Tùy bút
Riêng
tặng các bạn CVA Tam Nhị C 57-59
và để tưởng nhớ các bạn đã vĩnh viễn ra đi
Ðoàn Văn Khanh
và để tưởng nhớ các bạn đã vĩnh viễn ra đi
Ðoàn Văn Khanh
Thật ra khi dùng
ba chữ "người quân tử" cho đầu đề bài viết này, tôi
hoàn toàn không có ý khảo luận về mẫu người lý tưởng
của Nho giáo mà hàng ngàn năm qua đã ảnh hưởng sâu đậm
trên đời sống tinh thần của ông cha ta, nhưng chỉ nhằm
gợi lại một kỷ niệm về "người quân tử" như cái biệt
danh do các bạn lớp Tam Nhị C Chu văn An niên khóa 57-59 đã
dùng để gọi tôi. Dĩ nhiên là khi các bạn cùng lớp tặng
cho tôi cái biệt danh này không phải vì tôi có những đức
tính của một người quân tử; chẳng qua là do anh chàng
Quát, ủy viên trật tự nhưng cũng là vua quậy của lớp,
nhân một hôm thấy tôi đứng thộn mặt trước vị giáo sư
Anh văn vì đến lượt phải thuyết trình cho buổi thảo luận
định kỳ mà tôi vẫn không soạn được chữ nào để nói,
cho nên đã ngẫu hứng gọi tôi bằng cái đề tài của bài
thuyết trình mà tôi phải làm để trêu chọc, và cả lớp
đã vui vẻ hùa theo để gọi tôi bằng cái tên này từ đó.
Năm tôi vào Ðệ
nhị cấp cũng là năm có sự thay đổi trong chương trình giáo
dục. Trung học đệ nhị cấp được phân làm 4 ban A, B, C
và D. Ban A chuyên về Khoa học Tự nhiên, ban B chuyên về Toán,
ban C và D chuyên về Văn nhưng ban C dạy sinh ngữ còn ban D
học sinh phải học cổ ngữ. Tuy chia thành bốn ban nhưng ban
D hầu như chỉ để dành cho mấy nhà tu có học La tinh hay
Hán tự chứ thực tế ngoài đời chả ai học nên coi như
chỉ còn ba. Học sinh bắt đầu lớp đệ tam (tức lớp 10)
bắt buộc phải chọn một trong ba ban đó. Theo sự phân chia
này thì ban A và B sẽ có nhiều ưu thế hơn sau này khi theo
vào đại học còn ban C và D sẽ bị hạn chế trong một số
ngành mà thôi. Do đó đa số học sinh đều chọn hoặc ban
A hoặc ban B để rộng đường thăng tiến, còn ban C chỉ có
trường công lập mới có một lớp cho đủ bộ với đời.
Tôi đã tự nguyện chọn ban C là cái ban ế nhất vì các bậc
phụ huynhï của thế kỷ 20 chả còn ai muốn cho con cháu mình
theo đuổi cái nghiệp "dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm",
mà chỉ mơ ước con cháu mình phải là kỹ sư hay bác sĩ.
Thật tình mà
nói, mặc dù văn chẳng giỏi gì, còn tiếng Anh và tiếng Pháp
thì vốn là học sinh vùng kháng chiến trở về tất nhiên
nói đến hai môn này kể như là phải ăn đong đến toát mồ
hôi. Tuy thế tôi vẫn chọn ban C chỉ vì cảm thấy mình không
thích phải học gạo những bài vạn vật khô khan hay tối
ngày lo vật lộn với những phương trình và con số trừu
tượng của môn toán. Chỉ có ban C mới để cho mình yên tâm
thả hồn mơ mộng vào những áng văn chương. Phải rồi! Học
văn chương thì tha hồ đọc thơ xem truyện, nhưng còn cái
chuyện phải viết khảo luận hay thuyết trình văn học nhất
là bằng ngoại ngữ thì lại là một vấn đề tôi không nghĩ
tới khi chọn ban này.
Vào thời ấy,
nền giáo dục tại Miền Nam hãy còn trong giai đoạn chuyển
tiếp từ hệ thống giáo dục thuộc địa cũ qua một nền
giáo dục quốc gia độc lập nên học sinh trung học chương
trình Việt còn phải học cả hai sinh ngữ Pháp và Anh song
song. Do ảnh hưởng của văn hoá Pháp còn mạnh nên Anh văn
vẫn còn được coi là sinh ngữ phụ, và được giảng dạy
theo bộ sách giáo khoa Anglais vivant của chương trình Pháp,
do đó còn mang nặng tính cách từ chương. Vị giáo sư Anh
văn bấy giờ là cụ Lộc, có lẽ tuy dạy văn hóa nước người
nhưng vẫn thiết tha với văn hóa cội nguồn nên khi căn cứ
vào các bài học trong sách để chọn ra một số đề tài
cho học sinh làm bài thảo luận hàng tháng, đến bài nói về
gentleman của người Anh, cụ đã cao hứng ra cái đề tài thảo
luận là so sánh người gentleman của Anh với người quân tử
ở Ðông phương. Không hiểu số con rệp dun dủi sao đó mà
khi nhắm vào một số học sinh được coi là khá trong lớp
để phân phát các đề tài thuyết trình, tôi cũng được
cụ Lộc để mắt tới và được cụ chỉ định cho soạn
cái đề tài so sánh hai mẫu người quân tử một Tây một
Tàu này. Thế là nỗi lo lắng bắt đầu ám ảnh tôi từ đó.
Nếu phải thuyết
trình một đề tài có tính cách thông thường của cuộc sống
như các bài học khác thì cũng được đi, cứ dựa theo bài
học mà cà kê dê ngỗng cũng xong. Ðằng này cái đề tài
quái ác lại liên quan đến lãnh vực tư tưởng Ðông phương
với những từ ngữ diễn tả các ý tưởng triết học tôi
chưa hề được học và mặc dù đã cố công tìm hết mấy
quyển tự điển Việt-Anh để tra cứu cũng không hề có.
Tôi theo học văn chương để thả hồn vào những cảm tình
lãng mạn chứ đâu phải để suy luận triết lý xa vời.
Tôi cũng không
hiểu tại sao lúc ấy tôi lại không chịu trình bày những
trở ngại ấy cho giáo sư biết để được hướng dẫn hay
thổ lộ nỗi khó khăn và lo lắng cho bạn bè để được
giúp đỡ mà cứ âm thầm ôm lấy một mình và tự xoay sở.
Suốt mấy tuần ăn không ngon ngủ không yên vì không đào
đâu ra chữ, tôi đành quay về nguồn theo cách của mình. Không
thể thuyết lý về quân tử Tây và quân tử Tàu thì thôi
đành học theo cách của người quân tử ta là "đến hẹn
lại khất" cho đến hôm tôi không còn khất vào đâu được
nữa đành đứng trân người ấp a ấp úng lúng búng trong
miệng như một anh chàng quân tử cố cùng làm cho cả lớp
cười ồ và thân ái tặng cho cái biệt danh này.
Dĩ nhiên là lúc
bấy giờ tôi không hài lòng với cái biệt danh này tí nào
vì hình như nó chỉ gợi lên cho tôi cái cảm nghĩ của một
sự thua kém và thất bại. Người quân tử là tôi đó không
phải một con người tiêu biểu cho mẫu người lý tưởng
với những đức tính cao qúy mà chỉ là một liên tưởng
của "người quân tử ăn chẳng cầu no" hoặc là "quân tử
nói đi nói lại" vẫn thường được xem như là hai hình ảnh
trào lộng của một người chật vật về kinh tế hay quẫn
bách về tinh thần.
Tuổi học trò
bao giờ cũng thích những trò trêu chọc, thường là vui chơi
chứ không phải do ác ý. Cái dáng người gầy gò như một
biểu tượng còn sót lại của nạn đói năm Aát Dậu và thái
độ dè dặt của tôi từ những ngày đầu mới gia nhập gia
đình Chu Văn An hình như cũng đã được các bạn cùng lớp
chú ý, và với bản tính vui nhộn của những tâm hồn học
trò vô tư, có lẽ mỗi người cũng muốn gọi tôi bằng một
cái tên nào đó nhưng chưa tìm ra thì chợt cái tên "người
quân tử" đến một cách ngẫu nhiên, nhưng lại hợp tình
hợp cảnh một cách rất lý thú này đã đánh đúng tâm ý
của mọi người nên cả lớp đã nhanh chóng chấp nhận một
cách thoải mái.
Vốn trải qua
suốt một thời niên thiếu ở vùng kháng chiến, đời học
sinh của tôi là một chuỗi dài của những sự chắp vá. Hoàn
cảnh chiến tranh và cuộc sống khó khăn của người dân tản
cư khiến cho việc học hành của tôi cũng thật là long đong
vất vả. Nào là nay theo học trường này, vài tháng sau qua
học một trường khác; nào là trường sở bị phá hoại theo
chính sách tiêu thổ kháng chiến nên lớp học nhiều khi chỉ
là chái nhà dân hay một cái chòi lá đơn sơ ẩn trong vườn
cây rậm rạp; nào là nạn lo sợ máy bay Pháp oanh kích khiến
cho lớp học nhiều lúc phải tổ chức về ban đêm. Chính
sách giáo dục thì thay đổi thường xuyên theo đà biến chuyển
của tình hình chính trị trên thế giới và chính sách thể
hiện lập trường vô sản chuyên chính của nhà cầm quyền.
Rồi vì hoàn cảnh gia đình khiến cho việc học bị gián đoạn.
Chính vì thế mà từ ngày trở về thành, được đi học lại,
tôi vẫn không tránh khỏi mặc cảm với học sinh ở thành,
nhất là các học sinh chương trình Pháp hay các trường công lập.
Qua hai năm ở
Huế làm học sinh một tư thục mới mở còn thưa thớt học
sinh rồi đổi qua làm học sinh nội trú của tư thục Pellerin
một thời nổi tiếng nhưng hiện tại đang lu mờ dần vì
không còn được hâm mộ như Lycée Francais hay Providence về
chương trình Pháp hoặc Quốc học về chương trình Việt,
sau đó lại theo thân nhân rời bỏ thành phố trầm lặng này
về Sài gòn và được cho vào chen chúc trong một lớp học
thật xô bồ của tư thục Tân Thanh vài tháng, tôi thấy mình
chẳng có một truyền thống nào để tự hào. Cái mặc cảm
này tưởng chừng chấm dứt khi tôi cảm thấy chút hãnh diện
gắn lên túi áo sơ mi của mình cái phù hiệu trường Chu Văn
An với ngọn lửa hồng nhưng hình như bây giờ đang trở lại
trong tôi.
Phải nói là sau
khi đậu được bằng Trung học Ðệ Nhất cấp với hạng
Bình Thứ, một điều kiện vừa đủ cho phép mình bước vào
cánh cửa Trung học công lập mà khỏi phải lo lắng qua kỳ
thi tuyển, tôi đã rất tự tin vác đơn chạy tới hai trường
công lập nam sinh lớn nhất Sài gòn là Pétrus Ký và Chu văn
An.
Kể về danh tiếng
thì có lẽ giữa hai trường này không hẳn trường nào chịu
nhún nhường nhưng kể về cơ sở thì trường Pétrus Ký ăn
đứt vì là trường sở tại được thiết lập khang trang
từ xưa trong khi trường Chu văn An chỉ có cái tên. Do sự
qua phân đất nước sau Hiệp định đình chiến Genève 54,
một số dân miền Bắc đã phải "bỏ của chạy lấy người"
vào Nam tị nạn Cộng sản. Trường Chu văn An vì thế mà cũng
được di chuyển từ Bắc vào Nam cùng với phong trào di cư,
nhưng dĩ nhiên là chỉ có người mà không có cơ sở vật
chất cho nên đã phải mượn tạm một toà nhà ký túc xá
của trường Petrus ký để tạm sửa sang biến cải thành lớp
học. Thành phần giáo sư cũng như học sinh vào thời bấy
giờ hầu hết đều là Bắc di cư, còn mang nặng trong mình
những sắc thái rất "Bắc kỳ".
Tuy không sinh trưởng
ở đất Bắc nhưng vốn cũng có chút gốc gác xa xôi với
vùng đất ngàn năm văn vật của đất nước và nhất là
do cảm tình mơ mộng kể từ ngày bắt đầu biết đọc sách
báo và qua những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn đoàn, tôi
thấy mình đâm ra mến yêu xứ Bắc kỳ, miền đất tổ của
tôi mà tôi chưa biết đến bao giờ. Chính vì thế mà tôi
đã dứt khoát nộp đơn vào trường Chu văn An dù thấy rằng
so về cơ sở trường ốc thì Chu văn An quả là quá thiếu
thốn, và nếu nói về quen thuộc thì tôi cũng chưa hề có
bạn bè nào ở đây, chẳng qua chỉ vì trong thâm tâm tôi hình
như đang muốn đi tìm chút vang bóng của Hà nội băm sáu phố
phường qua những con người học sinh đất Bắc di cư.
Không biết thật
tình tôi có tìm được chút hương vị nào của mùa thu Hà
nội giữa một Chu văn An tạm cư trong khuôn viên Petrus Ký
với mưa nắng hai mùa của Sài gòn như nhà thơ Nguyên Sa (đồng
thời cũng là một giáo sư của trường) khi sáng tác bài thơ
"Aùo Lụa Hà Ðông", nhưng khi trở thành một học sinh Chu văn
An chính thức rồi, tôi mới thấy mình đã lạc vào giữa
một đám "nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò" của xứ Bắc
kỳ rất có hạng. Là học sinh ban C và năm đệ tam cũng được
coi như là một năm xả hơi của chặng đường 12 năm đèn
sách nên các bạn cùng lớp của tôi tha hồ vui nhộn, nhất
là các bạn được mệnh danh là xóm nhà lá. Lại nữa, hầu
hết họ đều là Bắc di cư và nếu không phải từ lớp dưới
lên thì cũng từ các trường đệ nhất cấp công lập Nguyễn
Trãi hay Trần Lục chuyển đến, do đó họ đều giữ được
cái không khí người một nhà nên nói năng cũng rất là mạnh
bạo. Cũng có một số nhỏ học sinh người Nam có lẽ do thích
tìm không khí lạ nên xin vào Chu văn An, nhưng dù sao thì họ
cũng có cái gốc đây là miền đất của họ. Chỉ có tôi
không hẳn thuộc về Bắc mà cũng chẳng phải Nam kỳ, lại
mang nặng trong tâm tư những kỷ niệm buồn của những ngày
tháng sống ở vùng "đất cày lên sỏi đá", thành thử cứ
như một cái gì lơ lửng. Sự kiện thiếu chỗ bám này đã
khiến tôi không hội nhập được một cách trọn vẹn nên
khi gặp khó khăn, tôi đã không mạnh dạn tìm đến thầy
hoặc bạn để thổ lộ nhờ giúp đỡ, do đó mới có cảnh
đứng chết trân để nhận lãnh trận cười trêu chọc của
bạn bè.
Nhiều lúc nhìn
lại quãng đời học sinh của mình tôi không khỏi ngạc nhiên
thấy mình đã lập được một kỷ lục lạ đời trong sự
học vấn. Chương trình giáo dục phổ thông thường ở bất
cứ nước nào trên thế giới cũng được chia ra làm 2 bậc
tiểu học và trung học với một thời gian kéo dài trong 12
năm. Trong khoảng thời gian đó, một học sinh bình thường
có thể chỉ học tại một trường duy nhất, hoặc chỉ chuyển
qua hai hoặc ba trường mỗi khi người học sinh lên cấp và
tuân theo một truyền thống giáo dục nhất định. Riêng tôi
để hoàn tất 12 lớp phổ thông, tôi đã từng theo học tất
cả 15 trường, lớn có, nhỏ có, danh tiếng có và không tên
tuổi cũng có. Có trường chỉ vài tháng và trường nào lâu
nhất là 2 năm, ấy là chưa kể trong 15 trường đó tôi đã
tiếp thu nhiều nền giáo dục khác nhau theo với sự biến
chuyển của tình hình đất nước và môi trường sống của
gia đình, với nhiều chương trình giáo dục thay đổi như
chong chóng, nhiều khi mâu thuẫn nhau và đối kháng nhau. Có
lẽ cái kinh nghiệm nổi trôi này đã khiến tôi đôi lúc trở
nên hờ hững với những cái gì đang là hiện tại để rồi
khi trở thành quá khứ thì lại đâm ra tiếc nhớ, nhất là
khi quá khứ ấy có một cái gì đó để lại trong tâm hồn
mình một dấu ấn sâu sắc.
Trong đời mỗi
người chúng ta không ít thì nhiều cũng mang một vài cái biệt
danh nào đó và những cái biệt danh bao giờ cũng có xuất
xứ và gắn liền với ít nhiều kỷ niệm. "Người quân tử
" là cái đinh móc tôi vào với bạn bè Chu Văn An. Lẽ ra tôi
có thể cùng đi hết đoạn đường 3 năm của bậc đệ nhị
cấp tại trường và có thêm nhiều kỷ niệm vui buồn với
bạn bè hơn nữa, nhưng như tôi đã nói, vốn số long đong
và con đường học vấn hay bị đứt đoạn nên cuối năm
đệ nhị tôi lại nghỉ học và giã từ các bạn Chu Văn An
từ đấy.
Nhớ lại ngày
tháng cũ, kể ra ngoài một số bạn lém lỉnh và có tài chọc
phá khiến tôi phải nể, cũng có những bạn rất chăm chỉ
và chững chạc rất được tôi cảm mến. Trong số này phải
kể anh bạn trưởng lớp và cao nhất lớp thường được
mọi người gọi là Lưu công, một người bạn mà ngay từ
thuở ấy trông đã rất đạo mạo, và chính anh ta cũng là
người giúp tôi rất nhiều sau này trong việc tìm lại niềm
tự tin để vượt qua hai cửa ải Tú tài và tiến vào đại
học. Nhưng nói chung thì dù quậy phá hay chăm chỉ, tất cả
các bạn bè Chu Văn An của tôi cũng đã sống rất chân tình
với nhau và cùng chung một niềm tự hào về trường của
mình.
Hơn bốn thập
niên đã trôi qua kể từ ngày giã từ mái trường và mỗi
người mỗi ngả mang theo mình một hoàn cảnh riêng, các bạn
bè của tôi bây giờ cũng đang đi vào giai đoạn cuối của
đời người nếu không nói là có một vài bạn đã ra đi,
có bạn rất sớm như bạn Diệm và có bạn mới đây như
bạn Ðiểu. Trong suốt thời gian dài đó, đôi khi tôi có gặp
lại một vài bạn và họ đã gọi tôi bằng cái biệt danh
"người quân tử" như một biểu lộ tình thân ái cũ, nhưng
cũng có nhiều người tôi chưa một lần gặp lại. Tuy nhiên
cái biệt danh "người quân tử" thì có lẽ vẫn còn trong ký
ức của mỗi người.
Nếu điều đáng
qúy trong cuộc đời là có một chút gì để nhớ thì cái
biệt danh này quả là đáng qúy. Ngày ấy tôi không mấy hài
lòng với cái biệt danh này thì trái lại bây giờ tôi lại
thấy cái biệt danh này cũng là một cái kỷ niệm đẹp đáng
gìn giữ như ngọn lửa hồng Chu Văn An vì nhờ nó mà tôi
luôn nhớ về các bạn cũng như các bạn không đến nỗi quên
tôi.
Houston tháng 9,
1999
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment