Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 12, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [15]

Ký sự Tùy bút 

15.- TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA 

Lên tới Washington DC., việc đầu tiên phải làm sau khi đã tìm cho mình một chỗ ở tại một khách sạn tương đối thuận tiện, là tìm đến một tiệm hớt tóc để nhờ ông thợ cạo xuống giùm bộ tóc dài tự phát mà tôi đã dung dưỡng suốt hai năm nay. Ông thợ hớt tóc sau khi đưa tông đơ đẩy thẳng cánh cho từng mảng tóc đen và dài cả tấc rơi đầy dưới sàn nhà xong liền ngắm tôi và bảo là trông tôi bây giờ đã thành ra một người mới. Tôi bỗng nhiên cảm thấy như có chút gì se sắt trong lòng bởi vì tôi biết cái việc cắt tóc cho ngắn này chỉ là để cho tôi chuẩn bị trở về làm con người cũ. 

Ngày hôm sau, theo đúng lịch trình, tôi đến cơ quan AID trình diện để làm thủ tục hồi hương. Lúc còn ở Tennessee tôi có được bà M. báo tin là bà đã đến tuổi nghỉ hưu và cho biết người kế thừa công việc là bà L. Thấy dùng danh xưng là bà, tôi cứ tưởng bà L. cũng là một người đã lớn tuổi, nhưng nay gặp mặt mới thấy là mình lại lầm nữa, vì bà này còn rất trẻ, cứ như cô vậy. Tuy nhiên bà này lại có vẻ khô khan theo nguyên tắc chứ không cởi mở và tình cảm như bà M. làm tôi cứ tiếc mãi phải chi bà M. còn làm việc để trước khi về nước tôi có thể gặp bà ấy lần chót, nói vài lời cám ơn và từ giã, đồng thời để bà ta nhìn lại cái đầu tóc của tôi bây giờ đã được cắt ngắn gọn ghẽ. 

Cùng đến trình diện tại đây hôm nay ngoài tôi còn vài vị phe ta từng theo học tại các tiểu bang khác cũng đã đến kỳ mãn hạn, nhờ thế mà tôi có thêm bạn đồng hành, hoặc gọi cho đúng hơn là bạn đồng hồi hương, trong số này có cả một anh chàng gốc cùi khoá 22B cũng đã học hành thành tài trở về. Vì bọn tôi thuộc dân nhà binh cho nên cơ quan AID chỉ đài thọ kinh phí ăn ở, học hành và di chuyển trong nước Mỹ, còn vấn đề di chuyển đi và về là thuộc ngân sách quân đội trả, cho nên sau khi hoàn tất các thủ tục ở đây, bọn tôi còn phải đến trình diện phòng Nhân viên Ngũ Giác Đài để nhận Sự vụ lệnh và vé máy bay về nước. Từ hồi giờ nghe đến cái tên toà nhà Ngũ Giác Đài không biết bao nhiêu lần nhưng tôi không bao giờ nghĩ có ngày như hôm nay mình cũng đặt chân vào bên trong tòa nhà đó. 

Xong xuôi các thủ tục tôi cũng còn được vài ngày rảnh rỗi để dạo chơi nhưng sau một năm rưỡi xa cách nay trở lại Washington DC. thì lớp bạn bè phe ta mà tôi gặp ở đây hồi mùa hè năm ngoái nay cũng đã lần lượt hồi hương hết cả rồi nên cũng chẳng còn ai quen để mà ghé nữa. Ngoài ra có một điều làm cho tôi thất vọng là ngày mới đặt chân đến thành phố này lần đầu tiên, thấy đường phố có nhiều nơi đang được đào xới để xây dựng hệ thống xe điện ngầm, tôi cứ tưởng là hai năm sau khi trở lại đây thế nào mình cũng sẽ có dịp đi thử một lần cho biết cái thú đi xe metro ở thủ đô nước Mỹ trước khi trở về nước, nhưng cho tới nay công trình này vẫn chưa hoàn tất làm cho điều mơ ước của tôi rốt cuộc vẫn hãy còn là ước mơ. 

Đúng ngày theo như lịch trình đã ấn định, tôi lên phi trường Dulles để đáp máy bay về San Francisco. Bắt đầu từ đây kể như cuộc hành trình của tôi chỉ là ngược lại con đường cũ của hai năm về trước. Lần này phi cơ bay theo chiều xoay của quả đất nên khi rời Washington DC. là 7 giờ sáng nhưng đến San Francisco cũng chỉ mới 9 giờ sáng. Tới San Francisco tôi lại lấy xe bus về Travis Air Base thuê phòng ở BOQ. Tại đây tôi gặp thêm một số quân nhân khác nữa thuộc nhiều quân binh chủng đi tu nghiệp về quân sự tại các căn cứ khác nhau trong nước Mỹ cũng đã về đây ở chờ ngày đáp máy bay về Sài gòn. 

Trưa ngày hôm sau tôi đóng lại bộ quân phục đã mặc ngày ra đi, ra phòng quản lý thanh toán tiền phòng rồi mang hành lý ra ga phi trường. Hành khách đáp chuyến bay này đa số là các quân nhân Mỹ đi công tác ở các quốc gia ở vùng Đông Nam Á, với lại khoảng vài chục người là quân nhân của các quốc gia Á châu mà đông nhất là Việt Nam. Trọng lượng hành lý được mang theo cho mỗi người có giới hạn nhất định, nhưng mấy anh quân nhân thuộc nhóm châu Á thường ít ai chịu theo đúng quy định cho nên tại trạm cân hành lý, người ta đã phải cắt riêng một nhân viên để phụ trách cho số người này. 

Khi bắt đầu cho cân hành lý thì tại hàng dành cho nhóm da vàng hầu như anh nào đặt hành lý lên cân cũng bị đẩy trả lại bắt phải bỏ bớt. Dĩ nhiên là ở đây nhân viên phụ trách không bao giờ biết "thông cảm" cho nên các quan ta lại phải mở vali, lựa chọn vài món nào đó để bỏ vào thùng rác rồi đặt lên cân lại. Có người đặt hành lý lên cân mấy lần mà vẫn chưa xong, nhất là mấy quan nhà ta thuộc nhóm đi tu nghiệp về quân sự, phải mang theo cả quân trang, cho nên chỉ nội mấy món này đã đủ chiếm hết trọng lượng thì còn thừa ký đâu mà mang quà cáp lỉnh kỉnh. Thế là các quan nhà ta đành bấm bụng bỏ bớt vài món quân trang nặng nề nào đó để giữ lại mấy món quà. Nhìn cái cảnh này tôi cảm thấy vừa xấu hổ mà cũng vừa thương cho đám da vàng, chẳng qua cũng chỉ vì cái tội nghèo mà mới nảy sinh ra cái hiện tượng khó coi này. 

Khi tôi bỏ hành lý của mình lên cân thì cũng vừa đúng với trọng lượng quy định. Thật ra không phải tôi không ham hố như những người khác mà chẳng qua là tôi đã mượn nhờ được địa chỉ của một người Mỹ làm việc ở Sài gòn để gửi các món quà về qua hệ thống APO trước rồi nên hành lý mang theo hôm nay chỉ còn quần áo đồ dùng cá nhân thôi. Tuy nhiên tôi cũng đã cố ý chừa ít chỗ trống nơi cái túi xách tay của mình phòng hờ lúc ghé Nhật có mua thêm được món gì nữa trong PX. ở đó, nhưng khi nhìn thấy lộ trình chuyến bay mình sẽ đáp này lại không ghé Nhật mà lại đi tuyến đường ghé Honolulu làm tôi đâm ra vỡ mộng. 

Đến 6 giờ chiều thì hành khách được gọi ra cổng để lên chiếc máy bay của hãng Pan Am. Ngày ra đi, khi chiếc máy bay vừa cất cánh khỏi phi đạo Tân Sơn Nhất, tôi thấy bao nhiêu anh chàng GI trong chuyến đi ấy cùng nhất loạt reo lên để mừng ngày được trở về, nhưng hôm nay trong chiếc máy bay này, chỉ có mấy quan nhà ta là những kẻ được trở về thì chẳng thấy biểu lộ nét mừng rỡ nào mà trái lại có vẻ như còn chút luyến tiếc nơi đây. Không những thế, cùng chung danh sách hồi hương chuyến này của các quan thuộc nhóm phe làng ta đúng ra còn một vị nữa nhưng cho tới giờ chót vẫn không thấy xuất hiện. Dĩ nhiên lý do của sự vắng mặt này không gì khác hơn là vị ấy đã tìm được một con đường nào đó giúp cho mình ở lại rồi. Riêng tôi thì thấy hình như mình lại đang đánh mất thêm một cái gì đó. 

Vì chuyến bay cũng khởi hành vào lúc chiều tối cho nên suốt lộ trình chỉ thấy toàn là đêm đen. Khi máy bay ghé Honolulu thì hành khách cũng được xuống nghỉ hai tiếng đồng hồ nhưng vì là ban đêm nên rốt cuộc chỉ biết cảnh trong phi trường thôi chứ không nhìn thấy gì cảnh bên ngoài. Chặng tiếp theo máy bay ghé đảo Clark. Mặc dù tại đây cũng có cửa hàng PX bán hàng miễn thuế cho quân nhân nhưng hàng hóa không nhiều và đa dạng như ở Okinawa, giá lại có phần đắt hơn nên rốt cuộc tôi cũng không mua thêm được món gì. Sau khi rời Clark, máy bay còn ghé thêm một lần nữa ở Phi luật Tân nhưng vì nhằm lúc phi trường đang cần bảo đảm an ninh để tiếp đón một yếu nhân nào đó nên hành khách phải ngồi luôn trong phi cơ đợi luôn hai tiếng đồng hồ cho tới khi máy bay cất cánh trở lại. 

Khi máy bay bắt đầu rời Phi thì trời cũng đã hửng sáng. Qua một đêm quá dài kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình vào chiều tối hôm trước cho tới bây giờ mới thấy trời sáng thì cũng đã trải qua hơn 20 tiếng đồng hồ rồi và tính theo ngày ở đây thì lại còn phải tăng thêm lên một ngày khác nữa. Tuy thế, chỉ sau khoảng hai tiếng đồng hồ bay nữa thì tôi thấy đất liền hiện ra và sau đó là nhìn thấy sông Sài gòn rồi phi trường Tân Sơn Nhất. Máy bay lượn một vòng rồi đáp xuống phi đạo và chạy vào đậu tại khu nhà ga hành khách dân sự chứ không phải bên khu phi trường quân sự như lần đi. Đình chiến rồi và quân đội Mỹ đã rút nên các hoạt động không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhất bây giờ trông cũng có vẻ như vắng lặng đi nhiều. Khi cánh cửa phi cơ mở ra thì tôi cũng đứng dậy kéo cái túi xách trên giá hành lý xuống cầm theo để nhập vào đám các quan nhà ta đang chuẩn bị bước xuống để làm kẻ trở về với quê hương. 

Chặng đầu tiên là làm thủ tục chiếu khán nhập cảnh. Mọi việc diễn ra tương đối dễ dàng vì bọn tôi đều mang thông hành công vụ và hôm nay chỉ là lúc trở về. Chặng tiếp theo là chờ nhận lại hành lý ký gởi rồi đem tất cả lại cho quan thuế kiểm soát. Hầu như khi đi qua chặng này, hành khách nào từ ngoại quốc về cũng có vẻ phải dành ra một món quà gì đó cho mấy nhân viên kiểm soát. Điều này đã trở thành như một cái nề nếp cho nên khi nhân viên phụ trách khám hành lý của tôi thấy trong hai cái vali chỉ có quần áo cá nhân và vài món đồ chơi con nít mà tôi đã gỡ bỏ hộp cho đỡ cồng kềnh, chứ chẳng có lấy cây thuốc lá hay lọ dầu thơm để kiếm chác thì tỏ vẻ thất vọng thấy rõ, làm cho tôi thấy mình cũng như ngượng theo. 

Nhờ có báo cho chú Bảy biết trước ngày giờ tôi trở về cho nên khi còn đang đứng trong quầy kiểm soát quan thuế tôi đã nhìn thấy chú Bảy và vợ con tôi đã chờ sẵn phía bên ngoài, vì thế mà vừa bước ra khỏi cửa khu vực kiểm soát là đã gặp vợ tôi vui mừng trao ngay đứa con gái cho tôi bồng. Tôi nhìn đứa con gái chăm chú với một cảm giác vừa vui vừa ngỡ ngàng vì không ngờ ngày đi thì nó còn trong bụng mẹ mà bây giờ về thì nó đã hai tuổi và biết nói khá nhiều rồi. Vợ tôi bảo nó gọi ba đi nên nó cũng gọi tôi bằng ba, có điều tôi thấy nó chẳng tỏ ra có một biểu lộ mừng rỡ nào cả. Điều này cũng tất nhiên thôi vì đây là lần đầu tiên nó gặp tôi và được tôi bỗng ẵm. Phần tôi khi nghe nó gọi mình bằng ba và tôi xưng ba với nó lần đầu tiên, tôi thấy chính mình cũng như có chút ngượng ngập chưa quen. 

Trên đường từ phi trường về nhà, tôi chăm chú nhìn lại thành phố Sài gòn sau hai năm xa cách. Phải nói là sau hai năm sống ở xứ người quen với nếp sống văn minh và trật tự, nay trở về quê nhà, cái cảm giác đầu tiên của tôi là khó chịu nhiều hơn là mừng rỡ. Thành phố này bây giờ đối với tôi sao mà quá đông đúc và ồn ào, đường sá thì chật chội xô bồ với đủ loại xe lưu thông một cách thật vô trật tự. Nhà cửa thì quá chen chúc, hơn nữa nhà nào bây giờ cũng đều có sơn cờ vàng ba sọc đỏ nhưng cách sơn thì lại có vẻ tùy tiện và được thực hiện có tính cách vội vã cho một mục đích chứ không phải để tô điểm. 


Khi về tới căn nhà nhỏ chật chội nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo đầy rác rưởi, ruồi muỗi, cống rãnh hôi hám lại càng làm cho tôi nhận thức thêm cái thực tại của quê hương đói nghèo. Tôi nhìn kỹ lại các người thân cho tới mọi người xung quanh mình thì thấy nước da người nào cũng có vẻ như men mét. Có thể nói đêm đầu tiên hầu như tôi không tài nào ngủ được. Vợ chồng và đứa con nằm chung trên một chiếc giường gỗ buông mùng lụp xụp, nóng bức nghe muỗi kêu vo ve, lại còn thêm tiếng radio, máy hát, tiếng chuyện trò chửi bới từ hàng xóm quanh nhà, tiếng xe gắn máy vào hẻm còn rú ga lúc nửa đêm cứ đua nhau mà hành hạ cái lỗ tai của mình. Tuy nhiên bây giờ thì dù muốn dù không tôi cũng phải chấp nhận và cố gắng để mà tập thích nghi trở lại với nếp sống ấy. 

Mặc dù ngày ra đi thì đất nước hãy còn chinh chiến và nay trở về lại thì đất nước đã hoà bình nhưng báo chí, truyền thanh, truyền hình hàng ngày vẫn không ngớt đưa tin về các vụ vi phạm đình chiến. Chẳng những thế, xen vào các chương trình phát thanh là những bản nhạc đấu tranh mà cái âm điệu bây giờ nghe sao cứ na ná như âm điệu của Miền Bắc: 

Hàng ngàn cánh tay đưa lên
Hàng vạn cánh tay đưa lên
Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính...


Do cái thế đình chiến mà hai bên vẫn giữ nguyên hiện trạng kiểm soát lãnh thổ theo kiểu cài răng lược lại còn thêm những đốm da beo, trong khi quân Bắc Việt vẫn được phép tiếp tục trú đóng tại Miền Nam đã khiến cho tình hình luôn bất ổn, vì bên nào cũng dễ dàng bị đối phương lấn chiếm, cho nên bên nào cũng chỉ muốn tìm cách tiêu diệt bên kia để củng cố sự an ninh cho mình. Không những thế, vừa về nước được vài ngày thì tôi lại bàng hoàng nghe tin quần đảo Hoàng sa bỗng nhiên bị Hải quân Trung Cộng uy hiếp, trong khi hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có mặt quanh vùng lại không hề có một phản ứng nào cả. 

Sự phản kháng bằng đường lối ngoại giao của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chưa gây được tiếng vang nào trước quốc tế thì đã xảy ra cuộc đụng độ giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Trung cộng khiến cho một số chiến sĩ hải quân cũng như quân trú phòng của Việt Nam Cộng Hoà trên đảo bị Trung cộng bắt làm tù binh. Thái độ làm ngơ này của chính phủ Mỹ và sự kiện quần đảo Hoàng sa bị Trung Cộng chiếm đóng luôn sau đó càng làm cho tôi linh cảm thấy sự tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng Hòa lại càng bấp bênh hơn bao giờ hết và tương lai của mình trên mảnh đất này rồi ra cũng chẳng có gì là bảo đảm. 

Mà đúng thế! Nền hòa bình mà Hiệp định Paris mang lại chỉ là một nền hòa bình để cho người Mỹ yên ổn rút quân khỏi cuộc chiến này còn đối với người dân Việt thì vẫn chưa nhìn thấy chút bảo đảm nào cho tương lai. Hàng ngày máu vẫn đổ và người vẫn chết. Thành phố vẫn còn đầy dẫy những vòng dây kẽm gai và đi đâu cũng thấy lính tráng, xe nhà binh đầy đường. Từng nhà, từng góc phố đâu đâu cũng có treo những biểu ngữ như: "Gia đình tôi cương quyết chống Cộng", "Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm" v.v... Không những thế, sau hai năm xa vắng nay trở về đi thăm lại bà con bạn bè thì hình như đến đâu, gặp ai tôi cũng được kể cho nghe toàn những chuyện buồn. 

Vừa gặp em tôi, là tôi đã được kể cho biết cậu Kiên đã chết. Cậu đã chết nhưng không phải vì súng đạn của quân thù mà chết vì tai nạn gây ra bởi chiếc xe 18 bánh của những người bạn Đồng minh. Tai nạn đã xảy ra cho cậu trên quốc lộ 4 khi cậu đang cỡi xe gắn máy về nhà. Tôi nhớ lại ngày mới đậu xong bằng Tú tài cậu bảo tôi là cậu tình nguyện vào Võ bị vì cậu có cái hoài bão Bắc tiến. Thế nhưng từ ngày ra trường, cậu cũng chỉ toàn là đánh trận trên mảnh đất miền Nam này thôi và mặc dù đã nhiều lần bị thương tích, nhưng thân thể chưa đến nỗi bị sứt mẻ và mặt mày vẫn lành lặn với đôi mắt sáng ẩn chút buồn triền miên. Nhưng rồi sự suy thoái về quân sự cũng như những xáo trộn về chính trị của Miền Nam kéo dài mãi đã làm cho cậu có lẽ cũng không còn dám mơ tưởng đến một ngày Bắc tiến nữa. 

Đến ngày tôi bị động viên vào Thủ Đức thì tôi cũng không có cơ hội nào gặp lại cậu. Rồi cậu lấy vợ hồi nào tôi cũng không biết. Tôi chỉ nghe nói sau khi lấy vợ, cậu không ở đơn vị chiến đấu nữa mà xin được về làm hậu cứ ở Hậu nghĩa. Vợ cậu ở Sài gòn. Mỗi cuối tuần cậu dùng xe gắn máy về Sài gòn thăm gia đình. Cuộc đời tưởng như đã tạm yên vui để nguôi quên đi chút hoài bão không thành nhưng rốt cuộc cậu cũng không được hưởng. 

Em tôi cũng cho biết là thằng Đình cũng chết rồi. Nó là con trai đầu của anh Bàng mà ngày mới di cư vào Nam có một thời đã tạm tá túc bên nhà ông ngoại tôi ở Khánh Hội. Hồi ấy nó chỉ ba bốn tuổi gì đó và thường bị tôi nhân danh là chú để thị oai. Thế mà rồi nó cũng đã trưởng thành lúc nào tôi không hay, đã gia nhập vào Không quân và trở thành một phi công lái trực thăng. Nó không hy sinh ngoài chiến trường, nhưng đã chết trong một chuyến bay mà lý do máy bay bị rớt được báo cáo là vì tai nạn kỹ thuật. 

Khi tôi đến thăm thím Cọp thì được nghe kể chuyện về Phú. Anh chàng học Y khoa nhưng khi ra trường thì cũng bị trưng dụng qua ngành Quân y và vào thời kỳ "Mùa hè đỏ lửa" đã phải theo đơn vị lên An Lộc. Ròng rã hai tháng trời bị bao vây, sống thấp thỏm trong cảnh ngày đêm bị Cộng quân liên miên pháo kích và người bị thương không có thuốc, người chết không được chôn đã khiến cho Phú kinh hoàng đến nỗi ngày An Lộc được giải vây và Phú trở về nhà thì mọi người thấy tóc Phú đã trở thành bạc trắng. 

Đến thăm gia đình cô Chín thì tôi được nghe tin về cái chết của Dượng Mươi. Dượng chỉ mới mất trước ngày tôi về vài tháng, tức là sau khi đã có Hiệp định đình chiến. Như vậy là trong số bốn người ở Liên khu V thời Việt Minh cùng đi chung một chuyến ghe vượt tuyến về thành để tìm cho mình một con đường phục vụ Tổ quốc khác với con đường của người Cọng sản, dượng là người thứ ba đã nằm xuống. Tuy là dượng đã hy sinh ngoài trận địa nhưng cũng lại không phải do đạn thù mà bằng bom đạn của chính phe ta. 

Trong lần đi giải vây cho quân ta ở Phước Long, Việt Cộng với quân số đông hơn gấp bội đã ồ ạt tấn công vào đơn vị của dượng chỉ huy và cuối cùng đã tràn ngập phòng tuyến. Trước tình huống ấy, dượng đành gửi đi cái công điện tối hậu "hãy bắn lên đầu tôi" đến các đơn vị yểm trợ. Pháo binh và Không quân đã thực hiện công tác giải quyết trận địa một cách thật trọn vẹn và từ đó những gì còn lại của dượng Mươi trên cõi đời này chỉ là hình ảnh còn lưu lại trong ký ức của những người thân về một vị Trung tá mang trong lòng một lý tưởng, nhưng suốt đời chỉ thấy công danh thì lận đận lại còn thêm rối rắm về tình duyên. 

Đời sống đã qua cái thời phồn vinh nhờ bám vào sự tiêu pha của quân đội Mỹ trong chiến tranh, nên nay Mỹ rút rồi thì mọi hoạt động kinh tế gần như ngưng trệ theo. Nhiều cơ quan của Mỹ cũng đóng cửa hay giảm nhân viên. Cậu Viện bây giờ đâm ra thất nhgiệp. Căn nhà cũ của ông ngoại ở Khánh Hội đã bán và cậu Viện bây giờ phải dọn về một căn nhà nhỏ mới mua ở trong hẻm bến Vân Đồn. 

Chuyện bán ngôi nhà của ông ngoại tôi cũng không phải là không rắc rối. Mặc dù tiền bỏ ra làm căn nhà là của cậu Đôn, nhưng người đứng tên nhà là ông ngoại tôi. Khi ông ngoại tôi qua đời thì lại không có di chúc thành thử khi cậu Vịnh muốn bán căn nhà này tất nhiên phải có sự ưng thuận của cậu Đôn. Mợ Đôn thì lại không muốn để cậu Viện hưởng hết số tiền bán nhà nên giao cho chị Mi là luật sư đứng ra lo, nhờ thế mà em tôi cũng được chia một ít và tôi cũng có tí phần nhưng ít hơn em tôi vì tôi được liệt vào hạng đã khấm khá. Chuyện chia tiền bán căn nhà này lâu nay tôi không hề biết và tôi cũng chưa bao giờ quan tâm đến chuyện thừa hưởng cái gia tài này, nhưng khi nghe kể lại cái tiêu chuẩn tỷ lệ dùng để phân chia sự thụ hưởng này của chị Mi làm cho tôi buồn cười không biết chị ấy đã học được ở đâu ra. 

Tự nhiên tôi lại đâm ra nhớ cái quê hương trong lòng những người xa xứ. Cái quê hương mường tượng trong trí nhớ của những kẻ tha hương là cái quê hương được dệt thành bằng tình cảm gắn bó với những hoài niệm êm đềm cho nên rất gợi cảm, rất đáng yêu, còn cái quê hương thực tế mà bây giờ tôi đang phải hòa mình vào là một quê hương của những con người đang phải tranh sống nên lúc nào cũng chỉ thấy toàn đầy dẫy những âm mưu, giành giật, xâu xé, ganh ghét, đố kỵ và không ngớt hận thù... 

Một hôm tôi một mình lần mò qua Khánh Hội ngắm lại ngôi nhà cũ. Tôi chỉ đi ngang qua và nhìn vào từ bên ngoài thôi vì bây giờ tôi không có tư cách gì bước vào căn nhà đó nữa. Căn nhà cũng còn nguyên vẹn cái vẻ cũ kỹ xấu xí bấy lâu nay có lẽ do chủ mới chưa muốn sửa sang, có điều cái để cho tôi có thể gọi là mái nhà xưa thì bây giờ không còn nữa. Cái mái nhà mà có một thời đã là nơi nương náu cho ba thế hệ phiêu bạt cùng chung sống thì sau khi thế hệ cội nguồn đã trở về với cát bụi, hai thế hệ còn lại rồi cũng chỉ là tản mác mỗi người một phương. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment