Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Monday, February 18, 2013

Tìm Một Niềm Tin [26]

Ký sự Tùy bút
 
26.- NGƯỜI ƠI! 
NƯỚC NAM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
 
 Khi ông Ngô Ðình Diệm về nước nhận chức Thủ tướng thay thế hoàng thân Bửu Lộc thì Hiệp định Genève chia đôi nước Việt Nam đã được các phe lâm chiến hình thành trên nguyên tắc cho nên về mặt danh nghĩa, dù ông tân Thủ tướng có chỉ thị cho đại diện phe Quốc gia từ chối không ký vào bản Hiệp Ðịnh thì Hiệp Ðịnh vẫn được Việt Minh và Pháp ký kết để cùng thi hành cho nên trên thực tế, chính quyền của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm vẫn phải theo chân quân đội Liên Hiệp Pháp để rút hết toàn bộ cơ cấu hành chánh cũng như quân sự của mình ra khỏi bắc vĩ tuyến 17 trong thời hạn 300 ngày. 


Cũng trong thời gian này, người dân thuộc hai vùng được quyền chọn lựa vùng sinh sống cho nên một triệu người thuộc miền Bắc cũng đã bỏ quê hương tài sản của mình để di cư vào miền Nam làm lại cuộc đời. Con số này có thể còn lên cao hơn nữa nếu thời gian cho phép tập kết hai vùng được dài hơn và phía Việt Minh Cộng sản không cố tình tìm mọi cách để ngăn cản làn sóng di cư tỵ nạn. 


Sau khi giòng sông Bến Hải đã trở thành ranh giới phân định hai vùng Bắc, Nam rõ rệt thì dân chúng một nửa phía Bắc thuộc quyền Việt Minh cai trị bắt đầu sống dưới chế độ vô sản chuyên chính, cho nên với chính sách bưng bít với thế giới bên ngoài, có lẽ người dân Miền Bắc không làm sao nghe được tiếng gọi của người anh em được phát ra từ các đài phát thanh ở Miền Nam và vang vang trên mấy cái loa từ bờ nam sông Bến Hải hướng về Bắc:


Người là từ phương Bắc đã qua giòng sông
sông dài tìm đến phương này, một nhà thân ái
Ơi! tình Bắc duyên Nam là duyên
tình chung muôn đời ta đắp xây
... [Khúc hát ân tình] 


để mà hướng về Miền Nam như một khung trời đầy hứa hẹn của tự do và no ấm; còn cái chuyện Miền Nam có kể lể:


Người ơi! Nước Nam của người Việt Nam
Vì đâu oán tranh để lòng nát tan
Đây Bến Hải là nơi ngăn cách đôi tình
... [Về Đây Anh] 


thì đối với nhà cầm quyền Miền Bắc không cần phải nhắc nhở họ cũng luôn luôn hiểu rằng cái bờ ranh giới kia chỉ là tạm thời và nửa mảnh giang san phía bờ nam kia chỉ là một sự bất đắc dĩ phải giao cho phe bên kia tạm thời quản lý mà thôi. Cái việc "giải phóng miền Nam thoát khỏi gông cùm Thực dân Ðế quốc" để tái thống nhất và xây dựng đất nước trong "ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê" vẫn là mục tiêu họ hằng theo đuổi.


Miền Nam Quốc gia được hình thành trong cái bối cảnh phức tạp ấy của lịch sử, một mặt phải đối đầu với người Cộng sản lúc nào cũng chỉ lăm le tiêu diệt mình, mặt khác phải đối phó với những phức tạp của chế độ thực dân để lại: quân đội viễn chinh Pháp vẫn còn hiện diện và tình trạng sứ quân do Pháp tạo ra lâu nay vẫn đang thao túng quyền hành. Ðứng trước nguy cơ hàng ngũ Quốc gia có thể bị tan rã nên các đảng phái Quốc gia đã tập họp lại quanh Thủ tướng Diệm với niềm tin sẽ cùng nhau đoàn kết để làm một cuộc cách mạng khác hầu thực hiện một quốc gia Tự do và Dân chủ ở Miền Nam. Lần ấy, tôi đã là một học sinh của Miền Nam tự do, cho nên tôi cũng từng là một kẻ có mặt trong hàng ngũ những thành phần được huy động tham dự các cuộc mít tinh biểu tình để hoan hô nhà chí sĩ và đả đảo Thực dân với Cộng sản.


Công lao của ông Ngô Ðình Diệm là đã dẹp tan được nạn sứ quân để thống nhất quyền lực trong tay chính quyền trung ương cũng như với sự tích cực giúp đỡ của người Mỹ đã di chuyển cho số người muốn đi tìm tự do trên vào được miền Nam và giúp đỡ cho họ định cư để hội nhập vào một xã hội mới và xây dựng một miền Nam trù phú và thanh bình. Nhưng nhà cầm quyền Miền Bắc khi thấy Miền Nam chống lại Hiệp thương để tái thống nhất thì xoay ra dùng biện pháp quân sự xâm chiếm Miền Nam hầu thực hiện mục tiêu tối hậu là thiết lập chế độ Cộng sản trên toàn lãnh thổ. 


Người dân Miền Nam cũng mang trong tâm tưởng cái ý tưởng đất nước phải được thống nhất nhưng cái quan niệm về thống nhất cũng rất là phức tạp. Ðối với những người dân chưa hề hiểu thực chất của chủ nghĩa Cộng sản thì kẻ được xem là chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống xâm lăng vừa qua vẫn là kẻ có chính nghĩa hơn. Còn đối với kẻ đã từng có kinh nghiệm đau thương dưới chế độ Cộng sản thì việc thống nhất phải là do Miền Nam đi kèm theo việc tiêu diệt Cộng sản. Ngay cả anh bạn Lưu công của tôi trước đây cũng thường đem cả lịch sử thời Trịnh Nguyễn phân tranh để dẫn chứng là chính Quang Trung và sau đó là Nguyễn đã thống nhất, còn Trịnh thì bị diệt, để bênh vực cho lập luận của mình. Tuy nhiên với tình hình hiện tại thì cái cơ may Miền Nam đóng vai thống nhất hãy còn xa vời vì Miền Nam đang cần phải trở thành một quốc gia tự cường trước đã. 


Cái hình ảnh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm được toàn dân qúy mến chưa kịp khắc sâu vào lòng dân tộc thì chiến tranh Quốc Cộng lại tái diễn, dân chúng Miền Nam không còn được hưởng cái cảnh thanh bình ấm no của những năm cuối thập niên 50 và do những khó khăn của tình hình khiến cho chính quyền Ngô Ðình Diệm không những không cho thực thi những quyền tự do dân chủ như người dân mong muốn mà còn đưa ra những đạo luật có tính cách phản nhân quyền như luật 10/59 để đưa lên máy chém bất cứ người nào bị kết tội là Cộng sản làm cho lòng người sinh bất mãn và niềm tin thêm phân hóa.


Nếu Miền Bắc nằm trong qũy đạo của các nước Cộng sản đã trở thành một xã hội khép kín thì Miền Nam với danh hiệu là "tiền đồn của Thế giới Tự do" bây giờ đang trở thành một sân khấu chính trị cho các thế lực siêu cường thao túng. Với chủ trương chống Cộng triệt để, chính quyền ông Diệm chủ trương "diệt xong Cộng sản sẽ có Tự do dân chủ" để cho áp dụng nhiều chính sách có tính cách độc tài khiến cho chính quyền Kennedy lại xử dụng chiêu bài "Tự do Dân chủ" để móc nối một số người bất mãn chống lại ông Diệm và càng ngày càng xen mạnh vào nội tình Miền Nam. Chính vì những hành động can thiệp công khai này của người Mỹ càng tạo thêm cái cớ cho Cộng sản tuyên truyền lũng đoạn và khai thác theo cách có lợi cho mình. 


Với những người như cánh họ ngoại di cư của tôi đã từng trải qua những năm tháng cơ cực dưới chế độ Việt Minh ở ngay "quê hương của Bác" thì sự di cư này là một cơ may để họ có được một cuộc sống mới đáng sống hơn thì cho dù họ có thể không thích thái độ kiêu căng của vài người trong gia đình họ Ngô nhưng chuyện trung thành với họ Ngô vẫn là một điều thiết yếu. Còn như đối với người dân miền Nam chưa từng nếm mùi "thiên đường Cộng sản" thì việc thâu tóm quyền hành vào tay các người trong gia đình họ Ngô và loại trừ những thành phần không được kể như là thân tín cũng như việc thực hiện những chính sách nhằm đối phó với Việt cộng như ấp chiến lược, đoàn ngũ hóa nhân dân chỉ là những chủ trương nhằm củng cố cho một chế độ mà thôi. 


Tuổi thanh niên vẫn là tuổi giàu nhiệt tình, thích sáng tạo và yêu những gì là lý tưởng, cho nên đứng trước cảnh đất nước qua phân, dân tộc đói nghèo và chậm tiến, chiến tranh vẫn đe dọa thân phận con người, họ không thể nào thờ ơ được. Tuy nhiên trong cái bối cảnh lịch sử phức tạp của một đất nước nhược tiểu vùng lên giành độc lập thì lại bị những thế lực quốc tế đang tranh chấp nhau nhảy vào lèo lái khiến cho lại xảy ra cuộc chiến tranh ý thức hệ như hiện nay thì đâu là niềm tin để cho mọi người hướng vào cũng là một cái gì rất khó xác định. 


Nếu người Mỹ vì nhu cầu an ninh của quốc gia mình mà chủ trương "quốc tế hóa" cuộc chiến tranh ở Miền Nam cho nên đang càng ngày càng gia tăng sự hiện diện của mình và can thiệp vào nội tình của xứ này, gây thêm mâu thuẫn với chính quyền Ngô Ðình Diệm, thì ngược lại, người Cộng sản Miền Bắc đã khôn khéo núp dưới mô hình Mặt trận Giải Phóng Miền Nam do họ khai sinh và xử dụng những nhân vật tên tuổi ở Miền Nam bất mãn với chế độ Ngô Ðình Diệm đã bỏ theo họ đứng ra làm bung xung với những chiêu bài "Trung lập", "Hòa Bình" để lừa bịp dư luận quốc tế và lôi cuốn thành phần bất mãn ở Miền Nam càng làm cho tuổi trẻ thêm hoang mang và cuộc chiến tranh tiêu diệt Việt cộng ở Miền Nam càng trở nên gay go hơn.


Trong bối cảnh chính trị rối ren ấy, cường độ chiến sự vẫn gia tăng khiến cho Mỹ phải gửi thêm cố vấn quân sự và đổ thêm chiến cụ vào Miền Nam. Nhiều chuyến tàu hải quân Mỹ ghé lại bến Bạch Ðằng đổ xuống những chiếc trực thăng, những chiếc thiết vận xa M113 để trang bị cho Quân đội Cộng hòa. Nếu có người như cậu Kiên, mang trong lòng nỗi hận thù Cộng sản đã đấu tố tàn nhẫn gia đình mình và vẫn còn giam giữ cha mình trong trại cải tạo cho nên vừa đậu xong Tú tài là tình nguyện xin vào trường Võ bị Ðà lạt để mong một ngày nào đó cậu sẽ ở trong đoàn quân Bắc tiến, giải phóng cho quê hương miền Bắc và gặp lại cha mẹ, thì cũng có những người không tránh khỏi lệnh động viên phải trở thành người lính thì tâm trạng của họ cũng có lúc phân vân day dứt như Nguyễn Văn Ðông diễn tả trong bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới:


"Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?..."


Và có lẽ cũng vì cái câu mở đầu này của bản nhạc đã gây cho người thanh niên một ấn tượng hoang mang bất lợi cho cuộc chiến tranh chống Cộng mà bài hát vừa được phổ biến ít lâu thì liền bị chính quyền cấm hát. 


Sau cuộc đảo chính không thành công của một nhóm sĩ quan Nhảy dù, tình hình tạm lắng được ít lâu nhưng mầm mống chống đối và chia rẽ thì càng ngày càng gia tăng cũng như áp lực quân sự của Việt cộng ngày càng nặng nề khiến cho chính phủ của ông Diệm lại càng ngày càng siết chặt tự do của dân chúng và đàn áp áp các nhóm đối lập mạnh hơn nữa. Ðiều này đã đưa đến sự kiện hai viên phi công của Không quân lợi dụng dùng máy bay được phái đi oanh kích các vị trí của Việt cộng để huớng về Sài gòn thả bom vào ngay dinh Ðộc lập. 


Tuy không gây thiệt hại nào về nhân mạng cho gia đình họ Ngô nhưng mấy quả bom đã làm cho cái dinh Ðộc Lập bị sập hết một phía khiến cho Phủ Tổng Thống phải dời về dinh Gia Long để cho phá bỏ luôn cái dinh cũ và xây lại cái dinh mới. Hơn nữa, mấy quả bom tuy không làm cho nhà Ngô sụp đổ, nhưng đó là dấu hiệu báo cho hàng loạt phong trào tranh đấu chống lại chế độ bùng lên quyết liệt sau đó. 


Vì trường Văn khoa nằm ở khu đất sát bên dinh Gia Long nên khi Phủ Tổng Thống dọn về dinh này thì một nửa khu đất của trường Văn Khoa có mấy ngôi nhà tiền chế gần phía bên dinh liền bị phong tỏa và do Cảnh sát dã chiến trú đóng để bảo vệ an ninh cho dinh. Mặc dù thế, do toạ lạc ở khu trung tâm Bến Thành nên Văn Khoa vẫn là một vị trí rất thuận lợi cho mọi sự gặp gỡ. Ngoài ra trường Văn Khoa có sĩ số đông nhất, lại bao gồm đủ thành phần khác nhau nên sân trường lúc nào cũng có người ra vô đông đảo. Tuy nhiên trong số sinh viên bây giờ không còn là sinh viên thuần túy mà còn có cả an ninh chìm, mật vụ trà trộn vào để theo dõi hoạt động của sinh viên. Cái không khí vui tươi cởi mở dần biến đi nhường chỗ cho bầu không khí căng thẳng của đấu tranh. 


Bạn bè tôi dù được sinh ra hay chỉ là lớn lên trong Miền Nam tất nhiên không ít thì nhiều họ cũng từng quen tiếp xúc với thế giới bên ngoài và tiêm nhiễm cái tư tưởng Tự do Dân chủ của Tây phương cho nên bây giờ đối diện với thời cuộc cũng dần dần trở thành phân hóa. Một số đông không thích chính trị thì có vẻ chỉ muốn cầu an và cũng chỉ mong sao cho tình hình yên ổn để còn học hành ngõ hầu kiếm thêm cho mình một chút danh vị trong cái xã hội chuộng bằng cấp này. 


Một số khác nhiệt tình hơn với những vấn đề quốc gia dân tộc thì lại bắt đầu tham gia vào các phong trào tranh đấu. Những người mà gia đình thuộc thành phần được chế độ trọng dụng thì vẫn tích cực bảo vệ chế độ. Trái lại những người mà gia đình có cha anh từng tham gia trong các đảng phái Quốc gia khác và hiện tại bị ông Diệm loại trừ thì đang hăng hái chống lại chế độ được gọi là độc tài gia đình trị của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ðứng trước những thái độ cực đoan này, tôi thấy mình không thể thân với bên nào cả cho nên cứ càng ngày lại càng cảm thấy mình như xa dần một số bạn bè mà thôi. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment