Ký sự Tùy bút
10.- BÀI HỌC
VỠ LÒNG TRÊN ĐẤT MỸ
Liên tiếp mấy hôm trước ngày khởi hành luôn bận bịu với công việc sửa soạn và những chuyện thăm viếng từ giã bà con rồi đến hôm lên đường thì lại phải chịu đựng một ngày dài nóng bức ngồi chờ mệt mỏi ở trạm hành khách thiếu tiện nghi của khu phi trường quân sự nên khi được ngồi yên trong cái ghế êm ái của chiếc máy bay phản lực sang trọng thì tôi cũng bắt đầu ngủ gà ngủ gật, chỉ thỉnh thoảng thức dậy vì đến giờ tiếp viên dọn bữa ăn cho mình.
Sau khoảng năm giờ bay thì đến căn cứ Okinawa ở Nhật, máy bay đáp xuống tạm nghỉ để tiếp tế nhiên liệu và thay đổi phi hành đoàn. Hành khách cũng phải xuống hết vào chờ trong phi trường. Tại đây có cửa hàng PX rất lớn bán đầy đủ mặt hàng từ các loại máy móc cho tới rượu, thuốc lá với giá rẻ và miễn thuế cho quân nhân, nhưng mấy quan nhà binh phe ta thì hầu như chỉ dạo chơi nhìn ngắm thôi, tuy nhiên anh bạn đồng hành cũng rủ tôi mua vài tấm bưu thiếp để có dịp cười ruồi với mấy cô bán hàng người Nhật khi lại quầy trả tiền, sau đó lo viết vội vài chữ cho kịp bỏ ngay thùng thư tại chỗ gửi về gia đình hay bạn bè như một chứng tích đầu tiên là mình cũng có đặt chân lên đất Phù
Tang.
Chặng đường tiếp theo là trực chỉ Alaska.
Máy bay toàn bay trên biển và khi đáp xuống Anchorage, mặc dầu căn cứ vào đồng hồ thì đang là giờ trưa ở đây nhưng khi bước ra khỏi máy bay thì thấy bầu trời cũng như đêm và mặt đất thì trắng xóa tuyết còn người thì cảm thấy lạnh cóng. Cũng may là chỉ phải bước vài chục bước là vào tới bên trong phi trường có máy sưởi ấm nên không còn lạnh nữa. Đến đây là đất Mỹ rồi cho nên hành lý ký gởi cũng được bốc xuống theo để cho quan thuế kiểm soát, còn hành khách thì phải làm thủ tục nhập
cảnh.
Sau đó, hành khách lại lên máy bay và hành lý ký gởi cũng được chất lại lên phi cơ để bay tiếp thêm một chặng dài khoảng 5 tiếng đồng hồ nữa thì tới Travis Air Base ở phía bắc thành phố San Francisco, điểm cuối của cuộc hành trình. Kể từ lúc khởi hành tại Sài gòn vào buổi chiều ngày áp lễ Giáng sinh, mặc dù đã trải qua hơn 20 giờ bay nhưng vì phải đi qua đường đổi ngày của trái đất nên lúc bọn tôi đặt chân xuống California thì vẫn hãy còn chưa tới nửa đêm cùng ngày, và suốt chặng đường lúc nào nhìn ra ngoài trời cũng chỉ thấy một màu đen của đêm.
Khi xuống máy bay tại phi trường Travis thấy các quân nhân Việt Nam khác
đi tu nghiệp về quân sự thì đều có đơn vị cử người ra tiếp đón, riêng hai thằng tôi chả có ai đến chào hỏi, bèn lò dò lại phòng chỉ dẫn hỏi thăm đường tìm đến nhà vãng lai dành cho quân nhân trên đường đi công tác trú ngụ thuê phòng nghỉ. Thấy phòng ở nhà vãng lai dành cho quân nhân cũng tiện nghi tươm tất, có tivi, tủ lạnh, điện thoại mà chỉ phải trả có 2 đô la một ngày mỗi người, trong khi nếu thuê phòng khách sạn cũng phải trả ít nhất từ 7 đô trở lên theo như tài liệu hướng dẫn đã được học trước ngày đi, nên cũng lấy làm hài lòng vì đã tiết kiệm được nhiều
lắm.
Vì chưa quen với giờ giấc, hơn nữa lúc còn ngồi trên máy bay thì cũng đã ngủ chập chờn quá nhiều rồi nên anh chàng Robert và tôi không ai ngủ tiếp được, chỉ mong trời sáng để đi đây đi đó. Anh chàng Robert đây tức là anh bạn đồng môn đồng hành với tôi, nhưng vì trước đây anh ta cũng có một chút cái gốc Quân cảnh trong đời binh nghiệp nên bây giờ đã qua tới Mỹ, tôi cũng muốn xài luôn cái tiếng lóng để gọi mấy anh chàng Quân cảnh mà gọi anh ta luôn cho tiện. Cũng vì lúc ở Sài gòn ra đi thì thời tiết nóng và theo sự tính toán kiểu con nhà
nghèo thì anh nào được đi Mỹ cũng chỉ nghĩ đến chuyện để dành chỗ cho va li hành lý ngày trở về có thể mang theo được nhiều quà cáp hơn cho người ở nhà, nhất là bọn tôi thì khi qua đến Mỹ đi học như dân sự, đâu có mặc đồ nhà binh nữa, nên không tên nào dại gì mang thêm bộ quân phục mùa đông làm gì cho nặng nề mà chỉ có bộ quân phục mùa hè đóng trên người. Chính vì vậy mà khi thấy trời vừa sáng thì hai thằng bèn dậy, đóng lại bộ quân phục mùa hè rủ nhau ra ngoài đi dạo thì mới thấy là mình trông chẳng giống ai
cả.
Vì đang là kỳ nghỉ lễ Giáng sinh nên
quang cảnh trong căn cứ rất vắng vẻ. Hơn nữa, mặc dù đây là một căn cứ không quân lớn nhưng
bầu không khí thì lại rất yên tĩnh chứ không phải như ở Tân Sơn Nhất, lúc nào cũng nghe tiếng của đủ loại động cơ máy bay trên bầu
trời. Ngoài ra ở đây cũng chẳng ai phải nghe tiếng súng đại bác hay tiếng bom vọng về như ở Sài gòn. Anh chàng Robert thấy khung cảnh
buồn tẻ quá nên bàn với tôi nếu cứ ở lại căn cứ chờ tới ngày hôm sau mới đi Washington DC theo như lịch trình đã được ấn định trước thì cũng uổng phí một ngày trời bèn rủ tôi lợi dụng ngày hôm nay về San Francisco ở để dạo chơi cho biết, lại tiện cho việc phải ra phi trường dân sự đáp máy bay vào ngày hôm sau. Thế là cả hai vào thanh toán tiền phòng xách va li ra đón xe
buýt về San Francisco.
Ở Mỹ cái gì cũng có vẻ to lớn vĩ đại cả cho nên xe
buýt Greyhound cũng to rộng và tiện nghi chứ không nhỏ hẹp chen chúc như xe đò quê nhà. Ngồi trên xe cũng có thể ngắm cảnh bên ngoài thoải mái. Mặc dù nước Mỹ đang lâm chiến, nhưng cảnh tàn phá do bom đạn gây ra thì lại chỉ xảy ra trên quê hương tôi xa hàng ngàn dặm, còn tại đây cảnh vật thật thanh bình. Xe chạy trên xa lộ rộng rãi độ nửa tiếng thì vượt qua cây cầu treo lớn mà mới đầu tôi tưởng là Golden Gate nhưng sau tìm hiểu lại thì là không phải mà chỉ là một cây cầu treo khác ở phía bắc thành phố. Khi xe bắt đầu đi vào thành phố, nhìn thấy phố xá tuy đồ sộ nhưng có lẽ do ký ức đã in sẵn những hình ảnh này qua những lần đọc sách, xem phim ảnh trước đây nên tôi vẫn có cảm giác như đã quen thuộc
lắm.
"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn tục ngữ" của ta có câu như
thế cho nên khi tới bến xe ở trung tâm downtown, hai thằng tôi
vừa xuống xe đang chờ lấy hành lý thì thấy trong đám người
lảng vảng ở đây có một anh chàng ăn mặc có vẻ lôi thôi
chạy tới xun xoe chào theo kiểu nhà binh và gọi bọn tôi là
captain. Thật tình thì cả anh chàng Robert và tôi cũng không hiểu
anh chàng này là ai, có phải là người Mỹ hay không nhưng hiện
tại hễ thấy một người nào mà không phải là da vàng thì dù
trắng hay đen mà nói tiếng Anh là bọn tôi đều coi đó như là người
Mỹ, và mặc dù không hiểu rõ ý anh chàng muốn gì nhưng khi nghe
anh ta cứ nằn nì xin tiền, lại đòi xách hành lý giúp làm cho
cả hai chúng tôi quỷnh lên vội vàng ngoắt ngay một chiếc xe
taxi. Ở quê nhà chỉ thấy cảnh con nít ta chạy theo xin tiền Mỹ,
không ngờ mới qua đây gặp ngay cảnh tượng tréo cẳng ngỗng này
làm tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Sau khi nói với bác tài xế taxi chở tới một khách sạn nào đó có phòng cho thuê rẻ tiền, bọn tôi được bác tài đưa tới một khách sạn có nhiều tầng cũng không xa đấy lắm vì xe chạy không lâu. Nhân viên khách sạn ghi tên vào sổ xong thì bellboy lại xách hai cái valy và đưa chúng tôi lại một cái thang máy cổ lỗ sĩ đâu từ thời mới có thang máy để lên phòng ở mãi tuốt cả chục tầng lầu cao. Lúc nhìn ở ngoài thì khách sạn trông to cao lắm nhưng khi vào tới phòng thì thấy phòng cũng chỉ nhỏ xíu như cái chuồng gà, có hai giường và đồ đạc thì rất cũ kỹ nhưng
mỗi thằng phải trả 6 đô la mỗi ngày. Đã thế, khi bellboy đặt hai cái va li nhẹ tênh xuống, bọn tôi lại còn phải móc túi lấy ra vài quarter cho tiền típ cho đúng phép lịch sự.
Sau khi trút bỏ bộ đồ nhà binh ra và thay đồ vest vào, anh chàng Robert rủ tôi ra dạo phố và tìm chỗ ăn. Sau khi hỏi thăm nhân viên ở đây cho biết là khu ChinaTown cũng chỉ cách chỗ khách sạn bọn tôi ở có vài khu phố nên anh chàng Robert rủ tôi đi bộ tìm đến đó ăn cơm Tàu nhưng đi được một vài khu phố mà đường sá thì toàn là lên dốc xuống dốc lại thêm phần vừa lạnh vừa đói mà chẳng thấy ChinaTown đâu cả nên bọn tôi bèn ghé vào một tiệm cafeteria ăn cơm chỉ. Sau đó tôi quay về khách sạn, riêng anh chàng Robert có lẽ cũng có máu giang hồ vặt nên không nản chí, nhất định tiếp tục đi một mình.
Về lại phòng ở khách sạn, mở tivi coi cho qua thì giờ thì mới thấy là tivi hỏng bèn hết lên giường nằm lại ra đứng cửa sổ nhìn xuống đường sâu thăm thẳm bên dưới, bụng thì phập phồng không biết anh chàng Robert đi đâu làm những gì và có gì bất trắc xảy ra không. Mãi tới tối mịt thì tôi nghe cửa phòng xịch mở và anh chàng Robert bước vào. Tôi hỏi anh ta đi chơi khu ChinaTown thế nào thì anh ta tiu nghỉu trả lời đi mãi cũng chẳng gặp khuôn mặt nào là Tàu cả đành quay
về.
Sáng hôm sau, theo đúng lời chỉ dẫn trong lịch trình, hai thằng thuê taxi ra phi trường thật sớm nhưng thấy xe chạy cả nửa tiếng đồng hồ mới đến nơi và tiền xe phải trả lên tới hơn hai chục mà lại còn phải thêm tiền típ làm bọn tôi cũng cảm thấy xót
ruột. Đến phi trường San Francisco mới thấy phi trường quốc tế này quá tối tân và vĩ đại. Tìm được chỗ trình vé ký gửi hành lý xong ngồi chờ tới lúc nghe gọi lên máy bay thì thấy mình chỉ toàn đi trong hành lang nhưng cũng đã vào thẳng trong phi cơ, điều mà các phi trường khác chưa
thực hiện. Lúc rời Sài gòn được ngồi trong chiếc DC 8 đã cho là to lắm nhưng chiếc máy bay bọn tôi đi hôm nay là chiếc Boeing 747 của hãng TWA nên còn to và sang hơn nhiều vì hàng ngang có tới 9 ghế. Mặc dù thời tiết ở San Francisco không lạnh lắm nhưng thấy hành khách đi máy bay ai cũng xách theo chiếc áo khoác ấm, chỉ có hai thằng tôi mới qua Mỹ không biết gì về thời tiết từ bang này qua bang kia thay đổi cỡ nào nên chỉ có bộ vest trên người. Đúng là điếc không sợ súng.
Chuyến bay thẳng từ San Francisco đến Washington DC mất chừng 5 tiếng đồng hồ nhưng vì giờ miền đông đi trước giờ Cali bốn tiếng nên lúc đến phi trường Dulles thì cũng đã 5 giờ chiều và trời mùa đông nên tối mịt. Máy bay đậu cách nhà
khách hơi xa vì phi trường quốc tế này vừa mới được xây dựng,
còn nhiều tiện nghi chưa hoàn tất. Thấy hành khách ai nấy cũng chuẩn bị áo ấm khoác ngoài làm cho tôi cũng hơi lo nhưng cũng may là hành khách không ai phải xuống đất mà chỉ từ cửa phi cơ bước thẳng vào những chiếc xe ca lớn thiết kế như một cái phòng đợi di động nhỏ để được chở vào tận phòng khách phi trường.
Mặc dù theo sự chỉ dẫn từ trước, chúng tôi đều có gắn cái huy hiệu AID nhỏ xíu trên ve áo để làm dấu cho thiện nguyện viên tiếp đón nhận ra mình ở phi trường nhưng nhìn quanh quất mãi cũng chẳng thấy ai hỏi đến mình bèn ra ngoài tìm xe về thành phố. Đến lúc đó thì chúng tôi mới thấy một người Mỹ tiến lại hỏi thăm. Khi biết ông ta là người đi đón chúng tôi, anh chàng Robert và tôi nghĩ là sẽ được ông ta đưa thẳng về khách sạn nhưng rốt cuộc ông ta chỉ hỏi chúng tôi vài câu rất xã giao, và khi nghe chúng tôi nói là có thể tự mình theo xe ca về thành phố rồi đón taxi về khách sạn cũng được thì ông ta cũng từ giã luôn. Thế là chúng tôi lại cứ đành theo cẩm nang mà làm và khi tới được cái khách sạn đã dành sẵn mới thấy cái khách
sạn này cũng không sang gì hơn cái khách sạn ở San Francisco mà bọn tôi đã ở hôm qua nhưng mỗi thằng phải trả 7 đô mỗi ngày.
Ngày hôm sau, bọn tôi lại cứ theo cẩm nang mà thi hành nên vừa thức dậy là lo sửa soạn đóng bộ vào rồi gọi taxi đưa đến địa điểm có cuộc hội thảo. Đây là một trụ sở của AID tức là cơ quan Phát triển Quốc tế chuyên tổ chức những buổi hội thảo nhập môn về đời sống ở Hoa Kỳ cho tất cả những người từ các nước trên thế giới được AID cấp học bổng đến Hoa Kỳ du học. Trong đợt hội thảo tuần này có khoảng chừng bốn chục tham dự viên. Ngoại trừ hai thằng tôi thuộc giòng dõi con Rồng cháu Tiên, số còn lại đều là người thuộc các dân tộc khác của châu Á hoặc châu Phi, và Nam Mỹ.
Buổi hội thảo cũng chỉ nhằm nhắc lại cho những người tham dự viên những điều họ đã được hướng dẫn trước lúc rời quê nhà và tham dự viên thì mỗi người lại nói tiếng Anh theo một giọng cho nên ai cũng có vẻ thích nhìn nhau và mỉm cười nhiều hơn là phát biểu. Tuy nhiên trong buổi sáng hôm đó, qua vài câu trao đổi với một anh chàng người Thái ngồi bên cạnh mà bọn tôi cũng đã được anh ta mách cho một chỗ trọ rẻ tiền hơn ở đường 21. Thế là sau buổi hội thảo đầu tiên, anh chàng Robert lật đật kéo tôi chạy về khách sạn đang ở thanh toán tiền phòng và lập tức dọn tới
Harnest Hall. Nhà trọ này cũng rất cũ kỹ, phòng cũng nhỏ lại không có ti vi và điện thoại, nhưng tiền nào của nấy, người ở trọ được nuôi ăn hai bữa sáng và tối mà chỉ phải trả khoảng bốn đồng mỗi ngày thôi nên hầu như những anh chàng được học bổng qua Mỹ lúc mới đến đều tạm trú tại đây.
Cũng theo lịch trình, chiều hôm ấy bọn tôi
phải đến trụ sở AID ở đường E để trình diện và gặp sponsor của mình.
Đường phố ở DC được thiết kế toàn là đường thẳng ô vuông
với đường ngang mang tên bằng chữ cái và đường dọc mang số
theo thứ tự bắt từ trung tâm và thêm những con đường chéo mang
tên các tiểu bang của Mỹ cho nên cũng rất dễ nhận định và dễ
tìm. Lúc ở Sài gòn được USAID cho biết sponsor của bọn tôi là Miss M. nên trong trí tưởng tưởng của tôi cứ nghĩ đó là một cô Mỹ còn trẻ nhưng khi đến nơi giáp mặt tôi mới thấy mình lầm to vì đó là một bà đã gần tuổi về hưu nhưng vì không lấy chồng nên theo tiếng Mỹ vẫn được gọi là cô.
Kể ra thì bà ta cũng tỏ ra có thiện cảm với bọn tôi và khi thấy chúng tôi vẫn còn đeo cái huy hiệu AID nhỏ xíu ở ve áo, bà ta khuyên chúng tôi từ nay nên cất hẳn nó đi vì cái huy hiệu xinh xinh này không còn ích lợi gì nữa mà có thể gây phiền phức cho chúng tôi nếu chúng tôi ra đường gặp phải những người Mỹ có tinh thần bài ngoại quá khích. Ngoài ra, thấy tôi không có áo khoác ngoài mà trời thì đang mùa đông nên bà ta vội gọi điện thoại cho một anh chàng cũng là dân Văn hóa vụ thuộc khoa Anh văn đang theo học tại đại học American ở đây và ngụ gần đó đến gặp chúng tôi và cũng là để dẫn tôi đi mua ngay một cái áo khoác.
Mấy ngày cuối của tuần lễ nhập môn này chúng tôi được nhân viên ở đây hướng dẫn đưa đi xem các nơi nổi tiếng như Toà nhà Quốc Hội, đền Tưởng Niệm Abraham Lilncon, nghĩa trang Quốc gia ở bên Arlington cũng như ngôi nhà của Washington, vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ ở
Virgiania. Có một điều làm tôi chú ý là tuy là thủ đô của một cường quốc đa số là da trắng, nhưng dân chúng sống trong nội thành thì hầu như chỉ là người da đen, còn người da trắng thì lại di chuyển ra sinh sống ở các khu ngoại ô mới mở mang rộng rãi sang trọng hơn thuộc bên Maryland hay Virginia. Ngoài ra các cao ốc trong phạm vi thủ đô không có cái nào thật cao nhiều tầng như những cao ốc mà tôi nhìn thấy qua hình ảnh tại các thành phố lớn khác như Chicago, New York.
Còn bốn năm nữa là tới năm 1976, năm đánh dấu tròn 200 năm ngày Hoa Kỳ Tuyên bố Độc lập cho nên ngay từ lúc này chính quyền đang cho thực hiện nhiều công trình chỉnh trang và làm đẹp thủ đô để ăn mừng ngày này. Đi đến đâu cũng thấy có nhiều khu phố cũ đang được triệt hạ để xây lại những cao ốc mới cũng như đường phố nhiều nơi bị ngăn chặn để đào xới bên dưới vì đang có công trình thực hiện tuyến đường xe điện ngầm.
Mặc dù nước Mỹ đang chuẩn bị để đón mừng 200 ngày lập quốc thật trọng thể nhưng bên trong thì cuộc chiến Việt Nam hiện nay đang là một vết thương làm loang lổ cái tinh thần tự hào của người dân Mỹ. Những cuộc biểu tình phản chiến to rộng và gây bạo động như đã xảy ra tại các đại học Mỹ vào những năm cuối của thập niên 60 tuy đã qua và phong trào phản chiến có phần lắng dịu hơn, tuy nhiên một hôm đi qua một công viên tôi cũng đã có dịp thấy tận mắt một nhóm thanh niên phản chiến đang tập họp trương cờ của mặt trận Giải phóng Miền Nam và đốt thẻ trưng binh. Còn quanh toà Bạch
Ốc hay ở phía công viên đối diện thì hầu như lần nào đi ngang qua, tôi cũng thấy có ít ra dăm bảy người mang trước ngực và sau lưng tấm bảng bằng bìa cứng viết những giòng chữ phản đối chiến tranh Việt Nam, đi qua đi lại ngoài vòng rào.
Ngày cuối của tuần lễ hội thảo, các tham dự viên chỉ đến để chia tay nhau rồi ra về chuẩn bị cho mai đây mỗi người sẽ đi về một vùng nào đó trên đất Mỹ để theo học tại một trường Đại học địa phương. Thấy thừa thì giờ nên anh chàng Robert rủ tôi đi thẳng lại đường 14, nơi mà kẻ đi trước truyền bảọ cho lớp người đi sau là khu có rất nhiều món hấp
dẫn nên tìm đến để rửa mắt. Bao nhiêu năm nay sống ở quê nhà,
bị gò bó trong nền luân lý Đông phương nên quen coi việc trưng bày các hình ảnh khiêu dâm là một sự vi phạm thuần phong mỹ tục thì tại khu phố này, người Mỹ tự do bày bán đủ thứ sách vở phim ảnh cũng như những dụng cụ trợ giúp tình dục một cách công khai và hợp pháp, chỉ cấm kẻ vị thành niên dưới 18 tuổi lai vãng thôi.
Anh chàng Robert lôi tôi bước vào một tiệm, ngắm nghía hết hình này, tạp chí nọ và những thứ trưng bày trong tủ kiếng. Trong tiệm còn có phòng chiếu phim con heo nhưng phải trả tiền. Thấy trong tiệm cũng có đặt mấy cái máy xem phim gần giống như kiểu máy của mấy anh chàng chiếu phim dạo cho con nít xem ở xứ ta, nhưng mỗi máy chỉ có một ống nhìn cho một người xem thôi và muốn xem thì chỉ việc bỏ 25 xu vào máy, cho nên anh chàng Robert có lẽ do muốn tiết kiệm bèn chọn ngay một máy rồi bỏ tiền vào xem thử. Mới xem được vài phút thì máy ngưng và muốn xem tiếp lại phải bỏ thêm 25 xu khác. Vì đang hồi gay cấn nên anh chàng lỡ trớn cứ tiếp tục moi tiền cắc bỏ vào xem tiếp cho tới khi hết phim thì tính ra anh ta cũng đã tiêu bằng số tiền mua cái vé để vào phòng bên trong ngồi xem trọn vẹn một phim. Đúng là óc kinh doanh của người Mỹ lợi hại thật.
Hết tuần lễ nhập môn thì anh chàng Robert phải về trường mình ở Louisiana để nhập học vì trường anh ta khai giảng sớm hơn, chỉ còn mình tôi ở lại vì trường tôi đến gần cuối tháng giêng mới khai giảng và lúc ấy ký túc xá nhà trường mới mở cửa. Để lấp khoảng thời gian
trống còn lại ở đây, bà M. gửi tôi qua dự lớp học Anh ngữ bổ túc ở American Language Institute bên Đại học Georgetown. Thế là sang tuần lễ thứ nhì ở Washington DC, chỉ còn tôi hàng ngày đi qua khu Georgetown để đến lớp. Từ
Harnest Hall đến trường có thể đi bằng xe buýt, nhưng thấy con đường chừng hai dặm cũng không lấy gì gọi là xa nên tôi thích lội bộ hơn, vừa tiết kiệm được tiền xe lại được thong thả ngắm người ngắm
cảnh.
Khu Georgetown là một thành phố cổ kính nằm phía tây bắc ngăn cách với khu DC bằng con suối nhỏ đổ ra giòng sông Potomac. Nhà cửa khu này hầu hết đều kiến trúc theo kiểu xưa có tường xây bằng đá. Khu này cũng có nhiều con đường nhỏ có dốc thoai thoải và được lát bằng đá chứ không phải tráng nhựa hay đúc xi măng như các đường phố hiện đại. Tự nhiên tôi thấy mình như được đi lạc vào cái thế giới êm đềm mộng tưởng của xã hội Anh thời thế kỷ 18, 19 được mô tả trong các sách Anglais vivant. Trời mùa đông trong xanh nhưng cây cối đều trụi lá và tuy không có tuyết nhưng cũng có một vài hôm lạnh tới mức đông đá đến nỗi nước
con suối nhỏ và nước ở dòng sông Potomac hàng ngày vẫn chảy xiết mà có hôm tôi thấy đóng băng thành một dòng bất động. Những ngày cuối tuần không phải đi học, tôi lang thang xuống phố vào các cửa hàng nhìn ngắm.
Ở Việt Nam quen với giá hàng Mỹ miễn thuế của PX hay hàng lậu
nên khi nhìn lại cái giá của một món hàng tương đương nào đó
ở đây thì giật mình nên cũng chỉ nhìn biết nhìn ngắm suông mà
thôi.
Sau hai tuần sống thư thả như vậy thì tới kỳ trường khai giảng nên tôi phải đáp máy bay về Tennessee. Khi máy bay đáp xuống phi trường Nasville thì trời đang đổ mưa. Nhân viên hãng máy bay phải đem dù ra tận cửa máy bay cho hành khách che để đi vào phòng khách phi trường. Vì biết trước là không có ai ra đón tôi khi đến đây nên sau khi nhận xong hành lý ký gởi, tôi xách valy ra hành lang ngoài cửa đứng nhìn tần ngần. Cảnh vật ở đây cũng đang trơ trụi vì là mùa đông nhưng khí hậu có vẻ ít lạnh hơn ở trên miền Bắc.
Khi cơn mưa đã tạnh tôi ngoắt một chiếc taxi và nói với người tài xế chở tôi về trường Peabody. Người tài xế nghe tôi nói nhưng chẳng hiểu tôi muốn về đâu nên cứ hỏi đi hỏi lại mãi. Cuối cùng tôi đành lấy một mảnh giấy ghi tên và địa chỉ của cái trường mà tôi định đến đưa cho bác ta xem thì bác ta ồ lên một tiếng thật to rồi nhắc lại cái tên trường mà người dân địa phương ở đây ai cũng biết bằng cái giọng
"quê rặc" (country) của bác ta. Thì ra tôi đã phát âm cái tên trường này không giống cách phát âm của người dân địa phương miền Nam này.
Tự nhiên tôi thấy tiếc tại sao mình không được theo học ở
Washington DC mà phải về đây, ở cái xứ mà giọng nói mới nghe
qua đã thấy mình vất vả rồi. Điều này làm cho tôi hiểu rằng kể từ hôm nay tôi mới thực sự bắt đầu đi vào cuộc sống ở đất Mỹ với nhiều khó khăn và phức tạp hơn tôi tưởng chứ không phải như ba tuần qua, tôi chỉ mới đóng vai một anh chàng từ nhà quê được ra tỉnh dạo chơi.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment