Tôi sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt nam, tiếng Việt là ngôn ngữ đầu tiên tôi học nói trong đời, như vậy, nếu tôi có nói tôi yêu tiếng Việt thì đó cũng chỉ là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, nhiều khi ngẫm lại cái ngôn ngữ mình nói và mình yêu mến đó thể hiện trong cuộc sống chung quanh, tôi không khỏi có những cảm nghĩ gần như rất lẩm cẩm.
1.- LỜI MẸ RU
Tiếng Việt vốn
giàu về âm thanh và ngữ điệu. Nhiều nhà nghiên cứu về
ngữ học đã căn cứ vào đặc tính này để cho rằng tiếng
Việt là ngôn ngữ của thi ca và âm nhạc. Ðiều này cũng
không ngoa vì hầu như người dân Việt nào cũng thích thơ
hoặc có làm thơ, và có người còn bảo mỗi người Việt
nam là một thi sĩ.
Do âm điệu trầm
bổng của ngôn ngữ mà những câu nói diễn tả kinh nghiệm
thường ngày hay tâm tư tình cảm trong cuộc sống thường
được người ta nói lên sao cho có vần có điệu, nhờ đó
mà người ta dễ thuộc dễ nhớ. Những câu nói đó lại được
truyền khẩu cho nhau và qua nhiều lần trau chuốt đã trở
thành ra những bài ca dao hay những câu tục ngữ.
Có thể nói ca
dao và tục ngữ không những chỉ là nơi gửi gắm tâm tư
tình cảm của đại chúng mà còn là cái túi khôn của dân
tộc được tích lũy qua nhiều thế hệ, nhờ thế mà dân
Việt nam có được một kho tàng văn học dân gian rất phong
phú. Phải chăng đây cũng là cái lý do khiến cho tới ngày
nay mỗi khi nói chuyện, viết văn, người dân Việt vẫn hay
có thói quen kèm theo những câu ca dao hay tục ngữ để hỗ
trợ thêm cho ý mình muốn diễn đạt.
Vì ca dao có đặc
tính rất truyền cảm cho nên ngày xưa các bà mẹ vẫn thường
hay dùng các bài ca dao này để hát lên khi ru con ngủ, lâu
dần kiểu hát này trở thành điệu ru em. Nhưng ngoài cách
hát theo điệu ru em, cũng do đặc tính giàu âm thanh và ngữ
điệu của ngôn ngữ mà nhiều làn điệu dân ca khác cũng
dần dần hình thành. Tùy theo âm hưởng giọng nói của từng
vùng mà mỗi miền có những làn điệu dân ca riêng. Những
làn điệu dân ca này không những được người ta dùng để
hát trong những dịp vui chơi hội hè mà còn có thể hát khi
đang làm công việc nữa. Có những làn điệu vui tươi nhẹ
nhàng như hát Trống quân, hát Quan họ miền Bắc, nhưng cũng
có những điệu ai oán như một số điệu ca Huế hoặc man
mác u hoài như các điệu hò của miền Trung và miền Nam.
Khi người Việt
di dân vào miền Nam lập nghiệp của những thế kỷ trước,
do chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Phù nam màhọ đã sáng
tạo ra thêm điệu ca vọng cổ rất được người bình dân
mê chuộng. Ðối với người bình dân miền Nam, tham dự một
cuộc vui chơi văn nghệ nào mà không có ca vọng cổ thì cũng
chẳng khác nào đi ăn "hủ tiếu mà thiếu nước lèo". Khi
nghe ca vọng cổ, điều mà người nghe quan tâm nhiều hơn cả
là những cái lên giọng xuống giọng sao cho thật "mùi", và
vì điệu ca này chỉ thích hợp với âm giọng của miền Nam
nên chỉ khi nào nói được âm giọng miền Nam thì mới có
thể ca vọng cổ.
Kể từ khi phong
trào tân nhạc bắt đầu thành hình và được phổ biến rộng
rãi vào giữa thế kỷ 20 thì đối với những thế hệ trẻ
ngày nay hầu như những tiết điệu mới đã thay thế những
làn điệu dân ca cũ, nhưng ở thôn quê hay xã hội Việt nam
suốt mấy ngàn năm qua, các bà mẹ đã ru con bằng những điệu
ru em hay những làn điệu dân ca đầy tính dân tộc này. Tuy
thế âm hưởng của những làn điệu dân ca vẫn không bao
giờ tắt lịm trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Nhạc sĩ
Phạm Duy cũng đã từng biểu hiện tâm thức này qua bản Tình
ca của ông:
"Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời... À, à, ơi...Tiếng ru muôn đời...
Ðây không những
chỉ là niềm xúc động riêng tư của người nhạc sĩ mà
tưởng chừng như tự ngàn xưa người dân Việt cũng đã từng
tha thiết với làn âm thanh của thứ ngôn ngữ này để cứ
gắn bó với nó cho dù dân tộc có trải qua bao nhiêu truân
chuyên suốt giòng lịch sử:
Tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ thủa nằm nôi
Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi..."
Người dân Việt
vẫn thường tự hào có trên bốn ngàn năm lập quốc nhưng
hơn hai ngàn năm đầu chưa có sử. Kế đến lại phải trải
qua một ngàn năm sống dưới sự cai trị đầy bất công áp
bức của người Trung hoa, phải chịu nhiều đắng cay thua thiệt. Qua thời kỳ tự chủ thì đất nước cũng thường
lâm cảnh nội chiến, loạn lạc triền miên, và khi mở mang
bờ cõi về phương Nam thì cũng chứng kiến thêm cảnh điêu
tàn của một dân tộc bị suy vong, do đó cuộc sống lúc nào
cũng có vẻ vui ít buồn nhiều. Chiến tranh gần như là một
nỗi ám ảnh thường xuyên:
Trời sinh ra giặc làm chi
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường
Về mặt kinh tế
xã hội thì dân tộc Việt nam bốn ngàn năm qua chủ yếu sống
bằng nông nghiệp cho nên mỗi gia đình là một đơn vị kinh
tế tự cung tự cấp, do đó mọi người trong gia đình phải
chia nhau mọi công việc. Trình độ kỹ thuật sơ khai, lại
còn phải lệ thuộc vào thiên nhiên, thì cuộc sống thật
là vất vả:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
Vì mỗi gia đình
sống trong nền văn minh nông nghiệp cũ thường bao gồm nhiều
thế hệ cho nên một đứa trẻ sinh ra không phải chỉ có
sự chăm sóc của người mẹ mà còn có bà nội hoặc bà ngoại,
có cô hoặc dì, hay đối với những đứa em sinh sau thì có
chị thay nhau trông giữ. Tùy người ru em và tâm trạng người
ru em mỗi lúc mà người ta có thể nghe đủ mọi loại ca dao,
từ những câu vô thưởng vô phạt theo kiểu trẻ con học
nói như:
Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai...
cho đến những câu
ca dao trữ tình có lúc nhẹ nhàng, bay bướm mà cũng có lúc
lại là những câu hát nuối tiếc hoài mong, kể cả những
câu than thân trách phận mình hay xót thương cho cảnh ngộ
của người khác:
Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than
Lời ca tiếng hát
điệu hò là những phương tiện giúp con người giãi bày tâm sự, mà một khi nói đến tâm sự thì cái vui thường qua nhanh
và không gây ấn tượng lâu bền bằng những cái khó khăn
chật vật trong cuộc sống, những nỗi đau buồn tiếc nhớ,
cho nên tất cả những kinh nghiệm này đều được phản ảnh
qua ca dao do đó mà khi ru con, người ta cũng có thể nghe người
mẹ hát những lời ca phảng phất một nỗi buồn thân phận:
À ơi!... Cái ngủ mày ngủ cho say
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày
Hoặc có khi người
mẹ bận bịu với công việc đồng áng thì bà lại phải
thay mẹ ru cháu:
À ơi!... Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Có thể nói cái
âm điệu dịu nhẹ của những lời hát ru em vỗ về bên tai
không những giúp cho đứa bé an tâm đắm mình vào giấc ngủ
bình yên mà còn chuẩn bị cho đứa bé một thái độ mai sau
đối với cuộc đời. Nếu chúng ta thấy người dân Việt
thường có thói quen ca hát dù là đang cày cấy ngoài đồng,
đang chèo thuyền trên bến sông hoặc đang cặm cụi bên cái
cối xay lúa hay cối giã gạo, thì đó chẳng qua cũng chỉ
là một hình thức tiếp nối lời ru của mẹ, giúp con người
tìm lại sự êm ả của tâm hồn như thủa ấu thơ được
sà vào lòng mẹ.
Chính cái âm thanh
và ngữ điệu của tiếng nói đầu tiên này ảnh hưởng rất
lớn đến cá tính và hành xử của con người Việt nam. Thái
độ hiền hòa nhịn nhục, tình cảm quyến luyến với gia
đình, phải chăng đó là do ảnh hưởng của lời mẹ ru thủa
mới chào đời? Khi đọc các tác phẩm của nhà thơ kiêm nhà
văn Hồ Dzếnh chắc không ai trong chúng ta là không có cảm
tưởng tác giả hầu như gắn bó rất nhiều với quê mẹ
Việt nam hơn yêu quê cha Trung quốc, vì ông đã sinh ra và lớn
lên bằng những âm thanh êm dịu man mác buồn qua lời ru của mẹ.
Nhưng bên cạnh
những âm thanh êm dịu, nhẹ nhàng, bay bướm, thiết tha...
của những bài ca dao tình cảm thương yêu, ấp ủ thì cũng
có vô số những âm thanh chát chúa, the thé, sôi sục của
những tình cảm giận dữ, căm hờn trước những bất mãn
của cuộc sống thực tế hàng ngày, mà vô tình mỗi đứa
trẻ khi bắt đầu phát triển ý thức về sự vật quanh mình
cũng đã phải tiếp thu, và dù muốn dù không những điều
này cũng đã góp phần vào việc thành hình nhân cách về sau.
2.- ÂM VANG CỦA TIẾNG CỒNG
Nếu tiếng Việt
giàu âm thanh ngữ điệu êm dịu để diễn tả những tình
cảm hiền hoà thì mặt khác tiếng Việt cũng không thiếu
những âm thanh ngữ điệu để bộc lộ những tình cảm âm
ỉ hay sôi sục: từ những tiếng tỉ tê, rền rỉ, cho đến
những âm thanh lanh lảnh, chát chúa. Có lẽ vì thế mà khi
muốn biểu lộ nỗi bực tức, đau khổ, giận dữ, người
ta cũng thích quay về với tiếng Việt vì tiếng Việt mới
thực sự có đủ từ ngữ từ thanh tới tục, và âm thanh
từ nặng tới nhẹ để diễn tả một cách trọn vẹn.
Từ ngàn xưa do
sống gần thiên nhiên, phải chống chỏi với thú dữ, yêu
quái mà người dân Việt đã phải xử dụng tiếng động
nhằm xua đuổi thú dữ tà ma ám khí bằng các hình thức gây
âm thanh vang động như khua chiêng, gióng trống, gõ mõ, thổi
kèn... Như vậy âm thanh có công dụng mang lại cho con người
cảm giác đỡ cô đơn, bớt sợ hãi và cảm thấy tự tin
hơn.
Có lẽ do cảm
giác sợ cô đơn và sợ bị bỏ quên mà khi nói năng người
dân Việt cũng có thói quen thích "ăn to nói lớn". Mới thấy
nhau từ xa đã gọi nhau ơi ới, đi tìm mà không thấy thì
hú gọi vang vọng khắp nơi. Bất cứ nơi nào có một sự
tụ tập đông người là sự im lặng bị phá vỡ ngay lập tức: cười đùa vang vang mà cãi cọ cũng thật om sòm. Chợ
búa mua bán ồn ào, rao hàng inh ỏi đã đành, mà ngay cả đến
những chuyện buồn như đám ma cũng phải kèn trống, khóc
lóc kể lể như gào lên cho càng có nhiều người khác nghe
càng tốt, vì có thế thì nỗi cô đơn mới vơi đi được.
Ngoài thói quen
nói to người dân Việt lại rất hay nói, cái gì cũng nói
được cả và còn tranh nhau nói, nhiều khi nói không ai nghe
nhưng vẫn cứ nói. Tuy nhiên đàn ông có cả tiếng dài hơi
kiểu mõ làng cũng còn kém xa mấy bà về phương diện này.
Các bà vừa nói nhiều, nói dai, bất cứ ở đâu, bất cứ
lúc nào cho nên có lẽ nhờ thế mà tiếng Việt trở thành
bất diệt.
Vì bản chất
nặng tình cảm, thích tò mò nhưng lại không suy luận tìm
hiểu ngọn nguồn mà lại hay nói cho nên người đàn bà Việt
nam lúc nào cũng thích có người, thích nghe chuyện và thích
kể lể con cà con kê, hết chuyện mình thì lại đem chuyện
của người ra nói. Cái tính ngồi lê đôi mách, kể chuyện
xấu người này người nọ hầu như cũng là một cái nết
chính của người đàn bà Việt nam cho nên đồng dao mới có
câu hát:
Thìa la thìa lảy
Con gái bảy nghề
Ngồi lê là một...
Ngồi lê đây có
nghĩa là ngồi lê mách lẻo. Chính cái thói quen ngồi lê đôi
mách này là nguyên nhân cho không biết bao nhiêu chuyện xích
mích mất lòng, đưa đến những cuộc cãi vã, đôi chối,
sinh sự với nhau. Ca dao cũng có những câu mô tả cái tính
nhiều chuyện này:
Em liều một cái bánh bò
Con nào chót chét, cặp giò em chặt haiEm liều một chén dầu chanh
Con nào hỗn dữ vuốt nanh em bẻ liền
Em liều một trái sầu riêng
Con nào độc hiểm, em nghiền ra tro
Thường thì mỗi
khi nóng giận, người đàn ông có thể to tiếng cãi nhau hay
quát tháo, khi quá giận dữ thì có thể sinh ra ẩu đả, đâm
chém nhau, tuy có vũ bão thật, nhưng thường qua mau chứ không
như đàn bà, bất cứ trường hợp nào cũng có thể kéo dài,
hết tỉ tê ai oán như những lúc than thân trách phận thì
lại leo lẻo con cà con kê hoặc chanh chua như khi cãi vã, và
đặc biệt hơn cả là những âm thanh lanh lảnh chói chang khi
họ chửi bới nhau. Có lẽ vì thế mà khi so sánh người đàn
ông và người đàn bà về phương diện này, tục ngữ cũng
có câu: "Lệnh ông không bằng cồng bà".
Cồng là một
khí cụ bằng đồng có công dụng gây âm thanh vang động và
thường được dùng để ra hiệu, truyền lệnh hay được
dùng như một nhạc khí trong các cuộc tế lễ. Do âm thanh
lanh lảnh và vang xa của đồng mà tiếng người đàn bà khi
cao giọng the thé chửi rủa cũng được ví với âm thanh của
tiếng cồng. Và một khi người đàn bà đã cất tiếng kể
lể hay chửi bới thì không còn ai có thể bụm miệng người
đàn bà đó được nữa.
Một trăm ông chú chẳng lo
Lo về một nỗi mụ o nỏ mồm
Phải nói cái tài
chửi bới của người đàn bà Việt nam đã đạt đến một
trình độ tinh vi ngang hàng một nghệ thuật. Ngoài cái sự
dài hơi lớn tiếng còn phải biết chửi sao cho có vần có
điệu, có câu có kệ, lúc lên bổng lúc xuống trầm, bên
cạnh những câu thô tục cộc cằn còn phải biết chêm vào
những câu văn hoa hay ví von ca dao tục ngữ, cũng như phải
có điệu bộ múa may kèm theo để hỗ trợ cho lời nói. Chẳng
thế mà người ta lại có thể khen người này người kia là
chửi hay, chửi khéo, chửi giỏi.
Nhiều lúc tôi
tự hỏi không biết vào cái thủa Hùng Vương xa xưa người
Việt nam có biết chửi nhau không hay chỉ từ khi người dân
Việt bị quân Tàu đô hộ, chịu quá nhiều áp bức mà kêu
trời không thấu nên đành phải chửi rủa cho hả nỗi uất
ức, lúc đầu chỉ nhắm vào đám quan quân Tàu, rồi sau đó
cũng được đem ra xử dụng đối với người đồng chủng
mỗi khi gặp chuyện gì không vừa ý, lâu dần biến thành
thói quen của cả một dân tộc. Cái chuyện hàng xóm láng
giềng vừa thân thiện với nhau, rồi lại quay ra tức giận
nhau, chửi rủa nhau chán chê, sau vài ngày lại trở lại làm
lành, để rồi lại tiếp tục cái chu kỳ luẩn quẩn ấy
hầu như trở thành một nếp hành xử của người bình dân
từ nhiều đời nay.
Người Việt nam
rất hay chửi. Thói quen thông thường là chửi thề mỗi khi
nói chuyện hay gặp một sự bực tức nào đó. Khi có sự
xích mích với nhau thì chửi cạnh, chửi khoé, chửi đổng,
chửi tay đôi và có khi cả làng cả họ cùng chửi. Có một
điều đáng nói là khi chửi nhau bao giờ người ta cũng phải
đem những cái tục tĩu ra mà nói, mà chỉ chỏ hay gán cho
nhau làm của ăn thì mới chịu được.
Cái thói quen xử
dụng ngôn từ tục tĩu khi tức giận hay chửi bới phải chăng
cũng bắt nguồn từ những ẩn ức vô thức đối với kẻ
thống trị. Nền đạo đức lễ nghĩa cũng như những cấm
đoán xã hội thuộc về luân lý áp đặt lên người dân Việt
vốn bắt nguồn từ những giáo điều của triết học Trung
quốc. Người dân Việt vì mối thù hận một ngàn năm bị
áp bức trong vô thức chi phối cho nên chỉ khi con người tức
giận lên, họ mới có thể bộc lộ, và hình thức đầu tiên
là phơi bày những cái mà nền đạo đức này coi là xấu
xa như một sự phản kháng lại người Trung hoa một cách gián
tiếp. Lâu dần hình thức này trở thành một phản xạ tự
nhiên của người dân Việt.
Hành động chửi
bới cho thấy người Việt nam đã xử sự theo tình cảm. Khi
có những điều thiệt thòi, uất ức hay bực mình, vì không
suy xét theo lý trí để tìm nguyên nhân mà giải quyết, mà
tình cảm trong lòng thì quá tràn trề cho nên đã bộc phát
thành những câu chửi, do đó chửi không phải là phương cách
giải quyết vấn đề một cách đúng và hợp lý, nhưng chỉ
là cách giải tỏa những tình cảm bực tức đang bị đè
nén trong lòng. Vì không biết cách giải quyết vấn đề nên
chửi cũng như cái van an toàn để xả bớt những giận dữ,
bực tức trong lòng, nếu không con người có thể uất ức
lên mà chết.
Mỗi khi có một
vụ chửi nhau thì hàng xóm đổ xô tới, con nít người lớn
xúm bu lại nghe và xem như đi xem hát. Người ta nghe để giải
trí mà cũng có người nghe để học hỏi hầu áp dụng khi
hữu sự. Có vụ chửi nhau kéo dài ngày này sang ngày khác,
chỉ tạm nghỉ để ăn uống cầm hơi xong lại chửi tiếp
cho tới khi một bên nào đó không còn sức để chửi nữa
bị xem như thua mới thôi. Trong cái cuộc sống mà cá nhân
lúc nào cũng liên hệ với gia đình, với giòng họ, thì khi
chửi nhau người ta cũng phải làm sao lôi cả giòng họ vào
khiến cho nhiều khi chuyện cá nhân cỏn con cũng có thể trở
thành cuộc chửi rủa của hai gia đình.
Thường những
gia đình càng đông con gái, càng có nhiều "mụ o nỏ mồm"
thì cuộc chửi càng kéo dài, càng sôi nổi. Nhà nào ít người
thì áp dụng chiến thuật chửi cầm chừng, chọc cho đối
phương chửi mãi không còn hơi để chửi tiếp thì mới nhảy
ra múa may lên giọng đắc thắng.
Cái lối chửi
nhau này không phải chỉ có ở thôn quê ngày xưa mà ngay trong
các xóm nghèo hay xóm lao động tại thành thị thì hiện tượng
này vẫn xảy ra thường xuyên, có điều người dân sống
ở thành thị bị gò bó bởi luật pháp cũng như còn bị chi
phối bởi nhiều công việc khác cho nên những cuộc chửi
nhau ít khi có thể kéo dài và thường không còn mấy khi gây
được hứng thú cho người chửi lẫn người nghe như ở thôn
quê.
Với nếp sống
văn minh hiện nay, hiện tượng chửi nhau tưởng chừng như
không còn xảy ra ở từng lớp được coi là có văn hóa, nhưng
thực ra nó đã được biến thái qua những hình thức mới.
Người ta không còn phải nhảy xổ ra đường chửi nhau bằng
miệng nhưng người ta có thể chửi nhau bằng báo chí, truyền
thanh truyền hình và khán giả không cần phải bu quanh để
nghe mà có thể chỉ nằm thoải mái tại nhà bấm nút cái
radio, TV, hay giở tờ báo ra đọc. Chính vì những hiện tượng
này vẫn còn thấy xảy ra trong đời sống xã hội mà ta có
thể nói cái tập quán chửi vẫn còn sống trong tâm hồn người
dân Việt.
3.- QUANH CHIẾC VÕNG ÐONG ÐƯA
Có thể nói dân
tộc Việt nam là một dân tộc mang nhiều nghịch lý nội tại.
Nhìn ở một mặt nào đó, chúng ta thấy người Việt nam rất
hiền hòa, chất phác, rất thâm trầm và rất đáng yêu, nhưng
nhìn ở mặt khác chúng ta lại thấy con người Việt nam rất
nóng nảy, rất bồng bột, mang nhiều hận thù và khi có dịp
là bộc lộ ra bằng những ngôn ngữ hay hành động cộc cằn
thô lỗ không kém. Riêng về phương diện ngôn ngữ, nếu chúng
ta yêu thích nhưng câu ca dao, những điệu hát câu hò chan chứa
tình cảm thương yêu thì chúng ta cũng không thể nào không
sửng sốt khi người Việt nam xử dụng ngôn ngữ để bộc
lộ nỗi tức giận của mình, một ngôn ngữ chanh chua, tàn
bạo và cũng rất dồi dào từ ngữ âm điệu để diễn đạt.
Ðối với lớp
trẻ em Việt nam ngày nay tuy mang dòng máu Việt trong người
nhưng không sinh ra trên đất nước vì cha mẹ đã lìa bỏ
quê cha đất tổ để tìm một cuộc sống mới nơi xứ người
thì lời mẹ ru, tiếng hàng xóm chửi rủa nhau hầu như là
một điều xa lạ. Nhưng trong bốn ngàn năm qua, và ngay cả
trên mảnh đất quê hương hiện nay, bao nhiêu thế hệ trẻ
Việt nam đã sinh ra và lớn lên trong những làn âm thanh ấy
tiếp nối đời này qua đời khác.
Quanh chiếc võng
đong đưa là cả một cuộc sống thực tế của cuộc đời
được biểu lộ qua không biết bao nhiêu âm thanh của ngôn
ngữ. Lời mẹ ru ngọt ngào với những lời lẽ thiết tha
của một cuộc sống thật êm đềm và rạt rào tình thương
như mở ra cho tâm hồn đứa bé những tình cảm bao la với
cuộc đời. Những lời nói trìu mến, những bài ca dao tình
cảm, tuy đơn sơ nhẹ nhàng nhưng cũng thật là thắm thiết
mà mọi bà mẹ Việt nam vẫn từng ru con bên chiếc võng đong
đưa qua bao nhiêu thế hệ đã làm cho những đứa trẻ sau
này lớn lên không bao giờ quên mẹ và quê mẹ.
Nhưng bên cạnh
lời mẹ ru còn xen lẫn không biết bao nhiêu là tiếng bấc
tiếng chì: Tiếng mẹ chồng đay nghiến nàng dâu, tiếng bà
mẹ ghẻ nhiếc móc con riêng của chồng, tiếng chồng mắng
chửi vợ, tiếng vợ than thân trách phận kể lể tỉ tê,
tiếng than khóc vật vã của những người trong gia đình vừa
mới mất đi một người thân yêu, tiếng hàng xóm láng giềng
chửi nhau vì một con gà bị mất trộm hay nhiều khi thậm
chí chỉ là một lời mách lẻo bâng quơ. Những cái đó cũng
là những bài học nhắc nhở cho đứa bé cuộc đời không
phải chỉ có tình thương và yên vui mà còn không biết bao
khó khăn vất vả của những cái thực tế xung quanh hằng
ngày. Ngay cả trong tình thương của người mẹ đối với
các con của mình cũng đôi khi có cảnh con yêu con ghét:
Mẹ ơi đừng đánh con đau
Ðể con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Bắt ốc, ốc lủi vô bờ
Hái rau, rau héo, mẹ nhờ gì đâu.
Theo với đà lớn
lên trong cuộc sống, những lời mẹ ru vắng dần đi nhưng
âm vang của tiếng cồng thì càng ngày càng nhiều và càng
mãnh liệt. Những lời mẹ ru hoà lẫn với tiếng "mụ o nỏ
mồm" sẽ làm thành bản đại hoà tấu ảnh hưởng vào tâm
hồn đứa trẻ, lắng vào trong tiềm thức, để rồi khi đã
trở thành người lớn, những ẩn ức này sẽ tác động lên
hành vi của con người ấy. Tuy nhiên lời mẹ ru thủa ban đầu
vẫn như là một nỗi ám ảnh về một thời đại hoàng kim
thủa còn trong bụng mẹ như quan niệm của nhà tâm lý học
Freud.
Có lẽ do ảnh
hưởng của nếp sống tình cảm này mà người dân Việt nào
cũng rất yêu quê hương, cũng gắn bó với gia đình, nhưng
đối với quốc gia qua bao nhiêu triều đại, việc điều hành
đất nước cũng lại chỉ biết hành xử theo kiểu "Thương
nhau lắm cắn nhau đau" tìm đến nhau khi hữu sự, cấu xé
nhau khi quyền lợi bị sứt mẻ, khen nhau đó, chửi bới nhau
khi không vừa ý mình, rồi lại quên đi khi qua cơn xúc động
tâm lý, chứ không theo luận lý của lý trí.
Riêng trong giai
đoạn lịch sử vừa qua, chính đạo quân thứ năm các bà
đã đóng góp không nhỏ cho tập đoàn cộng sản Việt nam
trong việc thực hiện các cuộc đấu tranh giai cấp, đấu
tranh địch vận, hay tuyên truyền rỉ tai chống đối phương
bằng cái tài ngồi lê đôi mách và chửi bới hay ăn vạ.
Cộng sản cũng đã lợi dụng cái khuynh hướng xử sự theo
tình cảm này của người dân Việt để lèo lái người dân
cứ vô tình dành tất cả những gì là thương yêu trìu mến
cho đảng, đồng thời trút hết những cái bực tức, căm
hờn lên đầu những kẻ được coi là kẻ thù của chế độ,
khiến cho người dân cứ bị cộng sản mê hoặc trong vòng
luẩn quẩn của cái chủ thuyết không tưởng của họ mà
không có lối thoát.
Do đó chừng nào
người dân Việt chưa nhận thức được quốc gia như một
thực thể chính trị cần phải được tổ chức và điều
hành theo những nguyên tắc của lý trí mà còn xem quốc gia
như một di sản để tranh giành hay chỉ là môi trường để
con người thể hiện những tình cảm ước muốn riêng tư
thì quốc gia nếu không bị nạn độc tài thao túng, cũng lại
tiếp tục là con thuyền bồng bềnh trôi nổi như lời hát
mà Phạm Duy đã diễn tả trong bản Tình ca.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment