Ký sự Tùy bút
20.- MIỀN ÐẤT
LÀNH
CHO NHỮNG CON CHIM LẠC
CHO NHỮNG CON CHIM LẠC
Vì còn nghỉ hè cả tháng nữa mới tựu trường nên tôi cũng muốn nhân dịp này ghé lại Nha Trang để tìm thăm một số người thân quen cũ do đó mà khi rời Qui Nhơn, tôi không về ngay Sài gòn mà chỉ đáp xe đò vào tới thành phố này thôi.
Nha Trang cũng là một thành phố biển và là tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hoà. Ðây cũng là vùng đất Chiêm Thành cũ mà di tích còn lại là ngôi Tháp Bà ở trên ngọn đồi phía bắc thành phố sát với cầu xóm Bóng, tuy nhiên ngôi tháp này có người sửa sang và hương khói quanh năm nên trông không có vẻ hoang phế điêu tàn như những ngôi tháp Chàm ở Bình Ðịnh.
Phải chăng đây cũng là chút phản ánh của quá
khứ, khi người Việt vào thôn tính vùng đất này của Chiêm thành đã không gây nên những trang sử đẫm máu cũng như Khánh Hoà không phải là nơi sản sinh những bậc anh hùng từng gây sóng gió nên người dân ở đây cũng không mang nặng ân oán như người dân ở Bình Ðịnh.
Cũng giống như những thành phố từng bị quân đội Pháp chiếm đóng trước khi xảy ra cuộc Toàn Quốc kháng chiến nên thành phố Nha Trang vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị phá hoại do lệnh tiêu thổ kháng chiến của Việt
Minh. Nhìn chung thì Nha Trang cũng gần giống như Quy Nhơn, cũng biển xanh cát trắng và nhiều đồi núi bao quanh thành phố và chạy dài ra tận biển nhưng Nha Trang có vẻ xanh mát hơn, biển trong và sóng êm hơn, khí hậu cũng không nóng nhiều như Qui Nhơn và giọng nói của người dân địa phương nghe cũng nhẹ hơn.
Vào đến nơi là tôi tìm ngay lại nhà chú
Tiến, vì chú cũng là một người rất gần gũi với cha tôi trước kia và cũng rất thương anh em tôi giống như bác Tâm hay chú
Cọp. Sau khi mất chức phó Tỉnh trưởng chú đã bỏ xứ Bình Ðịnh và đưa gia đình vào đây ở. Chú lập gia đình hơi muộn và sau khi làm đám cưới mới mấy tháng thì chú đã bị Việt Minh bắt đi tù cho nên con chú bây giờ hãy còn nhỏ
cả. Thím cũng là người Bình Ðịnh và hồi đám cưới chú thím có cha tôi tham dự nên mặc dù tới hôm nay mới gặp tôi lần đầu, thím cũng đã tỏ vẻ thân tình
ngay.
Ngoài việc thăm chú Tiến, tôi còn một mục đích nữa là tìm thăm thím
Nguyễn. Mặc dù trước đây hai bên gia đình chưa biết nhau, nhưng kể từ ngày ông Nguyễn và cha tôi cùng nằm xuống vì chung một chí hướng thì giữa những người thân nhân hai bên bỗng thấy như mình cũng có chút tương lân nên đã gắn bó với
nhau. Chính vì thế mà sau khi được chú Tiến cho biết thím hiện sống chung với thân nhân bên chồng tại một căn nhà cổ ở gần chợ Ðầm cùng với ba người con, tôi liền tìm lại nhà để thăm. Khi tôi đến nhà thì thím đang bận trông hàng ở chợ cho nên chỉ gặp hai ông bà cụ và sau khi nghe tôi tự giới
thiệu, ông cụ đã sai một cháu nhỏ dẫn tôi ra chợ để gặp thím.
Chợ Ðầm là ngôi chợ chính của thành phố Nha Trang nhưng không hiểu vì sao lại bị đốt phá đâu từ lúc nào và cho tới nay ngôi chợ vẫn chưa được xây dựng lại nên người ta phải buôn bán họp chợ trong những dãy lều tôn trên nền khu chợ cũ. Ðây cũng là một điều khiến cho tôi ngạc nhiên vì không hiểu tại sao ở đời lại hay có nhiều cái trùng hợp ngẫu nhiên mà con người không làm sao giải thích được. Tại thành phố này mọi cái vẫn nguyên
vẹn, chỉ có cái chợ nơi thím Nguyễn mở sạp hàng thì lại chịu cảnh tang thương cũng chẳng khác nào cuộc đời đau buồn của thím.
Người cháu nhỏ dẫn tôi vào dãy sạp bán hàng tạp hóa và chỉ cho tôi một người đàn bà còn trẻ đang ngồi trong một cái sạp hàng xén
nhỏ. Tôi chỉ mới gặp thím thoáng qua có một lần ngày cha tôi cùng các ông Nguyễn và Võ bị đưa ra pháp trường ở Gò
Rộng, nhưng sau đó ít lâu thím đã được Việt Minh cho hồi cư về Nha Trang nên tôi không có dịp gặp lại thành thử tôi cũng không nhớ hình dáng khuôn mặt của thím như thế nào. Thím cũng chưa biết tôi nên nay thấy tôi đến thăm bất chợt chưa biết tôi là ai nên cũng rất bỡ ngỡ nhìn tôi, tuy nhiên sau khi nghe tôi tự xựng tên tuổi thì thím mừng rỡ vô cùng. Có lẽ từ ngày biết cha tôi chết còn để lại hai người con nhỏ không nơi nương
tựa, thím cũng từng cảm thương cho cảnh ngộ cũng như từng hỏi thăm nhiều về cuộc sống của anh em tôi nên nay thấy tôi đến thăm thím không giấu nổi xúc động.
Gặp thím tôi mới biết là từ ngày thím hồi cư về thành, cuộc sống của thím cũng vất vả
lắm. Nhờ có chú Dực vận động quyên góp trong số những người vốn là học trò cũ của ông Nguyễn mà thím có được chút vốn để mở ra cái sạp hàng tạp hóa nho nhỏ này làm kế sinh
nhai, nhờ đó mà thím cũng đã có thể nuôi ba con nhỏ ăn học. Có điều vì vốn liếng ít, trước đây thím lại chỉ biết đi học rồi lấy chồng lo tề gia nội trợ chứ chưa hề biết buôn bán, bản chất lại chân thật và hay thương người cho nên cái nghề buôn bán của thím cũng không thể làm giàu mà chỉ tạm đủ cho mấy mẹ con đắp đổi qua ngày thôi.
Ngày Quốc gia tiếp thu tỉnh Bình Ðịnh rồi cho xây lại mấy ngôi mộ ở Gò Rộng và tổ chức khánh thành cùng làm lễ truy điệu cho các liệt sĩ chống
Cộng, thím có được chính quyền tỉnh mời về tham dự, và trao tặng bức hoành phi
"Tổ Quốc Tri ân". Tuy nhiên cái điều quan trọng là tìm cách giúp đỡ thiết thực cho gia đình thân nhân của liệt sĩ thì hình như chẳng ai nghĩ đến cả và mặc dù thím không được hưởng một sự đền đáp nào từ phía chính quyền hay cá nhân những người đang được ưu đãi trong cái xã hội tồn tại được là nhờ đã có những người hy sinh như ông
Nguyễn, thím cũng không hề than trách hay ganh tị mà chỉ trở về tiếp tục an vui với sạp hàng tạp hoá bé nhỏ của mình. Không những
thế, thím lại còn tỏ ra rất nhớ ơn những người đã từng giúp đỡ mình cho nên thím thường hay nhắc đến chú Dực và nhờ đó tôi biết thêm được một vài uẩn khúc chính
trị.
Chú Dực nguyên là cháu cụ Tạ, cũng từng trốn vào đây khi những hoạt động của ông Nguyễn bị đổ bể để tránh bị Việt Minh bắt
bớ. Là một thanh niên trẻ và hăng say với lý tưởng của mình nên khi trốn vào được Nha Trang thì chú cũng đã chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động. Thời ông Diệm mới về nước chấp chánh, chú cũng từng là đại biểu của miền Trung trong Phong trào ủng hộ ông
Diệm. Có điều vì trung thành với lý tưởng Duy Dân cho nên sau đó chú lại ly khai với chính quyền của ông Diệm và đi lập chiến khu trong tỉnh này cho nên đã bị ông Cẩn ra lệnh cho chính quyền địa phương đàn áp thẳng tay chẳng khác nào vụ Ðại Việt lập chiến khu Ba Lòng ở Quảng
Trị. Ðể tránh bị lùng bắt, chú đã phải thay đổi tên họ và lánh vào các tỉnh trong Nam.
Nhờ được thím Nguyễn kể cho nghe những chuyện này mà tôi chợt hiểu tại sao lâu nay tôi thấy giữa chú Tiến và bên thím Nguyễn cũng không có vẻ thân thiết qua lại mặc dù ngày còn ở trong kháng
chiến, chính chú Tiến là người liên lạc móc nối giữa cha tôi và ông
Nguyễn. Bây giờ thì chú Tiến là người của đảng Cần Lao nên cũng không thể thân thiện với những người theo nhóm Duy Dân như chú
Dực. Thì ra ở đâu tôi cũng gặp những câu chuyện ngỡ ngàng này. Có điều vốn hồi giờ sự liên hệ giữa tôi với mọi chú bác thuộc các phe phái chính trị vẫn chỉ dựa trên cái tình thân của các chú bác đối với cha tôi ngày trước chứ không phải dựa trên chính kiến nên nhờ thế mà tôi mới giữ được mối quan hệ bình thường với tất cả mọi người. Tuy nhiên đứng giữa những người mình thương mến mà cứ gặp cái cảnh nhìn thấy những đố kỵ vì khuynh hướng chính trị khác nhau như thế này, tôi thấy mình chỉ càng thêm bơ vơ trong sự tìm kiếm một niềm tin.
Vào Nha Trang tôi cũng gặp thêm vài người quen ở Gò Xoài cũ từng trốn vào đây lúc mới đình chiến và nay cũng đang sinh sống ở đây như anh Ngự và anh Tánh. Anh Ngự vốn là cựu chủng sinh Làng Sông nhưng chưa lên tới chức thầy cho nên khi trốn vào Nha Trang thì vì khác địa phận nên không được toà Giám mục ở đây chấp thuận cho trở vào tu lại bèn theo anh Tánh cùng đăng vào quân đội Quốc
gia. Bây giờ thì anh đã bỏ điều mơ ước trở thành linh mục để chỉ an vui với địa vị khiêm nhường của một hạ sĩ quan làm việc trong ngành quân nhu của mình. Anh Tánh thì sau một thời gian phục vụ cũng được quân đội cho theo học về ngành truyền tin, rồi học lớp Hạ sĩ quan và trở thành một huấn luyện viên tại Trung Tâm Huấn Luyện Ðồng Ðế.
Vì anh Tánh có bà con với bên họ Trương và nếu kể về vai vế thì là chú họ của anh Ba nên đôi khi tôi cũng bắt chước theo anh Ba mà gọi bằng chú. Tuy thế những lúc thân mật hơn thì tôi lại gọi bằng anh vì anh lớn hơn tôi không nhiều
lắm. Anh có vẻ hơi lép vế so với cánh họ Trương vì không khá giả bằng mà cha mẹ cũng qua đời
sớm, nhưng anh lại là một người rất cương trực và hào hiệp, lại rất ghét những gì là đạo đức
giả. Chính vì thế mà những ngày còn ở Gò Xoài anh vẫn tỏ ra ưu ái đối với tôi và cũng thường hay giúp đỡ tôi trong khả năng có thể của mình.
Mặc dù anh Tánh là một người cũng có tính thích mạo hiểm nhưng anh cũng là người biết tự lượng tài sức mình nên cuộc đời của anh cũng không có gì sóng gió. Anh từng kể cho tôi nghe về Trung Tâm Ðồng Ðế này cũng là nơi huấn luyện cho các toán Biệt kích nhảy dù xuống hoạt động ngoài Bắc
Việt, và anh cũng đã từng có mơ ước được trở thành một người lính Biệt kích như
họ, nhưng anh không phải là người Bắc nên không thể gia nhập lực lượng này. Chính vì thế mà anh cũng chỉ biết an vui với cuộc đời bình lặng của một người chỉ biết làm công tác huấn luyện chuyên môn cho những người dấn thân mình vào phiêu lưu mạo
hiểm.
Những ngày lưu lại đây, ngoài chuyện được gặp gỡ một số người thân
quen, tôi cũng có dịp đi xem Hòn Chồng, Cầu Ðá, hay đi ghe ra thăm mấy hòn đảo ở ngoài biển Nha
Trang. Chú Tiến cũng đôi khi chở tôi đi lên Thành hay vào thăm Suối Dầu nơi có mộ ông
Yersin. Có lần chú còn tổ chức cho đi picnic ở Ba Ngòi và dùng tàu qua chơi bên Cam
Ranh. Ðây là cái vịnh nổi tiếng về mặt chiến lược nhưng vào lúc ấy chưa có sự hiện diện của một lực lượng quân sự nào mà chỉ có cảnh thiên nhiên với dãy núi như một bức tường thành bao chắn biển bên ngoài vịnh giữ cho làn nước sâu trong xanh luôn êm ả.
Ngoài ra, nhà chú Tiến lại ở gần nhà thờ lớn Nha Trang, ngôi nhà thờ được xây trên đỉnh một núi đá nhỏ giữa thành phố nên còn có tên là nhà thờ Núi và dưới chân núi là khu nhà ga Nha
Trang. Con đường sắt chạy vào ga Nha Trang lại được thiết kế theo một mô hình đặc
biệt. Cả hai con đường sắt ra bắc hay xuôi về nam đều hội tụ ở một khoảng cách xa ga chừng nửa cây số ở về phía tây và từ đó thì họp thành một đường song song sánh đôi nhau vào đến đầu ga lại có thêm một nhánh rẽ làm thành vòng đai bao trọn khu vực nhà máy và các cơ sở phụ để rồi vào lại ga từ hướng đầu đông. Do cách thiết kế này mà xe lửa ra bắc hay vào nam lúc đến hay mới khởi hành cũng đều như đi theo một hướng. Từ trên đồi nhà thờ Núi nhìn xuống ngắm cảnh các đoàn tàu đến và đi thật là ngoạn
mục. Chính vì thế mà ngày nào tôi cũng leo năm, sáu chục bậc cấp lên đồi đứng dựa bờ tường đá bên hông nhà thờ Núi để nhìn xuống
ga.
Ngày nhỏ tôi có nghe mẹ tôi nhắc đến câu tục ngữ: "Cọp Khánh Hoà, ma Bình
Thuận" tôi vẫn tưởng tượng xứ này như một chốn rừng thiêng nước độc và đầy dẫy những thú dữ chuyên ăn thịt người, nhưng nay đến Nha Trang tôi mới thấy phong cảnh ở đây cũng thật là hiền hòa, và Nha Trang cũng là nơi có một loại trái cây đặc sản gọi là trái thanh long vì cây thì xanh và giống như cây xương rồng nhưng trái thì có vảy đỏ và ruột thì trắng và ăn mát như đường phèn. Tôi có cảm nghĩ nếu như ngày xưa lúc ở
Huế, cha tôi được đổi vào làm việc xa hơn chút nữa, có thể tôi đã có dịp làm quen với thành phố biển này sớm hơn cũng như những ước mơ và cuộc đời của tôi cũng đã khác.
Tôi cũng nhớ lúc còn ở Bình Ðịnh tôi có được nghe đâu đó câu ca dao ru
em:
Anh về Bình Ðịnh quê cha
Phú Yên quê mẹ, Khánh Hoà quê em
Trong cái nghĩa của người con đối với bậc sinh thành, tôi vừa mới về thăm
"quê cha" Bình Ðịnh, vùng đất đầy dẫy những trang sử đấu tranh và đau
khổ. Tôi đang thăm Khánh Hoà nhưng chưa phải
"quê em" vì tôi chưa có ý định đi "tìm em", tuy nhiên qua khung cảnh thanh bình và những ngày sống êm đềm ở đây, tôi thấy mình cũng bắt đầu có một ý nghĩ là nếu một ngày nào đó cần phải chọn cho mình một nơi chốn để dừng chân, có lẽ tôi sẽ chọn thành phố này. Chính vì thế mà đến ngày phải trở về Sài gòn để chuẩn bị đi học
lại, tôi đã đáp xe lửa để khi tàu rời sân ga, tôi có thể quay nhìn lại ngôi nhà thờ Núi và gửi lại chút nhẹ nhàng luyến
tiếc.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment