Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Monday, February 18, 2013

Tìm Một Niềm Tin [27]

Ký sự Tùy bút

27.- ÐƯỜNG ÐI VÀ NGÕ CỤT 

Khi mới nghe chú Ðức nói để giới thiệu cho tôi về ở trọ chung với chú Hài, tôi cũng tưởng chú Hài là một công chức bình thường, nhưng vì chú là người Bình Ðịnh có nghe biết về cha tôi nên chú Ðức muốn cho hai bên dễ làm quen thế thôi. Dần dần qua nhiều lần trò chuyện, tôi mới biết chú Hài vốn quê ở Phù Mỹ và là học trò của ông Nguyễn nên cũng biết thím Nguyễn. Không những thế, chú cũng đã từng tham gia hoạt động trong nhóm Duy Dân của chú Dực - người mà thím Nguyễn vẫn thường hay nhắc đến mỗi khi gặp tôi - và chú cũng đã có lần bị chính quyền bắt giam một thời gian lúc chú Dực lập chiến khu ở Nha Trang thời ông Diệm mới về làm Thủ tướng. Chính vì thế mà hiện thời chú vẫn còn giữ liên lạc với chú Dực và tôi đã có dịp gặp chú Dực nhân một hôm chú ghé lại đây.


Ðối với những nguời gốc Bình định có quan tâm ít nhiều về chính trị không ít thì nhiều cũng đều biết hoặc nghe nói về chú Dực và có nhiều người cũng tỏ ra mến mộ chú về khả năng lãnh đạo của chú. Nhưng cái học thuyết Duy Dân mà chú đang tích cực truyền bá lại không dung hợp với cái tư tưởng Cần Lao Nhân vị của ông Nhu khiến cho chú Dực phải thay tên đổi tuổi sống lẩn tránh ở các tỉnh miền Tây. Sau vụ hai phi công thả bom dinh Ðộc Lập làm cho chính quyền gia tăng các cuộc bắt bớ các thành phần đối lập thì chú trở thành kẻ bị mật vụ săn lùng. Chính vì thế mà lần đầu tiên tôi gặp chú thì cũng là lần cuối cùng vì chỉ một thời gian sau đó tôi nghe tin chú đã bị mật vụ của ông Cẩn từ miền Trung vào bám sát nên đã bắt cóc được chú trên đoạn đường đi Long An và đưa đi thủ tiêu luôn. 


Ðiều này không những làm cho chú Hài lo buồn mà tôi cũng rất lấy làm bất nhẫn. Chú Hài thì cảm thấy cái thân mình cũng đang ở trong tình trạng báo động vì không biết có thể bị bắt vào lúc nào. Còn tôi dù muốn dù không cũng phải lo kiếm đường rút để tránh bị liên lụy vào những chuyện chính trị rắc rối. 


Nếu trong khi có những người phải sống trong nỗi phập phồng lo lắng vì chiến tranh, vì những tranh chấp chính trị, thì cũng có những người vẫn được cái may mắn. Cậu Ðôn tuy đã đến tuổi hưu trí nhưng vì còn xin lưu dụng thêm hai năm nên cũng vừa được chuyển về Nha Thủy Lâm và  gia đình cũng dọn về ở tại căn nhà riêng của bác ở Tân Ðịnh. Vốn đã có kế hoạch chuẩn bị đâu vào đấy từ lâu nên khi anh Hân vừa thi đậu xong Tú tài là cũng lập tức lên đường sang Pháp ngay để du học về ngành Y khoa. Ngày anh lên đường cậu tôi cho đón tất cả người trong gia đình ra phi trường đưa tiễn anh cho nên tôi cũng có mặt. Hãng Air France lúc ấy cũng vừa mới cho mở chuyến bay bằng Boeng phản lực ghé Sàigòn. Lần đầu tiên cùng cả nhà đứng trên ban công phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn chiếc phản lực to lớn cất cánh nhả lại hai luồng khói trắng đằng sau đuôi, tự nhiên tôi thấy mình cũng thèm thuồng một chuyến đi xa đến một chân trời nào đó để được sống yên lành và quên đi những nỗi lo âu về chiến tranh, thù hận, thanh toán nhau ở cái xứ sở khốn khổ này.  


Tuy không có viễn ảnh một chuyến đi xa nào mở ra cho mình nhưng trên đường về, cậu Ðôn hỏi chuyện tôi và khi biết tôi lại đang lúng túng về vấn đề ăn ở, nên có lẽ cũng thương cảm cho cái số phận long đong của tôi, bèn gợi ý cho tôi hãy về Khánh Hội ở với ông ngoại. Thấy tôi nay cũng đã là một sinh viên Ðại học rồi nên ông ngoại tôi cũng không còn chấp nhất. Thế là tôi lại quay về với mái nhà tôi vẫn từng coi như là một bến đỗ mà đã hai lần tôi phải ra đi vì không chịu nổi những dị biệt trong tâm hồn của những con người cùng chung một huyết thống. 


Căn nhà ông tôi cũng không có gì thay đổi ngoại trừ sau khi hệ thống dẫn nước từ Ðồng Nai về Sài gòn hoàn thành thì thành phố đã có nước đủ dùng nên nhà cũng đỡ bớt cái nạn hứng nước. Chiếc xe taxi nằm ụ ngày nọ cũng đã được ông tôi tống khứ đi từ lúc nào rồi và cậu Viện lúc này cũng đã bỏ cái ý tưởng kinh doanh mà quay ra đi học Anh văn để thi thấy cái bằng sinh ngữ hầu kiếm việc làm ở sở Mỹ vì ai cũng nhận thấy tiếng Anh đang cần mà tiếng Pháp thì đã lỗi thời hay nói cho đúng hơn là người Pháp đã ra đi mà người Mỹ đang tới. Bà tôi ngoài việc lo cơm nước ra thì cũng chỉ ngồi mân mê mấy tấm vé số không có gì khác hơn. Riêng em tôi sau một trận ốm thương hàn rồi tình hình lại không ổn định nên ông tôi cho nghỉ học hẳn. Dù sao thì em tôi cũng đã chậm trễ trong việc học hành, bây giờ cũng đã lớn tuổi rồi nên việc học hành coi như đến mức đó là xong.


Lần này về lại nhà ngoại, tuy không có gì phiền toái đáng nói ở trong nhà nhưng tôi lại gặp một mối bực mình khác bên ngoài. Trong kế hoạch kiểm soát dân chúng và loại trừ Việt cộng, nếu ở nông thôn chính quyền đã cho tổ chức thành ấp chiến lược thì bây giờ tới lượt thành phố cũng được tổ chức thành Phường, Khóm, Liên gia và cho thành lập lực lượng nhân dân phòng vệ. Khu Khánh Hội lại là vùng dân cư lao động phức tạp nên cũng là khu được chính quyền chú trọng trong việc thực hiện công tác này. Ngoại trừ quân nhân và công chức thì đã tham gia phòng vệ ở cơ quan mình, dân chúng trong mỗi khóm từ 15 trở lên đến 40 tuổi phải tham gia lực lượng phòng vệ trong khóm. 


Vì tôi có tên trong sổ gia đình nên khi về đây ở thì lâu lâu lại được mấy ông khóm trưởng, liên gia trưởng chiếu cố gọi đi gác đêm. Cái này làm tôi có cảm tưởng như mình đang sống lại thời Việt Minh ở Liên Khu V vì cái chuyện canh gác kiểu này chỉ làm cho đám dân hiền lành thêm vất vả, dân có tiền thì thuê người thay mình, còn Việt Cộng thật chắc chắn là chẳng sợ đám phòng vệ cầm mấy cây gậy đi lòng vòng trong xóm. Ngoài ra ban đêm thì đã có lệnh giới nghiêm, lỡ xe Cảnh sát hay Quân đội đi tuần thấy bóng người thấp thoáng lại tưởng là bọn khủng bố mà nổ súng thì chỉ bỏ mạng oan. 


Hàng ngày tôi thường đi bộ ra kho 11 đón xe buýt lên Sàigon và đến chiều tối mới về. Thành phố bây giờ lâu lâu lại có một vụ khủng bố của Việt cộng, và người dân thì lúc nào cũng nghe toàn đủ thứ tin đồn gây hoang mang dư luận. Ðường phố quanh khu dinh Gia Long đầy dẫy những cuộn dây kẽm gai và cảnh sát dã chiến canh gác. Mỗi lần có biến động là lập tức dây kẽm gai được kéo ra đường phong tỏa cả khu vực.


Trong cái không khí thiếu ổn định này khiến cho học sinh thỉnh thoảng lại bị bắt buộc nghỉ học lên nghỉ học xuống cho nên mấy tên sống về nghề dạy giờ hay kèm trẻ như tôi cũng rất là bấp bênh. Có nhiều hôm không học hành hay làm gì được, tôi lại lang thang ra phố ghé lại cái sạp báo ở lề đường Pasteur kế rạp chiếu bóng Casino Sài gòn của anh Ðạt tìm đọc ké mấy tờ tạp chí ngoại quốc, vì bất cứ số báo nào bị chính quyền ra lệnh tịch thu thì ở đây anh ta đều có. Anh Ðạt cũng là người Bình Ðịnh vào Sài gòn lập nghiệp sau ngày đình chiến. Vốn là một cựu Hướng đạo sinh nên anh biết tôi từ hồi còn nhỏ lúc còn sinh hoạt Hướng đạo, do đó anh vẫn duy trì mối thân tình cũ đối với tôi tuy nhiên về chính kiến thì anh thừa biết tôi không thích Cộng sản còn tôi cũng biết anh có nhiều người trong gia đình đã đi theo tập kết nên anh vẫn thiên về phía bên kia hơn. 


Rạp chiếu bóng Casino Sài gòn mỗi lúc đổi xuất vẫn hay cho phát bản nhạc Green field. Bản nhạc trầm buồn mênh mang này càng gợi cho tôi những ước mơ về một nơi chốn thanh bình nào đó thật xa vời. Nếu bản nhạc làm tôi mơ đến một nước Mỹ thanh bình thì khi đọc báo chí Mỹ, tôi chỉ thấy mình thêm hoang mang về một Miền Nam càng ngày càng rối loạn hơn lên do sự gia tăng can thiệp vào nội tình xứ này của người Mỹ, 


Gần nghỉ hè thì tình hình có vẻ yên tĩnh và sinh viên các trường cũng đang chuẩn bị dự kỳ thi cuối khóa. Ðột nhiên có tin ở Huế xảy ra vụ rắc rối về cấm treo cờ Phật giáo ngày lễ Phật Ðản rồi tiếp đó là vụ nổ ở đài phát thanh Huế gây thương vong cho một số Phật tử. Sau đó thì phong trào chống đối chính phủ của phe Phật giáo bùng lên mãnh liệt và lan rộng khắp nơi. Phong trào chống đối chính quyền Ngô Ðình Diệm bây giờ chuyển sang hình thức đấu tranh mới dưới chiêu bài "chống chính sách kỳ thị và đàn áp tôn giáo của chính quyền".


Nhiều vụ biểu tình, tự thiêu, tuyệt thực, khuân bàn thờ Phật dàn ra đường phố phản đối chính quyền xảy ra ở nhiều nơi và đặc biệt nhất là vụ Hoà thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu ở góc đường Phan Ðình Phùng trước Toà Ðại sứ Miên được phóng viên Mỹ chụp hình và đăng báo làm cho dư luận thế giới xúc động. Rồi một cuộc biểu tình khác của học sinh cũng bị Cảnh sát nổ súng gây tử thương cho người nữ sinh họ Quách ngay trước Bùng Binh chợ Bến Thành làm nhiều người thêm công phẫn. Cũng may là trường Ðại học vừa cho thi xong khóa một cuối năm nên tôi cũng lấy thêm được một chứng chỉ nữa trước khi các trường trung học và đại học bị đóng cửa. 


Một hôm tôi ghé thăm chú Cọp để mượn mấy số Ngày Nay của nhà văn Nhất Linh chủ trương mới cho xuất bản gần đây để mang về đọc thì gặp nhà văn Nhất Linh cũng đang ghé thăm chú Cọp. Nhà văn này cũng vừa mới bị chính quyền đưa ra tòa vì bị kết tội là phản bội. Tôi không hiểu nhà văn đến thăm chú Cọp có chủ đích gì, nhưng chỉ ít hôm sau thì nghe tin nhà văn đã tự tử vào đúng ngày 7 tháng 7 tức là ngày kỷ niệm ông Diệm về nước chấp chánh 9 năm trước đây để phản đối chế độ. Tôi vốn ngưỡng mộ nhà văn này về phương diện văn học nhưng về mặt chính trị thì chưa có gì làm cho tôi chú ý mặc dù trước kia ông ta từng là Bộ trưởng Ngoại Giao trong Chính phủ Liên Hiệp kháng chiến và đã phải đào tẩu để trốn thoát Việt Minh, tuy nhiên sự lựa chọn thời điểm cho cái chết của ông ta quả đã gây cho tôi một sự xúc động bất ngờ và nhiều suy nghĩ sau đó.


Trong thời gian này thì tình hình chính trị cũng có nhiều thay đổi. Ðại sứ Mỹ Nolting bị triệu hồi và ông Cabot Lodge được cử sang thay thế, một nhân vật được dư luận đặt cho cái tên là "chuyên viên đảo chính" vì nếu ông ta đến làm đại sứ ở nước nào thì liền sau đó nước đó có đảo chính. Tuy chính phủ Mỹ cho cắt giảm nhiều chương trình viện trợ cho chính phủ Việt Nam để gia tăng áp lực cũng như phong trào phản đối của Phật giáo được sự hỗ trợ của báo chí Mỹ cố tình tung thật nhiều tin bất lợi cho chính quyền Ngô Ðình Diệm nhằm triệt hạ uy tín của hai ông Diệm và Nhu, nhưng thực chất vấn đề không hoàn toàn thuần túy tôn giáo cho nên hai ông Diệm và Nhu vẫn không lùi bước và cố tranh thủ được sự ủng hộ của một số chi phái Phật giáo và các giáo phái khác cho nên sau khi có sự nhượng bộ của chính quyền với phe tranh đấu để Ðức Tổng Giám mục Ngô Ðình Thục rời khỏi Huế đi La Mã và bà Ngô Ðình Nhu đi Mỹ với danh nghĩa làm công tác "giải độc" dư luận Mỹ để bà Nhu tạm thời rời khỏi toà nhà Lập pháp thì phe tranh đấu cũng bớt mất mục tiêu để công kích nên dịu dần. Sau đó ông Nhu lại cho lực lượng Cảnh sát đang đêm đột nhập khuôn viên chùa Xá Lợi để lùng bắt Thượng tọa Thích Trí Quang khiến cho vị Thượng tọa này phải lẻn trốn qua bên cơ quan USOM của Mỹ phía sau chùa rồi sau đó ẩn náu luôn trong toà Ðại sứ Mỹ thì Phong trào tranh đấu có vẻ lắng dịu bớt, tuy nhiên các trường học vẫn không có lệnh cho mở cửa lại bình thường. 


Vì trường đóng cửa nên tôi cũng không biết làm gì mà ở nhà thì cứ bị cái nạn phường khóm làm cho bực mình nên tôi bèn nhân dịp này ra Nha trang chơi. Áp lực quân sự của Việt cộng ở tỉnh này không đến nỗi nặng nề như ở Bình Ðịnh và phong trào tranh đấu của Phật giáo cũng lan ra tại thành phố này nhưng mức độ không mãnh liệt như ở Huế hay Sài gòn. Thành phố biển này vẫn mang vẻ hiền hòa. Có điều lần ghé lại thành phố này cái cảm giác êm đềm trước đây của tôi không còn nguyên vẹn như trước.


Tuy ra đây tôi vẫn ở nhà chú Tiến nhưng tôi vẫn phải lui tới thăm thím Nguyễn mặc dầu tôi biết là việc chú Dực bị phe ông Cẩn thủ tiêu gần đây đã làm cho thím không thích những người có liên hệ nhiều với phe chính quyền như chú Tiến vì chú là Cần Lao và cũng là người được ông Cẩn tin cậy. Gia đình thím Nguyễn lại theo đạo Phật nên lúc này mấy cô con gái cũng đều ngả về phe Phật giáo đấu tranh và cũng từng mặc áo lam lên chùa tham gia các buổi lễ cầu nguyện cho các nhà sư tuyệt thực cho nên đứng trước những liên hệ phức tạp như thế này đôi lúc tôi cũng cảm thấy mình bối rối. Dù sao thì trên phương diện tình cảm tôi không thể bỏ ai, còn trên phương diện chính kiến thì bên nào cũng có vẻ cực đoan cả nên tôi cũng không thể bênh ai hoàn toàn. 


Những ngày sống ở đây cũng không biết làm gì nên chiều chiều tôi hay leo lên núi nhà thờ đứng tựa bờ tường đá nhìn xuống sân ga Nha trang để đợi chuyến tàu suốt từ Sài gòn ra. Từ ngày thường xảy ra những vụ gỡ đường rầy hay đặt mìn trên đoạn đường xe lửa đi qua khu Rừng Lá khiến cho sở hỏa xa không cho tàu chạy đêm qua vùng này nữa thì giờ tàu đã đổi lại. Bây giờ tàu khởi hành tại Sài gòn vào sáng sớm và chiều tối thì ra tới Nha Trang. Tại đây tàu tiếp tục chạy đêm ra Trung nhưng để đề phòng trường hợp đường bị đặt mìn thì cũng đỡ hư hại cho đoàn tàu cho nên trước khi khởi hành tiếp, ngoài mấy toa thiết giáp đã có, đoàn tàu còn được lắp thêm ngay trước đầu máy mấy toa mặt bằng trống và có đặt thêm một máy phát điện riêng với một ngọn đèn pha cực mạnh. Khi tàu bắt đầu chuyển bánh, ngọn đèn pha được bật lên quét một luồng sáng cả một vùng như ngọn đèn pha gác trên các lô cốt. Tiếng còi tàu rúc lên khi rời ga bây giờ nghe ra không còn cái vẻ hùng hổ như ngày nào mà lại có vẻ như lời giã biệt của một tráng sĩ sắp ra đi vào chốn tử địa. Ôi tiếng còi tàu đưa tôi vào những giấc mộng viễn du bây giờ nghe sao áo não quá! 


Trong cảm giác cô đơn ấy thì một hôm tôi thấy chú Tiến nhận được điện gọi ra Huế có công tác. Trước khi đi chú bỗng nhiên như vừa sực nhớ ra một điều gì đã quên bèn nói với tôi là gần đây có lần trong khi tiếp xúc với ông Cẩn, ông ta có hỏi thăm về tôi. Qua bao năm không liên hệ, tôi vẫn tưởng ông Cẩn bận rộn với những chuyện "quốc gia đại sự" như hiện nay chắc cũng đã quên cái tên thiếu niên ngô nghê năm xưa từ vùng đất hoang tàn trở về và từng có lần được ông cưu mang cho đi học rồi. Tôi nhớ lại cái ngày tôi lôi thôi lếch thếch điu theo chiếc xe goòng luộm thuộm được đẩy cho chạy bằng sức người để tìm về vùng tự do và mơ ước rồi đây sẽ nhìn thấy những con tàu văn minh lịch sự lại lưu thông trên con đường này thì hình ảnh con tàu với những toa thiết giáp hộ tống ngày hôm nay chỉ làm cho tôi thêm ray rứt. Tôi lại nhớ đến hình ảnh chiếc phản lực chạy lướt trên phi đạo rồi bỗng nhiên ngóc mũi lên một góc 45 độ và cất cánh bay lên trời cao ở phi trường Tân Sơn Nhất ngày tôi đưa tiễn anh Hân lên đường qua Pháp du học. Bỗng nhiên tôi nảy ra một ý định. Tại sao không nhân dịp này nhờ chú Tiến ướm thử với ông Cẩn xin cho tôi được du học vì ngày xưa ông Cẩn cũng đã có lần nói với tôi điều ấy và nay thì tôi cũng đã lên được Ðại học rồi. Thế là tôi đem ý định trên ngỏ với chú Tiến. 


Thật ra khi bày tỏ điều này với chú Tiến, tôi cũng nghĩ đó chỉ là sự biểu lộ của một ước muốn vu vơ nhưng vài hôm sau khi chú Tiến từ Huế về liền bảo cho tôi biết là chú đã đem lời tôi xin trình cho ông Cẩn và đã được ông Cẩn chấp thuận. Vì vậy tôi cần phải ra Huế ngay để gặp giáo sư Trần Quang ở viện Ðại học Huế vì ông Cẩn đã giao việc này cho ông ta lo. Thế là dù muốn dù không tôi cũng phải lên đường ra Huế. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment