Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Monday, February 18, 2013

Tìm Một Niềm Tin [25]

Ký sự Tùy bút 
25.- THANH NIÊN SINH VIÊN  
LÀ RƯỜNG CỘT CỦA QUỐC GIA 

Bảy năm trước đây, tôi rời bỏ mảnh đất Bình Ðịnh điêu tàn vì chiến tranh thì tôi hãy còn là một tên niên thiếu theo người lớn tìm về với xã hội văn minh để ca nốt bài "học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau..." Lần này sau một chuyến tự mình về thăm chốn cũ, tôi lại rời Bình Ðịnh chưa sạch dấu binh lửa xưa thì đã bị đe dọa bởi những lớp bom đạn mới, nhưng tôi bây giờ đã là một thanh niên bắt đầu trưởng thành quay về với phố phường để học làm người "sinh viên là rường cột của Quốc Gia". 


Dĩ nhiên với cái căn bản học vấn toàn là những mảnh chắp vá và cái bằng Tú Tài ban C, những khung trời đại học mở ra cho tôi có quyền lựa chọn cũng không nhiều. Hai trường Ðại Học được coi là danh giá nhất là Y khoa và Dược khoa mà đa số các bậc phụ huynh hằng mơ ước thấy con em mình có cơ hội bước vào thì tôi lại không dám nghĩ đến mặc dù hai trường này cũng cho phép học sinh đậu Tú tài Ban C được theo học. Lý do ngoài việc tự lượng mình không có năng khiếu về mấy ngành đó đã đành nhưng cái lý do quan trọng hơn là tôi không có phương tiện để theo học cái chương trình nặng nề, tốn kém và dài đằng đẵng ấy.


Những trường như Quốc Gia Hành Chánh, Ðại học Sư phạm, là những trường tôi có thể nhằm vào vì nếu được tuyển vào làm sinh viên của các trường này thì không những được hưởng học bổng đủ để trang trải phí khoản ăn ở khi còn theo học mà khi tốt nghiệp ra trường là có nghề nghiệp vững chắc suốt đời. Phiền một nỗi tôi lại đậu khóa hai nên không còn thời hạn để nộp đơn dự kỳ thi tuyển. Như vậy là chỉ còn lại hai trường rộng mở cho bất cứ ai vượt qua được cái cửa ải Tú Tài là Ðại Học Luật Khoa và Ðại học Văn khoa.


Trường Ðại học Luật Khoa vốn đã có một cơ sở tại Sài gòn từ trước khi có sự chia đôi đất nước, Khoa trưởng cũng như thành phần giáo sư là những bậc khoa bảng có văn bằng thạc sĩ , tiến sĩ đúng tiêu chuẩn của một trường đại học. Cả Hoa và chị Mi sau khi tốt nghiệp bậc Trung học cũng đã theo học ngành này và hiện nay đã qua được năm thứ nhất. Thế nhưng tôi cũng chỉ ghé qua thăm một vòng cho biết chứ tôi cũng chẳng ham trở thành luật sư hay quan toà khi những hình ảnh cũ về cái luật rừng và luật của súng đạn vẫn còn ám ảnh tôi chưa nguôi.


Tôi còn nhớ sau ngày cha tôi bị Toà Án Quân sự Liên khu V tuyên án tử hình, tôi có được một người nào đó có đi xem phiên toà về kể cho tôi nghe là sau khi toà tuyên án, viên chánh thẩm vốn là nguyên Tổng đốc của cựu trào mà cũng là đồng nghiệp với cha tôi trong chế độ mới có hỏi bị cáo có muốn phát biểu gì không, cha tôi đã nói đại ý là người cũng đã từng ngồi ghế quan toà để kết án người khác nhưng lúc ấy người đã cố gắng lấy công tâm và dựa vào công lý để luận tội, nhưng nay thì người lại là bị cáo để cho người ta kết án nhưng không phải vì công lý và công tâm. Tôi không biết cha tôi có thật sự phát biểu như vậy trước toà không, nhưng dù sao thì cái lời kể lại của người đó cũng đã gây cho tôi một ấn tượng suy nghĩ cho tới bây giờ. 


Vậy là chỉ còn có một trường để cho những kẻ lở dở lương ương như tôi có thể vào học là trường Ðại học Văn khoa. Trường Ðại học Văn khoa hiện tại được xây trên khu đất nguyên là Khám lớn cũ của Sài gòn đã bị phá hủy từ thời Nam bộ kháng chiến. Kể ra thì cái việc một nhà tù được phá đi nhường chỗ cho một trường học mọc lên là một dấu hiệu tốt cho xã hội nhưng ở đây cái chuyện phá bỏ nhà tù và xây dựng trường học chẳng liên hệ gì với nhau cả vì hai sự kiện này xảy ra ở hai thời kỳ khác nhau do những con người khác nhau bị thúc đẩy bởi những động cơ khác nhau.


Ðúng ra thì Văn Khoa là tiêu biểu cho linh hồn của dân tộc vì nó nhằm bảo tồn và phát huy cái tinh hoa về văn hoá của dân tộc mình, cho nên khi nhắc đến tên phải dùng những từ ngữ trang trọng mới phải, thế nhưng anh bạn Lưu công cao lều khều của tôi thì lại hay gọi nó bằng cái hỗn danh "Văn Khoa chuồng ngựa". Thật ra anh ta không có ý miệt thị vì chính anh ta mặc dù đang theo học Dược khoa để làm hài lòng hai ông bà cụ nhưng anh ta không quên ghi danh học thêm cả ở Văn khoa để thoả mãn ý nguyện riêng của mình. Anh bạn nói sở dĩ trường có cái biệt danh này là vì ngày mới được thành lập ở Hà Nội trước khi di cư vào Sài gòn, trường chưa có cơ sở khang trang xứng đáng làm chỗ quy tụ cho những tinh hoa tư tưởng của đất nước mà chỉ mới có một số phòng lớp được đặt tạm trong một khu vực vốn là chuồng ngựa cũ để đón nhận một số cô cậu Tú có lẽ cũng không biết học cái gì như tôi bây giờ. 


Qua một trăm năm bị Tây đô hộ, nền Quốc học bị mai một nên đến lúc độc lập thì ngoài mấy ông Cử nhân Tiến sĩ Tây học, tìm không ra nhân tài có học vị thích đáng để bổ làm Trưởng khoa, cho nên lâu nay các khoa trưởng vẫn cứ là mấy vị Tây học. Không những thế, tuy là trường Văn khoa của nước Việt nhưng trong khi giảng dạy các môn học, ngoại trừ môn tiếng Việt, các môn khác vẫn phải dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Nay đã đến lúc Chính phủ cần đề cao nền quốc học nên khi thấy cụ học giả họ Nguyễn đã bỏ công nghiên cứu viết ra mấy cuốn sách về triết lý văn hoá cội nguồn bèn bổ cụ lên làm Khoa trưởng, tuy nhiên nghe nói khi cụ du học ở ngoại quốc cụ lại học về ngành Hóa học. 


Tôi vào Văn khoa đúng vào năm cụ học giả họ Nguyễn vừa lên chức Khoa trưởng và nhà trường bắt đầu cho thực hiện hàng loạt cải tổ chương trình. Năm Dự bị được chia thành hai ban, một ban học tiếng Pháp như cũ và một ban dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ. Tuy đã chọn Dự bị ban Việt cho đỡ vất vả về tiếng Tây, nhưng khi bước vào lớp học giờ chữ Hán, nhìn vị linh mục người Âu thuộc dòng Tên dùng tiếng Pháp để giảng chữ Hán cho sinh viên Việt, tôi không tránh khỏi bật cười vì cái ý nghĩ khôi hài: mình đã chọn ta là để tránh Tây, thế mà bây giờ vẫn còn gặp ông Tây vẽ chữ Tàu cho học trò ta học. 


Cũng giống như trường Ðại Học Luật khoa, trường đại học Văn khoa rộng mở cho mọi người tốt nghiệp Tú Tài bất cứ ban nào, không phải thi tuyển cũng không giới hạn tuổi nên không những nhà trường có sĩ số đông hơn bất cứ phân khoa đại học nào ở Sài gòn mà thành phần sinh viên cũng rất là phức tạp. Có những cô cậu Tú non choẹt vừa mới qua khỏi bậc Trung học mà cũng có nhiều ông bà đã có nghề nghiệp, địa vị trong xã hội nhưng vì cần kiếm thêm một mảnh bằng cao hơn để làm cái đà thăng tiến ngạch trật và chức vụ nên cũng chịu khó vào đây ngồi chung với lớp trẻ. Chính vì thế mà cho dù đôi khi trường Văn Khoa có bị nhiều người chê bai là gì đi nữa, Văn khoa cũng là nơi đã từng tiếp nhận nhiều nhân vật có tiếng tăm làm sinh viên của trường, trong số đó có ái nữ của ông bà Cố Vấn Chính trị của Tổng Thống Diệm. 


Trong cái đất nước còn lạc hậu, lại chiến tranh triền miên, những bậc làm cha mẹ có phương tiện hầu như ai cũng chỉ mong muốn làm sao cho con mình được du học, không vì mục đích để sau này thành tài trở về giúp dân giúp nước mà chỉ nhằm vào cái mục đích thực tiễn là tránh cho con mình phải đi lính hay phải chịu đựng những sự thua kém thiệt thòi do hoàn cảnh đất nước tạo ra. Người giàu thì cậy tiền, người có chức có quyền thì cậy thế, ai cũng chỉ muốn cho con cái mình được sống một cuộc sống yên ổn và sung sướng ở một phương trời khác xa ngoài Tổ quốc. Con của ông bà Cố vấn Tối cao mà đành phải ở lại trong nước theo học trường Văn Khoa chắp vá này, lại còn đóng vai Thanh nữ Cộng Hoà để đánh bóng cho cái tổ chức chính trị của cha mình thì đó cũng là một sự hy sinh đóng góp cho sự nghiệp chính trị của nhà họ Ngô vậy. 


Vì chương trình học của trường Văn khoa cũng không ấn định thời hạn nhất định cho người sinh viên phải lấy xong một văn bằng cho nên cách thức học cũng rất tự do thoải mái. Có nhiều cô cậu còn hăng say cái đà học gạo ở Trung học thì còn muốn học nhanh ra lẹ để còn bon chen với đời nhưng cũng có nhiều kẻ thấy mình không có việc gì phải gấp mà chỉ cần kéo dài thời gian được hoãn dịch thì cứ "tà tà mà tới" để còn có thời giờ "từ từ rồi tính". Ngoài ra, sinh viên học Văn khoa có nhiều môn không bắt buộc phải dự lớp mà bài vở thì cũng đã có nhóm sinh viên muốn kiếm tí tiền đã chịu khó lập ra một ban ấn loát rồi xin nguyên bài giảng của giáo sư quay ronéo bán cho các sinh viên khác, nhờ thế mà các sinh viên không đến lớp được cũng có đầy đủ tài liệu cho mình học. Bởi vậy cũng không có gì lấy làm lạ khi thấy có người tuy cũng mang danh là sinh viên Văn khoa nhưng một năm chỉ xuất hiện ở trường có vài lần vào ngày ghi danh đầu năm học và ngày thi cuối khóa mà thôi.


Lên đại học rồi thì cho dù trước đây có là gốc dân trường Tây hay trường ta gì đi nữa cũng không còn phân biệt, và cho dù học trước hay sau nhau vài năm thì cũng là sinh viên cả thôi, vì thế mọi người có vẻ như bình đẳng về mặt tri thức, nhưng không phải ai cũng bình đẳng trong cuộc sống. Mấy cô cậu con nhà giàu hay các ông bà đang có chức có lương thì ung dung tự tại, đi học bằng xe gắn máy, có vài người đi bằng xe hơi, nhưng cũng có rất nhiều sinh viên phải đi bằng xe đạp hoặc xe buýt giảm nửa tiền, và ngoài những lúc đi học còn phải đi xoay sở kiếm sống bằng nhiều thứ nghề tay trái, nhưng cái nghề được yêu chuộng nhất vẫn là kiếm vài giờ dạy ở các tư thục hoặc tìm một chân kèm trẻ tư gia. Tất nhiên là tôi cũng ở trong thành phần thứ hai này. 


Trở thành sinh viên rồi, tôi thấy cái việc ở trông nhà cho chú Hùng cũng không còn thích hợp nữa nên bèn thử đi tìm xem mấy cái đại học xá để xin vào. Cái cư xá Minh Mạng được chính phủ lập ra hồi mới chia đôi đất nước để cho mấy ông sinh viên Bắc kỳ di cư có chỗ ở để tiếp tục ăn học thì sau đó nhiều ông đã thành tài vẫn chưa chịu dọn ra mà có ông còn cưới vợ rồi rước vợ về chiếm hẳn luôn một gian khiến cho lớp đi sau cứ xếp hàng khựng lại đó. Còn cư xá Phục Hưng là của mấy cha dòng Ða Minh lập ra tuy không có cái nạn chiếm hữu theo kiểu ù lì đó, nhưng vì số chỗ có giới hạn và cũng phải có kẻ đỡ đầu như Cảnh em của thằng Lâm đang học Văn khoa ban Văn chương Pháp cũng đang ở đây, thì mới xin vào được, còn loại ngựa hoang như tôi thì cũng chịu thôi. 


Tuy không vào được đại học xá nhưng rồi tôi cũng dọn đi. Thành phố Sài gòn nhà chật người đông, tìm cho được một chỗ trọ vừa túi tiền lại vừa ý không phải dễ. Nhờ chú Ðức giới thiệu là chú Hài làm tại Tổng Nha Thanh niên cùng chỗ với chú Ðức nhà chỉ có hai vợ chồng ở trên Gò Vấp, nếu thích thì có thể đến ở chung. Tôi đến xem thấy nhà chú thuê tuy là nhà lá nhưng ở trong vườn nên cũng yên tĩnh mát mẻ bèn dọn về đây.


Sống đời sinh viên tự lập thì cũng tự do. Với túi tiền ít ỏi thì cơm nước có hai kiểu chính là cơm tay cầm và cơm chỉ. Thật ra cơm tay cầm là cơm được nấu bằng than trong cái nồi đất gọi là tay cầm của nhà hàng Tàu và sang hơn cơm thố nhưng đối với dân không có nhà để về ăn cơm thì cơm tay cầm chính là khúc bánh mì xẻ ruột có nhét tí thịt nguội hay cá mòi hộp gì đó với vài cọng đồ chua của các xe bánh mì, khách hàng mua xong bỏ vào cặp rồi đi. Lúc nào muốn ăn thì chỉ có việc lôi ra cầm tay đưa lên miệng cắn nhai cho qua bữa. Còn cơm chỉ thì quả là cơm nhưng bán trong các tiệm cơm bình dân cho nên tất cả các món ăn của cửa hàng sau khi nấu xong đều được múc hết một lần vào những cái thau bày sẵn lên quầy. Khách muốn ăn món gì chỉ việc đưa tay chỉ vào món đó, người bán sẽ múc ra dĩa, khách hàng khỏi cần phải biết món ấy tên gọi là gì.


Ngoài ra, là sinh viên thì cũng có thể tìm đến quán cơm Anh Vũ. Cái tên nghe cũng hay vì nó là cái quán cơm dành riêng cho sinh viên do chính phủ tài trợ nhằm giúp cho sinh viên nghèo có bữa ăn rẻ tiền. Hình thức tổ chức bắt chước cafeteria ở các Ðại học Mỹ nhưng thức ăn thì dĩ nhiên không làm sao so sánh được. Ngoài cơm tha hồ ăn no vì gạo do chính phủ cung cấp nhưng thức ăn thì của nhà thầu nên có hạn định và cũng rất đạm bạc, không hơn gì các quán cơm xã hội khác chính phủ mở ra cho dân lao động. Có điều đối tượng ở đây là sinh viên nên khung cảnh có vẻ thanh lịch hơn cho phù hợp với thành phần có chút chữ nghĩa. Hơn nữa, ngoài giờ bán cơm ra, buổi tối quán Anh Vũ lại còn là phòng trà văn nghệ cho sinh viên nữa. 


Kể ra làm anh sinh viên nghèo thì không có khả năng xem phim ở các rạp Rex, Ðại Nam, Casino Saigon, hoặc ung dung ngồi Brodard, Givral ngắm thiên hạ, như bạn bè khá giả, nhưng cũng có thể xem phim ở rạp Lê Lợi hay Vĩnh Lợi, đi bát phố khơi khơi, ghé Viễn Ðông uống ly nước mía, và hễ có giờ rảnh rỗi thì tụ tập nhau ở sân trường vừa đấu láo, vừa ngắm các bóng hồng qua lại cũng vui rồi.


Suốt cuộc đời thơ ấu cho đến hết thời niên thiếu, tôi đã phải sống trong mấy chế độ đối nghịch cũng như đã trải qua nhiều cảnh ngộ phức tạp còn sự học hành thì luôn luôn đổi thay và gián đoạn, nay đã vào được đại học, những tưởng đã đến lúc mình có thể vững tâm xây dựng tương lai thì cũng là lúc xa xa ngoài thành phố tiếng súng lại nổ vang và tại thành phố thì những cơn sóng ngầm chính trị cũng đang sửa soạn trở thành sôi động để cuốn trôi đi những ước mơ của tuổi trẻ trước cuộc đời.  

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment