Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 19, 2013

Tìm Một Niềm Tin [17]

Ký sự Tùy bút 

17.- CŨNG THÀNH PHỐ NÀY KHI TÂY ÐÃ RA ÐI

Sống trong một xã hội có truyền thống chuộng khoa danh thì bất cứ người học sinh nào vào những năm học phải thi lấy bằng đều thấy mình lo lắng không yên, và càng gần đến ngày thi thì tinh thần càng như bị căng thẳng, cho nên sau khi thi mà đậu được là thấy như mình cũng vừa trút xong một gánh nặng. Tôi cũng vừa qua trót lọt kỳ thi lấy bằng Trung học đồng thời thấy mình cũng chưa cần phải lo nghĩ đến chuyện vào đời ngay từ lúc này nên cũng muốn tự thưởng cho mình cái quyền được nghỉ ngơi đôi chút để rong chơi thành phố trước khi tiếp tục vùi đầu vào những năm học mới. 


Nếu mùa hè cách đây hai năm tôi cảm thấy mình chỉ như là một kẻ xa lạ và lạc lõng giữa cái thành phố Sài gòn đầy dẫy những cảnh xô bồ hổ lốn thì bây giờ sau một thời gian xa cách, nay quay về lại thành phố này, tôi thấy mình hình như cũng dấy lên một niềm vui vì nơi đây giờ đã có người quen, đồng thời nhận thấy thành phố cũng đã có những nét đổi thay theo chiều hướng giống như lòng mong ước của mình hơn.


Quân đội Pháp đã rút hết từ lâu và các cơ sở hành chánh cũng như quân sự đã được chuyển giao cho chính phủ Việt Nam nên cũng không còn những lá cờ tam tài bay ngạo nghễ trong thành phố như trước, ngoại trừ tại toà Ðại sứ và vài cơ sở văn hóa của Pháp còn được duy trì. Thành phố đông lên và nhiều công trình cũng đã được kiến thiết hay tân trang. Bến Bạch Ðằng, nơi từng có những chuyến tàu chở người di cư cặp bến, nay đã được sửa sang thành công viên và chiều chiều người dân thành phố có thể rủ nhau ra đây hóng mát bờ sông, nhìn những chiến hạm Hải quân Việt Nam neo ở bến hay đôi khi nhìn ngắm những chiến hạm các nước bạn ghé thăm xã giao. Khắp thành phố, những trại tiếp cư với những cái lều vải nhà binh nhốn nháo những con người ngơ ngác lo âu trước một cuộc sống mới cũng đã biến mất để nhường chỗ cho những phố xá hay khu dân cư mới của người Bắc di cư mọc lên thay thế cho nhiều khoảng trống xưa kia vốn là đất hoang hay ruộng sình.


Ðường phố đã đổi hết tên những ông Tây thực dân để mang tên các anh hùng danh nhân Việt nam. Những con đường như Catinat nay đổi thành đường Tự Do cũng như Bonard thành Lê Lợi và Charner thành Nguyễn Huệ bây giờ là những nơi "bát phố" của trai thanh gái lịch với những tà áo dài tha thướt như mang lại chút tươi mát dịu dàng cho thành phố vốn dĩ lúc nào cũng có vẻ tranh đua vội vã. Mấy thương xá lớn bây giờ tấp nập người dân Việt ra vào mua sắm và mấy nhà hàng khách sạn như Givral, La Pagode, Continental không còn là nơi ngự trị của mấy ông Tây bà Ðầm hoặc những ông lính viễn chinh mà trở thành nơi gặp gỡ của giới trí thức văn nghệ sĩ cũng như là nơi hò hẹn của các chàng sĩ quan Quân đội Cộng hoà. 


Nhiều cơ sở kinh doanh của Pháp cũng đã được chuyển nhượng cho người Việt hoặc Chính phủ trực tiếp cai quản cho nên nhiều hãng xưởng đã được thay đổi bảng hiệu cũng như nhiều chương trình công cọng được đổi mới đã làm tăng thêm vẻ mỹ quan cho thành phố. Công ty xe buýt của Pháp bây giờ trở thành Công quản Chuyên chở Công cọng nên tài xế và nhân viên bán vé đều phải mặc đồng phục. Con đường sắt xuyên Việt cũng đã được tái thiết và ngành hỏa xa cũng vừa được tăng cường thêm một số đầu máy diesel và toa xe lửa mới của Mỹ cung cấp để dùng cho những chuyến tàu suốt nối liền Sài gòn - Ðông Hà, vì thế mà khu nhà ga Sài gòn càng trở nên đông vui. 


Cái thú ngắm xe lửa của tôi bây giờ càng có nhiều cơ hội thỏa mãn. Chỉ cần đạp xe lại cổng xe lửa phía đầu ga Sài gòn vào những giờ có chuyến tàu qua lại là tha hồ nhìn ngắm những đoàn tàu đi và đến. Những chiếc toa hành khách bây giờ được sơn hai màu theo kiểu mới nửa dưới màu lục và nửa trên màu lá mạ thay thế cho những toa xe sơn một màu đỏ gạch cũ kỹ trước kia làm cho đoàn tàu trông cũng mát mắt hơn. Có điều tiếng còi của những chiếc đầu máy diesel bây giờ nghe vang vang có vẻ như chỉ muốn trấn áp người khác làm cho tôi giật mình nhiều hơn là cảm thấy xúc động như tiếng còi của những chiếc đầu máy hơi nước cũ kỹ, thường kéo dài, đôi khi rền rĩ, nghe ra như vẫn có phần luyến lưu với một nỗi u hoài nào đó. 


Cùng với sự ra đi của người Pháp là sự vươn mình lên của người Việt để làm chủ thành phố này. Bằng nhiều quyết định liên tiếp về việc ấn định quốc tịch của kiều dân sinh ra tại Việt Nam cũng như nhiều quyết định khác giới hạn quyền kinh doanh một số ngành nghề đối với ngoại kiều, chính quyền của Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã đánh thẳng vào đám người Hoa kiều đang sinh sống ở trên mảnh đất này khiến cho họ bắt đầu phải chấp nhận một sự thay đổi. Các trường dạy học sinh người Hoa bây giờ cũng phải dạy tiếng Việt vì họ đã là người Việt sống trên đất Việt thì không thể nào không biết nói và viết tiếng Việt. Một số nhỏ con cái những thương gia giàu có không muốn bị mất quốc tịch Trung Hoa đành phải bỏ sang Hồng Kông hay Ðài Loan nhưng những người ở lại thì nay đành chấp nhận làm người Việt - dù còn kèm theo cái đuôi "gốc Hoa" - để họ cũng phải làm nghĩa vụ với đất nước này.


Nhờ thái độ cương quyết cũng như những nỗ lực của chính quyền trong việc bãi bỏ những đặc quyền dành cho người Pháp và người Hoa đã tạo cơ hội cho người dân Việt vươn lên cũng như sự có mặt của người Bắc di cư trong mọi sinh hoạt văn hoá, chính trị cũng như kinh tế đã bắt đầu Việt hoá thực sự cái thành phố vốn từng trải qua một thời gian dài mang nặng sắc thái hổ lốn nửa Tàu nửa Tây này. Những cửa hiệu buôn bán của người Trung hoa bây giờ bị bắt buộc phải trương biển bằng tiếng Việt mặc dù vẫn có kèm theo chữ Tàu. Những tiệm cà phê hủ tiếu bây giờ đã mất đi cái cảnh khạc nhổ bừa bãi ra nền nhà, hay những chú ba Tàu ở trần phơi cái bụng phệ đứng bán hàng cho khách. Ngay cả cái tập quán xài giấy bạc xé đôi cũng đã chấm dứt. 


Bên cạnh số người Bắc di cư đã góp phần làm biến đổi bộ mặt của thành phố, bây giờ lại còn có rất nhiều người từ các tỉnh miền Trung cũng đã đổ về đây mở mang cơ sở làm ăn hoặc sinh sống, và nhờ thế mà tôi cũng có dịp gặp lại rất nhiều người quen cũ từ lâu không gặp. Chú Chín ở Bồng Sơn ngày xưa bây giờ cũng vào đây sống chung trong khu những người Bắc di cư ở Bàn cờ. Mặc dù chú không còn làm nghề chế biến trà nữa có lẽ vì không thể nào cạnh tranh nổi với những hãng trà to lớn của người Tàu ở đây, tuy nhiên để nhớ cái hương vị ngày cũ, thỉnh thoảng chú cũng có ướp một ít trà Mai Hạc để tự thưởng thức hay biếu cho vài người bạn cũ. 


Chú Ðức thì vào làm việc tại Tổng Nha Thanh niên nên cũng đưa hết gia đình vào đây ở và thím thì đang nghĩ đến chuyện lập một cơ sở chăn nuôi ở bên Chợ Lớn hơn là chuyện quay về lại xứ Tam Quan với cái xưởng thuốc điếu thủ công nghiệp cỏn con của mình. Ngoài ra cũng còn nhiều người khác nữa vì nhu cầu công vụ mà vào đây ở hoặc là cũng có nhiều người vào đây từ lúc mới đình chiến như là đi lánh cư tạm thời tránh lúc giao thời thì bây giờ cũng định cư hẳn nơi đây.


Mấy chú đắc cử Dân Biểu Quốc Hội tuy gia đình vẫn ở ngoài Trung nhưng mỗi năm thì cũng đã sống ở Sài gòn hết sáu tháng để họp hành. Chính vì thế mà có người như chú Năm đã mua hẳn một căn nhà trong một khu cư xá ở Phú nhuận vừa để làm chỗ ở cho mình những lúc phải lưu lại Sài gòn, vừa để cho bà con ngoài xứ vô thăm Sài gòn có chỗ tá túc. Nhờ có căn nhà này được coi như một trạm vãng lai của bà con Bình Ðịnh mà tôi đã gặp lại rất nhiều bạn bè cũ ở Gò Xoài. Ai cũng rủ tôi về thăm lại chốn cũ. Tôi cũng nghĩ là trước sau gì tôi cũng phải về thăm Bình Ðịnh, vì cha mẹ tôi đã nằm lại vĩnh viễn tại đó, nhưng chưa phải vào lúc này. 


Riêng bác Tâm từ khi đắc cử Dân Biểu rồi lại được bầu làm Thư Ký thường trực Quốc hội nên phải có mặt thường xuyên ở Sài gòn, do đó mà vừa rồi bác cũng đã đưa cả gia đình vào đây. Chỗ bác ở lại là khách sạn Ðại Nam ở đầu đường Hàm Nghi ngay trung tâm thành phố cho nên rất tiện đường cho tôi thường xuyên ghé lại rủ thằng Lâm cùng đi chơi. Thế là tuy xa Huế nhưng tôi vẫn chưa xa thằng Lâm, có điều Sài gòn không còn là đất dụng võ để cho nó rủ tôi chơi những trò nghịch ngợm như thời ở Phủ cam mà đang là môi trường để cho chúng tôi bắt đầu học hỏi những kiến thức vào đời. 


Ngoài ra bây giờ có vào khu Chợ lớn, nơi mà lần đầu tiên tôi lạc vào như một thành phố bên Tàu làm tôi bối rối ngỡ ngàng thì nay cũng đã có những công trình hay cơ sở với lối kiến trúc mới chen vào làm cho thành phố này không còn mang rặc màu sắc Tàu như trước nữa. Vào ngày kỷ niệm "Song Thất", khi đạp xe dạo chơi Chợ Lớn, tôi đã thấy cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới khắp đường phố chứ không phải chỉ nhìn thấy có cờ ngôi sao 12 cánh của Trung Hoa Dân quốc treo lên để mừng lễ Song Thập hay các ngày lễ của người Tàu như những người Hoa kiều vẫn quen làm trước đây. 


Nếu khi nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trên cột cờ dinh Toàn Quyền cũ nay trở thành phủ Tổng thống tôi thấy mình như cũng mang chung cái niềm vui của dân tộc nay đã giành lại được cái quyền làm chủ đất nước mình, nhưng khi nhìn cái Nhà Hát lớn Sài gòn được sửa sang lại thành trụ sở Quốc Hội, tôi bỗng nhiên lại nghĩ đến cái Nhà Hát lớn Hà Nội cũng được chính quyền Miền Bắc dùng làm trụ sở Quốc Hội và bất giác một ý nghĩ khôi hài lại nảy ra trong trí: không hiểu tại sao mà cái nước Việt Nam này lại có lắm cái Quốc Hội Nhà Hát đến thế. 


Người Pháp khi đem quân qua xâm chiếm xứ này đã biện minh cho hành động thực dân của mình bằng lý lẽ mang văn minh Tây phương qua khai sáng cho một dân tộc lạc hậu. Ðể thực hiện công cuộc khai sáng ấy, người Pháp đã xây dựng ra hai cái dinh Toàn quyền đồ sộ dành cho các ông Tây ngồi cai trị và hai cái nhà hát lớn để cho các ông Tây bà Ðầm ngồi tiêu khiển tại hai thành phố thủ phủ của hai miền, nhưng không có một cơ sở nào dành cho người dân ngồi lại phát biểu tiếng nói của mình. 


Sau chín năm kháng chiến chống Pháp, Việt Minh về tiếp quản thành phố Hà nội đã dùng lại những cơ sở cai trị cũ làm trụ sở cơ quan hành chánh cho mình và dinh Toàn quyền trở thành Phủ Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng không có chỗ cho cái Quốc Hội làm trụ sở nên đã dùng Nhà Hát lớn Hà Nội làm trụ sở. 


Hai năm sau Tây rút nốt khỏi Miền Nam, phe Quốc Gia cũng đã biến Miền Nam thành một quốc gia theo chế độ Cộng hoà và bầu ra một Quốc Hội. Dinh Toàn quyền ngay sau khi được Pháp giao trả cũng đã được Chính phủ Việt Nam Cộng hòa dùng làm Phủ Tổng thống nhưng Quốc Hội thì cũng không có cơ sở nào khả dĩ làm trụ sở nên cũng đã chọn cái Nhà Hát lớn. Tôi nghĩ là hôm nào gặp bác Tâm tôi có thể sẽ chia xẻ cái ý nghĩ khôi hài ấy với bác, mặc dù bác là Dân biểu và đang giữ chức Thư ký Thường trực của cái Quốc Hội Miền Nam này.


Mùa hè cũng là mùa mưa của Sàigòn và lúc này tôi cũng thường nghe chương trình ca nhạc của đài phát thanh hay phát bài "Mưa Sài gòn, mưa Hà Nội". Tôi không biết mưa Hà Nội như thế nào nhưng mưa Sài gòn thường không dai. Ði đường lỡ gặp mưa chỉ cần tìm một mái hiên đứng trú chờ qua cơn mưa là lại ra đường đi tiếp như thường lệ. Hơn nữa, đôi khi đang trong cơn nóng bức của những ngày hè mà được trời đổ cho một cơn mưa là không khí mát mẻ trở lại ngay. Tôi thấy mình cũng đang bắt đầu yêu mến cái thành phố này chứ không còn cảm giác xa lạ với nó như lúc đầu tôi vẫn tưởng. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment