Ký sự Tùy bút
12.- SÀI GÒN SÁNG
NẮNG CHIỀU MƯA
Ðây là lần đầu tiên tôi về Sài gòn và gặp lại bên ngoại cho nên thời gian đầu tôi cũng được ông tôi dẫn cho đi xem qua vài nơi cho biết như Sở Thú, chợ Bến Thành, thương xá Charner, Eden v.v... rồi thôi, vì ông tôi già, cung cách chậm chạp lại hay kiểu cách và cổ hủ, mà mỗi lần đi đâu thì lại phải dùng taxi vừa tốn kém, vừa khó đón xe từ nhà vì khu này ít có xe taxi lai vãng. Còn như nếu tôi muốn đi chơi một mình thì cũng có nhiều cái bất tiện vì đường này cũng không có xe buýt chạy qua, chỉ có xe thổ mộ, vừa chậm, vừa phải ngồi bó gối chen chúc trong xe với mấy bà đi chợ chẳng thoải mái tí nào.
Do đó khi nghe cậu Ðôn hỏi tôi có cần gì không, tôi liền ngỏ ý là muốn một chiếc xe đạp. Thế nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy cậu tôi về dẫn đi mua xe mà ở nhà chỉ biết xớ rớ tối ngày thì cũng bứt rứt lắm. Thế là tôi bèn năn nỉ ông tôi đưa ra phố để sắm xe đạp. Chiều ý thằng cháu trên mười năm không gặp, một sáng đẹp trời ông tôi đành đón xe taxi đưa tôi ra Sài gòn.
Do đó khi nghe cậu Ðôn hỏi tôi có cần gì không, tôi liền ngỏ ý là muốn một chiếc xe đạp. Thế nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy cậu tôi về dẫn đi mua xe mà ở nhà chỉ biết xớ rớ tối ngày thì cũng bứt rứt lắm. Thế là tôi bèn năn nỉ ông tôi đưa ra phố để sắm xe đạp. Chiều ý thằng cháu trên mười năm không gặp, một sáng đẹp trời ông tôi đành đón xe taxi đưa tôi ra Sài gòn.
Qua khỏi chợ Bến Thành, ông tôi bảo xuống xe và đưa tôi cuốc bộ lượn một vòng lại khu gần một cái ngả sáu là nơi có nhiều tiệm bán xe đạp rồi ghé vào một tiệm có trưng bày một lô xe ráp sẵn và có để biển giá hẳn hoi cho từng chiếc. Hai ông cháu cùng ngắm nghía hết chiếc này, xem xét chiếc nọ, một hồi ông tôi chọn cho tôi một chiếc khung ngang màu đỏ nhưng tôi lại nhất định lấy chiếc khung
"đam" màu xanh dương. Chả là tôi vẫn kỵ màu đỏ và thời buổi này có mấy ai đi xe đạp khung ngang nữa đâu! Còn ông tôi thì chắc chắn không ưa gì cái màu xanh đó, nhưng dù sao thì xe này là tôi đi chứ ông có đi đâu nên cũng không ép nữa.
Tôi nghe nói người Nam thường thật thà chất phác nên khi thấy chủ tiệm này nói giọng Sài gòn, tôi cũng có chút lòng tin tưởng. Tuy nhiên đã là mua bán thì cũng phải cò kè trả giá đôi chút cho đúng điệu, nhất là tôi đang còn muốn thay đổi vài món phụ tùng theo sở thích mới thật là vừa ý. Thấy một cụ già trông có vẻ đạo mạo khả kính dẫn một thằng trông dáng học sinh ngu ngơ đi mua xe, chủ tiệm cũng có vẻ lịch sự ra phết và sốt sắng chiều khách, lại còn hứa là sẽ bớt cho chút đỉnh để làm quen vì xe đã có niêm yết giá nhất định. Lúc trả tiền thấy ông tôi móc bóp sao có vẻ chậm chạp quá, sợ ông lại đổi ý nên sẵn còn tiền bác Ðàm cho trước đây đang bọc theo trong túi, tôi bèn nhanh tay móc ra tự trả luôn. Xong đâu đấy ông tôi ra đón taxi đi về trước còn tôi hớn hở dẫn chiếc xe mới toanh ra đường, lòng tràn đầy hân hoan, dự tính làm một vòng
"rô đa" thành phố trước khi quay về nhà.
Vì khu trung tâm Sài gòn với mấy đại lộ rộng lớn có những cửa hàng buôn bán đồ sộ, khách sạn Tây, nhà hàng sang trọng thì lại là nơi lai vãng của mấy ông Tây bà Ðầm và giới thượng lưu, tôi cũng đã từng thăm qua mà đi xe đạp vào đó thì cũng chẳng thú vị gì, còn khu Chợ Lớn thì tôi từng nghe mô tả như là một thành phố bên Tàu với những chốn ăn chơi khét tiếng, lại cũng là nơi có nhiều tay anh chị dao to búa lớn đứng đường cho nên tôi cũng không thích một mình lang thang vào đó lúc này. Chỉ có mấy chỗ ít ai cho là đáng xem như khu cầu chữ Y hay khu Nancy là những nơi đã từng xảy ra cuộc giao tranh giữa quân Bình xuyên và quân Chính phủ mà mấy hôm ở Huế tôi từng thấy chiếu trong phim thời sự nên cũng muốn được xem tận mắt những dấu vết còn lại cho biết, do đó hôm nay sẵn có xe đạp đi chơi tự do một mình thì cũng nên thử đến đó xem sao. Thế là tôi lập tức nhằm hướng Chợ Lớn đạp xe đi.
Ðường phố Sài gòn thì có nhiều ngả năm, ngả sáu lại đông xe cộ qua lại. Tôi đạp xe vừa ngắm cảnh vừa tránh xe, tránh người, loanh quanh một hồi thì thấy mình lại gặp một cái ngả sáu khác có đường xe lửa chạy ngang qua giữa bùng binh. Ðúng lúc ấy thì có một chiếc đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước cỡ nhỏ kéo theo mấy toa hành khách cũng từ phía Sài gòn chạy về hướng Chợ Lớn đang từ từ băng qua bùng binh.
Vốn mê xe lửa từ thủa giờ nên gặp cảnh này tôi không thể bỏ qua được, nhất là khi nhìn thấy phía bên kia bùng binh, đường xe lửa lại chạy song song với một con đường lộ rộng có cây cao bóng mát nên tôi cứ theo đường đó mà đạp đua với xe lửa. Vì đang còn chạy trong thành phố nên tốc độ xe lửa cũng rất chậm cho nên tôi càng thích, cứ đạp xe song song theo hoài cho đến lúc thấy mình đi đã quá xa mà con tàu thì không biết còn đi tới đâu bèn tiến nhanh lại một ngả ba có cổng xe lửa rồi dừng lại, chờ nhìn cho đoàn tàu qua khỏi và mất hút xa xa bấy giờ mới rẽ ngang tìm đường quay lại Sài gòn.
Vào thời này giữa Sài gòn và Chợ Lớn với các vùng phụ cận vẫn còn nhiều quãng là khu đất trống hay sình lầy chứ chưa liền lạc như khi đã phát triển thành Ðô thành Sài gòn sau này. Tuy nhiên lâu nay tôi cũng đã tập dò nhìn trong bản đồ để có khái niệm tổng quát đường đi lối lại ở thành phố này cho nên tôi hiểu là cứ nhớ vài con đường chính làm chuẩn rồi thì có đi đâu cũng về La Mã thôi, do đó tôi muốn tìm một đường chính khác để về lại khu trung tâm Sài gòn chứ không quay về bằng đường cũ.
Ðạp một quãng tôi bắt đầu nhận ra khu này toàn là đường nhỏ chật hẹp, rác rến dơ dáy, quần áo phơi lòng thòng tứ tung, người đi lại đông đúc, ồn ào. Không kể bảng hiệu toàn là chữ Tàu, lối kiến trúc và trang trí nhà cửa phố xá cho đến cái xe bán hàng rong, hàng gánh, cái gì cũng rặc một kiểu Tàu luôn. Còn người thì ngoài cách ăn mặc kiểu Tàu, nói toàn tiếng Tàu đã đành, ngay cả âm nhạc phát ra từ mấy cái radio hay từ cái loa của cái rạp hát nào đó cũng là Tàu nốt. Thì ra tôi đã lạc vào Chợ Lớn.
Ðã thế lại còn thêm cái nạn đường khu này lại thường chỉ cho xe lưu thông có một chiều cho nên quẹo trái quẹo phải một hồi tôi lạc luôn mất cả hướng. Nhìn quanh nhìn quất xem có ai là người Việt để dễ hỏi thăm đường thì cũng chẳng thấy ai có vẻ mặt giống dân ta cả. Nghĩ mình cũng có võ vẽ chút ít Quan thoại, có thể đem ra ứng dụng vào lúc này, tôi bèn ghé lại bên đường hỏi thăm một anh chàng có vẻ hiền hòa nhất và xổ vài câu tiếng phổ thông.
Không biết vì tiếng phổ thông của tôi không đúng giọng hay anh chàng nọ không biết tiếng phổ thông mà sau khi nghe tôi nói thì anh ta liền huơ tay chỉ chỏ lung tung còn miệng thì tuôn luôn một tràng dài tiếng Tiều tiếng Quảng gì đó làm tôi ngớ luôn. Tôi hoảng quá vội gật đầu bái biệt phóng xe đạp tiếp. Cũng may loanh quanh một hồi rồi cũng ra tới một con đường lớn có xe buýt chạy đề bảng Sài gòn, tôi bèn cứ men theo đường đó mà đạp xe về lại khu chợ Bến Thành.
Sau chuyến "đi lạc sang Tàu" ngoài dự tính nhưng vẫn trở về bằng an vô sự này, tôi thấy mình từ nay cứ việc bọc cái bản đồ trong túi rồi có đi rểu khắp thành phố này thì cũng không còn gì lo ngại nữa nên hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe đi rong khắp đó đây, lúc thì tìm xem những nơi mình chưa biết, lúc thì tìm thăm họ hàng ở rải rác trong thành phố. Chính vì thế mà một hôm tôi ghé thăm cậu Từ, thấy cậu cũng mới mua một chiếc xe đạp tương đương xe của tôi bèn hỏi thăm xem cậu mua bao nhiêu. Nghe cậu nói giá tiền tôi mới thấy chủ tiệm bán xe cho tôi quả tình lịch sự và tử tế không kém gì mấy bà bán quần áo ở chợ Ðông Ba. Cũng may là tôi còn được chút thông minh để khi cậu hỏi lại chiếc xe của tôi mua bao nhiêu, tôi đã nói sụt bớt đi một phần cái giá mình đã trả để khỏi bị cậu cười mình là thằng ngốc.
Phải nói là từ ngày có chiếc xe đạp tôi cũng đã học khôn ra chút đỉnh và biết thêm nhiều nét đặc biệt của thành phố này. Không kể Chợ Lớn là khu độc chiếm của người Tàu, những khu khác đâu có buôn bán là cũng có người Tàu, từ những phố buôn bán lớn cho tới cửa hiệu chạp phô nho nhỏ và ngay cả cái xe bán hủ tiếu mì, xe nước mía đầu hẻm cũng là của người Tàu. Còn tiệm ăn, tiệm nước của người Tàu thì bất cứ góc đường nào cũng có. Mà hễ nói đến người Tàu là nói đến tai cứ phải nghe mãi cái tiếng Tàu và mắt thì cứ phải nhìn cái cung cách ăn ở dơ bẩn của họ, lại còn nhiều cái tùy tiện rất là chướng mắt như chủ quán và hầu bàn có thể đánh trần trùng trục phơi cái bụng phệ những mỡ và tay thì quạt phành phạch, còn khách thì có thể ngồi chồm hổm trên chiếc ghế đẩu và tự do khạc nhổ xuống nền nhà. Ngoài ra còn cái lối không có bạc cắc thì xé tờ giấy bạc một đồng làm đôi để thối cũng làm tôi ngạc nhiên và khó chịu vì tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng này xảy ra ở đâu khác.
Người dân Sài gòn hầu như ai cũng khoái ăn nhậu. Nhiều tiền và có bạn bè thì gọi món này món kia, kêu la de uống hàng két, vỏ chai không để la liệt trên bàn như một sự triển lãm thành tích mà cũng dễ cho chủ quán đếm vỏ chai tính tiền.
Ít tiền hay chỉ một mình thì uống "bốc" tức là bia chứa trong thùng rót ra ly bán lẻ cho khách, nhậu với dĩa tôm khô củ kiệu, hoặc dĩa đậu phộng rang cũng xong. Còn cà phê thì nhiều người có lẽ một ngày uống cũng đến hàng chục cữ. Chủ tiệm
chỉ cần pha cà phê bằng cái túi vải bỏ trong cái ấm tay cầm bắc trên bếp than kho hầm, hễ có khách gọi thì rót vào tách bưng ra. Khách uống cà phê thì nhiều người lại có thói quen đổ cà phê ra cái dĩa lót ly cho bớt nóng rồi vừa thổi vừa húp sồn sột trông chẳng còn gì là tao nhã cả.
Thực tình mà nói, không phải tôi không nhìn thấy thành phố này cũng có nhiều cái hay và cái đáng yêu. Ngoài
khả năng cung ứng dồi dào về mọi phương diện giúp cho con người có thể dễ dàng thỏa mãn các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của mình, người dân miền Nam còn được hưởng những điều kiện ưu đãi về địa lý và thiên nhiên mà không phải quá vất vả với cuộc mưu sinh nên tính tình cũng có vẻ dễ dãi, phóng khoáng hơn. Ngoài ra, miền Nam dù sao cũng chỉ là đất mới của người Việt, ảnh hưởng của các triều đại vua chúa chưa thấm nhuần thì đã bị Tây chiếm làm thuộc địa cho nên nếp sống không bị gò bó vào những kiểu cách phong kiến cổ hủ. Tuy nhiên vì cái tính chất nửa Tây nửa Tàu của cái thành phố này và sự hiếm hoi của những di tích lịch sử Việt làm cho tôi như cứ thấy cái quá khứ một trăm năm bị Tây đô hộ và một ngàn năm lệ thuộc Tàu có vẻ như lúc nào cũng hiện ra ở nơi đây.
Mà thực thế, thành phố này ra đời sau khi người Pháp biến Nam kỳ thành thuộc địa và người Tàu đã lợi dụng cái thế yếu của người dân Việt để quy tụ về đây mà khai thác trục lợi. Cho dù người Tây rồi đây có phải ra đi nhưng người Tàu thì vẫn còn đấy vì họ đã bám rễ vào tận khắp hang cùng ngỏ hẻm để ôm lấy mảnh đất này mà sống nhưng vẫn coi mình như là kẻ ngoại nhân để hưởng sự an toàn ưu đãi và không bị ràng buộc vào những nghĩa vụ đối với cái xứ sở đã làm giàu cho họ. Còn người dân Việt thì ngoại trừ một thiểu số hoặc là nhờ dựa vào các thế lực ngoại bang này để mà kiếm cho mình một ít quyền lợi nào đó thì vẫn muốn duy trì cái đặc ân
hiện có, nếu không thì cũng chỉ là những kẻ muốn làm anh hùng hảo hán để làm mưa làm gió một thời chứ chưa bao giờ thực sự làm chủ thành phố
này, đại đa số người dân thường qua bao biến chuyển của thời cuộc, cảm thấy mình cũng không cần phải thiết tha với một lý tưởng nào nữa cả mà chỉ cần miễn sao cho mình yên thân, có thể kiếm ra tiền ăn nhậu hàng ngày, chửi thề bất cứ chuyện gì không vừa ý, và ai nói gì thuận tai thì nghe chơi chứ cũng chẳng cần biết đó là Tây, Tàu, Quốc gia hay Cộng sản.
Tuy nhiên bây giờ thành phố lại đang có thêm một lớp người mới đến. Những chuyến tàu chở người di cư tị nạn Cộng sản từ miền Bắc cập bến Sài gòn đã chấm dứt sau thời hạn 300 ngày tập kết, nhưng những túp lều vải nhà binh của các trại tiếp cư thì vẫn còn nhan nhản trên những khu đất trống của thành phố. Trong cái thế bắt buộc phải tranh đấu để bảo vệ cuộc sống còn của mình, những người dân di cư này đang cố gắng chứng tỏ họ cũng mong muốn mảnh đất này sẽ là nơi cho họ dung thân lâu dài và tạo dựng lại những cái gì đã bị mất
mát. Chính vì thế mà họ đang là những người xông xáo tìm cho mình một chỗ đứng tại thành phố này, cũng như họ mới là những người đang hăng hái tham gia vào các cuộc tranh đấu do chính quyền ông Diệm đề xướng như đòi truất phế Bảo Ðại, chống Hiệp thương, Ðả đảo Thực dân, Ðả đảo Cộng sản v.v...
Tôi cũng là một người đang muốn tìm cho mình một niềm tin và một đất sống nên tôi thấy
mình có phần cảm thông với những người này. Tuy nhiên có một hôm đang đạp xe dạo quanh từ phía cột cờ Thủ ngữ hướng về bến đò Thủ Thiêm nhân ngày kỷ niệm Quốc Hận 20 tháng 7 thì tôi tình cờ được chứng kiến đám sinh viên di cư biểu tình tuần hành xông vào đốt phá khách sạn Majestic và lùng đuổi phái đoàn Ðại diện Cộng sản Bắc Việt trong
Ủy ban Liên Hợp Quân sự đang trú ngụ tại đây. Dĩ nhiên tôi cũng không thích nhìn thấy sự hiện diện ngang nhiên của người Cộng sản tại thành phố này, nhưng cái cảnh bạo động đập phá này hình như chỉ gợi lại cho tôi những hình ảnh đổ nát của mười năm chiến tranh vừa qua với những hận thù chưa thể nào chấm dứt
hơn là mở ra cho tôi thấy viễn ảnh của một tương lai tươi sáng.
Miền Nam cũng là nơi có rất nhiều cây trái và mùa này cũng là mùa trái cây cho nên đi qua chợ nào cũng thấy đầy dẫy các thứ trái cây bày bán. Có vài loại trái cây đặc sản tôi rất thích như chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, vú sữa, mít tố nữ ... Tuy nhiên có một loại trái cây mà người dân miền Nam lấy làm ngon và qúy nhất thì tôi lại không tài nào chịu nổi cái mùi của nó, đó là trái sầu riêng. Không biết ai đã đặt cho loại trái cây này cái tên nghe rất gợi cảm ấy, nhưng riêng đối với tôi lúc bấy giờ thì nó quả đúng là trái
"sầu riêng" thật vì hễ trông thấy nó là tôi bắt đầu khổ tâm vì cái mũi dị ứng của mình. Tôi nghĩ là có lẽ rồi đây tôi cũng phải tập làm quen với nó, có điều chưa phải ngay lúc này.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment