Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Thursday, February 7, 2013

KHÚC NHẠC ĐỒNG QUÊ [2] - A.GIDE

Truyện dịch 


QUYỂN THỨ HAI

25 tháng 4

Tôi đã phải gác lại quyển vở này một thời gian. 

Cuồi cùng thì tuyết cũng đã tan, và chẳng mấy chốc đường sá đã có thể đi  lại được, tôi đã phải giải quyết cho xong một số lớn việc bổn phận mà tôi đã buộc phải đình lại trong thời gian dài ngôi làng của chúng tôi bị tuyết phong tỏa. Mãi tới chiều hôm qua tôi mới tìm lại được chút nhàn rỗi. 

Đêm qua tôi đã đọc lại tất cả những gì tôi đã viết ra đây... 

Hôm nay tôi mới dám gọi đến tên cái tình cảm mà từ lâu không được lòng thú nhận, tôi cũng chỉ mới giải thích sơ tại sao tôi đã có thể tự mình lầm lẫn cho tới nay, tại sao có những lời lẽ của Amélie mà tôi đã thuật lại tỏ ra như bí ẩn đối với tôi; tại sao sau những lời tuyên bố ngây ngô của Gertrude, tôi còn có thể nghi ngờ phải chăng tôi yêu con bé. Đó là vì tôi vừa không chấp thuận tí nào việc nhìn nhận tình yêu được cho phép ngoài hôn nhân; đồng thời trong mối tình cảm làm cho tôi đam mê hướng về Gertrude, tôi lại không chấp nhận nhìn xem có cái gì bị cấm đoán không. 

Tính cách ngây thơ của những lời thú nhận của con bé, cũng như sự thẳng thắn của những lời nói đó làm cho tôi an tâm. Tôi tự bảo: đó là một đứa trẻ. Không một tình yêu thực sự nào xảy ra mà không có bối rối, không đỏ mặt. Về phần mình thì tôi lại bảo rằng mình yêu thương con bé như người ta yêu thương một đứa trẻ tật nguyền. Tôi chăm nom con bé như người ta chăm nom một người bệnh, - và cứ theo cái đà đó mà tôi cho là mình đã làm một nghĩa vụ đạo đức, một bổn phận. Vâng, thật thế, ngay buổi chiều ngày con bé nói với tôi như tôi đã thuật lại, tôi cảm thấy tâm hồn tôi rất nhẹ nhàng, và rất vui vẻ làm cho tôi cứ lầm lẫn và cứ ghi lại những lời nói này. Và cũng  vì nghĩ rằng tình yêu là đáng trách, và tất cả những gì đáng trách đều làm cho tâm hồn nặng trĩu, mà vì thấy tâm hồn mình không hề bị ray rứt nên tôi không tin đó là tình yêu. 

Tôi đã thuật lại  những lần trò chuyện này không những như chúng đã xảy ra, mà còn ghi lại trong trạng thái tinh thần của tôi cũng giống như vậy, thành thử khi đọc lại những điểu này ở đây đêm nay tôi mới hiểu... 

Ngay sau khi Jacques khởi hành – tôi đã để cho Gertrude được nói chuyện với nó, và nó chỉ trở về nhà mấy ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè, nhưng giả lơ hay trốn tránh Gertrude hoặc chỉ nói chuyện với con bé khi ở trước mặt tôi - cuộc sống của chúng tôi lại xuôi theo cái dòng bình lặng cũ. Gertrude, như đã thoả thuận, đã đến ở tại nhà cô Louise, và mỗi ngày tôi  đến thăm nó ở đó. Nhung vì còn sợ đó là tình yêu, tôi đã giữ ý không nói chuyện với con bé về những gì có thể gây xúc động cho chúng tôi nữa. Tôi chỉ nói với con bé với tư cách một mục sư, và thường có sự hiện diện của cô Louise, lúc này đang chuyên chú dạy giáo lý và sửa soạn cho con bé được đón nhận phép bí tích thông công vào lễ Phục sinh. 

Ngày lễ Phục sinh chính tôi cũng đã chịu ơn thánh thể.    

Cách đó chừng hai tuần. Jacques vừa trở về nghỉ lễ một tuần tại nhà, nó đã không theo tôi lên bàn thờ trước sự ngạc nhiên của tôi. Và tôi cũng rất tiếc phải nói ra là cả Amélie, lần đầu tiên từ khi chúng tôi lấy nhau cũng đã không lên  theo tôi. Hình như cả hai người đã có bảo nhỏ nhau và đã quyết định tránh lên gặp tôi tại nơi tôn nghiêm này như để phủ lên niềm vui của tôi một cái bóng đen. Tuy thế, tôi vẫn còn mừng là Gertrude không thể nhìn thấy cái cảnh này mà chỉ có tôi là phải chịu đựng tất cả sức nặng của cái bóng đen này. Tôi biết rõ Amélie không tài nào nhìn thấy những cái trách móc gián tiếp trong cách hành xử của nàng. Không bao giờ nàng tỏ thái độ bất bình với tôi một cách công khai, mà chỉ làm cho tôi nhận thấy sự bất bình của nàng bằng một thái độ cách biệt nào đó.

Tôi rât lấy làm buồn về những cái phàn nàn theo kiểu này mà tôi cho là có thể đưa tâm hồn Amélie vào chỗ xao lãng những lợi ích cao cả của mình. Và khi trở về nhà, tôi đã cầu nguyện cho nàng với tất cả lòng mình.  

Còn về chuyện Jacques tránh tham gia thì lại là do một nguyên nhân khác và chỉ do một lần trò chuyện ít lâu về sau tôi mới được sáng tỏ.


3 tháng 5 

Việc dạy giáo lý cho Gertrude đã khiến tôi đọc lại Phúc âm với một nhãn quan mới. Càng lúc tôi càng nhận thấy một số lớn khái niệm  hợp thành đức tin của người Ki-tô hữu không phải được lập thành từ những lởi dạy của đấng Ki-tô mà từ những lời giảng dạy của thánh Phao lồ.

Đây cũng đúng là chủ đề của cuộc tranh luận mới đây giữa tôi và Jacques. Với tính khí hơi khô khan, tâm hồn nó không cung cấp cho tư tưởng của nó đủ thức ăn tinh thần; nó trở thành thủ cựu và giáo điều. Nó trách tôi là chỉ biết chọn trong giáo lý Thiên chúa giáo «cái làm tôi hài lòng». Nhưng tôi đâu chỉ có chọn câu này hoặc câu kia của đức Ki-tô. Một cách đơn giản, giũa đức Ki-tô và thánh Phao lồ, tôi chọn đức Ki-tô. E sợ  phải làm cho hai vị ấy thành ra đối lập nhau, nó từ chối phân biệt vị này với vị kia, từ chối cảm thấy nơi mỗi vị đó có một sự khác nhau về nguồn ý cảm hứng, và phản đối khi tôi nói ở đây tôi nghe một người trong khi ở kia tôi nghe Thiên Chúa. Nó càng lý luận càng làm cho tôi thấy là: nó không cảm nhận được chút nào cái ý nghĩa thiêng liêng độc nhất trong  lời nói của đấng Ki-tô. 

Tôi tìm kiếm qua hết Phúc âm, tôi tìm kiếm các điều răn, sự doạ nạt, sự cấm đoán... nhưng chỉ hoài công. Tất cả những điều ấy chỉ phát xuất từ thánh Phao lồ. Và chính vì đúng là không hề tìm thấy những điều ấy trong những lời của đức Ki-tô làm cho Jacques khó chịu. Những linh hồn tương tự như tâm hồn của nó sẽ nghĩ là mình đã bị sa đọa khi không còn cảm thấy có những kẻ bảo trợ, những lan can và tay vịn ở bên cạnh. Họ cũng khó dung thứ cho kẻ khác cái tự do mà họ từ bỏ và chỉ mong chiếm hữu bằng cưỡng ép những gì mà người ta sẵn lòng chấp nhận bằng tình yêu. 

- Nhưng mà, thưa cha, nó nói với tôi, chính con cũng cầu mong cái hạnh phúc của các linh hồn.

- Không, ông bạn ơi; ông cầu mong sự tùng phục của họ.

- Chính trong sự tùng phục mới có hạnh phúc.

- Tôi để cho nó nói lời cuối tại vì nó làm tôi chán biện luận. Nhưng tôi biết là người ta sẽ làm phương hại hạnh phúc khi tìm cách chiếm hữu nó bằng cái trái lại chỉ là hiệu quả của hạnh phúc. – và nếu đúng là khi suy nghĩ rằng tâm hồn yêu thương sẽ vui vẻ với sự tùng phục tự nguyện, thì không có gì xa rời hạnh phúc bằng một sự tùng phục không có tình yêu. 

Bỏ ra ngoài mấy điều trên thì phải nói là Jacques lý luận khá, và nếu như tôi không khó chịu phải nhìn thấy trong một trí óc còn rất trẻ  đã chứa đầy những cái cố chấp của giáo điều, chắc chắn tôi đã thán phục cái hay trong những lời tranh luận và tính kiên trì trong luận lý của nó. Tôi thấy tôi hình như thường trẻ hơn nó;  hôm nay trẻ hơn ngày hôm qua, và tôi tự nói lại với mình lời này: «Nếu ngươi không trở thành giống như những đứa trẻ thơ, ngươi sẽ không được vào nước Thiên đàng.» 

Thế này có phản bội đức Ki-tô không, có làm giảm giá trị, phỉ báng Phúc âm hay chỉ nhìn thấy đây chỉ là một phương pháp để  đi đến cuộc sống hạnh phúc? Trạng thái vui vẻ, ngăn chận sự hoài nghi và sự cứng rắn của tâm hồn chúng ta, đối với người tín hữu là một trạng thái bắt buộc. Mỗi một con người đều có khả năng vui ít hay nhiều. Mỗi một con người đều phải hướng mình về sự vui vẻ. Chỉ một cái mỉm cười của Gertrude đủ dạy cho tôi những điều trên còn nhiều hơn cả những bài học mà tôi dạy cho con bé. 

Và lời nói này của đức Ki-tô hiện lên rực rỡ trước mắt tôi: «Nếu như ngươi bị mù, ngươi sẽ không hề phạm tội.» Tội lỗi, chính là những cái lảm vẩn đục tâm hồn, những cái chống lại sự vui vẻ. Cái hạnh phúc hoàn hảo mà Gertrude đang toả sáng khắp con người nó đến từ cái điều con bé không hế biết đến tội lỗi. Nơi con bé chỉ còn là sư trong sáng, tình yêu.

Tôi đã đặt trong đôi tay thận trọng của con bé bốn quyển Phúc âm, những bài ca vịnh, lời khải truyền và ba thư luân lưu và con bé có thể đọc trong đó: «Thiên Chúa là sự sáng và không hề có bóng tối ở nơi Người» cũng như con bé đã có thể nghe trong Phúc âm lời đấng Cứu  thế «Ta là ánh sáng của trần gian, kẻ nào theo ta sẽ không phải bước đi trong tăm tối.» Tôi không muốn đưa cho con bé những thư luân lưu của thánh Phao lồ, bởi vì mù loà, con bé không hề biết đến tội lỗi, những thư ấy chỉ làm cho nó đâm ra lo lằng nếu để cho nó đọc: «Tội lỗi đã lấy thêm sức mạnh bằng quyền lực» (Romains VÌ, 13) và tất cả biện chứng tiếp theo đó, phải chăng cũng rất tuyệt diệu?  

8 tháng 5 

Bác sĩ Martins từ Chaux-de-Fonds đền hôm qua. Ông ta đã khám đôi mắt của Gertrude rất lâu bằng kính soi mắt. Ông ta nói với tôi là đã nói chuyện về Gertrude với bác sĩ Roux, vị bác sĩ chuyên khoa của vùng Lausanne, mà ông ta đã chia xẻ những nhận xét. Ý kiến của cả hai là Gertrude có thể giải phẫu được. Nhưng chúng tôi cùng thỏa thuận là sẽ không nói gì với con bé chừng nào chưa thật chắc chắn. Bác sĩ Martins đến là để thông báo tình hình cho tôi sau khi đã tham khảo. Có ích lợi gì khi gợi lên trong lòng Gertrude một niềm hy vọng mà người ta còn nghi ngờ có thể chẳng mấy chốc đã phải dập tắt? Hơn nữa, chẳng phải con bé hiện đang hạnh phúc sao?   
 

10 tháng 5

Vào dịp lễ Phục sinh, Jacques và Gertrude đã gặp lại nhau trước sự hiện diện của tôi – ít ra Jacques đã gặp lại Gertrude và nói chuyện với con bé, nhưng  chỉ là những chuyện bâng quơ. Nó đã tỏ ra ít xúc động hơn là tôi e ngại, và một lần nữa tôi tự trấn an mình, nếu quả thật nó yêu cuồng nhiệt thì không dễ gì đã nguôi ngoai, mặc dù Gertrude có tuyên bố với nó trước khi nó khởi hành hồi năm ngoái  là tình yêu này sẽ không có hy vọng.  Tôi nhận thấy bây giờ nó xưng tôi với Gertrude, điều này chắc chắn là hay hơn, vì tuy không đòi hỏi nhưng tôi sung sướng thấy nó cũng đã tự mình hiểu ra cái điều ấy. Chắc chắn là trong con người nó vẫn có nhiều điểm tốt. 

Tuy nhiên tôi cũng nghi rằng sự tùng phục này của Jacques không phải không có những vật vã. đấu tranh. Cái đáng buồn là sự gò bó cưỡng ép mà nó đã đặt lên cho lòng mình và bây giờ đang tỏ ra như một điều tự nhiên nơi nó, thì nó lại cầu mong được thấy cái điều ấy cũng áp đặt lên cho mọi kẻ khác, tôi đã cảm thấy điều ấy trong cuộc tranh luận gần đây với nó mà tôi đã thuật lại trên đây. Chẳng phải La Rochefoucauld  đã nói rằng lý trí thường thường là kẻ đánh lừa trái tim? Khỏi cần phải nói là tôi không dám làm cho Jacques nhận ra cái điều ấy ngay, khi biết tính khí nó với tư thế bảo vệ  cho một người trong những kẻ được đem ra thảo luận thì cuộc tranh luận chỉ làm cho nó thêm ngoan cố theo ý mìmh;  nhưng chiều tối hôm đó gặp lại nó, và đúng trong phần giảng dạy của thánh Phao lồ (tôi chỉ có thể đấu với nó bằng vũ khí của nó) có cái để trả lời cho nó, tôi đã cận thận để lại một mẩu giấy trong phòng nó mà trong ấy nó có thể đọc: «Kẻ nào không ăn thì đừng phán xét kẻ ăn, bởi vì Thiên Chúa đã thâu nhận kẻ ăn.» (Romains, XIV, 2.) 

Có thể tôi cũng đã chép ra câu tiếp theo: «Tôi biết và tôi được Đức Chúa Giê-su truyền bảo rằng không có gì tự nó là nhơ nhuốc và một sự vật chỉ nhơ nhuốc đối với kẻ tin là nó nhơ nhuốc - nhưng tôi đã không dám, vì e  rằng Jacques lại tưởng chừng như trong trí tôi liên quan đến Gertrude có một  sự giải thích thóa mạ nào đó không nên có dù chỉ là lướt qua trong trí nó. Hiển nhiên ở đây thuộc về thức ăn; nhưng còn biết bao những đoạn văn khác trong sách thánh không làm cho người ta dễ hiểu sang hai ba nghĩa?  «Nếu con mắt của ngươi... » Sự làm cho bánh mì thành nhiều lên gấp bội,  phép lạ ở tiệc cưới Cana, v.v...). Ở đây không nhằm biện luận. Ý nghĩa của những tiết đoạn này rất rộng và sâu sắc: sự giới hạn không nên áp đặt bằng điều luật, mà bằng tình yêu, và thánh Phao lồ, ngay sau đó đã viết: « Mà dù, vì một của ăn, người anh em của ngươi phải đau buồn, ngươi sẽ không làm theo  tình yêu.»  Chính do sự khiếm khuyét của tình yêu mà quỷ dữ đã tấn công chúng ta. Lạy Chúa! Hãy lấy ra khỏi trái tim tôi tất cả những gì không thuộc về tình yêu... Cũng vì tôi đã sai lầm khi khiêu khích Jacques: ngày hôm sau tôi tìm gặp trên bàn của tôi cũng mẩu giấy mà tôi đã chép cái tiết đoạn nọ, phía mặt sau của tờ giấy Jacques đã vỏn vẹn ghi lại một tiết đoạn khác trong cùng chương: «Đừng gây ra bởi của ăn của ngươi  sự mất linh hồn cho kẻ mà Chúa đã chết cho kẻ ấy.» (Romains XIV, 15,) 

Tôi còn đọc lại một lần nữa cả chương sách. Đó là khởi điểm cho một cuộc tranh luận bất tận. Và tôi khổ sở về những cái bối rối, không biết tôi có để cho những đám mây này làm tối ám đi cái bầu trời rạng rỡ của Gertrude? Phải chăng tôi đã quá gần đức Ki-tô và không để tí nào cho chính con bé, khi tôi dạy cho nó và để cho nó tin điều tội lỗi duy nhất là trông chờ vào hạnh phúc của người khác, hoặc làm tổn thương cái hạnh phúc cúa chính mình?  

Than ôi!  Có một số tâm hồn tỏ ra cứng cỏi một cách đặc biệt với hạnh phúc, những cái thiếu khả năng, những cái vụng về... Tôi nghĩ đến Amélie đáng thương của tôi. Tôi không ngớt mời mọc, thúc đẩy nàng, và muốn cưỡng ép nàng đến với hạnh phúc. Vâng, tôi muốn nâng mỗi người lên đến Thiên Chúa. Nhưng nàng không ngừng lẩn tránh và tự khép mình lại như một vài loại hoa mà không mặt trời nào làm cho nở bao giờ. Tất cả những gì nàng nhìn thấy đều làm cho nàng lo lắng và phiền não. 

- Ông muốn gì, ông bạn của tôi, nàng đã trả lời tôi ngày nọ, tôi đã không được sinh ra là kẻ mù. 

Ôi! sự mỉa mai của nàng làm tôi đau xót và tôi phải trông vào đức hạnh nào để cho mình không bối rối! Tôi thấy hình như nàng cũng hiểu cái việc  ám chỉ đến sự tật nguyền của Gertrude  tự bản chất làm tổn thương tôi một cách đặc biệt. Nhưng nàng chỉ làm cho tôi càng cảm thấy cái điều tôi chiêm ngưỡng nhất ở Gertrude đó là lòng khoan dung vô tận: tôi chưa bao giò nghe con bé có một tí phàn nàn nào về  kẻ khác. Đúng ra là vì tôi đã không để cho con bé biết những gì có thể làm tổn thương nó. 

Và cũng giống như tâm hồn sung sướng do sự lan tỏa của tình yêu, truyền bá hạnh phúc ra xung quanh, thì tất cả những cái gì bao quanh Amélíe đều ảm đạm và buồn rầu. Amiel viết rằng tâm hồn người phát ra những tia đen tối. Khi mà, sau một ngày vất vả với công việc, thăm viếng kẻ nghèo, người bệnh hoạn, người có chuyện đau khổ, tôi trở về lúc trời sập tối đôi lúc mệt nhoài, tâm hồn chỉ mong mỏi tìm thấy cho mình sự nghỉ ngơi, sự thân mến, sự ấm cúng, tôi thường chỉ gặp nơi mái nhà của mình những lo lắng, những trách móc dằn vặt, khiến cho tôi cảm thấy thà là chịu cái lạnh lẽo, gió mưa ở bên ngoài vẫn ngàn lần thích hơn. Tôi biết rõ là mụ Rosalie chỉ giả đò như không bao giờ cưỡng lý,  nhưng bà ta không phải luôn luôn sai trái nhất là không phải Amélie luôn luôn có lý khi làm cho bà ta phải nhường nhịn. Tôi biết rõ là Charlotte và Gaspard quậy phá một cách kinh khủng, nhưng không lẽ Amélie không biết nhỏ tiếng một chút và bớt luôn miệng đối với chúng vẫn hay hơn? Biết bao lời khuyên bảo, sự răn đe, sự quở mắng mất đi vẻ sắc bén, trở nên  trơn lì như đá cuội ở bãi sông, nên bọn trẻ cũng không còn thấy khó chịu nhiều như tôi. Tôi biết là thằng bé Claude mọc răng (đó là cái điều mẹ nó hay nghĩ mỗi khi nó bắt đầu rống lên), nhưng khi nàng hoặc Sarah vội vàng chạy đến ngay để vỗ về nó không ngớt có khác nào khuyến khích cho nó cứ rống lên? Tôi được biết là nó it thường xuyên rống hơn nếu người ta để mặc nó độ vài lần như vậy, rống hết mình khi tôi không có đó. Nhưng tôi biết rõ hơn nữa là những lúc như bây giờ thì họ lại vội vã đến với nó. 

Sarah giống mẹ nó, điều này làm cho tôi không bao giờ muốn gửi con bé vào nội trú. Nó không giống tí nào than ôi! với mẹ nó lúc còn bằng tuổi nó, khi chúng tôi mới đính hôn, mà giống ở những cái lo lắng của cuộc sống vật chất đã tạo thành cho nàng, mà tôi nói là sự gieo trồng những mối lo lắng của cuộc đời (bởi vì chắc chắn là Amélie đã gieo trồng những thứ ấy). Hẳn là ngày nay tôi khó mà nhận ra ở nàng người thiên thần mới đây còn tươi cười với mỗi niềm phấn khởi cao cả của tâm hồn tôi, người mà tôi mơ ước kết chặt vào đời tôi, và người mà tôi cho là đã vượt lên trước tôi và hướng dẫn tôi về phía ánh sáng – hay là tình yêu thủa ấy làm tôi chóa mắt?... Bởi vì tôi chẳng khám phá ra ở Sarah những mối lo lắng nào khác hơn là những cái tầm thường vụn vặt, theo gương mẹ, nó để mình bận rộn duy nhất với những cái tủn mủn, ngay cả những đường nét trên khuôn mặt của nó cũng không rạng lên tí ngọn lửa nội tâm nào, trông buồn tẻ và như cứng đanh lại. Chẳng có tí khiếu nào về thi ca hay nói chung về sách vở; tôi không bao giờ gặp bất chợt một câu chuyện giũa nó và mẹ nó mà tôi có thể mong muốn tham gia và khi gần họ tôi cảm thấy sự cô độc của tôi càng thêm đau đớn đền nỗi tôi  rút lui vào bàn làm việc của tôi, riết rồi thành  thói quen làm như thế càng ngày càng thường xuyên hơn. 

Cũng từ hồi trời chuyển sang thu lại thêm đêm xuống nhanh mà tôi học được cái thói quen đền dùng trà tại nhà cô Louise mỗi lần mà vòng đi công việc trong ngày cho phép, có nghĩa là khi tôi có thể về sớm. Tôi chưa nói là từ hồi tháng mười một năm ngoái, cô Louise nhận nuôi chung với Gertrude ba đứa trẻ mù mà Martins đã đề nghị gửi gắm cho bà ta; và bây giờ lại đến lượt Gertrude dạy cho chúng đọc và thực hiện những công việc vặt vãnh và những đứa bé gái đã tỏ ra khá khéo léo.   

Thật là một chốn nghỉ ngơi, một sự an ủi biết bao cho tôi mỗi lần tôi bước vào cái bầu không khí ấm cúng của la Grange, và tôi sẽ thiếu thốn biết bao nếu đôi khi bị kẹt đôi ba ngày không đến được. Cô Louise thì khỏi phải nói, có khả năng nuôi ăn ở cho ba dứa nhỏ mà không hề phải vất vả hay khó nhọc trong việc săn sóc chúng, ba người giúp việc rất tận tụy đã giúp bà ta thoát khỏi mọi công việc mệt nhọc. Nhưng phải chăng có thể nói chưa bao giờ tiền của và thì giờ nhàn rỗi đã được dùng xứng đáng hơn? Lúc nào cô Louise cũng chăm lo cho kẻ nghèo, đó là một tâm hồn đạo đức sâu đậm, hình như được sinh ra để ban cho trái đất này và chỉ sống trên trái đất này để yêu thương, mặc dù mái tóc của bà ta đã gần bạc phơ, ẩn trong một cái mũ nồi bằng đăng ten, nhưng không có gì trẻ thơ hơn nụ cười của bà ta, không có gì hài hòa hơn cử chỉ của bà ta, không có gì réo rắt như tiếng nhạc hơn giọng nói của bà ta. Gertrude đã học được cái phong thái, cách nói năng của bà ta, một thứ âm điệu không phải chỉ tiếng nói, mà còn về tư tưởng, về tất cả con người - sự giống nhau mà tôi nói đùa người này là người kia, nhưng không một ai trong hai người nhận thấy. Thật là êm ái cho tôi nếu tôi có thì giờ nán lại thêm một chút gần họ để nhìn họ, để họ người này ngồi cạnh người kia và Gertrude hoặc là tựa trán vào vai bạn mình, hoặc buông thả bàn tay mình trong tay người kia, nghe tôi đọc vài câu thơ của Lamartine hoặc của Hugo, thất là êm dịu cho tôi khi lặng ngắm trong hai tâm hồn trong suốt sự phản chiếu của bài thơ này! Ngay cả những đứa học trò nhỏ cũng không thờ ơ. Những đứa bé này, trong bầu không khí thanh bình và thưong yêu  đã phát triển một cách kỳ diệu và đạt được những tiến bộ đáng kể. Tôi đã mỉm cười trước tiên khi cô Louise nói để dạy cho chúng khiêu vũ, vì lợi ich sức khoẻ cũng như vui thú; nhưng hôm nay thì tôi mới chiêm ngưỡng được cái duyên dáng nhịp nhàng của nhũng vận động mà chúng vừa mới làm và chúng, than ôi! không có thể tự đánh giá. Tuy nhiên cô Louise bảo cho tôi biết rằng, chúng không thể nhìn thấy những vận động này, nhưng chúng vẫn cảm nhận thấy sự hoà hợp của các bắp thịt. Gertrude tham dự vào các cuộc khiêu vũ này với một sự duyên dáng và một sự duyên dáng đẩy quyến rũ, và còn tìm thấy nơi đây một sự vui thích mãnh liệt. Hoặc đôi khi chính cô Louise hoà mình vào cuộc chơi của mấy đứa nhỏ, và lúc ấy thì Gertrude ngồi vào đàn dương cầm. Sự tiến bộ về âm nhạc của con bé thật vượt bực; bây giò con bé đánh đàn cho nhà thờ mỗi chủ nhật và dạo mở đầu các bản thánh ca bẳng những khúc ứng tấu ngắn. 

Mỗi chủ nhật, con bé đến ăn điểm tâm tại nhà chúng tôi, mấy đứa con tôi gặp lại nó với vẻ hài lòng, mặc dù sở thích của chúng và của con bé ngày càng khác nhau. Amélie cũng không tỏ ra quá găng và bữa ăn trôi qua không trục trặc. Sau đó cả gia đình dẫn Gertrude về lại nhà và dủng bữa lót dạ ở La Grange . Đúng là một ngày lễ cho mấy đứa con tôi vì cô Louise lấy làm vui thích thêt đãi và chiều chuộng chúng bằng kẹo bánh. Cả Amélie không mấy nhạy cảm với những sự ân cần mời mọc, cuối cùng cũng vui tươi lên và tỏ ra như trẻ lại. Tôi tin là từ nay nàng sẽ khó mà bỏ qua cái trạm nghỉ chân này trong giòng đời tẻ ngắt của nàng.
 

18 tháng 5 

  Lúc này những ngày đẹp trời đã trở về, tôi lại có thể đi dạo ra ngoài với Gertrude, điều mà từ lâu đã không xảy ra cho tôi. (bởi vì vừa mới đây cũng có vài cơn tuyết đổ và các con đường cho tới mấy ngày cuối này vẫn ở trong tình trạng khủng khiếp), không kẻ đến chuyện đã từ lâu tôi cũng không có dịp gặp riêng con bé. 

Chúng tôi bước nhanh, bầu khí ấm làm hồng đôi má con bé và không ngừng lùa mớ tóc hoe trước mặt nó. Trong khi chúng tôi men theo một cái đầm than bùn tôi ngắt vài nhánh bấc có hoa, và luồn cái cọng hoa dưới  mũ bê rê của nó, rồi lấy tóc của nó bện vào để giữ cành hoa lại.

Chúng tôi gần như chưa có lời nào, cùng ngạc nhiên thấy mình lại gặp riêng nhau một mình, thình lình Gertrude quay qua hỏi tôi, khuôn mặt không nhìn:

- Thầy có tin là Jacques còn yêu con ?

- Nó đã chọn sự ra đi  để rút lại tình yêu con, tôi trả lời ngay lập tức.

- Mà thầy có tin anh ấy cũng biết thầy yêu con, con bé lại nói.

Từ lần chuyện trò mùa hè năm ngoái mà tôi đã thuật lại, hơn sáu tháng đã trôi qua không hề nghe (tôi ngạc nhiên) nay tiếng yêu lại được thốt ra giữa chúng tôi. Chúng tôi đã không bao giờ gần riêng với nhau, tôi đã nói, và như vậy vẫn tốt hơn... Câu hỏi của Gertrude làm tim tôi đập mạnh đến nỗi tôi phải chậm bớt bước chân của chúng tôi lại

- Nhưng tất cả mọi người, Gertrude à, biết là ta yêu thương con mà, tôi nói lớn. Con bé không có vẻ gì thay đổi.

- Không, không phải, thầy không trả lời ngay vào câu hỏi của con. 

Và sau một hồi yên lặng, con bé nói tiếp, đầu cúi thấp xuống :

- Dì Amélie của con biết điều ấy; và con biết điều này làm cho dì ấy buồn.
- Bà ấy buồn không phải vì chuyện ấy, tôi chống chế bằng một giọng không mấy an tâm.  Bản tính bà ấy là lúc nào cũng buồn.
- Ố! thầy luôn luôn tìm cách trần an con, nó nói với một vẻ hơi nóng nảy. Nhưng con không cần được trấn an. Có nhiều việc, con biết là thầy không để cho con biết, vì ngại làm cho con lo lắng hoặc làm con đau lòng, khá nhiều việc mà con không biết, đến nỗi đôi khi... 

Giọng con bé càng lúc càng trầm xuống, con bé ngừng lại như hết hơi. Vin vào mấy tiếng cuối của nó, tôi hỏi : 

- Thỉnh thoảng thế nào ?...

Đến nỗi thỉnh thoảng, con bé nói tiếp một cách rầu rầu, tất cả cái  hạnh phúc mà con có được nhờ thầy lại tỏ ra cho con thấy như xây trên sự ngu dốt.

- Nhưng, Gertrude à...

- Không, hãy để cho con nói với thầy: Con không muốn thứ hạnh phúc như vậy. Hãy hiểu cho con rằng con không... Con không muôn hạnh phúc. Con thích biết hơn. Có rất nhiều điều, chắc chắn là chuyện buồn mà con không thể nhìn thấy, nhưng thầy không có quyền để cho con không biết. Con đã suy nghĩ lại rất nhiều trong mấy tháng mùa đông; con e rằng, thầy có thấy không, là trọn cái thế giới này không đẹp như là thầy đã làm cho con tin, thưa mục sư, và ngay cả nó cũng không cần thiết phải đẹp đến như vậy.

- Quả thật con người thường làm cho trái đất này xấu đi, tôi cãi lý một cách dè dặt, bởi vì cái đà suy nghĩ của con bé làm tôi sợ và tôi thử xoay đổi câu chuyện nhưng không kết quả. Hình như con bé chờ đợi mấy lời này, bởi vì, chụp ngay lấy đó như cái mắt xích nhờ đó người ta nối sợi dây chuỗì lại, nó nói lớn lên:

- Thật đúng vậy, con muốn chắc chằn là mình không có đem thêm chút gì vào cái xấu. 

Chúng tôi tiếp tục bước nhanh hồi lâu trong yên lặng. Tất cả những gì tôi có thể nói với con bé đều đụng chạm trước với những điều tôi cảm thấy con bé đang suy nghĩ; tôi e ngại lại khêu lên vài lời nói mà số phận của hai chúng tôi sẽ tùy thuộc vào. Và suy nghĩ về những lời Martins đã nói với tôi có lẽ người ta có thể trả lại nhãn quan cho con bé, một nỗi lo sợ se thắt tim tôi. 

- Con muốn hỏi thầy, sau cùng con bé nói – nhưng mà con không biết nói cách sao... 

Chắc chắn con bé đã thu hết can đảm  cũng như tôi thu hết can đảm của tôi để nghe. Nhưng làm sao tôi có thể thấy trước câu hỏi đang dày vò nó.

- Có phải những đứa trẻ sinh ra từ những người mù cũng chắc chắn sẽ bị mù?

Tôi không biết ai trong hai chúng tôi là kẻ mà câu chuyện này đè nặng lên nhiều hơn, nhưng lúc này thì chúng tôi phải tiếp tục.

- Không, Gertrude à, tôi nói với nó; chỉ hoạ hoằn vài trường hợp đặc biệt. Cũng không có lý lẽ nào buộc chúng phải như vậy cả. 

Con bé tỏ ra rất an tâm. Đến lượt tôi muốn hỏi nó tại sao lại hỏi tôi điều đó; tôi không có can đảm và tiếp tục một cách vụng về : 

- Nhưng mà, Gertrude à, muốn có con phải lấy chồng.

- Đừng có nói với con điều ấy, thưa mục sư. Con biết là điều ấy không đúng.

- Ta đã nói với con cái điều đứng đắn, tôi chống chế. Nhưng mà sự thực thì luật thiên nhiên vẫn cho phép cái gì mà luật của Thiên Chúa và của con người cấm đoán.

- Thầy vẫn thường nói với con là luật của Thiên Chúa cũng chính là luật của tình yêu.

- Tình yêu nói đến ở đây chỉ là cái mà người ta cũng gọi là bác ái.

- Có phải vì lòng bác ái mà thầy yêu thương con?

- Con biết rõ là không phải như vậy, hỡi Gertrude con của  ta.

- Nhưng mà vừa rôi thầy biết là tình yêu của chúng ta thoát ra ngoài lề luật của Thiên Chúa ?

- Con muốn nói gì ?
- Ôi! thầy biết rõ điều đó mà, và không phải con là người phải nói ra. 

Tìm cách nói lòng vòng không xong, lòng tôi rối lên với sự rút lui của những lý luận đang tháo chạy. Tôi cuống quít nói lớn ;

- Gertrude... con nghĩ tình yêu của con là có tội ?

Con bé chỉnh lại :

- Tình yêu của chúng ta.... Con bảo mình là phải suy nghĩ.

- Rồi sao nữa ? 

Tôi ngạc nhiện như lời nói của tôi có một sự van lơn, trong khi không cần lấy hơi con bé nói luôn ;

- Nhưng mà con không thể thôi không yêu thầy được .

Tất cả những chuyện ấy xảy ra vào ngày hôm qua. Thoạt tiên tôi lưỡng lự không muốn viết ra... 
Tôi không còn biết cuộc đi dạo kết thúc như thế nào. Chúng tôi bước nhanh như thể là trốn chạy, và tôi cầm tay con bé ép chặt vào mình. Linh hồn tôi lúc này như thoát ra khỏi xác – tôi có cảm tưởng như chỉ một hòn sỏi nhỏ trên đường cũng đủ làm cho cả hai chúng tôi ngã lăn kềnh xuống đất.
 

19 tháng 5

 Martins đã trở lại sáng hôm nay. Gertrude có thể giải phẫu được. Roux xác định như vậy và yêu cẩu gửi gắm con bé cho ông ta chữa trị một thời gian. Tôi không thể chống đối lại việc này, tuy nhiên, vì hèn, tôi đã yêu cầu để suy nghĩ. Tôi đã yêu cầu họ để cho tôi chuẩn bị một cách từ tốn... Tim tôi lẽ ra phải nhảy nhót lên vì vui mừng, nhưng tôi lại cảm thấy nó như đè nặng lên tôi, nặng nề như một nỗi thống khổ không làm sao diễn tả xiết. Ý tưởng phải thông báo cho Gertrude là nhãn quan của con bé có thể phục hồi, làm  lòng  tôi se thắt lại.
 

Đêm 19 tháng 5

Tôi đã gặp lại Gertrude và tôi không nói gì với con bé. Tại la Grange tối hôm đó, nhân lúc không có ai trong phòng khách, tôi lên thẳng phòng con bé. Chỉ có mình chúng tôi. 

Tôi đã ôm sát con bé vào tôi khá lâu. Con bé không tỏ một cử chỉ phản kháng  nào, và vừa lúc con bé ngẩng trán lên về phía tôi, đôi môi của chúng tôi đã gặp nhau...

21 tháng 5 

 Lạy Chúa, Có phải vì chúng con mà Ngài đã làm cho đêm thật sâu và thật đẹp? Có phải vì con mà khí trời ấm áp và qua cửa sổ rộng mở của phòng con, ánh trăng lan vào và con  nghe được cái thinh lặng bao la của tất cả các tầng trời. Ôi lòng tôn thờ tạo vật lẫn lộn này mà tim con đang hòa tan trong một sự ngất ngây không lời. Con chỉ còn biết cầu nguyện rối rít. Nếu như có   ranh giới trong tình yêu, thì không phải là do Ngài đặt ra, lạy Chúa, nhưng mà là do con người. Dù tình yêu của con có tỏ ra tội lỗi trước mặt loài người, Ôi! hãy nói cho con biết, đối với Ngài, là thánh thiện. 

Tôi cố gắng tự nâng mình vượt lên trên cái ý tưởng tội lỗi. Nhưng tội lỗi hình như lại không buông tha tôi, và tôi lại không muốn từ bỏ Thiên Chúa. Không, Tôi không chấp nhận  yêu thương Gertrude là tội lỗi. Tôi không thể rứt bỏ tình yêu này ra khỏi trái tim tôi vì chẳng khác nào như rứt bỏ trái tim tôi, và tại sao? Khi tôi chưa yêu con bé, tôi phải thương yêu nó vì lòng trắc ẩn; không yêu nó nữa, như thế là phản bội nó; nó cần đến tình yêu của tôi...

Lạy Chúa, con không còn biết gì nữa... Con chỉ còn biết  có Chúa. Xin hãy dìu dắt con. Đôi khi con cảm thấy mình như chìm sâu trong bóng tối và cái thị giác mà người ta sắp mang trả lại cho con bé là lấy mất của con.

Gertrude đã vào bệnh viện  của tỉnh Lausanne ngày hôm qua. Tôi chờ đợi sự trở về của con bé với một nỗi phập phồng vô cùng. Martins sẽ phải đưa con bé về cho chúng tôi. Con bé đã bắt tôi hứa là sẽ không đến tìm nó ở đó.

22 tháng 5 

Thư của Martins: Cuộc giải phẫu đã thành công. Ngợi khen Chúa!
 

24 tháng 5

Ý tưởng phải để cho con bé trông thấy mình trong khi lâu nay con bé yêu tôi mà không nhìn thấy được – cái ý tưởng này gây cho tôi một sự bực bội khó chịu vô cùng. Con bé sẽ có thể nhận ra tôi không? Lần đầu tiên trong đời, tôi tìm cái gương soi một cách lo lắng. Nếu tôi cảm thấy cái nhìn của con bé kém khoan dung hơn trái tim của nó, và kém yêu thương,, tôi sẽ trở thành như thế nào đây? Lạy Chúa, Con thấy hình như đôi khi con cần đến tình yêu của con bé để yêu Ngài. 

27 tháng 5 

Một số công việc phụ trội đã cho phép tôi trải qua mấy ngày cuối cùng bớt bồn chồn. Mỗi một việc bận bịu có thể làm cho tôi quên nghĩ đến mình đều đáng mừng, nhưng suốt ngày dài, nơi đâu, hình ảnh con bé vẫn theo tôi. 

Ngày mai là ngày con bé phải trở về. Amélie suốt tuần nay chỉ tỏ ra cho tôi cái khía cạnh tốt nhất của tâm tính nàng và hình như cốt làm cho tôi quên kẻ vắng mặt, giờ đây cũng sửa soạn với mấy đứa nhỏ để ăn mừng con bé trở về.
 

28 tháng 5 

Gaspard và Charlotte đã ngắt những gì người ta có thể tìm thấy như là hoa trong rừng và trên cánh đồng. Mụ Rosalie làm một cái bánh mứt vĩ đại mà Sarah đã điểm xuyết thêm bằng mấy món trang trí bằng giấy mạ vàng mà tôi không biết gọi là gì. Chúng tôi chờ con bé vào trưa nay.

Tôi viết để tiêu hao thì giờ chờ đợi. Đã mười một giò. Chốc chốc tôi lại ngẩng đầu lên và nhìn về hướng con đường mà xe của Martins sẽ về qua. Tôi giữ mình không vội ra gặp họ: như thế tốt hơn, và cũng để tránh cho Amélie không chia rẽ sự tiếp đón của tôi. Lòng tôi rộn lên... Kìa! Họ đã đến!
 

28 vào buổi tối 

Tôi đã đắm mình vào một đêm khủng khiếp biết bao! 

Xin thương xót con, lạy Chúa, xin thương xót con!  Con xin từ bỏ thương yêu con bé, nhưng thưa Ngài, xìn đừng để cho con bé chết ! 

Mà tôi có lý do để sợ hãi thật! Con bé đã làm gì? Con bé đã muốn làm điều gì? Amélie và Sarah đã nói với tôi là họ tháp tùng con bé đến tận cửa la Grange, và cô Louise đang đợi con bé ở đó. Vậy thì con bé đã muốn trở ra ngoài lại... Cái gì đã xảy ra? 

Tôi tìm cách sắp xếp lại mớ tư tưởng của tôi cho có chút trật tự. Những chuyện mà người ta kể cho tôi đều không hiểu nổi, hoặc mâu thuẫn. Tất cả rối rắm trong đầu óc tôi.... Người làm vườn của cô Louise vừa mới đem con bé trở về la Grange trong trạng thái bất tỉnh, ông ta nói thấy con bé đi dọc theo sông, rồi vượt qua cái cầu của khu vườn, rồi cúi xuống, rồi biến mất, nhưng vì thoạt đầu không biết là con bé ngã, ông ta đã không chạy đến ngay như lẽ ra ông ta đã phải làm; ông ta đã tìm thấy lại con bé gần cái cống nhỏ mà giòng nước đã cuốn con bé trôi đến đó. Khi tôi gặp lại con bé một lúc sau đó, nó vẫn chưa hồi tỉnh., hoặc vừa mới hôn mê trở lại, bởi vì một lúc sau con bé đã hồi tỉnh, nhờ vào sự chăm sóc tận tình kịp thời. Martins, thật là có ơn Chúa, hãy còn chưa ra về, đang cố tìm cách giải đoán cái kiểu mê sảng và thờ ơ lãnh đạm mà con bé đang chìm vào, mặc dù đã có hỏi con bé nhưng vô ích, nguời ta bảo là con bé không nghe thấy gì hoặc con bé nhất định giữ im lặng. Hơi thở của con bé như bị nghẹt và Martins e ngại con bé bị sưng phổi, nên đã đặt thuốc dán và ống giác cho con bé và hứa ngày hôm sau sẽ trở lại. Sự sai lầm là người ta đã để con bé giữ nguyên bộ quần áo ướt đẵm nước trên người, mà nước sông thì lạnh cóng, trong khi lo cứu cho con bé tỉnh lại trước tiên. Cô Louise là người duy nhất có thể gặng hỏi con bé được vài câu, cho rằng con bé muốn ngắt mấy cánh hoa lưu ly mọc đầy dẫy ở phía đó của bở sông, nhưng rồi còn vụng về trong việc lượng định khoảng cách, hoặc là tưởng rằng cái thảm hoa kia là đất lìền vững chãi, con bé đã hụt chân bất thình lình... Nếu có thể tin được điều đó, tôi sẽ bảo rằng đấy chỉ là một tai nạn và như vậy thì sự nặng nề khủng khiếp sẽ được cất nhắc khỏi tâm hồn tôi!  Trong suốt bữa ăn, mặc dù rất vui vẻ, nhưng cái nụ cười khác lạ không rời con bé, đã làm tôi băn khoăn, một nụ cười miễn cưỡng mà tôi chưa bao giờ thấy nơi con bé nhưng tôi cố gắng tin đó cũng là nụ cười của cái nhìn mới mẻ của nó, một nụ cười tưởng chừng tuôn ra từ khoé mắt xuống khuôn mặt của con bé như giòng lệ, và gần đó, cái vui vẻ tầm thường của những kẻ khác làm tôi bực mình. Con bé không hoà mình vào niềm vui! Có thể bảo là con bé đã khám phá ra một điều bí mật mà chắc chắn là con bé sẽ có thể thổ lộ cho tôi biết nếu như chỉ có một mình tôi với nó. Con bé gần như không nói lời nào; nhưng không ai lấy làm ngạc nhiên, bởi vì khi gần những người khác, và nhất là khi họ đang vui nhộn, con bé thường lặng lẽ.

Lạy Chúa, con cầu khẩn Ngài, hãy cho phép con được nói chuyện với con bé. Con cần được biết, bằng không làm sao con tiếp tục sống?... Và một khi  con bé không còn muốn sống, có phải đúng là đã biết ? Biết gì? bạn của tôi ơi, bạn đã học được gì là khủng khiếp? Ta dấu cái chết chóc để làm gì khi thình lình con đã có thể biết ? 

Tôi nán lại thêm hai giờ tại đầu giường con bé, mắt không rời vầng trán, đôi má nhợt nhạt của nó, cặp mi mắt mỏng nhắm lại trên một nỗi phiền muộn khó tả, tóc hãy còn ướt nước và giống như rong, rải ra trên gối xung quanh đầu – trong khi lắng nghe hơi thở không điều hòa và nặng nhọc của nó.
 

29 tháng 5 

Cô Louise đã cho gọi tôi sáng nay vừa lúc tôi cũng sắp đi lại la Grange. Sau một đêm hơi yên  tĩnh, cuối cùng Gertrude đã ra khỏi cơn hôn mê. Con bé đã mỉm cười với  tôi khi tôi vừa bước chân vào phòng và ra hiệu cho tôi đến ngồi ở đầu giường. Tôi không dám hỏi con bé và chắc chắn con bé cũng sợ những câu hỏi của tôi, bởi vì con bé đã nói ngay với tôi như thể để ngừa trước một sự thố lộ dài dòng :

- Thầy gọi những cái hoa màu xanh kia – màu xanh cũng giống như màu da trời - mà con muốn hái ở ngoài sông là gì? Thầy khéo tay hơn con, vậy thầy có thể ngắt dùm con một bó được không? Con có cái hoa đó kia kìa, gần giường con... 

Sự vui mừng gượng gạo trong giọng nói của con bé lảm tôi đau lòng, và chắc chắn là nó cũng hiểu, bởi vì nó nói thêm một cách nghiêm trang hơn: 

- Con không thể nói chuyện với thầy sáng nay. Con quá mệt. Hãy đi hái mấy cái hoa đó cho con, thầy vui lòng chứ? Thầy sẽ trở lại sau. 

Và một giờ sau đó, khi tôi mang về cho con bé một bó hoa lưu ly, cô Louise bảo tôi rằng con bé vừa ngủ lại và không thể tiếp tôi trưóc chiều tối. Tối đó, tôi đã gặp lại con bé. người đã chồng nhiếu cái gối trên giường để đỡ cho con bé và giữ cho nó gần như ở tư thế ngồi. Tóc con bé lúc này đã gom lại và bện lên bên trên trán của nó lẫn lộn với những cánh hoa lưu ly mà tôi mới mang về cho nó. 

Chắc chắn là con bé bị sốt và tỏ ra rất nghẹt thở. Nó giữ bàn tay mà tôi chìa ra cho nó trong bàn tay nóng bỏng của nó. Tôi đứng yên gần nó:

- Con cần phải thú nhận với thầy một điều, thưa mục sư; bởi vì chiều nay con sợ con chết, con bé nói. Con đã nói dối với thầy sáng nay... Không phải vì muốn hái hoa... Thầy có tha thứ cho con không nếu con nói là con muốn chết? 

Tôi sụp mình quỳ xuống gần giường con bé, trong khi vẫn giữ bàn tay mảnh khảnh của nó trong tay mình, nhưng con bé rút ra, bắt đầu vuốt ve trán tôi trong khi tôi úp mặt vào tấm trải giường để dấu con bé giòng nước mắt  và cũng để chận tiếng nức nở của mình.

- Thấy có tháy như vậy là xấu lắm không? bấy giờ con bé tiếp tục một cách dịu nhẹ hơn. Rồi khi thấy tôi không trả lời tiếng nào:

- Hỡi bạn của tôi, bạn của tôi oi, bạn có  biết là tôi chiếm quá nhiều chỗ trong trái tim bạn và trong cuộc đời của bạn. Khi con trở về gần thầy, đó là cái điều hiện ra ngay cho con; hay ít ra cái chỗ mà con chiếm lại là chỗ của một người khác và người ấy buồn vì thế. tội ác của con là là đã không nhận ra điều ấy sớm hơn, hoặc ít ra - bởi vì con đã biết rồi – là cứ để mặc cho thầy yêu con. Nhung mà khi đột nhiên khuôn mặt của thầy hiện ra cho con thấy, khi mà con nhìn thấy trên khuôn mặt đáng thương của thầy biét bao là muộn  phiền, con không còn chịu đựng nổi cái ý tưởng sự đau buồn này là tác phẩm của con... Không, không, thầy đừng có tự trách mình mà hãy để cho con ra đi và trả lại cho bà ấy niềm an vui.   


Bàn tay ngưng vuốt ve trán tôi: tôi chụp lấy bàn tay đó và đặt lên đó những nụ hôn và nước mắt. Nhưng con bé gỡ tay ra một cách nóng nảy và một nỗi  kinh hoảng mới bắt đầu dày vò con bé.

- Đó không phải là cái điều con muốn nói với thầy; không, đó không phải là cái điều con muốn nói với thầy, con bé lặp lại, và tôi thấy mồ hôi nó đổ ướt trán. Rồi con bé khép mi mắt xuống và giữ mắt nhắm lại một lúc, như thể để tập trung tư tưởng, hoặc để tìm lại cái trạng thái mù lòa lúc ban đầu.và bằng một giọng lúc đầu còn kéo dài và uể oải, nhưng sau đó thì cất cao lên trong khi mở mắt ra trở lại, rồi hăng dần đến độ mãnh liệt. 

- Khi thầy đã cho con thị giác, mắt con mở ra trước một thế giới còn đẹp hơn cả cái thế giới con mơ tưởng như là nó có thể, vâng thật thế, con không tưởng tượng ngày sáng đến thế, không khí trong trẻo đến thế, bầu trời rộng bao la đến thế. Nhưng con cũng không tưởng tượng trán con người xương xẩu đến thế ; và khi con vô nhà, thầy có biết cái gì hiện ra cho con trước tiên không... Ôi ! Đàng nào thì con cũng phải nói cho thấy biết: cái con thấy đầu tiên, đó là cái lỗi của chúng ta, cái tội của chúng ta. Không, thầy đừng chống chế. Thầy còn nhớ lời của đức Ki-tô không: « Nếu ngươi bị mù, ngươi sẽ không có tội.» Nhưng mà bây giờ, con thấy... . Hãy đứng lên đi, thưa mục sư. Hãy ngồi đó, Hãy nghe con và đừng ngắt lời con. Trong thời gian con nằm nhà thương, con đã đọc, hay đúng hơn, con đã được đọc cho nghe, những đoạn trong Thánh kinh mà con hãy còn chưa biết đến, mà thầy chưa bao giờ đọc cho con nghe. Con nhớ có một đoạn của thánh Phao lồ mà con đã tự mình lặp lại suốt một ngày: « Đối với tôi, ngày xưa chưa có luật, tôi sống, nhưng khi lề luật đến, tội lỗi sống lại và tôi sẽ chết. » 

Con bé nói trong một trạng thái hứng khởi tột cùng, tiếng rất cao và gần như la lớn mấy tiếng cuối. đến nỗi tôi cảm thấy khó chịu khi nghĩ là bên ngoài người ta cỏ thể nghe được; rồi con bé nhắm mắt và thầm thì lặp lại như thể cho riêng chính mình mấy tiếng cuối cùng:

- « Tội lỗi sống lại – và tôi sẽ chết. »

Tôi rùng mình, lòng tái tê băng một thứ sợ hãi nào đó. Tôi muốn đánh lạc hướng tư tưởng con bé.

- Ai đã đọc cho con nghe những đoạn Thánh kinh đó? tôi hỏi. 

Chính Jacques, con bé nói vừa mở mắt ra trở lại vừa nhìn tôi đăm đăm. Ngàì có biết  là anh ấy đã cải đạo rồi không ? 

Thế là quá đủ;  tôi sắp sửa van xin con bé im nhưng nó lại đã tiếp tục : 

- Hỡi bạn của tôi ơi, con sắp làm thầy đau khổ nhiều nhưng cần phải để cho  giữa chúng ta không còn nuôi ảo mộng nào nữa. Khi con đã thấy Jacques, con chợt hiểu là không phải thầy là người con yêu, chính là anh ấy. Anh ta có đúng khuôn mặt của thầy, con muốn nói khuôn mặt mà con tưởng là thầy có... Than ôi ! Tại sao thầy làm cho con ruồng rẫy anh ấy? Lẽ ra con đã có thể lấy anh ấy...

- Nhưng mà, Gertrude, Con vẫn còn có thể kia mà, tôi nói lớn lên với một nỗi tuyệt vọng.

- Anh ấy đã vào dòng tu rồi, con bé nói một cách nóng nảy. Rồi những tiếng khóc nức nở làm nó xúc động: 

Ôi!  Con muốn thú nhận cùng anh ấy... con bé rên rỉ trong một trạng thái xuất thần.... Thầy thấy rõ là con chỉ  còn cách chết thôi. Con khát. Hãy gọi ai đi, con xin thầy. Con ngộp thở. Hãy để con yên một mình. Chao ôi! được nói với thầy như vậy, con hy vọng thấy mình nhẹ nhõm bớt. Hãy rời con. Chúng ta hãy rời nhau ra. Con không thể chịu đựng nhìn thấy thầy nữa. 

Tôi để con bé lại một mình. Tôi gọi cô Louise thay chỗ tôi bên cạnh con bé; sự vùng vẫy cùng cực của con bé  làm cho tôi sợ hãi tột độ nhưng tôi cũng phải bảo mình là sự hiện diện của tôi chỉ làm cho tình trạng con bé thêm trầm trọng. Tôi yêu cầu người ta đến báo cho tôi biết nếu tình trạng trở nên tồi tệ.

30 tháng 5  

Than ôi! Tôi chỉ còn có thể gặp lại con bé trong giấc mông. Sáng nay, khi mặt trời vừa lên, con bé đã chết sau một đêm mê sảng và dã dượi. Do sự yêu cầu cuối cùng của Gertrude mà cô Louise đã điện tín hỏa tốc cho Jacques biết và nó đã đến nơi vài giờ sau khi con bé đã tắt thở. Nó đã trách móc tôi dữ dội là đã không cho rước một vị linh mục đến trong lúc hãy còn kịp ban các phép bí tích. Nhưng làm sao tôi có thể làm điều đó khi tôi hãy còn chưa biết là lúc ở Lausanne, hiển nhiên do nó thúc dục, Gertrude đã  bỏ đạo Tin lành. Nó thông báo cho tôi cùng lúc sự cải đạo của chính nó và của Gertrude. Như thế là hai con người này đã bỏ tôi cùng một lúc; hình như bị tôi chia ly trong cuộc đời, chúng đã dự tính trốn chạy tôi và cả hai sẽ cùng nhau kết hợp trong Thiên Chúa. Nhưng tôi tự bảo mình là trong sự cải đạo của Jacques có nhiều phần do lý luận hơn là do tình yêu. 

- Thưa cha của con, nó nói với tôi, thật không phải để con cáo buộc cha; nhưng cái gương về sự sai lầm của cha đã hướng dẫn con.

Sau khi Jacques đã đi rồi, tôi quỳ gối gần Amélie, van xin nàng hãy cầu nguyện cho tôi, tại vì tôi cần được giúp đỡ, Nàng chỉ giản dị đọc kinh ”Lạy Cha…” nhưng để xen vào các đoạn kinh trong lúc chúng tôi đang đọc những hồi yên lặng rất lâu. 

Tôi muốn khóc, nhưng tôi cảm thấy trái tim mình khô cằn hơn cả sa mạc.


Nguyên tác  La Symphonie pastorale
Tác giả   ANDRÉ GIDE  (1869-1951) 

ÐOÀN VĂN KHANH dịch
theo nguyên văn tiếng Pháp

No comments:

Post a Comment