Ký sự Tùy bút
13.- XIN LÀM KẺ ÐỨNG
NHÌN TRỜI HIU QUẠNH
Mấy tháng hè về Sài gòn sống với ông
ngoại, mặc dù không tìm được cái không khí gia đình êm vui như hằng mơ ước, tuy nhiên để an
ủi, tôi thấy mình dù sao cũng đã được biết thêm một thành phố lớn và học hỏi thêm được nhiều điều mới
lạ. Có điều, khi cảm thấy bên ngoại hình như ai cũng có vẻ coi tôi như là một kẻ chỉ về chơi rồi lại đi chứ không một ai quan tâm đến chuyện sắp đặt cho tôi sống ở đây cho nên tôi phải nghĩ đến chuyện ra
Huế, vì dù sao thì lâu nay tôi cũng từng được các chú bác lo cho ăn học ở ngoài ấy
rồi. Thế là gần đến kỳ tựu trường, tôi lại đành từ giã ông bà
ngoại, cậu Ðôn và em tôi để trở ra Huế đi học lại.
Sẵn có vé máy bay khứ hồi trong tay nên gần tới ngày khởi hành, tôi ra trạm vé hàng không giữ chỗ và qua ngày hôm sau một mình đón xe ra trạm hàng không đáp xe ca lên phi trường rời Sài gòn và cũng chẳng điện tín cho một ai ở Huế biết trước cả.
Sẵn có vé máy bay khứ hồi trong tay nên gần tới ngày khởi hành, tôi ra trạm vé hàng không giữ chỗ và qua ngày hôm sau một mình đón xe ra trạm hàng không đáp xe ca lên phi trường rời Sài gòn và cũng chẳng điện tín cho một ai ở Huế biết trước cả.
Lúc ngồi trên máy bay tôi vẫn tính là ra tới phi trường Phú Bài sẽ theo xe ca về trạm để lãnh va ly và chiếc xe đạp ký gởi rồi kêu xích lô chở thẳng về nhà bác Tâm, ở chơi với thằng Lâm vài hôm, kể cho hắn nghe cái sàng khôn tích lũy được trong mấy tháng qua sống ở Sài gòn, chờ bác Tâm trình báo với ông Cẩn rồi tới ngày khai giảng sẽ lại khăn gói
"ngựa quay về chuồng cũ". Thế nhưng, vừa đặt chân xuống sân bay Phú bài thì tôi thấy có nhiều công xa và xe jeep Công an đang đậu trước ga hành khách. Thì ra có mấy quan chức cao cấp nào đó sắp đáp chuyến bay về Sài gòn. Chú Cọp cũng đang có mặt ở đó để đưa
tiễn, do đó khi thấy tôi trong đám hành khách từ phi cơ bước
xuống, chú ngạc nhiên hỏi sao không điện tín trước cho chú rồi bảo tôi đừng theo xe ca về phố mà cứ ngồi đó chờ chú đưa về nhà.
Sau khi phái đoàn lên máy bay
rồi, chú gọi tôi ra xe và bảo tôi đưa thẻ lãnh hành lý ký gởi cho bác cận vệ để bác sẽ lo việc lãnh hành lý cho tôi
sau, còn tôi thì chú bảo lên ngồi chung với chú. Người cận vệ ngồi ở băng trước với tài xế và tôi bắt đầu nghe họ gọi tôi bằng
cậu. Chiếc công xa chú đi là một chiếc xe du lịch Mỹ đời mới chưa hề thấy tại thành phố
Huế. Người tài xế bảo tôi đây là một trong những xe tịch thu được của Bảy Viễn nay được chính phủ đem phân phối cho các cơ quan xử
dụng. Về đến thành phố thì xe rẽ vào đường Trần Cao Vân và khi vừa qua khỏi Nha Công An thì từ từ chạy chậm lại trước một biệt thự lầu ngay góc đường. Nghe có hơi xe
về, người công an gác cổng mở rộng sẵn cả hai cánh cổng và xe tiến vào sân. Ðây là tư dinh của ông Giám đốc. Thế là tất cả dự tính của tôi lúc ngồi trên máy bay bị sai lạc
hết.
Chú đưa tôi vào giới thiệu với thím và gọi các con của chú lại cho tôi biết
mặt. Ngoài người con gái đầu trạc tuổi tôi, kế đến là ba con trai sinh trước thời gian chú bị Việt minh bắt đưa vào an trí ở Liên khu V, chú còn có thêm hai con gái hãy còn bé tí mới sinh trong thời gian gần đây. Tất cả đều giống chú ở cái điểm có màu da ngăm ngăm. Có lẽ chú cũng đã nhiều lần kể cho thím và các con chú nghe những kỷ niệm thời chú ở Bồng Sơn nên tất cả đều nhìn tôi chăm chú như thể muốn kiểm chứng lại cái hình ảnh nào đó lâu nay chỉ mới hình dung trong trí óc.
Thế là bỗng nhiên từ hôm ấy tôi bắt đầu sống với gia đình chú
Cọp. Qua mấy ngày chưa kịp hiểu tính nết nhau thì thím cùng hai con trai lớn và hai con gái nhỏ về Sài gòn ở vì chú có nhà trong đó và hai người con trai thì cũng đang theo học chương trình Pháp ở Sài gòn. Như vậy là chỉ còn có mỗi mình chú ở đây với người con gái lớn và đứa con trai
nhỏ. Hoa tức người con gái lớn được chú xin cho vào học Ðệ tứ trường Ðồng Khánh, còn Hoà, em trai của Hoa và tôi được chú xin cho vào trường Việt
Anh, một trường công lập ở gần nhà. Hòa còn học Tiểu học. Tôi theo lớp Ðệ ngũ. Sau khi đã sắp đặt xong đâu đó, một hôm chú đưa tôi lại trình diện ông
Cẩn.
Căn nhà của họ Ngô ở Phủ cam nay được tăng cường canh gác cẩn mật hơn trước và được nhiều người gọi là dinh cậu
Cẩn. Bác tài xế không chạy xe đến trước cổng chính ở mặt đường Nguyễn Trường Tộ mà lại rẽ qua phía bờ sông An Cựu đậu
lại. Xuống xe chú đưa tôi theo một lối đi nhỏ giữa hai hàng rào cây tươi của các khu vườn hai bên để vào bằng ngả sau chỉ dành riêng cho người trong nhà. Có lẽ việc chú Cọp muốn nhận lãnh cái trách nhiệm cho tôi ăn học đã được trình với ông Cẩn trước rồi cho nên hôm nay chú chỉ cần đưa tôi đến chào ông Cẩn cho ông thấy mặt thôi.
Lúc này các chính khách và quan chức chính quyền đang tới lui tấp nập trình báo và thỉnh ý về chuyện lo truất phế Bảo Ðại để tiến tới việc thiết lập một thể chế mới cho nên ông Cẩn cũng chỉ hỏi tôi qua loa vài câu rồi bảo tôi hãy về cố gắng học hành để mai mốt sẽ được ông ta cho đi ngoại quốc du
học. Tôi thầm nghĩ chắc ông ta đang mường tượng đến những công bộc tương lai trung thành của một triều đại
mới.
Trở lại Huế để mong tìm lại cho mình một đời sống học sinh an vui bình thản như cũ sau những ngày sống gò bó với những nề nếp cổ hủ ở bên
ngoại, nhưng bây giờ ra Huế thì lại gặp cái cảnh ở với chú Cọp cũng chẳng khác gì lúc ở Quảng Trị với bác Ðàm. Cũng lại những cung cách lễ nghi phiền toái trình thưa bẩm báo của các nhân viên và sự phân cách với bên ngoài vì là tư dinh của ông Giám đốc Công an cho nên cổng lúc nào cũng đóng và có Công an canh gác khiến cho bọn thằng Lâm và đám bạn bè cũ chẳng đứa nào muốn lai vãng. Ði học thì vô trường mới nên chưa có
bạn, còn ở nhà thì cũng chẳng biết chơi với ai vì hai con trai lớn của chú đã về Sài gòn, Hoà thì con nít quá, còn Hoa là con gái lại đang học trên tôi một lớp nên tôi cũng hơi mặc cảm không muốn làm thân.
Ðang buồn chán thì nhằm hôm học sinh các trường được điều động tham dự mít tinh ngày Chính phủ tuyên bố thành lập nền Cộng hoà sau khi đã tổ chức xong cuộc Trưng cầu dân ý truất phế Bảo Ðại trước đó, không hiểu trong lúc chuyện trò với một tên bạn mới quen vốn là dân
Quảng, tôi có chê bai gì đó về cái nề nếp phong kiến ở xứ Huế mà có mấy tên học sinh thuộc đám hoàng tộc bỗng quay ra gây sự với tôi và hẹn sẽ thanh toán. Thấy mình lẻ loi mà lại còn vô tình mang vạ vào thân nên tôi nghỉ ở nhà luôn mấy bữa không đi
học. Chú Cọp biết được liền sai bác cận vệ gọi tôi vào văn phòng làm việc của chú để rầy la.
Dĩ nhiên tôi vẫn mến chú Cọp và vẫn biết là chú rất thương tôi nhưng hình như chú không bao giờ nghĩ đến những khúc mắc trong tâm hồn tôi lâu nay. Tuy nhiên sau khi nghe tôi trình bày lý do cơn khủng
hoảng, kể cả chuyện lúc tôi về Sài gòn với bên ngoại mà thấy em tôi không được cho đi
học, chỉ để ở nhà hầu hạ nên sinh ra buồn nản, hình như chú cũng có vẻ thông cảm phần nào những xung đột nội tâm của tôi lúc bấy giờ nên khi tôi ngỏ ý muốn xin được học trường khác và ở nội trú luôn, chú cũng đã chấp thuận và còn hứa là chuyến về Sài gòn công tác sắp tới chú sẽ ghé qua ông bà tôi để xin cho em tôi cũng được đi học
ngay. Qua hôm sau chú đưa tôi đến trường Pellerin của mấy sư huynh dòng La san xin cho tôi vào học và ở nội trú luôn. Chiếc xe đạp của tôi bây giờ trở thành vô dụng nên chú sai lính khóa lại đem bỏ vào kho
cất.
Pellerin vốn là một trường dòng nổi tiếng trước chiến
tranh. Ngày xưa bác Tâm cũng từng được ông bà cụ Cẩm gửi ra học trường này mà đã theo đạo và lấy vợ công giáo ở Huế để rồi gắn bó mình với xứ
Huế. Trường nằm trên doi đất rộng, một bên là
sông Hương và một bên là sông An cựu, gần nhà ga xe lửa Huế, được xây cất quy mô gồm ba dãy nhà lầu và nhiều dãy nhà phụ
thuộc. Ngoài các phòng học, phòng ở cho các sư huynh, học sinh nội trú, phòng khánh
tiết, nhà chơi, nhà nguyện riêng có cha tuyên úy làm lễ mỗi ngày, trường còn có cả sân chơi bóng
chuyền, bóng rổ, bóng bàn và học sinh của trường cũng đã mang lại nhiều thành tích cho trường trong các cuộc tranh giải thể thao về các môn này. Nhưng cái thời lẫy lừng ấy đã qua
rồi. Từ ngày chiến tranh cắt đứt mọi giao lưu với các tỉnh phía nam và ảnh hưởng Pháp phai dần trên xứ Huế này thì trường cũng xuống dốc
theo. Tôi vào đây học để thừa hưởng chút vang bóng của ngày cũ chứ không phải cái vẻ vang hiện
giờ.
Trường vốn dạy chương trình Pháp nhưng học sinh bây giờ đang có xu hướng theo chương trình Việt nên trường cũng đang chuyển dần qua chương trình Việt và đổi luôn cái tên Pellerin thành Bình Linh để nghe cho bớt vẻ thực dân. Tuy nhiên, ngoài cấp tiểu học, ban trung học không xử dụng hết nổi các phòng ốc đang có và sĩ số các lớp cũng không có lớp nào đủ đông học sinh để ngồi kín tới mấy dãy bàn cuối lớp, có lẽ vì chương trình Pháp thì không tranh nổi với Providence, còn chương trình Việt thì do học phí cao nên học sinh nghèo nếu không xin được vào các trường công thì cũng thường tìm đến những tư thục mới mở học phí hạ hơn.
Số học sinh nội trú lại càng lèo tèo hơn nữa. Vài đứa trong bọn chúng vốn là con nhà giàu được cha mẹ cưng nhưng buộc phải ở nội trú nên nhà trường cũng có cách ưu đãi. Tuy học hành và chỗ ở thì như nhau nhưng về ăn uống thì có hai chế độ: hạng cơm Tây và hạng cơm ta. Hạng cơm Tây ngồi bàn riêng gần bàn ăn của hai sư huynh trực giờ ăn và ăn uống dùng muổng nỉa theo kiểu Tây giống như các sư huynh, còn hạng cơm ta ngồi xa hơn, ăn uống các món nấu theo kiểu Việt và dùng chén đũa. Thì ra nội trú ở đây cũng có vẻ thực dân nốt. Tôi học chương trình Việt và nhờ thuộc giai cấp cơm ta chiếm đa số nên thỉnh thoảng cũng phải đoàn kết với mấy tên cầm đầu của giai cấp mình để làm reo phản đối nếu hôm nào bị nhà bếp cho ăn uống quá tồi chứ không như giai cấp cơm Tây lèo tèo hai ba mạng chỉ biết ngồi ăn với
nhau.
Vào những ngày cuối tuần học sinh nội trú thường hay tụ tập trước văn phòng chờ thân nhân đón về phép. Khi xin chú cho vào nội trú tôi những tưởng cũng giống như hồi ở ký túc xá của mấy ông thầy dòng Giu se Quảng Bình, mỗi cuối tuần là tự động được đi phép, như thế là tôi sẽ tự do về nhà rồi lấy xe đạp đi chơi với đám thằng Lâm, chứ đâu có nghĩ là phải có phép của phụ huynh xin trước hoặc có giám hộ đến đón học sinh mới được phép ra cổng. Có lẽ chú Cọp muốn cho tôi nếm mùi nội trú thật sự nên thường cho người đến đón tôi rất trễ hoặc có tuần còn cho tôi ở lại luôn trong trường. Chiều thứ bảy bạn bè nội trú lần lượt ra cổng hết chỉ còn tôi đứng xớ rớ một mình. Chiều cuối tuần trời bên ngoài đâu có bao giờ hiu quạnh, nhưng riêng tôi thì vẫn cứ đứng trong sân trường để nhìn trời quạnh
hiu.
Sống theo kiểu ngày nào cũng thức dậy, ăn ngủ, tắm rửa, học hành, đọc kinh, xem lễ, nhất nhất đều theo đúng giờ giấc qui định và duới sự kiểm soát chặt chẽ của các sư huynh giám thị, tôi cũng bực bội lắm nhưng dù sao thì cái việc làm học sinh nội trú này cũng là do tôi tự ý xin nên đành cố gắng đóng cho trọn cái vai quân tử Tàu để cho khỏi bị chê là tự mâu thuẫn với mình. Cũng may là trong nội trú có một tên bạn học cùng lớp có mang theo cây đàn mandoline. Hắn thấy tôi đàn nghe cũng được nên thường hay đưa đàn cho tôi mượn chơi để thỉnh thoảng chỉ thêm cho hắn. Trông hắn cũng có vẻ hiền lành nhưng sau này tôi mới biết hắn cũng không phải tay
vừa.
Vào nội trú ở đây tôi mới khám phá ra là kỷ luật càng chặt chẽ thì các trò tinh nghịch ngầm lại càng phát triển. Thằng bạn tưởng như rất hiền lành đó vốn là dân biển Nha Trang nên rất giỏi bơi lội. Nó có thể bơi đứng, một tay cầm quần áo dơ lên cao và bơi qua sông mà không ướt quần áo vì thế thỉnh thoảng buồn buồn hắn lại rủ một hai đứa bạn như nó mạo hiểm ra ngoài chơi ban đêm. Phòng ngủ thì ở trên lầu ba và cứ đến 9 giờ sau hồi còi tu huýt của sư huynh giám thị nhà ngủ là tất cả học sinh nội trú phải lên phòng. Sau khi sư huynh trực điểm danh xong là khóa luôn cửa thông xuống thang lầu, rút chià khóa bỏ túi rồi về phòng mình ngay đầu nhà ngủ. Thế nhưng bọn chúng chẳng cần phải đi bằng cửa lớn mà chỉ việc thòng giây qua cửa sổ leo xuống như người ta tuột núi. Cổng đóng và có người gác cổng chúng cũng chẳng lo vì chúng chỉ cần vòng ra chỗ bến sông sau nhà bếp cởi đồ bơi qua sông An Cựu lên bờ bên kia đóng bộ vào lại là đi chơi thoải mái. Lúc về lại bơi qua sông, vào trường leo lên mấy cái băng ghế của lớp học nằm ngủ chờ chuông reo báo thức buổi sáng, cửa thang lầu lên phòng ngủ nội trú mở là lên phòng đánh răng rửa mặt chuẩn bị cho một ngày mới như mọi học sinh khác. Có lẽ nhờ thế mà bọn học sinh nội trú thuộc thành phần
"nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò" mới có thể chịu nổi nếp sống gò bó như nhà
tu.
Cuối cùng thì những hàng cây phượng vĩ dọc các con đường hai bên bờ sông Hương cũng đã bắt đầu nở hoa và vào những lúc cuối giờ ngồi trong lớp lơ đãng ngó ra ngoài sân đã nghe có tiếng ve ran trong hàng cây sân trường như báo hiệu cho mọi người biết hè đã về và bọn học sinh nội trú như tôi cũng bắt đầu thu xếp hành lý chuẩn bị chờ ngày tạm
biệt.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment