Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 20, 2013

Tìm Một Niềm Tin [2]

Ký sự Tùy bút 

2.- BÊN NÀY VÀ BÊN KIA

Qua hai ngày trà trộn theo đám hành khách di chuyển bằng ô tô ray rồi bằng xe goòng, chúng tôi ra đến ga An Tân gần ranh giới của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đây cũng là ga cuối của tuyến đường sắt kháng chiến và điểm chót có Công an Việt minh kiểm soát vì bên mạn bắc là vùng Quân đội Quốc gia đã tiếp thu. Nghe có tiếng mấy người công an Việt Minh kêu gọi đồng bào đem nộp lại giấy thông hành, hai người thanh niên đồng hành vội kéo tôi lẩn nhanh vào đám người rời ga vì chúng tôi chẳng có giấy tờ đi đường nào cả. 
 
Trời đã tối. Nhìn thấy từ một xóm làng xa xa có ánh đèn điện, chúng tôi cứ men theo quốc lộ mà tiến về đó và đến nơi thì chúng tôi nhận ra đây là một tiền đồn mới lập của Quân đội Quốc gia nên bàn nhau ghé vào xin được tá túc qua đêm vì dù sao, đối với những người trốn chạy Việt Minh như chúng tôi thì cái đồn lính này vẫn cho chúng tôi cái cảm giác an toàn hơn là vùng đất vừa mới đổi chủ bên ngoài. Viên đồn trưởng là một sĩ quan người Bắc còn rất trẻ sau khi nghe chúng tôi trình bày và thấy chúng tôi đều có vẻ dân lương thiện nên đã vui vẻ cho chúng tôi được tạm trú trong doanh trại.
 
Khi đã được phép bước vào bên trong vọng gác và nhìn thấy quanh mình bây giờ chỉ còn là những người lính mặc quần áo treillis màu cứt ngựa may theo kiểu có nhiều túi mà Việt Minh vẫn thường tuyên truyền là dùng để dấu gà vịt bắt được của dân mỗi khi đi bố ráp các làng mạc, những cái lều vải nhà binh rộng lớn, những chiếc xe jeep, xe GMC biển số sơn cờ vàng ba sọc đỏ, tôi biết rằng mình đã thực sự bước vào một vùng lãnh thổ khác từ đây. 
 
Biết chúng tôi chưa ăn uống gì trước khi ghé vào đây, viên sĩ quan đã ra lệnh cho ban ẩm thực dọn cơm cho chúng tôi. Mặc dù bữa ăn rất đạm bạc vì chỉ có cơm và một ít tôm rang mặn dọn trong mấy cái cà men nhôm nhưng sau bao nhiêu năm ăn độn kham khổ và thiếu thốn ở vùng kháng chiến, nay được ăn cơm bằng gạo trắng miền Nam, tôi cảm thấy bữa cơm quốc gia đầu tiên này thật ngon lành. Vừa ăn tôi vừa nghĩ ngợi không hiểu tại sao chín năm qua, tại cái vùng đất tự hào là độc lập và tự do mà tôi vừa thoát khỏi, người ta lại cứ bắt mọi người phải chịu bao nhiêu là gian khổ và hy sinh xương máu để mưu cầu cái hạnh phúc nào đâu trong khi chỉ một vài cái thực tế tầm thường và đơn giản như thế này thôi cũng không được hưởng. 
 
Có lẽ vì không thể bỏ qua cái nhiệm vụ làm công tác dân vận của kẻ đi tiếp thu vùng đất địch cho nên sau bữa ăn, viên sĩ quan liền cho gọi chúng tôi lại trò chuyện. Qua câu chuyện trao đổi, nếu như ông ta có thể thao thao về đời sống vật chất đầy đủ ở vùng quốc gia là cái điều chúng tôi thừa biết thì khi bàn đến cái chính nghĩa Quốc gia và cuộc đấu tranh cho Tự do mà quân đội thì lại thoát thai từ quân đội xâm lược Pháp, tôi nghĩ ông ta còn phải khó khăn lắm mới có thể chinh phục nổi niềm tin của người dân vùng kháng chiến. Còn khi đả kích những chính sách độc tài và dã man của Cộng sản thì chính chúng tôi mới là kẻ nói cho ông ta nghe nhiều hơn vì dù sao lâu nay vẫn chỉ quen sống với Quốc gia ở thành phố, ông ta cũng chỉ nghe nói thôi chứ làm sao có được những kinh nghiệm cụ thể thấm thía bằng chính người dân sống trong vùng Việt Minh. 
 
Có lẽ để kết thúc cho câu chuyện và cũng là để giới thiệu thêm cho chúng tôi những phương tiện của thế giới văn minh, viên sĩ quan đi qua phòng bên cạnh và mở một cái máy mà sau đó tôi mới biết đó là cái radio. Hình như đài đang phát đi một bài bình luận. Viên sĩ quan cho biết đó là Đài Tiếng nói Quốc gia Việt Nam phát đi từ Sài gòn. Vì âm thanh rè rè nên tôi cũng chưa nhận ra được nội dung của bài bình luận thì đã hết và tiếp theo đó là chương trình âm nhạc mà khởi đầu là một điệu nhạc thật não nuột và tiếng hát của một ca sĩ nào đó cất lên cũng áo não không kém: "Ngày nào anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi, nghe dặn rằng... "
 
Trước đây tôi cũng đã nghe các chú các bác nói về những cái radio và đài phát thanh như là một phương tiện truyền thông văn minh của xã hội bên ngoài nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên tôi thực sự được nghe và gần gũi với cái phương tiện truyền thông này. Có điều vào thời ấy radio còn dùng bóng đèn điện tử, công suất yếu và âm thanh thường hay bị nhiễu, nhất là vào những lúc thời tiết xấu, cho nên kỷ niệm lần đầu tiên Tiếng nói Quốc gia đến với tôi chỉ là một tràng âm thanh tiếng được tiếng mất pha lẫn trong những tiếng ù ù rẹc rẹc chói tai cùng với một điệu nhạc thật là rầu rĩ. Nhưng không sao, dù thế nào đi nữa thì ít ra tôi vẫn thấy bên phe gọi là Quốc gia, người ta vẫn còn sống hoà nhịp với những tình cảm thật chứ không phải chỉ biết có một điệu gào sắt máu như văn nghệ của các đoàn văn công Việt Minh nhằm huy động con người hy sinh cho chiến trường hay cổ võ cho các chủ trương và chính sách của Đảng.
 
Đêm hôm đó chúng tôi được viên sĩ quan chỉ cho một chiếc xe GMC có mui và bảo chúng tôi leo lên xe nằm ngủ tạm. Ông ta cũng không quên dặn đi dặn lại là trong đêm chúng tôi không được phép rời khỏi xe đi lại lung tung. Tuy phải ngủ như bị nhốt vì chẳng có giường chiếu gì cả, nhưng qua mấy ngày phập phồng tránh né sự kiểm soát của Việt minh, nay cảm thấy ít ra mình cũng có thể yên tâm ngủ mà không sợ đang đêm chợt có kẻ đánh thức dậy dẫn đi, nên sau khi ngả lưng xuống sàn xe, chúng tôi đều quên đi tất cả âu lo và ngủ say một mạch cho đến sáng bét mới mở mắt dậy. 
 
Vừa thức dậy, hai người thanh niên nhờ có mang theo quần áo tốt nên bắt đầu thay đổi trang phục cho có vẻ tươm tất hơn. Tôi không có quần áo nào khác ngoài hai bộ đồ bà ba cũ vải ta thô nên đành tiếp tục giữ nguyên cách ăn mặc quê mùa này. Ánh sáng ban ngày càng soi rõ vẻ tiều tụy của bộ quần áo tôi đang mặc cho nên khi chúng tôi tìm gặp viên sĩ quan để xin từ giã và tiếp tục lên đường thì viên sĩ quan chợt chú ý đến tôi và nhìn thấy chân tôi bị một vết thương lở loét ở gần mắt cá, nhờ thế mà tôi đã được ông ta kêu y tá rửa thuốc và băng bó vết thương cho trước khi lên đường. 
 
Vì hai anh thanh niên định đi ra Đà nẵng nên sẵn sáng hôm đó đồn có xe đi công tác về Tam kỳ, viên sĩ quan đã cho chúng tôi được quá giang theo xe để đỡ được một đoạn đường dài. Ngồi trên chiếc xe GMC giữa mấy người lính quốc gia với súng ống và nai nịt gọn gàng, rồi nhìn lại mình lôi thôi trong bộ quần áo vải ta thô, chân thì băng bó, tự nhiên tôi có cảm tưởng mình giống như một thiếu niên tù binh cộng sản bị áp giải về thành. Bất giác tôi mỉm cười một mình về cái ý nghĩ khôi hài của hoàn cảnh này. 
 
Trên chặng đường từ An tân trở ra, qua những vùng đất mới được phe Quốc gia tiếp thu, cuộc sống bắt đầu đổi khác hẳn, có vẻ vui tươi hơn. Đường sá tuy chưa được sửa sang nhưng tất cả những hầm hố đã được lấp và các ụ chướng ngại vật đều đã được san bằng. Tại các nơi cầu cống bị giật sập đã có cầu phao ghép bằng xuồng và lót bằng vỉ sắt do công binh xây dựng cho xe cộ qua lại. Chỗ nào sông lớn thì có tàu đổ bộ dùng làm phà chở khách và xe cộ qua sông. Các hàng quán hai bên đường đã thấy bày bán những món hàng mà lâu nay dân vùng kháng chiến vẫn quen gọi là hàng ngoại và dân chúng đang tập làm quen với những tiện nghi mới do người lính Quốc gia mang lại. 
 
Tại các đồn lính hay cơ sở hành chánh đều treo cờ. Lần đầu tiên nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới đó đây trên vùng đất mà chỉ mới ngày hôm qua hãy còn bị khống chế dưới một màu cờ khác, tôi nửa như ngỡ ngàng nửa như xao xuyến. Suốt chín năm sống bưng bít trong cái ốc đảo của những con người nung nấu sự căm thù, chỉ nhìn thấy toàn một màu cờ đỏ khích động con người lăn xả mình vào cuộc chiến tiêu diệt hết những gì không phải là Cộng sản, tôi không dám nghĩ rằng có một ngày mình lại có thể thấy một lá cờ Việt Nam khác màu tung bay trong gió. 
 
Tuy nhiên, nếu có người tỏ ra vui thích trong sự tiếp nhận những phương tiện vật chất mới mẻ và dồi dào làm thay đổi đời sống kham khổ lâu nay thì ngược lại sự tiếp xúc giữa người dân địa phương với người lính đến tiếp thu nhìn chung vẫn còn tỏ ra có nhiều cái ngỡ ngàng. Mà không ngỡ ngàng sao được vì trong suốt chín năm sống dưới chế độ Việt Minh, người dân đã quen được Việt Minh hô hào tiêu diệt hết bọn Đế quốc cùng tay sai phản động nên vẫn quen coi những người lính này như kẻ thù thuộc phe bên kia thì nay lại đang cùng đi bên nhau vì phe bên kia nay lại được quyền cai quản bên này. 

Chính vì sự thay đổi một sáng một chiều khiến cho người dân chất phác cũng không biết mình phải nghe ai cho nên khi đi ngang qua một vài địa phương, tôi cũng đã nhìn thấy ở một vài nơi có những nhóm nhỏ dân chúng có lẽ bị cán bộ Việt minh nằm vùng xách động, đang tụ tập biểu tình ngồi trước một đồn lính hay một trụ sở hành chánh. Số đồng bào này hầu hết là những nông dân già cả và phụ nữ, đầu người nào cũng đội chiếc nón lá có kẻ khẩu hiệu đưa ra những yêu sách có lợi cho chính sách tuyên truyền của Việt Minh để đấu tranh với chính quyền mới. 
 
Khi rời bỏ vùng đất Việt Minh để tìm về vùng Quốc gia, tôi hy vọng sẽ tìm thấy nơi đây một mảnh đất an lành để cho con người xây dựng lại một niềm tin, nhưng khi chứng kiến cái cảnh bên này bên kia không phải phân cách bằng lằn ranh địa lý mà chỉ là phân cách bằng lằn ranh ý thức hệ rối mù như thế này, tôi thấy mình có lẽ cũng như là dân Do Thái đi tìm vùng đất hứa, vì cuộc chiến bằng vũ lực tuy đã tạm ngưng và có sự phân chia ranh giới nhưng cuộc chiến tranh chính trị thì vẫn không ngừng tiếp diễn với đầy dẫy nỗi cam go và không có một ranh giới nào cả.

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment