Ký sự Tùy bút
28.- NGƯỜI NGỠ
ÐÃ ÐI XA THÌ
CHỢT THẤY QUAY VỀ
Thấm thoát mà cũng đã bảy năm trôi qua kể từ ngày theo chú Cọp về ở hẳn trong Sài gòn đến nay tôi mới có dịp trở lại Huế. Xuống xe đò ở An cựu thì đã quá chiều, rồi ngồi xích lô về Phủ cam, đi qua căn nhà số 3 Nguyễn Trường Tộ nhìn từ bên ngoài tôi thấy hình như cũng không có gì khác. Tuy nhiên tôi chỉ đi qua thôi vì nơi tôi định ghé lại vẫn là nhà bác Tâm. Từ sau ngày xảy ra vụ đảo chính của nhóm sĩ quan Nhảy dù thì bác cũng đã đưa tất cả gia đình về lại
Huế.
Căn nhà của bác nay được xây nới rộng thêm một phòng nữa ở phía bên hông để đáp ứng với nhu cầu nhân số gia tăng. Thấy tôi đột nhiên ra đây, hai bác đều ngạc nhiên nhưng khi biết lý do chuyến ra Huế của tôi lần này thì hai bác cũng có ý mừng cho tôi. Trong nhà ngoài mấy em nhỏ nay cũng đã lớn và một em nhỏ sau này tôi chưa biết, còn có thêm một thiếu nữ lạ, bụng đang mang bầu, chưa kịp hỏi thăm đó là ai thì bác gái đã kể cho tôi nghe một hơi là thằng Lâm thi không đậu được cái Tú tài 2 đâm chán học bèn tình nguyện đi Thủ Ðức rồi khi ra trường thì phục vụ trong một đơn vị Thám báo. Hắn gặp cô này ở một vùng hắn đi qua và khi cô này mang bầu thì hắn dẫn về nhà trình diện với hai bác và giới thiệu đó là vợ hắn. Trước khi trở về đơn vị, hắn xin phép hai bác cho hắn được gửi vợ ở lại nhà, để hắn còn rảnh rang theo đơn vị. Thì ra chỉ có mấy năm không gặp, nay bỗng nhiên nghe một loạt thành tích của hắn, tôi không thể không thầm phục hắn nay quả đã là giang hồ thứ
thiệt.
Cảnh thì cũng vừa lấy xong cái bằng Cử nhân Văn chương Pháp ở Ðại học Văn khoa Sài gòn nên bây giờ trở về đây xin vào làm giảng viên tại Ðại học Văn Khoa Huế. Anh chàng này vốn ít nói và bây giờ thì lại càng tỏ ra chững chạc hơn nữa cho phù hợp với vai trò mới của mình. Còn con
Ái thì cũng đang theo học Văn Khoa ở đây. Không còn con nít nữa nhưng không hiểu sao đôi khi tôi vẫn quen miệng gọi như là hồi còn con nít. Thế mới biết những ấn tượng thời thơ ấu bao giờ cũng ghi đậm nét hơn.
Ngày hôm sau tôi bắt đầu đi lo công việc của mình. Thấy tôi hỏi mượn một chiếc xe đạp để đi thì
Ái chỉ cho tôi chiếc velo solex và bảo tôi cứ việc lấy chạy vì đó là xe của cô ta. Thì ra cô nàng từ lâu cũng chịu khó đi kèm trẻ nên dành dụm mua được chiếc xe này để chạy tới chạy lui cho ra vẻ sinh viên thời đại mới. Theo lời chú Tiến dặn, tôi hỏi thăm địa chỉ Thư viện Ðại học Huế để đến tìm giáo sư Trần rồi bắt đầu phóng xe đi. Viện Ðại học Huế được thành lập sau khi tôi đã rời Huế về Sài gòn ở nên tôi cũng chưa biết các cơ sở này cái nào nằm ở đâu.
Thư viện Ðại học chính là toà nhà Ngân hàng Ðông Dương cũ toạ lạc trên đường Lê Lợi nhìn ra sông Hương. Sau khi trình bày mục đích của mình, tôi được nhân viên thư viện đưa vào gặp giáo sư Trần.
Ông này vừa là giáo sư nhưng cũng là dân biểu Cần Lao và có lẽ được ông Cẩn giao cho phụ trách về vấn đề sinh viên ở đây. Sau khi hỏi qua quá trình học vấn của tôi, ông ta cho tôi biết là hiện nay chưa có sẵn học bổng nào và thời gian chờ đợi có được một cái học bổng nào đó rồi làm các thủ tục sẽ còn kéo dài nên tạm thời tôi sẽ phải ra đây ghi danh vào học tiếp tục ở Ðại học Huế. Việc ăn ở thì ông ta đã thu xếp cho tôi một chỗ ở bên cư xá sinh viên của các linh mục dòng Tên. Tôi chỉ cần qua bên ấy trình diện linh mục Giám đốc để giữ
chỗ.
Thật ra trước khi gặp giáo sư Trần tôi cũng tưởng là đến đây gặp ông ta để được hướng dẫn cho những thủ tục cần thiết và nhận những giấy tờ hồ sơ để rồi mang về Sài gòn làm nhưng nay thấy con đường cũng còn dài và nhiêu khê nên tôi hơi nản. Dù sao thì qua những năm ở Huế trước đây và tình hình cuộc đấu tranh vừa qua tôi không còn thích sống ở Huế nữa, vì không biết cái gì sẽ xảy ra lúc nào dưới cái vẻ trầm lặng ấy. Tuy nhiên đã lỡ rồi thì phải theo nhưng vì thấy trường cũng chưa có lệnh khai giảng niên khóa mới nên tôi bèn xin ông ta để tôi về Sài gòn thu xếp đồ đạc xong rồi sẽ trở ra lại viện cớ vì tôi được gọi ra đây đột ngột nên không có chuẩn bị trước. Giáo sư Trần đồng ý và sẵn trớn tôi xin giáo sư Trần cho tôi phương tiện trở về. Giáo sư Trần bèn viết cho tôi một cái thư giới thiệu bảo tôi vô Ðà Nẵng gặp Ðại úy Biên để ông ta sẽ lo phương tiện máy bay quân sự cho tôi về Sài gòn.
Sau khi từ giã giáo sư Trần tôi bèn chạy lại cư xá sinh viên của mấy linh mục dòng Tên cho biết chỗ ở mới. Ðây chính là toà nhà Chaffanjon cũ nay được biến cải thành đại học xá. Linh mục Giám Ðốc là một người Pháp nên khi vào gặp ngài tôi đã phải vận dụng cái vốn liếng tiếng Tây ăn đong bao nhiêu năm nay ở các trường ta ra hầu chuyện. Cũng may là cả chủ lẫn khách đều hiểu nhau được cả nên tôi cũng được làm thủ tục ghi danh đầy đủ chờ ngày trở ra lại sẽ khăn gói vào ở. Nhìn chung thì cái cư xá này cũng khang trang hơn cái cư xá
Phục Hưng ở đường Nguyễn Thông Sài gòn nhiều và nếu so sánh với cái ký túc xá tiểu học của mấy ông thầy giòng Giu se Quảng Bình di cư ngày tôi mới từ vùng Việt Minh trở về Huế ở đi học trước đây thì quả là một trời một vực. Ðiều này có thể coi như chút đền bù cho cái việc phải
bỏ Sài gòn ra đây học.
Những việc phải làm đã xong, tôi bắt đầu rảnh rỗi dạo chơi ngắm lại thành phố cũ. Mùa hoa phượng đỏ đã qua rồi nhưng cái vẻ trầm lặng và thơ mộng của thành phố thì vẫn còn cho dù cách đây vài tháng nơi đây đã là cái nôi phát động phong trào tranh đấu của Phật giáo và đã có nhiều ngày rất sôi động. Ngoài một vài cơ sở mới được xây cất thêm như Hội Trường thành phố, khách sạn Hương Giang, còn phố xá thì cũng không có gì mới lạ hơn. Các trường đại học đều là những cơ sở cũ nay được sửa sang lại thành các cơ sở cho các phân khoa xử dụng chứ chưa có xây dựng công trình nào mới. Vì trường chưa có lệnh mở cửa nên cũng còn vắng bóng các cô cậu sinh viên lai vãng.
Tôi cũng ghé lại thăm bác Ðàm. Sau khi vụ chiến khu Ba lòng đi vào dĩ vãng thì bác Ðàm cũng được tha về nhưng bác không còn tham gia chính quyền nữa mà chỉ đi dạy cho trường Thiên Hựu. Gặp tôi bác cũng ngạc nhiên như bác Tâm và tôi cũng không dấu bác cái nguyên cớ đưa tôi ra đây, tuy nhiên bác chỉ yên lặng chứ không có ý kiến gì. Tôi hỏi thăm bác về mấy người con lớn nhưng hiện tại không ai có mặt ở nhà nên bác giới thiệu tôi cho mấy cô em kế, cô thì tấp tểnh sinh viên, cô thì cũng gần xong Trung học. Qua bảy năm dẵm tới dẵm lui phố phường Sài gòn, người tôi cũng đã có chút ít bụi bặm đô thành bám vào lại thêm cái nhãn hiệu sinh viên Sài gòn bỏ túi nên bây giờ đối diện mấy cô em chưa ra khỏi thành phố Huế này tự nhiên tôi thấy mình cũng trở nên bặt thiệp ăn nói đâu ra đó chứ không còn là chú mán ngậm câm như ngày xưa. Vì thế mà lúc cáo từ ra về, tôi cũng được các cô lịch sự tiễn ra tới ngõ.
Ở lại Huế thêm một ngày nữa tìm thăm mấy thằng bạn cũ thời xưa thì bây giờ chúng cũng lưu lạc đâu cả nên hôm sau tôi đáp xe đò vào Ðà nẵng. Theo lời dặn của giáo sư Trần, tôi tìm lại nhà đại úy Biên và ngồi chờ cho tới giờ trưa ông ta về nhà ăn cơm mới được gặp. Nhìn phù hiệu trên bộ quân phục tôi biết ông ta thuộc lực lượng Ðặc Biệt. Sau khi ông ta xem thư của giáo sư Trần rồi bèn bảo tôi cứ ở lại đây, mỗi ngày vào giờ ông ta đi làm thì phải chuẩn bị sẵn để hễ có chuyến bay thì ông ta sẽ về đón ra phi trường đi. Thế là ngày nào hễ ông ta đi làm là tôi lại túi xách sẵn sàng ngồi nhà đợi, có muốn đi chơi cho biết phố phường cũng không đi được. Chỉ có chút buổi chiều sau khi ông ta đi làm về tôi mới thấy mình được tự do đi ra ngoài đôi chút nhưng lúc ấy thì cũng đã hết ngày nên cũng chỉ loanh quanh vài con phố, ghé đâu đó ăn cơm rồi quay về
ngủ.
Ðợi ba hôm như thế tôi nản quá định bụng chiều nay sẽ thưa với ông ta ngày mai tự mình đi mua vé xe đò về thì gần trưa chợt thấy ông ta lái xe jeep về gọi tôi theo ông ta gấp.
Ông ta lái xe chạy thẳng vào sân bay khu quân sự và dừng lại trước một căn nhà tôn bảo tôi ngồi chờ rồi bước vào trong. Một lát thì thấy có vài người lính thuộc lực lượng Ðặc Biệt và hai nhân viên phi hành từ gian nhà tôn tiến ra và bảo tôi theo họ tiến lại một chiếc C.47
màu xỉn xỉn, lại không sơn cờ, không có số gì cả đang đậu sẵn gần đó. Tất cả leo lên chiếc máy bay này và sau khi cửa máy bay đóng lại, tiếng động cơ bắt đầu nổ và phi cơ từ từ lăn bánh ra phi đạo.
Thật tôi không ngờ là mình lại được đáp chuyến phi cơ quái đản này vì trong thân phi cơ không có ghế kiểu chở khách mà chỉ có hai hàng chỗ ngồi dọc hai bên thân giống như ghế xích đu. Mấy người lính thì người nào cũng có vẻ như chỉ muốn giữ yên lặng. Tuy nhiên nhìn qua tôi cũng đoán ra loại máy bay này chắc chỉ dùng để thực hiện những phi vụ đặc biệt như đi thả biệt kích ra miền Bắc chẳng hạn. Thấy máy bay đã bay 5, 6 tiếng đồng hồ mà nhìn ra cửa sổ lúc nào cũng chỉ thấy bên dưới toàn là núi rừng tôi cũng sốt ruột. Cuối cùng thì đồng bằng cũng hiện ra và máy bay đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất và chaỵ vô đậu trong khu sân quân sự. Tôi theo mấy người lính xuống máy bay rồi tìm đường ra cổng đón xe về nhà.
Về lại Sài gòn, tôi kể cho ông ngoại tôi và cậu Ðôn về chuyến đi vừa rồi và câu chuyện tôi được ông Cẩn đỡ đầu cho đi du học. Nói chung thì cả nhà nghe chuyện này đều cho rằng đây cũng là một dịp may cho tôi nên đều bảo tôi đừng bỏ lỡ. Thế nhưng có một cái gì đó vẫn làmcho tôi cứ phân vân chần chờ không chịu sửa soạn ra Huế
ngay.
Mặc dù tình hình có vẻ yên tĩnh nhưng các trường Ðại học vẫn chưa có lệnh cho mở cửa lại. Trong khi ấy thì sự có mặt của Ðại sứ Cabot Lodge ở Sài gòn hiện nay càng khiến cho mọi người như chờ đợi một biến chuyển nào đó về chính trị. Những tin đồn nào là ông Nhu chịu rút lui khỏi chính trường, nào là ông Nhu định làm đảo chính, nào là bác sĩ Tuyến âm mưu đảo chính bị phá vỡ v.v... cứ rối mù cả lên khiến cho tôi cũng không biết mình nên ở lại Sài gòn hay là trở ra Huế. Tuy nhiên về phía chính quyền thì vẫn bình thản và vẫn chuẩn bị tổ chức duyệt binh vào ngày 26-10 như thường lệ. Ngày Quốc khánh đã diễn ra trong sự yên tĩnh dưới sự chủ tọa của Tổng thống Ngô Ðình Diệm và trong số quan khách ngoại giao đoàn tham dự có cả Ðại sứ Mỹ Cabot Lodge.
Sau ngày lễ quốc Khánh tình hình vẫn yên tĩnh. Tuy nhiên tôi vẫn cứ chần chờ cho đến gần hết tháng 10 thì tôi nghe có thông báo trường Ðại học Huế sẽ mở cửa lại vào đầu tháng 11. Vì sợ trễ hạn ghi danh sẽ bị phiền phức nên tôi vội vàng mua vé máy bay đi thẳng ra Huế.
Vẫn theo thông lệ ra tới Huế là tôi kêu xe về nhà bác Tâm. Ngày hôm sau là ngày lễ Các Thánh, các cơ quan đều nghỉ nên tôi vẫn còn lưu lại nhà bác. Buổi sáng vẫn yên tĩnh, nhưng đến trưa thì đài Sài gòn loan tin có đảo chánh. Thế là mọi người không ai bảo ai đều chú tâm vào theo dõi đài phát thanh. Suốt cả ngày mồng một chỉ nghe có lời hiệu triệu của Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng do tướng Minh đứng đầu kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh và tuân theo các thông cáo của Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng cùng vài tin tức như Lực Lượng đảo chánh đã hoàn toàn làm chủ tình hình Thủ đô, Ðại tá Tung chỉ huy Lực lượng Ðặc biệt đã bị Lực Lượng Ðảo chính bắn chết v.v... Riêng có ông Diệm và ông Nhu thì không nghe có tin tức gì cả.
Tại Huế thì ngay sau khi có tin đảo chánh ở Sài gòn liền có một số thiết vận xa được điều động đến đậu án ngữ quanh khu vực nhà ông Cẩn. Ðồng bào lân la lại hỏi thăm thì mấy người lính nói là họ được tướng
Trí phái tới bảo vệ an ninh cho cậu. Mọi sinh hoạt đều ngưng nhưng thành phố vẫn không có gì náo động vì tất cả vẫn còn chờ theo dõi biến chuyển của cuộc đảo chính. Kinh nghiệm
về những lần đảo chánh hụt trước đây đã dạy cho mọi người bài học căn bản: không nên biểu lộ thái độ quá sớm.
Qua ngày hôm sau khi đài Sài gòn bắt đầu loan tin Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng đã bắt được hai ông Diệm và Nhu và hai ông đã tự tử chết sau đó. Rồi lệnh của Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng giải tán Quốc Hội, các tổ chức chính trị của ông Nhu cùng tịch biên tài sản của gia đình họ Ngô và các tổ chức chính trị trên thì thành phố bắt đầu sôi động lên. Những người thuộc ngành Mật vụ hoặc từng tích cực đàn áp phong trào Tranh đấu trước đây bắt đầu lo tìm đường bỏ trốn, còn những người chống đối chế độ ông Diệm bắt đầu ra mặt hoạt động, thành lập
Ủy ban này, Phong trào nọ và đang thao túng Chính quyền.
Bác Tâm mấy ngày nay vẫn cố liên lạc thường xuyên với bên gia đình bà cả Lễ để biết tin tức về gia đình họ Ngô. Hôm được tin đích xác là hai ông Diệm và Nhu đã bị giết vì hai ông bà Trần Trung Dung đã được các tướng lãnh cho đến nhìn mặt tại bộ Tổng Tham Mưu, đồng thời tin ông Cẩn cũng đã được bí mật đem đi khỏi căn nhà ở Phủ cam vào nửa đêm mồng hai, thì bác về nhà và thấy tôi bác lắc đầu buột miệng nói:
"Ce sont les jours sombres qui commencent" [thế là những ngày đen tối bắt đầu]. Tôi biết bác Tâm cũng không bao giờ thích những
chế độ độc tài, nhưng đối với bác thì dù sao trong giai đoạn
hiện nay, nếu để ông Diệm cai trị vẫn khá hơn giao cho những người khác. Riêng tôi đến đây thì cũng hiểu là chuyến ra Huế này của mình đã trở thành thừa và vô ích.
Mấy ngày sôi động vì đảo chính làm ngưng trệ mọi sinh hoạt và lưu thông đường sắt đường bộ hay máy bay đều đình chỉ khiến cho tôi chỉ biết lang thang chờ đợi. Còn dân chúng thì sau khi thấy cuộc đảo chính đã
thật sự lật đổ được ông Diệm rồi thì bắt đầu rủ nhau nườm nượp đi xem tội ác của Ngô Ðình Cẩn. Người ta loan truyền với nhau về những hầm chứa xương người ở trên khu Chín Hầm do mật vụ của ông Cẩn bắt người rồi đem lên đây thủ tiêu. Ngay cả khu vườn cam của ông Cẩn bên kia đường đối diện căn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ cũng được người ta phao tin ông Cẩn đã cho thủ tiêu nhiều sư sãi rồi đem chôn dưới các gốc cam để cho cam tươi tốt. Thế là có những nhóm người đem cuốc xẻng tới đào xới từng gốc cam để tìm xác người nhưng rốt cuộc chẳng ai tìm thấy gì còn cái vườn cam thì tan nát cả. Riêng khu nhà ông Cẩn thì những chiếc xe thiết vận xa vẫn còn đậu đó nhưng những người lính không còn nói là để bảo vệ cậu mà là để phong toả gia đình họ Ngô, nhờ thế mà đám người quá khích không thể tràn vào đập phá. Nhìn cái cảnh quần chúng bị những thế lực đen tối xách động như thế này, tôi lại nhớ đến những phong trào đấu tố ở vùng Việt Minh cũ và càng thêm ngao ngán cho con đường đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ của dân tộc tôi.
Ngày bắt đầu có xe đò lưu thông trở lại, tôi ra bến xe mua vé về ngay Sàigòn. Qua hai ngày đi ngang bao nhiêu thành phố và thị trấn hãy còn xôn xao về tình hình, tôi về tới Khánh Hội lúc mọi nhà đã lên đèn. Vừa bước vào nhà gặp ông bà và em tôi, ai nấy cũng ngạc nhiên. Suốt mười ngày qua từ khi xảy ra cuộc đảo chánh, tất cả những gì xảy đến cho các nhân vật trong gia đình họ Ngô đều được thực hiện một cách im lìm bí mật, dân chúng không hề được chứng kiến cho nên dư luận trong dân chúng vẫn mù mờ. Nhiều người vẫn đồn với nhau các ông này đã trốn thoát ra một chiến khu nào đó hay đã sang lánh nạn bên
Úc. Vì thế ở nhà mọi người cũng nghĩ là tôi cũng đã đi theo ông Cẩn. Chưa ai tin hai ông Diệm và Nhu đã bị giết cả. Riêng tôi, khi nghĩ lại cuộc
hành trình tìm một con đường du học của mình thì cũng chỉ biết xem như là một giấc mơ qua.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment