Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 9, 2013

KHUNG CỬA HẸP [6] - A. GIDE

Truyện dịch

 CHƯƠNG VI
  
Chính tại nhà dì Plantier là nơi chúng tôi gặp nhau trước tiên. Tôi bỗng nhiên cảm thấy mình nặng nề, mập mạp ra vì thời gian ở trong quân ngũ... Sau đó tôi có thể đã nghĩ là nàng nhận thấy tôi đã đổi thay. Nhưng cái ấn tượng đầu tiên có vẻ lừa dối này có quan trọng gì giữa chúng tôi không? - Riêng tôi sợ rằng mình không còn hoàn toàn nhận ra nàng nên mới đầu tôi chỉ dám nhìn sơ qua... Không; cái làm cho chúng tôi ngượng ngập nhiều hơn chính là cái vai trò phi lý vợ chồng chưa cưới mà người ta gán ghép cho chúng tôi và sự vội vàng cáo từ của mỗi người để chúng tôi được riêng tư trò chuyện với nhau.


- Nhưng cô ạ, cô không có gây phiền phức cho chúng cháu chút nào đâu, chúng cháu chẳng có gì bí mật cần nói riêng cho nhau cả, cuối cùng  Alissa nói lớn lên khi thấy dì tôi cố tìm cách lánh mặt một cách lộ liễu.

- Có chứ! Có chứ, các cháu! Cô hiểu các cháu lắm mà! Một khi lâu ngày không gặp lại nhau, người ta có khối chuyện cỏn con để kể cho nhau nghe...

- Con xin cô hãy ở lại; cô mà đi là chúng cháu buồn lòng lắm đó, và lời đó được nói lên bằng một giọng bực tức đến nỗi tôi gần như không còn nhận ra đó là giọng của Alissa nữa.

- Dì ạ, cháu cam đoan rằng nếu dì bỏ đi, chúng cháu sẽ không nói với nhau  một tiếng nào cả! Tôi vừa cười vừa nói thêm, nhưng chính tôi cũng cảm thấy một nỗi e sợ với cái ý nghĩ chỉ có hai chúng tôi với nhau. Thế là câu chuyện lại tiếp tục giữa ba người một cách vui vẻ giả tạo, tầm thường, cố gượng gạo làm ra vẻ sôi nổi để che giấu nỗi bối rối bên trong của mỗi người. Ngày hôm sau chúng tôi còn gặp nhau nữa vì cậu tôi mời tôi ăn trưa, cho nên chiều hôm đầu tiên chúng tôi chia tay nhau không có gì bịn rịn và vui sướng vì chấm dứt được cái màn hài kịch này.

Tôi đến trước giờ ăn, nhưng thấy Alissa đang tiếp chuyện một người bạn mà nàng không nỡ bảo cô bạn hãy về đi, và cô ta cũng không biết tế nhị cáo từ. Cuối cùng, khi cô bạn đã để cho chúng tôi được còn lại riêng với nhau, tôi giả vờ ngạc nhiên sao Alissa không cầm giữ nàng ở lại dùng bữa. Cả hai chúng tôi cùng thấy tâm hồn căng thẳng, mệt mỏi, sau một đêm mất ngủ. Cậu tôi bước vào. Alissa cảm thấy tôi nhận ra cha nàng già quá. Ông đã nặng tai, không còn nghe rõ tiếng tôi nữa; và do phải nói lớn tiếng để ông ta hiểu tôi làm cho câu chuyện của tôi thành ra ngô nghê. 


Như đã thỏa thuận trước, sau bữa ăn thì dì tôi đem xe đến đón chúng tôi và đưa tới Orcher, với dụng ý để Alissa và tôi có một quãng thả bộ vào lúc trở về được xem như phần thú vị nhất của chặng đường.

Trời nóng bức. Đoạn đường bờ biển chúng tôi đi bộ nắng chói chang và không có gì hứng thú; cây cối bị tỉa hết cành lá và chúng tôi không còn chỗ trú nắng. Bị thôi thúc vì nỗi lo về lại chỗ dì tôi đậu xe chờ, chúng tôi rảo bước một cách lật đật. Cơn  nhức đầu làm tôi bưng lấy trán không đào ra được ý tưởng nào; để tỏ ra không lúng túng, hoặc tại vì cử chỉ này có thể thay cho lời nói, tôi nắm lấy bàn tay Alissa đang thả lỏng cho tôi trong khi vẫn tiếp tục bước. Sự xúc động, những cái thở hổn hển vì đi bộ và cái khó chịu của sự im lặng làm máu dồn lên mặt, tôi nghe hai thái dương đập mạnh, Alissa thì đỏ phừng; và chẳng mấy chốc sự khó chịu vì cảm thấy người này cứ nắm lấy bàn tay ướt đẫm mồ hôi của người kia làm chúng tôi lại thả tay ra và buông xuống một cách buồn rầu. 

Chúng tôi đi vội quá nên đến chỗ ngả tư trước khi xe đến trong khi dì tôi vì muốn chúng tôi có đủ thì giờ trò chuyện nên đánh xe theo một con đường khác, và đi rất chậm. Chúng tôi bèn ngồi lại trên bờ dốc bên đường, người đẫm mồ hôi; thình lình một cơn gió lạnh thổi qua làm tê cóng cả người, thế là chúng tôi đứng dậy tiếp tục đi để gặp chiếc xe... Nhưng tệ hơn nữa là sự ân cần hối hả của dì tôi, vì tưởng rằng chúng tôi đã nói chuyện với nhau nhiều lắm nên sắp sửa hỏi chúng tôi về cuộc hôn lễ. Alissa không còn chịu đựng nổi nữa, và nước mắt cứ ràn rụa, đành viện cớ đang bị nhức đầu nặng. Chuyến trở về kết thúc một cách thật im lặng. 

Ngày hôm sau, tôi thức dậy mình mẩy nhức mỏi, người phờ phạc, lòng đau khổ đến nổi tôi quyết định xế chiều mới trở lại nhà cậu Bucolin. Không may, Alissa lại không rảnh một mình. Madeleine Plantier, một trong mấy đứa cháu gái của dì Félicie đang ở đó – tôi biết là Alissa vẫn thường hay thích chuyện trò với con bé này. Nó đang ở chơi nhà bà ngoại vài ngày và khi tôi bước vào thì nó nói lớn: 

- Nếu sau khi ở đây ra cậu cũng trở về nhà thì cậu cháu có thể cùng đi nhé. 

Tôi chấp thuận một cách như máy; thế là từ lúc ấy tôi không còn được gặp riêng với Alissa nữa. Nhưng hình như chính nhờ có sự hiện hiện của con bé dễ thương ấy mà tôi không thấy cái cảm giác khó chịu như ngày hôm qua; câu chuyện giữa ba người chẳng mấy chốc trở nên dễ dãi, tự nhiên hơn, không đến nỗi quá tẻ nhạt như ban đầu tôi e ngại. Alissa mỉm cười rất lạ khi tôi nói lời từ giã; tôi thấy hình như đến lúc đó nàng mới hiểu ra rằng sáng hôm sau tôi đã phải lên đường. Vả lại viễn tượng một cuộc gặp lại rất gần đã xoá tan chút gì có thể cho là bi thảm cho cuộc từ giã này của tôi. 

Tuy nhiên, sau khi dùng bữa tối xong, do một sự lo ngại mơ hồ thúc đẩy, tôi trở xuống phố lang thang gần một giờ trước khi quyết định nhấn chuông nhà cậu Bucolin. Cậu tôi ra tiếp chuyện tôi. Alissa cảm thấy mệt nên đã lên phòng riêng nghỉ ngơi và có lẽ đã ngủ. Tôi nói chuyện với cậu tôi một lúc rồi cáo từ... 

Dù bất bình với những sự việc bất trắc đó, nhưng tôi có trách thì cũng vô ích thôi. Mà cho dù được thuận tiện đi nữa thì rồi chúng tôi cũng lại tự tạo ra cái ngượng ngập cho mình. Nhưng về phía Alissa thì chính nàng cũng cảm thấy điều ấy và đây là điều không còn gì làm tôi sầu não hơn. Ngay khi trở lại Paris, tôi nhận bức thư sau đây : 

Anh ơi, lần gặp lại nhau sao mà  buồn thế! Có lẽ anh bảo rằng lỗi là do nơi những kẻ khác; nhưng sao anh không có thể bảo tại chính mình. Và bây giờ thì em tin, em biết từ nay sẽ luôn luôn như thế. Thôi, em van anh, chúng ta đừng tìm gặp lại nhau nữa. 

Tại sao lại cứ lúng túng, cứ cái cảm giác không đúng lúc, cứ tê liệt, cứ câm nín khi chúng ta có bao nhiêu điều để nói? Ngày đầu tiên anh trở về, em vẫn  sung sướng với sự lặng lẽ ấy, vì em tưởng rằng nó sẽ biến đi, và anh sẽ nói với em những chuyện kỳ diệu, anh sẽ không thể nào đi trước khi chưa  nói.

Nhưng khi em thấy chúng ta kết thúc một cách lặng lẽ buổi đi dạo sầu thảm  ở Orcher và nhất là khi đôi bàn tay chúng ta rời nhau và buông xuống trong tuyệt vọng, em đã  tin lòng mình chỉ còn cô đơn và đau khổ. Và điều làm cho  em đau đớn nhất không phải vì bàn tay anh đã buông tay em, mà vì cảm thấy  rằng nếu bàn tay anh không làm thế, thì bàn tay em cũng bắt đầu -  bởi vì bàn tay đó cũng không còn thấy thích thú nằm trong tay anh nữa. 

Ngày hôm sau – tức là hôm qua – em đã chờ đợi  anh một cách điên cuồng  suốt buổi sáng. Lòng quá lo lắng nên em không thể ngồi nhà, bèn để lại vài chữ cho anh biết nơi để tìm em rồi  đi ra ngoài cầu đá. Em ngồi ở đó rất lâu nhìn biển dậy sóng, nhưng em càng buồn khổ hơn vì nhìn cảnh mà vắng anh;  em bỏ về, và chợt nghĩ rằng về nhà thế nào cũng sẽ thấy anh đang đợi em trong phòng em. Em biết buổi chiều em sẽ không được rảnh. Madeleine hôm trước đó đã hẹn sẽ đến chơi, và vì nghĩ rằng sẽ gặp anh buổi sáng, nên em vui lòng cho nó đến. Nhưng có lẽ rằng chính nhờ sự có mặt của cô bé mà chúng ta còn được đôi lúc vui vẻ  trong buổi gặp gỡ này. Em thoáng có cái  ảo tưởng kỳ lạ  rằng cuộc trò chuyện nhẹ nhàng dễ dãi này sẽ còn kéo dài, lâu, lâu nữa... Và khi anh tiến gần chiếc ghế em cùng ngồi với Madeleine, và nghiêng mình bên em, anh nói từ biệt em thì  em không thể trả lời anh; đối với em hình như  tất cả bỗng chấm dứt và em chợt hiểu là anh đi. 

Anh bước ra với Madeleine chưa bao lâu  thì em bỗng thấy không thể nào như thế được, không thể chấp nhận được. Anh có biết là em đã đi ra, em còn muốn nói với anh, nói với anh  tất cả những gì em chưa nói; em đã chạy đến nhà cô Plantier... nhưng đã quá muộn ; em không đủ thì giờ, không dám... Em trở về, tuyệt vọng, viết thư cho anh...  rằng em không còn muốn viết thư cho anh nữa... một bức thư từ biệt... bởi vì cuối cùng em đã cảm thấy quá rõ  tất cả thư từ qua lại giữa chúng ta chỉ là  ảo ảnh, em và anh đã viết, hỡi ôi! cho chính mình, và...  anh Jérôme ơi! hỡi ôi! chúng ta vẫn mãi mãi cách biệt! 

Em đã xé bức thư này, thực thế;  nhưng bây giờ em viết trở lại cũng gần giống như  lá thư đã xé. Ôi! Em không hề bớt  yêu anh,  anh của em! trái lại chưa bao giờ  em cảm thấy ngay cả trong lúc bối rối, lúc bực bội mà hễ  anh tiến đến gần em, em đã yêu anh sâu đậm biết bao, nhưng một cách tuyệt vọng, anh thấy không, bởi vì, em cần phải thú nhận, ở xa em yêu anh nhiều hơn.  Trước đây, em đã nghi ngờ thế, than ôi! Cuộc gặp gỡ từng ao ước này đã hoàn tất chỉ cho em thấy điều ấy; và chính anh, anh của em, đằng nào anh cũng phải chấp  nhận. Giã biệt anh, người anh yêu dấu biết bao của em, cầu xin Thiên Chúa dẫn dắt anh. Chỉ nơi Ngài mà người ta có thể đến gần nhau không bị trừng phạt. 

Và dường như thấy bức thư này chưa đủ làm cho tôi đau đớn, ngày hôm sau nàng lại thêm mấy dòng tái bút: 

Em sẽ không gửi thư này cho anh mà không  yêu cầu  anh hãy giữ kín thêm một chút nữa những  chuyện gì chỉ riêng giữa đôi ta. Đã nhiều  lần anh làm  em buồn lòng khi  thấy  anh đem hết tâm tình riêng của chúng mình ra nói với Juliette hoặc với Abel, và đó chính  là điều từ lâu trước khi anh nghi ngờ đã xui em nghĩ rằng mối  tình của anh là một mối tình có suy nghĩ của lý trí, một sự bướng bỉnh tinh thần muốn giữ sự trìu mến và  thủy chung.

Chắc chắn vì sợ tôi đưa Abel xem bức thư này nên nàng mới viết mấy dòng cuối cùng ấy. Sự sáng suốt ngờ vực nào đã khiến nàng phải đề phòng như thế? Phải chăng nàng đã bắt gặp trong những lời nói của tôi trước đây vài phản ảnh về những lời khuyên của bạn tôi?... 

Tôi cảm thấy từ nay xa với anh chàng đó lắm rồi! Chúng tôi đi theo hai con đường trái ngược nhau; và sự dặn dò này kể như thừa khi nàng định dạy cho tôi biết phải một mình gánh chịu cái khối nặng u sầu này. 

Ba ngày tiếp theo tôi chỉ bận tâm vào cái điều phàn nàn của mình; tôi muốn trả lời Alissa, nhưng lại sợ vì tranh luận quá đặt nặng vấn đề, vì một sự phản đối quá mạnh mẽ, vì một chút vụng về nào đó lại làm trầm trọng thêm vết thương không còn cơ cứu vãn; tôi viết đi viết lại cả hai chục lần lá thư bàn cãi cuộc tình của chúng tôi. Ngày nay tôi không thể đọc lại lá thư đẫm nước mắt đó mà không khóc gấp hai lần lá thư mà cuối cùng tôi quyết định gửi đi: 

Alissa! Hãy thương hại anh, thương hại hai chúng ta một chút... Thư em làm anh đau đớn. Phải chi mà anh có thể mỉm cười khi đọc được những dòng lo ngại của em! Ừ! Anh cũng cảm thấy những điều em đã viết cho anh, nhưng  anh sợ nói ra cho anh. Sao em cứ cho là thực tế phũ phàng  những cái chỉ là do tưởng tượng cũng như  em làm cho nó dày thêm lên giữa chúng ta!  

Nếu em cảm thấy rằng, em bớt yêu anh... Ồi! Hãy tránh cho  anh cái giả dụ tàn nhẫn mà cả bức thư của em đã chối bỏ! Nhưng khi đó  thì những điều lo sợ viển vông của em đâu còn  ý nghĩa gì  nữa! Alissa! Mỗi khi  anh muốn cãi lý  với em, lời anh như đông cứng lại; anh chỉ còn nghe tiếng rên rỉ của lòng mình. Anh quá yêu em nên đâu còn khéo léo và anh càng yêu em anh lại càng ít biết cách nói với em. «Yêu bằng đầu óc»... em muốn anh trả lời điều ấy như thế nào đây? Khi mà anh yêu em với hết cả tâm hồn, thì làm sao anh có thể phân biệt đâu là lý trí, đâu là con tim? Nhưng vì thư từ qua lại của chúng ta là nguyên nhân gây nên những cái khó chịu cho em, vì điều này đưa đến cái  thực tế sau đó đã gây tổn thương nặng nề cho chúng ta; vì em nghĩ rằng từ nay nếu em có viết thư cho anh thì cũng chỉ là tự viết cho mình, và cũng vì lẽ rằng anh không còn đủ sức để chịu đựng một bức thư tương tự thế này một lần nữa, nên anh van em, chúng ta hãy tạm ngừng thư từ cho nhau một thời gian vậy.

Phần tiếp theo của lá thư, trong khi phản đối lại sự phán đoán của nàng, tôi xen thêm lời kêu gọi, năn nỉ nàng hãy chịu cho chúng tôi được giáp mặt nhau một lần nữa. Lần vừa qua đã lỡ gặp toàn chuyện trái ngang: khung cảnh, sự có mặt của người ngoài,  thời tiết, - cho đến những thư từ náo nức trước đó mà chúng tôi rất ít chuẩn bị kỹ lưỡng. Lần này sẽ giữ im lặng trước ngày gặp nhau. Tôi ước mong sẽ gặp nàng vào mùa xuân tại Fongueusemare, nơi tôi nghĩ rằng quá khứ sẽ biện hộ cho tôi, và cậu tôi đang mong gặp lại tôi tại đó trong dịp nghỉ lễ Phục sinh, bao nhiêu ngày hay chỉ thời gian ngắn đều tốt. 

Khi sự quyết định của tôi đã dứt khoát, và ngay khi thư đã gửi đi rồi, tôi mới có thể vùi đầu vào với công việc. 

Tôi đã phải gặp nàng trước cuối năm. Từ mấy tháng nay, cô Ashburton, sức khỏe suy yếu nhiều, và đã qua đời bốn ngày trước lễ Giáng sinh. Từ ngày giải ngũ về, tôi lại ở chung nhà với cô; không mấy khi rời cô, và đã có thể lo cho cô lúc lâm chung. Một tấm thiệp của Alissa làm chứng cho tôi biết nàng vẫn giữ đúng lời thề im lặng còn hơn cả cái tang: nàng đến trong thời gian hai chuyến tàu đi và về để đưa đám mà thôi vì cậu tôi không thể tham dự được. 

Gần như chỉ có hai chúng tôi vào lúc cử hành thánh lễ an táng rồi theo sau quan tài, nàng và tôi đi bên cạnh nhau, chỉ trao đổi với nhau vài lời; nhưng ở nhà thờ, nàng ngồi bên tôi, nhiều lần tôi cảm thấy nàng đưa mắt nhìn tôi rất âu yếm. 

- Cứ làm đúng như đã thỏa thuận nhé: nàng bảo tôi lúc từ giã: không thư từ gì từ đây đến Phục Sinh...
- Ừ, nhưng ngày lễ Phục Sinh...
- Em sẽ chờ anh. 

Chúng tôi đã ra đến cổng nghĩa địa. Tôi đề nghị đưa nàng ra nhà ga; nhưng nàng ra hiệu cho một chiếc xe ngừng lại và không một lời từ biệt, nàng lên xe, bỏ tôi  lại một mình.

Nguyên tác  La pote étroite
Tác giả   ANDRÉ GIDE  (1869-1951)
ÐOÀN VĂN KHANH dịch 
theo
nguyên văn tiếng Pháp

No comments:

Post a Comment