Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 15, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [9]

Ký sự Tùy bút

9.- RỒI CŨNG CÓ MỘT LẦN ÐI
 
Thời chinh chiến người ta cưới vợ lấy chồng nhiều khi rất vội vã. Tuy không đến nỗi " ngày hợp hôn, nàng không đòi may áo cưới, tôi mặc đồ quân nhân..." như Hữu Loan miêu tả trong bài thơ Màu Tím Hoa Sim, nhưng tôi cũng " cưới nàng xong là tôi đi..." Chỉ vài ngày sau bữa tiệc trà được tổ chức đơn giản tại nhà cũ của ông ngoại tôi ở Khánh Hội mà khách khứa chỉ gồm số bà con thân cận nhất của hai bên, còn bạn bè hầu như không ai được mời, tôi soạn lại mớ quân trang quân dụng của  mình bao lâu nay bị bỏ quên trong một xó cho vào ba lô và cái sac marin rồi lên đường trở về trình diện đơn vị. Nàng, bây giờ là bà xã tôi, không thể bỏ mẹ già và công việc làm ăn để đi theo tôi lên cái xứ lạnh với sương mù tập làm thông reo, nên chỉ có thể tiễn tôi ra bến xe hàng không. 
 
Hơn một năm rưỡi xa cách Đà lạt nay mới trở lại, tôi thấy phong cảnh nơi đây hình như vẫn nguyên vẹn như ngày ra đi. Phi trường Liên Khương cũng chỉ thấp thoáng bóng người mỗi khi sắp có chuyến máy bay đáp xuống và khi chiếc máy bay đã lại cất cánh và số hành khách đến cũng đã lên xe ca để về thành phố thì nhà ga phi trường cũng trở lại với cái vắng lặng thường xuyên của mình. Trên con đường từ Liên Khương về Đà lạt, chiếc xe ca gần như chạy đơn độc, không mấy khi gặp xe chạy ngược chiều. Lúc xe leo đèo Prenn, nhìn cảnh một bên là vách núi và một bên là thung lũng sâu ngút ngàn với những rừng thông thân cây thẳng đứng, tôi chợt thấy mình như vẫn còn một chút gì luyến tiếc về những ngày thanh thản muốn tập làm cây thông nay đã trở thành xa xôi, vì dù muốn dù không thì tôi bây giờ cũng ít nhiều có những nỗi băn khoăn day dứt về những vướng bận còn để lại chốn đô thành.
 
Có lẽ do những suy nghĩ mông lung đó mà khi xe ca về tới trạm Hàng không ở ga xe lửa cũ Đà lạt, tôi định bụng đón xe ngược ra phố ghé lại cư xá Thủy Tiên tìm phòng ở, nhưng lúc ra đường gặp chiếc xe lam chạy vào Chi Lăng thì lại leo lên, bèn đi thẳng vào cư xá Quang Trung. Khi tới căn phòng cũ ở F1 thì được biết anh chàng trung úy trưởng bộ môn sử cũ của tôi sau khi rút tên khỏi danh sách ứng viên đi du học trở về trường ít lâu thì cũng đã được biệt phái về Sài gòn nên lại bàn giao căn phòng đó cho một anh bạn vừa là đồng môn Văn khoa và đồng khóa Thủ Đức với tôi. Anh chàng này cũng vừa mới cưới vợ ở Sài gòn nhưng lại can đảm hơn tôi ở chỗ dám rước nàng về cái dinh F1 này xây tổ ấm nên tôi phải qua dãy F2 tìm chỗ ở chung với mấy anh chàng độc thân. Thì ra không phải trong thời gian qua chỉ có mình tôi âm thầm cưới vợ mà đám bạn bè võ lâm văn hóa còn nhiều anh nữa cũng cưới vợ một cách lặng lẽ như Việt cộng đánh đặc công vậy. 
 
Ngày hôm sau tôi bắt đầu khoác lại bộ đồ nhà binh rồi qua trường trình diện. Quang cảnh các khu khác vẫn như cũ nhưng tại khu văn hóa vụ bây giờ mới có thêm hai toà nhà bê tông với tường bằng gạch màu đỏ kiến trúc theo kiểu Mỹ trông rất kiên cố. Ngoài toà nhà dùng làm Phòng thí nghiệm nặng nằm biệt lập phía bên nhà H, mang tên vị sĩ quan Trưởng phòng vừa bị hy sinh trong đợt đặc công Cộng sản đánh vào trường mấy tháng trước, còn một dãy đối diện với nhà H nay là khu bao gồm các cơ sở văn hoá vụ, thư viện và cơ sở quân sự vụ. Thiết kế bên trong và các đồ trang bị đều giống như trong các cơ quan của Mỹ ở Sài gòn, nhưng vì hệ thống chiếu sáng toàn dùng đèn điện theo kiểu Mỹ cho nên lúc vào bên trong thì lúc nào trông cũng có vẻ như tối do tiết kiệm điện, không dám xài nhiều đèn. 
 
Văn hóa vụ trưởng hiện tại là một Đại tá mới về thay cho trung tá Vân đã đi Mỹ học. Khoa Nhân văn cũ nay cũng đã tách làm hai khoa vì số bộ môn quá nhiều và số giảng viên cũng quá đông. Các môn Văn và Sử vẫn thuộc khoa Nhân văn nhưng các môn về Triết và Luật thì thuộc khoa Khoa học Xã hội cho nên bây giờ tôi thuộc quân số khoa này. Ông Trưởng khoa cũ bạn đồng môn già của tôi cũng đã đi Mỹ du học. Khoa trưởng bây giờ là một thiếu tá mới du học về. Thành phần giảng viên tại các khoa hiện nay thì có vài người cũ đã được biệt phái, một số đã đi Mỹ hay đang học Anh ngữ ở Sài gòn, nhưng số người đang phục vụ vẫn rất đông vì có thêm nhiều người mới thuộc các khóa Thủ Đức sau này hoặc từ các đơn vị khác thuyên chuyển về đây, ấy là chưa kể còn có một số người được tuyển vào giảng dạy với tư cách giáo sư dân chính, làm tôi có cảm tưởng như mình không phải là người trở về mà là kẻ mới đến. 
 
Vì số giảng viên trong khoa đang thặng dư cho nên những người thuộc tình trạng chờ đi du học như tôi không được phân phối vào công tác giảng huấn mà chỉ được giao cho những công tác có tính cách tạm thời. Tình trạng này cũng gần giống như ngồi chơi xơi nước nên tôi thường chỉ biết dùng thì giờ để quan sát những sinh hoạt xung quanh mình. Tất cả những thiết bị và trang vật dụng cần cho nhu cầu giảng huấn tại Văn hóa vụ bây giờ đều do Mỹ trực tiếp viện trợ. Phương tiện thì quá đầy đủ nhưng cách xử dụng thì có vẻ thiếu cẩn trọng và nhiều khi còn lãng phí khiến cho tôi có cảm nghĩ là cái tinh thần vừa bài Mỹ vừa ỷ lại vào Mỹ cũng đang tác động cách hành xử của mọi người ở đây. 
 
Nếu như nghề văn của tôi lúc này coi như bị thất nghiệp thì trái lại cái áo võ của tôi không cho phép tôi chỉ ngồi chơi. Mới về trình diện được một tuần thì tôi đã thấy có tên lên bảng trực. Đêm đầu tiên lên phiên trực ở Quang Trung gặp anh trung úy trực chính thấy tôi ở F2 chỉ cách phòng trực có một dãy nên bảo tôi cứ việc về phòng mình nằm ngủ cho thoải mái, chỉ khi nào có báo động thì mới cần chạy qua. Quá nửa đêm tôi đang ngủ ngon giấc thì nghe có tiếng súng nổ phía ngoài vòng rào rồi còi báo động của khu Quang Trung cũng như khu Lê Lợi hú vang rền. Tôi lật đật chụp cái nón sắt và khẩu súng rồi chạy lại phòng trực. Cùng lúc đó thì tiếng đại liên từ lô cốt miếu Tiên sư nổ dòn dã cùng với tiếng đạn súng cối trong trường bắn đi và trên bầu trời thì đạn trái sáng chiếu rọi cả một vùng. Thì ra đặc công Việt cộng định đánh trường. Tuy nhiên không có sự rối loạn nào xảy ra bên trong trường và đơn vị nào vẫn bố trí nằm yên ở vị trí đó. Độ chừng nửa tiếng đồng hồ thì tiếng súng thưa dần rồi ngưng hẳn. 
 
Khi trời bắt đầu sáng, một toán binh sĩ được phái ra quan sát chiến trường thì thấy Việt cộng để lại bốn xác chết, ngoài ra còn nhiều vết máu dọc theo con suối đi về hướng Đa Thiện, có lẽ do số bị thương để lại trên đường rút lui. Quân ta thu được một số chiến lợi phẩm gồm súng AK, B40, lựu đạn chày, mìn, và ba trái hỏa tiễn 107 ly mang về. Không biết có phải vì mấy anh chàng đặc công ăn quen như lần trước, tính làm ăn lớn nên mang theo cả hỏa tiễn 107 ly, nhưng không may lần này vừa mới bò tới gần vòng rào phòng thủ thì bị toán kích bên ngoài phát giác nên nổ súng trước. Bị bại lộ, toán đặc công phải tháo chạy dọc theo con suối nhưng bị đại liên và súng cối bắn đuổi theo. Bên ta hoàn toàn vô sự nhờ phản ứng nhanh và kịp thời chứ không thì sự thiệt hại chắc chắn không phải là nhỏ nếu lỡ như mấy anh chàng đặc công này lọt được vào vòng trong rồi cho nổ số mìn và hoả tiễn này. 
 
Gần hai năm qua ở thành phố Sài gòn, tuy đêm đêm tôi cũng nghe có tiếng đại bác hay tiếng bom của máy bay B52 rải xuống từ những khu xa xôi vọng về, nhưng vì sống theo hoàn cảnh dân sự nên tôi vẫn có cảm tưởng như chiến tranh chỉ là một cái gì xa xôi từ đâu, còn hôm nay về đây, cái thành phố nhỏ rất êm đềm này tưởng như rất thanh bình thì cũng lại nghe tiếng súng, nhưng bây giờ thì ở ngay bên tai và bản thân mình phải mặc áo trận, khiến cho tôi nhớ lại kỳ Tết Mậu Thân và những người thân đã chết một cách oan khốc trong dịp ấy. 
 
Mặc dù sau bao nhiêu năm dằng co, cả hai bên lâm chiến đã bắt đầu thấm mệt với cái trò leo thang dai dẳng này nên ai cũng nói chuyện tìm kiếm một giải pháp hoà bình để kết thúc cuộc chiến, thế nhưng kể từ khi bắt đầu có những cuộc tiếp xúc sơ bộ của phái đoàn Mỹ và phái đoàn Bắc Việt để soạn thảo một kế hoạch cho hai bên cùng tiến đến bàn hội nghị thì nội cái chuyện bàn thảo về thành phần tham gia với lại hình thể của cái bàn sẽ được xử dụng làm bàn hội nghị cũng mất cả năm trời, rồi tới khi hai phe bốn phía bắt đầu thỏa thuận để có thể ngồi được với nhau vào bàn hội nghị thì cũng chỉ lâu lâu mới họp được một lần và toàn là nói chuyện cù cưa trong khi ngoài chiến trường thì máu vẫn đổ, xương vẫn phơi. 
 
Chính vì thế mà khi Tổng thống Johnson thấy mình không còn cách nào giải quyết những mâu thuẫn trong nước nên quyết định không ra tái ứng cử, Nixon của đảng Cộng hòa đã thắng cử nhờ đưa ra lời hứa sẽ giải quyết được vấn đề chiến tranh Việt Nam và mang các tù binh Mỹ bị Bắc Việt giam cầm về. Sau khi nhiệm chức Tổng thống, Nixon bắt đầu đưa ra kế hoạch gọi là Việt Nam hóa để rút quân Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Từ một cuộc chiến tranh giành độc lập, qua sự can thiệp của các thế lực chính trị quốc tế đã biến nó thành cuộc chiến tranh Quốc Cộng rồi được Mỹ hóa để bây giờ trở lại Việt nam hóa chiến tranh. Người Pháp đã ra đi và người Mỹ rồi cũng sẽ rút về nước, rốt cuộc chỉ có người dân Việt thì cứ mãi đánh nhau vì những sự sai lầm của cấp lãnh đạo trong cái vòng luẩn quẩn ấy. 
 
Tuy tình hình chiến sự vẫn sôi động nhưng các chương trình đào tạo nhân sự cho Việt Nam vẫn tiến hành đều đặn cho nên vào cuối năm cũng đã có thêm một số ứng viên được gọi lên đường du học. Có một điều là kể từ khi chương trình đào tạo giáo sư cho trường Võ bị này cũng được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị quân đội thì có nhiều sĩ quan có bằng cấp đại học hiện đang phục vụ tại các đơn vị khác cũng tình nguyện xin tham gia vào chương trình du học này cho nên số học bổng ấn định cho mỗi tài khóa không đủ thỏa mãn số ứng viên quá đông, do đó thứ tự ưu tiên cũng bắt đầu bị xáo trộn. Tôi không may bị chuyển tên sang danh sách tài khóa sau nên lại ngồi chơi xơi nước tiếp. 
 
Cuối năm đó, khóa 23 ra trường. Đây là khóa đầu tiên từ ngày nhập trường được theo học chương trình đào tạo 4 năm để làm những người sĩ quan có khả năng tái thiết đất nước và tôi cũng là một trong những giảng viên đã có dịp gặp gỡ họ trong lớp ngay từ năm đầu tiên. Tuy vậy, thực tế thì ngày ra trường hôm nay, ngoài một số SVSQ có điểm văn hóa cao và xin chọn ngành giảng huấn để phục vụ thì sẽ được gửi đi du học tiếp, nhưng đa số còn lại kia thì tương lai trước mắt vẫn không có gì khác hơn là chiến trường vẫn đang chờ đón họ. 
 
Trong bảng phân công tác dịp lễ mãn khóa 23 này, tôi được bố trí vào toán sĩ quan gắn lon cho SVSQ tốt nghiệp, tuy nhiên không biết có phải vì số tôi từ khi bắt đầu mang lon Chuẩn úy cho tới nay đã lên Trung úy cũng chưa lần nào được ai gắn lon cho mà chỉ tự động mang lấy cho nên cũng không được cái vinh hạnh gắn lon cho người khác thành thử ngay buổi sáng lễ mãn khóa, lúc tôi chạy xe honda qua vũ đình trường thì vô ý cán phải cục đá làm tôi bị té xe. Cũng may là tôi không bị thương tích gì nặng, chỉ phải vào bệnh xá băng bó cánh tay bị xây xát, nhưng phần công tác của tôi thì đã có người dự khuyết thay thế. 
 
Khóa 23 ra trường thì đến lượt khóa 27 nhập trường. Những lớp trai trẻ vừa mới rời ngưỡng cửa Trung học lại tiếp nối đàn anh đi tìm một niềm tin và một tương lai cho mình. Tôi vẫn ở trong tình trạng chờ đợi du học nên không phải phụ trách dạy lớp nào cả. Đến đầu mùa hè thì bắt đầu có những đợt gọi lên đường du học. Qua mấy tuần đã có vài đợt rời trường rồi mà thấy mình vẫn chưa có tên, tôi bắt đầu chán nản thì được lệnh gọi về Sài gòn làm thủ tục. 
 
Sau khi trình diện Tổng Cục Quân Huấn để lấy giấy giới thiệu tôi bắt đầu đi xin thẻ Thông hành ở bộ Ngoại giao, qua Quân nhu may quân phục, đồng thời trình diện USAID lấy giấy giới thiệu đi khám sức khoẻ. Sau khi chụp hình phổi, thử máu rồi khám tổng quát, tôi nghe ông bác sĩ hỏi tôi được đi Mỹ trong bao lâu. Tôi không biết điều này có ăn nhằm gì với sức khoẻ của tôi không, nhưng khi ông bác sĩ thấy tôi cứ ngu ngơ chả tỏ ra vẻ biết điều gì cả bèn ghi cho tôi một cái toa thuốc. Tôi ra về tiếp tục làm các thủ tục theo như lịch trình đã định cho đến chặng chót chỉ còn nhận vé máy bay để lên đường thì USAID cho biết chuyến đi của tôi phải đình hoãn lại vì hồ sơ sức khoẻ của tôi bị ông bác sĩ phê cần tái khám. 
 
Lẽ ra sau khi chuyến đi bị đình hoãn, tôi phải trình diện Tổng Cục Quân Huấn để lấy sự vụ lệnh trở về trường chờ đợi tiếp nhưng đang lúc chán nản vì thấy con đường xuất ngoại của mình có vẻ gian truân quá, lại thêm nể bà xã cứ muốn tôi ở nhà nên tôi lập lờ không trình diện Tổng Cục Quân huấn mà ở liều lại Sài gòn. Thật tình mà nói thì từ ngày mới làm quen tôi vẫn tập cho mình cái tính nể nàng mọi điều, nhưng riêng chuyện đi du học này thì tôi lại tỏ ra không nể nàng để xin rút tên ra khỏi danh sách ứng viên, do đó nếu cứ khăng khăng xa nàng hoài tôi cũng thấy mình như có một chút gì bất nhẫn. 
 
Luôn mấy tháng hàng ngày tôi vẫn mặc đồ dân sự chở vợ đi đây đi đó không gặp phiền phức gì nhưng một hôm tôi đang chở vợ đi ngang qua một toán kiểm soát ở dọc đường thì chợt anh chàng quân cảnh thổi tu huýt chỉ ngay tôi bắt dừng xe lại để kiểm soát. Thấy tôi xuất trình đầy đủ nào là thẻ thông hành, sự vụ lệnh cùng thẻ căn cước quân nhân, chứng chỉ tại ngũ, anh chàng quân cảnh cũng tính để tôi đi nhưng sau khi xem kỹ thì thấy Sự vụ lệnh ký đã quá lâu, Chứng chỉ tại ngũ chưa gia hạn ... thế là anh chàng Quân cảnh liền yêu cầu tôi bỏ xe honda lại cho vợ, rồi leo lên chiếc xe dodge để đưa về Quân vụ Thị trấn. 
 
Tại đây sau khi ngồi chờ cả mấy tiếng đồng hồ tại phòng đợi với một số người nữa cũng bị các toán kiểm soát khác bắt đưa về đây thì mới thấy có viên Trung sĩ bắt đầu ra bàn làm việc gọi từng người bị bắt tới để thẩm vấn. Tôi nghe người bị gọi đầu tiên khai cấp bậc là đại úy, đơn vị ở Long An nhưng không có giấy tờ đi phép nên sau khi được hỏi xong lý lịch là bị dẫn ngay vô lao nhốt. Đến lượt người thứ nhì cũng bị dẫn đi nhốt luôn. Khi tên tôi được gọi, tôi nghĩ bụng chuyến này chắc mình cũng bị nhốt thôi, nhưng sau khi viên trung sĩ hỏi số quân, cấp bậc, đơn vị thấy đúng như trong giấy tờ rồi thì lại giao trả hết giấy tờ cho tôi và cho ra về sau khi bảo tôi ngày mai phải tới trình diện gấp Phòng Nhân viên của Tổng cục Quân huấn để nhận lệnh. Tôi ngạc nhiên vô cùng. 
 
Hôm sau tôi đóng bộ quân phục vào và lên Tổng Cục Quân Huấn trình diện thì gặp ngay đại úy Hơn nguyên là giảng viên trường Võ bị nhưng nay được biệt phái về làm sĩ quan liên lạc của trường tại phòng Du học. Thấy tôi anh ta mừng như kẻ được giao cho nhiệm vụ đi lùng bắt một tên tội phạm mà không tìm ra thì nay bỗng nhiên thấy hắn dẫn xác tới. Anh ta nói cho tôi biết là Tổng cục Quân Huấn điện lên trường lệnh cho tôi về trình diện nhưng trường trả lời không có tôi ở đó làm cho anh ta đang lo không biết phải làm báo cáo ra sao đây. Đúng là chuyện đời có nhiều cái ngẫu nhiên không làm sao giải thích nổi vì nếu không có anh chàng quân cảnh nọ chận hỏi giấy để bắt tôi về Quân vụ Thị trấn rồi ở đó sưu tra với Tổng cục Quân huấn thì có lẽ tôi cũng không biết USAID đã lập hồ sơ du học đợt mới cho tôi và tôi đang được Tổng cục Quân huấn gọi trình diện để cho đi làm lại các thủ tục xuất ngoại. 
 
Sự vụ lệnh chuyến đi này gồm có tôi với một anh chàng thiếu úy. Khi tôi gặp anh chàng này thì hóa ra anh ta cũng là dân Văn khoa cũ nhưng động viên khác khoá và sau khi xong giai đoạn một ở Thủ Đức thì được qua ngành Quân Cảnh, rồi được chuyển ra Phú Quốc coi trại tù binh. Có lẽ quá chán cái nghề chỉ huy mấy tên dùi đục coi đám tù vốn là kẻ thù của mình nên khi nghe có chương trình du học của trường Võ bị thì đã làm đơn xin chuyển ngành, nhờ thế mà hôm nay anh ta mới có cơ duyên cùng tôi đi chung một chuyến. 
 
Trở lại khám sức khoẻ lần này, ông bác sĩ chắc cũng đã chán gặp cái thằng tôi khù khờ nên không nói gì cả. Tôi cũng chẳng buồn thắc mắc hỏi thêm, do đó sau khi tiếp tục làm lại mới xong các thủ tục, đến ngày lại USAID để nhận vé máy bay tôi cũng hơi phân vân không biết lần này có thật sự trót lọt chưa đây, nhưng khi thấy nhân viên phụ trách hồ sơ của tôi bình thản giao vé máy bay, ngân phiếu tiền học bổng ứng trước cùng các giấy tờ cần thiết khi đến Mỹ, tôi biết rằng chuyến này thì mọi sự đã an bài. 
 
Sau lần tôi bị quân cảnh bắt đưa về Quân vụ Thị trấn thì bà xã tôi cũng hiểu tôi không thể nào cứ ở nhà với nàng mãi được cho nên cũng lo sắm sửa thêm cho tôi vài món cần thiết. Trước ngày khởi hành tôi cũng bỏ ra ít thời gian đi thăm và chào tạm biệt họ hàng bên ngoại và những người thân. Thấy tôi trong lúc này mà được đi ngoại quốc du học ai cũng cho đó là một điều may mắn. Riêng mợ Đôn thì có lẽ ngoài cái mừng cho tôi còn pha lẫn chút ngạc nhiên nữa vì có lẽ trước đây mợ không bao giờ tưởng tượng tôi cũng có ngày được đi ngoại quốc du học mà còn khỏi phải tốn tiền nhà như các anh chị họ của tôi. 
 
Ngày lên đường, mới sáng sớm vợ tôi đã lo đánh thức tôi dậy sửa soạn và đóng bộ quân phục đại lễ vào chờ chú Bảy đến đón vợ chồng tôi và em tôi lên nhà anh bạn đồng hành ở Phú nhuận để rồi cùng đi một lượt lên phi trường. Tới cổng Phi Long, xe dân sự và thường dân không giấy phép không được vào khu vực phi trường quân sự nên các gia đình đưa tiễn đều phải chia tay tại đây. Sau đó anh bạn và tôi được một người bạn sĩ quan dùng xe jeep đưa vào trạm tiếp đón hành khách đi ngoại quốc, nhưng khi vào tới đây thì chưa thấy ai đến cả. Hoá ra chuyến bay thì sáu giờ chiều mới khởi hành nhưng giấy hẹn thì bảo chúng tôi phải có mặt từ sáng báo hại anh bạn và tôi ngồi chờ dài cả cổ. 
 
Khoảng ba giờ chiều thì hành khách đáp chuyến bay này mới lục tục đến. Các phòng làm thủ tục đăng ký hành lý và khám xét quan thuế bắt đầu làm việc. Đây là chuyến bay do Bộ Quốc phòng Mỹ thuê bao của hàng không thương mại Mỹ để chuyên chở thường xuyên nhân viên quân sự Mỹ đi công tác ở các vùng Đông Nam Á nên tuy là máy bay dân sự nhưng hành khách chỉ toàn là quân nhân. Trong số quân nhân Mỹ đáo hạn trở về nước có nhiều người mang theo cả vợ con người Việt của họ. Ngoài ra còn một số nữa là quân nhân Việt Nam thuộc nhiều quân binh chủng khác nhau được MACV cho đi tu nghiệp ở Mỹ. Dĩ nhiên là khi khám xét hành lý mấy anh chàng quân nhân Việt Nam thì hành lý anh nào cũng gọn nhẹ vì anh nào cũng chả có gì để mang theo ngoài mấy món đồ thật cần thiết mà thôi. 
 
Khi chiếc phản lực cơ DC8 của hãng hàng không Americain Airline đáp xuống và vào đậu trong sân để thả số hành khách đến xuống xong thì đến lượt hành khách đi được hướng dẫn lên máy bay. Mười năm trước khi tiễn anh Hân lên đường du học Pháp, tôi đứng ở ban công phi trường Tân Sơn Nhất nhìn chiếc phản lực cơ của hãng Air France cất cánh mà lòng mơ tưởng một chuyến đi xa đến một khung trời xa lạ nào đó thật thanh bình tưởng chừng không bao giờ có, nhưng hôm nay tôi cũng đã được dịp lên ngồi trên chiếc máy bay phản lực đầy đủ tiện nghi này để đi du học tại một cường quốc đứng đầu thế giới tự do. Tuy nhiên hôm nay tôi không có ai đưa tiễn ở phi trường, và khi ra đi như thế này tôi còn bỏ lại sau lưng một người vợ với đứa con còn trong bụng và một quê hương đang quằn quại vì chiến tranh. 
 
Khi chiếc máy bay vừa cất cánh thì bên trong máy bay đồng loạt rộ lên tiếng reo mừng của những chàng lính Mỹ hồi hương muốn bộc lộ nỗi vui mừng của người vừa thực sự thoát khỏi chốn hỏa ngục để trở về thiên đường, nhưng đồng thời xen vào đó là tiếng nức nở của những thiếu phụ Việt Nam mà trước đây vì muốn mưu cầu chút sung sướng cho bản thân mình hay miếng cơm manh áo cho gia đình nên phải lấy một người chồng khác xứ để bây giờ đành phải giã biệt quê hương xóm giềng và những người thân yêu cùng máu mủ, gạt nước mắt ra đi làm kẻ bơ vơ nơi xứ người.    
 
ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment