Ký sự Tùy bút
18.- MƠ TÌM CHÚT
VANG BÓNG CỦA NGÀN NĂM VĂN VẬT
Sở dĩ mấy tháng hè tôi có thể thoải mái rong chơi là vì tôi đã có được mảnh bằng Trung học Ðệ Nhất cấp với hạng Bình
Thứ, một điều kiện vừa đủ cho phép người học sinh bước vào ngưỡng cửa Trung học Ðệ nhị cấp công lập mà khỏi phải qua kỳ thi
tuyển, cho nên tôi chỉ việc yên tâm chờ ngày ung dung đi nộp đơn mà thôi. Tuy nhiên, vì không muốn thấy mình cứ bị lệ thuộc vào sự sắp đặt của người lớn mãi cho nên năm nay tôi cũng bắt đầu tự đi tìm trường
lấy, do đó trong những lần rong chơi, tôi cũng đã đi tìm xem mấy trường công lập để lựa chọn cho mình một trường vừa ý.
Sài gòn hiện đang có hai trường công lập Ðệ nhị cấp lớn dành cho nam sinh là Petrus Ký và Chu văn An. Kể về danh tiếng thì có lẽ giữa hai trường này không hẳn trường nào chịu kém trường nào nhưng nếu kể về cơ sở thì trường Pétrus Ký ăn đứt vì là trường sở tại được thiết lập khang trang từ xưa trong khi trường Chu văn An chỉ có cái tên vì trường được di chuyển từ Hà Nội vào Sài gòn trong đợt di cư vừa qua theo kiểu
"bỏ của chạy lấy người", cho nên chỉ có thầy và trò còn cơ sở vật chất thì không có, cho nên vào đây trường đã phải mượn tạm một toà nhà ký túc xá của trường Petrus Ký để biến cải thành trường sở cho mình.
Lúc mới đầu tôi cũng định bắt chước mấy tên bạn người Nam xin vào Petrus Ký, nhưng đến ngày các trường bắt đầu thâu nhận hồ sơ xin nhập học thì tôi lại đến thẳng trường Chu văn An nộp đơn. Lý do của sự lựa chọn này có lẽ bắt nguồn từ những mơ uớc từ lâu qua những câu chuyện về Hà Nội và ngôi trường Bưởi nổi tiếng mà ngày xưa cha tôi cũng đã từng có thời gian theo
học. Cho dù Hà Nội bây giờ đã trở thành ngăn cách nhưng trường Chu văn An dù là di cư vẫn còn mang sắc thái của Hà
Nội, lại là hậu thân của trường Bưởi, cho nên cơ sở trường ốc có tạm
bợ, phương tiện có thiếu thốn, nhưng hình như vẫn có một cái gì đó gần gũi với tôi hơn mặc dù thực tế thì tôi cũng chưa hề có bạn bè nào quen thuộc ở đây
cả.
Ngoài ra cũng còn một lý do khác khiến cho tôi chọn Chu Văn An vì năm nay cũng là năm có sự cải tổ chương trình giáo
dục. Học sinh phải chọn chuyên khoa ngay từ lúc vào năm Ðệ tam chứ không phải đợi đến năm cuối của bậc Trung học phổ thông như trước. Nếu học sinh chọn ban A hoặc ban B là hai ban chuyên về toán và khoa học thì sau này khi lên Ðại học không bị hạn
chế, còn như theo học ban C tức ban văn chương sinh ngữ thì khi lên Ðại học không thể xin vào các trường khoa học hoặc kỹ thuật được cho nên mặc dù thấy đa số học sinh đều chọn ban A hoặc ban B để rộng đường thăng
tiến, tôi lại tự nguyện chọn ban C, và một khi đã chọn ban này thì Chu Văn An với cái truyền thống văn vẻ từ hồi giờ vẫn hay hơn.
Ngày khai giảng tôi hân hoan đạp xe đến trường. Kể từ khi bỏ vùng Việt Minh trở về bên này và được đi học
lại, thì năm đầu là ở Huế làm học sinh một tư thục mới mở chưa ai biết tên, rồi đổi qua làm học sinh nội trú của
Pellerin, một trường dòng mà tiếng tăm đã bắt đầu lu mờ, đến khi về Sài gòn thì cũng chỉ là chen chúc trong một lớp học thật xô bồ của cái tư thục Tân Thanh mang tính chất kinh doanh của thời đại, tôi thấy mình chưa có một truyền thống nào để tự hào. Nay được mang danh là học sinh Chu Văn An, tôi thấy mình cũng bắt đầu có được chút hãnh
diện.
Ngày đầu tiên thầy trò chưa biết mặt nhau nên khi vị giáo sư chủ nhiệm còn rất
trẻ, lại có dáng vóc nhỏ con, tuy đã đến trước cửa lớp nhưng có lẽ nhìn vào thấy học trò có nhiều tên cũng lớn vóc quá bèn lưỡng lự đứng ngoài hỏi xem có đúng là lớp Tam C không. Một anh chàng trông bộ tướng quậy nhất lớp ngồi ở bàn cuối thấy bộ dạng bỡ ngỡ của ông thầy không khác gì một học sinh
mới, bèn đưa tay vẫy vẫy bảo cứ vào đi. Khi thấy anh chàng bỡ ngỡ nọ không đi vào mấy bàn học sinh tìm chỗ ngồi mà lại đi thẳng lên bục giảng thì tất cả mới bật ngửa ra đó lại là ông thầy dạy mình.
Lúc vị giáo sư chủ nhiệm cho bầu ban đại diện lớp thì cái tinh thần dân chủ cũng được thể hiện một cánh rất
tếu. Ngoài anh chàng cao lều nghều, chững chạc và có vẻ già dặn nhất được bầu làm trưởng lớp và vài anh chàng khác được bạn bè biết tài đề cử vào mấy chức vụ ủy viên chuyên môn như thể
thao, văn nghệ thì không nói làm gì, nhưng tới lúc bầu ủy viên trật tự thì xóm nhà lá cuối lớp có tiếng đề nghị ngay cái anh chàng vẫy vẫy tay hồi nãy và cả lớp đã giơ tay chấp
thuận. Phải chăng mọi người đều nghĩ là bầu vua quậy làm ủy viên trật tự thì một khi vua quậy mà làm nhiệm
vụ, những tay chơi xóm nhà lá cũng phải răm rắp tuân theo.
Thật tình tôi chưa tìm thấy được cái văn vẻ truyền thống của Chu văn An thì đã thấy mình lạc vào giữa một đám
"nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò" của xứ Bắc kỳ rất có
hạng. Là học sinh ban C và năm đệ tam cũng được coi là một năm xả hơi của chặng đường 12 năm đèn sách nên các bạn cùng lớp của tôi tha hồ vui
nhộn, nhất là các bạn được mệnh danh là xóm nhà lá. Lại
nữa, hầu hết họ đều là Bắc di cư và nếu không phải từ lớp dưới lên thì cũng từ các trường công lập Nguyễn Trãi hay Trần Lục chuyển đến, do đó họ đều giữ được cái không khí người một nhà nên nói năng cũng rất là mạnh
bạo. Cũng có một số nhỏ người Nam có lẽ do thích tìm không khí lạ nên xin vào Chu văn An, nhưng dù sao thì họ cũng có cái gốc đây là miền đất của
họ. Chỉ có tôi không là Bắc di cư mà cũng chẳng phải Nam kỳ tự
trị, mà chỉ là một tên phiêu bạt đã một thời sống ở những vùng "đất cày lên sỏi đá", thành thử cứ như một cái gì lơ
lửng.
Các giáo sư dạy tôi cũng đều là người Bắc di cư nên lớp học vẫn còn mang rất nhiều phong thái của một trường đất
Bắc. Ngoại trừ các môn phụ do mấy giáo sư trẻ phụ trách mà các vị này thì cũng vừa mới tốt nghiệp Ðại học Sư phạm ra nên cũng chẳng lớn hơn mấy khuôn mặt học trò già của lớp bao nhiêu cho nên cũng tỏ ra dễ dãi với học trò, còn các môn chính như Việt văn, Pháp văn và Anh văn đều do các thầy đã lớn tuổi và kinh nghiệm đảm
nhiệm. Trong số các vị này, có hai vị đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm
nhất, đó là thầy Cầu dạy Pháp văn và thầy Lộc dạy Anh văn.
Thầy Cầu tuy là giáo sư Pháp văn nhưng đôi khi đến lớp thầy lại đóng bộ áo dài đen quốc
phục. Mặc dù thầy đang dạy Pháp văn là môn sinh ngữ chính bắt buộc của chương trình giáo dục lúc ấy nhưng có lẽ thầy đã nhìn thấy xu hướng của thời đại nên thầy lại thường khuyên chúng tôi nên trau dồi Anh
ngữ. Có điều cái duyên dạy dỗ của thầy với lớp Tam C chưa tròn thì thầy bị bệnh rồi qua đời vào lúc đang dở dang niên
học. Thế là chúng tôi đành bùi ngùi tiễn thầy về an nghỉ ở nghĩa trang Bắc
Việt.
Riêng thầy Lộc dạy Anh văn thì có lẽ do lớn tuổi nhất trong các giáo sư của lớp nên thường được học sinh trong lớp gọi là cụ Lộc tuy thật ra thầy cũng chưa già
lắm. Vào thời ấy các môn sinh ngữ vẫn còn được giảng dạy theo lối từ chương và quyển Anglais vivant là sách giáo khoa chính thức của môn Anh văn lúc bấy
giờ. Tuy dạy văn hóa nước người nhưng có lẽ vẫn thiết tha với nền văn hóa cội nguồn cho nên khi căn cứ vào các bài học trong sách để chọn ra một số đề tài cho học sinh làm bài thảo luận hàng tháng, đến bài
"gentleman", cụ đã cao hứng ra cái đề tài thảo luận là so sánh người gentleman của Anh với người quân tử ở Ðông phương. Không biết có phải vì bị sao quả tạ chiếu hay sao đó mà khi nhắm vào một số học sinh được coi là khá trong lớp để phân phát các đề tài thuyết trình, tôi cũng được cụ Lộc để mắt tới và được cụ chỉ định cho soạn cái đề tài so sánh hai mẫu người quân tử một Tây một Tàu này.
Nếu phải thuyết trình một đề tài có tính cách thông thường của cuộc sống như các bài học khác thì cũng được đi, cứ dựa theo bài học mà cà kê dê ngỗng cũng
xong. Ðằng này cái đề tài quái ác lại liên quan đến lãnh vực tư tưởng Ðông phương với những từ ngữ diễn tả các ý tưởng triết học tôi chưa hề được học và mặc dù đã cố công tìm hết mấy quyển tự điển Việt-Anh để tra cứu cũng không hề có. Suốt mấy tuần ăn không ngon ngủ không yên vì không đào đâu ra
chữ, tôi đành quay về nguồn theo cách của mình. Không thể thuyết trình về quân tử Tây và quân tử Tàu thì thôi đành học theo cách của người quân tử ta là "đến hẹn lại
khất" cho đến hôm tôi không còn khất vào đâu được nữa đành đứng trân người ấp a ấp úng lúng búng trong miệng như một anh chàng quân tử cố cùng làm cho cả lớp cười ồ. Anh chàng Quát, ủy viên trật tự bèn quát lên ra lệnh cho
lớp:
"Yên lặng để cho người quân tử nói". Thế là cả lớp lại cười ồ lên lần nữa và đồng loạt gọi tôi là
"người quân tử".
Tuổi học trò bao giờ cũng thích những trò trêu
chọc, thường là vui chơi chứ không phải do ác ý. Cái dáng người gầy gò như một hiện thân của nạn đói năm
Ất Dậu và thái độ dè dặt của tôi từ những ngày đầu mới gia nhập gia đình Chu Văn An hình như cũng đã được các bạn cùng lớp chú ý, và với bản tính vui nhộn của những tâm hồn học trò vô tư, có lẽ mỗi người cũng muốn gọi tôi bằng một cái tên nào đó nhưng chưa tìm ra thì chợt cái tên
"người quân tử" theo nghĩa
"ăn chẳng cầu no" đến một cách ngẫu nhiên, nhưng lại hợp tình hợp cảnh một cách rất lý thú này đã đánh đúng tâm ý của mọi người nên cả lớp đã nhanh chóng chấp nhận một cách thoải mái. Và tôi mang cái biệt danh này đối với bạn bè cùng lớp từ đó.
Nhưng có lẽ cũng vì cái biệt danh đó mà tôi lại được anh chàng trưởng lớp cao lều nghều và có vẻ chững chạc nhất lớp để ý và kết làm
bạn. Anh ta cũng được các bạn trong lớp tặng cho cái biệt danh là Lưu công. Anh ta vốn là con một nhà mô phạm có tiếng ở đất
Bắc. Gia đình thấy cái nghề văn chương chữ nghĩa quá bạc bẽo nên muốn anh chàng sẽ trở thành bác sĩ hay dược sĩ nhưng anh chàng lại chỉ thích văn chương triết lý. Thấy tôi hay tỏ vẻ trầm ngâm
tư lự mà anh ta thì cũng thường hay có những suy tư về cuộc đời nên muốn có người để chia xẻ tâm tư.
Nhờ làm bạn với anh chàng Lưu công mà tôi có dịp hiểu thêm về con người đất Bắc cũng như nhờ anh ta vốn có nhiều người quen và họ hàng từng tham gia hoạt động chính trị đã lâu mà biết được nhiều chuyện về các đảng phái ở Hà Nội trước đây nên cũng đem ra kể cho tôi nghe khiến cho tôi cũng hiểu thêm những sinh hoạt chính trị đất Bắc trong giai đoạn lịch sử vừa qua.
Cũng giống như những người di cư, anh ta hằng mơ ước có một ngày đất nước lại thống nhất và không còn Cộng sản để trở về Hà
Nội. Anh ta còn tỏ ra tin tưởng rồi Miền Nam cũng sẽ thống nhất đất nước như ngày xưa nhà Nguyễn đã từng thống nhất Nam
Bắc. Tôi cũng chia xẻ với anh ta niềm mơ ước này nhưng niềm tin của tôi thì có vẻ không vững như anh
ta. Ngoài ra, anh bạn này cũng có vẻ ham thích những chuyện Tử vi Lý số cho nên có một lần anh chàng đã thuật cho tôi nghe lời một cụ túc nho từng bảo là vị trí nước Việt Nam nằm vào cung Tuất tức là cung con chó. Mà chó thì phải có
chủ. Tôi không mấy tin vào những khoa như Ðịa Lý Bói toán, nhưng khi nghe anh bạn nói đến cái ý tưởng có chủ này đã làm cho tôi phải suy nghĩ.
Bỏ qua thời đại Hùng vương chỉ lưu truyền như huyền
sử, kể từ khi có sử thì dân tộc Việt Nam nếu không bị đô hộ thì cũng nằm trong vòng kiềm tỏa của Trung quốc chứ chưa bao giờ thực sự tự cường. Bây giờ sau một thế kỷ bị Tây đô
hộ, bao nhiêu xương máu nữa cũng đã đổ ra để giành lại độc lập thì rốt cuộc đất nước lại bị qua phân và bên kia người ta đang nhắm mắt học đòi
"Liên xô và Trung quốc vĩ đại" còn ở bên này người Pháp vừa ra đi thì người Mỹ cũng đang len chân đến. Mà quả
thế, mặc dù sự hiện diện của người Mỹ hãy còn rất hạn chế nhưng ở Sài gòn đã thấy có những trường tư chuyên dạy về Anh Văn mở ra và cũng đã có rất nhiều người theo học chờ có ngày hữu
dụng. Tự nhiên tôi lại thấy như có một chút gì chua xót.
Năm Ðệ tam cũng là một năm học thoải mái cho người học sinh vì không phải lo thi
cử. Ngoài cái tang thầy Cầu như một nỗi buồn chung cho cả lớp thì có thể nói năm Ðệ tam cũng là một năm êm đềm trong cuộc đời học sinh của tôi. Mặc dù với cái gốc lơ lửng khiến cho tôi đôi khi không hội nhập hoàn toàn vào cái xã hội Bắc kỳ và là cái đích để cho bạn bè cùng lớp trêu
chọc, nhưng cũng nhờ thế mà giữa tôi với bạn bè có được nhiều kỷ niệm để vẫn còn gắn bó. Và năm học cứ thế mà dần dần trôi qua với những kỷ niệm vui buồn đó.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment