Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 12, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [17]

Ký sự Tùy bút

17.- NỖI ĐAU TRONG 
NGÀY TÀN MỘT CUỘC CHIẾN 
 
Sau khi các tân sĩ quan khóa 27 đã rời khỏi trường rồi thì tuần lễ sau đến lượt tân khóa sinh khóa 31 nhập trường. Lại một lớp người trai trẻ nữa vừa mới rời mái trường trung học đã chọn cho mình con đường mai sau vào đời bằng nghiệp võ. Trong số những khuôn mặt đang bỡ ngỡ bước qua cổng Nam quan để bắt đầu chấp nhận cuộc thử thách sơ khởi của tám tuần huấn nhục, tôi nhận ra có cả một anh chàng vốn ở gần nhà tôi tại Sài gòn. 

Trong khi tại sân trường Võ bị này hãy còn oang oang những tiếng hô khẩu lệnh, những tiếng hò hét của khoá đàn anh cán bộ huấn luyện đang giúp lớp đàn em mới vào sớm lột xác, thì cái nền hòa bình khập khiễng mà Kissinger và Lê Đức Thọ - hai kẻ cùng được tưởng thưởng giải Nobel Hoà Bình - đã hợp tác để mang lại cho nhân dân Miền Nam đó đang tiến đến giai đoạn cuối cùng. Suốt hai năm qua Bắc Việt vẫn không ngừng chuẩn bị để thôn tính Việt Nam Cộng Hòa bằng võ lực và nay đã đến lúc họ công khai khởi sự chiến dịch này cho nên vừa bước qua đầu năm dương lịch là ra quân đánh chiếm tỉnh Phước Long. 

Sự mất Phước Long có làm cho chính quyền Miền Nam lo ngại nhưng tại các nơi khác, người dân Miền Nam vẫn bình thản chuẩn bị đón mừng một mùa xuân nữa sắp đến với niềm hy vọng năm mới sẽ mang lại nhiều sáng sủa hơn. Vì tình hình lại khẩn trương nên năm nay nhà trường hạn chế cấp giấy phép đi nghỉ Tết xa. Nghĩ là mình chỉ có một mình nên tôi cũng chẳng buồn sửa soạn gì cả thì chiều 30 Tết bỗng nhiên có điện thoại từ cổng Lý Thường Kiệt gọi vào khu Quang Trung báo cho tôi ra cổng đón người nhà vào. Thì ra vợ tôi nghe tôi báo tin không về Sài Gòn ăn Tết bèn đùm đề mấy thứ cần thiết rồi dẫn đứa con gái và bế theo thằng con trai vừa mới bốn tháng lên đây để cùng ăn Tết với tôi. 
 
Lần đầu tiên được ăn Tết chung với đầy đủ vợ con tại Đà lạt như thế này, lẽ ra tôi phải vui lắm. Phiền một nỗi, thần tiên thì đã biến mất trên cõi đời này từ thủa nào rồi, nhưng vợ tôi thì vẫn cứ tin vào lời mấy ông thần khoác lác để ngỡ mình là tiên và Đà lạt này cũng là cõi tiên, cho nên chỉ muốn nhìn thấy những cái trên trời chứ không chịu cúi xuống nhìn kỹ cõi trần gian để mà thông cảm với một kẻ phàm trần đầy dẫy những khó khăn và kém hèn như tôi, do đó mà niềm vui kia không mấy trọn vẹn. Chính vì thế mà khi tiễn đưa ba mẹ con ra bến xe để trở về lại Sài Gòn sau mười ngày sống chung trong căn phòng có thừa chỗ chứa nhưng lại thiếu nhiều thứ rất cần dưới mái nhà của dãy cư xá F2, tôi có buồn vì phải xa cách hai đứa con, nhưng tôi thấy mình cũng không dám mơ ước kéo dài thêm cái niềm vui không trọn vẹn ấy. 
 
Qua Tết thì các tân khóa sinh khóa 31 cũng đã kết thúc tám tuần sơ khởi bằng một cuộc leo đỉnh Lâm Viên và đã được gắn anpha để bắt đầu được gọi là sinh viên sĩ quan. Các sinh viên khóa đàn anh đi phép thường niên về thăm gia đình cũng đã trở lại trường. Mùa văn hóa sắp khai giảng thì vào đầu trung tuần tháng 3, mọi người cùng sửng sốt khi nghe đài phát thanh Sài gòn loan tin Việt cộng với lực lượng hùng hậu có chiến xa yểm trợ đã tấn công Ban Mê thuột. Đang còn hồi hộp theo dõi tin tức kháng cự của phe ta được một hôm thì nghe tin Ban Mê thuột cũng đã thất thủ làm cho mọi người thêm rúng động. Vài ngày sau đó lại nghe tin Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Quân đoàn II triệt thoái khỏi Cao nguyên làm cho mọi người thêm ngơ ngác. Cuộc tháo lui vội vã và đầy gian nan của quân dân hai tỉnh miền cao nguyên dọc theo con đường liên tỉnh số 7 từ Pleiku về Tuy hòa đã bị Việt cộng pháo kích làm cho nhiều người chết và tin tức cũng như những hình ảnh đau thương về cuộc di tản này được đăng tải trên báo chí, loan đi trên các đài phát thanh làm cho mọi người lại càng thêm kinh hoàng.
 
Cùng thời gian này thì tình hình các tỉnh phía bắc Miền Trung cũng đang lâm nguy. Lực lượng trấn ngự phía bắc được lệnh rút về Đà nẵng làm cho dân chúng kéo nhau chạy theo khiến cho tình hình càng rối loạn thêm, nhất là trên con đường từ Huế vào Đà Nẵng. Tổng thống Thiệu phải cử tướng Trưởng ra để ổn định tình hình nhưng cũng không tài nào cứu vãn nổi và sau đó thì Huế cũng đã mất về tay Cộng quân mà không hề có tiếng súng. Chính phủ lập tức cho tổ chức cầu không vận để di tản cả trăm ngàn quân đang kẹt ở Đà Nẵng thì lại bị dân chúng tràn cả ra phi đạo chen lấn hỗn loạn và giành nhau lên máy bay đến nỗi máy bay không làm sao cất cánh được thành thử cuộc không vận này cũng đành phải hủy bỏ. Tình hình rối loạn đến mức chính quyền và quân đội không còn kiểm soát nổi trật tự trong thành phố, trong khi Cộng quân tiếp tục siết chặt vòng vây đã khiến cho Đà Nẵng rốt cuộc phải đầu hàng. 
 
Riêng tại thành phố Đà lạt thì mới đầu nhà trường chỉ tạm hoãn khai giảng mùa văn hóa và ra lệnh cho quân nhân các cấp đều phải sẵn sàng ứng chiến chờ lệnh chứ không hề có động tĩnh gì nên dân chúng cũng có vẻ yên tâm. Tuy nhiên khi thấy các vị chỉ huy đầu não ở Đà lạt bắt đầu lo cho vợ con rời khỏi nơi đây thì dân chúng bắt đầu xôn xao. Các sĩ quan cũng bắt chước lo di tản vợ con mình về Sài gòn trước. Những người dân có máu mặt ở thành phố Đà Lạt bắt đầu lo lánh nạn theo. Người ta chen nhau đi rút tiền ở ngân hàng. Xe đò xuôi về Sài gòn chạy tới tấp. Được vài hôm thì Quốc lộ 20 bắt đầu bị Việt Cộng đóng chốt chận đường khiến cho sự lưu thông giữa Sài gòn và Đà lạt bị gián đoạn, chỉ còn con đường thông xuống Phan Rang. Hàng không Việt Nam phải tăng số lượng chuyến bay để đáp ứng với nhu cầu. 
 
Hằng ngày ai cũng chăm chú theo dõi tin tức và đem chuyện tình hình ra bàn. Trong khi có nhiều người quá lo sợ vì những tin tức gây hoang mang và bất lợi cho tinh thần chiến đấu của Việt Nam Cộng hoà do các đài phát thanh ngoại quốc như VOA, và nhất là BBC... loan tải nên chỉ mong được di tản sớm, thì cũng có người lại dựa vào một vài nguồn tin không biết từ đâu ra để tiên đoán là đang có một thoả thuận nhường một phần đất cho phe Mặt trận Giải phóng với ranh giới từ đèo Cả để đình chiến trở lại, hoặc các phe xung đột đã đồng ý đưa ra thoả hiệp thành lập một chính phủ ba thành phần v.v... để còn hy vọng. Tuy nhiên khi nghe tin Đà nẵng đã mất và Nha Trang cũng bắt đầu có biến động thì ai nấy cũng thấy cái ngày giờ mình phải rút lui khỏi Đà lạt đã gần kề, chỉ còn đợi lệnh mà thôi. 
 
Đúng vào đêm trước ngày có lệnh di tản thì tôi phải lên phiên trực tại khu Quang Trung. Từ khi có lệnh cắm trại ứng chiến toàn trường thì mọi liên lạc từ Bộ chỉ huy đến các đơn vị thuộc khối Yểm trợ đều trực tiếp ngày đêm cho nên cái phòng trực Quang Trung này coi như thừa, tuy nhiên lịch trình ứng trực đã cắt sẵn thì mọi người cũng vẫn cứ theo đó mà thi hành. Phụ tá trực là một trung sĩ còn trẻ và gốc gia đình là di cư nên tỏ ra rất lo lắng đến vấn đề mất còn hiện nay của Miền Nam tự do nên cứ hỏi tôi có thể nào Mỹ sẽ lại can thiệp để cứu Việt Nam Cộng hòa như trường hợp Triều Tiên hay như vụ Tết Mậu Thân hay không? Thật tình tôi không muốn làm tắt đi niềm hy vọng của người trung sĩ trẻ, nhưng tôi cũng không thể nói khác hơn cái nhận định của mình là kể từ khi vụ tai tiếng Watergate khiến cho Tổng thống Nixon bị ép buộc phải từ chức và phó Tổng thống Ford lên thay thì mọi sự cam kết của Tổng thống Nixon đối với Việt Nam Cộng hòa trước đây cũng trở thành lời hứa đầu môi mà thôi. 
 
Qua một đêm ngồi chuyện gẫu và không có việc gì làm cũng như không có lấy một lần chuông điện thoại reo để báo cáo điều gì cả, sáng hôm sau, tôi lại theo đúng chức năng như thường lệ ghi vào sổ trực mấy chữ "đêm vô sự" và chợt thấy khôi hài cho cái vai trò vô tích sự của mình trong phiên trực này. 
 
Ngay sáng hôm đó, nhà trường bắt đầu cho xe chở nhiều toán sinh viên sĩ quan rải ra bố trí nằm dọc theo quốc lộ từ Đà Lạt xuống Cầu Đất. Đến trưa thì lệnh cấm trại được áp dụng một cách chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tất cả xe cộ đều phải chuẩn bị xăng nhớt đầy đủ và quân nhân các cấp đơn vị nào phải túc trực tại chỗ theo đơn vị nấy để sẵn sàng xuất phát. Anh chàng Y-cà Nhỏng vốn thuộc hạng quân tử phòng xa lại có bạn là pháo đội trưởng của trường nên nghĩ rằng đi theo cái đám văn hóa vụ có vẻ phiêu bồng quá chi bằng cứ bám theo đám con nhà võ chính cống để khi lỡ như có xảy ra bất trắc dọc đường vẫn còn dễ xoay sở hơn, bèn lẻn qua khu Quang Trung kéo tôi nhập vào đại đội pháo binh. 
 
Buổi chiều có lệnh Bộ chỉ huy xuống cho các đơn vị phải lo cơm nước xong xuôi trước 6 giờ. Trời vừa sập tối thì từ khu Lê Lợi, đoàn xe bắt đầu lăn bánh qua khu Quang Trung để ra cổng Lý Thường Kiệt, dẫn đầu là chiếc xe M113 của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng. Khi đoàn xe bên khu Lê Lợi vừa qua hết thì đến lượt các xe bên khu Quang Trung được lệnh nối đuôi theo. Anh chàng Y-cà Nhỏng và tôi cùng lên chung chiếc xe có anh chàng đại úy chỉ huy Pháo đội kéo theo hai khẩu 105 ly móc sau hai chiếc GMC. Trên xe ngoài số binh sĩ của từng khẩu đội còn có một số vợ con của họ đi theo đã phải ngồi cả lên trên những quả đạn pháo.
 
Ra tới đại lộ Trần Hưng Đạo, thì thấy trên đường cũng đã có nhiều chiếc xe của Cảnh sát sắc phục và Dã chiến đang trên đường di tản. Ngoài ra cũng còn có một số dân thường đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, dắt díu theo cả gia đình. Quay nhìn thành phố bỏ lại sau lưng, tôi thấy về hướng phi trường Cam ly đang có ánh lửa bốc cháy sáng rực cả một vùng và rồi từ khu trường Võ bị cũng vang lên những tiếng nổ từ kho đạn và ánh lửa từ kho xăng bùng lên trong đêm vắng. Tự nhiên tôi thấy lòng mình quặn lên se thắt.
 
Qua khỏi Đơn Dương, đoàn xe bắt đầu đổ đèo Ngoạn Mục. Con đường đèo lâu nay không hề có xe cộ nào được lưu thông ban đêm bỗng nhiên đêm nay chứng kiến một giòng xe cộ dài dằng dặc nối đuôi nhau. Ngồi trên chiếc xe GMC không mui, nhìn những ngọn đèn pha phòng thủ soi dọc theo hai ống thép khổng lồ dẫn nước từ đỉnh núi về nhà máy điện Sông pha tận dưới chân núi kết hợp với những ngọn đèn pha của giòng xe cộ ngoằn ngoèo men sườn núi trong đêm, tôi có cảm giác như đang ngắm xem một cuộc rước đèn trong một buổi hội hoa đăng thần tiên nào đó, nhưng khi nhìn lại bên mình thì chỉ thấy toàn là những con người với khẩu súng lăm lẳm trong tay khiến cho giấc mơ của tôi vội vàng tan biến ngay để cho tôi quay về với thực tại phũ phàng. Di chuyển trên con đường độc đạo theo kiểu này thì chỉ cần một toán Cộng quân phục kích bắn vài quả B40 hay pháo kích vài quả đạn vào đoàn xe là cảnh hỗn loạn sẽ xảy ra ngay không khác gì cảnh lui quân trên đường số 7. Cũng may là suốt chặng đường đèo không có biến cố gì xảy ra. 
 
Đến Sông Pha thì các đơn vị thuộc trường Võ bị có lệnh tạm dừng quân và lo cơm nước. Mấy ngày trước đây có nhiều người đoán là đoàn quân Võ bị sẽ rút xuống Cam Ranh để được tàu Hải quân đón chở về Sài gòn, nhưng khi xuống đến đây thì mới biết là chẳng có tàu nào đón mình cả, và khi đoàn quân được lệnh di chuyển tiếp thì thấy tất cả đều theo quốc lộ 1 chạy về hướng Nam vì thị trấn Phan Rang cũng đã bị bỏ ngõ, tình trạng hỗn loạn đang xảy ra và đó đây có những toán người mặc quân phục đang nổ súng bừa bãi cũng như có những đám người đang đi hôi của ở các tiệm buôn hay của những gia đình đã bỏ chạy. 
 
Gần đến Phan Rí thì sư liên lạc với Bộ chỉ huy bỗng nhiên bị gián đoạn cho nên gần như mạnh xe nào xe nấy chạy lẫn lộn với nhiều xe vừa dân sự vừa quân sự của nhiều đơn vị khác nữa. Nhìn thấy rải rác dọc đường có những chiếc xe bị lật, và tại một quãng nọ còn có cả mấy khẩu pháo 155 ly nằm chỏng gỏng và bên lề đường có vài ngôi mộ mới được vùi nông một cách vội vàng, tôi tưởng chừng như mình đang chứng kiến lại cái cảnh đám tàn quân Tưởng Giới Thạch xưa kia khi tháo chạy khỏi Hoa lục.
 
Vào tới Phan Thiết thì tất cả xe cộ của dân chúng và nhiều đơn vị khác nhau đã đậu dồn đống dọc theo Quốc lộ 1, không còn di chuyển được nữa vì có tin Việt Cộng đã đóng chốt chận đường ở khu vực Rừng Lá. Thấy tình trạng đoàn quân đã đến lúc như rắn không đầu, viên Đại úy chỉ huy pháo đội bèn tháo bỏ kim hỏa của hai khẩu trọng pháo, rồi kéo mấy người trong bọn tôi lặng lẽ chuồn theo anh ta. Thế là bọn tôi liền bỏ lại luôn mấy khẩu súng dài, chỉ mang theo cái ba lô, lần theo con đường đất dẫn ra xóm chài ven biển. 
 
Thấy cách bờ vài trăm thước có mấy chiếc ghe đánh cá lớn đang đậu, bọn tôi bèn thuê một chiếc ghe nhỏ chở ra tấp vào một trong mấy chiếc ghe lớn này. Trên ghe này đã có sẵn một số gia đình thường dân và thêm mấy người mặc sắc phục biệt động quân có trang bị súng M16, tuy vậy bọn tôi cũng nhào lên và không thấy ai có phản ứng gì. Khi bọn tôi hỏi tại sao ghe chưa rời bến thì chủ ghe cho biết phải chờ đến sáng cho thủy triều lên để khi ghe qua cồn cát không bị mắc cạn. Thế là chúng tôi đành tạm nằm trên ghe chờ qua đêm. 
 
Hừng sáng thì nghe có nhiều tiếng trọng pháo nổ trong bờ. Từ trong xóm chài có nhiều chiếc ghe nhỏ chở đầy người túa ra. Đám quân nhân có súng sợ đám người trên ghe nhỏ này tràn lên ghe lớn sẽ làm cho ghe chìm bèn nổ súng chận mũi đám ghe nhỏ, trong khi chủ chiếc ghe lớn vội vã cho nổ máy và nhổ neo. Ghe men theo bờ chạy mãi cho đến xế chiều thì cặp bến Cầu Đá ở Vũng tàu. Tôi bỗng nhiên nhận ra một điều rất ngộ nghĩnh là bao nhiêu năm sống ở Miền Nam này, nghe danh Vũng Tàu không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ biết Vũng Tàu như thế nào, tự nhiên hôm nay lần đầu tiên tôi được đặt chân đến nơi này thì lại đi bằng ghe rồi đổ bộ từ biển lên bờ chứ không phải bằng xe theo đường bộ từ Sàigòn ra. 
 
Thấy mấy anh chàng mặc sắc phục Biệt động quân bỗng nhiên quăng súng rồi nhảy xuống biển tìm đường tẩu thoát, tôi ngạc nhiên nhìn lên bờ thì mới rõ ra là có một toán Kiểm soát đang đứng tại bến. Tuy nhiên khi  bọn tôi lên bờ thì thấy anh chàng sĩ quan chỉ huy toán kiểm soát lại là một cựu SVSQ Võ bị mới ra trường. Anh ta đã chào chúng tôi và để chúng tôi đi mà không cần xét giấy tờ cũng như không hề yêu cầu tước khí giới vì một vài người trong bọn tôi còn giữ bên mình khẩu súng lục. Nhờ trong bọn tôi có một anh chàng gia đình ở ngay Vũng Tàu lại có khách sạn cho thuê cho nên được anh ta dẫn cả bọn về nghỉ tại khách sạn của gia đình. Anh chàng thiếu úy này cũng là dân du học để về làm đại úy già, nhưng không biết có phải vì anh ta cũng có số sao quả tạ chiếu hay sao mà vừa mới về nước và trình diện trường xong thì đã phải mang ba lô chạy. 
 
Kể từ khi tách rời khỏi đoàn quân cho đến bấy giờ bọn tôi không biết tin tức gì về đơn vị của mình cho nên sáng hôm sau thì cả bọn trừ anh chàng có gia đình ở đây, kéo nhau ra bến xe lam về Bà Rịa. Đến đây mấy anh chàng thuộc đám võ chuyên nghiệp lại đón xe đi tiếp về Sài gòn nhưng đám văn hóa vụ bọn tôi nghe nói đường sá bị chận xét rất gắt nên cũng rét bèn rủ nhau vào trình diện tại Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp để chờ tin tức. Qua một ngày chỉ biết quanh quẩn trong trại chờ đợi đến sốt cả ruột thì hôm sau thấy Chỉ huy trưởng Trung tâm cho xe chở về Long Thành vì đoàn quân của trường Võ bị cũng vừa về đến đây.
 
Thế là sau mấy ngày thất lạc, bọn tôi đã gặp lại đơn vị cũ, nhờ thế mà tôi mới biết thêm là khi đoàn quân Võ bị bị các cấp chỉ huy bỏ rơi ở Phan Thiết thì chính ông trưởng khoa của tôi với tư cách sĩ quan còn lại có cấp bậc lớn nhất và thâm niên nhất nên đã phải đóng vai chỉ huy điều động đoàn quân vất vả theo đường bộ kéo vào Bình Tuy rồi được phi cơ chở về Biên hoà, và sau đó được xe đưa về tạm đóng quân ở trường Bộ binh Long thành này. 
 
Trường chưa kịp phối trí lại hàng ngũ thì Xuân Lộc đã bị Cộng quân tấn công khiến cho Bộ Tổng Tham mưu phải quyết định cho Sinh viên sĩ quan khóa 28 và khóa29 ra trường ngay. Thế là ngày hôm sau nhà trường vội vàng tổ chức một buổi lễ mãn khóa dã chiến trong cảnh không kèn không trống. Các sinh viên sĩ quan trong bộ quân tác chiến sau khi nghe đọc quyết định thăng cấp thiếu úy thì cũng lập tức lên thẳng những chiếc xe GMC của các đơn vị tiếp nhận đang túc trực sẵn để đưa các Tân sĩ quan này về ngay với đơn vị mới của mình. 
 
Cũng bắt đầu từ lúc này, các sĩ quan còn lại được luân phiên cấp phép đi tìm gia đình. Sau cả tháng bặt tin và đầy biến cố dập dồn, hôm đầu tiên thấy tôi đột nhiên xuất hiện, vợ tôi tỏ ra mừng lắm, nhưng tôi thì lại thấy lo vì trong khi nhiều người đang hốt hoảng tìm đủ mọi cách để chạy qua Mỹ thì vợ tôi suốt ngày chỉ lo chạy tìm đổi đô la cho những người này mang theo mà không hề chuẩn bị cho mình, vì vợ tôi vốn không có chung một kinh nghiệm về Cộng sản như tôi và cũng không thuộc thành phần phải lo sợ sẽ bị Cộng sản trả thù một khi họ chiếm được Miền Nam này, nên không hiểu được nỗi lo sợ của những kẻ đã hơn một lần trốn chạy. 
 
Nhà có mỗi chiếc xe Honda thì vợ tôi giành lấy chạy cho nên tôi có muốn đi đâu cũng không đi được. Tình hình Sài gòn thì càng ngày càng rối ren. Những chuyến máy bay di tản nhân viên Mỹ và những người Việt Nam làm cho các cơ quan của Mỹ càng làm cho những người muốn di tản thêm cuống quít. Người ta chen nhau bám vào toà Đại sứ Mỹ hay len lỏi vào phi trường Tân Sơn Nhất để mong được bốc đi. Thấy ở nhà chẳng giải quyết được gì cho mình và cho gia đình mà chỉ thêm lo, tôi bèn quay trở lại Long Thành. 
 
Mặc dù từ khi mới mất Ban Mê Thuột, Tổng thống Thiệu vẫn hô hào tiếp tục chiến đấu cho tới cùng, nhưng khi lời yêu cầu tăng viện trợ thêm 300 triệu đô la của Tổng thống Ford cho Việt Nam Cộng hòa đã bị Thượng viện Hoa Kỳ bác bỏ thì ông Thiệu đã lên đài truyền hình đọc bản tuyên bố từ chức với những lời lẽ bài xích chính sách của Mỹ một cách chua cay, chứ không có chút gì là khí khái, và sau đó trao quyền lại cho Phó Tổng thống Hương. Nhìn cảnh phó Tổng thống Hương già yếu, đi phải có người dìu, bước lên tuyên bố nhậm chức Tổng thống và hô hào mọi người tiếp tục chiến đấu được chiếu trên màn ảnh truyền hình, tôi nghĩ dù cho có nhiều người vẫn cảm mến ông Hương thật đó, nhưng trong hoàn cảnh này chắc họ chỉ cảm thấy thương hại cho ông ta hơn là trông mong vào sự lèo lái của ông ta. 
 
Ở lại Long Thành vài ngày thì thấy số người đi phép rồi trở lại với đơn vị cứ thưa dần. Rồi tiếp đó thì Xuân Lộc cũng bị thất thủ và các phi trường Biên hoà, Tân Sơn Nhất bắt đầu bị pháo kích. Ngay cả trường Thiết giáp nằm kế bên trường Bộ Binh cũng bị Cộng quân tấn công. Qua một đêm nằm trong trường nghe tiếng đại bác rít qua đầu cho đến sáng thì có lệnh cho di chuyển trường Võ bị và trường Bộ Binh về Thủ Đức. Thế là tôi lại đeo ba lô leo lên xe GMC theo trường để chạy về lại cơ sở cũ của trường Bộ Binh trước đây. 
 
Phải nói là từ ngày tôi rời trường Thủ Đức để về phục vụ tại trường Võ bị cho đến nay đã hơn 9 năm nhưng hôm nay mới lần đầu tiên tôi trở lại chốn này nên thấy mình cũng rất xúc động khi nhìn lại khung cảnh cũ, có điều cơ sở này bây đã thuộc về đơn vị khác quản trị nên cũng hơi lạ đi. Sau khi được phân phối tạm trú trong những dãy nhà vốn là nhà ăn của SVSQ trước kia, tất cả sĩ quan thuộc trường Võ bị được lệnh tập họp để nghe công điện của Bộ Tổng Tham mưu bổ nhiễm Đại tá Chỉ huy trưởng trường Bộ Binh kiêm luôn quyền Chỉ huy trưởng trường Võ bị. Tổng số sĩ quan có mặt trong hàng lúc này thưa thớt đến nỗi không đủ làm bớt vẻ trống trải của căn phòng nhỏ tạm dùng làm phòng họp. Trong số những sĩ quan hiện diện thì người có cấp bậc cao nhất cũng lại là ông Trưởng khoa của tôi. Nhìn khuôn mặt vốn đã mang nét khắc khổ của ông bạn già hôm nay tôi lại càng thấy như có vẻ khắc khổ thêm. 
 
Qua một đêm nằm lại đây tiếp tục nghe tiếng pháo từ nhiều nơi vọng về, sáng hôm sau xin được cái giấy phép về thăm nhà tôi bèn ra chợ Nhỏ đón xe về Sài gòn. Đoạn đường Thủ Đức Sài gòn đông nghẹt xe cộ. Dân tị nạn từ các tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục chạy vào. Nhiều người không có chỗ nào để tá túc đành giăng tạm những căn lều bằng vải nylon dọc hai bên lề rải rác khắp xa lộ. Tôi về đến nhà thì chẳng thấy vợ tôi đâu mà chỉ thấy thằng con trai được giao cho bà ngoại thả nằm trên chiếc chiếu trải giữa nền nhà và cạnh đó là đứa con gái đang nằm ngủ vùi. Thì ra vợ tôi vẫn chỉ lo chạy đuổi theo "áp phe" mà chẳng hề lo lắng gì "một cuộc tắm máu sẽ diễn ra nếu Công quân đánh vào Sài gòn" như lời dự đoán của đài BBC đã tung ra, khiến cho tôi bỗng nhiên thấy chán chường cho số phận gia đình mình quá. 
 
Tình thế đã đến hồi bi đát nhưng từ ngày Bắc Việt đưa tin sẵn sàng nói chuyện với "một chính phủ Sài gòn không có Thiệu" thì có một số chính khách Miền Nam được coi là thành phần thứ ba đã vận động cho một giải pháp liên hiệp do Pháp đứng ra làm trung gian dàn xếp mà chưa kết quả, nay ông Thiệu đã từ chức và chạy ra ngoại quốc, ông Hương thì quá già yếu, nên đã làm áp lực buộc ông Hương nhường chức Tổng thống để đưa tướng Dương Văn Minh lên thay với hy vọng sẽ đạt được một sự thương thuyết với phía Cộng sản. Tuy nhiên khi ông Minh lên thay ông Hương thì tình hình lại đã ngả qua chiều hướng khác rồi nên phía Cộng sản cũng không còn nói đến thương thuyết nữa mà chỉ tiếp tục đánh vào Sài gòn. 
 
Tối hôm đó tôi bắt đầu nghe nhiều tiếng súng nhỏ nổ bên khu Tân Cảng. Thì ra mấy kho hàng PX của Mỹ đang bị dân chúng tràn vào cướp phá và nhân viên canh gác chỉ nổ súng thị uy. Những người hôi được hàng đem về xóm tôi bán đổ bán tháo. Vợ tôi ham rẻ mua hàng đống đồ hộp và cả đồ đông lạnh đổ đầy nhà. Ngày hôm sau mặc dù thành phố có lệnh giới nghiêm nhưng vợ tôi vẫn xách xe chạy tìm chia sớt mấy món đồ mua được rẻ đó cho người quen mà chả nghĩ gì đến sự nguy hiểm của tình hình. Đến chiều thì bỗng có nhiều tốp trực thăng Mỹ xuất hiện trên bầu trời Sài gòn và đáp xuống khu toà Đại sứ Hoa Kỳ rồi lại bay đi về hướng biển. Những chuyến bay như thế tiếp tục cho đến sáng hôm sau thì chấm dứt. Sau đó bầu trời Sài gòn tuyệt nhiên không còn thấy bóng dáng của chiếc máy bay nào xuất hiện nữa. 
 
Thấy tôi có vẻ không yên tâm ở lại nhà, vợ tôi đành chở tôi đến nhà chú Bảy để tôi tìm cách thoát thân một mình. Đến nơi thì chỉ gặp có người cháu của chú đang dọn những món đồ đáng giá còn bỏ lại để mang về nhà mình, còn gia đình chú thì đã được người con trai lớn đón xuống tàu của Hải quân để đi di tản từ chiều hôm qua. Vợ tôi lại vội vàng chở tôi chạy ra bến Bạch Đằng mong tìm xem còn có con tàu nào chưa rời bến không. Tới nơi thì chỉ thấy trên các cầu tàu ngổn ngang những chiếc xe hơi, xe gắn máy của những người di tản bỏ lại, nhưng những chiếc tàu Hải quân thì đã nhổ neo cả rồi, chỉ còn sót lại mấy chiếc hư đang nằm ụ để sửa chữa. Nhìn về phía thương cảng Sài gòn thì cũng đã vắng hẳn bóng những chiếc thương thuyền ngoại quốc. Thế là vợ tôi lại chở tôi quay về nhà. 
 
Vừa vô nhà thì nghe phía cầu xa lộ có nhiều tiếng nổ lớn và liên tiếp có những loạt súng nhỏ rồi một tiếng nổ chát chúa làm rung nhà cửa trong xóm. Mọi người dáo dác tìm chỗ ẩn nấp. Vợ tôi vội ôm thằng con trai cuống quít không biết trốn vào đâu còn tôi lo dỗ dành đứa con gái. Một lúc sau có tiếng người trong xóm loan tin cho nhau là một quả đạn pháo vừa rơi vào mé bờ sông ở cuối hẻm và nổ tung làm cho mấy người chết. 
 
Qua một hồi thấy yên tiếng súng, nhiều người lại kéo nhau ra đường. Tôi cũng lần ra trước đường lộ nghe ngóng. Từ phía ngả tư Hàng Xanh từng đoàn người vừa dân vừa lính lếch thếch vẫn đổ dồn về hướng vào thành phố. Cái radio của tiệm nước đầu ngõ vẫn vang vang ra những bản nhạc của đài phát thanh Sài gòn. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng nhạc ngưng và rồi có tiếng xướng ngôn viên yêu cầu mọi người lắng nghe hiệu triệu. Từ trong radio có tiếng Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho toàn thể quân đội Việt Nam Cộng hoà trên khắp lãnh thổ buông súng, đơn vị nào ở yên tại đó để chờ quân Giải phóng vào tiếp thu. 
 
Qua phút bàng hoàng, tôi lại tiếp tục nhìn theo dòng người vẫn lếch thếch đi trên đường vào thành phố và chú ý đến một thanh niên trẻ dáng dấp quen quen thì chợt nhận ra đó là anh chàng sinh viên sĩ quan Khóa 31 nhà ở kế hẻm nhà tôi. Tôi mường tưởng có lẽ trước đây, khi tình nguyện vào trường Võ Bị, chắc anh chàng này cũng đã mơ ước rồi đây mình sẽ có được một cơ hội để trau dồi khả năng văn hóa và quân sự ngõ hầu mai sau ra trường có thể đem tài năng của mình ra góp phần xây dựng và bảo vệ mảnh đất Miền Nam tự do này, nhưng vừa mới nếm mùi nhà binh qua mấy màn huấn nhục và chưa được học hành văn hóa lấy một ngày thì đã phải cuốn gói theo trường bỏ chạy khỏi Đà lạt. Một tháng trời gian nan theo đơn vị qua Phan Thiết, vào Bình Tuy, đến Long Thành rồi về Thủ Đức, đâu đâu cũng chỉ thấy toàn là cái cảnh bỏ chạy để rồi cuối cùng hôm nay thấy mình cũng đã ra trường nhưng chỉ còn cái áo thun và cái quần xà loỏng, lầm lũi đi giữa trưa nắng và trước mặt mình là một tương lai vô định. 
 
Tôi vội vàng cúi mặt quay đi, có lẽ để tránh nhìn anh chàng sinh viên kia, mà có lẽ cũng là để che dấu giọt nước mặt nghẹn ngào nhất trong đời đang ứa ra nơi khoé mắt, vì cái giờ thứ 25 của những con người muốn đi tìm cho mình một mảnh đất bình yên để xây dựng một cuộc sống tự do trên chính quê hương của mình đã thực sự điểm, và trước mắt tôi giờ đây cũng chỉ còn là bóng tối.
  
ĐOÀN VĂN KHANH 


No comments:

Post a Comment