Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 9, 2013

KHUNG CỬA HẸP [7] - A. GIDE

Truyện dịch

CHƯƠNG VII

- Alissa chờ cháu ở ngoài vườn, cậu tôi bảo tôi, sau khi ông ôm tôi hôn như con ngày tôi về lại Fongueusemare vào cuối tháng tư. Nếu ban đầu tôi hơi thất vọng không thấy nàng lẹ làng ra đón tôi, thì ngay sau đó tôi lại cám ơn nàng đã khéo tránh cho cả hai chúng tôi những cái biểu lộ tầm thường khi mới gặp lại.

Nàng ở cuối vườn. Tôi lần bước tới chỗ bùng binh có những bụi cây xoan, cây lê đá, cây đậu chổi bao quanh mà vào mùa này trong năm đang nở đầy hoa; và để nàng khỏi nhìn thấy tôi từ xa, hoặc thấy tôi đi lại, tôi rẽ sang phía bên kia vườn, theo lối đi âm u và không khí mát rượi dưới các cành lá. Tôi tiến bước chầm chậm; bầu trời trong trẻo, sáng ngời, cũng ấm áp như lòng tôi đang vui. Có lẽ nàng chờ tôi đến theo lối đi bên kia nên khi tôi đến gần nàng, rồi sau lưng, nàng vẫn không nghe tôi đến; tôi dừng lại…
Và thời gian như cũng dừng lại với tôi: đây là lúc, tôi nghĩ, có lẽ là lúc thú vị nhất đến trước hạnh phúc, mà chính hạnh phúc cũng không thể nào bằng… 

Tôi muốn quỳ xuống trước mặt nàng: tôi bước thêm một bước, nàng chợt nghe thấy. Nàng đứng lên thình lình, bỏ rơi xuống đất món đồ nàng đang thêu, đưa tay ra về phía tôi và đặt lên vai tôi. Chúng tôi yên lặng như vậy một lúc, tay nàng vươn ra, đầu nghiêng nghiêng và tươi cười nhìn tôi âu yếm không nói năng. Nàng mặc bộ đồ màu trắng. Trên khuôn mặt gần như quá nghiêm trang của nàng, tôi nhìn ra nụ cười hồn nhiên của tuổi nhỏ... 

- Nghe anh nói đây, Alissa; thình lình tôi nói lớn lên; anh có đúng mười hai ngày rỗi. Anh sẽ không ở lại thêm một ngày nào nếu điều ấy không làm em hài lòng. Chúng ta hãy thỏa thuận trước với nhau một dấu hiệu nào đó ngụ ý bảo: ngày mai anh phải rời Fongueusemare. Thế là ngày hôm sau anh sẽ từ giã, không hờn trách, không than van. Em có thuận như vậy không? 

Vì không sắp đặt lời lẽ trước nên tôi nói rất thoải mái. Nàng suy nghĩ một lúc rồi đáp:

- Buổi tối nào xuống phòng ăn mà em không đeo nơi cổ chiếc thánh giá bằng ngọc tím anh vẫn thích ấy… anh hiểu chứ?
- Thì đó sẽ là buổi tối cuối cùng của anh.
- Nhưng anh phải biết đi mà không nước mắt, không tiếng thở dài đấy nhé…
- Không lời từ biệt. Buổi tối ấy anh sẽ rời khỏi phòng ăn mà thái độ vẫn tự nhiên như tối trước, rất bình thường đến nỗi lúc đầu em sẽ tự hỏi: phải chăng anh ấy chưa hiểu? Nhưng sáng hôm sau, đến phòng tìm anh, em sẽ thấy anh không còn đó nữa.
-Ngày hôm sau, em sẽ không tìm anh nữa.

Nàng đưa tay cho tôi và khi tôi nắm lấy đưa lên môi:
- Từ nay đến chiều hôm định mệnh đó, tôi nói nữa, không một sự ám chỉ  nào làm anh phải cảm thấy trước điều ấy nhé.
- Phần anh cũng đừng ám chỉ gì đến sự chia ly theo sau đó.

Bây giờ là lúc phải phá vỡ sự ngượng ngập mà tính cách trịnh trọng của sự gặp gỡ này có thể tạo ra giữa chúng tôi.  

- Anh muốn rằng, tôi tiếp tục, vài ngày ở cạnh em này đối với chúng mình cũng giống những ngày khác vậy... Anh muốn nói rằng: cả hai chúng ta đừng nên cảm thấy chúng khác biệt. Và nữa… nếu có thể đừng tìm cách nói chuyện với nhau trước hết về…

Nàng bật cười. Tôi tiếp:
- Có công việc gì để chúng ta cùng làm chung với nhau không? 

Hồi giờ chúng tôi vẫn thích làm vườn. Mới đây một người làm vườn mới không kinh nghiệm thay chỗ cho người làm vườn cũ đã thôi việc nên ngôi vườn bị bỏ bê trong hai tháng nay và có rất nhiều việc phải làm. Nhiều cây hồng bị tỉa xén một cách vụng về, chắc chắn có nhiều cây rau đang lên bị cành khô đè bẹp, những dây leo khác bò lan, đổ nhào, không được chống đỡ; nhiều cây cối phát triển mạnh ăn hết màu mỡ những cây khác. Phần lớn những cây này là do chúng tôi chiết lấy; chúng tôi nhận ra chúng; sự chăm sóc chúng đòi hỏi chúng tôi phải bận rộn dài ngày và đã cho phép chúng tôi  ba ngày đầu trò chuyện nhiều mà không có chuyện gì trầm trọng cả; khi ngừng nói, sự im lặng vẫn không nặng nề.

Cứ như thế mà chúng tôi trở lại thói quen của mỗi người. Tôi đánh giá trên sự quen thuộc này hơn bất cứ sự giải thích nào khác. Ngay cả kỷ niệm về sự xa cách cũng đã mờ nhạt giữa chúng tôi và nỗi sợ hãi về cái thói quen của tâm hôn mà nàng e ngại nơi tôi và tôi thường cảm thấy ở nơi nàng cũng đã giảm nhẹ. Alissa trẻ hơn lần gặp lại buồn thảm hồi mùa thu trước nên càng tỏ ra đẹp hơn bao giờ hết. Tôi vẫn chưa ôm hôn nàng. Mỗi chiều tôi vẫn thấy lại phía trên áo cánh của nàng sợi dây chuyền vàng có đeo chiếc thánh giá nhỏ bằng ngọc tím lấp lánh nơi cổ. Với niềm tin cậy, hy vọng lại hồi sinh trong lòng; tôi nói gì: hy vọng? đó là đã điều chắc chắn, và tôi tưởng tượng Alissa cũng cảm thấy thế; bởi vì tôi không mấy nghi ngờ tôi nên tôi cũng không thể nghi ngờ nàng. Càng ngày câu chuyện càng mạnh dạn thêm.

- Alissa à, tôi nói với nàng vào một buổi sáng đẹp trời vui tươi và lòng chúng tôi cũng đang mở ra cùng với cỏ hoa, - ngày nay Juliette đã tìm ra hạnh phúc, thì sao em không cho phép chúng ta cũng… 

Tôi nói chậm rãi, mắt nhìn nàng; bỗng nhiên nàng tái xanh một cách khác thường đến nỗi tôi không thể nói hết câu. 

– Anh của em ơi! nàng nói mà không quay mặt lại nhìn tôi, - em cảm thấy quá sung sướng ở gần bên anh đến nỗi em tin không gì có thể hơn được… nhưng anh hãy tin em: chúng ta sinh ra không phải để hưởng hạnh phúc.

- Tâm hồn con người còn có thể tìm ra được gì hơn hạnh phúc nữa? tôi đáp lại một cách nóng nảy. Nàng thì thầm:
- Sự thánh thiện… tiếng nàng nhỏ đến nỗi tôi đoán hơn là nghe ra.

Tất cả hạnh phúc của tôi vỗ cánh vụt bay xa khỏi tôi lên các tầng trời.
- Anh không đạt tới đó mà không có em, tôi nói, và tôi úp trán lên đầu gối và khóc như một đứa trẻ con, nhưng do tình yêu chứ không phải vì nỗi buồn, tôi nói tiếp: mà không có em, mà không có em!…

Rồi ngày ấy cũng trôi qua như mọi ngày khác. Nhưng buổi chiều, Alissa xuống phòng ăn không đeo chiếc thánh giá bằng ngọc tím nữa. Giữ đúng lời hứa, sáng hôm sau, trời còn tờ mờ tối, tôi ra đi.
Hai ngày sau, tôi nhận được bức thư kỳ lạ này, mở đầu thay cho lời đề từ bằng mấy câu thơ của Shakespeare:

That strain again, - it had a dying fall:
O, it came o’ver my ear like the sweet south,
That breathes upon a bank of violets,
Stealing and giving odour. – Enough; no more,
‘Tis not so sweet now as it was before…
(*)

Vâng, mặc dù không muốn,  em vẫn tìm anh suốt buổi sáng, anh của em ơi. Em không thể tin rằng anh đã đi. Em giận anh đã giữ đúng lời hứa của chúng ta. Em nghĩ: đây chỉ là một trò đùa. Sau mỗi bụi cây, em lại sắp nhìn thấy anh hiện ra. Nhưng không! Anh đi thật rồi! Xin cảm tạ.

Suốt phần ngày còn lại, em cứ bị ám ảnh mãi bởi một vài ý tưởng nào đó vẫn muốn được  bày tỏ với anh – và  một nỗi lo âu kỳ lạ, chính xác rằng nếu em không bày tỏ hết với anh bây giờ thì mai sau em sẽ  phải mang cái cảm giác là đã thiếu sót đối với anh, đáng bị  anh oán trách...

Em ngạc nhiên từ những giờ phút đầu tiên anh lưu lại Fongueusemare, và liền sau đó e sợ về cái niềm mãn nguyện lạ lùng của con người em mà em cảm thấy khi gần bên anh; “một sự mãn nguyện đến nỗi, như anh nói với em, anh không còn ao ước gì hơn ngoài điều ấy.” Than ôi! Đấy cũng chính là điều em lo lắng…

Anh ơi, em sợ rằng chưa làm anh hiểu đúng ý em. Em sợ nhất là anh cho rằng đó là một lối lý luận quá tinh tế, (ôi! nó sẽ  vụng về làm sao) trong cái điều chỉ là biểu lộ tình cảm mãnh liệt nhất của tâm hồn em.

"Nếu nó chưa đủ, thì chưa phải là hạnh phúc,” -  anh đã từng nói với em điều đó; anh còn nhớ chăng? Và em chỉ biết trả lời. – Không, Jérôme ạ, nó không đủ cho chúng ta, quả nó không cần phải đủ cho chúng ta. Em không thể xem cái niềm mãn nguyện đầy vui thú  này là thực. Không phải chúng ta đã hiểu hồi mùa thu vừa rồi nó che đậy một sự thất vọng như thế nào sao?...

Có thật ư! Ôi! Cầu xin Thiên Chúa đừng để cho nó  là thật với chúng ta! Chúng ta sinh ra để tìm hưởng một hạnh phúc khác kia…

Cũng như những thư từ qua lại giữa chúng ta mới đây đã làm mất vui lần gặp nhau  mùa thu thì cái kỷ niệm sự có mặt của anh ngày hôm qua cũng làm cho lá thư bây giờ của em không còn hân hoan nữa. Cái nỗi hân hoan mà em cảm thấy mỗi khi cầm bút viết cho anh nay đã trở thành thế nào rồi? Vì những bức thư, sự gặp mặt, chúng ta đã làm khô cạn niềm vui trong trắng hồn nhiên mà tình yêu của chúng ta kỳ vọng. Và bây giờ, dù em không muốn, em viết như Orsino trong Soir des Rois: “Đủ rồi! không hơn nữa! Không còn ngọt ngào hương vị như lúc nãy nữa.”

Giã biệt anh. Hic incipit amor Dei. Ôi! Anh có biết em yêu anh đến độ nào không?... cho đến trọn đời, em vẫn mãi mãi  là…
Alissa của anh 


Mang đức hạnh ra làm bẫy, tôi không làm sao chống đỡ được. Tất cả những sự việc anh hùng làm tôi lóa mắt đều quyến rũ tôi, tại vì tôi không tách rời nó với tình yêu… Bức thư của Alissa làm tôi ngây ngất trong một niềm phấn khởi táo bạo. Thiên chúa cũng hiểu rằng tôi có cố gắng đạt đức hạnh cũng là vì nàng. Mọi nẻo đường miễn là đi lên đều sẽ dẫn tôi tới chỗ gặp lại nàng. Ôi! mặt đất này chẳng bao giờ sẽ rút hẹp lại quá nhanh, để chỉ còn chứa riêng hai chúng tôi mà thôi! Hỡi ôi! Tôi không thể ngờ nổi cái tinh tế của sự đánh lừa của nàng, và tôi khó tưởng tượng rằng đó là một cái đỉnh cao để cho nàng lại có thể vuột thoát khỏi tôi. 

Tôi viết một bức thư dài trả lời. Tôi chỉ còn nhớ khá sáng suốt có một đoạn trong thư của tôi:

"Đối với anh, tôi nói với nàng, tình yêu của anh là điều anh gìn giữ nhất trong anh; những đức tính cao cả của anh đều tùy thuộc vào đó: nó nâng anh lên khỏi chính mình, và nếu không có em anh sẽ rơi vào chỗ tầm thường của cái tự nhiên thông thường. Chính do niềm hy vọng được gặp lại em mà nẻo đường cam go nhất lại tỏ ra là nẻo đường tốt nhất cho anh".

Tôi còn thêm cái điều đã thúc đẩy nàng đã trả lời tôi như sau: 

Nhưng anh ạ, sự thánh thiện không phải là một sự chọn lựa; đó là một bổn phận (danh từ này được gạch dưới ba lần trong bức thư). Nếu anh quả đúng là người như lòng em tưởng, thì anh, anh cũng sẽ không thể trốn tránh nó được.

Thế là hết. Tôi hiểu rằng, linh cảm thì đúng hơn rằng đến đây là chấm dứt mọi thư từ, và lời khuyên khéo léo nhất cũng như ý chí kiên trì nhất vẫn không lay chuyển được. 

Tuy nhiên tôi vẫn còn viết cho nàng, rất dài, rất âu yếm. Sau bức thư thứ ba, tôi nhận được mẩu thư ngắn này:

Anh của em, 

Anh đừng nghĩ rằng em quyết định không viết thư cho anh nữa; em chỉ thấy mình  không còn thích thú viết, giản dị thế thôi. Tuy nhiên thư của anh vẫn còn làm cho em thấy vui  thích, nhưng càng ngày em càng tự trách mình đã chiếm giữ tâm trí anh quá nhiều.

Ngày hè không còn xa mấy. Ta hãy tạm gác hẳn thư từ qua lại và anh hãy về  Fongueusemare với em vào hai tuần cuối tháng chín. Anh bằng lòng chứ? Nếu anh bằng lòng, thì em không cần anh trả lời. Em coi sự im lặng của  anh như là  thoả thuận vậy và mong  ước là anh sẽ không trả lời em.


Tôi không hồi âm thật. Có lẽ sự im lặng này chỉ là một sự thử thách cuối cùng mà nàng muốn tôi chịu. Thế rồi sau vài tháng lo làm công việc, vài tuần lễ du lịch, tôi trở về Fongueusemare, và như thế là bảo đảm sẽ yên ổn nhất.

Làm thế nào băng một câu chuyện kể lại, tôi có thể đưa đến chỗ hiểu ngay điều mà mới đầu tôi giải thích rất mù mờ? Tôi có thể mô tả lại thế nào đây ngoài cái nguyên nhân gây ra sự tuyệt vọng mà từ đó tôi đành phải chịu thua?  Bởi vì nếu hôm nay tôi không thể tìm thấy một sự tha thứ nào cho chính mình là đã không biết cảm nhận, dưới cái vẻ bề ngoài giả tạo kia hãy còn một mối tình đang thấp thỏm, tôi đã không thể nhìn thấy cái vẻ bề ngoài này trước tiên và không còn tìm thấy lại người bạn của mình, tôi đã cáo buộc nàng... Không, ngay cả khi ấy anh vẫn không buộc tội em đâu. Alissa ạ! mà chỉ khóc than tuyệt vọng vì không còn nhận ra được em nữa. Ngày nay, anh đã ước lượng được mối tình của em sâu đậm thế nào qua cái mưu câm nín kia và sự khôn khéo đau đớn ấy, phải chăng anh phải yêu em hơn cả lúc em đã gây đau đớn tuyệt vọng cho anh trước đây?..

Coi thường? Lạnh lùng? Không; không có gì thắng nổi, không có gì chống lại được nữa, và đôi khi tôi lưỡng lự, nghi ngờ phải chăng chính mình tạo ra đau đớn cho mình; vì lẽ nguyên nhân quá tinh tế, và vì lẽ Alissa đã quá tài tình làm ra vẻ như không hiểu. Tôi còn phàn nàn gì nữa chứ ? Sự tiếp đón của nàng vẫn niềm nở như bao giờ; chưa bao giờ nàng tỏ ra vồn vã, ân cần đến thế; ngày đầu tôi còn để cho mình bị lầm… Nói cho cùng thì có nhằm gì  cái lối chải tóc mới, dẹt xuống và kéo duỗi ra làm cho nét mặt nàng trở nên cứng cỏi, như thể làm sai lệch sự biểu hiện của sắc mặt; một cái áo cánh khó coi, màu sạm, vải thô nhám làm hỏng mất nét uyển chuyển mềm mại của tấm thân… đó không có gì khó mà nàng không biết sửa đổi ngay từ ngày hôm sau, tự ý nàng hay nghe theo ý tôi… tôi suy nghĩ một cách mù quáng. Tôi càng cho rằng những sự vồn vã, ân cần vốn không quen xảy ra giữa chúng tôi; và tôi sợ nhìn thấy đó là do cố ý hơn là phấn khởi, và tôi gần như không dám nói là vì lịch sự hơn là vì yêu thương.

Buổi tối, vào phòng khách, tôi không thấy chiếc dương cầm ở chỗ cũ; trước tiếng kêu ngạc nhiên như thất vọng của tôi, nàng đáp:

- Dương cầm đã đưa cho thợ sửa chữa phím lại; nàng nói với một giọng điềm tĩnh nhât.

- Ba đã nói với con mấy lần, con ạ, cậu tôi trách bằng một giọng hơi cứng rắn, bởi vì lâu nay con vẫn còn dùng được thì con cũng có thể chờ Jérôme đi rồi hãy đưa cho thợ cũng được kia mà, sự vội vàng của con làm chúng ta mất một niềm vui thú lớn…

- Nhưng thưa ba, nàng vừa nói vừa quay đi, đỏ mặt, - thưa ba, con nói thật là dạo gần đây phím đàn bị hỏng quá, cho dẫu ngay cả Jérôme cũng không thể dạo cho ra nhạc được.
- Khi con dạo nhạc, cậu tôi lại nói, có thấy gì hư hỏng lắm đâu.

Nàng đứng yên giây lát quay mặt vào bóng tối như bận kéo lại tấm nệm ghế, rồi đột nhiên rời khỏi phòng và chỉ một lúc lâu sau mới trở vào bưng đến cái khay đựng chén thuốc sắc mà cậu tôi vẫn thường quen dùng mỗi buổi tối. Ngày hôm sau nàng vẫn không thay đổi lối chải tóc và áo cánh; ngồi bên cha nàng trên chiếc ghế trước nhà, nàng tiếp tục việc khâu vá, như muốn làm cho xong nốt mấy món đồ đã làm từ tối hôm trước. Bên cạnh nàng, trên ghế hoặc trên bàn, đầy những vớ tất cũ mà nàng lấy ra từ một cái rổ lớn. Vài ngày sau, đến lượt khăn, tấm trải… Công việc này hình như thu hút hết tâm trí nàng đến nỗi môi nàng mất hết sự biểu lộ, và mắt nàng như mờ đi.

- Alissa! Tôi kêu lớn chiều hôm đầu tiên, gần như kinh hãi bởi cái vẻ hết nên thơ của khuôn mặt đến nỗi tôi không còn có thể nhận ra được nữa; và tôi đăm đăm nhìn nàng cả một lúc lâu mà nàng như không cảm nhận thấy cái nhìn của tôi.

- Có chuyện gì vậy? Nàng ngửng đầu hỏi.
- Anh muốn xem thử em có nghe tiếng anh không. Hình như tâm trí em để ở đâu đâu xa anh lắm.
- Đâu có, em vẫn ngồi đây; nhưng công việc này đòi hỏi phải chăm chú.
- Trong khi ngồi khâu, em có muốn anh đọc sách cho em nghe không?
- Em sợ rằng sẽ không đủ tâm trí mà nghe rõ.
- Tại sao em lại chọn cái công việc đòi hỏi chú ý nhiều như thế?
- Em không làm thì một người khác phải làm.
- Còn biết bao người đàn bà nghèo và đây cũng là một công việc giúp cho họ kiếm miếng cơm. Không phải vì tiết kiệm mà em buộc mình làm cái công việc bạc bẽo ấy chứ?

Nàng liền quả quyết rằng không còn một công việc nào khác làm cho nàng thấy thích thú hơn, là từ lâu nàng không làm gì khác hơn là khâu vá mà nếu không có nó chắc chắn nàng đã đánh mất sự khéo tay của mình… Nàng mỉm cười trong khi nói. Chưa bao giờ giọng nàng êm đềm đến thế mà lại làm tôi buồn như vậy. ”Em chỉ nói những điều tự nhiên thôi, vẻ mặt nàng có vẻ biểu lộ ra như vậy, có gì mà anh phải buồn rầu?" - Và bao nhiêu bực bội  trong lòng không còn thốt được thành lời làm tôi muốn nghẹt thở.

Ngày hôm sau nữa, sau khi chúng tôi hái ít hoa hồng, nàng rủ tôi giúp nàng đem hoa vào phòng riêng mà năm nay tôi chưa bước vào. Thế là hy vọng lại vỗ về tôi lập tức. Bởi vì tôi hãy còn trách mình buồn rầu nên chỉ một lời của nàng cũng đủ chữa lành con tim.

Chưa lần nào tôi vào phòng nàng mà không thấy xúc động; tôi không biết có cái gì đó làm cho nơi đây có một sự yên lành êm ái làm cho tôi nhận ra Alissa. Bóng xanh của các tấm màn cửa sổ và quanh giường, bàn ghế bằng gỗ đào  bóng loáng, sự ngăn nắp, sạch sẽ, sư yên lặng, tất cả những thứ đó như nói lên cho tâm hồn tôi biết sự trong trắng và cái duyên  thầm kín của nàng.

Sáng hôm ấy tôi ngạc nhiên không còn thấy trên tường gần giường nàng hai bức họa lớn của Masaccio mà tôi mang từ bên Ý về; tôi sắp hỏi nàng chúng đã trở thành như thế nào rồi thì tôi lại đưa mắt nhìn qua cái kệ gần đấy nơi nàng xếp những tập sách gối đầu giường. Tủ sách nhỏ ấy thành hình từ từ gồm phân nửa là những sách tôi tặng nàng; phân nửa là những sách khác chúng tôi đã cùng đọc. Tôi cũng vừa nhận thấy rằng những sách ấy bị lấy đi đâu mất cả, và được thay thế duy nhất bằng những quyển sách nhỏ vô nghĩa về lòng mộ đạo tầm thường mà tôi hy vọng là nàng sẽ không thèm để mắt đến. Ngước mắt lên thình lình, tôi thấy Alissa đang cười, - vâng, vừa cười vừa quan sát tôi.

- Em xin lỗi anh nhé; nàng nói ngay; gương mặt của anh làm em buồn cười; nó như bị biến dạng khi nhìn tủ sách của em…

Tôi không còn tâm hồn hài hước để đùa nữa.
- Không, thật vậy sao, Alissa, đó là loại sách em đọc lúc này đó ư?
- Chính thế. Có gì mà anh phải ngạc nhiên?

- Anh tưởng rằng một tâm hồn quen thuộc với loại sách bổ ích cho tinh thần thì không thể nào nếm mấy thứ nhạt nhẽo này mà không muốn ói.

- Em thật không hiểu ý anh, nàng nói. Đó là những tâm hồn khiêm nhường chuyện trò cùng em một cách giản dị, bộc lộ một cách hay nhất , và em vui thích ở trong cái  xã hội của những người đó. Em biết trước cả chúng ta lẫn họ sẽ không sa vào bất cứ cái bẫy nào của ngôn từ hoa mỹ, và khi đọc chúng em không hề có bất cứ sự say mê phàm tục nào.

- Vậy là em chỉ còn đọc những loại sách ấy thôi ư?

- Gần như thế. Vâng, từ vài tháng nay. Vả lại em cũng chẳng còn tìm ra nhiều thì giờ rỗi để đọc sách. Và em thú thật với anh rằng vừa rồi em muốn đọc trở lại vài người thuộc những tác giả lớn mà anh từng dạy cho em biết chiêm ngưỡng, thì em có cảm tưởng  như cái kẻ mà trong Phúc âm nhắc tới; cố ra sức gia tăng cho thân mình cao thêm nửa thước.

- "Tác giả lớn" đã cho em cái ý kiến kỳ quặc đó là ai?

- Không phải ông ta đã cho em cái ý nghĩ đó; nhưng mà khi tìm đọc lại sách của ông ta mà em đã có... Đó là Pascal. Có thể em đã vô tình giở nhằm những đoạn kém hay… 

Tôi làm một cử chỉ nóng nảy. Nàng nói bằng một giọng rõ ràng đều đặn, như trả bài cho thầy giáo nghe, mắt vẫn không ngước lên khỏi mấy đóa hoa mà nàng đang cắm chưa xong. Nàng dừng lại giây lát trước thái độ của tôi rồi tiếp tục nói giọng như cũ:

- Bao nhiêu lời khoa trương làm ngạc nhiên, và bao nhiêu cố gắng chỉ để chứng tỏ được rất ít. Đôi khi em tự hỏi phải chăng giọng thống thiết ấy là tác dụng của lòng hoài nghi hơn là của lòng tin tưởng. Lòng tin tưởng hoàn toàn không có nhiều nước mắt  và sự run rẩy trong giọng nói đến như vậy.

- Chính sự run rẩy ấy, chính những giọt nước mắt ấy làm nên vẻ đẹp sâu xa của tiếng nói ấy - tôi định cãi nhưng không có can đảm, bởi vì tôi nhận ra trong những lời lẽ này không có điều gì mà tôi ưa thích trong Alissa cả. Tôi ghi lại ra đây như tôi còn nhớ và không thêm tí văn hoa hay lý luận nào vào sau đó.

- Nếu lúc đầu ông ta không trút bỏ niềm vui ra khỏi cuộc sống hiện tại, nàng nói, nó sẽ nặng hơn trong cán cân…
- Là gì? Tôi hỏi, sửng sốt bởi câu nói kỳ lạ của nàng.
- Hơn là cái hồng phúc mơ hồ của ông ta đề nghị.
- Em không còn tin ở nó nữa hay sao? Tôi nói lớn.

- Có hề gì! Nàng nói; Em muốn nó vẫn mơ hồ để cho mọi nghi ngờ về mặc cả đổi chác được gạt bỏ. Chính vì sự cao thượng tự nhiên chứ không phải hy vọng được thưởng mà linh hồn yêu mến Thiên chúa dấn mình vào con đường đức hạnh.

- Chính do đó mà có chủ nghĩa hoài nghi thầm kín, mà tâm hồn cao thượng của một Pascal đã tìm về nương náu.

- Không, không phải hoài nghi chủ nghĩa; mà là Jansen chủ nghĩa, nàng vừa mỉm cười vừa nói. Nhưng cái đó có liên quan gì đâu? Những tâm hồn đáng thương nơi đây – và nàng quay sang kệ sách - sẽ bối rối khi bảo mình là thuộc phái Jansen, hay phái thiền định, hay những gì khác em không được rõ. Những tâm hồn này chỉ biết nghiêng mình trước Thiên Chúa như cây cỏ rạp mình trước gió, không ranh mãnh, không thắc mắc, không mỹ miều. Họ xem mình không có gì quan trọng cả, và hiểu rằng họ chỉ có chút giá trị ở chỗ biết thu mình trước Thiên Chúa.

- Alissa! Tôi nói lớn, tại sao em cắt bỏ đôi cánh của mình đi như thế!

Giọng nói của nàng rất bình thản và hồn nhiên, nên tiếng kêu của tôi càng tỏ ra cường điệu một cách buồn cười.
Nàng lại mỉm cười, lắc đầu đáp:

- Tất cả những gì em còn giữ lại của lần vừa rồi tìm đọc lại Pascal ấy là…
- Là gì? Tôi hỏi vì thấy nàng ngừng lại.

-Ấy là lời nói của đức Kitô: "Kẻ nào muốn cứu đời sống của mình sẽ đánh mất đời sống". Phần còn lại, nàng vừa nói tiếp vừa cười lớn hơn và nhìn thẳng vào mặt tôi, thật tình em hầu như chẳng hiểu gì nữa cả. Khi người ta đã sống trong cái xã hội của những kẻ hèn mọn này thì cái sự siêu việt của những vĩ nhân làm ta ngột ngạt một cách mau chóng dị thường.

Trong lúc rối rắm, tôi đâu còn tìm ra lý lẽ gì để trả lời?...
- Nếu hôm nay anh phải cùng em đọc tất cả những bài rao giảng, những bài chiêm nghiệm kia…

- Nhưng mà, nàng ngắt lời tôi, em sẽ thất vọng nếu thấy anh đọc chúng! Thật tình em tin tưởng rằng anh sinh ra là để làm một cái gì hay hơn kia.

Nàng nói một cách rất giản dị, và không tỏ ra nghi ngờ rằng những lời nói chia cách hai cuộc đời của chúng tôi như thế cũng đang xé nát tim tôi. Đầu óc tôi bốc lửa; tôi còn muốn nói nhiều nữa và khóc, có lẽ nước mắt tôi sẽ làm nàng nao núng; nhưng tôi vẫn đứng im không thể nói gì hơn nữa, khuỷu tay tì  trên lò sưởi và hai tay bưng lấy trán. Nàng vẫn điềm nhiên, cắm mấy đóa hoa, không nhìn thấy tôi đau khổ, hay cố ý làm như không thấy…

Ngay lúc ấy có tiếng chuông rung đợt đầu báo hiệu giờ ăn.

- A! Chưa bao giờ em thấy mình chờ đợi tới giờ ăn như hôm nay, nàng nói. Để em làm nhanh cho xong. – Và cứ như là một trò đùa:  

- Chúng ta sẽ bàn trở lại câu chuyện này sau.

Câu chuyện ấy không bao giờ được bàn trở lại nữa. Alissa tránh thoát khỏi tôi hoài, không phải bao giờ nàng cũng tỏ ra lẩn tránh; nhưng mọi sắp đặt gặp gỡ đều bị ngay các việc bổn phận khác gấp rút hơn chiếm mất thời giờ. Tôi phải đợi, tôi phải chờ cho mọi việc nhà cửa xong xuôi mà công việc thì cứ càng thêm bề bộn mãi, nào kiểm tra những công việc mà người ta đã phải làm ở nhà kho, thăm viếng những người tá điền, những người nghèo khó mà nàng càng ngày càng gia công săn sóc. Thì giờ còn lại dành cho tôi rất ít; lúc nào thấy nàng cũng đương bận rộn cả. - nhưng có lẽ qua những sự chăm sóc vụn vặt này và sự từ bỏ chạy theo nàng mà tôi bớt cảm thấy mình bị bỏ rơi hơn. Chút chuyện trò qua loa càng làm tôi thấy buồn nản thêm. Khi Alissa dành cho tôi chút ít thì giờ, thì câu chuyện thực ra cũng rất vụng về, và nàng có nghe thì cũng như người ta dành chút thì giờ đùa với con nít vậy. Nàng đi lướt nhanh qua gần tôi, lơ đãng và mỉm cười, và tôi càng cảm thấy nàng trở thành xa cách hơn bao giờ. Đôi lúc tôi cũng còn tưởng thấy nụ cười của nàng như có chút thách thức, hoặc ít ra cũng một chút mỉa mai, và nàng lấy làm thích thú lẩn tránh sự mong muốn của tôi như vậy… Và thế là chằng mấy chốc tôi quay lại trách mình về những cái buồn phiền, và không muốn để mình cứ trách móc không biết mình chờ đợi gì ở nàng cũng như những gì mình có thể trách nàng.

Cứ thế mà trôi qua những ngày tuởng chừng hứa hẹn mang đến cho tôi biết bao hạnh phúc. Tôi lặng nhìn chúng trôi qua với nỗi sững sờ, nhưng tôi cũng không muốn chúng dài thêm ra, cũng không cầu mong chúng đi chậm lại, và mỗi ngày mỗi làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của tôi. Tuy nhiên hai ngày trước khi tôi đi, Alissa đã cùng tôi đi ra chiếc ghế bên hầm đá vôi bỏ hoang – đó là một buổi chiều thu trời rất trong mà người ta có thể nhìn rõ từng vật trong cái màu xanh tới chân trời không sương mù, và nhìn ra được cả những kỷ niệm mông lung nhất trong quá khứ - Tôi không giữ kín nỗi than phiền được nữa, bèn tỏ ra cho nàng thấy cái bóng đen của hạnh phúc mà sự đau khổ của tôi ngày hôm nay đã làm cho nó hiện ra. 

- Nhưng em có thể làm gì đây, anh của em? Nàng nói ngay: anh đã đi yêu một bóng ma.

- Không, không phải một bóng ma, Alissa ạ.     
- Một hình bóng tưởng tượng. 

- Than ôi! Anh nào có tạo ra nó đâu. Nàng vốn là người bạn thân yêu của anh. Anh  nhớ lại về nàng! Alissa! Alissa! Em vốn là người mà anh yêu dấu! Em đã làm gì em rồi? Em đã trở thành như thế nào rồi?   

Nàng im lặng một hồi không trả lời, đầu cúi xuống chậm rãi ngắt từng cánh hoa. Rồi cuối cùng nàng nói: 

- Jérôme à! Tại sao không thú nhận một cách rất giản dị rằng anh không còn yêu em như xưa nữa?
- Bởi vì điều ấy không đúng; bởi vì điều ấy không đúng! Tôi nói lớn lên một cách phẫn uất; bởi vì anh chưa bao giờ yêu em hơn ngày nay cả.

- Anh nói vẫn yêu em… ấy thế mà anh ta lại luyến tiếc Alissa trước kia! Nàng vừa nói vừa gượng cười, và hơi nhún vai một tí.
- Anh không thể đặt tình yêu của mình trong quá khứ. 

Mặt đất như sụt dưới chân tôi; và tôi tìm mọi thứ để bấu víu…

- Thế nào rồi nó cũng phải qua và những gì sau nó.
- Một tình yêu như vậy không khi nào qua đi với anh.
- Nó sẽ mòn mỏi dần dần. Em Alissa mà anh cho rằng mình vẫn còn yêu đó, thật ra chỉ còn trong kỷ niệm; rồi có một ngày anh sẽ chỉ còn nhớ là đã có lần yêu nàng…

- Em nói như thể không có gì thay thế được nàng trong lòng anh, hoặc là như thể lòng anh phải thôi yêu nàng. Em không còn nhớ rằng chính em cũng đã từng yêu anh kia mà, sao em có thể thích thú hành hạ anh như vậy? 

Tôi thấy đôi môi nhợt nhạt của nàng run run; và bằng một giọng gần như không còn nghe rõ được nữa, nàng thì thầm:

- Không; không; điều này không có thay đổi nơi Alissa.
- Nhưng như thế thì lại không có gì thay đổi cả, tôi nói trong khi nắm lấy tay nàng… Nàng trấn tĩnh lại hơn nói tiếp:

- Chỉ một tiếng thôi đủ giải thích hết mọi điều; tại sao anh không dám nói?
- Tiếng gì?
- Em già rồi.         
- Em im đi… 

Tôi phản đối tức thì rằng chính tôi cũng già như nàng, rằng sự chênh lệch giữa tuổi tác vẫn y nguyên… nhưng nàng đã trấn tĩnh lại; giây phút độc nhất đã qua, và đắm mình vào sự tranh cãi tôi đã bỏ mất cái cơ hội và tôi đã làm hỏng tất cả.

Tôi từ giã Fongueusemare hai ngày sau, bất mãn nàng, và chính mình, lòng đầy oán ghét cái mà tôi còn gọi là "đức hạnh" … và oán hận tất cả những gì từ lâu nay vẫn chiếm cứ tâm tư. Dường như trong buổi hội ngộ cuối cùng này, và do quá nói về tình yêu của mình mà tôi đã làm cho bao nhiêu nhiệt tình của tôi bị hao mòn hết, mỗi câu nói của Alissa mà đầu tiên tôi phản đối, vẫn sống động trong tôi và đắc thắng sau khi những sự phản đối của tôi im lắng. Hỡi ôi! Có lẽ nàng có lý! Tôi chỉ còn âu yếm một bóng ma. Em Alissa xưa mà tôi yêu dấu, mà tôi còn yêu đến bây giờ không còn nữa… Hỡi ôi! Có lẽ chúng tôi đã già rồi, cái không còn nên thơ kinh khủng này mà đứng trước nó lòng tôi băng giá thật ra không là gì cả mà chỉ là sự trở về của luật tư nhiên; nếu tôi đã từ từ nâng nàng lên quá cao, nếu tôi biến nàng thành thần tượng cho mình, tô điểm cho nàng tất cả những gì tôi yêu thích  thì rốt cuộc lại công trình đó cũng đâu còn lại được gì ngoài sự mệt mỏi?... Hễ vừa để nàng trở lại với chính nàng, Alissa lại rơi về với tầm vóc của mình cái tầm vóc tầm thường mà tôi cũng tự tìm thấy chính mình trong đó, nhưng tôi không còn ao ước thấy nàng như thế nữa. Ôi! Sự cố gắng làm tiêu hao đức hạnh để gặp lại nàng ở chốn cao xa mà chỉ duy sự cố gắng của tôi đã đặt nàng lên đã tỏ ra cho tôi thấy là vô nghĩa và hão huyền biết bao. Nếu bớt kiêu hãnh một chút, cuộc tình của chúng tôi đã trở thành dễ dàng… nhưng từ nay còn nghĩa gì nữa khi cứ khư khư ôm mãi mối tình không có đối tượng; đó là gàn bướng đâu có phải là trung thành. Trung thành với cái gì? Với một điều sai lầm. Sự khôn ngoan nhất phải chăng là nên tự thú nhận với mình rằng mình đã lầm lẫn?...

Tuy mới được đề cử dạy học tại Học đường Athènes, tôi chấp nhận vào làm ngay, không tham vọng, không thích thú, nhưng mỉm cười với ý tưởng cuộc khởi hành như một sự trốn thoát.

Nguyên tác  La pote étroite
Tác giả   ANDRÉ GIDE  (1869-1951)
ÐOÀN VĂN KHANH dịch
theo
nguyên văn tiếng Pháp

No comments:

Post a Comment