Ký sự Tùy bút
19.- QUÊ HƯƠNG
HỜ VÀ TỔ QUỐC TRI ÂN
Ðối với tôi, Bình Ðịnh không phải là quê hương nhưng Bình Ðịnh vẫn mãi mãi là một nơi chốn tôi không thể nào quên vì tôi đã lớn lên ở đấy, có nhiều bạn bè làng xóm biết tôi, và hơn nữa Bình Ðịnh còn có một chút nghĩa ràng buộc vì cha mẹ tôi đã yên nghỉ tại nơi này cho nên dù muốn dù không tôi vẫn phải có lần về thăm. Vì lẽ đó mà sau mấy năm xa vắng, nay nhân dịp nghỉ hè lại sẵn có chú Năm cũng về Qui nhơn bằng xe nhà rủ tôi về chơi Bình Ðịnh tôi bèn theo chú. Bác Tâm thấy xe dư chỗ nên cũng gửi thằng Lâm đi theo chú Năm để về thăm ông bà nội ở Bồng sơn. Thế là không hẹn mà tôi bỗng nhiên có thêm thằng bạn cũ cùng về thăm chốn xưa.
Buổi tối trước hôm khởi hành chúng tôi lên nhà chú Năm ở Phú Nhuận ngủ lại để hôm sau đi sớm. Lần đầu tiên được đi đường bộ từ Sài gòn ra Qui Nhơn bằng xe nhà nên cả tôi và thằng Lâm đều thích lắm vì tha hồ ngắm cảnh. Xe khởi hành từ lúc trời còn tối nên đoạn đường từ Sài gòn ra tới Xuân Lộc chỉ có bác tài xế lo lái xe, còn ai cũng ngái ngủ. Sau khi dừng lại ăn sáng tại đây thì trời cũng đã sáng rõ và chúng tôi lại lên đường vượt Rừng Lá rồi hướng ra Phan Thiết. Có thể nói là khách phương xa dù chưa biết Phan Thiết bao giờ cũng dễ dàng nhận ra thành phố này khi sắp đến nơi vì có thể ngửi thấy mùi nước mắm tỏa đầy trong không khí. Ghé lại thăm thành phố nổi tiếng về sản xuất nước mắm của cả nước một lúc chúng tôi lại lên đường ra Phan Rang, qua Nha Trang rồi dừng lại ở Ninh Hoà ăn cơm và nghỉ ngơi một lúc trước khi bắt đầu vượt đèo
Cả.
Khác với đèo Hải Vân, đường đèo Cả tương đối rộng và không có nhiều khúc quanh nguy hiểm nên xe cộ có thể qua lại hai chiều. Từ sáng cho tới giờ, tại những nơi chúng tôi đi qua hầu như không có vết tích nào của cuộc chiến vừa qua, nhưng sau khi đã vượt qua đèo Cả bắt đầu vào lãnh thổ tỉnh Phú Yên thì cảnh trí bắt đầu đổi khác vì đây là vùng đất Liên khu V cũ. Các thị trấn trong tỉnh cũng như thành phố Tuy Hòa đều bị phá hoại và nay người ta mới bắt đầu kiến thiết lại một phần nào. Ðường sá, cầu cống cũng chỉ mới được sửa sang lại, nhưng cây cầu dài nhất miền Trung bắc qua sông Ðà rằng thì chưa được tái thiết, chỉ có cây cầu xe lửa là đã phục hồi và được lát ván để cho xe hơi có thể cùng qua lại. Tuy nhiên vùng Phú Yên cũng là nơi có nhiều cảnh đẹp như Ðại Lãnh, Sông Cầu, cho nên vừa đi vừa dừng lại nghỉ ngơi ngắm cảnh mãi đến sẫm tối mới đến đèo Cù Mông và lúc về tới Qui Nhơn thì thành phố cũng đã lên đèn từ lâu.
Nếu nói đến Bình Ðịnh thì thật ra tôi chỉ mới xa có vài năm thôi nhưng riêng đối với thành phố Qui Nhơn thì có thể nói kể từ ngày theo cha mẹ đi tản cư vào thời khởi đầu cuộc kháng chiến thì đã mười mấy năm rồi hôm nay đây mới là lần đầu tiên tôi đặt chân về lại thành phố này. Những ngày đầu mới về tôi cố tìm lại cái thành phố ngày thơ ấu ấy nhưng chỉ thấy núi và biển thì vẫn còn đấy, còn những dấu tích của kỷ niệm như căn nhà cũ, ngôi trường dòng v.v... thì không làm sao còn nhận ra được nữa. Thành phố hôm nay ngoại trừ ngôi nhà thờ chính toà và một ít căn phố của người Tàu ở đường Gia Long còn sót lại sau đợt tiêu thổ kháng chiến thời Việt minh như là chứng tích của một sự thách đố trong quá khứ, còn lại nữa thì gần như chỉ là những con đường ngang dọc giữa một vùng cát nóng bỏng thiếu vắng bóng cây, rải rác mọc lên ít nhà cửa phố xá và một số cơ sở chính quyền vừa mới được xây
cất.
Tuy không còn tìm lại được cái khung cảnh kỷ niệm cũ nhưng tôi đã gặp được rất nhiều người quen trước đây sống ở nhiều vùng khác nhau trong tỉnh nay cũng tập trung về Qui Nhơn sinh sống: người thì tham gia vào chính quyền, kẻ mở cơ sở làm ăn buôn bán. Nếu trước đây vài năm, nhiều người gặp tôi có vẻ như sợ liên lụy vì tôi là con của một tên
"Việt gian phản động" thì trái lại bây giờ ai cũng tỏ ra niềm nở vì tôi nay lại trở thành con của một liệt sĩ mà tên tuổi đã được chính quyền địa phương dùng để đặt tên cho cái chiến dịch Tố Cọng đang được phát động trong
tỉnh.
Trong số những người tôi gặp lại, đáng kể nhất là bác Ba, người đã từng gửi tôi theo hai anh thanh niên Bình Ðịnh trốn ra Hội An lúc mới đình chiến. Bác hiện là Chủ tịch Phong trào Cách mạng Quốc gia tỉnh. Gặp tôi bác chỉ cười hà hà nói chuyện trời trăng mây nước chứ không hề đả động gì đến cái Phong trào Cách mạng bác đang lãnh đạo. Một người nữa là anh Hai nấu bếp ở Gò Xoài bây giờ cũng theo mấy chú vào Qui Nhơn ở. Gặp tôi anh ta mừng rỡ nhưng không quên phân trần về chuyện anh từng được Công an xã móc nối để ngầm quản chế tôi sau ngày cha tôi bị xử án. Thực ra trước đây tôi cũng thừa biết là anh ta đã bị Việt Minh lợi dụng cái bản chất hiền lành và chất phác của anh ta để phục vụ cho những ý đồ của họ thôi chứ anh ta cũng chưa hề làm hại ai điều gì nên tôi cũng chỉ thương hại anh ta chứ chưa bao giờ oán ghét anh ta
cả.
Chú Chinh hiện đang làm việc tại tòa Hành chánh tỉnh thấy tôi về thì mừng lắm. Vì mục đích chính của chuyến về Bình Ðịnh vẫn là nhằm thăm mộ cha mẹ tôi nên chú Chinh bảo tôi để chú sẽ lo phương tiện cho. Thế là mấy ngày sau đó chú đã lo xin tòa Tỉnh trưởng cấp cho một chiếc công xa để đưa tôi đi thăm mộ cha mẹ tôi.
Ông Tỉnh trưởng hiện tại thời xưa cũng đã từng cai quản hạt Phù Mỹ thời cha tôi trị nhậm huyện Phù cát nên đã sốt sắng giúp đỡ bằng cách cung cấp một chiếc xe với đầy đủ xăng dầu và biệt phái thêm một người tài xế để đưa tôi đi thăm mộ liệt sĩ, vì dù sao thì tôi cũng là con một liệt sĩ mà! Thế là ngay sáng hôm sau được cấp phương tiện, chú Chinh đã đưa tôi và cả thằng Lâm cùng đi ra Phù
Mỹ.
Trên đường đi từ Qui Nhơn ra thị trấn Bình Ðịnh, tôi đã có dịp nhìn lại những ngôi tháp Chàm hoang phế . Dù cuộc sống nơi đây đã có vẻ hồi sinh và đổi mới, nhưng mấy ngọn tháp thì vẫn đứng trơ vơ đó như một thách đố với mọi sự thay đổi. Ngoài ra, suốt đoạn đường quốc lộ từ thị trấn Bình Ðịnh trở ra là nơi ngày xưa tôi đã có bao lần đi qua bằng nhiều phương tiện khác nhau: từ xe hơi, xe ngựa, xe kéo, xe đạp và luôn cả lội bộ đẩy cộ, với đầy dẫy những ụ đất chướng ngại vật, hố ngang hố dọc, nay đã được sửa sang lại. Những chiếc cầu xe lửa và cầu xe hơi gãy đổ vì bom đạn hoặc vì bị phá hoại cũng đã được tái thiết. Có điều, rải rác dọc theo quốc lộ vẫn còn những cái biển đắp bằng đất như tấm bình phong ngày xưa từng kẻ những khẩu hiệu cổ võ cho các chủ trương, chiến dịch của Việt Minh thì giờ đây được quét vôi lại và kẽ những khẩu hiệu cổ võ cho các chính sách, chiến dịch của chế độ
mới.
Ra đến Phù Mỹ thì xe rẽ vào con đường đất đi về An Lương để đến Gò Rộng. Gò đất cát hoang vu vẫn như xưa, nhưng từ xa người ta đã có thể nhìn thấy một cái tháp nhỏ đứng chơ vơ. Xe chạy lên đồi và dừng lại trước một cái cổng tam quan còn mới. Nhìn cách kiến trúc tôi có cảm nghĩ như công trình đã được thực hiện một cách vội vàng thu gọn nên cấu trúc có vẻ không đúng với sơ đồ và chưa hoàn chỉnh đã vội hoàn tất. Bước qua cổng là đến ngay phần mộ xây bằng gạch, không cái nào có bia, và sát liền sau hàng mộ là một cái tháp vuông có tô hàng chữ
"Tổ Quốc Tri Ân". Ngoài ra, hàng mộ nay gồm tới năm cái vì còn thêm hai ngôi mộ của các ông Khuyến và Thạnh là hai người từng bị Việt Minh hành quyết tại nơi khác nhưng nay cũng được đưa về cải táng ở đây.
Chú Chinh cho tôi biết là hồi khánh thành, chính quyền tỉnh có tổ chức lễ truy điệu tại đây và bên gia đình ông Nguyễn có về tham dự. Chú có hỏi tôi sao không về trong dịp ấy. Tôi cũng không biết trả lời sao vì thực tình thì thời gian trước đây những lúc lên chơi nhà chú Năm tôi cũng có nghe nhiều người nhắc tới chương trình xây dựng lăng mộ các anh hùng liệt sĩ ở Bình Ðịnh, tuy nhiên công tác tiến hành ra sao và khánh thành lúc nào thì tôi lại không rõ vì không có ai chính thức thông báo hay hỏi ý kiến tôi
cả.
Kết hợp những lời mà tôi nghe được, tôi có thể hiểu đại khái là sau khi chính quyền Quốc gia về tiếp thu tỉnh xong thì một số người có chức quyền trong tỉnh lúc ấy có đề ra công tác thiết lập một số công trình kỷ niệm lịch sử như xây lại điện Tây Sơn, lập lăng Mai Xuân Thưởng, để tưởng niệm những anh hùng lâu nay bị lãng quên. Một số khác cũng muốn nhân dịp này xây dựng mộ cho những người vừa nằm xuống vì chống Cộng trong thời gian vừa qua khi Việt Minh còn làm chủ mảnh đất này. Ðề án thì nhiều mà ngân quỹ thì eo hẹp và nhân dân lúc bấy giờ còn đang nghèo vì mới thoát khỏi đời sống bần cùng nên sự đóng góp cũng rất hạn
chế, mà công trình nào cũng muốn ưu tiên cho nên đã xảy ra nhiều chuyện lục đục và chia
rẽ.
Tôi cũng từng nghe nói ngày mới tiếp thu tỉnh Bình Ðịnh, nhiều chú bác cũ cũng đã về đây để chung xây dựng lại tỉnh nhà. Chú Uyển cũng đã giữ chức tỉnh trưởng ở đây. Chú Tiến và nhà thơ họ Quách cũng đã từng làm tỉnh phó. Nhiều chú khác tham gia chính quyền từ cấp Trưởng
ty, Quận Trưởng cho đến Chủ Tịch xã. Nhưng cái tinh thần hợp tác ấy không bền lâu mà chỉ được một thời gian thì xảy ra nhiều vấn đề tranh chấp nội bộ nên cũng đã có những người như chú Nai thì bị bắt
giam, chú Tiến thì mất chức đưa gia đình vào Nha trang ở, và còn nhiều người khác cũng đã bỏ Bình Ðịnh mà đi.
Sau một hồi suy nghĩ mông lung, tôi quay lại với thực tại và ngắm kỹ mấy ngôi mộ trước mặt rồi tiếp tục đưa mắt nhìn xem quang cảnh xung
quanh. Tôi chợt nhận ra chỗ cái mô đất cũng như cái hào dùng để xử bắn trước đây ở trên đỉnh gò vẫn còn chút dấu vết lờ mờ mặc dù đã bao năm qua rồi nhưng mưa gió thời gian vẫn chưa xóa
hẳn. Tự nhiên tôi thấy có một chút gì xa xót và tôi lại cúi đầu lặng lẽ trước mấy ngôi mộ để cầu nguyện cho cha tôi và cho tất cả những người nằm ở đây được yên nghỉ trong niềm thanh thản vì
tôi chợt có cảm giác hình như hương hồn những người đã nằm xuống ở đó có lẽ vẫn chưa thực sự được nghỉ an khi cuộc đời vẫn còn dẫy đầy đố kỵ và tranh
chấp.
Sau khi viếng mộ cha tôi xong, chú Chinh lại tiếp tục đưa chúng tôi ra Bồng sơn thăm mộ mẹ tôi. Xe vượt đèo Nhông rồi ra đèo Phủ Cũ và cuối cùng ra đến bờ sông
Lại. Cây cầu sắt xe lửa ở đây cũng đã được phục hồi và những chuyến tàu đã chạy qua nhưng cây cầu xe hơi thì chưa làm nên xe cộ qua lại phải dùng cây cầu phao để vào thị trấn Bồng sơn. Giòng sông Lại vẫn lờ đờ và hai bên bờ vẫn rợp bóng những vườn dừa xanh mát và những chiếc guồng xe nước vẫn tồn tại như gợi lại cho tôi những ngày xa xôi cũ.
Chú Chinh bảo anh tài xế chạy xe về nhà ông bà cụ
Cẩm. Thị trấn Bồng sơn đã dời về lại khu vực cũ trên quốc lộ 1. Bên cạnh những căn phố Tàu còn sót lại qua cơn tiêu thổ kháng chiến của thời trước, giờ đây đã mọc lên một số phố gạch mới của người
Việt. Căn phố của ông bà cụ Cẩm cũng đã xây lại mới bằng gạch trên vị trí xưa và cũng vẫn là cửa hàng tơ
lụa. Ông bà cụ Cẩm có vẻ già hơn. Thấy chú Chinh về có cả thằng Lâm và tôi, ông bà cụ có vẻ vui lên nhưng cái nhìn vẫn thoáng có chút gì xa
vắng.
Thị trấn được kiến thiết lại nhưng người cũ thì vắng đi
nhiều. Cô Ba, cô Thùy, chú Xuân, cô
Út và luôn cả
"cô bé nhi đồng cứu quốc" đều đã "tạm biệt"ông bà cụ từ dạo có những chuyến tàu Ba Lan đến chở những người tập kết ra Bắc ghé cảng Qui Nhơn. Vấn đề Hiệp thương đã qua đi và lời hẹn hai năm sau trở lại của những người ra đi cũng đã trở thành hão
huyền. Chú Chinh từ ngày ra làm việc ở tòa Hành chánh tỉnh thì cũng đã đưa tất cả vợ con về thành
phố. Hai ông bà cụ ở lại với nỗi quạnh hiu của tuổi già tại cái thị trấn cũng đã trở lại với vị trí khiêm nhường của một thị trấn quận
lỵ.
Sau khi thăm hỏi ông bà cụ
xong, chú Chinh giục chúng tôi ra xe để đi viếng mộ. Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo từ phố dẫn vào khu nhà thờ Trung an rồi lên khu đồi Thiết Ðính nằm về phía tây thị trấn này ngày xưa đã bao lần in vết chân tôi lội bộ hình như không có gì đổi khác. Cái nghĩa trang công cọng trên một ngọn đồi vẫn còn như xưa và mộ mẹ tôi vẫn chỉ là ngôi mộ đất nằm chung với những ngôi mộ khác giữa ngọn đồi. Chú Chinh có mang theo nén hương liền bảo tôi đốt cắm ở đầu
mộ. Mặc dù là người theo công giáo lúc ấy chưa quen đốt nhang nhưng tôi cũng đã làm theo lời chú rồi đứng lặng trước mộ thầm đọc cho mẹ tôi mấy
kinh, sau đó rảo mắt nhìn quanh khắp khu đồi. Phía dưới kia là cái thung lũng nhỏ với ngôi chùa mà ngày còn là sói con tôi đã có nhiều lần đến cắm trại với
bầy. Tôi chỉ hàng phi lao trước cổng chùa cho thằng Lâm và cả hai cùng ngậm ngùi nhớ lại những ngày xa xưa...
Vì cần phải trả xe lại tỉnh đường cho kịp trong ngày nên sau khi trở lại phố dùng cơm nước xong và nghỉ ngơi một chút thì chú Chinh và tôi quay về lại Qui Nhơn còn thằng Lâm ở lại với ông bà
nội. Trong chuyến về thăm ông bà nội này, thằng Lâm chắc cũng nghĩ là sẽ tìm thấy chút không khí những ngày vui xưa nhưng bây giờ thì cảnh cũ người xưa đã thay đổi hoặc không còn nên có lẽ hắn cũng chán nên lúc chia tay với tôi, hắn nói cũng chỉ ở lại đây vài ngày rồi sẽ ra Huế và hẹn gặp nhau ở Sài gòn sau kỳ hè.
Về lại Qui Nhơn được ít ngày thì tôi cũng được chú Năm đưa về thăm lại Gò Xoài. Ngôi nhà thờ và hang đá Ðức Mẹ nay được trang hoàng thêm cây cảnh nhưng cố Minh sau ngày đình chiến cũng đã trở về xứ quê mình ở Nha Trang nên nhà thờ không còn cha làm lễ hàng ngày và con chiên bây giờ cũng không còn đông đảo để đến qùy trước hang đá Ðức Mẹ hàng đêm và hát bài
"Xin Mẹ Ðoái Thương nước Việt Nam" như trước vì chiến tranh nay cũng đã chấm
dứt. Nhiều người trong xóm ra đi từ dạo mới đình chiến, đều đã ở lại nơi khác hay về sống ở Qui Nhơn, chỉ còn những người sống nhờ vào mảnh vườn hay làm nghề biển thì vẫn còn bám víu với mảnh đất này.
Phần lớn những người còn ở lại đây cũng đều tham gia vào chính quyền xã ấp hay ở trong lực lượng Dân
vệ. Dĩ nhiên là ai cũng vui mừng khi thấy tôi về thăm lại chốn cũ, tuy nhiên nơi đây giờ đã thanh bình nhưng cái đông vui của những ngày cũ thì không còn. Ngoài
ra, qua những câu chuyện với những người tôi gặp, tôi cũng cảm thấy hình như cái vẻ thanh bình này cũng không thật là thanh bình vì ngoài những thành phần được coi như là công dân của một chế độ
mới, thành phần có liên hệ với chế độ Việt Minh cũ, hoặc có thân nhân đi tập
kết, cuộc sống của họ cũng đang đầy dẫy những âu lo sợ hãi. Một số người từng đau khổ dưới chế độ Cộng sản nay có cơ hội và tí quyền hành cũng đang học lại những mánh khoé thủ đoạn của Việt Minh để trả thù những kẻ từng gây đau khổ cho họ trước đây hơn là nghĩ đến việc xây dựng một xã hội công
bằng.
Có một điều làm tôi ngạc nhiên là không ngờ tôi lại gặp cô Mươi cùng mấy người con nay cũng lại đã về đây ở với bà cụ Trương. Thì ra dượng Mươi nay lại đang say mê một bà khác ở Ðà
nẵng. Còn anh Hai con bác Ba, người đã dẫn tôi vào ga Tam Quan để gặp hai anh thanh niên cùng đi trong chuyến trốn khỏi Bình Ðịnh trước đây thì vẫn ở lại nhà cũ. Anh ta không còn nắn tượng mà chỉ mở một lớp dạy học tư cho lũ trẻ lối xóm. Căn nhà chú Năm thì vẫn nguyên vẹn như xưa và bây giờ bác Hai ở với mấy người con
nhỏ. Ngoài ra, khi về đây tôi cũng có mục đích tìm lại những vật
dụng, giấy tờ, hình ảnh của cha tôi ngày xưa tôi còn để lại đây để đem về giữ làm kỷ niệm nhưng tôi đã thất
vọng. Sau khi tôi bỏ Gò Xoài trốn ra Hội an, người trong nhà đâu có hiểu có những cái đối với mình rất tầm thường nhưng lại có giá trị kỷ niệm sâu sắc đối với kẻ khác nên đã đem hủy bỏ tất
cả. Tôi rất buồn nhưng cũng chẳng biết nói sao bây giờ. Có lẽ vì vậy mà chuyến về thăm xóm đạo vùng ven biển này của tôi cũng không mang cho tôi một niềm vui trọn
vẹn.
Sau chuyến đi thăm Gò Xoài này, tôi thấy cũng không còn chỗ nào trong tỉnh để đi thăm vì vừa không có phương tiện mà người quen cũ ở những nơi đó thì hầu như cũng đã gặp ở thành phố này rồi nên tôi cũng không muốn ở lại Qui nhơn lâu thêm. Hơn
nữa, dù mọi người ở đây có tỏ ra vui vẻ với tôi thì chẳng qua tôi bây giờ không còn là một mối lo ngại cho họ bị liên lụy như thời Việt
Minh, còn ngoài ra thì hầu như trong cuộc sống mới này ai cũng có vẻ như chỉ lo nghĩ tới làm sao xin cho mình một khu đất tốt để xây cho mình một căn nhà khang trang ở thành phố này, nghĩ cách kiếm thật nhiều tiền để gia đình được sung sướng, còn những chuyện gì khác thì hình như không ai nghĩ
tới.
Chú Chinh nghe tôi chuẩn bị rời Qui Nhơn bèn bảo tôi để chú vô tòa tỉnh lãnh bức hoành phi liệt sĩ cho tôi mang
về, bức hoành phi mà chính quyền tỉnh đã làm để trao tặng thân nhân các liệt sĩ trong dịp lễ truy điệu nhưng vì phía thân nhân cha tôi vắng mặt nên tòa tỉnh còn cất
giữ. Tôi nghĩ đến cha tôi khi nằm xuống chắc người cũng chỉ vì lý tưởng Tự do của người chứ chẳng phải vì mong làm liệt sĩ cho một chế độ, và hôm nay tôi cũng chưa có một mái nhà nào để cho mình treo bức hoành phi ấy nên đành xin chú Chinh cứ gửi lại Toà Tỉnh giữ
hộ.
Bình Ðịnh, quê hương hờ của tôi đang hồi sinh nhưng cái niềm hy vọng nhìn thấy nơi đây một sự thanh bình và tin yêu thực sự thì hình như tôi vẫn chưa tìm
thấy. Và tôi đã rời Qui Nhơn với cái tâm trạng buồn vui lẫn lộn
ấy.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment