1.- CHƯA NÓI ĐÃ CƯỜI
Có lẽ không dân tộc nào trên quả đất này lại không thích cười. Cười giải tỏa những bực bội trong lòng, giúp cho con người trở thành hiền hòa và làm cho con người cảm thấy vui sống hơn. Riêng dân tộc Việt Nam có lẽ lại càng thích cười nhiều hơn dân tộc nào khác. Ca dao của ta cũng từng có những câu cho thấy cái thói quen không những hay cười mà nhiều khi còn cười một cách thái quá của người dân
Việt:
Vô duyên chưa nói đã cười
Chưa đi đã chạy, là người vô duyên.
Điều này cho thấy bản chất người dân Việt thiên về tình cảm cho nên thường nhìn sự vật qua cảm
quan, do đó mỗi khi gặp kích thích từ ngoại cảnh hay từ nội tâm thì phản ứng tự nhiên cũng theo cảm xúc mà phát
sinh. Chính vì thế mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh, một trong những người có công đầu trong việc phổ biến chữ quốc ngữ và đưa văn xuôi vào văn học Việt Nam trước đây, cũng đã có đưa ra một nhận định là người Việt Nam cái gì cũng cười. Bài viết này của cụ Vĩnh có ý chỉ trích người Việt Nam thường tỏ ra thiếu ý thức nghiêm chỉnh trong việc nhận thức sự vật xảy ra xung quanh mình nên đã có một vài người có tinh thần thượng tôn dân tộc không mấy hài lòng.
Cứ khách quan mà nói thì chúng ta phải nhìn nhận là người Việt nam hay cười
thật, không những cười cái đáng cười và lúc đáng cười, mà ngay cả đôi khi đối với những cái không nên cười hay không đáng cười cũng có thể cười. Cái phản ứng tự nhiên này lâu dần biến thành thói quen thích cười đùa chế diễu bất cứ cái gì mình cho là lạ hoặc mất bình thường, và sau đó trở thành một tật xấu đến nỗi ca dao cũng có câu khuyên răn:
Cười người chớ có cười lâu
Cười người hôm trước hôm sau người cười
Mặc dù cái cười thường được coi là dấu hiệu biểu lộ tâm trạng vui
vẻ, nhưng đối với người Việt nam thì ý nghĩa của cái cười có phần phức tạp hơn vì tất cả những trạng thái tâm hồn khác nhau từ
hỉ, nộ, ai, bi, cho tới ái, ố, dục đều có thể biểu lộ bằng cái cười. Ngay cả khi phân vân hoặc khi bày tỏ thái độ, ý kiến chấp thuận hoặc từ chối cũng cười
nốt. Trong bài ca dao thằng Bờm, chúng ta thấy Bờm cũng đã dùng cái cười để thay cho tiếng trả lời chấp thuận một đề nghị trao đổi của phú ông:
...Phú ông xin đổi hòn xôi Bờm cười.
Ngoài ra, cười đối với người dân Việt còn là một thứ vũ khí của kẻ yếu dùng để chống lại kẻ mạnh một cách tiêu
cực. Thông thường mỗi khi bị người khác đối xử bất công hay gây thiệt hại cho mình thì người ta có thể phản ứng lại bằng nhiều cách khác nhau như là kêu gào khóc lóc, nổi giận gây gổ đưa đến những hành động như chửi bới hay ẩu đả
v.v... Tuy nhiên có những trường hợp con người không thể phản ứng trực tiếp bằng những hình thức mang tính cách bạo động, hoặc do cảm thấy mình bất lợi nếu công khai đương đầu với đối phương nên bề ngoài đành phải nhịn nhục cho qua
chuyện, nhưng trong lòng thì vẫn bứt rứt không yên. Vào
những trường hợp như thế này thì cười để giải tỏa những uất ức tiềm tàng tích lũy trong tâm hồn cũng là một hình thức phản kháng, nhưng mang tính cách bất bạo động và tiêu
cực.
Thông thường, những cái cười phát sinh từ sự nhịn nhục lâu ngày như thế này có thể được tích lũy và thăng hoa để sau đó lại bộc lộ ra thành những bài vè, ca
dao, văn thơ thuộc những thể loại như trào phúng, hài hước, châm
biếm; các truyện vui, truyện tiếu lâm v.v... Hơn nữa, thái độ phản kháng thụ động này dễ thích hợp với bản chất hiền hòa của người dân Việt nên loại văn học này rất được dân ta yêu thích và truyền
tụng. Đó cũng là lý do khiến cho loại văn học này rất phát
triển, nhất là vào những giai đoạn lịch sử mà xã hội tràn ngập những bất công, áp bức và con người không có lối thoát nào khác thì đành giải tỏa những sự đau
khổ, uất ức ấy bằng thơ văn.
2.- GIỖ CHA CHÚ MÈO
Lịch sử đã cho chúng ta biết là suốt hơn một ngàn năm liên tục sống dưới sự cai trị hà khắc và bóc lột sách nhiễu của người Trung Hoa sang đô
hộ, người dân Việt lúc nào cũng muốn bảo tồn bản sắc dân tộc mình chứ không chịu đồng hóa, nhưng vì thế yếu đành phải sống co cụm với
nhau, cũng như lúc nào cũng phải tìm mọi cách để lẩn tránh đám quan quân Trung
hoa. Cuộc sống lúc nào cũng phải đề phòng và lo sợ lẩn tránh những nguy hiểm luôn rình rập bên mình đó nếu không có một chút gì thư giãn thì có thể làm cho sức chịu đựng của con người kiệt
quệ. Vậy thì chỉ có cười mới có thể mang lại cho con người niềm vui để
sống, do đó mà người dân Việt đã tìm vui trong cái cười và hài hước hóa tất cả sự
vật, ngay cả mối đe dọa hiểm nguy để có thể trấn an mình khi sự nguy hiểm chưa xảy
ra.
Chính vì thế mà chẳng hạn như khi nhìn cái hiện tượng con mèo đi tìm bắt chuột để ăn
thịt, và chuột nghe thấy hơi mèo là phải lo trốn chui trốn nhủi thì người ta cũng động lòng thương xót cho thân phận của loài
chuột, nhưng một khi biết rằng cái thân phận ấy là một cái gì gần như là tất nhiên, người ta đã hài hước hóa cái thân phận đáng thương ấy để cho nhẹ bớt phần bi đát:
Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm, mua muối, về giỗ cha chú mèo
Mặc dù bài ca dao này miêu tả cái cảnh con mèo rình bắt con chuột là những hình ảnh vẫn xảy ra bên cạnh con người trong cuộc sống hàng ngày nhưng cái ý nghĩa tượng trưng có thể tìm thấy ở đây chính là hình ảnh của hai hạng người trong xã hội nói theo hoàn cảnh chính trị của lúc ấy là giai cấp ngoại nhân thống trị và giai cấp dân bản xứ bị
trị. Cũng vì thế mà khi so sánh thân phận mình, người ta cũng chỉ nhìn hiện tượng qua cảm xúc nên dễ nảy sinh tình cảm thương xót chứ không dùng lý trí suy luận để tìm ra lối thoát khiến cho con người cũng chỉ biết loanh quanh luẩn quẩn trong cái vòng số
phận:
Cái kiến mầy đậu cành đa
Đậu phải cành cọc leo ra leo vào
Cái kiến mày đậu cành đào
Đậu phải cành cọc leo vào leo ra
Không ai phủ nhận dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu tình
cảm. Vì giàu tình cảm nên người dân Việt có một bản chất hiền hòa, yêu mến quê hương, hay thương người, nhất là đối với người hoạn
nạn. Tuy nhiên bên cạnh những đức tính tốt đó, người dân Việt trong cái thế bị ngoại nhân đè nén áp bức lâu dài nên để bảo tồn cuộc sống cho mình mà đã phải nảy sinh ra
"cái khó nó bó cái khôn"; mà cái khôn ở đây lại không bắt nguồn từ những suy luận duy lý mà chỉ là những ứng biến với hoàn cảnh có tính cách thực tiễn nhất
thời: "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".
Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển nhiều cá tính xấu chung của người dân Việt như tinh
vặt, qủy quyệt, kiêu ngạo và hay nói khoác v.v...
Ở đâu mà chẳng biết ta
Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên lôi
Xưa kia ta ở trên trời
Đứt dây rơi xuống làm người trần gian
Mặc dù đây chỉ là một lời nói khoác đùa giỡn cho
vui, nhưng chính nó cũng là một lời bộc lộ của cái nghịch lý về tâm lý chung của người dân
Việt: vừa mặc cảm với thân phận thực tế hiện tại thua kém, bị áp bức của mình, vừa tự an ủi mình bằng một hào quang quá khứ nào đó mà không ai kiểm chứng được. Ngoài ra cũng do cái tâm bất phục của người dân bị trị bị áp bức cho nên hay có tinh thần bài
ngoại. Cái quan niệm này khiến cho những ý niệm về chính trị, những quy ước tổ chức xã hội dựa vào tư tưởng triết học Trung hoa cũng không hề được nhìn theo khía cạnh siêu hình mà có khi còn được nhìn qua hiện tượng thực tế như:
"Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ",
hoặc bị đem ra làm đề tài diễu cợt như là:
Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày
Cám rang tôi để cối xay
Hễ chó ăn mất thì mày với ông.
Do cái nhân sinh quan thực tế và thiên về tình cảm này nên người dân Việt thường chỉ nhìn thấy khía cạnh hiện tượng chứ không đi tìm yếu tính của sự vật khiến cho lúc nào cũng có vẻ xuề xòa trong nhận định. Ngay cả trong phạm vi tin tưởng vào những ý niệm siêu hình hay chân lý bất
biến, người dân Việt cũng tỏ ra rất phiến diện. Có lẽ vì thế mà mặc dù người Việt Nam tin có Trời như một đấng linh thiêng nhưng ông Trời của người dân Việt một khi không phải là một hiện tượng siêu linh làm mưa làm gió hay một đấng quyền năng có thể ra tay ban ơn cho người này, trừng phạt người
kia, thì ông trời cũng trở thành rất xuề xoà không khác gì người dân
Việt:
Ông Trăng mà lấy bà Trời
Mồng năm đám cưới, mồng mười nộp cheo
Con lợn thì bằng con mèo
Làng ăn không hết đem treo cột đình
Sáng sớm mai ông Tổng đánh trống thùng thình
Bao nhiêu con chó ra đình gặm xương
Chính vì cái nhân sinh quan nhìn sự vật qua hiện tượng mà người dân Việt không thích những gì có tính cách duy lý:
"một bồ cái lý không bằng một tí cái tình",
từ đó đâm ra dễ cười, dễ khóc, dễ thương yêu, dễ thù ghét, dễ nhịn nhục cũng như dễ tha
thứ, sống bồng bột theo cảm quan
cho nên dễ hài hòa, dễ làm ơn nhưng cũng dễ ích kỷ, dễ bị người khác lừa gạt và cũng dễ lừa gạt lại người khác theo kiểu
"ăn miếng trả miếng"...
3.- NỤ CƯỜI CỦA TRẠNG
Nói về khuynh hướng phản kháng lại những sự bất công áp bức thì trong phạm vi văn chương bác học, từ xưa chúng ta đã có không thiếu gì những áng thơ văn châm biếm, trào phúng hay những giai thoại vui của các nhà nho với những tài danh như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương v.v... Xét về mặt ý tứ và giá trị văn chương thì những nhà nho học này có cái thâm thúy của nhà nho nhưng xét về mặt phổ cập và phản ảnh trung thực nhất nếp suy nghĩ và sinh hoạt tinh thần của người bình dân vẫn là nền văn chương truyền
khẩu.
Bên cạnh cái kho tàng ca dao tục ngữ có tính chất hài hước châm biếm, mỉa mai trào phúng, chúng ta còn cả một kho tàng truyện dân gian như những truyện đời xưa, truyện vui, truyện cười như Trạng Lợn, Xiển Bột, Ba Giai Tú Xuất v.v... nhưng tiêu biểu nhất là truyện Trạng Quỳnh. Ngoài tính chất mỉa mai châm biếm có tính chất phản kháng lại cơ chế xã hội đương thời, nhiều câu truyện còn bộc lộ cho ta thấy những thói quen tật xấu hay cái tâm lý ù lỳ thụ động chung của người dân Việt, và tiêu biểu cho cái tâm lý kiêu ngạo và cái khôn vặt của người dân Việt thì phải kể câu chuyện Trạng Quỳnh trả nợ anh lái đò sau đây:
Chuyện kể là Trạng Quỳnh thường đi đò nhưng không có tiền trả nên nợ anh lái đò đã nhiều. Anh lái đò theo đòi hoài làm trạng bí quá bèn bảo anh lái đò hãy mua tranh lá làm cái chòi giữa sông cho mình diễn trò thu tiền trả anh lái đò. Anh lái đò theo lời Trạng làm một cái chòi con chênh vênh giữa sông. Sau đó Trạng bảo anh lái đò về phao tin trong làng là ngoài nhà chòi giữa sông có diễn trò và yết rất nhiều thơ hay của Trạng. Thiên hạ nghe đồn náo nức rủ nhau đi xem. Anh lái đò tha hồ mà đưa khách lấy tiền. Phần khách thì khi ra tới chòi chỉ thấy có mình Trạng
Quỳnh nằm khểnh gõ trống, còn trên vách có đề mỗi một câu:
"Bố tiên sư thằng nào bảo thằng nào". Thế là khách lẳng lặng ra về. Người đi sau thấy người đi trước về thì háo hức hỏi cho biết nhưng người đi trước vì không muốn bị người chưa đi cười mình mắc lỡm nên ai cũng chỉ bảo:
"Không nói được. Cứ ra xem tự khắc biết". Thế là thiên hạ lớp này lớp khác cứ tiếp nối mà rủ nhau ra
xem.
Sau khi thấy số tiền anh lái đò kiếm được đã nhiều hơn số tiền Trạng nợ anh lái đò thì Trạng bèn dẹp chòi. Anh lái đò theo đòi nợ tiếp thì Trạng bảo là mấy hôm nay anh ta nhờ Trạng mà kiếm được biết bao nhiêu tiền đưa đò rồi còn đòi cái gì nữa. Anh lái đò bấy giờ mới vỡ lẽ ra đành thôi không đòi nợ trạng Quỳnh
nữa.
Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện mua vui nhưng câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy ngoài cái tính tinh ranh, xảo trá của Trạng Quỳnh, còn nêu lên được nhiều thói hư tật xấu rất thường thấy nơi người dân Việt như không chịu suy luận, dễ tin, hay hành động theo tính cách a dua nhưng lại kiêu ngạo nên khi phạm sai lầm hay bị lừa gạt thì lại muốn giữ sĩ diện hoặc không muốn bị người khác chê cười nên không dám nói lên sự thật cho người khác biết để tránh mà cứ để mặc cho người khác bị mắc lừa tiếp, và như thế là ai cũng như ai không còn chê cười nhau được, khiến cho những cái giả dối lừa bịp vẫn cứ tiếp tục tồn tại. Người nghe truyện thì có thể cũng nhận ra những thói hư tật xấu đó là đáng chê trách, nhưng với cái tâm
hồn dễ dãi và cái tâm lý tìm sự vui khuây cho vơi quên những khốn khó cực nhọc hơn là để học hỏi mà sửa mình cho nên cứ nghe và cười, xong rồi lại bỏ qua cho nên bản thân thì chứng nào vẫn tật
nấy.
Tục ngữ Việt nam có câu: "Tốt đẹp phô
ra, xấu xa đậy lại". Nếu câu này vẫn thường được nhiều người dân Việt coi đó như là một câu châm ngôn cho cách hành xử của mình trong cuộc sống thì câu này cũng là một câu nói bộc lộ cái cá tính chung của người dân Việt: thích khoe khoang những cái được mình cho là cái hay, cái tốt; và những cái gì được coi là xấu thì hãy che dấu đi cho người khác không nhìn thấy hoặc không chú ý đến nó thôi. Nếu suy diễn sâu xa hơn thì câu này còn biểu lộ cái tâm lý tham lam tiếc rẻ đối với những cái gì đã từng gắn liền với mình thành thử ngay cả với cái xấu đi nữa cũng chỉ
"đậy lại" thôi, chứ không nỡ vứt bỏ đi được.
4.- CHỐNG MẮT MÀ XEM
Suốt một ngàn năm sống dưới chế độ hà khắc của người Trung hoa, người dân Việt đã quen với cái nhân sinh quan nhìn cuộc đời qua hiện tượng để phản kháng một cách tiêu cực qua những hình thức mỉa mai diễu cợt rồi tự an ủi bằng thái độ tự kiêu rất mơ hồ
"một đời ta ba mươi đời nó". Chính vì thế mà sau khi đã
giành lại được quyền tự chủ, cái cơ cấu tổ chức xã hội vẫn chỉ là cái cơ cấu tiếp tục mang nặng tinh thần phong kiến của Trung hoa khiến cho người dân Việt vẫn chỉ biết nhìn đó như là những hiện tượng của đất
trời:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua giờ lại trở ra quét chùa.
Do cái tâm lý thụ động ấy mà khi đời loạn lạc thì dân lại chỉ trông chờ sự xuất hiện của một anh hùng hay minh chúa nào đó sẽ nổi lên đánh đuổi quân xâm lăng hay truất bỏ một triều đại áp bức để thiết lập ra một triều đại mới với một minh quân biết thương dân hơn thôi chứ không hề suy nghĩ đến những chuyện thay đổi từ bản chất. Điều này khiến cho ngoại trừ một thiểu số có mộng làm lãnh chúa kết bè kết cánh, coi giang sơn tổ quốc như là của riêng mình để rồi tranh giành, còn đại đa số dân chúng thì vẫn chỉ mong an vui với thân
phận.
Cũng vì cái tâm lý thủ cựu của người cầm quyền
"ông cha ta trước kia làm sao thì nay cứ thế mà làm"
và thái độ cầu an của dân chúng theo kiểu này đã gây trở ngại cho một số người có tư tưởng tiến bộ muốn canh tân đất nước không tài nào thi thố khả năng của mình khiến cho đất nước cứ trì trệ và sang giữa thế kỷ 19 nước ta lại bị Pháp xâm chiếm và dân ta lại phải sống đời nô
lệ.
Sang thế kỷ 20 theo với trào lưu tiến bộ trên thế giới, người dân Việt cũng đã đứng lên làm cách mạng nhưng không thành công vì cái khuynh hướng tình cảm và tinh thần tiêu cực trong nhận thức cho nên không chịu hành động theo lý trí suy luận mà chỉ do cảm hứng của tình cảm. Người dân theo Việt Minh đi làm cách mạng không phải vì những ý niệm duy lý trừu tượng như Tự do, Dân chủ mà vì a dua ham vui, vì tình cảm yêu mến quê hương xóm làng, vì hy vọng đời còn minh chúa ra ơn cứu vớt cho dân lành, cùng những mơ ước thiển cận và thực tế như cơm áo.
Người cộng sản Việt nam thì cũng hồ đồ tin tưởng vào một chủ nghĩa mới nghe có vẻ như rất khoa học và tiến bộ nhưng thực tế lại chỉ là không tưởng. Do nắm được cái tâm lý thụ động và trông chờ của người dân mà người cộng sản đã khôn khéo đưa ra những chiêu bài nghe rất tình cảm để mê hoặc người dân và khi đã nắm được quyền bính trong tay thì với cái tinh thần phong kiến cố hữu, họ lại dùng bạo lực để mà đàn áp bất cứ ai chống đối lại. Người dân vốn sẵn mang trong mình cái tâm thức sợ hãi cường quyền từ hàng ngàn năm đã từng ăn sâu vào cốt tủy khiến cho khi phải đối đầu với bạo lực cường quyền thì lại nhịn nhục để mà sống và để giải tỏa bớt những uất ức trước những bất công áp bức mới thì cũng chỉ biết nhìn vào hiện tượng để tìm đề tài cho mình châm biếm mua vui và tự an ủi như ông cha đã từng xử dụng nó từ bao đời nay:
Việt Nam dân chủ cộng hòa
Cái vườn bán trước cửa nhà bán sau
Aên cơm thì ăn với rau
Đừng ăn với thịt mà đau dạ dày
Riêng đối với những thành phần trí thức văn nghệ sĩ đi theo Việt Minh nếu có một số ý thức được sự phản bội lại lý tưởng Tự do dân chủ qua những hành độngï xảo trá của Việt Minh nên dứt khoát chọn con đường đối lập, thì cũng có một số khác tuy cũng đã phản tỉnh để nhận ra sự sai lầm của mình nhưng vì cái tính tự kiêu tự ái cố hữu, cái sĩ diện hão không muốn nhìn nhận sự sai lầm của mình cho nên đành ngậm đắng nuốt cay im lặng mà sống, nếu không thì cũng chỉ là tiếp tục vong thân làm tay sai phục vụ cho bạo
quyền:
Muốn sang thì làm hành chánh
Muốn đánh thì làm công an
Muốn đi lang thang thì làm tình báo
Muốn nói láo thì làm tuyên truyền
Muốn nhiều tiền thì làm quản lý
Trong thời gian đất nước bị chia đôi vừa qua do cuộc chiến tranh Quốc Cộng, người dân sống dưới chế độ Cộng hòa được thiết lập tại miền Nam ít ra cũng có một cơ hội để thực tập thể hiện cái tinh thần tự do dân chủ như hội họp, xuống đường biểu tình tranh đấu đòi hỏi v.v... cho nên hầu như văn chương phản kháng truyền khẩu không xuất hiện nhiều. Tuy nhiên cuộc thử nghiệm tự do dân chủ này rốt cuộc cũng thất bại vì ngoại trừ một thiểu số có ý thức về tự do và dân chủ thực sự không đủ để làm thay đổi cục diện một xã hội mà về mặt chính trị thì phải đối đầu với một trận chiến tranh giành quyền lực với người Cộng sản tàn bạo và xảo trá hơn, còn về mặt xây dựng xã hội thì đa số người lãnh đạo trong chính quyền vẫn chỉ biết chạy theo quyền bính hay lợi nhuận cá nhân và quần chúng thì vẫn chưa trưởng thành về ý thức chính trị, vẫn dễ tin, dễ bị mắc lừa và vẫn thích nhìn vào hiện tượng để mà bất mãn, bài bác:
"Nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng" v.v...
Sau bao nhiêu tang tóc và đổ vỡ, chế độ cộng hòa ở Miền Nam đã thất trận, cả nước lại rơi vào tay chế độ độc tài sắt máu của Cộng sản. Những người không chấp nhận chế độ lần này phải tìm cách đào thoát ra nước ngoài. Người dân trong nước thì sau một thời gian sống với những mơ ước tưởng tượng không thành lại phải quay về với thực tế bi đát và tiếp tục tìm nguôi quên qua sự truyền tụng cho nhau không biết bao nhiêu bài thơ bài vè mang tính cách
phản kháng lại chế độ mới. Cái khuynh hướng nhìn vào hiện tượng để bài bác hay phản kháng một cách thụ động đó có giúp cho người dân giải toả uất ức về mặt tâm lý, nhưng đồng thời nó cũng làm cho người dân lại theo thói quen cũ để rồi cứ chấp nhận như là số
phận:
Lao động là vinh quang
Lang thang là chết đói
Hay nói là ở tù
Lù khù là đi kinh tế mới
Đó là cái nguyên nhân tạo điều kiện cho chế độ độc tài vẫn cứ tồn tại vì người dân cứ mãi mang cái tâm lý sợ hãi bạo quyền cho nên chỉ biết cầu an thụ động và hy vọng chờ đợi, còn xã hội thì lại càng băng hoại do người dân vì muốn bảo tồn sự sống của mình nên cứ phải xử dụng cái khôn ngoan xảo trá mà cha ông đã truyền lại qua kinh nghiệm sống dưới sự cai trị áp bức của ngoại nhân xưa kia để rồi lại lòn lách, lươn lẹo để mưu cầu sự sống cho riêng mình:
Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt
Lách lòn lươn lẹo lại lên lương.
Chính vì vậy mà chừng nào người dân Việt vì cái tính hiền hòa, nhẹ dạ và thiên về tình cảm ham vui xuề xòa nên cứ duy trì cái nề nếp nhịn nhục và chấp nhận số phận hoặc chỉ biết trông chờ một lúc nào đó lại sẽ có thay đổi với niềm hy vọng sự thay đổi sẽ mang đến điều tốt hơn
"hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai" chứ không chịu suy luận học hỏi tìm hiểu để thay đổi bản chất thì cái tinh thần Tự do và dân chủ vẫn chưa có cơ hội để thể hiện trong xã hội, và đất nước vẫn khó mà phát triển để trở thành tiến bộ hùng cường.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment