưởng nếu không là những kẻ đang bị xã hội bên kia lên án là phản động và đang bị tiêu diệt. 


Qua bao thực tế đau thương của những năm sống trong hoàn cảnh đầy những nghịch lý của cuộc đời, tôi đã tích lũy cho mình một vốn liếng kỷ niệm nhiều khúc mắc. Tôi cũng muốn đem những kỷ niệm đau thương của chính mình ra kể cho anh bạn nghe nhưng sau khi nghe tôi kể lại một vài chuyện có tính cách đả kích Việt minh độc tài và dã man thì anh bạn không những không tin mà còn có vẻ không thích nghe nữa. Tôi biết là người bạn này lâu nay chỉ sống ở thành phố, thấy cái cảnh dân tộc mình bị Tây áp bức hoặc những người chạy theo Tây để vinh thân phì gia mà quên nghĩa đồng bào nên khi nhìn thấy Việt Minh chống Pháp thì liền cho bên kia mới là chính nghĩa, ngoài ra không cần cân nhắc những cái gì khác. Tôi không trách anh ta, nhưng trong bối cảnh lịch sử còn rất phức tạp như lúc này, tôi cũng không biết làm cách nào để cho anh ta có thể hiểu những thực tế phũ phàng của những kẻ bên kia đã khôn khéo lợi dụng danh nghĩa yêu nước để đưa dân tộc vào con đường đau khổ cho nên chỉ đành im lặng với nỗi cô đơn của mình. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment