Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 13, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [14]

Ký sự Tùy bút 

14.- BẢN LUÂN VŨ LẠC LOÀI

Nếu hai năm sống ở cái thành phố Nashville bình lặng mà chỉ có chuyện học hành với lại thỉnh thoảng gặp thầy lác hoặc anh chàng Duyên thề nói dăm ba câu chuyện thời sự hay trời trăng mây nước thôi thì cũng chẳng có gì nhiều để nhớ. Nhưng cũng vì tại cái thành phố này còn có sự xuất hiện ngẫu nhiên của vài bóng hồng tha hương đã vô tình gây cho tôi ít nhiều xúc cảm u hoài, cho dù chỉ mơ hồ như sương khói, nhưng lúc nào cũng dằng dặc như là khói sương cho nên tôi vẫn không dễ gì quên. 

Ngày mới chân ướt chân ráo đến Nashville gặp thầy lác lần đầu tiên, anh chàng đã cho tôi biết là ở thành phố này không có người Việt, ngoại trừ vài sinh viên du học như anh ta, đến rồi đi. Riêng tại trường Peabody này thì hiện nay còn một cô sinh viên tên là Hoài, đang theo học để lấy bằng BS. Do đó mà vài hôm sau thầy lác đã dẫn tôi qua bên cư xá East Hall thăm cô sinh viên này để kết tình đồng hương. 

Hoài ở chung với một nữ sinh viên người Nam Mỹ trong một căn apartment hai phòng của toà nhà East Hall nhưng có lối đi riêng, nên phòng ốc và đồ đạc có vẻ sang và tiện nghi hơn nơi ở của thầy lác rất nhiều. Thấy cô nàng nhỏ tuổi và đang học bậc undergraduate mà có thể thuê được aparment, thường chỉ dành cho sinh viên bậc graduate thuê nên tôi hơi ngạc nhiên bèn hỏi thăm xa gần thì mới biết là gia đình Hoài cũng là chỗ thân tình với bác Đàm, và trước đây cô con gái đầu của bác Đàm cũng được học bổng theo học tại trường này nên ở tại đây, đến khi cô này ra trường thì nhường lại căn phòng này cho Hoài nên nàng cứ thế mà thuê tiếp. Cũng nhờ có chút quen biết chung đó mà Hoài và tôi coi như cũng không là xa lạ nữa. 

Sau buổi thăm xã giao này rồi tôi vì phải lo vùi đầu thích nghi với nếp sống mới và việc học hành nên cũng không bận tâm về những chuyện thân thích đồng hương, không ngờ vài tuần sau đó tôi nghe Hoài gọi điện thoại mời qua nhà nàng để gặp thêm bạn đồng hương mới. Tôi nghe Hoài nói có mời cả thầy lác nên đinh ninh thầy lác sẽ đến rủ tôi cùng đi thành thử cứ ngồi nhà chờ, không ngờ thầy lác lại đến thẳng nhà Hoài và thấy tôi chưa có mặt bèn điện thoại bảo tôi cứ qua một mình. 

Vì lần trước được thầy lác dẫn đến vào buổi chiều tối nên tôi không phân biệt cửa vào các apartment nằm hướng nào, cho nên khi qua tới khu East Hall nhìn thấy cửa sau tòa cư xá, tôi bèn đi thẳng vào thì thấy mình lọt giữa một dãy hành lang phòng ở của các nữ sinh viên. Họ ngạc nhiên nhìn tôi, còn tôi đọc thấy cái bảng cấm nam sinh viên lai vãng vào khu vực hành lang này thì cũng hoảng lên cứ lớ ngớ không biết lối nào mà lần. Cũng may là một nữ sinh viên thấy vậy bèn đưa tôi lại phòng khách và khi biết là tôi muốn tìm gặp Hoài, cô ta đã giúp dò tìm số phòng, rồi dẫn tôi lại cầu thang lên một tầng lầu nữa và lại đi theo hành lang đến gõ vào một cánh cửa cuối dãy. Hoài ra mở cửa và khi nhìn thấy tôi đến với một nữ sinh viên Mỹ bằng cửa thông vào hành lang trong khu nội trú thì rất ngạc nhiên, nhưng khi nghe cô sinh viên kia cho biết là tôi lớ ngớ đi lạc vào vùng cấm, lại không biết đường nên phải dẫn đến tận nơi thì Hoài phát ra cười ngặt nghẽo. 

Khi tôi vào trong phòng thì thấy ngoài thầy lác còn có một người thiếu phụ trẻ có dẫn theo hai bé gái nhỏ. Hoài giới thiệu tên người thiếu phụ là Huyên và cho biết nàng không phải là sinh viên mà là kiều dân. Nàng theo chồng qua Mỹ định cư đã vài năm nhưng chỉ mới di chuyển về cư ngụ ở thành phố này, tuy nhiên nhờ trước đó đã dò hỏi toà Đại sứ của ta để tìm đồng hương ở đây nên biết địa chỉ của Hoài để liên lạc và tìm đến thăm Hoài. Sau đó Hoài đem câu chuyện đi lạc của tôi kể lại cho mọi người nghe làm cho mọi người cùng cười phá lên làm cho tôi vốn đã ngố sẵn lại càng ngố thêm. 

Để bớt ngượng, tôi lân la lại dàn máy hát của Hoài, cầm vài cái dĩa hát lên xem thử và ngỏ ý muốn nghe vài bản nhạc. Hoài cầm đại một dĩa nhạc đặt vào máy quay dĩa rồi mở máy. Một điệu nhạc luân vũ êm dịu bắt đầu trổi lên. Đây là một trong những bản nhạc mà từ thời còn là sinh viên Văn Khoa tôi cũng đã nghe nhưng nay bỗng dưng quên mất tên, mãi đến khi nghe Hoài nói đó là bản Tennessee Waltz thì tôi lại ngạc nhiên đến ngẩn người ra vì không ngờ Tennessee, xứ được mệnh danh là quê hương của âm nhạc đồng quê mà cũng là nơi tôi đang ở, lại có thể là bối cảnh đề tài cho một bản luân vũ rất diễm ảo. 

Phải nói là từ ngày về sống tại thành phố Nashville, tôi hầu như chỉ được nghe các đài phát thanh ở đây hát có mỗi một loại nhạc dân ca đồng quê mang tính đặc thù văn hóa của địa phương này, nên khi nghe bản luân vũ, tôi như lạc vào thế giới mộng tưởng của ngày cũ, và khi quay nhìn lại Hoài và Huyên đang tươi cười nhìn tôi nửa như tinh nghịch, nửa như chế diễu, tôi bỗng có cái cảm giác như được sống lại cái không khí sinh viên trẻ trung của bảy, tám năm về trước, nên cũng bắt đầu vui đùa tự nhiên như thể tất cả đây đã là bạn thân từ lâu. Thấy Huyên và Hoài cứ đem cô sinh viên Mỹ vừa rồi ra để chọc quê tôi nên tôi đã ngẫu hứng đem cái tên Nashville diễn nôm ra là "nát vụn con tim" và Tennessee là "tan nát tình si" làm cho ai nấy càng thích thú cười thoải mái.

Từ hôm đó trở đi, Hoài có vẻ thích gặp gỡ tôi thường xuyên hơn. Vì Hoài ở gần bên nên thỉnh thoảng lại điện thoại gọi tôi qua giả bộ nhờ tôi giảng bài giúp để có dịp chuyện gẫu. Thật ra thì mới đầu tôi cũng miễn cưỡng lắm vì tôi cũng có những khó khăn đang vấp phải trong lớp học, hơn nữa tình hình an ninh ở quê nhà bỗng nhiên trở nên trầm trọng vì Hà Nội đồng loạt mở những cuộc tấn công lớn từ vùng 1 đến vùng 3 và đang đe dọa sự mất còn của Miền Nam cũng như gây lo âu cho nhiều người thân yêu ở quê nhà làm cho tôi cũng không an tâm chút nào để đùa vui vào lúc này.

Tuy nhiên sau khi thấy tình hình an ninh ở Sài gòn đã qua cơn nguy khốn, cũng như tôi bắt đầu gạt bỏ được những nguyên nhân gây căng thẳng trong việc học hành thì tôi thấy tâm hồn mình cũng như thơ thới hơn, nên gặp Hoài để có người trò chuyện cũng là một niềm vui. Có điều là do gặp Hoài mà tôi cũng thường xuyên gặp Huyên, chỉ vì Huyên không bận công việc mưu sinh, chồng nàng thì lại đi làm ăn xa, ở nhà một mình cũng buồn nên vào những ngày nghỉ cuối tuần Huyên hay đến thăm Hoài. 

Nếu Hoài hoạt bát và xông xáo thì Huyên ngược lại có vẻ dịu hiền và tình cảm yếu mềm hơn. Chính cái vẻ dịu hiền và ánh mắt đôi lúc thoáng vẻ u hoài ấy đã làm cho tôi chú ý đến Huyên và muốn tìm hiểu nàng nhiều hơn, nhờ thế mà tôi biết được Huyên tuy quê quán ở miền Trung nhưng đúng ra nàng là người Minh hương vì thân sinh gốc người Hoa. Có điều cái mảnh đất quê nghèo đã nuôi dưỡng nàng từ khi mới chào đời cho đến khi khôn lớn và cái ngôn ngữ nặng tình cảm ru nàng từ thủa nằm nôi lại có mãnh lực ràng buộc tâm hồn nàng lúc nào cũng gắn bó với quê mẹ. 

Nàng lấy chồng cũng là người Trung Hoa, một kỹ sư trong phái đoàn Đài Loan sang giúp Việt Nam đã gặp nàng và cưới nàng. Khi chồng nàng mãn hạn công tác về nước thì đưa nàng theo và sau đó lại đưa nàng qua Mỹ định cư. Khi biết được nàng có mang dòng máu Hoa, tôi bèn thỉnh thoảng đem cái vốn Quan thoại lõm bõm của mình ra đấu thử với nàng thì thấy nàng cũng chẳng giỏi gì hơn tôi vì nàng cũng chỉ mới học nói tiếng Hoa từ khi về ở quê chồng. Xa quê mẹ từ ngày theo chồng nên bây giờ mỗi khi gặp đồng hương người Việt, được cùng nhau trao đổi bằng cái tiếng nói quen thuộc từ khi bắt đầu học nói ấy, nàng vui mừng như được về với quê hương. 

Vì Huyên có xe nên nàng thường đón Hoài và tôi đi chơi đây đó. Chính nhờ Huyên chở đi chỗ này chỗ nọ mà tôi biết nhiều về thành phố này hơn. Thường mỗi lần đi chơi hay đi mua sắm như thế này, tôi lại hay đóng vai trông chừng hai đứa bé con của Huyên những lúc Hoài và Huyên mải mê nhìn ngắm hay lựa chọn những món hàng mà họ mê thích. Cũng có tuần Hoài và Huyên làm các thức đồ ăn rồi mang theo làm một buổi picnic tại công viên thành phố. Những dịp này tôi lại càng có dịp vui đùa với mấy đứa con của Huyên nhiều hơn làm cho không những mấy đứa con Huyên cũng tỏ ra quyến luyến với tôi mà chính Huyên có lúc nhìn cảnh ấy cũng phải xúc động. 

Trời ở đây lúc này đang là mùa xuân. Phải nói là ở những xứ sở mà thời tiết rõ rệt bốn mùa thì mỗi khi sang mùa là cả một bầu trời mang một sắc thái khác hẳn. Khi mùa xuân đến thì đâu đâu cũng thấy cây cối trổ hoa, và trong vườn mỗi nhà những luống hoa cũng đua nhau khoe sắc màu, và điều đặc biệt nhất ở đây là hầu như từ công viên cho tới những khu vườn nhà, đâu đâu cũng có trồng rất nhiều hoa iris, một loại hoa cánh mỏng như hoa huệ nhưng có rất nhiều màu khác nhau, và nhiều nhất là loại màu xanh như da trời, cái màu tôi vẫn hằng yêu thích. Tuy nhiên loại hoa này lại cũng rất mong manh, chóng tàn. 

Nhìn cuộc sống đầy đủ và thanh bình ở đây với những con người lúc nào cũng có vẻ thương yêu hòa hợp, đôi lúc tôi thầm ước phải chi cuộc đời của mình cứ được mãi mãi như thế này, nhưng khi chợt suy nghĩ lại, thấy mình đã lập gia đình, và nơi chốn quê nhà tôi cũng đã có một đứa con gái đầu lòng mới chào đời mà tôi lại chưa hề gặp mặt, còn cuộc sống nơi quê nhà thì lúc nào cũng chật vật và nơm nớp lo âu đủ điều làm tôi không khỏi chạnh lòng. Và cũng vì thế mà tôi cảm thấy những giây phút êm đềm bắt nguồn từ mối cảm tình lưu luyến mà những kẻ tha hương tìm đến với nhau và cho nhau hiện nay chẳng qua cũng chỉ là một sự kết hợp ngẫu nhiên tình cờ có tính cách tạm thời và mong manh như những cành hoa iris kia mà thôi, cho nên dù muốn dù không rồi cũng có lúc phải kết thúc.

Và rồi mùa hoa cũng đã bắt đầu tàn thật và những chồi non trên cây đã trổ lá xanh báo hiệu cho mùa hè sắp tới. Kỳ mãn khóa mùa xuân này thì Hoài cũng sẽ lấy xong bằng MS. và có lẽ sẽ phải trở về với gia đình, còn tôi thì sẽ phải lên Washington DC học hè trên ấy. Mặc dù Hoài muốn tôi ở lại dự ngày lễ ra trường của nàng cũng như Huyên dự tính sẽ mặc lại chiếc áo dài Việt Nam vào ngày ấy để mừng Hoài, và để tôi có dịp ngắm nàng trong chiếc áo dài, nhưng vì tôi không muốn lại có thêm những ray rứt riêng tư nên viện cớ lịch trình mà cơ quan bảo trợ đã sắp xếp cho tôi không thể trì hoãn được, nên vừa thi cuối khóa mùa xuân xong là tôi rời Nashville ngay, không chờ ngày mừng Hoài mũ áo lên lãnh văn bằng trong buổi lễ tốt nghiệp và ngắm Huyên trong chiếc áo dài Việt Nam, món bảo vật mà hình như người con gái Việt Nam nào đi ra nước ngoài cũng cố mang theo như một chút tình đối với quê hương phải bỏ lại phía sau, nhưng để rồi sau đó thì không mấy khi có dịp dùng đến, hoặc mặc không còn vừa vặn nữa. 

Kể ra thì tôi cũng thấy mình bỏ đi không có mặt trong ngày vui của Hoài và niềm mong muốn của Huyên như thế cũng có vẻ gần như hơi bất nhẫn, nhưng tôi nghĩ dù sao thì Hoài rồi đây cũng sẽ có con đường tương lai như niềm mong ước để theo đuổi, còn Huyên dù sao thì cũng đã có những bổn phận của riêng mình, cũng như tôi có những trách nhiệm mà tôi phải gánh. Chính vì thế mà suốt thời gian sau đó ở Washington DC. tôi cho như mọi chuyện đã an bài nên dứt khoát không liên lạc với Hoài hay Huyên nữa để cho tâm hồn mình đỡ vướng mắc.

Sau khi mãn khóa hè ở Washington DC rồi, tôi lại phải trở về Nashville để tiếp tục khóa mùa thu ở trường cũ thì Hoài cũng đã rời Nashville rồi. Còn Huyên thì không được tôi báo tin nên chắc cũng không biết là tôi đã về lại đây. Nhìn lại khung cảnh cũ nay thiếu vắng Hoài và Huyên tôi cũng thấy mình man mác buồn nên ngày đầu niên học mới, mặc dù lúc mới nhìn thấy Vi, tức cô sinh viên mới qua mặc chiếc áo dài đỏ, tôi có nảy ra cái ý định lại trêu đùa cô nàng một chút cho vui trước khi hỏi xem cô ta có cần giúp đỡ gì không, nhưng khi thấy thầy lác đã nhanh tay đóng vai nghĩa hiệp với người mới đến trước mình rồi, tôi cho rằng đó cũng là một cái may cho mình khỏi bận tâm với những chuyện đồng hương nữa cho đỡ rắc rối. 

Thế nhưng cũng vì có thầy lác lúc nào cũng thích làm cái việc nối một nhịp cầu thông cảm giữa các đồng hương cho nên mới tạo cơ hội cho tất cả đồng hương gặp gỡ nhau để chung vui xẻ buồn mà tôi lại gặp Huyên. Không những thế, một hôm tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy Hoài cũng đến tìm gặp tôi tại trường. Thì ra lâu nay Hoài chỉ mới đi qua một tiểu bang khác để thăm dò tìm việc làm chứ chưa về nước. Đang lúc muốn quên đi những liên hệ chỉ mang đến cho mình những tình cảm rắc rối nên tôi tỏ ra như lơ là với Hoài làm cho Hoài nhìn tôi khó hiểu và còn có vẻ như trách móc để rồi sau đó là lẳng lặng ra đi tiếp mà không hề từ giã khiến cho tôi cứ thấy lòng áy náy không yên. 

Riêng đối với Huyên vì thiếu Hoài để làm bạn, còn Vi thì lại không có những sở thích giống Huyên cho nên thỉnh thoảng có gặp nhau là cũng chỉ để rủ nhau đi mua sắm chứ không có những cuộc đi chơi chung như với Hoài trước kia. Có lẽ vì thế mà thời gian này mặc dù Huyên và tôi ít có dịp tiếp xúc, nhưng chút tình quê hương chưa dứt trong lòng kẻ xa xứ làm cho Huyên vẫn cứ muốn tìm một chút an ủi nào đó nơi một tâm hồn biết cảm thông thành thử vẫn thường hay gọi điện thoại để trò chuyện với tôi. Và thế là tôi thấy mình lại cứ bị vướng mắc mãi vào những tình cảm rắc rối tưởng đã trôi vào dĩ vãng. 

Một mùa thu trôi qua và một mùa xuân nữa lại đến. Mãn khóa mùa xuân này thì thầy lác cũng đã hoàn tất chương trình nên phải khăn gói trở về. Đúng lúc này thì một sự ngẫu nhiên tình cờ nữa lại xảy ra. Từ hồi mới qua tới nay Vi vẫn ngụ tại cư xá nữ sinh viên nội trú và thường đi học hoặc đi thư viện chung với thầy lác nên tôi cũng không mấy khi tiếp xúc. Nay đúng lúc thầy lác trở về nước thì căn apartment Hoài ở trước kia vốn được một bà sinh viên Pakistan lớn tuổi thuê tiếp nay lại đang trống một phòng nên bà ấy đã gọi Vi về ở chung. Sẵn ở apartment lại thuận tiện cho việc bếp núc mà Vi lại có khiếu về nội trợ nên hay nấu nướng. Có lẽ do cảm thấy ngồi ăn một mình thì cũng buồn mà thầy lác thì đã về nước rồi cho nên Vi bèn hay rủ tôi qua ăn cơm với nàng. Vì thấy Vi đang lẻ loi cần có bạn nên tôi đã không nỡ từ chối, và sau nhiều lần như thế, tôi thấy mình lại vô tình như mắc thêm món nợ với Vi để rồi thấy mình càng vướng mắc vào cái vòng ray rứt. 

Sau khi tiếp tục theo học tại Peabody khóa mùa hè và khi bước vào khóa mùa thu thì tôi cũng phải bắt đầu chuẩn bị cho ngày trở về. Nhìn lại những ngày qua và mối cảm tình mà Hoài, Huyên rồi Vi đã dành cho tôi bấy lâu, tôi thật tình không thể nào xác định được đó là loại tình cảm gì. Nhưng cho dù đó là loại tình cảm gì đi nữa thì giữa tôi và tất cả những hình bóng đó cũng đã có nhiều kỷ niệm để cho tôi thấy lòng mình lúc nào cũng như nuối tiếc. Không những thế, vào thời gian này chính nhờ có Huyên và Vi đã góp ý và giúp tôi lựa chọn cũng như mua sắm các món quà mang về mà tôi đã giải quyết được phần nào cái nghĩa vụ của kẻ đi xa đối với những người thân ở quê nhà, nhất là trong những lần đi tìm mua vải may áo dài, nếu không có Vi và Huyên lựa chọn và quyết định giúp thì chắc không bao giờ tôi có thể biết mua đúng những món hàng đẹp và thích hợp với vóc dáng, màu da của người sẽ mặc cái áo ấy. 

Nashville đang vào mùa đông. Những hàng cây trơ trụi và bầu không khí giá rét có thể sẽ khêu gợi cho lòng người nơi đây những nỗi niềm nhung nhớ. Nhưng dù sao đi nữa thì mùa đông nơi đây rồi cũng sẽ qua đi nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp trở về giúp cho con người lại quên đi nỗi u buồn để vui sống với những ngày tươi sáng. Riêng tôi giờ đây đang quay lại với quê hương, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng mà trong bao nhiêu năm qua chiến tranh, hận thù và tang tóc cứ đè nặng lên tâm tư và bây giờ lại một nền hòa bình khập khiểng nữa vừa mới mở ra mà tự bản chất lại không đủ khả năng để làm im hẳn những tiếng súng. 

Không biết có phải vì muốn tránh cho mình những xúc động khi phải đưa tiễn một người bạn có chung nhiều kỷ niệm với mình hay không mà vừa thi cuối khóa xong là Vi vội vã lên đường để đi dự một cuộc hội thảo tại một tiểu bang khác mà AID đã sắp đặt cho nàng. Tuy nhiên Vi vẫn chu đáo để lại chìa khóa phòng của nàng cho tôi có thể ở tạm trong thời gian West Hall đóng cửa mà tôi còn phải nán lại đây chờ hoàn tất cho xong một số thủ tục. 

Ngày tôi phải từ giã Nashville, chỉ còn Huyên một mình lái xe đưa tôi ra phi trường. Khi xe đã đến trước hành lang nhà ga phi trường và ngừng lại cho tôi xuống, Huyên vẫn ngồi ở tay lái nhìn tôi loay hoay xách mấy cái vali đặt cạnh vỉa hè. Lúc tôi quay lại định đến bên Huyên để nói vài lời từ biệt thì nghe có một điệu nhạc êm dịu của một bài luân vũ phát ra nhè nhẹ từ cái máy cartidge trong xe và tôi nhận ra đó là bản Tennessee Waltz. Tôi thừ người chưa kịp nói gì thì Huyên đã cho xe chạy và tôi chỉ còn biết nhìn theo.

Tôi nhớ lại ngày đầu tiên tôi gặp Huyên ở nhà Hoài. Hôm ấy khi tôi ngỏ ý muốn nghe nhạc thì Hoài đã mở cho tôi nghe đúng bản này, và tôi đã ngẫu hứng diễu tên cái thành phố Nashville này thành "nát vụn con tim" và tiểu bang Tennessee này là "tan nát tình si". Ngày ấy tôi chỉ xem lời nói đó như một chút đùa vui trong buổi hội ngộ của những kẻ đồng hương, nhưng hôm nay tôi mới thấy chính cái lời diễn tả ấy bây giờ lại đang làm cho mình nhận thức ra chính mình hình như cũng đang có một chút gì se thắt trong tim. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment