13.- NGƯỜI
KHÔNG NHÌN THẤY
"ÁNH SÁNG Ở CUỐI ĐƯỜNG HẦM"
"ÁNH SÁNG Ở CUỐI ĐƯỜNG HẦM"
Trở lại trường Peabody, tôi vẫn tiếp tục lấy phòng ở nội trú nhưng lần này tôi chọn một phòng đơn, dù có phải trả tiền cao hơn một tí, để tránh cái nạn có bạn chung phòng mà không hợp ý đôi khi cũng làm cho mình khó
chịu. Ngày bắt đầu ghi danh, không thấy thầy lác đến rủ tôi cùng đi chung như lần trước, tôi nghĩ có lẽ anh chàng đã có mối nào khác vui hơn nên cũng không tìm kiếm làm gì, cứ thong thả mà đi làm một mình.
Sau khi đến gặp giáo sư cố vấn để xin ông ta ký giấy cho mình lấy lớp
xong, tôi ra phòng kế toán để đóng tiền thì chợt thấy trong số sinh viên sắp hàng dài chờ đến lượt, có một người con gái đeo kính
cận, mặc chiếc áo dài đỏ, hai tay ôm một cái cặp bìa ép sát trước ngực cũng đang đứng trong hàng. Tuy không biết cô này là ai nhưng chiếc áo dài đó đủ cho tôi xác định cô ta là người
Việt, và cái dáng dấp còn bỡ ngỡ của cô ta khiến cho tôi bỗng nảy ra cái ý định lân la đến gần rồi dùng tiếng Anh nói xã giao vài câu vớ
vẩn, giả làm như mình là một anh chàng Phi, Tàu hay Thái gì đó, nhằm trêu cô ta một chút cho vui trước khi thú nhận mình cũng là đồng hương.
Tôi chưa kịp thực hiện ý định thì bỗng thấy có người vỗ vào vai mình bèn quay lại nhìn thì nhận ra là thầy lác. Anh chàng kéo tôi lại chỗ cô áo đỏ rồi giới thiệu ngay cho cô ta biết có thêm cái thằng tôi đây cũng là người Việt với nhau
cả. Thì ra thầy lác đã gặp cô sinh viên mới đến này từ ngày hôm trước rồi và cũng đã đóng vai kẻ đi trước hướng dẫn người đi sau rất chu đáo đối với cô sinh viên này suốt ngày hôm qua. Thấy chút dự tính đùa vui của mình bỗng nhiên bị thầy lác làm cho lỡ tàu, lại thấy thầy lác săn đón cô áo đỏ một cách quá sốt sắng nên tôi có cà rà theo nữa cũng bằng
thừa, bèn lặng lẽ rút êm.
Hôm còn ở Washington DC. tôi có được các quan làng ta trên ấy cho biết là ở Nashville còn có anh chàng Duyên thề đang theo học về Kinh tế ở Vanderbilt, nên tôi bèn tản bộ sang trường Vanderbilt tìm anh
ta. Anh chàng Duyên thề cũng qua Mỹ trong khoảng cùng thời gian với thầy lác, nhưng suốt nửa năm nay tôi không nghe thầy lác nhắc đến có lẽ vì thầy lác vốn không hề quen biết anh chàng Duyên thề trước, rồi khi qua đây thì lại học khác trường, lối sống cũng khác nhau cho nên không có sự liên
lạc.
Kể ra thì anh chàng Duyên thề sống theo một cung cách có vẻ phong lưu và nghệ sĩ hơn các quan nhà ta
nhiều. Phòng ở của anh ta nằm trong một toà cao ốc mới xây cất nên rất sáng sủa và có nhiều tiện
nghi. Tuy cũng là cư xá sinh viên nhưng loại phòng cá nhân này có phòng tắm riêng và có một cái bếp nhỏ nên giá thuê cao gấp hai lần giá tiền phòng của tôi. Đồ trang bị trong phòng cũng rất thời
trang. Bên cạnh dàn máy nghe nhạc là hàng chồng dĩa nhạc, từ cổ điển Tây phương đến loại nhạc nhẹ hiện đại, do anh ta sưu tập được kể từ khi qua
Mỹ. Là một kẻ yêu nhạc và từng sáng tác nhạc như anh ta thì chuyện sưu tập dĩa nhạc cũng là một cái thú tất nhiên.
Phải nói là khác với các quan nhà ta thường hay đi tìm người để nhận đồng hương, anh chàng Duyên thề trái lại chỉ thích tán gẫu với mấy em mắt xanh da trắng mà thôi. Vốn là dân trường tây cho nên hễ gặp được em nào biết nói tiếng Pháp là anh chàng vui như gặp tri âm. Tuy nhiên, cho dù anh chàng có sính nói tiếng tây cách
mấy, tôi vẫn tin chắc là anh chàng không thể nào quên được mình cũng là một chàng trai đất
Việt, tất nhiên đều có chung một
mối hận. Còn về chuyện như đã có bao nhiêu cô em mắt xanh da trắng trong cái đám sính nói tiếng tây đó đã được anh chàng giúp họ cái cơ hội chuộc lại những lỗi lầm của cha anh họ thì tôi không rõ. Riêng tôi thì từ khi gặp được anh chàng Duyên thề ở đây, tôi cũng đã có được một chỗ để ghé lại tìm vài giây phút thả hồn theo những dòng âm thanh của những bản nhạc mình thích mỗi khi cảm thấy tinh thần bị căng thẳng trong việc học hành.
Vào khóa học được vài tuần thì trời ở đây cũng bắt đầu vào
thu. Phải nói là mùa thu ở Tennesse rất đẹp với những hàng cây maple trong sân trường trở lá vàng để rồi lần lượt rời cành, bay theo từng cơn gió và rơi rụng trên các lối đi. Trong đời tôi từng nghe không biết bao nhiêu bậc thi văn nghệ sĩ cổ kim ca tụng mùa
thu, nhưng suốt từ nhỏ tới lớn tôi chỉ sống ở miền Trung và miền Nam nên chưa bao giờ biết mùa thu thực sự như thế nào, cũng như chưa bao giờ được chứng kiến cái cảnh cây lá trở vàng thật đẹp như ở đây.
Nếu mùa thu của thiên nhiên ở đây đối với tôi thật êm đềm thì mùa thu trong lớp học của tôi chỉ muốn điên đầu vì vấn đề phải tranh
luận. Khóa này tôi có hai lớp về Chính trị học và một lớp về Lịch sử Tư tưởng
Âu châu. Trong hai lớp về chính trị học thì lớp học về Chính trị Quốc tế do một giáo sư hãy còn trẻ phụ trách. Mới đầu tôi thấy ông ta cũng có vẻ cởi mở đối với tôi, nhưng sau một thời
gian, khi những cuộc thảo luận trong lớp có liên quan đến vấn đề Việt Nam, nguyên nhân của những tranh chấp chính trị làm điên đầu người Mỹ hiện nay, tôi mới thấy là giữa ông ta và tôi đã có những nhận định căn bản rất khác nhau về vấn đề này. Điều này làm cho tôi vốn không thích môn chính trị lại càng đâm ra nghi ngờ bản chất của chính trị nhiều hơn.
Dĩ nhiên sống trong một xã hội được xây dựng trên nguyên tắc dân
chủ, quen suy luận theo lý trí, ông ta cũng như những sinh viên Mỹ ở đây không thể nào hiểu được cái mánh khoé ngụy trang cho ý đồ thực hiện một cuộc thôn tính toàn vẹn lãnh
thổ, và cái quyết tâm áp đặt một thể chế phi nhân bản và phản lại ý nguyện của dân tộc của người Cộng sản Việt Nam dưới những chiêu bài rất chính nghĩa như
"dân tộc", chống ngoại xâm giành độc lập", cho nên không thấy được bộ mặt thật của Mặt trận Giải phóng Miền Nam chỉ là một bộ phận trá hình được Cộng sản dàn dựng lên để cho lực lượng Miền Bắc tiêu diệt Việt Nam Cộng hòa, và vì thế mà đã lầm lẫn coi Mặt trận Giải phóng cũng là một thực thể chính trị đấu tranh cho việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết của người dân Miền Nam.
Bên cạnh đó, hàng ngày tin tức chiến sự Việt Nam vẫn là yếu tố được những cơ quan truyền thông Mỹ khai thác để phục vụ cho những mục tiêu chính trị của
họ. Những tờ báo, tạp chí và đài truyền thanh truyền hình được giới sinh viên theo dõi nhiều nhất đều thuộc khuynh hướng cấp
tiến. Những hình ảnh thời sự có tính cách đề cao vai trò của Mặt trận Giải phóng Miền Nam mà giới truyền thông chiếu trên truyền hình như cảnh kiều bào ở Paris đón chào hoan hô phái đoàn Mặt trận Giải phóng Miền Nam tham dự hòa đàm Paris chẳng
hạn, đã tạo cho người sinh viên Mỹ có cái nhìn thiện cảm hơn với phe bên
kia.
Ngoài ra, trong khi các nhà truyền thông Mỹ và ngoại quốc không thể tự do săn tin về phía Cộng sản để đưa ra những tin tức hình ảnh xác thực về những hành động tàn bạo của phe Cộng sản đối với người dân và quân cán chính Việt Nam Cộng hòa nhưng trái lại đối với phía Việt Nam Cộng hòa mà họ được quyền tự do săn tin thì họ lại chỉ nhằm đưa ra những hình ảnh đầy tính chất tiêu cực để đả kích chế độ Sài Gòn. Những tấm hình như hòa thượng Thích
Quảng Đức tự thiêu, tướng Loan bắn tên đặc công Việt Cộng trong vụ Tết Mậu Thân tại Sài gòn, hình cô bé trần truồng bị phỏng vì bom napalm trong trận chiến ở An Lộc không những đã được
đưa lên báo chí và truyền hình mà còn được cấp giải thưởng nhiếp ảnh về phóng sự để sau đó lại được triển lãm, in thành sách, khiến cho người dân Mỹ càng nhìn chế độ Sài Gòn với cặp mắt không thiện
cảm.
Riêng đài truyền hình CBS với nhà bình luận Walter Cronkite thì không bỏ qua một cơ hội nào để đưa ra những nhận định đánh giá sự yếu kém của Việt Nam Cộng Hòa và sự tốn phí của người Mỹ một cách vô ích vào một cuộc chiến tranh được coi như là không có chính nghĩa. Điều này không những đã làm cho tôi rất đau lòng khi nhìn thấy những sự hy sinh cố gắng của những người có thiện chí muốn tranh đấu để thực hiện một xã hội tự do dân chủ thực sự cho dân tộc chống lại sự độc tài của chế độ cộng sản phi nhân đã bị phủ
nhận, mà còn làm cho tôi nghi ngờ cái thiện chí bảo vệ thế giới tự do của
Mỹ.
Không những thế, mặc dù tôi lúc nào cũng muốn biện minh cho chính nghĩa của phe quốc gia nhưng nếu nhìn vào thực tế thì phe ta vốn dĩ phải thừa kế cái di sản hành chánh quan liêu của thực dân đế quốc để
lại, sau đó lại phải tự bảo vệ bằng một quân đội thoát thai từ quân đội xâm lược Pháp rồi lại cứ phải dựa vào một lực lượng ngoại bang để chiến đấu cho nên cứ phải mang cái tiếng chạy theo
giặc, chưa kể đến chuyện trong hàng ngũ nhân sự phe ta thì lại có quá ít những kẻ có thực tâm muốn xây dựng một xã hội tự do dân chủ mà thành phần cơ hội quá
nhiều, chỉ biết mưu cầu quyền lợi cá nhân, tạo ra những tệ nạn tham nhũng thối nát trong chính
quyền, khiến cho cái chính nghĩa cứ bị lu mờ đi. Điều này đã làm cho tôi hiểu rằng nếu có những người Mỹ không tin vào người quốc
gia, họ cũng có cái lý của họ.
Năm nay cũng là năm ở Mỹ có cuộc bầu cử Tổng thống cho nên đường lối cũng như phương pháp để giải quyết cuộc chiến Việt Nam vẫn là những đề tài tranh cử sôi động của các cuộc vận động tranh cử giữa các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và đảng Cộng Hòa. Cuộc hoà đàm Paris khởi sự từ cuối thời tổng thống Johnson cứ cù cưa kéo dài qua gần hết một nhiệm kỳ của tổng thống Nixon vẫn chưa đạt được một kết quả nào
cả. Chính vì thế mà để tranh phiếu cử tri Mỹ, Nixon cũng đã phải cử Kissinger chạy tới chạy lui bên này bên kia để cố gắng dàn xếp những bất đồng của đôi bên, hầu có thể đạt đến một thỏa hiệp chấm dứt chiến
tranh, rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam và mang được tù binh Mỹ bị Bắc Việt giam giữ về nước. Những cuộc đi đêm của Kissinger với khối Cộng sản vì thế càng ngày càng gia tăng và những lời tuyên bố của Kissinger càng được nhiều người chú ý theo dõi, nhất là khi Kissinger tuyên bố là đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm trong các nỗ lực khai thông những bế tắc trong hoà đàm Paris.
Triển vọng một hiệp ước hòa bình sắp được ký kết đã mang lại sự tái đắc cử vẻ vang cho Nixon, nhưng sau đó khi bản văn của hiệp ước đã thành hình và phía Mỹ cùng Bắc Việt đã đồng ý sẽ ký kết thì phe Quốc gia nhận thấy văn bản này có nhiều điều khoản mập mờ có thể gây bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa nên Tổng thống Thiệu từ chối việc ký
kết. Khi nghe tin này, ông giáo sư trẻ đã tỏ ra rất ngạc nhiên hỏi tôi nghĩ thế nào về thái độ chống đối lại việc ký kết vào một hiệp ước dẫn đến hòa bình này của phía Việt Nam Cộng hòa. Dĩ nhiên là tôi lại phải cố gắng biện minh cho lập trường của Việt Nam Cộng hòa nhưng cái lý lẽ mà tôi đưa
ra không lay chuyển nổi cái lập luận của ông giáo sư vì từ căn
bản, cái nhìn về vấn đề của ông ta và tôi đã khác nhau rồi.
Thấy tình hình lại rơi vào chỗ bế tắc nên Tổng thống Nixon vì muốn giữ lời hứa trước đây với dân
Mỹ, đã phải dùng lại biện pháp mạnh bằng cách dội bom ồ ạt Hà Nội và phong toả hải cảng Hải Phòng để làm áp lực quân sự ép buộc phía Bắc Việt quay trở lại bàn hội
nghị. Vào thời điểm này thì khóa mùa thu cũng kết thúc cho nên tôi cũng thoát được cái màn tranh luận với ông giáo sư trẻ về một vấn đề mà
"ông nói gà bà nói vịt", không khác gì kiểu tranh luận trong các buổi họp của hai phía bốn bên ở bàn hội nghị Paris trong suốt bốn năm qua. Có điều, điểm tổng kết cuối khóa của tôi về môn này chẳng có gì gọi là khả quan
cả.
Sau khi các lớp đều đã thi xong thì nhà trường đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh và kéo dài suốt ba
tuần. Không như các kỳ nghỉ mùa hè, vào kỳ nghỉ mùa đông cư xá West Hall cũng đóng cửa cho nên tôi phải qua ở tạm tại một căn bên khu cư xá giành cho sinh viên có gia đình. Cảnh thì vắng lặng mà cả thầy lác và tôi kỳ này không ai được AID cho đi dự hội thảo ở đâu cả nên thấy cứ nằm không ở nhà nhìn trời giá rét với những hàng cây trơ trụi khẳng khiu mãi cũng
buồn, do đó khi thấy anh chàng bác sĩ cũng là đồng hương mới qua tu nghiệp ngành y khoa ở Vanderbilt mua được một chiếc xe hơi cũ làm chân, thầy lác bèn rủ anh chàng bác sĩ và tôi cùng làm vài chuyến giang hồ vặt nước Mỹ bằng xe nhà. Đi du lịch theo kiểu con nhà nghèo thì chỉ cần hùn nhau trả tiền đổ xăng, ăn uống thì đã có quán bên đường, còn muốn đi đến vùng nào thì chỉ cần liên lạc tìm có người đồng hương quen biết nào đó tại chỗ muốn đến để cho mình có thể ghé lại ngủ nhờ qua đêm mà khỏi phải tốn tiền khách sạn là xong
ngay.
Chuyến đầu tiên là đi Louisville vì thầy lác có bạn đi du học cùng đợt với anh ta đang theo học đại học ở đây. Bận đi không có gì đáng nói. Anh chàng bác sĩ cứ thong thả mà lái
xe, thầy lác ngồi bên cạnh đọc bản đồ, còn tôi ngồi ghế sau nhìn cảnh hai bên đường. Lên tới nơi vào thành phố thì thầy lác bắt đầu đọc bản đồ một cách loạng quạng làm cho anh chàng bác sĩ lái xe cứ đi lạc lung
tung, và khi tìm đến được địa chỉ người quen thì cũng đã
tối. Chủ nhà tiếp đón cho ngủ trọ qua đêm. Mặc dù tôi chưa quen chủ nhà nhưng khi được thầy lác giới thiệu tôi mới biết chủ nhà vốn xuất thân khóa 16 Võ bị và nguyên làø sĩ quan tùy viên của Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng, tuy nhiên khi thấy trường Võ bị có chương trình cho sĩ quan đi du học có vẻ cũng vui nên anh chàng này cũng xin tham
gia. Có điều tôi hơi ngạc nhiên là anh ta qua đây đi học mà lại được mang theo vợ và luôn cả đứa con. Đúng là một đặc ân hiếm có.
Ngày hôm sau từ giã chủ nhà xong, nghe tin thời tiết xấu nên chúng tôi lại quay về Nashville. Đi được một phần đường thì trời bắt đầu đổ
tuyết. Sau khi dừng lại ở một trạm nghỉ bên đường để ăn trưa xong và bắt đầu lên xe chạy trở ra đường lớn để đi về thì anh chàng bác sĩ vì chưa có kinh nghiệm chạy đường có tuyết nên khi vừa lên tới xa
lộ, thấy có chiếc xe tải hạng nặng đang chạy tới nên anh chàng bỗng lúng túng đạp thắng làm cho chiếc xe trượt bánh băng luôn qua bên kia đường và lọt xuống bãi cỏ, đầu xe quay ngược lại, trong khi chiếc xe tải cũng trờ tới lướt ngang qua. Sau khi hoàn hồn, cả bọn bước ra khỏi xe nhìn lại mình, nhìn lại xe, thấy cả người lẫn xe hãy còn nguyên vẹn lành lặn cả, bèn hì hục đẩy xe lên đường rồi tiếp tục cuộc hành trình. Càng tới gần Nashville thì tuyết càng nhiều và về đến nhà thì thấy tuyết đã phủ đầy khắp nơi dày cả tấc. Đây là mùa đông thứ nhì của tôi ở Mỹ nhưng lần này tôi mới được nhìn cảnh tuyết rơi.
Nghỉ lại nhà vài ngày chờ cho tuyết bắt đầu tan thì anh chàng bác sĩ và thầy lác lại rủ tôi tiếp tục làm một chuyến khác xuôi về Florida nhưng qua kinh nghiệm chuyến đi vừa rồi tôi thấy chẳng có gì hứng thú vì chỉ chạy xe trên đường, đến nơi ngủ một đêm ở nhà người quen nào đó thôi rồi lại đi chứ chẳng thăm viếng được gì, hơn nữa tôi cũng không còn tin tưởng cái tài lái xe của ngài bác sĩ và tài đọc bản đồ của thầy lác nên từ chối nằm nhà đi tìm anh chàng Duyên thề để nghe nhạc còn thú vị hơn.
Sau kỳ nghỉ mùa đông, trường lại khai giảng. Kể ra thì giữa trường Vanderbilt và trường Peabody có liên kết với nhau cho nên nếu cứ căn cứ theo đúng ngành học đã ghi trong hồ sơ thì giáo sư cố vấn có thể ký giấy cho tôi lấy tiếp các lớp về môn Chính trị học chỉ có bên trường Vanderbilt mà trường Peabody không có, nhưng vì tôi thấy mình chả có hứng thú gì khi học môn này cả nên chỉ xin lấy các lớp về môn xã hội và giáo dục tại trường Peabody mà thôi.
Trong thời gian này thì qua mấy trận không tập ồ ạt bằng B.52 và phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi của Mỹ cũng đã đạt được kết quả làm cho phái đoàn Bắc Việt phải quay trở lại bàn hội nghị và thoả thuận sửa đổi một số điểm trong bản hiệp định có tính cách bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa, đồng thời Tổng thống Nixon và cố vấn Kisinger cũng ra sức trấn an và cam kết với phía Việt Nam Cộng hoà nên Tổng thống Thiệu cuối cùng cũng phải chấp nhận việc ký bản hiệp ước đó. Một hôm đang trên đường đi tới lớp thì tôi gặp ông giáo sư trẻ dạy tôi khóa vừa qua.
Ông ta hỏi tôi lần này thì ông Thiệu còn chống đối lại việc ký vào hiệp ước nữa hay không. Tôi biết rằng ông ta chỉ nhằm hỏi kháy tôi thôi, nhưng riêng tôi thì thật tình tôi không tin tí nào vào cái nền hòa bình mà bản Hiệp định sắp được ký kết ấy sẽ mang
lại.
Đến cuối tháng giêng thì bản Hiệp định này được ký kết tại Paris với đầy đủ chữ ký của các đại diện bốn bên. Sau đó là việc thực thi Hiệp định. Quân đội Mỹ bắt đầu rút ra khỏi Miền Nam và ở Miền Bắc tù binh Mỹ được trao trả. Lần đầu tiên phóng viên báo chí và đài truyền hình Mỹ được phép theo chân phái đoàn Mỹ đi tiếp nhận tù binh đặt chân tới Hà Nội và cảng Hải Phòng. Nhờ chuyến đi này mà các phóng viên Mỹ đã quay được một số hình ảnh tại miền Bắc và chiếu trên truyền hình và tôi có được cơ hội có cái nhìn khái quát về xã hội miền Bắc sau hai mươi năm sống dưới chế độ Cộng sản. Vẫn thành phố với những kiến trúc cũ kỹ nhưng có phần loang lổ hơn, được tô thêm vẻ tang thương với những cảnh đổ nát do bom đạn của Mỹ mới gây ra ở những nơi như khu nhà thương Bạch Mai hay khu Khâm Thiên. Rồi hình ảnh những tù binh Mỹ hốc hác bước ra khỏi cánh cửa nhà giam Hỏa lò, và một ít hình ảnh dọc đường cho thấy đời sống bên ngoài xã hội với những con người vẫn phải lam lũ gồng gánh hay hì hục kéo đẩy những chiếc xe cải tiến thô sơ. Tự nhiên tôi cảm thấy một nỗi xót thương vô hạn cho dân tộc mình và chán ngán cho cái lòng cuồng tín của những con người đã bị mê hoặc vì một chủ nghĩa không tưởng để giam hãm người dân mãi trong cảnh khốn cùng.
Dù sao thì tới đây vấn đề Việt Nam đối với Mỹ coi như đã giải quyết, nhưng hậu quả của cuộc chiến này vẫn đang còn là một vết thương xâu xé người Mỹ chưa nguôi. Nixon tuy đã thực hiện được lời hứa với dân chúng Mỹ chấm dứt chiến tranh và ký kết được bản hiệp ước Hoà bình với Cọng sản Bắc Việt để rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam cũng như mang các tù binh Mỹ bị Bắc Việt giam giữ về nước nhưng lời cam kết bảo vệ Việt Nam Cộng hòa thì lại đang bị lung lay vì uy tín của Nixon càng ngày càng bị sứt mẻ khi đảng Dân chủ tiếp tục đánh phá uy tín của Nixon bằng cách moi móc những thủ đoạn gian dối trong vụ Watergate. Điều
này làm cho tôi cảm thấy những lời cam kết bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa của Nixon rồi cũng chẳng có gì là bảo đảm, chẳng khác nào trước đây trong lúc còn trong cuộc vận động tranh cử, tôi đã từng nghe ứng cử viên McGovern của đảng Dân chủ tuyên bố trên truyền hình là ông ta vẫn ủng hộ người đứng chung liên danh với ông ta
"một ngàn phần trăm" (nguyên văn: one thousand per cent) khi ông ta bị báo chí chất vấn về vấn đề mà đảng Cộng hòa phanh phui ra là ứng cử viên phó Tổng thống của đảng Dân chủ xưa kia từng có hồ sơ bệnh lý về thần kinh, để rồi vài hôm sau đó, mọi người đều thấy ông này đã bị McGovern thay thế bằng một nhân vật khác.
Mãn khóa mùa xuân này thầy lác cũng hoàn tất xong cấp bằng MA nên có dịp áo mũ xênh xang vui sướng lên nhận văn bằng vào ngày lễ tốt nghiệp của nhà trường tổ chức. Phần anh chàng Duyên thề thì cũng đã lấy xong bằng MA về Kinh tế bên trường Vanderbilt. Dù muốn dù không thì cả hai anh chàng này cũng phải lên đường trở về nước. Như vậy là cái nhóm bạn cùng làng Văn hóa vụ với tôi không còn ai, mặc dù hiện nay vẫn còn vài người mới qua đang theo học ở đây nhưng không phải gốc quân đội và không hề quen trước, lại không có ai thích làm tác nhân nối một nhịp cầu thông cảm như thầy lác trước đây nên tôi cũng không mấy khi liên lạc, ngoại trừ cô áo đỏ mà tôi đã gặp và quen từ mùa thu trước.
Khóa mùa hè tôi tiếp tục lấy thêm hai lớp về giáo dục và
sau đó khi bước sang khoá mùa thu tôi lại lấy thêm ba lớp nữa về môn xã hội học. Mùa thu Tennessee vẫn đẹp với những hàng cây maple trở lá vàng trong sân trường. Tennessee cũng là tiểu bang có nhiều đồi núi và xưa kia từng là nơi đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh giữa quân đội hai phe vào thời xảy ra cuộc nội chiến Bắc Nam. Riêng tại thành phố này người du khách đến đây có thể nhìn thấy rải rác khắp nơi trong thành phố những tấm bia và tượng đài kỷ niệm ghi lại những trận chiến năm xưa. Tuy nhiên tất cả những cái đó đều đã trở thành lịch sử. Bây giờ thì người Mỹ đang nghĩ đến cuộc lễ ăn mừng 200 ngày lập quốc trong thanh bình và thịnh vượng.
Riêng tôi sau khóa học mùa thu này là sẽ phải quay về với tổ quốc ngàn đời của tôi, một đất nước tự hào có bốn ngàn năm văn hiến nhưng chỉ quanh quẩn với đói nghèo và loạn lạc. Nền hoà bình mà những thế lực quốc tế đang áp đặt lên dân tộc tôi hiện nay tuy có mở ra cho nước Mỹ một lối thoát khỏi cuộc chiến tranh tàn bạo và một cơ hội hòa hoãn với khối Cọng sản, nhưng vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn của người dân Việt. Quê hương tôi vẫn không ngừng tiếng súng vì những vụ vi phạm hiệp định vẫn liên tiếp xảy ra. Và cái con đường hầm của những hận thù do cuộc chiến đó gây ra vẫn còn tồn tại trong lòng người dân Việt và riêng tôi vẫn không hề thấy tí ánh sáng nào le lói ở cuối con đường hầm đó
cả.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment