Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 19, 2013

Tìm Một Niềm Tin [10]

Ký sự Tùy bút 
10.- MỘT MÁI NHÀ 
VỚI NHỮNG TÂM HỒN LẠC LÕNG

Vùng Khánh hội là khu bến cảng nên ngoại trừ những cơ sở chứa hàng và một số hãng xưởng là to lớn và kiên cố, còn lại là những xóm lao động với những căn nhà chen chúc, mái tôn, vách ván, xây cất trên một vùng vốn là ruộng được đổ đất lên cho cao để cất nhà, xen vào đó cũng có những căn còn là nhà sàn cất ngay trên ruộng sình nên trông có vẻ nghèo nàn và tạm bợ. Ða số dân cư là thợ thuyền hoặc là công nhân bốc vác bến tàu.
Nhà ông ngoại tôi ở sát đường lộ mặt hướng ra con kinh, thuộc phần đất của họ đạo Xóm chiếu, nhưng nhà thờ thì lại nằm sâu bên trong phía sau. Tuy là họ đạo lâu đời của người Nam nhưng từ khi có cuộc di cư, một số người Bắc công giáo di cư tìm được việc làm ở Sài gòn cũng đã chen vào sống chung lẫn lộn với dân địa phương ở đây. 


Ông bà tôi cũng chỉ mới dọn về ở tại căn nhà này có mấy tháng nay. Tôi nghe kể là trước đây ông bà tôi vẫn ở tại một căn phố trong một con hẻm ở đường Gia long, gần khu chợ Bến thành. Cậu Viện chê sống tại trung tâm thành phố vừa ồn ào vừa bụi bặm. Chiều ý cậu Viện và sau khi cậu tôi chọn mãi mới thấy có chỗ này vừa ý nhất, ông tôi đã sang lại căn phố ấy về đây cất căn nhà này, vừa gần sông để cho được mát mẻ yên tĩnh vừa gần nhà thờ nhà thánh. Tuy nhiên vì gần sông nên bờ sông cũng là cái bến bốc than đá từ Hải Phòng chở vào nên lúc nào cũng thấy bụi đen ngòm. Còn cái lòng mến Chúa của những người trong nhà thì cũng chỉ mới thể hiện tới cái mức mỗi tuần đến nhà thờ một lần đúng vào sáng chủ nhật mà thôi. 


Tuy nhà có điện và nước máy nhưng điện thì phải câu lại của nhà thờ nên cứ lúc mờ lúc tỏ, còn nước máy thì vì khu này nằm cuối đường ống của thành phố nên nước chỉ chảy nhỏ giọt như nước đái thằn lằn lại toàn là phèn và rỉ sét đỏ lòm nên chỉ có thể hứng lọc để rửa thôi. Ðể dùng cho ăn uống thì phải lấy nước mưa hứng từ mái nhà mỗi khi có mưa và được chứa trong mấy cái lu to bằng sành. 


Vì ngăn bìa của căn nhà ngang là nơi dành riêng cho cậu Viện nên giữa hai ngăn có cửa thông qua lại thì bị đóng chặt cho nên người bên này mỗi lần muốn qua phòng cậu thì phải đi vòng ra trước rồi vào cửa trước hoặc ra sân sau để vào cửa sau của phòng cậu. Căn phòng ngủ chính có kê chiếc divan dành cho ông và cái giường dành riêng cho bà nên em tôi vẫn ngủ ở bộ ván gõ kê ở gian giữa chỗ làm phòng tiếp khách và phòng ăn. Có tôi về chiếm chiếc phản gõ nên em tôi phải hằng đêm kê ghế bố ngủ trong phòng ông bà. Chị Bàng và hai đứa con trải chiếu nằm dưới đất ở phòng phía trước. 


Ông tôi bây giờ sống bằng lương hưu trí cho nên ngoài khoản đi chợ nếu cần chi tiêu gì khác thì cậu Ðôn phải chi phụ vào. Ông có vẻ không còn bận tâm vào những biến chuyển thời cuộc cho nên nhà có mua báo tháng nhưng ông chỉ mua báo có đăng truyện Tàu để đọc truyện kiếm hiệp. Tuy nhiên bản tính hiếu động cho nên ông cũng không bao giờ ngồi yên để đọc tờ báo lâu. Một chặp ông lại xoay ra hết loay hoay lắp ráp cái này, tháo gỡ cái nọ, thì đổi sang sắp lại vật này, dời chỗ vật kia. Ngay cả mấy cái cây mới trồng ở rẻo đất phía trước và bên hông nhà cũng bị ông tôi bứng lên trồng xuống hoài. 


Bà tôi vài ba ngày mới đáp xe thổ mộ có em tôi xách giỏ theo đi chợ Xóm Chiếu cách nhà khoảng non hai cây số. Lúc về lo nấu nướng các thức ăn riêng cho từng người để ăn cho mấy ngày. Những ngày không bận chợ búa nấu nướng thì chỉ nấu cơm và hâm lại các món ăn nấu sẵn. Ngoài những lúc bận việc bếp núc, bà không còn chuyện gì để tiêu pha thì giờ nữa thì chỉ biết mở cửa sau để nói chuyện gẫu với chị Hai ở trong bếp căn nhà đâu lưng nhau ở phía sau, nếu không thì lại vào trong phòng ngồi bên cửa sổ bắt em tôi nhổ tóc sâu, còn tay thì mân mê và mắt thì nhìn mãi vào mấy tờ giấy số chưa xổ tưởng chừng như muốn thôi miên cho nó biến hóa theo ý muốn. 


Tôi nghe em tôi kể hồi mới về đây, cậu Ðôn vì nể lời ông tôi nên đã ra vốn để mở một cửa hàng tạp hoá nho nhỏ cho bà bán các thứ thông dụng cần thiết cho dân lao động trong xóm hầu giúp bà vừa vui tuổi già mà cũng có chút đồng ra đồng vào phụ vào việc chi tiêu trong nhà. Mới mở bán được đâu một tháng thì lớp bán chịu bị khách giựt nợ, lớp bán lấy tiền vào được đồng nào thì bà tôi lại đem mua vé số hoặc đánh số đề thua hết nên đến lúc tiệm vừa cạn hàng thì bà tôi cũng sạch vốn đành phải dẹp. Chả trách tôi thấy cửa căn phòng mặt tiền được làm theo kiểu cửa sắt kéo nhưng lại gắn cửa gỗ xếp kiểu mấy chục năm về trước và đồ đạc thì trống trơn chỉ còn sót lại mấy cái kệ gỗ sơ sài lỏng chỏng vài món hàng có lẽ nhà cũng chẳng bao giờ dùng. 


Cậu Viện thì không đi làm gì cả. Hằng ngày nếu không ra ngồi quán "cà phê bít tất" đầu con hẻm vào nhà thờ tán chuyện gẫu với mấy người cũng rảnh rỗi như cậu thì lại về nhà nằm riệt trong phòng, chẳng chuyện trò với ai trong nhà. Lúc ra đường cậu nói giọng Nam nhưng về nhà thì cậu lại dùng cái giọng Hà tĩnh nặng trình trịch để sai bảo. Tôi nghe nói trước đây cậu cũng đã từng vào bưng theo kháng chiến, sau đó chán nản lại quay về nhưng không quên mang theo chứng bệnh lao phổi. May mà lúc về thành có thuốc men điều trị nên cậu cũng đã bình phục, nhưng bây giờ cậu đâm ra có cái vẻ gần như bất đắc chí. 


Chị Bàng là dân di cư. Tuy chị có người chú họ là một doanh gia vào Nam lập nghiệp đã lâu giàu có và nổi tiếng nhưng chị lại không nhờ vả được gì nên đành theo chồng tạm tá túc nhà ông ngoại tôi trong thời gian chờ anh Bàng đi xin được việc làm và kiếm nơi ăn chốn ở cho gia đình. Chị có vẻ vui tính và cởi mở nhưng sống trong nhà với những người quá nề nếp và khô khan ít nói nên chị cũng chỉ dám nói chuyện với anh em tôi, những con chim cũng đang cảm thấy lạc loài như chị mà thôi. 


Việc ăn uống trong nhà cũng rất đặc biệt. Ông tôi ăn một mâm riêng dọn tại bàn ăn, có đầy đủ muổng nỉa chén bát kể cả cái kê đũa và muổng lớn để múc thức ăn cho vào dĩa riêng. Món ăn của mâm ông tôi cũng nhiều và nấu theo khẩu vị của ông tôi. Cái cung cách ăn uống trưởng giả này không biết ông tôi bắt đầu từ hồi nào nhưng tôi nghĩ có lẽ ông mang nó từ bên Tây về để tân tiến hóa cái truyền thống phong kiến cố hữu vì ngày xưa ông ngoại tôi làm quan và cũng đã có lần ở trong phái đoàn đi sứ qua Pháp. 


Bà tôi, chị Bảng và em tôi ăn chung một mâm dọn tại cái bàn nhỏ trong bếp, mâm chén thường và đơn giản cũng như thức ăn có vẻ khiêm nhường hơn với những món cá kho mặn theo kiểu ta, có kèm thêm cả mắm tôm cà pháo rất nặng mùi dân tộc. Mấy đứa nhỏ con chị Bàng đến bữa thì được bới cho mỗi đứa một tô cơm với đồ ăn bưng ra phòng trước ngồi ăn. Cậu Viện thì mỗi ngày độ gần trưa khi bà tôi hoàn tất nấu nướng những món riêng theo đúng khẩu vị của cậu và sắp vào mâm thì tới lượt em tôi bưng cái mâm ấy qua phòng cậu đậy lồng bàn để đấy chừng nào cậu thích ăn thì ăn, rồi trước giờ lo cơm chiều thì lại qua phòng cậu bưng cái mâm đã ăn xong ấy về dọn rửa chờ sắp sửa cho mâm tối. Bây giờ có thêm tôi, chưa biết giải quyết như thế nào nên tạm thời cho đóng vai khách, được ngồi chung bàn và ăn chung những thức ăn nấu cho ông tôi. 


Với cái nếp sống như vậy, em tôi tối ngày chỉ loay hoay với công việc nhà: hết quét nhà, phủi bụi thì lại rửa chén, rồi giặt giũ. Nhà ở gần mấy bãi chứa than đá nên đồ đạc trong nhà chừng một buổi mà chưa lau chùi thì sờ tay lên là thấy ngay một lớp bụi than đóng đen ngòm. Còn cái chuyện rửa chén thì hầu như không bao giờ xong vì hết lớp này thì lại đến lớp khác. Thấy ông bà tôi không có ý gì định cho em tôi đi học hay tập làm một nghề gì để có thể tự tạo dựng cho mình một tương lai, mà hầu như chỉ muốn giữ trong nhà để hầu hạ, tự nhiên tôi một lần nữa lại thấy xót xa cho thân phận của em tôi. 


Tuy nhiên có một hôm, lúc ở ngoài hiên một mình ông với tôi, tự nhiên tôi nghe ông hỏi thăm về những ngày mẹ tôi bị bệnh. Tôi liền đem tất cả những nỗi đau buồn và thiếu thốn mà mẹ tôi phải chịu trong những ngày nằm liệt giường vì bệnh kể lại cho ông nghe. Tôi thấy khóe mắt ông tôi ươn ướt và giọt nước mắt đó đã làm tôi xúc động. 


Ðể tỏ ra mình cũng thương nhớ những người thân yêu nên tôi bèn nhân lúc đó hỏi thăm về người bà ngoại ruột đã chết từ hồi mẹ của tôi mới hai tuổi. Ông ngoại tôi ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi làm sao tôi biết được chuyện ấy. Tôi mới nói là do mẹ tôi kể và tôi cũng kể thêm là lần đưa an táng thằng em bé của tôi ở Phủ cam, cha mẹ tôi cũng đã có dẫn tôi lại thăm mộ bà ngoại ruột. Ông ngoại tôi nghe xong có vẻ trầm ngâm nhưng sau đó chẳng thấy ông nói gì về người bà ngoại đã khuất ấy mà chỉ dặn tôi đừng nói cho bà ngoại kế hiện tại của tôi biết là tôi cũng biết chuyện. 


Câu chuyện tưởng cũng chỉ có thế thôi, nhưng không hiểu ông ngoại tôi có kể lại gì cho bà ngoại kế của tôi không mà sau đó tôi bỗng nhiên thấy bà không còn tử tế với tôi như trước mà ông tôi thì cũng càng ngày càng có vẻ ơ hờ với tôi. Ít hôm sau tôi được em tôi kể cho nghe là bà ngoại kế than phiền với ông là tôi cũng chỉ biết thương bà ngoại ruột đã chết và coi bà hiện nay như không có liên hệ gì hết. 


Thực ra khi nhắc đến người bà ngoại ruột đã chết, tôi không hề có ý phân biệt với bà ngoại kế bởi vì tôi đã bao giờ có được một kỷ niệm hay hình ảnh gì về bà ngoại này đâu ngoài một lần được cha mẹ tôi dẫn viếng thăm ngôi mộ có lẽ cũng không còn được mấy ai nhớ đến. Riêng với bà ngoại kế hiện tại của tôi thì cho dù ông tôi không nói, anh em tôi đã lớn nên khi nghe cậu Ðôn tôi gọi bà ngoại tôi bằng dì tất nhiên cũng thừa hiểu. Tuy nhiên đối với bà ngoại kế thì tôi lại có vài kỷ niệm từ thời thơ ấu lần tôi theo mẹ về thăm quê ngoại ở Hà tĩnh. Ngày ấy bà đã từng cho tôi một con sáo nhỏ mà tôi vẫn còn nhớ mãi. Không may cho tôi, chỉ vì một chút tò mò muốn tìm hiểu thêm những điều tôi muốn biết mà chưa biết, nhưng không ngờ điều này đã gây ngộ nhận và gây thêm mặc cảm cho những người trong gia đình vốn hình như đã quá nhiều mặc cảm. 


Sống trong nhà với những người thân yêu mà lại không thể vui vẻ thành thật với nhau, tôi lại thấy mình vẫn cứ như là con chiên lạc đàn, vì sau bao năm tháng lăn lóc bờ đá này bụi gai nọ, mình mẩy đầy thương tích, bây giờ về với đàn thì đàn lại cũng đang lạc lõng trên cánh đồng lạ nên không thể nào còn nhận ra đấy là đàn chiên nhà nữa


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment