Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 20, 2013

Tìm Một Niềm Tin [1]

Ký sự Tùy bút 

1.- NGƯỢC CON ĐƯỜNG CŨ 

Như con chim bị giam hãm lâu ngày, nay được sổ lồng bay về với khung trời rộng mở, tôi bâng khuâng nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường. Mười năm trước đây, trên chiếc toa xe hành khách của chuyến tàu suốt Bắc Nam, tôi còn là một thằng bé con, theo cha mẹ với em tôi và anh Đài rời thành phố Huế xuôi nam vào đất Bình định.
Qua mười năm từ lúc còn là một thằng bé ngây ngô nhiều mơ mộng tưởng tượng, cho đến nay đã trở thành một thiếu niên nhiều ưu tư, tôi thấy mình đã ngỡ ngàng chứng kiến không biết bao nhiêu tang thương biến đổi trong gia đình với một người ra đi biệt tăm, hai người nằm lại vĩnh viễn trên vùng đất hoang tàn vì chinh chiến, một người cam sống với nỗi quạnh hiu, và hôm nay đây chỉ còn một mình tôi, nhen nhúm trong lòng chút hy vọng, đi theo hai người thanh niên Bình định, chen chúc trong chiếc ô tô ray nhỏ bé ọp ẹp, chạy bằng khí than đốt, rời bỏ vùng đất đầy kỷ niệm đau thương để tìm lại một cuộc sống khác. 


Cuộc hành trình của tôi hôm nay ngược lại con đường mà mười năm trước đây tôi đã đi qua. Mười năm trước tôi chưa đủ ý thức để nhận xét sự vật quanh mình nhưng ít ra tôi cũng còn nhớ đó là một con tàu có cái đầu máy đen ngòm to lớn chạy bằng hơi nước, kéo một đoàn toa dài có những tiện nghi tối thiểu cho hành khách, khi thì lướt nhanh qua những cánh đồng xanh ngát, khi thì rầm rĩ băng qua những nhịp cầu sắt bắc ngang qua một giòng sông, hay cũng có khi phì phò uốn lượn theo những triền dốc của những vùng núi non trùng điệp, nhả lại sau lưng những luồng khói lam đen tản dần vào không trung như gửi lại tí luyến lưu cho những nơi tàu đã đi qua, và mỗi lần tàu ghé vào ga là như một lần tìm về nơi bến nghỉ yên vui và mới lạ, Nhưng hôm nay trên chặng đường đi ngược trở lại này, tôi chỉ còn thấy dấu vết đổ nát của những cảnh hoang tàn và những con người tôi nhìn thấy thì lam lũ và cằn cỗi nhưng vẫn đang cố ngoi lên để sống mà thôi. 


Tuổi thơ của tôi nằm trong thời kỳ lịch sử của đất nước đầy những biến cố sôi động. Thế chiến thứ hai bùng nổ. Quân Nhật tràn vào Đông dương làm cho dân tộc Việt nam phải chịu cảnh hai tầng áp bức, một đằng là thực dân Pháp, một đằng là phát xít Nhật. Sau đó thì Nhật đảo chính Pháp, nhưng chỉ được vài tháng thì Nhật đã phải đầu hàng Đồng minh. Tiếp theo đó là cuộc nổi dậy của toàn dân Việt nam lật đổ chế độ phong kiến. Âm mưu tái chiếm Đông dương làm thuộc địa của thực dân Pháp, đồng thời dã tâm thực hiện chế độ cộng sản lên đất nước này của một nhóm người bị mê hoặc vì chủ nghĩa Mác Lê đã khiến cho đất nước lâm vào trận chiến tranh trường kỳ và cuộc sống của người dân ở vùng kháng chiến phải chịu đựng không biết bao nhiêu là gian khổ. 


Tôi không hiểu nguyên nhân nào đã khiến cho cha tôi, một con người có tinh thần Hướng đạo, yêu nếp sống tự do và phóng khoáng, lại từ bỏ nếp sinh hoạt tiểu tư sản ở thành phố để ra làm quan ở một vùng quê buồn nản vào cái thời mà chế độ phong kiến đã gần cáo chung. Cũng vì thế mà bước đường hoạn lộ của người thật ngắn ngủi vì chỉ mới được hơn một năm thì xảy ra cuộc Toàn quốc Khởi nghĩa, chấm dứt chế độ quân chủ để thiết lập chính thể Cộng hòa. Rồi thì do những diễn biến phức tạp về tình hình chính trị đã khiến cho chiến tranh xảy ra và vùng đất Bình định này đã trở thành vùng kháng chiến. Sự giao lưu giữa các vùng khác nhau hoàn toàn gián đoạn và tại mỗi vùng do Việt minh kiểm soát người dân phải sống bưng bít như trong một ốc đảo khép kín, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. 


Sau ngày Khởi nghĩa, do hoàn cảnh bắt buộc, cha tôi dù muốn dù không cũng đã phải ra cộng tác với chế độ mới nhưng để rồi khi nhận ra chế độ mới không đáp ứng những đòi hỏi phù hợp với lý tưởng tự do của con người thì cái tư tưởng chống đối lại nổi dậy. Người đã không "dinh tê" như một số người khác mà lại chọn sự ở lại để hoạt động ngay trong vùng kháng chiến. Nhưng trong khi chung quanh người, đa số quần chúng lại đang bị mê hoặc về những ảo tưởng của một chủ nghĩa đang trên đà phát triển, cho nên rốt cuộc hoài bão không thành mà bản thân thì cũng đành phải hy sinh. 


Như vậy là từ khi tôi bắt đầu ý thức về cuộc đời, tôi đã phải chứng kiến một xã hội đầy thay đổi và đảo lộn, từ cái vẻ thanh bình của một đất nước còn ngủ mê bỗng chuyển thành khí thế của một cuộc Cách mạng hào hùng và sôi nổi dẫn đến cuộc chiến tranh tàn bạo và hủy hoại, từ nếp sống cởi mở và hội nhập với nền văn minh bên ngoài bỗng quay lùi về cuộc sống khép kín man rợ, và từ những con người hiền hòa chất phác tin yêu biến đổi thành những con người cuồng tín độc ác mà trong lòng chỉ biết có căm thù. 


Sống trong một môi trường như vậy, tôi cảm thấy mình từ khi bắt đầu biết mơ ước tôi cũng chỉ có những ước mơ rất tầm thường, và theo với nếp sống thụt lùi của xã hội, ước mơ của tôi cũng càng ngày càng tầm thường hơn, nhưng để rồi thấy rằng ngay cả những ước mơ rất tầm thường ấy cũng không bao giờ đạt. 


Theo với cường độ gia tăng của chiến tranh và chính sách siết chặt người dân của nhà cầm quyền cộng sản, đà đi xuống của cuộc sống xã hội càng thê thảm khiến cho những sự mất mát xảy đến trong gia đình càng ngày càng nhiều hơn và cay đắng hơn, tôi thấy mình gần như không còn mơ ước hay tin tưởng vào một cái gì tốt đẹp nữa trên đời. Trong lúc gần như tuyệt vọng đó thì Hiệp định đình chiến Geneve ra đời, tạm thời giải thoát cho con người khỏi cơn ác mộng bị hủy diệt, nhưng chính sự qua phân đất nước cũng đang tạo ra những thay đổi và xáo trộn mới. 


Nếu có những người coi Hiệp định này như một bản án khiến họ phải xa lìa nơi chôn nhau cắt rún, từ bỏ cơ nghiệp để đi đến một miền đất khác thì cũng có những con người khốn khổ ở vùng cộng sản nhân cơ hội này mà có được một lối thoát. Mảnh đất Bình định là vùng đất cứ điểm của Việt minh qua suốt chín năm kháng chiến sẽ phải đổi chủ. Tuy nhiên trong khi sự tiếp thu chưa thực hiện hoàn tất thì những con người vốn dĩ bị chế độ Việt minh nghi ngờ hay lên án vẫn thấy mình bị ám ảnh về những cái bất ngờ nên đều nhân cơ hội tranh tối tranh sáng này mà tìm đường về những vùng an toàn. Cũng nhờ thế mà hôm nay tôi đã có mặt trên chuyến ô tô ray này, giã từ xứ Bình định, không phải để tìm về với một mái ấm gia đình hay quê hương nào nữa cả mà chỉ là ra đi về vùng được gọi là tự do để tìm lại một niềm tin vì từ khi bắt đầu ý thức về một niềm tin, tôi luôn luôn thấy mình nếu không bị lừa dối thì cũng bị phủ nhận. 


Tàu đi qua Sa huỳnh, Mộ đức, Đức phổ và ngừng hẳn ở ga Quảng ngãi, trạm cuối của tuyến đường có ô-tô-ray chạy. Khách muốn đi tiếp phải qua đò vượt sông Trà khúc để qua bờ bên kia vì cầu đã bị phá hoại từ hồi đầu kháng chiến. Ngồi trên con đò nhìn giòng sông ôm trong lòng những nhịp cầu đổ nát với những trụ chân cầu còn đứng chơ vơ, tôi chợt thấy mình như đang quay về với những kỷ niệm cũ. 


Sông Trà khúc cũng rộng và bên bờ sông cũng có những guồng xe lấy nước tưới ruộng làm cho tôi liên tưởng đến giòng sông Lại ở Bồng sơn. Mười năm qua sống đời chạy loạn trên mảnh đất Bình định, tôi đã nhiều lần mơ ước một mái nhà êm ấm với đầy đủ những người thân yêu quây quần, một quê hương thanh bình có một giòng sông đưa tôi vào ước mơ tưởng tượng. Chính tại cái thị trấn rợp bóng dừa với giòng sông lặng lẽ đã mở ra cho tôi những mơ ước nhỏ bé êm đềm, cũng là nơi tôi bắt đầu nhận thấy mình cứ dần dần bị mất mát và mất mát to lớn đầu tiên là người mẹ. Hôm nay cái hình ảnh hiền hòa ấy như một gợi nhớ lần cuối cùng đến những kỷ niệm đau buồn, nửa như là tiếc nuối, nửa như là muốn quên đi, mặc dù tôi đã gạt bỏ tất cả lại đằng sau lưng rồi. 


Chặng đường từ Quảng ngãi trở ra thì dấu vết của sự phá hoại còn nặng nề hơn nữa. Đường bộ bị đào ngang xẻ dọc, cầu cống không còn. Con đường sắt nhiều đoạn cũng đã bị tháo gỡ, nền đường bị cuốc xới để trồng khoai và nay người ta tạm bắt lại một cách sơ sài để cho những chiếc goòng di chuyển. 


Goòng là một sáng tạo của ngành hỏa xa kháng chiến mà xã hội văn minh ỷ lại vào cơ giới không bao giờ hình dung và tưởng tượng nổi. Mỗi chiếc goòng là một toa xe nhỏ không có thùng, diện tích bằng chiếc chiếu đôi, bốn góc có bốn cây cọc chống đỡ một cái mái tranh che bên trên giống như kiểu túp lều con ở các chợ vùng quê. Hành khách chen nhau ngồi bó gối bên trong, hoặc nếu ngồi sát phía ngoài thì có thể thòng chân đong đưa giống như khi ngồi trên chiếc phản gỗ. Quang gánh đồ đạc có thể máng lủng lẳng xung quanh. 


Goòng không đi lẻ loi mà đi thành đoàn và cũng theo giờ giấc quy định như một chuyến xe lửa. Mỗi chiếc goòng do hai nhân viên hỏa xa phụ trách. Gọi là nhân viên hỏa xa cho có vẻ thanh lịch chứ thực ra họ chỉ là hai người phu đẩy goòng. Trên những đoạn đường lài lài, hai nhân viên hoả xa có thể đứng trên bửng hai bên xe, cắm sào xuống đường và chống cho xe chạy giống như người ta chống ghe trên sông. Ở những đoạn đường bằng phẳng, họ phải leo xuống đi đằng sau goòng và khom người đẩy cho goòng di chuyển. Gặp đoạn đường dốc thì họ càng phải hì hục đẩy như người ta đẩy xe bò cho đến khi xe thả dốc thì họ mới tạm thời được leo lên trên bửng đứng nghỉ mệt và nghe luồng gió ngược thổi vù vù qua tai. 


Từ cái hình ảnh con tàu chạy bằng động cơ hơi nước tượng trưng cho nền văn minh cơ khí ngày nào từng gây cho tôi những ước mơ thay đổi mới lạ đến hình ảnh chiếc xe goòng luộm thuộm chạy bằng động cơ bắp thịt và hơi thở của con người ngày hôm nay, biết bao nhiêu hình ảnh về sự đi xuống của cuộc đời đã lưu lại trong tôi. Và đây cũng là cái hình ảnh cuối cùng của nét sinh hoạt kham khổ mà con người ở vùng kháng chiến phải chịu đựng đã ghi khắc vào tâm hồn tôi như một dấu chấm than cho cái mốc mười năm ngơ ngác nhìn cuộc đời từ khi còn là thằng bé con cho đến khi trở thành niên thiếu tại vùng đất Bình Định. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment