Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 9, 2013

KHUNG CỬA HẸP [2] - A. GIDE

Truyện dịch

CHƯƠNG II

Bài học khắc khổ ấy đã gặp một tâm hồn được chuẩn bị sẵn để tự nhiên hướng về bổn phận, và cái gương của cha mẹ tôi, liên kết với qui luật chặt chẽ của Thanh giáo đã bắt những nhiệt tâm đầu tiên của tôi phải phục tùng, nay đang hoàn tất hướng tâm hồn tôi về cái điều mà tôi nghe người ta gọi là: đức hạnh. Đối với tôi, tự hãm mình cũng tự nhiên như kẻ khác dung túng mình, và sự nghiêm khắc mà người ta dùng để kiềm chế tôi không làm tôi chán ghét, mà còn tâng bốc tôi. Tôi không trông tìm hạnh phúc ở mai sau bằng sự cố gắng không ngừng để đạt hạnh phúc, và tôi đã lẫn lộn hạnh phúc và đức hạnh. Chắc chắn là một đứa trẻ mới mười bốn tuổi, tôi hãy còn phân vân, dễ thay đổi, nhưng chẳng bao lâu mối tình của tôi đối với Alissa đã làm cho tôi có đắn đo suy nghĩ khi đi sâu vào chiều hướng này.
Như có một sự soi sáng nội tâm đột ngột nhờ đó tôi có ý thức về chính mình: tôi thường tỏ ra khép kín, kém biểu lộ, nhiều kỳ vọng, ít quan tâm đến kẻ khác, thực hiện công việc một cách tầm thường, và không mơ ước những thắng lợi nào khác hơn là những cái đạt được trên chính bản thân.
Tôi thích học hỏi; về vui chơi tôi chỉ chọn những trò gì đòi hỏi phải định tâm hoặc phải cố gắng. Đối với bạn bè cùng trang lứa tôi ít giao du, và chỉ chiều theo cuộc vui của họ vì chút cảm mến hoặc vì nể nang. Tuy thế tôi lại thân với Abel Vautier, kẻ mà một năm sau cùng học chung với tôi một lớp ở Paris. Đó là một thiều niên ân cần niềm nở, không mấy ham học, tôi thấy mình có thiện cảm với anh ta hơn là quý mến, nhưng ít ra tôi cũng có thể cùng anh ta trò chuyện về Havre và Fongueusemare, nơi mà tâm trí tôi lúc nào cũng hướng về. 

Về phần cậu em họ Robert Bucolin thì cũng được cho vào  học nội trú cùng trường với chúng tôi, nhưng dưới hai lớp, chỉ những ngày chủ nhật tôi mới gặp thôi. Nếu cậu ta không phải là em ruột của hai cô em họ tôi mà cậu ta chẳng giống được mấy tí, chắc tôi cũng chẳng thích gặp.

Tâm hồn tôi lúc ấy hoàn toàn bị tình yêu chi phối, và do tình yêu soi sáng mà hai mối tình bạn này đối với tôi có chút quan trọng. Alissa giống như viên ngọc vô giá được nói đến trong Phúc Âm; và tôi là kẻ bán hết những gì mình có để mua lấy ngọc. Tôi còn nhỏ mà đã nói đến tình yêu, như thế có sai trái không và khi gọi cái tình cảm mà tôi cảm thấy đối với cô em họ là tình yêu có đúng không? Không có một từ nào mà tôi biết về sau đã tỏ ra cho tôi thấy xứng hơn cái từ đó - đàng khác, ngay cả khi đến tuổi biết khổ sở vì những đòi hỏi xác thịt thực sự, mối tình cảm của tôi đối với nàng cũng không thay đổi tính chất bao nhiêu: tôi cũng không tìm cách trực tiếp chiếm đoạt cho được con người mà ngày còn trẻ tôi cho mình là kẻ xứng đáng độc nhất. Làm việc, cố gắng, hành thiện, tất cả mọi cái đó tôi đều âm thầm dâng cho Alissa, và còn nghĩ ra một kiểu đức hạnh tinh tế để nàng thường không biết những gì tôi làm là vì nàng. Tôi đắm say trong một kiểu  khiêm tốn ngất ngây như vậy và than ôi! tập quen ít nghĩ đến sự vui chơi, và không tự hài lòng với những gì không đòi hỏi có sự cố gắng. 

Sự tranh đua ấy phải chăng chỉ thúc giục riêng tôi thôi? Tôi không thấy Alissa nhạy cảm với điều này; và nàng chẳng bao giờ làm một điều gì cho tôi hoặc vì tôi, một kẻ đã cố gắng chỉ vì nàng. Trong tâm hồn mộc mạc của nàng, mọi cái đều giữ nguyên vẻ đẹp thuần túy tự nhiên. Đức hạnh của nàng mang một vẻ dung dị và đầy ân sủng như để cho nàng cứ việc phó thác mình vào. Cái nhìn đoan trang của nàng nhờ có nụ cười trẻ thơ mà càng thêm duyên dáng, tôi còn thấy lại rõ ràng cái nhìn ngước lên dò hỏi với biết bao dịu dàng, âu yếm đó, và tôi hiểu tại sao trong những lúc bối rối, cậu tôi đã đến với người con gái lớn của mình để tìm sự nương tựa, sụ ủi an, sự khuyên giải. Mùa hè năm sau tôi thấy cậu vẫn thường trò chuyện với Alissa. Nỗi buồn đã làm cậu già đi nhiều; cậu ít nói chuyện trong bữa cơm hoặc đôi khi lại tỏ ra vui vẻ đầy giả tạo bất ngờ, trông còn đau xót hơn cả sự câm nín. Cậu ngồi hút thuốc ở thư phòng cho đến chiều Alissa vào tìm cậu và năn nỉ cậu ra ngoài, và dẫn cậu đi dạo vườn như dẫn một đứa trẻ. Cả hai men xuống lối đi có trồng hoa đến mấy cái ghế đã đặt sẵn chỗ bùng binh gần bậc cấp xuống vườn rau quả. 

Một chiều nọ, trong lúc còn nấn ná đọc sách và đang nằm dài trên mặt cỏ xanh dưới bóng một cây dẻ gai tím chỉ ngăn cách lối đi có trồng hoa bằng một hàng rào nguyệt quế che khuất cái nhìn nhưng không ngăn cản tiếng động thì nghe có tiếng Alissa và cậu tôi. Có lẽ hai người đang nói chuyện về Robert, lúc ấy tên tôi được Alissa nhắc đến và vừa khi tôi bắt đầu phân biệt rõ lời nói, tôi nghe cậu tôi nói lớn: 

- Ồ! Nó thì khỏi phải nói, luôn luôn thích làm việc.

Vô tình thành kẻ nghe lén nên tôi muốn bỏ đi nơi khác, hoặc ít ra cũng làm vài cử động gì đó để ra hiệu cho họ biết sự hiện diện của tôi ở đây, nhưng làm sao? tằng hắng ho? la lên: tôi ở đây; tôi nghe hai người đang nói chuyện đấy!... nhưng rồi cũng vì lúng túng và nhút nhát nhiều hơn là tò mò muốn nghe mà tôi đành cứ im lặng. Vả lại, hai người chỉ đi ngang qua thôi, và tôi cũng chỉ nghe chuyện họ nói câu được câu mất... Nhưng họ lại đi chậm; có lẽ do thói quen, và Alissa thì lại tay xách một cái giỏ nhẹ, vừa đi vừa ngắt những cánh hoa tàn và nhặt những quả còn xanh bị sương gió biển làm cho rơi rụng dưới gốc rặng cây áp tường. Tôi nghe giọng trong trẻo của nàng: 

- Ba à, có phải bác Palisser của con là một người đặc biệt?

Giọng cậu tôi khàn khàn và bị khăn che nên tôi không nghe rõ câu trả lời; rồi giọng Alissa nài nỉ: 

- Rất đặc biệt chứ? trả lời đi ba. 

Lần nữa câu trả lới cũng lại không rõ; rồi lại giọng Alissa:
- Jérôme rất thông minh, có phải vậy không ba? 

Thế này thì làm sao mà tôi không lắng tai?... Nhưng mà không, tôi không thể nghe ra được gì cả. Alissa lại hỏi tiếp: 

- Ba có nghĩ rằng anh ta sẽ trở nên một người đặc biệt không? 

Đến đây giọng cậu tôi cất cao lên:
- Nhưng con ạ, trước tiên ba muốn biết ý con hiểu thế nào về hai tiếng: đặc biệt? Người ta có thể rất đặc biệt mà lại không hề tỏ ra thế, ít ra cũng trước mắt người trần... nhưng rất đặc biệt trước mắt Thiên Chúa!

- Chính ý con hiểu như thế đấy, Alissa nói.
- Hơn nữa... làm sao người ta có thể biết được? nó hãy còn trẻ quá… Ừ, chắc chắn là nó đầy hứa hẹn; nhưng điều đó chưa đủ để thành công…
- Còn cần phải có những gì nữa?
- Nhưng mà, con à, con muốn ba nói cho con điều gì đây? Cần có sự tin cậy, sự nâng đỡ, tình yêu...
- Ba nói cần nâng đỡ có nghĩa là thế nào? Alissa ngắt lời.
- Là lòng thương yêu và sự quý mến mà ba đã thiếu thốn, cậu tôi rầu rầu đáp; rồi giọng hai người chìm mất hút. 


Vào giờ cầu nguyện buổi tối, tôi bị ray rứt vì sự tò mò không cố ý đó nên tự hứa sẽ thú thật với cô em họ. Có lẽ lần nầy thì trong ý tưởng của tôi có xen lẫn sự tò mò muốn biết. 
- Nhưng mà, Jérôme à, nghe như thế là xấu lắm? Đáng lẽ anh phải báo động cho em biết hoặc lánh đi nơi khác chứ.
- Anh cam đoan với em là anh không chủ ý lắng nghe... mà chỉ nghe ngoài ý muốn... Vả lại cậu và em chỉ đi ngang qua thôi.
- Nhưng ba và em đi rất chậm.
- Đúng, nhưng anh cũng chỉ nghe loáng thoáng thôi. Và chỉ một lúc sau là không còn nghe nữa... Nào, hãy nói cho anh nghe khi em hỏi cậu anh cần phải có gì nữa để thành công thì cậu bảo sao ?
- Jérôme à, nàng vừa cười vừa nói: anh đã nghe rõ tất cả! Anh muốn trêu cho em lặp lại chơi phải không?
- Anh cam đoan với em là anh chỉ nghe có phần đầu… khi cậu nói đến lòng tin cậy và tình yêu.
- Sau đó ba có nói còn cần nhiều thứ khác nữa.
- Nhưng còn em, em đã trả lời cậu thế nào?

Alissa đột nhiên trở nên rất nghiêm trang:
- Khi ba nói đến sự nâng đỡ ở đời thì em đáp rằng anh đã có mẹ anh.
- Ồ! Alissa à, em hẳn biết rằng mẹ anh đâu có sống đời với anh... Vả lại, chuyện đó đâu có phải nằm trong cái ý trên... 

Nàng cúi mặt :
- Đó cũng là cái điều ba đã trả lời cho em. 

Tôi run run cầm lấy tay nàng:
- Sau nầy anh có trở nên thế nào là cũng là vì em mà anh muốn như thế.
- Nhưng Jérôme ạ, chính em rồi cũng có thể xa anh kia mà. 

Tâm hồn tôi gửi trọn vào câu nói:
- Còn anh, không bao giờ anh sẽ xa em cả. 


Nàng khẽ nhún vai: 

- Anh không đủ sức đi một mình hay sao? Mỗi người chúng ta đều phải một mình tìm đến với Thiên Chúa.
- Nhưng chính em chỉ cho anh con đường.
- Tại sao anh lại muốn chọn một kẻ dẫn đường khác ngoài đức Ki-tô?... Anh có nghĩ rằng: không bao giờ chúng ta kẻ này gần kẻ kia bằng khi mỗi một kẻ trong chúng ta quên kẻ kia đi, để chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa?
- Ừ, để hiệp nhất chúng ta; tôi ngắt lời nàng, đó là điều anh vẫn hằng cầu nguyện Ngài mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối.
- Phải chăng anh không hiểu cái điều có thể coi là sự hiệp thông trong Thiên Chúa?
- Anh hiểu điều ấy hết lòng: ấy là sự gặp lại nhau ngất ngây trong cùng một mối tôn thờ. Hình như cũng chính vì muốn được gặp lại em mà anh tôn thờ những gì anh biết là em tôn thờ.

- Lòng tôn thờ của anh chưa thanh khiết.
- Đừng đòi hỏi anh nhiều quá. Anh không cần biết đến Thiên Đàng nếu anh không thể gặp lại em nơi ấy. 

Nàng đặt một ngón tay lên môi, và giọng hơi trịnh trọng: 

- "Trước tiên, ngươi hãy tìm đến nước Chúa, và sự công bằng của Ngài". 

Khi ghi chép lại những lời lẽ này của chúng tôi, tôi cảm thấy những lời nói ấy không có vẻ trẻ con mấy đối với những kẻ nào không hiểu rằng cũng có một số trẻ con vẫn thích làm cho câu chuyện trịnh trọng. Tôi nào khác hơn? Tôi sẽ tìm cách bao dung cho chúng chăng? Không, cũng như tôi không muốn tô sửa lại chúng cho có vẻ tự nhiên hơn. 

Chúng tôi đã đọc lời Phúc Âm trong bản văn của Vulgate, và thuộc lòng nhiều đoạn. Lấy cớ để chỉ lại cho Robert, Alissa đã học tiếng La Tinh với tôi; nhưng tôi thì lại cho rằng đó chỉ là cái cớ để cho nàng tiếp tục hiểu theo kịp những gì tôi đọc. Thật thế, tôi ít dám ham thích học hỏi một môn nào mà tôi biết rằng nàng không theo được. Nếu điều đó đôi lúc có ngăn trở tôi, đó không phải làm ngưng lại niềm phấn khởi của tâm trí tôi như người ta có thể tưởng; trái lại, tôi cảm thấy dường như nàng luôn đi trước tôi khắp mọi nơi một cách thong dong. Nhưng tinh thần tôi thì lại theo nàng khi chọn con đường cho nàng, và những gì làm cho chúng tôi bận tâm thuở đó, những gì mà chúng tôi gọi là tư tưởng, thường chỉ là một cái cớ cho một sự hiệp thông nào đó khôn ngoan hơn là sự ngụy trang của tình cảm, cái vỏ bề ngoài của tình yêu.


Mẹ tôi ban đầu có thể đã lo ngại về mối tình cảm mà người chưa ước lượng được mức sâu đậm; nhưng bây giờ cảm thấy sức lực đã suy yếu, người lại thích kết hợp chúng tôi trong cùng một vòng tay mẫu tử. Bệnh đau tim mà người mắc phải từ lâu càng ngày càng gây cho người nhiều cơn đau thường xuyên hơn. Trong một lần lên cơn nguy kịch, người gọi tôi lại gần và nói: 

- Tội nghiệp con tôi! Con cũng thấy mẹ già yếu đi nhiều rồi; một ngày nào đó mẹ sẽ đột ngột bỏ con lại một mình.
Người im nói, thở rất khó. Không cưỡng nổi lòng mình lúc đó, tôi đành nói ra cái điều mà có lẽ mẹ tôi vẫn chờ tôi nói ra cho người từ lâu:  

- Mẹ ạ…,  mẹ vẫn biết rằng con muốn cưới Alissa. Và chắc hẳn lời nói của tôi đáp đúng ý tưỏng thầm kín của người bời vì người nói tiếp ngay:
- Phải rồi, đó chính là điều mẹ muốn nói với con, Jérôme à.
- Mẹ ạ, mẹ nghĩ rằng nàng yêu con, có phải vậy không? Tôi nức nở nói.
- Ừ, con ạ. Người lặp lại nhiều lần một cách trìu mến: Ừ, con ạ. Người nói một cách mệt nhọc. Người nói thêm: Phải theo ý Thiên Chúa sắp đặt. Rồi khi tôi cúi mình bên mẹ; người đặt bàn tay lên đầu tôi và nói thêm:
- Xin Thiên Chúa gìn giữ, các con à! Xin Thiên Chúa gìn giữ cho hai con! rồi người thiu thiu ngủ mà tôi cũng không tìm cách đánh thức người. 

Câu chuyện ấy không bao giờ được nêu lên nữa. Qua ngày hôm sau, mẹ tôi cảm thấy khỏe hơn; tôi lại tiếp tục đi học, và sự nín lặng đã khép kín lại cái điều thố lộ úp mở trên. Vả lại,  tôi còn muốn biết gì hơn nữa? Miễn là Alissa yêu tôi, không lúc nào tôi nghi ngờ điều ấy. Mà cho dẫu có đi nữa, thì sự nghi ngờ cũng đã vĩnh viễn biến mất vào lúc biến cố đau buồn xảy ra. 

Mẹ tôi nhẹ nhàng tắt thở vào một buổi chiều, trong vòng tay tôi và cô Ashburton. Lần lên cơn cuối cùng, lúc đầu trông không có vẻ gì trầm trọng hơn những lần trước; mà chỉ bắt đầu có triệu chúng nguy kịch vào giai đoạn cuối nên họ hàng trước đó không ai kịp đến thăm. Chính tôi với người bạn già thân thiết của mẹ tôi cùng thức canh di hài người thân yêu của mình đêm đầu tiên. Tôi yêu mẹ tôi rất sâu đậm nhưng tôi lại ngạc nhiên thấy mình mặc dầu nước mắt đầm đìa không phải vì nỗi buồn trong tôi, mà khóc vì thấy xót thương cô Ashburton đang đau khổ nhìn người bạn gái nhỏ tuổi hơn mình nhiều đã vội bỏ đi tìm gặp Thiên Chúa trước cả bà ta. Nhưng cái ý nghĩ thầm kín rằng cái tang nầy sẽ thúc đẩy nhanh cô em họ sớm về bên tôi đã lấn át vô cùng sự buồn rầu của tôi. 

Hôm sau, cậu tôi đến. Cậu đưa cho tôi lá thư của con gái mình gửi; và phải ngày hôm sau nữa nàng và dì Plantier mới đến được.

"... Jérôme, anh  của em ơi, nàng viết trong thư… em ân hận biết bao  đã không nói được với mẹ anh đôi lời mà người hằng  mong đợi cho  người thỏa nguyện trước khi lìa đời. Thôi bây giờ, cầu mong cô  tha thứ cho em! và từ  nay chỉ còn xin  Thiên Chúa dẫn dắt hai đứa chúng ta. Thôi giã biệt,  anh đáng thương của em.  Em âu yếm hơn bao giờ hết, Alissa của anh..."

Bức thư này có ý nghĩa như thế nào? Những lời mà nàng ân hận đã không nói được là lời gì nếu không phải là những lời giao ước tương lai của chúng tôi?  Tôi hãy còn quá trẻ để có thể xin cưới nàng ngay lúc này. Vả lại, tôi có cần đến lời hứa của nàng không? Không phải hai chúng tôi đã được xem như đính ước rồi sao? Tình yêu giữa chúng tôi không còn là một điều bí mật đối với họ hàng; cậu Bucolin, cũng như mẹ tôi đều không cản trở, trái lại, cậu tôi còn xem tôi như con ruột.

Cách sau đó chỉ vài ngày là kỳ nghỉ lễ Phục sinh, tôi trở về Havre và ở tại nhà dì Plantier, nhưng hầu như bữa nào cũng dùng cơm ở nhà cậu Bucolin. 

Dì Félicie Plantier là một người đàn bà tốt nhất trong số đàn bà, nhưng các em họ tôi và cả tôi  lại không thân mật lắm với dì. Cái kiểu lăng xăng tối ngày làm cho dì lúc nào cũng như sắp hụt hơi; cử chỉ thiếu dịu dàng, giọng nói thiếu êm ái, dì ào ào vuốt ve chúng tôi bất kể giờ phút nào dì cảm thấy lòng dạt dào trìu mến chúng tôi của dì cần phải cho tuôn trào ra. Cậu tôi yêu dì lắm, nhưng chỉ nghe giọng của cậu khi nói về dì cũng đủ cảm thấy cậu tôi yêu quý mẹ tôi hơn nhiều. 

- Cháu à, một buổi tối dì bắt đầu nói, dì không rõ mùa hè nầy cháu định làm gì, nhưng dì sẽ đợi biết được những dự định của cháu trước khi quyết định ý mình: nếu dì có thể giúp gì cho cháu...
- Cháu cũng chưa nghĩ nhiều đến điều ấy, tôi trả lời. Có lẽ cháu sẽ đi du lịch.

Dì tiếp:
- Cháu biết là ở nhà dì cũng như ở Fongueusemare, cháu vẫn luôn luôn được đón tiếp ân cần. Cháu sẽ làm vui lòng cậu và Juliette nếu cháu xuống trọ dưới ấy...
- Có phải dì muốn nói ở nhà Alissa không.
- Đúng thế! Xin lỗi cháu... Chắc cháu không tin là lâu nay dì vẫn tưởng là cháu yêu Juliette kia! cho đến khi cậu cháu nói cho dì rõ... cách đây không đầy một tháng... Cháu biết đó, dì rất thương các cháu, nhưng dì không biết ý các cháu; dì lại ít có dịp gặp các cháu!... vả lại dì không phải là kẻ thich tò mò; và không có thì giờ nhìn xem những gì chẳng liên hệ đến dì. Chính vì thấy cháu thường chơi  đùa với Juliette... nên dì nghĩ... nó xinh đẹp biết bao, vui vẻ biết bao.
- Vâng, cháu thích chơi với Juliette, nhưng Alissa mới là kẻ cháu yêu...
- Được lắm! được lắm, cháu tự do mà... Riêng dì, cháu hiểu cho, dỉ chỉ nói được dì không biết tính Alissa nhiều, nó ít nói hơn con em; dì nghĩ rằng, nếu cháu chọn Alissa là cháu có vài lý do chính đáng nào đó.
- Nhưng mà, thưa dì, cháu có chọn lựa để yêu nàng đâu, và cháu cũng chẳng bao giờ tự hỏi mình lý do gì để...

- Jérôme à, đừng giận dì nhé, dì nói thẳng chứ không có ẩn ý gì cả. Cháu làm dì quên mất điều dì định nói với cháu ... À! phải rồi: dì nghĩ rằng, dĩ nhiên mọi sự rồi cũng kết thúc bằng hôn nhân; nhưng vì cháu đang có tang, cháu chưa thể nào làm lễ đính hôn một cách trịnh trọng được… vả lại cháu hãy còn trẻ quá... Dì nghĩ sự có mặt của cháu ở Fongueusemare lúc này khi mẹ cháu không còn nữa có thể hơi khó coi...
- Nhưng, thưa dì, chính vì thế mà cháu mới nói đến chuyện đi du lịch...
- Ứ. Thế này nhé! dì nghĩ rằng, nếu có mặt dì thì việc gì cũng dễ dàng, nên chi dì đã thu xếp để có thể có chút thời gian rảnh rỗi trong dịp hè nầy.
- Chỉ cần cháu yêu cầu thôi, là cô Ashburton cũng sẽ sẵn lòng đến.
- Dì vẫn biết rằng bà ta sẽ đến. Nhưng thế chưa đủ. Dì cũng phải đến nữa… Ồ! Dì không có ý thay thế người mẹ đáng thương của cháu đâu; dì nói và bỗng nhiên nức nở lên; nhưng dì sẽ trông việc nội trợ... và thế là cuối cùng cả cháu, cả cậu, cả Alissa, sẽ thấy chẳng có gì bực bội với các cháu nữa.


Dì Félicie đã quá lợi dụng sự có mặt của mình. Nói thật ra chúng tôi chỉ thấy dì làm cho chúng tôi bực bội thôi. Từ tháng bảy, dì đã ở tại Fongueusemare như đã báo trước, và vài hôm sau thì cô Ashburton và tôi cùng tới. Lấy cớ giúp Alissa trong công việc nhà, dì làm cho ngôi nhà vốn yên tĩnh lúc nào cũng rộn lên. Sự vồn vã mà dì làm để cho chúng tôi vừa ý, và cho mọi việc được dễ dàng theo như dì nói, sao mà quá vồ vập, đến nỗi nhiều khi Alissa và tôi cảm thấy như bị gò bó, và gần như nín lặng khi có mặt dì. Hẳn là dì cũng nhận thấy chúng tôi rất lạnh nhạt... - Mà cho dù chúng tôi không nín lặng đi nữa thì liệu dì có thể nào hiểu được bản chất tình yêu của chúng tôi không? Trái lại, tính nết Juliette lại dễ thích hợp với cái tính bồng bột này của dì, và tình thương của tôi đối với dì có lẽ giảm bớt đi một phần khi thấy dì tỏ ra có một sự ưa thích đặc biệt đứa cháu nhỏ này trong số mấy đứa cháu. 

Một buổi sáng sau khi nhận được một bức thư, dì gọi tôi lại :
- Cháu Jérôme à, dì rất buồn; con gái của dì bị bệnh, gọi dì về; dì buộc lòng phải rời mấy cháu... 

Lòng đầy lo lắng vẩn vơ, tôi đi tìm cậu, không biết mình có dám ở nán lại Fongueusemare sau khi dì đi hay không. Nhưng tôi mới nói câu đầu tiên thì: 

- Bà chị đáng thương của cậu lại tưởng tượng thêm điều gì cho rối rắm những việc rất tự nhiên nữa đây? Này! Tại sao cháu lại xa cậu và các em hả Jérôme? Không phải cháu cũng gần như con ruột của cậu rồi hay sao? 

Dì tôi ở lại Fongueusemare vỏn vẹn có mười lăm ngày. Từ khi dì đi rồi, ngôi  nhà mới có thể trở lại nếp cũ; sự yên tĩnh lại ngự trị trong nhà giống như một thứ hạnh phúc. Cái tang của tôi không làm lu mờ mà mà còn khơi đậm thêm tình yêu của chúng tôi. Một cuộc sống theo cái dòng đều đặn bắt đầu và nơi đây mỗi một tiếng động nhỏ của con tim cũng có thể nghe như ngân vang lên giữa một vùng thinh lặng. 

Một buổi tối sau khi dì tôi đi rồi, tôi còn nhớ lúc ngồi ở bàn ăn chúng tôi nói chuyện về dì: 

- Sao mà dì lăng xăng thế! Chúng tôi nói. Những đợt sóng của cuộc đời không thể nào để cho tâm hồn dì yên được một chút sao? Vẻ đẹp của tình yêu phản chiếu ở đây sẽ thành như thế nào?

-... Bởi vì chúng tôi nhớ lại lời của Goethe khi nói về bà Stein đã viết: "Đẹp biết bao khi nhìn thấy cuộc đời phản chiếu trong tấm linh hồn ấy". Và chúng tôi thiết lập ngay một bảng thứ tự gì đó chả rõ, và đặt những năng lực chiêm nghiệm lên cao nhất. Cậu tôi, từ nãy giờ giữ yên lặng, cười buồn lên tiếng:

- Các con ạ, cho dẫu có bị vỡ tan, Thiên Chúa vẫn nhận rõ được hình ảnh của mình. Hãy thận trọng khi xét đoán người theo một quãng đời nào đó của họ. Tất cả những điểm mà các con không thích trong tính tình của bà chị đáng thương của cậu đều do những biến cố nào đó xảy ra trong đời mà cậu biết quá rõ nên không thể chê bai dì một cách khe khắt như các con. Không có đức tính dễ thương nào của tuổi trẻ mà không có thể bị  hư mất khi về già. Những gì các con gọi là lăng xăng nơi dì Félicie, xưa kia vốn là cái nhiệt tình đáng mền, cái thiện chí… Ngày xưa, các bà chị và cậu cũng không khác gì các con ngày nay đâu. Cậu rất giống cháu, Jérôme ạ, có lẽ giống còn hơn cả cậu tưởng nữa. Dì Félicie rất giống Juliette hiện giờ... đúng thế, cả về thể xác nữa, và - trong khi quay mặt về phía con gái mình, cậu nói tiếp, - có khi ba bất ngờ thấy lại bà ta trong một vài tràng tiếng nói vang vang nào đó của con; bà ta cũng có nụ cười như con, và cả cái cử chỉ này mà sau đó đã biến mất, đó là đôi lúc ngồi lặng yên như con, không làm gì cả, chống cùi chỏ ra phía trước, hai bàn tay đan chéo vào nhau nâng lấy trán. 

Cô Ashburton quay lại phía tôi, và gần như nói nhỏ:
- Còn mẹ cháu thì chính Alissa mới đúng là hình ảnh của người .


Mùa hè năm ấy thật là rực rỡ. Mọi vật như nhuốm một màu xanh biếc. Lòng mộ đạo của chúng tôi đã chiền thắng cái xấu xa, sự chết chóc; và bóng tối phải lùi bước trước chúng tôi. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy bởi niềm vui từ lúc bình minh, hăm hở đón chào ngày lên... Khi mơ tưởng lại thời gian này, tôi thấy ngày ấy phủ đầy sương. Juliette dậy sớm hơn chị - Alissa thường thức rất khuya – cùng tôi xuống vườn. Giữa Alissa và tôi, nàng là kẻ đưa tin; tôi kể liên miên cho nàng nghe mối tình giữa chúng tôi, và hình như nàng nghe không hề chán. Tôi nói cho nàng nghe những điều tôi không dám nói thẳng với Alissa mà vì quá yêu tôi trở nên ngại ngần lúng túng trước mặt nàng. Alissa hình như cũng hùa theo cái trò chơi này và lấy làm vui để tôi chuyện trò vui vẻ với em gái mình mà không biết, hay giả đò không biết câu chuyện của chúng tôi cũng chỉ là nói về nàng thôi. 

Ôi, lối giả vờ dịu ngọt của tình yêu, vượt hơn cả tình yêu, bởi con đường mầu nhiệm nào, người đã dẫn ta đi từ tiếng cười đến giọng khóc, từ niềm vui hồn nhiên đến sự khắt khe của đức hạnh!
Mùa hè trôi qua với những ngày quá trong sáng, quá êm xuôi đến nỗi ngày nay tôi chẳng còn giữ lại được gì cả. Những việc xảy ra vẫn chỉ là những lúc chuyện trò, những lần đọc sách... 

Một buổi sáng vào cuối kỳ nghỉ hè của tôi, Alissa nói với tôi: 

- Em vừa trải qua một giấc mơ buồn, anh ạ. Em sống mà anh chết. Không, em không nhìn thấy anh chết. chỉ đơn giản có thế này: anh chết. Thật kinh khủng! và cũng thật vô lý là em có được một điều: anh chỉ vắng mặt thôi. Thế là chúng ta xa cách nhau và em cảm thấy vẫn có một cách để gặp lại anh; em bèn tìm cách để đạt tới đó và vì quá cố gắng nên sực tỉnh dậy. 

Sáng nay, em nghĩ em vẫn còn bị giấc mơ ám ảnh và em như còn đang tiếp tục mơ vậy. Hình như em vẫn còn xa cách anh, và còn phải xa cách anh lâu lắm, lâu lắm – rồi giọng nhỏ hẳn lại, nàng nói thêm: trọn đời em – và trọn đời cứ phải cố gắng rất nhiều...
- Để làm gì?
- Mỗi người đều cần có một sự cố gắng hết sức để gặp lại nhau. 

Tôi không cho điều nàng kể là nghiêm trọng hoặc cũng có thể sợ coi những lời ấy là nghiêm trọng. Khi định phản đối lại điều ấy, tim tôi hồi hộp lạ lùng, và trong một lúc như can đảm đột ngột, tôi nói với nàng: 

- À này! Còn anh, sáng nay anh nằm mơ thấy sắp cưới em và điều này mãnh liệt đến nỗi không có gì chia cách được chúng ta, ngoài cái chết.
- Anh nghĩ rằng cái chết có thể chia cách được sao? Nàng nói.
- Anh muốn nói...
- Trái lại em nghĩ rằng cái chết sẽ kết hợp lại... Vâng, kết hợp lại những gì đã bị chia cắt trong cuộc đời. 

Những lời ấy ăn sâu vào tâm khảm chúng tôi đến nỗi ngày nay tôi còn nghe được cả cái âm điệu của những lời nói của chúng tôi. Nhưng phải mãi sau này tôi mới hiểu hết tầm quan trọng của những lời ấy.

Mùa hè trôi qua. Phần lớn các cánh đồng chỉ còn là đống trống, mắt nhìn có thể trải suốt ra xa vô tận... Buổi chiều áp ngày lên đường – đúng hơn, là buổi chiểu trước đó – tôi xuống khu lùm cây ở vườn sau đi dạo với Juliette. Nàng hỏi tôi: 

- Hôm qua anh đọc gì cho chị Alissa nghe thế?
- Lúc nào vậy?
- Lúc ngồi trên chiếc ghế đá bên hầm đá vôi, và chúng em đi trước, để anh lại với chị Alissa…
- À! Mấy câu thơ của Baudelaire, anh nghĩ vậy…
- Những câu nào? Anh không muốn đọc cho em nghe với sao?

- Bientôt nous plongerons dans les froides ténèbres...[Chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ chìm trong sự tối tăm  lạnh lẽo] tôi bắt đầu đọc với vẻ không mấy hài lòng; nhưng nàng đã lập tức ngắt ngang lời tôi, giọng run run và hơi đổi khác đọc tiếp:

- Adieu, vive clarté de nos étés trop courts! [Giã biệt, những ngày hè trong sáng rực rỡ của chúng ta sao quá ngắn mgủi]

- Ồ hay! em cũng biết những câu ấy sao? Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi nàng. Anh cứ tưởng là em không thích thơ...
- Tại sao anh lại nghĩ thế? Hay là tại vì anh không đọc cho em nghe bao giờ? 

Nàng vừa cười vừa nói, nhưng vẫn có vẻ gượng gạo. Nhiều lúc hình như anh nghĩ em hoàn toàn ngốc nghếch thì phải!
- Người ta có thể rất thông minh mà không thích thơ. Chưa bao giờ anh  nghe em nói hoặc yêu cầu anh đọc thơ cho em nghe cả.
- Bởi vì đã có chị Alissa lo rồi... Nàng im lặng một lúc, rồi đột ngột hỏi:

- Ngày mốt anh lên đường?
- Phải như vậy.
- Anh sẽ làm gì mùa đông này?
- Vào học năm thứ nhất Cao đẳng Sư phạm.
- Bao giờ anh nghĩ đến chuyện cưới chị Alissa?
- Không thể trước khi thi hành quân dịch. Cũng không thể trước khi biết rõ hơn một chút là mình sẽ định làm gì sau đó.
- Thế là anh vẫn hãy còn chưa biết gì cả?
- Anh chưa muốn biết. Quá nhiều việc đang quyến rũ anh. Anh muốn hoãn càng lâu càng tốt cái lúc phải chọn lựa, và chỉ còn làm việc đã chọn đó thôi.
- Có phải vì sợ bị cầm chân sớm mà anh dời lễ đính hôn lại không? 

Tôi nhún vai không đáp. Nàng khẩn khoản:
- Thế thì anh còn chờ đợi gì mà chưa chịu đính hôn? Tại sao anh không đính hôn ngay từ bây giờ ?
- Nhưng sao anh và chị em cứ phải đính hôn? Anh và chị em tự biết mình là của nhau và sẽ mãi mãi ở bên nhau, khỏi cần báo cho thiên hạ biết không được sao? Nếu anh thích ràng buộc trọn đời mình với Alissa, sao em  còn cho rằng anh phải ràng buộc tình mình bằng những lời hứa mới đẹp hơn? Anh không thế. Theo anh, những lời thề ước là một sự tổn thương cho  tình yêu... Anh chỉ ao ước đính hôn khi nào anh muốn thách thức Alissa.
- Không phải vì chị Alissa mà em thách thức... 

Chúng tôi đi chầm chậm và đã đến góc vườn nơi mà trước kia tôi đã vô tình nghe lóm câu chuyện giữa Alissa và cậu tôi. Bỗng nhiên tôi nghĩ rằng Alissa - trước đó tôi thấy nàng có ra vườn - rất có thể đang ngồi ở chỗ bùng binh và nàng cũng rất có thể nghe được câu chuyện giữa chúng tôi; thế là cái ý tưởng muốn để cho nàng nghe những gì tôi không thể trực tiếp thố lộ với nàng lập tức cám dỗ tôi, và giả làm như đang vui chuyện, tôi cất cao giọng: 

- Ôi !... Tôi nói với giọng cao hứng hơi có chút khoa trương của tuổi mình, và vì quá chú tâm nghe những lời mình nói, nên không còn nghe qua những lời đối đáp của Juliette còn ẩn chứa những gì nàng không nói hết ra... Ôi! Phải chi chúng ta có thể nghiêng mình trên tâm hồn người mình yêu, nhìn nơi nàng như trong một tấm gương, cái hình ảnh mà mình đặt vào trong đó! Đọc nơi người khác cũng như đọc chính mình, còn rõ hơn chính mình! Thanh thản biết bao trong sự âu yếm! Trinh trắng biết bao trong tình yêu!... 

Tôi tự phụ cho rằng mấy lời trữ tình tầm thường ấy của mình có tác dụng làm cho Juliette bối rối. Nàng bỗng nhiên ngã đầu trên vai tôi: 

- Jérôme à! Jérôme à! Em muốn biết chắc rằng anh sẽ mang lại hạnh phúc cho chị Alissa. Nếu cũng vì anh mà chị ấy đau khổ, em nghĩ là em sẽ oán ghét anh thôi.

- Ồ! Juliette à! Tôi vừa nói vừa hôn nàng và nâng trán nàng lên, nếu thế thì anh cũng sẽ tự ghét anh. Nếu em biết!... Thì cũng chính vì muốn khởi sự đời mình một cách đẹp hơn với chị em mà anh chưa muốn chọn nghề! Nhưng cũng vì anh muốn đặt tất cả tương lai mình theo ý chị em! Cho dù anh có trở thành gì đi nữa mà không có chị em thì anh cũng không muốn...

- Chị ấy nói gì khi anh nói cho chị ấy biết những điều đó?

- Nhưng anh lại chưa bao giờ nói với chị ấy những điều đó cả. Chưa bao giờ; và chính cũng vì thế mà anh và chị ấy vẫn chưa đính hôn; chưa bao giờ chị ấy và anh đề cập đến vấn đề hôn nhân, ngay cả những gì sẽ làm sau đó. Ồ, Juliette ạ! Đời sống với Alissa sau nầy hiện ra cho anh đẹp đến nỗi anh không dám... Em hiểu không? Anh không dám nói điều đó với chị ấy.

- Anh muốn hạnh phúc đến bất ngờ cho chị ấy?

- Không! Không phải như thế! Nhưng anh e ngại... làm chị ấy sợ, em hiểu không? Anh sợ rằng cái hạnh phúc vô biên mà anh chớm thấy chỉ làm chị ấy kinh hãi. - Một ngày nọ, anh hỏi chị ấy có ao ước đi du lịch không. Chị ấy đáp là không mong ước gì hết, và chỉ cần biết là những xứ ấy có thật, là những xứ ấy đẹp lắm, và những kẻ khác được phép đến đó...

- Còn anh, Jérôme à, anh ao ước đi du lịch lắm phải không?
- Du lịch khắp nơi! Cuộc đời đối với anh là cả một cuộc viễn du không ngừng - với chị ấy, qua sách vở, con người, xứ sở… Em có nghĩ ra được cái ý nghĩa của hai tiếng "nhổ neo" không?
- Vâng, em vẫn thường nghĩ đến, nàng thì thầm. Nhưng tôi chỉ lơ mơ nghe nàng nói, và để mặc cho tiếng của nàng rơi chìm xuống đất như những cánh chim bị trúng đạn, nên nói mãi:

- Khởi hành trong đêm tối; thức giấc giữa ánh sáng chan hòa của bình minh: cảm thấy riêng có mình hai đứa giữa cái bình bồng của sóng nước...
- Và cập bến một hải cảng mà thuở nhỏ mình đã từng nhìn trên bản đồ, nơi  mọi cái đều xa lạ… Em hình dung thấy anh trên cầu thang đang bước xuống, tàu với chị Alissa đang vịn tay anh.
- Và chúng tôi di nhanh đến bưu điện, tôi tươi cười nói tiếp, để nhận bức thư của em Juliette đã gửi cho chúng tôi…
- …từ Fongueusemare, nơi nàng ở lại, nơi mà anh sẽ thấy thật là nhỏ bé, thật là buồn, và thật là xa xôi... 

Có phải đó chính là những lời của Juliette không? Tôi không dám khẳng định, vì như tôi đã nói, lòng tôi quá tràn trề với mối tình của mình đến nỗi tôi chỉ nghe mơ hồ bên cạnh vài lời khác là của nàng.
Chúng tôi đã tiến đến gần chỗ bùng binh; sắp quay lui thì từ trong bóng mờ Alissa xuất hiện thình lình. Mặt nàng tái xanh đến nỗi Juliette phải kêu lên. 

- Vâng, em cảm thấy không khỏe lắm, Alissa vội vàng ấp úng. Gió hơi lành lạnh. Em nghĩ là em nên  trở vào nhà ngay thì tốt hơn. Và đột ngột nàng bỏ chúng tôi lại, bước vội vã về nhà. 

Khi nàng đi đã hơi xa, Juliette liền nói: 

- Chị ấy đã nghe những lời chúng ta nói với nhau.
- Nhưng chúng ta có nói gì để cho chị ấy phải buồn lòng đâu. Trái lại...
- Để em, nàng nói và chạy đuổi theo chị mình. 

Đêm ấy, tôi không thể nào ngủ được. Alissa có xuống dùng bữa, nhưng sau đó lại vội vã trở về phòng riêng ngay, kêu rằng bị nhức đầu. Nàng đã nghe những gì trong câu chuyện giữa Juliette và tôi? Và tôi lo âu cố nhớ lại những lời đã nói. Rồi tôi nghĩ có lẽ tôi đã sai trái, đi quá gần Juliette, quàng tay nàng; nhưng đó là thói quen của tuổi trẻ, và Alissa cũng đã nhiều lần thấy chúng tôi đi như thế rồi. Ôi! Tôi đúng là một tên mù đáng buồn, cứ mò mẫm tìm kiềm những lỗi lầm của mình mà  không hề nghĩ rằng những lời nói của Juliette mà tôi không nghe rõ hết, và nhớ lại cũng rất mơ hồ  thì Alissa có lẽ đã nghe được rõ hết. Thôi kệ! sai lầm vì lo lắng, kinh hoảng về ý nghĩ Alissa có thể nghi ngờ mình và không hình dung đuợc sự nguy hại nào khác, tôi đã quyết định mặc dù tôi không muốn, cái điều tôi đã có thể nói với Juliette, và có lẽ bị xúc động bởi những gì nàng đã nói với tôi mà tôi quyết định vượt thắng mọi đắn đo, lo ngại, và sẽ đính hôn vào ngày hôm sau. 

Đó là ngày áp hôm tôi lên đường. Tôi có thể cho rằng nàng buồn vì thế. Hình như nàng có ý lánh tôi. Ngày trôi qua mà tôi vẫn không có thể gặp riêng Alissa; nỗi lo sợ mình phải đi trước khi được nói chuyện với nàng đã thúc đẩy tôi đến ngay phòng nàng, trước buổi cơm tối một lúc; nàng đang  mang cho mình một chiếc vòng bằng san hô và để gài cái móc lại, nàng giơ  tay lên, hơi nghiêng mình, quay lưng lại phía cửa, và nhìn qua bên trên vai mình trong tấm gương giữa hai ngọn đèn đang cháy sáng. Chính từ trong gương mà nàng nhìn thấy tôi trước tiên và nàng tiếp tục nhìn tôi một hồi không quay mặt lại. 

- Ủa, cửa phòng em không đóng sao? Nàng nói.
- Anh có gõ cửa; em không trả lời,  Alissa à, em biết rằng ngày mai anh lên đường chứ?

Nàng không trả lời tiếng nào, nhưng đặt chiếc vòng mà nàng không cài móc được xuống trên lò sưởi. Tiếng đính hôn đối với tôi có vẻ quá trắng trợn, quá thô bạo, nên tôi đành phải dùng một lối nói quanh co bóng bảy thay vào đấy. Khi Alissa vừa hiểu ra ý tôi, nàng bỗng như lảo đảo, tựa mình vào lò sưởi... còn riêng tôi thì cũng run rẩy đến nỗi sợ hãi tránh nhìn về phía nàng.

Tôi đến gần nàng, và không ngước mắt lên, tôi nắm lấy tay nàng; nàng không rút tay lại, nhưng hơi nghiêng mặt xuống, khẽ nâng bàn tay tôi lên, kề môi vào và thì thầm, người hơi tựa vào tôi: 

- Không, anh Jérôme ạ, không; chúng ta đừng đính hôn, em van anh...

Tim tôi đập mạnh đến nỗi tôi tin là nàng cũng cảm thấy điều đó. Nàng nói thêm, dịu dàng hơn: Không, anh ạ, hãy khoan... 

Và khi tôi hỏi nàng:
- Tại sao ?
- Nhưng chính em mới là kẻ có thể hỏi anh: Tại sao? Tại sao lại đổi ý? 

Tôi không dám nói cho nàng câu chuyện hôm qua, nhưng có lẽ nàng cảm thấy tôi đang nghĩ đến điều ấy, và như để đáp lại ý nghĩ của tôi, nàng vừa  nhìn tôi đăm đăm vừa nói: 

- Anh lầm rồi, anh ạ; em không cần hạnh phúc đến thế đâu. Không phải chúng ta đã sung sướng như thế này sao?
Nàng cố gắng mỉm cười nhưng không cười nổi. 

- Không, vì anh sắp phải xa em.
- Hãy nghe em, anh Jérôme ạ, em không thể nói chuyện với anh chiều nay… Đừng làm mất vui những giờ phút cuối cùng của chúng ta... Không, không. Em yêu anh hơn bao giờ hết, anh an tâm đi. Em sẽ viết thư cho anh, em sẽ giải thích cho anh. Em hứa sẽ viết thư cho anh ngay ngày mai… ngay sau khi anh đã lên đường. Thôi anh hãy đi, ngay bây giờ! Xem này, em khóc đây này... hãy để em một mình... 

Nàng đẩy tôi ra, dịu dàng gỡ tôi ra xa nàng - và đó cũng là lời từ biệt của chúng tôi, vì tối hôm ấy, tôi không còn có thể nói gì thêm với nàng nữa cả, và qua ngày hôm sau, vào lúc tôi khởi hành, nàng tự nhốt mình trong phòng. Tôi thấy nàng đứng bên cửa sổ phòng nàng, ra dấu giã từ trong khi nhìn chiếc xe chở tôi cứ đi xa dần.

Nguyên tác  La pote étroite
Tác giả   ANDRÉ GIDE  (1869-1951)
ÐOÀN VĂN KHANH dịch
theo
nguyên văn tiếng Pháp

No comments:

Post a Comment