16.- QUÊ HƯƠNG
TRONG NHỮNG NGÀY HÒA BÌNH KHẬP KHIỂNG
TRONG NHỮNG NGÀY HÒA BÌNH KHẬP KHIỂNG
Vì thời gian hai năm du học ở Mỹ được kể như là liên tục đi công tác cho nên nay trở về trình diện Tổng Cục Quân Huấn xong, tôi được lãnh ngay cái giấy nghỉ phép hồi hương đúng một tháng. Ngày trở về lại nhằm vào thượng tuần tháng Chạp ta cho nên tôi còn được ở lại Sài gòn cho đến qua hết kỳ nghỉ Tết mới phải đi trình diện đơn vị, nhờ thế mà năm nay tôi được hưởng một cái Tết ở nhà với vợ và con, nhưng cái cảm giác an vui của người về với gia đình trong khung cảnh thanh bình của đất nước thì thật ra không hề có. Tất cả những cuộc thăm viếng bà con bạn bè trong suốt thời gian vừa qua và mấy ngày đầu xuân hầu như chỉ mang lại cho tôi niềm vui thì ít mà nỗi buồn nhiều hơn.
Xong ba ngày Tết, tôi lại gom tất cả mớ quân trang quân dụng mà hai năm nay được xếp xó một chỗ cho vào ba lô túi xách để lên đường về Đà Lạt trình diện. Lúc này sự lưu thông bằng đường bộ giữa Sài gòn và Đà Lạt tương đối an toàn, giá vé xe đò lại rẻ hơn, nhưng cái hình ảnh đắp mô chận đường của Việt cộng vẫn còn ám ảnh trong tâm trí, và chuyến đi này tôi cần phải mang theo toàn lỉnh kỉnh đủ thứ đồ nhà binh nên cũng thấy e ngại, bèn mua vé máy bay đi cho chắc ăn. Lần này thì ngoài vợ còn có thêm đứa con gái hai tuổi cũng theo mẹ ra đưa tiễn ở trạm xe ca hàng không.
Kể ra thì từ ngày lấy vợ, do hoàn cảnh của mỗi người khiến cho vợ tôi và tôi vẫn không mấy khi sống gần nhau lâu cho nên cả hai đã quen lắm với những lần tiễn đưa như thế này, nhưng khi nhìn cảnh vợ tôi nắm tay đứa con gái nhỏ cho nó vẫy vẫy theo lúc chiếc xe ca chở hành khách lên phi trường bắt đầu lăn bánh, tôi không khỏi cảm thấy như có một chút gì se sắt buồn, vì dù sao thì tôi cũng chỉ mới được tiếp xúc và tập làm quen với đứa con gái đầu lòng có một tháng nay, sự gần gũi của tôi chưa đủ gây niềm quyến luyến cha con với nó thì lại chia
ly.
Chiếc máy bay chong chóng cổ lỗ sĩ cất cánh rời Tân Sơn Nhất được chừng một tiếng đồng hồ thì đáp xuống phi trường Liên Khương. Được nhìn lại phong cảnh núi rừng và hít thở cái không khí mát mẻ trong lành của vùng cao nguyên, tôi thấy mình cũng dấy lên mối cảm xúc bồi hồi, nhưng tất cả cái khung cảnh còn nguyên đó bây giờ không còn sức quyến rũ tôi thả hồn vào những mơ ước như ngày xưa mà hình như chỉ gợi lên trong tôi chút luyến tiếc về một ảo ảnh thần tiên nào đó đã qua đi không bao giờ còn trở
lại.
Có lẽ do cái thói quen cố hữu vẫn còn sót lại trước đây cho nên khi chiếc xe ca của hãng Hàng không chở hành khách về tới Đà Lạt, tôi lại kêu xe lam chở vào khu Quang Trung. Tuy thế, khi vừa vào tới khu cư xá Lý Thường Kiệt thì thấy ông bạn già Văn khoa và cũng là sếp cũ của tôi vừa từ trường về nhà nghỉ trưa, tôi bèn nảy ra ý định ghé luôn vào đây thăm ông ta trước để thăm dò cho biết sơ qua tình hình chung tại trường rồi tùy cơ ứng biến, vì tính ra thì cũng đã hơn hai năm rưỡi rồi tôi mới trở lại chốn này nên mọi cái ở đây có thể đã có nhiều thay đổi. Vừa mở miệng định chào hỏi ông ta theo thói quen thân mật ở ngoài đời thì bỗng nhiên tôi thấy mình như khựng lại khi nhớ ra ông ta đang đóng bộ quân phục với cái lon Trung tá trên người. Dù muốn dù không thì khi đã trở về với môi trường này, giữa ông ta và tôi vẫn phải giữ một mức độ hành xử nào đó cho đúng với cung cách của người quân nhân. Tuy nhiên ông ta thì vẫn tự nhiên và vui vẻ đưa tôi vào nhà.
Căn biệt thự song lập có lầu này trước đây ông ta chỉ được cấp cho ở có một phần của tầng trệt lúc ông ta còn mang cấp bậc Đại úy mới thuyên chuyển về trường, sau đó khi lên cấp
tá, ông ta có quyền xin nhà khác nhưng có lẽ vì không thích dời đổi nên ông ta được trường cấp thêm luôn phần trên lầu nên trông rộng rãi hơn, có điều đồ đạc trong nhà thì vẫn không có gì mới hơn ngoại trừ vài món vặt vãnh mang tính chất kỷ niệm hay dụng cụ máy móc thông thường mà ông ta đã đem theo từ Mỹ về. Ngay cả chiếc xe jeep dân sự tư hữu đang đậu trong sân vốn đã rách mui từ trước ngày ông ta đi Mỹ, nay trông lại càng cũ và rách hơn, có lẽ do chủ nhân của nó cũng chưa bao giờ sung túc về tiền bạc để nghĩ đến chuyện tu bổ nó.
Qua một hồi chuyện trò, tôi được biết là sau khi du học về, ông ta đã nhận lại chức vụ Trưởng khoa Khoa học Xã hội thay cho Trung tá Chương lại được đi Mỹ du học tiếp để lấy bằng Ph.D. Trường hiện nay có tới hai tướng. Chỉ huy trưởng vẫn là Thiếu tướng Thơ, nhưng Chỉ huy phó là một Chuẩn tướng mới được bổ nhiệm về đây sau khi bị mất chức Tỉnh trưởng. Sau Hiệp định Paris thì các cố vấn quân sự Mỹ làm việc tại trường Võ Bị cũng đã rút về nước. Không những thế, một số anh chàng trót xin gia nhập hơi muộn màng vào chương trình du học cho nên hãy còn theo học Anh văn ở Sài gòn thì Hiệp định Paris ra đời khiến cho chương trình du học này bị hủy bỏ, đành phải dẹp mộng viễn du trở về trường đi cày
tiếp.
Chiều hôm đó tôi theo chuyến xe GMC đưa rước quân nhân đi làm vào trường trình diện. Thời buổi kinh tế kiệm ước, công xa bị hạn chế xử dụng và xăng nhớt thì đắt đỏ, nên đa số sĩ quan ngoài cấp số được xử dụng xe jeep, cũng thường đi làm bằng xe GMC đưa rước công cộng của trường thay vì dùng xe riêng cá nhân như trước kia. Sau khi trình diện Bộ Chỉ huy xong, tôi lại về với khối Văn hóa vụ và làm việc tại khoa gốc của mình như cũ.
Quân số Văn hóa vụ vẫn đông đảo như trước ngày tôi đi Mỹ và mặc dù có một số người đã được biệt phái về nhiệm sở cũ, nhưng số người tình nguyện gia nhập nhóm
"đại úy già" du học nay trở về cũng đã khá nhiều. Trong số này có đủ nào là thầy lác, anh chàng Duyên Thề, cùng nhiều người gốc từ các đơn vị khác
nữa. Ấy là chưa kể trong khoa tôi bây giờ còn thêm một anh chàng nữa tốt nghiệp tại trường Võ bị Hoàng gia
Úc. Thành phần giảng viên bây giờ hầu như không còn ai mang cấp bậc chuẩn úy nữa mà đều đã là thiếu úy trở lên. Lớp bạn cũ có một số người bị động viên sau tôi vài ba khóa nhưng không thích làm
"đại úy già" mà chỉ chờ ngày được biệt phái thì nay cũng có người lên tới cấp đại úy nhiệm chức nhờ đã liên tục phục vụ tại trường bấy lâu và được bổ nhiệm vào những chức vụ như trưởng phòng, trưởng phân khoa v.v... Lớp đàn anh thì có người còn lên tới cấp tá.
Sau mấy năm ở Mỹ đã quen với nhiều cơ sở đồ sộ nên nay trở lại trường, tôi không còn thấy trường có cái vẻ nguy nga như ngày xưa, mà ngay cả cái cảm giác quen thuộc cũ bây giờ cũng có vẻ như không còn nguyên vẹn nữa. Sau ngày chấm dứt chiến tranh, viện trợ Mỹ bị cắt giảm, ngân sách dành cho quốc phòng eo hẹp nên nhiều phương tiện vật chất hiện đại của trường thiếu ngân khoản tu bổ và bảo trì cho nên cái nào bị hư hỏng là coi như đành bỏ phế chứ không trông mong gì sẽ được sửa chữa hoặc thay thế. Không những thế, ngay cả nhiều nơi cửa sổ bằng kiếng đã đóng bụi mà cũng không được lau chùi. Còn phòng vệ sinh thì nhiều cái bị cấm xử dụng vì thiếu nước máy.
Về lại trường chuyến này là coi như mình đã an phận với kiếp
"đại úy già" cho nên tôi cũng phải nghĩ đến chuyện tìm cho mình một chỗ ở ổn định. Mặc dù khu cư xá sĩ quan mới cũng đã xây dựng xong và đã được cấp phát cho nhiều sĩ quan có gia đình dọn đến ở, trong số này cũng có vài anh thâm niên thuộc khối Văn Hóa Vụ, tuy thế, số người chưa được cấp nhà cư xá vẫn còn nhiều lắm. Khu cư xá Thủy Tiên vẫn đông kín những anh chàng độc thân, nhưng
con số độc thân thực sự bây giờ còn rất ít mà độc thân tại chỗ mới là nhiều. Đám mới du học về trừ vài anh như anh chàng Lọ Mọ nhờ may mắn nên cũng còn kiếm được một căn biệt thự cũ kỹ bên khu cư xá hồ Mê Linh để rước người yêu về cùng xây tổ ấm, trong khi nhiều anh khác thì vẫn cứ phải dẫn vợ con đi ở nhà thuê.
Khu Quang Trung cũng không khá hơn. Căn phòng cũ trong dãy F1 tôi ở trước đây thì từ ngày tôi rời trường đi học Anh văn ở Sài gòn đã được bàn giao cho anh chàng trưởng bộ môn sử, rồi đến lượt anh chàng này được biệt phái bèn nhường lại cho anh bạn đồng môn đồng khóa của tôi đóng chốt cho đến trước ngày tôi về lại trường vài tháng thì anh này cũng lại được biệt phái nốt nên một anh khác tại chỗ đã nhanh chân cắm dùi mất rồi. Thế là tôi đành phải qua dãy F2 ở tạm chung phòng với mấy anh chàng độc thân tại chỗ vậy.
Bắt đầu vào mùa văn hóa, tôi được Khoa trưởng chỉ định dạy môn Lãnh đạo Chỉ huy cho khóa 27. Thật tình mà nói, khi được ông Trưởng khoa phân bổ dạy môn này, tôi không vui tí nào. Chế độ này đang được lãnh đạo bởi những kẻ bất tài nhưng vì thời cơ đưa đẩy lên nắm quyền hành cho nên chỉ biết kết bè kết phái, thao túng chính quyền khiến cho những tệ nạn như tham nhũng, thối nát, hối mại quyền thế tha hồ hoành hành, vậy thì tôi phải giải thích thế nào đây khi đem những nguyên tắc lãnh đạo ra thảo luận với đám sinh viên vào lớp cứ ngủ gà ngủ gật vì đói và mệt do ăn thiếu mà nguyên nhân thực tế gây ra hiện tượng này không gì khác hơn là ngay tại trường Võ bị này, nơi mà chế độ này đang tự hào là trung tâm đào tạo những thế hệ lãnh đạo tương lai xứng đáng cho đất nước cũng đang bị lớp đàn anh tham nhũng đang nắm quyền chỉ huy đục khoét bớt cả phần ăn của đàn
em.
Chỉ mới vài tháng trước ngày tôi trở về thì ngay tại trường Võ bị này cũng đã xảy ra một sự kiện rất đáng
buồn. Vị Đại tá Quân sự vụ trưởng, một sĩ quan được tiếng là trong sạch và rất thương yêu sinh viên, đã chết một cách bí ẩn và thảm thương tại phòng trực vì một quả lựu đạn từ bên ngoài cửa sổ phòng trực ném vào.
Mặc dù báo cáo kết quả điều tra của An ninh Quân đội tại trường đã quy cho đặc công Việt cộng gây ra, nhưng dư luận thì vẫn cứ xầm xì. Trong những điều kiện như thế đó, người có lạc quan cách mấy cũng không dám tin tưởng chế độ này có thể tồn tại cho đến khi thế hệ trẻ hiện tại với một tâm hồn trong sáng có thời cơ nắm quyền lãnh đạo và xây dựng lại đất nước.
Nơi ăn chốn ở chưa xong thì vợ tôi đã nhắn tin cho biết là sẽ mang con gái lên Đà Lạt thăm tôi và đồng thời báo cho tôi một tin mừng. Thì ra là sau hai năm chỉ biết mơ ước
"trả thù dân tộc" ở xứ người mà không thành công, ngờ đâu ngày trở về chỉ một tháng
"trả nợ nhà" vừa rồi, tôi đã tạo thêm thành tích mới. Thế là tôi phải lo chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở để tiếp đón. Cũng may là nhằm lúc đó thì anh bạn ở phòng kế bên được biệt phái nên đưa vợ con theo về Sài gòn, tôi bèn chiếm ngay căn phòng đó để làm chỗ tá túc cho vợ con lên chơi.
Căn phòng tuy rộng thật nhưng lại suôn đuột nên trông rất trống trải. Nhờ thầu luôn được mấy cái giường sắt nhà binh, tủ gỗ cá nhân và mấy cái bàn ghế vốn là bàn học của sinh viên mà mấy người ở trước đã ký mượn của nhà trường, tôi bèn sắp xếp ngăn ra thành buồng cho bớt vẻ trơ trẽn và có chỗ dành cho bếp núc. Riêng cái khoản nước máy tại khu này thì bị hư hỏng từ lâu không hề được sửa chữa cho nên phòng nào cũng phải đặt vài cái thùng phuy trước cửa nhà để mỗi tuần hai lần nhà trường cho xe bồn đổ nước cho mà dùng. Nước thì được lấy thẳng từ hồ Than Thở về nên đục ngàu, phải chờ cho lắng bùn mới dám dùng để nấu ăn.
Mang danh là sĩ quan giáo sư của một quân trường lớn nhất Đông Nam Á nhưng điều kiện ăn ở thì chật vật như thế đấy. Nếu vợ con có không hài lòng thì cứ đem cái bài
"lính mà em" ra mà ca thôi chứ biết sao. Nhìn lại mình, tôi thấy kể từ khi mới bị động viên vào Thủ Đức, lãnh lương trung sĩ độc thân chỉ mới ba ngàn bạc cho đến nay lãnh lương trung úy có thêm phụ cấp vợ con cũng đã lên tới mười mấy ngàn nhưng sánh ra thì giá trị mãi lực không hơn gì số tiền lương trung sĩ lúc mới bị động viên vào quân đội cho nên bao năm nay vẫn cứ phải vợ lo thân vợ, tôi sống phần tôi.
Sau một tuần lên ở chơi đây cho thấm mùi vợ lính thăm chồng, vợ tôi lại đem con về Sài gòn. Tôi trở lại nếp sống độc thân tại chỗ. Sẵn căn phòng rộng nên tôi đem dàn xe lửa đồ chơi ra định thiết kế một mô hình để dành cho con chơi nhưng không hiểu sao tôi vẫn không có hứng thú để làm, nên sau khi đã bày ra loay hoay được vài hôm rồi lại xếp cất vào thùng. Tuy nhiên cũng vì cái bộ xe lửa đồ chơi đó mà nhiều bạn bè bắt đầu gọi tôi bằng cái tên cúng cơm được kèm thêm hai tiếng
"xe lửa" để phân biệt với một anh chàng trùng tên khác.
Giữa năm tôi đi phép thường niên về Sài gòn. Về tới nhà thì vợ tôi cho biết cậu Đôn vừa mới trở bệnh tim và phải đưa vào nhà thương Grall. Vợ tôi kể cho biết thêm là trong thời gian gần đây cậu Đôn hơi đổi tính và thường tỏ ra hối tiếc về thái độ hờ hững đối với bà con bên mình từ ngày cậu lấy vợ. Điều này đã khiến cậu dễ bị những cơn chấn động bất thường. Tôi vào bệnh viện thăm cậu thì thấy cậu chỉ còn nằm thiêm thiếp. Qua hôm sau thì cậu qua đời. Thế là ngẫu nhiên chuyến về phép này của tôi cũng là để tiễn đưa cậu lần
cuối.
Mợ Đôn đưa cậu về quàn tại nhà chứ không quàn ở nhà thương như hồi ông ngoại tôi mất. Đám tang cậu cũng được tổ chức linh đình, có nhiều người đưa tiễn và cậu cũng được mai táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, có điều anh Phan, anh Hân và chị Linh đang ở Pháp nên đều vắng mặt. Riêng chồng chị Mi thì vài tháng trước cũng mới được đi tu nghiệp ngắn hạn ở
Úc nhưng may mắn đã trở về trước ngày cậu mất. Thấy cậu cuối đời không được vui và ngày nhắm mắt không có đầy đủ con cháu tụ họp đưa tiễn như niềm mơ ước thường tình của mọi người, tôi cũng thấy buồn cho cậu, nhưng nghĩ lại thì dù sao trong cái đất nước mấy chục năm chiến tranh đầy dẫy những khổ đau và chết chóc này, cậu là một trong số ít người đã có cái may mắn được sống yên ổn bình thường trọn đời mình và con cái mình đều có điều kiện và phương tiện để thăng tiến cũng như được hưởng nhiều ưu đãi trong xã hội.
Sau đợt nghỉ phép này trở về thì bắt đầu vào bán niên 2 của mùa văn hóa. Kỳ này tôi được trưởng khoa phân bổ giảng dạy môn Tâm lý xã hội cho khóa 28 cùng với anh chàng Y-cà
Nhỏng và thêm anh chàng Robert vừa mới hồi hương, tất cả đều thuộc nhóm
"đại úy già" với nhau. Anh chàng Y-cà Nhỏng sở dĩ được anh em gán
cho cái họ này không phải vì anh ta có bà con gì với đám bộ
tộc thiểu số địa phương mà chỉ vì anh ta có nước da ngăm đen. Mặc dù anh chàng chưa đến nỗi bị mấy cô gái Việt lầm tưởng là đồng bào Thượng nên chê không chịu lấy làm chồng, mà có lẽ do anh chàng quá kinh hãi khi nhìn cái cảnh có vài anh chàng ở đây trót đèo bòng vợ con nhưng lại chỉ biết trông cậy vào mấy đồng lương lính khiến cho vợ con lúc nào cũng nheo nhóc, cho nên dù đã trên cái tuổi con dê già mà vẫn chưa dám cưới vợ.
Thật ra sống ở cái thành phố được gọi là thơ mộng này, nghề văn thì bị lạm phát, công nghệ không có, thương nghiệp chẳng nhiều nên không phải ai cũng có thể dễ dàng xoay sở. Có lẽ vì thế mà cái ý nghĩ quay về với nghề nông vẫn là phương cách hay nhất cho những người chậm chân chậm tay. Ngay trong số cam tâm làm
"đại úy già" tại trường này có vài người cũng đã nghĩ đến chuyện tìm cho mình một khu đất nào đó để canh tác. Một vài anh còn rủ nhau đi tìm đất ở tận Tùng Nghĩa hay Suối Thông để lập vườn ngõ hầu mai sau khi về hưu còn có một chỗ cho mình an hưởng tuổi già trong thú điền viên. Trong số này có lẽ tôi phải tính thêm luôn cả ông trưởng khoa của tôi
nữa.
Một buổi chiều vào ngày vừa lãnh lương, anh chàng Duyên Thề bỗng rủ tôi ra phố ghé Thủy Tạ uống cà phê. Nhà hàng rất vắng khách. Hai thằng ngồi trước hai ly cà phê phin phì phà điếu thuốc lá và nhìn ra hồ Xuân Hương. Mặt trời chiều xuống lặng lẽ sau đồi Cù bên kia hồ. Quanh bờ hồ vài toán người đang chậm rãi trồng những mảng cỏ dặm vào những chỗ cỏ bị khuyết. Họ thuộc đoàn người áo xanh. Cái tên nghe cũng gợi cảm nhưng thực tế thì họ lại là những người đáng được thương cảm.
Sau ngày quân đội Mỹ rút về nước, nhiều người trước đây từ các vùng quê hẻo lánh chạy giặc về thành phố tị nạn nên đã phải xin vào làm công cho các hãng thầu hay trong các căn cứ Mỹ, nay trở thành thất nghiệp. Để giảm bớt gánh nặng cho chính phủ Việt Nam nên chính phủ Mỹ đã mở ra một ngân khoản viện trợ gọi là
"viện trợ nhân đạo" nhằm giúp chính phủ Việt Nam tạm thời tạo công ăn việc làm cho số người này. Chính phủ Việt Nam bèn dùng ngân khoản này để lập ra các chương trình chỉnh trang đô thị làm đẹp thành phố hầu giúp cho những người không có công ăn việc làm tạm thời có kế sinh sống. Sở dĩ họ được gọi là đoàn người áo xanh vì những người được thu dụng vào làm trong các công tác thuộc chương trình này đều khoác trên mình chiếc áo màu xanh da trời khi làm việc.
Chiếc máy thu băng đặt phía sau quầy của nhà hàng vừa chuyển sang giọng ca Thái Thanh với bài Kỷ Vật cho Em:
Chiếc máy thu băng đặt phía sau quầy của nhà hàng vừa chuyển sang giọng ca Thái Thanh với bài Kỷ Vật cho Em:
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về...
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về...
Tôi chợt nghe có tiếng động cơ trực thăng và rồi một chiếc trực thăng tải thương đang từ từ đáp xuống ở doi đất dùng làm bãi đáp ở ven hồ gần đấy. Tôi nhìn thấy mấy người trong trực thăng khiêng một cái poncho được cuốn tròn xuống và đặt trên bãi cỏ. Sau đó lại có mấy người lính khác từ một chiếc xe cứu thương nhà binh đậu sẵn gần đó khiêng chiếc poncho ấy lên đặt trong xe và chạy đi. Thì ra lại một người lính nữa đã nằm xuống ở đâu đó và đã được trực thăng chở xác về đây để trao lại cho gia đình. Tự nhiên tôi thấy ly cà phê mình đang nhấm nháp có vị đắng lạ lùng.
Qua vài tháng không có thư nhà thì bỗng một hôm tôi nhận được điện tín báo tin vợ vừa sinh con trai. Vợ tôi rất mong tôi về sớm để chia sẻ niềm vui có đứa con trai nhưng tôi thì đang bận dạy giữa giai đoạn nên không xin được phép đặc biệt về ngay mà phải đợi đợt phép thường niên cho nên khi về đến nhà thì cũng đã nhằm dịp đầy tháng đứa con. Ngoài ra vì tôi chọn tên cho con hơi trễ nên ở nhà vợ tôi đã nhanh nhẩu làm khai sanh cho con với cái tên của vợ tôi đặt cho. Thế là cái tên tôi nặn óc suy nghĩ để đặt cho thằng con chỉ còn được dùng để người nhà gọi nó mà thôi. Ngày hết hạn nghỉ phép vợ tôi bận con mọn nên không đưa tiễn được thành thử chỉ có mình tôi lặng lẽ ra bến xe đò mua vé đáp xe về Đà
lạt.
Cuộc sống của người dân trên mảnh đất quê hương này vào những ngày hòa bình khập khiễng mặc dù vẫn đầy dẫy lo âu vì viện trợ Mỹ bị cúp, kinh tế khó khăn, và những sự chết chóc lẻ tẻ do các vụ vi phạm đình chiến gây ra, tuy nhiên mọi người vẫn nuôi chút hy vọng vào công việc thăm dò dầu khí ở thềm lục sẽ mang lại kết quả. Vào khoảng cuối năm thì chính
phủ loan tin dàn khoan khu Bạch Hổ đã tìm thấy có dầu và chính Tổng thống Thiệu đã châm lên ngọn đuốc bằng dầu lấy lên từ giếng này khiến cho mọi người như dấy lên một niềm hy vọng mới. Thế nhưng sau đó lại có tin giếng này đã được công ty khoan dầu cho lấp lại và mặc dù công tác khoan tìm dầu tại các giếng khác vẫn tiếp tục nhưng tất cả cũng chỉ tiến hành ở mức thăm dò thôi chứ chẳng thấy có một chương trình khai thác nào được tiến hành hay loan báo khiến cho nhiều người cứ phân vân mãi.
Cuối tháng 12 này đến lượt khóa 27 ra trường. Ngoài phần tốt nghiệp về quân sự, về mặt văn hóa, người sinh viên ra trường năm nay còn được nhà trường cấp văn bằng Cử nhân Khoa học Ứng dụng cho nên lễ mãn khóa được tổ chức rất trọng thể. Chương trình ngày lễ ngoài phần cử hành các lễ nghi theo truyền thống dưới sự chủ tọa của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, còn có thêm phần du ngoạn dành cho các phái đoàn ngoại giao đến tham dự lễ cùng tháp tùng Tổng thống làm một chuyến tham quan vùng Phan Rang đi bằng xe hơi từ Đà Lạt xuống như để minh chứng với thế giới tự do về sự thành công trong việc bảo vệ an ninh lãnh thổ của chính quyền Miền Nam, đồng thời phô trương thành tích phát triển về kinh tế trong việc hoàn thành công trình dẫn nước từ sông Đa Nhim về tưới cho đồng bằng Phan Rang. Hầu hết sĩ quan thuộc Văn hóa vụ từng du học về đều được phân bổ công tác vào ban tiếp tân hoặc làm sĩ quan tùy viên đi theo để thông dịch cho các phái đoàn.
Tuần lễ trước ngày chính thức cử hành lễ, ngày nào sinh viên sĩ quan các khóa cũng ráo riết lo tập dượt các nghi thức cũng như các tiết mục sẽ được trình diễn trong buổi lễ. Trong một lần đứng xem các sinh viên diễn tập, có một tiết mục đã lôi cuốn sự chú ý của tôi. Một toán sinh viên sĩ quan sắp thành đội hình một khối hình chữ nhật cầm trong tay mỗi người một cuộn vải màu vàng hoặc đỏ cùng biểu diễn một bài thao tác về thể dục và kết thúc bằng cách đưa hai tay lên cao khỏi đầu đồng thời giương rộng vuông vải màu được cuộn tròn trong tay ra để làm thành hình lá quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa trải rộng trước khán đài. Khi các sinh viên thu tay cuộn tròn vuông vải lại để rời khỏi sân cỏ thì hình ảnh lá cờ lại biến mất. Màn trình diễn này khá đẹp mắt nhưng khi xem xong tôi bỗng nhiên nảy sinh ra một ý nghĩ rất lẩm cẩm: không biết có thể nào một ngày nào đó lá cờ này cũng đột nhiên biến mất trên mảnh đất Miền Nam này như sự biến mất vừa rồi của lá cờ này trên sân cỏ kia không? Dĩ nhiên tôi chỉ nghĩ thầm thế thôi nhưng cái điều suy nghĩ ấy lại cứ như một ám ảnh trong tôi từ đó.
Thông thường thì thời tiết ở Đà lạt hàng năm vào khoảng thời gian này luôn có nắng đẹp và khô ráo nhưng năm nay vào ngày áp lễ bỗng nhiên lại có một cơn bão rớt đâu đó ngoài khơi biển Đông khiến cho bầu trời Đà lạt cũng bị trận mưa gió bất thường làm cho một số cờ biển treo trang trí ở khu vũ đình trường bị gió thổi rớt xuống. Tự nhiên tôi thấy mình lại linh cảm về một điều gì đó chẳng lành. Tuy nhiên, đúng ngày lễ mãn khóa thì bầu trời cũng trở lại quang tạnh và buổi lễ cũng đã được cử hành theo đúng chương trình và chuyến tham quan của các phái đoàn ngoại giao tháp tùng Tổng thống xuống Phan Rang vẫn tiến hành theo như lịch trình đã hoạch định một cách bình thường và tốt đẹp chứ không hề có biến cố nào xảy ra.Tôi phân vân tự hỏi không biết có phải mình đã sinh ra lẩm cẩm quá không?
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment