Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 20, 2013

Tìm Một Niềm Tin [4]

Ký sự Tùy bút 

4.- TÌNH NGHĨA CHO ÐỜI THÊM RỐI RENG

Kể từ khi ra tới Hội An rồi gặp chú Nghĩa và đi theo chú, tôi toàn sống trong cảnh tạm bợ và chờ đợi, lại còn chứng kiến nhiều chuyện không lấy gì làm vui. Lúc còn ở chung với mấy anh thanh niên Quảng Ngãi thì gặp cảnh đảng phái quốc gia vừa mới có chỗ làm mảnh đất dung thân đã xảy ra lục đục, rồi tới khi qua chỗ trọ mới, thấy có kẻ cùng trang lứa những tưởng là có thể kết bạn trao đổi tâm tình, nào ngờ chuyện trò chưa đủ ấm thì đã ra chiều lạnh nhạt chỉ vì hai tấm lòng cùng thiết tha với Tổ quốc lại không cùng quay chung về một hướng.
Cũng may là lúc bắt đầu chán nản cho cái phận số long đong và ăn chực nằm chờ của mình thì một buổi chiều sau khi theo chú Nghĩa ra tiệm ăn cơm về, chú bảo tôi sửa soạn để ngày hôm sau dậy sớm đi Huế với chú. 


Qua hôm sau trời chưa sáng thì chú Nghĩa đã đến và cho gọi tôi ra xe. Trong chiếc công xa Peugeot chỉ có chú Nghĩa và chú Diên ăn mặc chỉnh tề, ngồi ở băng sau theo đúng nghi thức của một xã hội trọng tôn ti trật tự. Tôi được chỉ cho ngồi ở ghế trước với tài xế tức là vị trí của người tùy tùng nhưng chính tôi lại cảm thấy đây mới là cái chỗ ngồi tốt và thoải mái nhất khi đi xe hơi. Tài xế được lệnh khởi hành. 


Con đường quốc lộ từ Hội An trở ra còn tốt và được tráng nhựa nên xe chạy rất êm ái chứ không nhồi xóc tưng tưng như khi ngồi xe GMC đi từ An Tân ra Tam Kỳ. Ðộ chừng một tiếng đồng hồ sau khi ra tới chân đèo Hải Vân thì cũng vừa tới giờ mở đèo nên xe bắt đầu chậm chạp leo dốc. Vì đường đèo hẹp nên để tránh tai nạn lưu thông do xe chạy ngược chiều nhau giữa lưng đèo, nhà chức trách phải ấn định giờ mở đèo và giờ đóng đèo để lúc qua đèo bao giờ cũng chỉ có xe chạy một chiều mà thôi. 


Ðây là lần đầu tiên tôi đi qua ngôi đèo nổi tiếng là đẹp này bằng xe hơi lại được ngồi ở một vị trí tốt để quan sát nên rất thích thú và say mê ngắm cảnh trí với một bên là núi cao và một bên là biển rộng cùng những đám mây lưng chừng. Tại đỉnh đèo có một đồn lính canh trú đóng và di tích của cái cổng đá có khắc mấy chữ Hán "Hải Vân Quan". Ngoài ra còn có vài hàng quán bên vệ đường để cho khách ghé vào vì xe từ ngoài vô hay từ trong ra khi lên đến đỉnh đều phải dừng lại nghỉ chờ tới giờ xổ đèo mới được chạy thành thử đỉnh đèo cũng là nơi hội ngộ của hai đoàn xe ngược chiều.


Khi ra đến Huế, chú Nghĩa lệnh cho tài xế chạy thẳng đến một ngôi nhà có vườn cây bao bọc ở dưới chân dốc nhà thờ Phủ cam gần cổng xe lửa. Nhà có cổng trên lợp mái theo kiểu xưa với hai cánh cổng gỗ luôn khép kín và bên trong có người gác. Sau khi xưng danh tính và chờ đợi bẩm báo, người gác mới mở cổng cho vào và một người khác đưa chúng tôi theo lối đi lát gạch giữa hai hàng dậu cây tươi được cắt xén kỹ lưỡng để vào nhà. Trong vườn từ lối vào cho đến cái sân gạch trước hiên nhà đều có chưng cây kiểng và có rất nhiều lồng nuôi chim qúy treo lủng lẳng đó đây. 


Trong nhà các đồ đạc đều bằng gỗ đã lên nước bóng và được trang trí theo kiểu xưa. Người hầu đưa chú Nghĩa và chú Diên vào ngồi chờ nơi bộ trường kỷ. Tôi được chú Nghĩa chỉ cho cái ghế đẩu ở một góc gần cửa ra vào. Hồi lâu một người đàn ông đẫy đà, mặc bộ đồ lụa và nhai trầu bỏm bẻm từ trong chậm rãi bước ra. Tôi vẫn chưa biết người đàn ông này là ai, chỉ nghe mấy chú một hai dạ thưa cậu, nhưng cái phong thái nơi đây làm tôi nhớ lại cái thời phong kiến xa xưa và bỗng nhiên tôi có cảm tưởng như là đã thấy căn nhà này ở đâu rồi. 


Qua một hồi đề cập về những vấn đề liên quan đến tình hình chính trị và công tác, tôi thấy chú Nghĩa bắt đầu chỉ tôi và trao đổi vài chuyện có liên quan về tôi với người đàn ông. Lúc cáo từ, người đàn ông đứng dậy tiến lại gần tôi, một tay khẽ vỗ vai, tay kia rút trong túi áo ra một tờ giấy bạc 100 đồng mới tinh có in hình Bảo Ðại dúi vào tay tôi và bảo tôi để dành ăn quà, đồng thời căn dặn tôi phải cố gắng học hành và khi nào cần gì thì cứ lại đây tìm ông ta. Tôi không biết xưng hô như thế nào cho phải phép nên chỉ biết cám ơn và dạ lúng búng trong miệng. 


Khi ra khỏi cổng ngôi nhà này, nhìn lại ngôi nhà thờ nằm trên đồi, tôi chợt nhận ra một hình ảnh cũ từ trong tiềm thức. Phải rồi, ngày thằng em trai một tuổi của tôi chết và lúc đưa chôn ở nghĩa trang Phủ cam, đám tang có ghé vào ngôi nhà thờ này để cha làm phép xác và sau khi chôn cất cho nó xong, lúc trở về hình như cha mẹ tôi có dẫn tôi ghé vào thăm ngôi nhà này một lần. Tôi nhớ hôm đó cha mẹ tôi cũng có đưa tôi viếng mộ bà ngoại ruột của tôi cũng đã chết tại Huế và cũng được chôn ở Phủ cam nhưng gia thế bà ngoại tôi thế nào thì tôi chưa hề nghe ai nói đến. Còn người đàn ông tôi vừa gặp là ai và có liên hệ gì với tôi không tôi cũng không biết nốt. 


Thấy tôi thắc mắc, chú Nghĩa như mới sực nhớ ra là từ hồi giờ chú chưa nói gì với tôi về những việc chú đang làm cả nên liền bảo cho tôi biết người chúng tôi vừa gặp là ông Cẩn, em của đương kim thủ tướng Ngô Ðình Diệm. Từ ngày ông Diệm về làm Thủ tướng, ông Cẩn trở thành một nhân vật chính trị có quyền hành và đang thay mặt ông Diệm để lãnh đạo miền Trung. Sở dĩ chú Nghĩa đem tôi đến trình diện ông Cẩn vì tôi là con của một liệt sĩ chống cộng nên Quốc gia cần phải cưu mang. Ông Cẩn đang là đại diện cho cái quốc gia ấy tại vùng này. 


Tôi vẫn tưởng rằng sau khi ra khỏi nhà ông Cẩn, chú Nghĩa sẽ đưa tôi đến một ngôi trường nào đó để ghi danh rồi đưa tôi vào ở ký túc xá hay gửi gắm cho một gia đình nào đó cho ăn ở hẳn hoi và bắt đầu đi học vì các trường cũng đã khai giảng niên học mới từ mấy tuần nay rồi, nhưng tôi thấy hai chú cứ dẫn tôi theo hai chú, hết ghé vào toà Ðại biểu Chính phủ tại Huế thì lại qua toà Tỉnh trưởng Thừa thiên, sau đó lại còn ghé vài cơ quan gì đó mà mỗi lần ghé lại đâu là tôi lại cứ phải ngồi yên như phỗng đá một chỗ tại phòng đợi, chờ cả tiếng đồng hồ. Ðến trưa khi các cơ quan bắt đầu giờ tan sở hai chú mới tạm ngưng để ghé ăn trưa ở một hiệu cơm Tây. Sau đó chú Nghĩa mới cho chở tôi đến một ngôi nhà ở trong thành nội gần cửa Ðông ba và nói với ông bà chủ cho chú gửi tôi ở tạm đây vài hôm chờ chú lo xong công chuyện sẽ trở lại thu xếp cho tôi vào trường. Thì ra cái số ăn chực nằm chờ vẫn còn theo tôi ra đến tận đây.


Ông bà chủ nhà cho tôi tạm trú này đều nói giọng Quảng nam nên tôi nghĩ có thể là bà con với chú Nghĩa. Ông có lẽ là một công chức nhỏ, còn bà trông nom cái quầy tạp hóa lèo tèo tại nhà. Vì căn nhà của hai ông bà vốn đã nhỏ lại còn được ngăn đôi, một bên cho thuê làm tiệm chụp hình, bên còn lại mặt trước đặt mấy cái tủ gương bày biện một ít hàng tạp hóa thông dụng, phía sau là cái buồng nhỏ của hai ông bà và tiếp theo là bếp, cũng nhỏ và hẹp nên trông có vẻ rất chật chội. Tôi được chỉ cho ngủ tại cái phản gỗ nhỏ ngay gian trước dùng làm tiệm tạp hoá. 


Thấy nhà thì chật chội, lại chỉ là ở tạm nên cũng chẳng biết làm gì nên thường thường mỗi sáng và chiều tôi thường hay thả bộ lang thang một vòng từ nhà qua cửa Ðông Ba ra phố Gia Long, phố Trần Hưng Ðạo, ngược theo bờ sông về hướng Phu văn Lâu để nhìn suốt dãy cổ thành rêu phong có hào bao quanh với cửa Ngọ môn, có kỳ đài cao với lá cờ vàng ba sọc đỏ vươn lên nền trời xanh rồi quay lại vào cửa Thượng tứ để trở về khu Thành nội, đi theo mấy con đường nhỏ vắng vẻ trong thành về lại nhà trọ. 


Một hôm tôi nảy ý muốn ngắm cảnh phố xá ban đêm nên sau bữa cơm tối, tôi cũng thả bộ ra đường Trần Hưng Ðạo. Thấy một toán tuần tiễu từ hướng cầu Trường Tiền đi tuần bộ dọc theo phố, tôi định né tránh nhưng xét thấy mình là dân lương thiện thì có gì phải sợ đâu nên cứ thản nhiên mà đi ngược tới. Khi vừa giáp mặt nhau thì viên Trưởng toán nhìn thẳng vào tôi rồi ngoắt tôi lại và ra lệnh cho tôi đi theo. Thế là toán tuần tiễu đang là năm người theo hàng một, gồm bốn quân nhân mặc đồ treillis, đầu đội nón nhựa sơn đen có kẽ hai chữ KS màu trắng, vai đeo súng, một cảnh sát viên mặc sắc phục cảnh sát, đầu đội cát két, hông đeo dùi cui, nay tăng cường thêm một mạng là tôi mặc bộ đồ gabardine chẳng ra lính mà cũng chẳng ra dân, đầu trần và không đeo gì cả đi sau cùng. Sau một hồi đi vòng quanh qua mấy phố , toán tuần tiễu ghé lại đồn Cảnh sát chợ Ðông ba và viên trưởng toán giao tôi cho đồn Cảnh sát. 


Còn phân vân chưa hiểu tại sao mình bị bắt cũng không biết phải báo cho ai và làm cách nào để báo tin nếu lỡ như bị giam thì một nhân viên lấy khẩu cung xuất hiện kêu tôi lại bàn làm việc để lấy lời khai. Khi nghe người cảnh sát hỏi tại sao tôi mặc đồ lính, tôi chợt hiểu ra chỉ vì cái bộ đồ gabardine áo có cầu vai tôi bắt chước theo kiểu anh thanh niên Quảng Ngãi may lúc ở Hội an mà nay tôi đang mặc trên người đã gây nên cớ sự. Dĩ nhiên tôi không phải lính rồi, mà dân thì chưa đủ tuổi để được cấp thẻ kiểm tra, còn học sinh thì lại chưa đi học trường nào ở đây cả. Quýnh quá không biết khai làm sao cho thoát nạn, tôi đành khai đại là cháu của cậu Cẩn mới được chú Nghĩa đưa từ Quảng ra Huế để đi học. Viên cảnh sát trừng mắt nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, nhưng sau khi bỏ vào trong một hồi lâu, không biết để kiểm chứng lời khai của tôi hay làm gì tôi không rõ nhưng lúc quay trở lại bàn làm việc thì thấy ông ta khoát tay bảo tôi ra về. Thế là tôi ngơ ngẩn ra về chẳng khác nào lúc nãy ngơ ngẩn bị dẫn vào đây. 


Qua hôm sau, để tránh cho mình cái tai bay vạ gió như vừa qua, tôi quyết định đổi trang phục. Quần gabardine thì được rồi nhưng áo thì không thể tiếp tục mặc cái áo có cầu vai này nữa. Sẵn có tiền túi, tôi tự mình ra chợ Ðông Ba ghé vào dãy sạp bán quần áo may sẵn tìm mua cho mình vài cái áo sơ mi thường. Mấy bà bán hàng thấy tôi mặt thì ngố mà lại đi có một mình bèn đon đả mời chào và lôi hết cái này đến cái khác xổ ra cho tôi xem và bảo tôi lựa. Cái nào các bà cũng khen là tốt, là đẹp và rất vừa vặn lại còn nói là chỉ bán theo giá vốn cho tôi vì các bà bảo là thấy tôi hiền lành thật thà lại là dân mới hồi cư đến mở hàng nên không nỡ ăn lời. Tôi chọn hai cái sơ mi trắng dài tay có cổ gài nút và hỏi giá. 


Thật ra thì bao năm nay ở vùng kháng chiến chỉ biết xài tiền tín phiếu chẳng có giá trị gì cả, nay mới về thành cầm tờ bạc Ðông dương tôi đâu đã nắm được giá trị của đồng tiền cũng như nắm được trị giá thật của từng món hàng, nhưng vì cần mua gấp lại không hỏi thăm ai trước cho nên tôi chỉ dựa theo giá người ta đòi mà giảm bớt đi một chút rồi trả giá một tiếng. Bà chủ hàng trề cặp môi hút thuốc lá Cẩm lệ tím lịm chê tôi không biết nhìn hàng. Tôi trả thêm tiếng nữa chủ hàng cũng lắc đầu. Tôi bèn giả bộ bỏ đi thì liền bị mấy bà bán hàng túm lại và trách nào là không mua mà cũng bày đặt mở hàng làm cho người ta bị ế hôm nay, nào là làm cho người ta mất bao nhiêu là công lao soạn hàng, rồi nào là thế này, nào là thế kia... Nhìn mớ quần áo được xổ cho tung toé thêm ra, tôi hoảng quá, sợ càng ở lâu càng mang thêm vạ nên chỉ muốn thoát thân cho chóng đành xuất tiền trả đúng số tiền chủ hàng đòi rồi vội vàng cầm hai cái áo ra về. Lúc ông bà chủ nhà thấy tôi đem áo về bèn hỏi tôi mua ở đâu và giá bao nhiêu. Tôi vừa nói giá thì ông bà chủ cùng lắc đầu cười rồi bảo cho tôi biết là tôi đã trả tiền hai cái áo bằng giá của bốn cái. Thì ra cái kỷ niệm đầu tiên về tình nghĩa của người dân xứ Huế đối với tôi quả là thắm thiết và đáng giá lắm. 


Qua một tuần ngày nào cũng thấy học sinh đi học nườm nượp còn mình thì cứ lang thang chờ đợi chú Nghĩa mà vẫn không thấy chú trở lại, nên nhớ lại lời dặn dò của ông Cẩn hôm đến trình diện, tôi bèn lò dò tìm qua Phủ cam định xin vào gặp ông Cẩn nhưng khi đến nơi thấy trước cổng có mấy chiếc xe jeep xanh cảnh sát đang đậu bèn lảng lên chỗ bờ thành nhà thờ Phủ cam ngồi nhìn xuống chờ đợi. Mấy chiếc xe jeep chưa đi thì liên tiếp lại có thêm mấy chiếc công xa ghé đến và trên xe bước xuống đều là những nhân vật mặc đồ lớn với dáng dấp quan trọng. Chờ cả buổi cho đến khi đoàn xe ra về hết tôi mới lò dò tiến lại. Thấy hôm nay bỗng nhiên lại có thêm hai người lính có súng canh ngay ngoài cổng, tôi dè dặt đến gần xưng tên và nói với người lính canh tôi muốn xin vào gặp ông Cẩn. Người lính canh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lạnh lùng hỏi tôi là con cái nhà ai ở đâu mà dám đến quấy rầy "cậu" rồi không những không cho tôi vào mà cũng chẳng thèm vào trong bẩm báo gì cả. 


Tôi thất vọng quay về. Vừa đi vừa suy nghĩ, tôi cảm thấy mình quả thật là bé nhỏ và vô nghĩa trước những cái "quốc gia đại sự" nên lại càng đâm ra bực bội với chính mình. Ừ nhỉ! Tại sao ở khung trời nào, tôi hình như lúc nào cũng cứ gặp toàn là những hoàn cảnh phức tạp khiến cho mình cứ bị ràng buộc vào những cảnh ngộ mình không thích nhưng rồi cũng vì chút mặc cảm e ngại phụ lòng tốt của người nên cứ bị cái vòng luẩn quẩn của tình nghĩa chi phối khiến cho không nỡ rứt bỏ đi được. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment