Ký sự Tùy bút
11.- NGƯỜI QUÊ
NGOẠI
Quê ngoại tôi chính ra là ở Hà Tĩnh, nhưng hoàn cảnh và thời cuộc xui khiến đã làm cho người quê ngoại rốt cuộc lại cùng nhau quy tụ ở cái đất Miền Nam này.
Mấy chục năm trước, cậu tôi vừa tốt nghiệp ngành Thủy lâm ở Hà Nội thì được bổ nhiệm vào làm việc ở trong Nam kỳ và trong suốt mấy mươi năm có thuyên chuyển thì cũng chỉ loanh quanh mấy tỉnh quanh Sài gòn. Còn cậu Viện thực ra là em của dì Phiên, dì họ của tôi vì là con của ông chú, em ruột ông ngoại tôi.
Vì mẹ cậu cũng qua đời lúc cậu mới hai tuổi nên được ông ngoại tôi đem về nuôi và nhận làm con. Ðầu thập niên 40, cậu còn theo học Trung học ở Vinh thì chán bèn theo bạn bè rủ rê vào Sài gòn kiếm việc làm rồi cũng ở lại luôn từ đó.
Vì mẹ cậu cũng qua đời lúc cậu mới hai tuổi nên được ông ngoại tôi đem về nuôi và nhận làm con. Ðầu thập niên 40, cậu còn theo học Trung học ở Vinh thì chán bèn theo bạn bè rủ rê vào Sài gòn kiếm việc làm rồi cũng ở lại luôn từ đó.
Ông tôi thì sau khi về hưu ở quê một thời gian không còn con cái nào ở gần cũng nhớ nên bèn dẫn bà làm một chuyến đi thăm con cháu. Chặng đầu tiên là vào thăm gia đình cậu tôi và dự tính lúc quay về sẽ ghé Bình Ðịnh thăm cha mẹ tôi. Không ngờ
vừa mới vào thăm cậu tôi chưa được ba bữa thì hết Nhật đảo chính Pháp đến Việt Minh khởi nghĩa rồi chiến tranh xảy ra chận mất đường về đành ở lại trong Nam. Nay có thêm làn sóng di cư xô đẩy gần hết họ hàng xa gần bên ngoại của tôi cũng tấp vào miền đất này, nên chuyến về thăm Sài gòn của tôi tuy không phải về thăm cảnh quê ngoại nhưng cũng có thể gọi là chuyến về thăm người quê
ngoại.
Bà con ruột thịt đầu tiên phải nói là cậu Ðôn, anh ruột của mẹ tôi. Tuy từ nhỏ tới lớn tôi chưa hề biết mặt cậu, nhưng những giai thoại về cậu thì tôi đã được nghe mẹ tôi kể khá nhiều cho nên trong lần gặp gỡ đầu tiên tôi đã thấy mến cậu cũng như cậu đã tỏ ra thương tôi. Mấy chục năm phục vụ trong ngành chuyên môn, không liên hệ với những chuyện chính trị, và với chức vụ của mình, cậu đã tạo dựng cho mình và gia đình một cuộc sống dễ chịu và vững chắc. Thời Việt Minh khởi nghĩa nghe đâu cậu cũng phải tản cư chạy giặc, nhưng chỉ vài tháng sau Pháp quay trở lại thì đâu lại vào đấy như cũ.
Mợ tôi là người Hà nội, sinh trưởng trong một gia đình nề nếp của đất ngàn năm văn vật. Cậu tôi vì ra Hà Nội học nên mới thành tơ duyên. Có lẽ vì thế mà mợ tôi không mấy thích họ hàng bên chồng, vì dù sao thì bên chồng cũng là dân "cá gỗ". Do đó mà lúc mới về Sài gòn chưa gặp mợ tôi lần nào, tôi cũng đã được nhiều người kể cho nghe về những cái khó tính của mợ tôi. Tôi không muốn có thành kiến với bất cứ ai tôi chưa hề gặp, nhưng khi thấy ông ngoại tôi bảo tôi từ nay phải gọi cậu tôi bằng bác - để cho phù hợp với tập quán của người Bắc, mặc dù cậu tôi người Trung và đang sống ở Nam - tôi nghĩ rằng những lời xì xầm ấy không hẳn chỉ vì ác ý. Dù sao thì bên ngoại bao giờ cũng mang một ý nghĩa nặng về tình cảm cho nên suốt bao năm qua không gần gũi ai là chú bác ruột, nhưng tôi cũng đã gọi không biết bao nhiêu người bằng chú hay bác hờ, như vậy, chỉ còn tiếng cậu để diễn tả mối thân tình ruột thịt mà nay không được dùng kể như tôi cũng đã phải hy sinh cái tình thực để mua chút khách sáo.
Cậu mợ Ðôn có hai con trai lớn hơn tôi thì lại chết từ hồi còn nhỏ, nay chỉ còn có bốn người đều nhỏ tuổi hơn tôi. Anh Phan thì được nhà gửi cho đi học bên Pháp đã lâu. Ở bên nhà thì có chị Mi lớn nhất nhưng còn kém tôi vài tuổi và đang học trường đầm Marie Curie., anh Hân ở nội trú trường các sư huynh Mossard trên Thủ Ðức. Chị Linh là út hãy còn nhỏ ở với cậu mợ tại Biên hoà. Cậu mợ lại mới mua một căn biệt thự ở Tân định hãy còn để trống, chỉ khi nào về chơi Sài gòn mới ở vài ngày mà thôi.
Có tôi về thăm lần đầu, cậu Ðôn đã tổ chức cho chúng tôi được gặp nhau một lần đông đủ, có cả em tôi tại nhà cậu ở Tân Ðịnh, đưa chúng tôi đi ăn và đi xem Ðại nhạc hội để anh chị em có dịp gặp nhau và biết nhau. Tuy nhiên cũng giống như khi tôi mới gặp mấy người con của bác Ðàm, tất cả các anh chị tôi khi mới gặp thì cũng đều bỡ ngỡ nhìn tôi và tôi thì cũng không biết chuyện gì để nói. Các anh chị tôi sống trong một môi trường đầy đủ phương tiện, học trường Pháp, đang bình thản tiến tới cái tương lai của kẻ có bằng cấp, có địa vị. Tôi và em tôi tuy cũng sinh ra trong một môi trường như các anh chị nhưng vì kém may mắn hơn nên sau đó đã phải trải qua nhiều hoàn cảnh đau thương và lớn lên trong sự thiệt thòi về mọi phương diện. Với một quá khứ u buồn và một tương lai mờ mịt, giữa anh em tôi và các anh chị con cậu tôi vì có mối liên quan máu mủ nên vẫn có chút gắn bó, nhưng về tương quan xã hội thì không làm sao tránh khỏi mặc
cảm.
Vì họ ngoại tôi chỉ có ông ngoại tôi làm quan và khá giả nhất nên con cái cũng thành đạt hơn, còn lại những người trong họ thì cũng chỉ ở mức bình thường cho nên các cậu dì họ của tôi cũng không có gì khác biệt lắm. Hầu hết những người này đều mới vào Nam trong đợt di cư, ngoại trừ dì Phiên là đã theo chồng bỏ quê Hà tĩnh từ lâu để đi làm ăn xa và sau cùng thì cũng về bám trụ đất Sài gòn. Dì có bốn con toàn là trai, và con lớn nhất kém tôi vài tuổi. Cũng như cậu Ðôn, tôi chưa hề gặp dì dượng Phiên nhưng có lẽ vì dượng vốn chỉ là một tư chức rồi sau trở thành sĩ quan đồng hóa ngành chuyên môn, và các con của dì dượng cũng không sống trong một môi trường phong kiến nên trong sự giao tiếp không quá kiểu cách câu nệ, do đó tôi cũng còn có thể hoà đồng.
Trong số họ hàng di cư có cậu Từ là người có vẻ hiền hậu và được nhiều người trong họ mến hơn cả và cậu cũng giống như anh chị Bàng là những người biểu lộ mối thương cảm cho hoàn cảnh của anh em tôi nhiều nhất. Thời còn Tây cậu đã từng là công chức sở Kho bạc ở Vinh cho nên vừa di cư vào Nam là cậu đã xin được việc làm tại Tổng Nha Ngân khố. Cậu vốn là con của chị ông ngoại tôi cho nên kể về vai vế thì cậu là anh của cả mẹ tôi và cậu Ðôn, nhưng do hoàn cảnh di cư và cái địa vị khiêm nhường của mình nên cậu cũng chỉ an phận sống cuộc đời bình dị, không đua đòi ganh
tị.
Tuy nhiên nếu nói về cảm thông thì phải kể là cậu Kiên. Cậu cũng trạc tuổi tôi, có lẽ lớn hơn tôi một tí. Cậu là con trai duy nhất của ông Tưởng, anh họ của ông ngoại tôi. Như vậy là tính về vai vế thì cậu Kiên là hàng lớn trong họ, còn lớn hơn cả cậu Từ, nhưng vì nhỏ tuổi lại di cư vào Nam có một mình và thân danh chưa tới đâu nên cậu cũng lép vế như tôi. Chính vì thế mà dù chưa biết nhau bao giờ nhưng gặp nhau rồi thì chúng tôi lại có thể thân thiện với nhau ngay và còn coi nhau như bạn. Nói chung thì tất cả những người họ hàng thuộc cánh di cư đối với tôi dù sao cũng có nhiều điểm tương đồng về cảnh ngộ nên dễ thông cảm nhau hơn, phiền một nỗi là ai cũng đang ở trong hoàn cảnh khó khăn cả, nên chỉ biết thương nhau qua cái tình còn ai lo phận
nấy.
Ngoài ra còn một số họ hàng khác nữa tuy đã định cư ở Ban Mê Thuột nhưng đôi khi cũng có vài ba người về Sài Gòn thăm anh em bà con ở đây nên tôi cũng được gặp. Tuy nhiên có một điều ngạc nhiên lý thú nhất là tôi đã gặp lại anh Ðài, người đã theo cha mẹ tôi vào Bình định ngày xưa và khi Khởi nghĩa xảy ra thì đã bỏ đi theo Vệ quốc đoàn. Bây giờ thì anh lại đang khoác trên mình bộ bà ba đen cán bộ Công dân vụ. Tôi cứ ngỡ anh đã hy sinh trên một chiến trường nào đó ở Nam bộ, không ngờ sau lần giã từ gia đình tôi ở Quy nhơn hồi ấy, anh ta theo bộ đội một thời gian rồi lại quay về quê cũ ở Khu IV. Qua kinh nghiệm chín năm kháng chiến sống ở vùng đất quê hương của "bác", anh Ðài đã tỉnh giấc mơ ngày nào và bây giờ cũng làm một anh di cư trốn chạy cộng sản như bao nhiêu người khác. Anh không còn nhìn tôi với vẻ hãnh diện và tôi cũng không nhìn anh ta với niềm khâm phục như ngày xưa mà chỉ nhìn nhau nửa như ngỡ ngàng, nửa như thông cảm. Qua bao nhiêu cay đắng đổi đời, có lẽ bây giờ anh ta và tôi đều thấy cần phải tìm lại cho mình một niềm tin. Giữa anh ta và tôi lẽ ra có rất nhiều chuyện để nói nhưng hình như mỗi người vẫn thấy mình có một chút gì ngượng ngập khi kể chuyện nên rốt cuộc cũng chỉ hỏi nhau được vài câu rồi chẳng ai nói gì với ai nữa.
Về thăm Sài gòn ngoài chuyện được gặp gỡ và biết mặt họ hàng, tôi còn được gặp lại bõ đỡ đầu của tôi nữa. Bõ tôi là đồng liêu của cha tôi và cũng là đồng hương với ông ngoạiï tôi. Thời cha tôi làm tri huyện Phù cát thì bõ tôi cũng đang làm tri phủ Tuy phước ở Bình định. Tôi có được gặp bõ tôi một hai lần gì đó vào thời gian ấy, nhưng sau ngày Việt Minh khởi nghĩa, tôi nghe cha tôi nói ông ta đã đưa gia đình trở về quê cũ ngoài khu IV. Tôi không biết bõ tôi đã làm cách nào để trở về thành và vào lúc nào nhưng hiện nay thì bõ tôi đang là một bộ trưởng trong chính phủ. Ngày em tôi theo cô Chín vào tới Sài gòn thì cũng nhờ phía gia đình họ
Trương đánh tiếng cho bõ tôi biết để tìm cách liên lạc với ông tôi hầu có thể trả em tôi về cho bên ngoại. Tôi vốn là con đỡ đầu, lưu lạc bao nhiêu năm trời, nay về đây thì không thể nào không đến thăm bõ của mình.
Chính vì thế mà ông ngoại tôi đã đưa tôi đi thăm bõ tôi.
Vào một sáng chủ nhật, ông tôi gọi taxi chở hai ông cháu đến trước một căn biệt thự ở đường Pasteur. Người làm vào thông báo và đưa ông ngoại tôi vào ngồi ở phòng khách. Chặp sau bõ tôi chỉnh tề trong bộ âu phục bước ra tiếp khách. Ông tôi giới thiệu tôi là con đỡ đầu của ông ta cho bõ tôi biết. Bõ tôi như sực nhớ lại một điều mà có lẽ ông ta đã quên từ hồi nào. Sau đó bõ tôi có gọi người hầu mời bác gái ra cho tôi chào và các anh chị con bác ra cho tôi được biết mặt, nhưng mãi hồi lâu bác gái mới bước ra, y phục và trang điểm như sắp sửa đi đâu. Thấy hai bác cũng chỉ có hỏi thăm qua loa chuyện cũ về cha mẹ tôi còn chuyện tôi hiện tại thì không mấy chú ý, còn bác gái thì trong khi trò chuyện vẫn thỉnh thoảng đảo mắt vào nhà trong nơi đang có tiếng trẻ lao xao bàn tán với nhau về một cuộc đi chơi hay xem xi nê gì đó mà cũng không thấy bác gọi ra nữa, nên sau vài câu chuyện vãn, ông tôi cũng đứng dậy cáo từ.
Lúc tiễn ông tôi ra về, bõ tôi có bảo tôi thỉnh thoảng cứ ghé lại đây chơi với các anh chị.
Ông tôi nghe thế nên cũng dặn thêm là lần sau muốn đến thăm bõ và các anh chị, tôi có thể đi một mình được vì đã biết nhà. Hồi ở Bình
Ðịnh tôi cũng đã có vài lần gặp các anh chị con bác. Tôi nghĩ là trong số người đang nói chuyện với nhau ở phòng kế sau chắc chắn phải có một vài người cũng đã từng quen tôi ở cái phủ đường Tuy Phước hồi ấy, nhưng chắc chắn bây giờ có ra gặp nhau thì cũng không tài nào ai nhớ ra ai. Tuy nhiên thấy ngay lần đầu đến thăm sau bao năm xa cách mà bõ tôi cũng chẳng có vẻ gì vồn vã còn mấy anh chị dù là đang có mặt ở nhà đấy mà tôi cũng không gặp mặt được nên sau lần ấy, tôi không bao giờ quay lại.
Người công giáo vẫn nói rằng bõ đỡ đầu là người cha thứ hai và con cái họ là anh chị em thiêng liêng của đứa con đỡ đầu. Tôi vẫn hằng tin như vậy nhưng tôi lại không thấy mình được hưởng cái diễm phúc ấy.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment