Ký sự Tùy bút
14.- NHƯ CÓ MỘT
CHÚT GÌ RAY RỨT
Cứ mỗi lần hè về thì thành phố Huế bỗng như chói sáng hẳn lên vì các hàng cây phượng vĩ hai bên đường phố nở rộ hoa đỏ tươi dưới ánh nắng, trông thật rực rỡ. Tôi chưa được hưởng mùa hè nào ở Huế, vì thế mà hôm bãi trường chú Cọp hỏi tôi có muốn về Sài gòn thăm bên ngoại không, tôi đã chọn ở lại. Dù sao thì cái thành phố này cũng đang còn nhiều cái thú vui hiền hòa và lành mạnh mùa hè của đời học sinh mà tôi chưa biết và đang muốn
huởng.
Nếu mùa hè vừa rồi tôi chỉ biết một mình đạp xe đi lang thang giữa Sài gòn náo nhiệt để làm kẻ phiêu lưu lạc lõng giữa một thành phố mới lạ, rộng lớn, văn minh nhưng cũng vô cùng ô hợp và phức tạp thì mùa hè năm nay tôi mới thực sự sống một mùa hè của đời học sinh vô tư, nhờ lúc nào cũng có bạn để vui chơi mà chẳng phải lo lắng gì cả. Vì là nghỉ hè nên thím và mấy con trai lớn của chú theo học ở Sài gòn đều ra đây ở với chú cho nên trong nhà lúc nào cũng đông vui. Hơn nữa, mấy đứa con lớn của chú Cọp cũng đều đã từng trải qua mấy năm sống ở vùng Việt minh Quảng Bình trước khi được chú đón về thành nên cung cách của chúng cũng bình dị chứ không đài các như kiểu mấy đứa chỉ quen nếp sống cậu ấm cô chiêu.
Trong số hai con trai lớn của chú thì Phú gần bằng tuổi tôi nhưng tính tình hơi khô khan lại có vẻ đang lo
"học gạo" để đoạt lại vài năm bị trễ nãi trước kia nên ít đùa giỡn, chỉ có Hi tuy kém hơn tôi mấy tuổi nhưng hiện đang học ngang tôi và tính tình có vẻ cởi mở nhất nên thường trò chuyện với tôi. Tuy sở thích không hẳn là giống nhau vì Hi có năng khiếu về vẽ và thích khoa kiến trúc cũng như hay nói về những cái đam mê của mình, tôi tuy không hiểu về hội họa nhưng cũng biết mến tài của người khác, hơn nữa tính Hi lại giống tính chú Cọp, có lẽ vì thế mà tôi dễ có thiện cảm với Hi hơn. Ngoài ra lúc này trong nhà còn có thêm chú Các, chỉ lớn hơn Hoa chừng vài tuổi, cũng vừa mới về đây ở với chú Cọp. Như vậy ngoài Hoa là gái không kể, Hoà tuy còn nhỏ nhưng cũng có thể nhập bọn trong nhiều trò chơi con trai nên chúng tôi cũng có được năm mống đủ họp thành
"ngũ quỉ" để thỉnh thoảng đại náo.
Mùa hè này để mừng Hoa vừa thi đậu bằng Trung học Ðệ I cấp và Hoà thi đậu Tiểu học nên nhân dịp thời gian nghỉ hè này có cả nhà sum họp đông đủ, chú Cọp thường tổ chức nhiều buổi đi chơi chung cho gia đình. Ngoài những lúc đưa cả nhà đi ăn những nơi có món đặc biệt của xứ Huế, đi xem xi nê, thỉnh thoảng vào cuối tuần không vướng bận công tác, chú còn tổ chức cho cả nhà đi picnic, đi thăm các lăng tẩm, đi tắm biển Thuận an. Trừ những lúc đi chơi toàn gia đình thì đã có chú chỉ huy, còn khi chỉ có đám trẻ chúng tôi đi với nhau thì được chú giao cho chú Các làm trưởng toán.
Chú Các, em của chú Cọp, dáng vóc cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, trông có vẻ rất hiền lành, nhưng thực ra chú ta cũng có một quá khứ đáng nể. Lúc cuộc chiến tranh Việt Pháp đi vào giai đoạn cuối, nhằm giải tỏa áp lực của Việt Minh ở mặt trận Tây nguyên, Pháp đã mở chiến dịch Atlante cho quân đổ bộ lên Qui Nhơn. Chú Các lúc ấy cũng là một thanh niên mới lớn, không biết buồn bực gì nên đã bỏ nhà, gia nhập đoàn công tác dân vận tham dự vào chiến dịch này. Không biết vì có những trục trặc nào đó trong vấn đề phát lương tiền cho các đoàn viên mà một số người trong đoàn công tác này đã nổi loạn và giết chết một nhân viên chỉ huy. Chú Các cũng bị tình nghi có liên can nên đã bị bắt và bị đưa về giam tại nhà lao Huế để điều tra. Khi chú Cọp ra làm Giám đốc Công an thì chú Các vẫn còn bị giam giữ tại nhà lao nhưng mỗi tuần lại được đi phép về nhà chú Cọp chẳng khác gì học sinh nội trú như tôi đi phép cuối tuần. Hiện nay chú đã được thả về và cùng sống chung ở đây.
Nếu xét về cá tính thì chú Các và tôi thuộc hai mẫu người khác nhau. Chú năng động, đào hoa, ham các trò thể thao, thích những cái mới lạ, dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh nhưng cũng dễ bốc đồng và hay làm liều, còn tôi thì hay suy nghĩ đắn đo và không muốn làm những gì có tính cách phiêu lưu không chắc chắn. Tuy thế, nhờ tính tình chú cởi mở, thêm vào đó giữa chú và tôi hình như có một sự cảm thông nào đó về cảnh ngộ nên chúng tôi dễ trở thành thân
thiện.
Cũng vì cái tính thích những trò năng động mà khi không có chuyện gì làm, chú lại rủ bọn tôi đi chơi chỗ này chỗ kia, khi thì đi tắm sông, khi lén mang khẩu 22 long rifle của chú Cọp đi bắn chim, hoặc lấy máy hình rủ nhau đi đây đó chụp hình rồi về nhà tự rửa hình lấy. Ðôi khi chú còn bày trò nghịch ngợm cho chúng tôi như thành phố vừa mới ban hành luật xe đạp lưu thông ban đêm trong thành phố phải có đèn trước đèn sau xe thì chú rủ cả bọn đạp xe không đèn rểu phố . Hễ Cảnh sát thổi còi chận đòi biên phạt thì hè nhau phóng như bay về nhà. Những trò nghịch ngợm kiểu này mà lỡ bị chú Cọp biết được là thế nào cả bọn cũng được hưởng một trận la rầy và chú Các vì đóng vai trò trưởng toán nên bao giờ cũng lãnh phần đích đáng
nhất.
Cứ như thế mà chúng tôi vui chơi suốt mùa hè. Chiếc xe đạp của tôi bị nằm ụ trong kho suốt thời gian tôi ở nội trú thì bây giờ lại có dịp tha hồ theo tôi rong ruổi khắp nơi . Tuy nhiên rồi hoa phượng cũng rụng dần và khi những trái phượng khô bắt đầu lủng lẳng đầy trên những hàng cây hai bên đường thì người học sinh cũng phải lo quay về với sách vở. Phú và Hi lại theo thím trở về Sài gòn để đi học lại. Ở lại Huế chỉ còn Hoa, Hoà và tôi, với chú Các.
Năm nay Hoa đã lên Trung học đệ nhị cấp và Hoà cũng bắt đầu vào năm Ðệ thất bậc Trung học, còn tôi lên Ðệ tứ ở trường Pellerin như cũ nhưng không xin vào nội trú nữa. Dù sao thì qua một năm chỉ biết đứng làm kẻ nhìn trời hiu quạnh trong khuôn viên ngôi trường với mấy chiếc áo dòng đen lúc nào cũng như rình rập và không hề có bóng dáng một mái tóc thề, tôi cũng bắt đầu thấy náo nức muốn được hằng ngày hoà mình vào cái cảnh tấp nập của đường phố vào những giờ đi học hay tan trường trên con đường Lê Lợi nườm nượp xe đạp có những bộ đồng phục trắng Quốc học hay những chiếc áo dài trắng và chiếc nón lá Ðồng Khánh.
Vào niên học rồi cho nên chú Các không còn ai để bày trò nghịch ngợm tiêu khiển thì giờ bèn xoay ra đi kiếm đào. Ngoài những lúc đi với đào còn ở nhà thì chú cũng chỉ biết rủ tôi giải trí bằng mấy môn như bóng bàn, đánh cờ hoặc lấy đàn ra
khảy. Tôi biết đàn nhưng lại không có đàn, Hoa không biết đàn thì lại có chiếc mandoline làm
cảnh. Chú Các thường hay mượn đàn của Hoa cho tôi chơi mà cũng là để tôi chỉ cho chú luyện thêm vì chú cũng mới
tập. Hoa thấy thế cũng muốn nhờ tôi chỉ cho đàn nên nhờ chú Các nói
hộ. Từ hồi giờ tôi thấy Hoa lúc nào cũng thích đóng vai chị cả với đàn em của mình mà tôi thì lại hay chơi với Hi nhưng tôi cũng không thể xem mình như là em của chị cả và cũng không thích thái độ chị cả đó cho nên lúc nào tôi cũng giữ rất đúng lời giáo huấn của cổ nhân
"nam nữ thụ thụ bất thân". Thấy tôi cứ lờ lờ mãi nên chú Các bỗng nhiên có được một việc làm
mới.
Chú Các, Hoà và tôi ở chung một phòng dưới lầu còn Hoa thì ở phòng trên
lầu. Ðể làm hài lòng hai kẻ khó tính, chú Các cứ phải ôm cây đàn xuống nhờ tôi chỉ cho vài chiêu rồi vài hôm sau lại ôm cây đàn lên
lầu. Sau đó thì tôi nghe trên phòng Hoa có tiếng đàn của chú Các từng tưng mấy ngón tôi mới chỉ và tiếp theo là tiếng đàn vụng về hơn, ngượng ngập hơn, và cũng chỉ đàn đi đàn lại có bấy nhiêu. Thế là tôi lại có dịp ôm bụng cười một mình.
Tuy nhiên có lẽ để trừng phạt tôi về cái tội không chịu dạy đàn nên sau đó Hoa không cho chú Các đem đàn xuống phòng dưới lầu cho tôi mượn
nữa. Tôi cũng không chịu thua bèn viết thư xin cậu Ðôn một cây đàn. Cậu Ðôn không biết gì về đàn nên phải chờ tìm nhờ người mua giùm, xong lại phải gửi bên nhà chú Cọp chờ dịp
có người ở Nha Công An Huế vào công tác Sài gòn lúc trở về sẽ
ghé lấy mang ra cho tôi. Con đường nhiêu khê như thế cho nên từ lúc tôi bắt đầu gửi thư xin cho đến lúc tôi có được cây đàn cầm trong tay cũng mất mấy tháng. Nhận đàn xong thì vài ngày sau tôi cũng nhận thêm được một lá thư gửi bằng bưu điện. Trên bì thư có đề tên người gửi là bà Ðôn. Thấy lần đầu tiên mợ tôi viết thư cho tôi nên đoán phải là chuyện quan
trọng. Mà quan trọng thật vì trong thư ngoài một dọc kể lể chuyện người này qua chuyện người kia đã làm phiền cậu tôi
nhiều, còn có một đoạn dành riêng cho tôi những lời giáo huấn. Thế là tôi tuy có đàn nhưng cây đàn của tôi mỗi lần khảy lên thì nghe trong tiếng đàn như có chút gì cay đắng.
Nếu chỉ có thế thôi thì cũng chẳng có gì đáng nói. Ðằng này vì cái bệnh ghiền bánh đậu xanh và kẹo đậu phộng mà tôi mắc phải từ dạo ở Bồng sơn vẫn đeo đẳng theo tôi về tận đây. Không những
thế, khi ra Huế tôi lại khám phá thêm cái món kẹo gương còn hấp dẫn hơn cả kẹo đậu phộng nên thỉnh thoảng vẫn không quên tự thưởng cho mình một ít vào những lúc lạt
miệng. Khổ một nỗi chú Cọp lại không bao giờ nghĩ đến cái chuyện cho tôi tiền túi còn cậu Ðôn thì ở xa và phải viết thư có lý do thật chính đáng rồi đợi chừng cả mấy tháng mới có
"măng đa" cho nên vào những lúc cái bệnh ghiền bánh kẹo hành hạ mà hết
tiền, tôi không biết mượn ai thì đành mượn bác Bếp vậy. Ðược cái mặc dù nợ trước chưa trả đã lại mượn tiếp nợ mới nhưng không thấy bác Bếp đòi nên tôi cũng không cần thắc
mắc.
Có đến mấy tháng như vậy tôi mới nhận được tiền cậu Ðôn gửi
cho, tôi liền cọng sổ tính tiền đem trả cho bác Bếp thì lúc ấy bác ta mới bảo cho tôi biết mỗi lần tôi mượn tiền bác thì bác có nói cho Hoa biết và Hoa đã trả ngay cho bác dùm tôi
rồi. Lý do cũng dễ hiểu vì những khi không có thím ở đây thì chính Hoa là người giữ trách nhiệm phát tiền chợ búa cho bác Bếp và chi tiêu linh tinh trong nhà, kể cả tiền quà cho Hoà. Không biết tôi có tên trong danh sách lãnh tiền quà của chú Cọp do Hoa nhận trách nhiệm phân phát không nhưng tự nhiên lại gặp cái lòng tốt kiểu quanh co như thế này khiến tôi không biết giải quyết ra sao cho ổn với Hoa đành cứ
"phớt tỉnh ăng lê" như thể lâu nay không hề hay biết gì nhưng lòng thì lúc nào cũng thấy áy náy khó
chịu.
Cũng từ hôm đó tự nhiên mỗi khi chơi đàn một mình tôi lại thường hay gảy bản Người Cán bộ Quảng Bình. Ðây là một bài thơ được phổ nhạc xuất hiện ở bên vùng kháng chiến mà tôi thuộc lúc còn hay chơi đàn ở Gò Xoài
nhưng nay không còn nhớ tên tác giả.
Tôi trên dốc Ba Rền xuống
Chị dưới dốc Ba Rền lên
Tình cờ gặp gỡ đôi bên
Một chiều mưa lạnh mông mênh núi rừng
Chị đi chân bước ngập ngừng
Nẻo đường gai góc, chập chùng đá cây...
Bài thơ thật ra chẳng có liên hệ gì đến hoàn cảnh hiện tại của tôi cả vì nội dung bài thơ chỉ nhằm diễn tả nỗi xúc động của một người đang trên đường công tác vào ra Liên khu IV thì tình cờ gặp một người nữ cán bộ Quảng Bình giữa dốc Ba Rền cũng đang vất vả gian nan vì
nhiệm vụ. Tuy nhiên, có lẽ vì lời thơ và điệu nhạc gây được
ít nhiều xúc cảm cho người nghe cũng như những cái tên và địa
danh có liên quan đến Quảng Bình đã làm cho tôi liên tưởng đến
một hình ảnh khác.
Kể ra thì tôi vẫn chưa thấy mình rạo rực muốn có bạn gái như chú Các và tại thành phố hoa phượng đỏ này tôi vẫn chưa có cái duyên gặp gỡ một "cô gái Huế" nào đó khiến cho phải "chân đi không đành" như trong câu ca dao nói về Huế, nhưng tôi lại đang sống trong nhà có một cô gái Quảng bình đã vô tình biến tôi thành con nợ mà tôi thì lại không biết trả nợ như thế nào cho tự ái không bị xúc phạm khiến cho tôi cảm thấy mình hình như lúc nào cũng có chút gì ray
rứt.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment