10 tháng 2 năm 198...
Cơn
tuyết đổ không ngừng từ ba ngày nay đã bít hết các ngả đường. Tôi đã không thể
nào đi đến R… nơi mà từ mười lăm năm nay tôi vẫn có thói quen cử hành thánh lễ
mỗi tháng hai kỳ. Sáng nay chỉ có ba mươi tín hữu tập hợp tại nguyện đường La
Brévine thôi.
Tôi
lợi dụng sự nhàn rỗi do bị bó buộc phải ngồi nhà này để hồi tưởng và kể lại tại
sao tôi đã tự dấn mình vào việc chăm sóc cho Gertrude.
Tôi
định viết ra đây tất cả những gì liên quan đến sự hình thành và phát triển
của tấm linh hồn thành kính này mà tôi tưởng chừng như tôi đã dẫn dắt ra khỏi
đêm tối là để phụng thờ và yêu thương. Chúc tụng Chúa đã giao phó cho tôi công
việc này.
Đã
hai năm sáu tháng, khi tôi vừa mới từ Chaux-de-Fonds trở về, một bé gái mà tôi
không hề biết mặt đến tìm tôi một cách gấp rút để dẫn tôi đến một nơi cách đó
bảy cây số hầu thăm viếng một bà lão đang hấp hối. Ngựa hãy còn đóng cương; tôi
bèn để con bé lên xe, sau khi đã trang bị thêm một cái đèn lồng, bởi vì tôi nghĩ
mình chưa chắc gì về kịp trước khi đêm xuống.
Tôi
nghĩ là minh thông thuộc hết các ngõ ngách của cái xứ đạo này, nhưng khi qua
khỏi trang trại Saudraie, con bé chỉ cho tôi đi theo một con đường mà cho tới
bấy giờ tôi chưa hề đặt chân đến. Tuy nhiên tôi cũng nhận ra cách đó hai cây số
về phía bên phải là cái hồ nhỏ huyền bí mà thời còn trai trẻ tôi đã từng đến
trượt pa-tanh đôi lần. Từ mười lăm năm nay tôi không nhìn thấy lại chỉ vì không
có công việc phụng vụ nào đòi hỏi tôi phải đi về phía này; tôi cũng không thể
nói là tôi đã biết cái hồ nằm ở đâu và cũng đã thôi không nghĩ đến nữa thì bỗng
nhiên trong cái vẻ huy hoàng huyền diệu của buổi chiều hôm đó, tôi đã nhận ra nó
mà trước đây tôi chỉ nhìn thấy trong mộng.
Con đường men theo dòng nước từ
cái hồ chảy ra cắt ngăn bìa rừng rồi lượn theo một cái đầm than bùn. Dĩ nhiên là
tôi chưa hề đến đó.
Mặt
trời đang lặn và chúng tôi đi trong bóng mờ đã từ lâu, cuối cùng con bé dẫn
đường chỉ tay về một căn nhà tranh nằm ở sườn đồi mà người ta có thể lầm tưởng
là không có người ở, không có lấy một làn khói mỏng manh nào tỏa ra sậm sì trong
bóng tối, rồi lại vàng hoe trong màu vàng ối của bầu
trời. Tôi buộc ngựa vào một cây táo kế cận, xong
trở lại gặp con bé trong căn phòng tối tăm nơi bà lão đang hấp hối.
Sự
nặng nề của cảnh vật, sự tĩnh mịch và giờ phút trang nghiêm làm tôi ớn lạnh. Một
người đàn bà còn trẻ đang quỳ gối cạnh giường. con bé mà tôi vẫn tưởng lầm là
cháu của người quá cố hóa ra chỉ là đứa tớ gái, thắp một ngọn đèn ám đầy khói
rồi đứng yên ở chân giường. Suốt chặng đường dài, tôi đã cố khơi chuyện, nhưng
cũng chỉ moi được từ con bé có bốn câu thôi.
Người
đàn bà đang quỳ đứng dậy. Đây cũng không phải một kẻ thân quyến như thoạt tiên
tôi đã tưởng, mà chỉ là một người láng giềng, một người bạn mà đứa tớ gái đã mời
đến khi nó thấy bà chủ mình hấp hối và bà ta đã tự nguyện canh chừng giùm. Bà
lão, lời bà láng giềng nói với tôi, đã tắt thở một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi
thỏa thuận với nhau về những cái cần chuẩn bị cho việc ma chay cũng như thánh lễ
an táng. Cũng giống như đã bao lần rồi tại cái xứ khỉ ho cò gáy này, tôi phải
quyết định lấy tất cả. Thú thật là tôi thấy hơi khó xử khi để cái căn nhà còn
nghèo nàn hơn cả cái vẻ bên ngoài của nó cho sự trông nom duy nhất của người đàn
bà láng giềng và đứa tớ gái bé. Tuy thế, cũng chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra trong
một xó xỉnh nào đó của căn nhà khốn khổ này còn một kho tàng dấu kín… Và hơn nũa
tôi còn làm gì khác hơn được? Tuy vậy tôi cũng hỏi xem là bà lão còn có ai là
thừa kế không.
Bấy
giờ bà láng giềng mới cầm cây đèn soi về một góc của lò sưởi, và tôi có thể nhận
ra một dáng người lờ mờ đang ngồi bó gối trong tro có vẻ như đang ngủ; mớ tóc
dày phủ gần kín hết khuôn mặt.
- Con bé đó bị mù: một đứa cháu,
lời đứa tớ gái nói; hình như gia đình này chỉ vỏn vẹn còn có thế. Phải đưa con
bé vào viện mồ côi bằng không thì con cũng không biết con bé đó sẽ ra sao.
Tôi
cảm thấy bực mình khi nghe người ta quyết định số phận con bé trước mặt nó, e
rằng những lời tàn nhẫn ấy có thể làm cho nó đau buồn.
- Đừng đánh thức con bé, tôi nói
khe khẽ cốt ý để cho bà láng giềng it ra cũng nhỏ tiếng bớt.
- Ối chà! Tôi không nghĩ là con bé
đang ngủ mà chỉ vì nó là một con bé đần độn, nó không nói và cũng chẳng hiểu gì
người khác nói. Tôi ở trong phòng từ sáng đến giờ mà thấy con bé gần như không
nhúc nhích. Thoạt tiên tôi nghĩ là con bé bị điếc nhưng đứa tớ gái thì lại cho
rằng không phải thế mà chỉ vì bà lão vốn bị điếc nên không bao giờ nói gì với
con bé hay với bất cứ người nào khác nên đã từ lâu con bé chỉ còn biết mở miệng
để ăn hay uống thôi.
- Con bé bao nhiêu tuổi?
- Tôi ước chừng khoảng mười lăm!
Ngoài ra tôi cũng không biết gì hơn ngài…
Ngay
lúc ấy trong trí tôi chưa nảy ra cái ý nghĩ sẽ tự mình săn sóc cho con bé côi
cút đáng thương đó; nhưng sau khi cầu nguyện – hay đúng hơn trong khi đang quỳ
gối giữa người đàn bà láng giềng và đứa tớ gái cũng đang qùy ở đầu giường, bỗng
nhiên tôi cảm thấy như Thiên Chúa đã đặt trên con đường của tôi một bổn phận mà
tôi không thể nào không cảm thấy chút hèn nhát nếu như mình thoái thác. Khi tôi
đứng dậy, tôi liền có quyết định là dẫn con bé theo mình ngay chiều hôm đó, cho
dù tôi cũng chưa hỏi mình cho rõ ràng sẽ phải làm gì cho con bé sau này, hay sẽ
gửi gắm con bé cho ai. Tôi còn nán lại một lúc để lặng ngắm khuôn mặt như ngủ
của bà lão mà cái miệng nhăn nheo và túm lại như bị cái sợi dây cột túi tiền của
một kẻ hà tiện kéo rút lại để yên trí là không có gì rớt ra được. Xong tôi quay
về lại cái góc có con bé mù, tôi ngỏ ý định của mình cho bà láng giềng biết.
- Tốt hơn hết là ngày mai con bé
không còn đó khi người ta đến đưa xác bà lão đi, bà láng giềng nói. Chỉ thế thôi.
Có
nhiều chuyện có thể làm một cách dễ dàng, không gặp tí trở ngại hão huyền nào mà
đôi khi con người vẫn vui thích tưởng tưởng ra. Từ thủa bé, đã từng biết bao lần
chúng ta bị ngăn cản làm điều này điều nọ mà chúng ta muốn làm, chỉ vì chúng ta
quen nghe lặp đi lặp lại chung quanh ta: không thể làm điều đó…
Con bé mù để cho dẫn đi như một
cái xác không hồn. Nét mặt con bé đều đặn, khá xinh, nhưng hoàn toàn đờ đẫn. Tôi lượm theo một cái mền ở tấm nệm rơm nơi con bé vẫn thường nằm ở một góc phòng
ngay dưới chân cầu thang dẫn lên cái lẫm chứa đồ trên nóc nhà.
Bà
láng giềng tỏ vẻ đồng lòng và đã giúp tôi trùm kín cho con bé một cách cẩn thận,
bởi vì đêm trong trẻo, trời sẽ lạnh giá; và sau khi đã thắp cây đèn lồng của
cỗ xe ngựa, tôi liền khởi hành, mang theo cái khối thịt không hồn đang ngồi co
ro tựa vào tôi mà tôi chỉ có thể cảm thấy có chút sự sống do sự trao đổi của cái
hơi nóng âm ỉ đó. Suốt dọc dường tôi cứ nghĩ: con bé ngủ chăng? và một giấc ngủ
chìm trong tăm tối biết bao… Và bằng cách nào mà bà lão phân biệt con bé thức hay
ngủ? Lạy Chúa! Chủ nhân của cái thân xác tối tăm đặc sệt này chắc chắn cũng có
một linh hồn bị nhốt kín đang đợi chờ cuối cùng cũng sẽ có chút tia sáng soi rọi
đến nhờ ân sủng của Ngài!
Ngài có cho phép con có thể bằng tình yêu thương của mình
đưa con
bé xa khỏi cái đêm tối khủng khiếp?...
Tôi quá quan tâm đến sự thật
nên không đành im không nhắc đến sự tiếp đón đầy bất mãn mà tôi phải chịu đựng
khi trở về nhà. Vợ tôi là cả một vườn hoa nhân đức; và ngay cả những lúc
khó khăn đôi khi đã xảy ra mà chúng tôi phải vượt qua, tôi không hề có một lúc
nảo có thể nghi ngờ cái đức tính cao quý của tâm hồn nàng; nhưng tấm lòng bác
ái tự nhiên của nàng lại không hề muốn bị ngạc nhiên. Nàng là một người ngăn nắp
với chủ trương không đi quá ra ngoài, và càng không được dừng lại trong một nơi
nào đó ngoài bổn phận. Lòng bác ái của nàng cũng được dè xẻn như thể tình yêu
cũng là một kho tàng có thể bị vơi cạn. Và đó cũng là cái điểm duy nhất mà chúng
tôi hay cãi vã nhau.
Tối
hôm đó khi thấy tôi trở về với con bé, ý nghĩ đầu tiên của nàng bộc lộ qua tiếng
la:
- Ông lại rước thêm vào mình cái
của nợ gì nữa đây?
Cũng
giống như mỗi lần cần phải phân trần giải thích giữa hai vợ chồng, tôi bắt đầu
đuổi mấy đứa con đang há hốc mồm đầy thắc mắc và ngạc nhiên đứng xớ rớ ở đó ra
ngoài. Chao ôi! sự tiếp đón này mới khác xa với cái điều mà tôi mong ước biết
bao. Chỉ có con bé Charlotte cưng của tôi là bắt đầu nhảy múa và vỗ tay reo khi
con bé hiểu ra có một cái gì đó mới lạ, một cái gì đó sinh động sắp ra khỏi xe.
Nhưng những đứa kia vốn được rập khuôn theo mẹ, đã nhanh chóng tìm cách làm cho
nó tiu nghỉu và lôi nó theo.
Bối
rối một hồi lấu. Và hầu như cả vợ tôi lẫn mấy đứa nhỏ chưa biết là họ phải tiếp
xúc với một kẻ mù, họ lại càng không hiểu nổi tại sao tôi đã tỏ ra quá chú ý khi
dẫn dắt cho con bé bước đi. Chính tôi cũng tự cảm thấy bối rối bởi những tiếng
rên rỉ kỳ dị mà con bé tàn tật bắt đầu thốt ra ngay khi tôi buông tay ra khỏi
tay nó mà tôi đã nắm giữ suốt cuộc hành trình. Những tiếng kêu này không có vẻ
gì là tiếng người; mà còn có thể bảo như là tiếng rên ư ử của một con chó con.
Lần đầu tiên bị rứt ra khỏi cái vòng chật hẹp của những cảm giác quen thuộc đã
từng cấu thành tất cả cái vũ trụ của mình, đầu gối con bé khụyu xuống, nhưng khi
tôi đẩy một cái ghế lại cho nó thì con bé buông mình nhào luôn xuống đất, tựa hồ
như một kẻ không hề biết ngôi; bấy giờ tôi mới dẫn con bé đến sát gần cái lò
sưởi, và con bé chỉ lấy lại được một chút bình tĩnh khi nó có thể ngồi bó gối
trong cái tư thế mà trước đó tôi đã thấy nó cạnh cái lò sưởi của bà lão. Ngay
lúc còn ở trên xe, con bé cũng đã chuồi mình xuống sàn xe và đã ngồi thu mình
dưới chân tôi như thế suốt dọc đường. Vợ tôi tuy thế cũng đã giúp tôi, và những
cử chỉ tự nhiên nhất vẩn luôn luôn là cái tốt nhất; nhưng lý tri của nàng không
ngừng tranh chấp và thường lôi nàng đi ngược lại tấm lòng của nàng.
- Ông có ý định làm gì với cái thứ
này đây? Nàng tiếp tục hỏi sau khi đã sắp đặt cho con bé yên chỗ.
Tôi
rùng mình khi nghe nàng dùng cách nói trống không này và phải khó khăn lắm tôi
mới kiềm chế được một cử chỉ phẫn uất. Tuy nhiên, đầu óc đang còn say mê trong một
sự trầm ngâm lâu dài và yên tĩnh, tôi cố nén lại và quay qua cả nhà đang bao quanh
trở lại thành một vòng tròn, một bàn tay đặt lên trán con bé mù, tôi nói với tất
cả vẻ trịnh trọng mà tôi có thể:
- Ta dẫn về con chiên bị lạc.
Nhưng Amélie thì lại không chấp
nhận đây lại có thể là một trường hợp phi lý hoặc siêu lý về lời dạy của Phúc
âm. Tôi thấy nàng lại sấp phản đối, và thế là tôi lại ra hiệu cho Jacques và
Sarah, vốn đã từng quen với những lần vợ chồng bất hòa của chúng tôi, và hơn nữa
bản chất của chúng cũng không mấy tò mò (thường có vẻ dưới mức tôi mong mỏi),
dẫn hai đứa bé đi. Rồi, trong khi vợ tôi còn đang chưng hửng và như có vẻ tức
tối thêm do sự hiện diện của con bé lạ, tôi nói thêm:
- Bà có thể nói chuyện trước mặt
nó, con bé đáng thương đó không hiểu gì đâu.
Bấy
giờ Amélie bắt đầu phản đối rằng chắc chắn là nàng chẳng có gì để nói với tôi cả,
- đó vẫn là câu mào đầu thường lệ cho những lời lẽ giải thích dài giòng hơn, -
và nàng chỉ có việc phục tùng theo tất cả những gì rất không thực tiễn lại rất
trái ngược với tập tục và lương tri mà tôi có thể sáng tạo ra. Tôi đã viết là
tôi hoàn toàn không định sẽ giải quyết như thế nào về con bé này. Tôi cũng chưa
nghĩ ra, hoặc hãy còn rất mơ hồ cái khả năng có thể sắp xếp để con bé vào sống
trong gia đình mình và gần như phải nói chính Amélie mới là người đầu tiên gợi
cho tôi cái ý tưởng đó khi nàng hỏi tôi có nghĩ rằng là chúng tôi đã “có quá đủ
trong nhà” rồi chăng. Rồi nàng tuyên bố là tôi luôn luôn đi trước mà không hề lo
ngại về sự phản kháng của những kẻ theo sau, rằng về phần nàng thì năm đứa con
là đã quá đủ, rằng từ khi sinh thằng Claude (đúng lúc đó, và như là nghe gọi đến
tên, nó bắt đấu rống lên trong nôi) nàng đã “quá đủ” và cảm thấy đuối.
Ngay
từ những lời thốt ra đầu tiên của nàng, vài lời dạy của đấng Ki-tô từ trong tim
tôi buột lên miệng nhưng tôi cố kềm lại, bởi vì dẫu sao tôi cũng luôn luôn thấy
khó coi khi bắt mình cứ phải đi theo sự độc đoán của sách thánh. Nhưng từ khi nàng
nói đến sự khó nhọc của nàng, tôi cảm thấy tiu nghỉu, bởi vì tôi nhận ra mình
cũng đã từng hơn một lần để cho cái hậu quả của cái đà nhiệt tình thiếu suy xét
của tôi đè nặng lên vợ tôi.
Tuy nhiên những lời chỉ trích này lại dạy tôi quay về với bổn phận; và tôi năn
nỉ Amélie một cách rất nhẹ nhàng rằng biết đâu ở cương vị tôi nàng cũng đã hành
động như vậy và nỡ nào lại có thể để cho một sinh mệnh đã tỏ ra không còn một sự
nương tựa nào khác rơi vào cảnh tuyệt vọng; tôi còn thêm rằng là tôi không có
ngu đền nỗi không hiểu cái gánh nặng của những cái khó nhọc mới do sự săn sóc
cho người khách tật nguyền này gia thêm lo lắng trong gia đình, và sự hối tiếc
của tôi là thông thường trong những cái như thế này tôi chỉ có thể đóng vai phụ
giúp thôi. Cuối cùng tôi làm mọi cách cho nàng yên lòng, tôi cũng năn nỉ nàng
dừng có để rơi rớt một tí oán hận nào lên con bé vô tội mà thực ra nó không đáng
phải lãnh nhận. Rồi tôi gợi cho nàng để ý là từ nay Sarah cũng đã đến tuổi có
thể giúp đỡ nhiều hơn, Jacques thì cũng không cần nàng săn sóc. Nói tóm lại,
Thiên chúa đã đặt vào miệng tôi những lời lẽ cần thiết để giúp nàng chấp nhận
những gì mà tôi đoan chắc nàng có thể đã tự nguyện làm lấy nếu sự việc xảy ra để
cho nàng có thì giờ suy xét và tôi cũng đã không đưa nàng đến chỗ tự nguyện một
cách quá đột ngột.
Tôi
tin là đã nắm được chút phần thắng trong cuợc cãi vã và Amélie thân yêu của tôi đã
tiến gần lại một cách ân cần hơn về phía Gertrude; nhưng thình lình cơn tức giận
của nàng lại bùng lên dữ dội hơn khi nàng cầm cây đèn lại soi con bé để quan sát,
nàng đã khám phá tình trạng dơ dáy hết diễn tả nổi của nó. Nàng la lớn lên:
- Đúng là một ổ vi trùng. Hãy phủi
sạch người của ông đi; phủi sạch người ông ngay lập tức. Không, không phải tại
đây. Hãy đi ra ngoài kia mà phủi. Úi chà! Lạy Chúa! mấy đứa nhỏ đến bị lây mất
thôi. Không có gì trên thế gian này làm cho tôi ngán sợ bằng chí rận.
Không
thể chối cãi là người con bé đáng thương nhung nhúc chí rận: và tôi cũng đã
không thể ngăn nổi một cử chỉ ghê tởm khi nghĩ lại là tôi đã ép sát con bé rất
lâu vào mình lúc còn trong xe.
Hai
phút sau tôi trở vào sau khi đã tẩy sạch người tôi hết sức mình, tôi thấy vợ tôi
đang ngồi úp mình trong một chiếc ghế bành, hai tay bưng lấy đầu, như sẵn sàng
cho một cơn tức giận khác.
- Tôi không nghĩ là đã để cho sự
kiên nhẫn của em rơi vào một sư thử thách như thế, tôi nói một cách dịu dàng với
nàng. Dù sao đi nữa, đêm nay cũng đã khuya rồi và người ta cũng không thể thấy
rõ được. Tôi sẽ thức canh ngọn lửa mà con bé sẽ nằm ngủ cạnh đó. Ngày mai chúng
ta sẽ cắt tóc cho con bé và tắm rửa kỹ lưỡng cho nó. Em chỉ bắt đầu săn sóc nó
khi nào em có thể nhìn thấy nó mà không nhờm tởm. Và tôi yêu cầu nàng là đừng
nói tí nào cho bọn trẻ biết về cái việc này.
Đã
đến giờ ăn tối. Mụ Rosalie, vừa phục vụ bữa ăn cho chúng tôi vừa ném cho con
bé được tôi bảo trợ đang hau háu nuốt cái dĩa xúp mà tôi chìa cho, những cái
nhìn hết sức thù địch. Bữa ăn thật im lặng. Tôi cũng muốn kể lại chuyến đi vừa
qua, nói chuyện với bọn trẻ, gây xúc động nơi chúng bằng cách làm cho chúng hiểu
và cảm được cái điều kỳ lạ của một sự thiếu thốn đủ mọi thứ, khích động lòng
thương hại của chúng, sự cảm thông của chúng đối với kẻ mà Thượng đế đã mời gọi
chúng tôi hãy đón nhận; nhưng tôi e sợ làm
sống lại cơn tức giận của Amélie. Hình như ai cũng
nghĩ thầm trong bụng là lúc này nên bỏ qua và quên sự việc này đi trong khi mỗi
người trong chúng tôi hãy còn chưa ai chắc chắn có một điều suy nghĩ nào khác.
Một
giờ sau khi tất cả đã đi ngủ và Amélie cũng đã để tôi lại một mình trong căn
phòng, tôi vô cùng xúc động khi thấy con bé Charlotte của tôi mở hé cánh cửa,
tiến đến một cách nhẹ nhàng trong bộ đồ ngủ và chân trần, rồi ôm chầm lấy cổ tôi,
vừa siết chặt tôi một cách thật mãnh liệt vừa thì thầm:
- Con đã không ngoan ngoãn chúc an
ba tối nay.
Rồi
dùng đầu ngón tay trỏ chỉ ngay vảo con bé mù đang ngủ một cách hồn nhiên mà nó
tò mò muốn nhìn lại trước khi mình cũng đi ngủ, nó thấp giọng:
- Tại sao con lại không ôm hôn cô
bé ấy?
- Con sẽ ôm hôn nó ngày mai. Bây
giờ hãy để cho nó yên. Nó đang ngủ. Tôi bảo với con bé như thế trong khi tôi
cùng đi với nó ra tận cửa.
Xong,
tôi trở lại ngồi xuống bàn và làm việc cho đến sáng, đọc sách hoặc soạn bài
giảng cho kỳ thánh lễ tới.
Chắc
chắn là, theo tôi nghĩ (tôi vẫn thường nhớ lại), Charlotte bây giờ vẫn tỏ ra
trìu mền nhiều hơn các anh chị của nó; nhưng đứa nào trong bọn chúng, vào cái
tuổi này, đã không trước hết cho tôi thấy sự thay đổi; cả thằng Jacques lớn của
tôi bây giờ sao mà xa lạ, dè dặt… Người ta đã tin là chúng dịu dàng, chúng nó là
những đứa thích chiều chuộng và thích mơn trớn.
27 tháng 2
Đêm
ấy tuyết còn đổ nhiều hơn. Bọn trẻ rất vui mừng bởi vì, chúng nói, chẳng mấy
chốc mọi người bắt buộc phải ra ngoài bằng cửa sổ. Thực tế thì sáng hôm đó cửa
chính đã bị lấp bít và mọi nguời chỉ có thể ra ngoài bằng cửa chái phòng giặt đồ.
Hôm qua tôi đã chắc chắn là dân làng có đầy đủ lương thực, bởi vì không còn nghi
ngờ gì nữa là chúng tôi sắp sửa bị cô lập với thế giới bên ngoài một thời gian.
Đây không phải là mùa đông đầu tiên mà tuyết đã phong tỏa chúng tôi, nhưng tôi
cũng không nhớ ra có lần nào tuyết rơi dày đến mức này không. Tôi lợi dụng cơ
hội này để tiếp tục câu chuyện mà tôi vừa bắt đầu từ hôm qua.
Tôi
đã nói là tôi không hề hỏi mình khi đem con bé tật nguyền này về, nó sẽ có thể
chiếm một vai trò gí trong nhà này. Tôi hiểu sự phản đối ít nhiều của vợ tôi, sự
ăn ở và khả năng tài chánh của chúng tôi rất hạn hẹp. Tôi đả hành động, cũng
giống nhừ tôi vẫn thường làm là theo sự đưa đẩy tự nhiên hơn là bằng vào nguyên
tắc, cũng chẳng hề tính toán đến sự tổn phí mà niềm hứng khởi của tôi lôi cuốn
tôi theo (cái điều luôn luôn tỏ ra cho tôi thấy là nghịch với lời dạy của Phúc
âm). Thôi thì cứ trông cậy vào Thiên Chúa hoặc là làm nhẹ bớt bằng cách trút
gánh nặng qua cho kẻ khác. Lập tức tôi cảm thấy tôi đã đặt lên cánh tay của
Amélie một phận sự quá nặng nề, nặng nề đến nỗi mới đầu tôi rất bối rối.
Tôi
đã giúp nàng hết sức mình để cắt tóc cho con bé, cái điều mà tôi thấy là nàng đã
làm với một vẻ ghê tởm. Nhưng qua đến cái việc tắm rửa và kỳ cọ cho con bé thì
tôi đành phải giao phó cho vợ tôi; và tôi hiểu rằng tôi lại đã thoát được những
cái việc săn sóc nặng nề và khó chịu nhất.
Về
việc ăn ở, Amélie không còn nêu lên chút phản đối nào nữa. Hính như trong đêm
nàng đã suy nghĩ lại và dự phần vào cái phận sư mới này, không
những thế nàng còn tỏ vẻ hơi hài lòng và tôi thấy
nàng mỉm cười sau khi nàng đã ăn mặc xong cho Gertrude. Một cái mũ trùm màu
trắng che phủ cái đầu trọc mà tôi đã thoa lên một lớp kem; vài cái quần áo cũ
của Sarah và vài thứ đồ dùng bằng vải sạch thay cho mớ quần áo rách rưới bẩn
thỉu của nó mà Amélie vừa ném hết vào lò lửa. Cái tên Gertrude thì đã do
Charlotte chọn và được tất cả chúng tôi chấp nhận ngay tức thì, vì không biết
cái tên thật mà chính con bé mồ côi cũng không biết và tôi thì cũng không biết
tìm đâu cho ra. Nó có lẽ hơi nhỏ tuổi hơn Sarah, vì những quần áo cũ mà Sarah
phải thải ra cả năm nay rồi vẫn còn vừa vặn cho nó.
Tới
phải thú thật ra đây nỗi thất vọng sâu thẳm mà tôi cảm thấy vào những ngày đầu
tiên. Chắc chắn là tôi sẽ viết nguyên một quyển tiểu thuyết về câu chuyện dạy dỗ
Gertrude mà thực tế đã quá bắt buộc nên tôi không còn lùi lại được. Cái vẻ thờ
ơ, u tối nơi khuôn mặt của con bé hay đúng hơn, cái sự đờ đẫn tận cùng của nó đã
làm tê tái tận cùng cái thiện chí của tôi. Suốt ngày con bé chỉ ở lì gần bên
ngọn lửa, luôn đề phòng, và vừa khi nghe có tiếng chúng tôi, nhất là khi có ai
tiến đến gần, nét mặt nó càng như chai đần ra; nó chỉ ngừng đờ đẫn để biểu lộ vẻ
thù địch; và chỉ một chút cố gắng khơi gợi sự chú ý của nó là nó bắt đầu rên rỉ,
càu nhàu như một con vật. Sự hờn dỗi này chỉ lùi bớt khi gần đến bữa ăn mà chính
tôi phải phục vụ cho nó, và con bé đã lăn xả vào thức ăn với tất cả cái háu ăn
của loài vật, trông rất đau lòng khi nhìn thấy. Và cũng giống như tình yêu đáp
lại tình yêu, tôi cảm thấy một thú tình cảm ghét cay ghét đắng tràn ngập trong
lòng trước sự khăng khăng một mực khước từ của cái tâm hồn này. Vâng, quả thật
thế, tôi thú nhận là mười ngày đầu tôi đã gần đi dến chỗ tuyệt vọng, và gần như
muốn dứt nợ với con bé khi tôi lấy làm hối hận về cái niềm phấn khởi đầu tiên
của tôi và tôi cũng đã ước phải chi đừng bao giờ mang con bé về nhà. Và còn xảy
ra cái điều nhức nhối này nữa, đó là thắng thế phần nào trước những tình cảm mà
tôi không tài nào che dấu nổi, Amélie lại hình như ra công săn sóc và thật lòng
hơn từ khi nàng cảm thấy Gertrude trở nên cái gánh nặng cho tôi và sự hiện diện
của nó giữa chúng tôi đã hành hạ tôi.
Đang
lúc đó thì một người bạn của tôi, bác sĩ Martins. ở Val Travers ghé thăm, trong
một chuyến đi chăm sóc các thân chủ bệnh nhân của ông ta. Ông ta chú ý rát nhiều
đến những gì tôi nói cho ông ta nghe về tình trạng của Gertrude. Thoạt tiên ông
ta rất ngạc nhiên về sự kiện con bé vẫn nằm trong tình trạng trì trệ của sự phát
triển không chỉ hoàn toàn do mù lòa; nhưng tôi đã giải thích cho ông ta là
ngoài sự mù lòa còn cọng thêm cái tật điếc của bà lão từ trưóc đó là kẻ duy nhất
chăm nuôi con bé, và vì không nói năng với con bé bao giờ đến nỗi con bé đáng
thương đã phải sống trong một tình trạng bị bỏ rôi mọi mặt. Thế là ông ta bảo
cho tôi thấy là tôi đã sai trái khi tuyệt vọng; mà chỉ vì tôi không biết nắm
vững phương pháp.
- Bạn đã muốn bắt đầu công tác xây
dựng, ông ta nói với tôi, trước khi có sự hiểu biết chắc chắn về mảnh đất. Hãy
nghĩ rằng tất cả hãy còn hỗn độn trong cái tâm hồn này và ngay cả những nét phác
đầu tiên cũng hãy còn chưa ổn định. Để bắt đầu, chuyện phải làm là liên kết
thành từng bó một số cảm giác về xúc giác và vị giác và gắn vào đó như là một
cái nhãn cho mỗi một âm thanh mỗi một tiếng nói mà cậu sẽ nói đi nói lại cho con
bé nghe đến độ phát nhàm ra, rồi cố gắng làm sao cho con bé nói lại.
Điều
trên hết là đừng tìm cách đi quá nhanh; hãy dành việc dạy dỗ cho con bé vào
những giờ đều đặn nhất định và cũng đừng kéo dài quá lâu…
“Còn lại, phương pháp này, ông ta nói thêm sau khi đã
trình bày tỉ mỉ cho tôi, chẳng có gì là thần sầu cả. Tôi không phát minh ra và
nhiều người khác cũng đã áp dụng rồi. Bạn còn nhớ không? Thời gian mà chúng ta
còn theo học chung môn triết học, các giáo sư của chúng ta, trong câu chuyện
Condillac và pho tượng linh hoạt của nàng, cũng đã nói cho chúng ta một trường
hợp tương tự con bé này… Nếu không thì, ông bạn tiếp tục nói, tôi cũng đã đọc
chuyện này trong một tạp chí tâm lý học sau đó… Điều đó không quan trong; câu
chuyện kia đã đập vào trí tôi và tôi nhớ cả cái tên của đứa bé đáng thương đó,
còn thiệt thòi hơn cả Gertrude, bởi vì con bé mù và câm điếc. mà một vị bác sĩ
tôi không còn biết là một bá tước nào đó của xứ Anh đã nhận về nuôi vào khoảng
giữa thế kỷ trước. Con bé có tên là Laura
Bridgeman. Vị bác sĩ này đã ghi nhật ký, cũng như
bạn cũng sẽ phải làm, những tiến bộ của con bé, hoặc ít ra, để bắt đầu, những cố
gắng của ông ta đối với con bé để dạy cho nó học. Trong nhiều ngày và nhiều
tuần lễ, ông ta kiên trì bắt con bé luân phiên sờ mó và nắn nót hai vật nhỏ,
một cái đinh ghim, rồi một cây bút, xong sờ vào một tờ giấy có in chữ nổi dành
cho người mù hai chữ tiếng anh : pin và pen. Và qua nhiều tuần lễ,
ông ta không đạt được kết quả nào.
Cái xác như không có hồn. Tuy nhiên ông ta vẫn
không mất lòng tin. Tôi tự cho mình cái ấn tượng của một kẻ, ông ta kể, cúi mình
trên thành một cái giếng sâu và tối đen, quơ qua lại một cách tuyệt vọng một sợi
dây thừng trong niềm hy vọng cuối cùng sẽ có một bàn tay nắm lấy. Bởi vì không
có một giây phút nào tôi nghi ngờ là không có một kẻ nào đang ở dưới đó, tận
cùng của vực thẳm, và sợi dây này cuối cùng lại không có kẻ nắm lấy. Và cuối
cùng, một hôm, ông ta thấy cái khuôn mặt thản nhiên của Laura loé lên một nụ
cười mơ hồ; tôi tin chắc là vào lúc đó mhững giọt nước mắt biết ơn và thương
yêu trào lên mắt ông ta và ông ta qùy xuống để tạ ơn Chúa. Laura đột nhiên hiểu
ra cái điều vị bác sĩ muốn đòi hỏi nó; thế là được cứu thoát! Tư hôm đó trở đi
con bé bắt đầu chú ý; sự tiến bộ của con bé rất nhanh chóng; chẳng mấy chốc con
bé tự học lấy, và sau đó đã trở thành nữ giám đốc của một viện người mù – ít ra
đó không phải chỉ một kẻ khác đã làm... bởi vì những trường hợp khác được nói
đến gần đây thôi, mà báo chí đã tường thuật dài dòng, mạnh ai nấy làm một cách
đáng ngạc nhiên, có lẽ hơi xuẩn động theo ý tôi, để cho những kẻ không may mắn
như vậy cũng có thể thấy hạnh phúc. Bởi vì, một sự kiện không thể chối cãi: mỗi
một người trong số những kẻ kém may mắn đã từng bị giam hãm trong sự mù lòa kia
đều sung sướng, và khi người ta cho phép họ được phát biểu, họ đều kể lại niềm
hạnh phúc của mình. Tất nhiên là mấy ông nhà báo cứ mê mẫn lên để từ đó
rút ra một bài học giáo điều cho những kẻ «vui hưởng» ngũ quan, lại có cái trán
để than phiền... »
Đến đây thì lại bắt qua một cuốc
tranh luận khác giữa Martins và tôi khi tôi nói móc lại sự bi quan của ông ta
và không nhìn nhận như ông ta có vẻ đã nhìn nhận là rốt cuộc ngũ quan chỉ mang
lại cho ta sự thất vọng.
- Đấy cũng không phải là cái điều tôi muốn nói,
ông ta cãi lại, tôi chỉ muốn nói một cách đơn giản là tâm hồn của con người dễ
dàng và sẵn lòng tưởng tượng về cái đẹp, sự thoải mái và sự hài hòa hơn là cái
vô trật tự và tội lỗi thường làm cho lu mờ, giảm giá và xé rách cái thế giới này
mà ngũ quan của chúng ta đã dạy cho chúng ta và chính chúng ta cũng góp phần
vào. Đến nỗi rằng, tôi sẽ sẵn lòng theo câu châm ngôn Fortunatos nimium
(*)của Virgile, câu si sua mala nescient(*), hơn là câu si sua bona
norint(*) mà người ta dạy chúng ta: Con người sẽ hạnh phúc biết bao, nếu như
họ có thể không biết đến cái xấu!
Rồi ông bạn nói cho tôi nghe về
một câu truyện ngắn của Dickens, mà ông ta tin là đã lấy cảm hứng trực tiếp tù
tấm gương của Laura Bridgeman và ông bạn hứa là sẽ gửi ngay cho tôi. Và thực vậy
bốn ngày sau đó tôi đã nhận được quyển Le Grillon du Foyer, mà tôi đọc với tất
cả niềm thích thú mãnh liệt. Đó là một câu chuyện hơi dài, có lúc cảm động, về
một người mù còn trẻ mà cha anh ta, một kẻ chế tạo đồ chơi nghèo, đã nuôi dưỡng
anh ta trong cái ảo tưởng của sư tiện nghi sung túc và hạnh phúc; sự nói dồi mà
tài nghệ của Dickens đã nâng lên hàng đức hạnh để thành kính, nhưng mà thôi! tạ
ơn Chúa! tôi sẽ không phải dùng đến cách đó đối với Gertrude.
Từ hôm sau ngày Martins đến thăm,
tôi bắt đầu đem cái phương pháp của ông ta ra thực hành và đặt hết sức mình vào
việc này. Bây giờ tôi mới thấy hối là đã không ghi lại, như lời ông bạn đã
khuyên tôi, những bước đầu tiên của Gertrude trên con đường mịt mờ mà chính tôi
đầu tiên cũng chỉ hướng dẫn con bé một cách mò mẫm. Vào những tuần lễ đầu tiên,
phải kiên nhẫn đến mức không tưởng tượng nổi, không phải chỉ riêng vấn đề thì
giờ mà công việc dạy dỗ đòi hỏi, mà còn có cả những sự trách móc mà con bé đã
làm cho tôi phải gánh lấy. Thật đau lòng cho tôi khi phải nói rằng những lời
trách móc này đến từ Amélie; vả lại, nếu tôi nói ra đây chính là vì tôi không
nuôi giữ một ác cảm nào, một sự chua chát nào – tôi xin xác nhận điều này một
cách trịnh trọng để trường hợp về lâu về dài những trang giấy này sẽ được chính
nàng ghé mắt đọc. (Chẳng phải sự tha thứ cho những điều xúc phạm cũng đã được
đáng Ki-tô chỉ dạy cho thấy ngay lập tức sau bài dụ ngôn về con chiên lạc?) Tôi
nói thêm: ngay cả lúc mà tôi chịu đựng nhiều nhất những sự trách móc của nàng,
tôi cũng đã không thể oán trách nàng về chuyện nàng phản đối cái thời gian dài
mà tôi dành cho Gertrude. Điều tôi trách nàng hơn cả là đã không có sự tin tưởng
rằng sự chăm nom của tôi có thể mang lại chút kết quả nào đó. Vâng, chính sự
thiếu đức tin này mới làm cho tôi đau lòng; nhưng không làm tôi nản lòng chút
nào. Thường biết bao lần tôi đã phải nghe nàng lặp đi lặp lại: «phải chăng ông
lại cứ phải mang lại kết quả... » Và nàng ngoan cố cho rằng công lao của tôi
chỉ phí phạm một cách vô ích, đến nỗi nàng thấy một cách tự nhiên rằng cái việc
tôi dành cho việc này số thì giờ mà nàng luôn luôn cho là có ích hơn nếu như làm
việc khác. Và cứ mỗi lần tôi chăm sóc cho Gertrude thì nàng lại tìm cách chỉ cho
tôi thấy là tôi không biết có những ai hay những việc gì cũng đang cần đến tôi,
và tôi đã xén bớt để lo cho con bé này cái thời gian lẽ ra tôi phải dành cho
những kẻ khác. Cuối cùng, tôi tin là một thứ ganh tị của tình mẫu tử đã hướng
dẫn nàng, bởi vì đã hơn một lần tôi nghe nàng nói với tôi: «Ông chưa bao giờ
chăm nom một đứa con ruột nào của mình như thế cả.» Điều ấy đúng; bởi vì nếu tôi
yêu mấy đứa con nhiều, tôi không bao giờ tin là tôi đã chăm sóc chúng đầy đủ.
Tôi thường nghiệm thấy dụ ngôn con
chiên lạc là cái khó chấp nhận nhất đối với một số tâm hồn vẫn tự tin là sùng
đức tin Ki-tô giáo. Cái điều cho rằng mỗi con chiên của đàn đem tách riêng ra
lại đến lượt nó có thể quý hơn tất cả đàn chiên như một khối dưới mắt kẻ chăn
chiên, lại chính là cái điều họ đã không thể nâng cao tâm hồn mình lên để mà
lĩnh hội. Và những câu như: «Nếu một kẻ có một trăm con chiên và một con trong
số đó bị lạc, không phải người ấy đã để chín mươi chín con kia lại trên núi để
đi tìm con chiên bị lạc hay sao?» - những lời lẽ hoàn toàn tỏa sáng tinh thần
bác ái đó, nếu như họ dám nói ra một cách thẳng thắn, họ sẽ tuyên bố đó là những
lời lẽ của sự bất công đáng phẫn nộ nhất.
Những cái mỉm cười đầu tiên của
Gertrude an ủi tôi tất cả và đền đáp công lao chăm sóc của tôi gấp trăm lần. Bởi
vì «con chiên này nếu kẻ chăn chiên tìm thấy, ta nói thật với ngươi điều ấy, là
nó sẽ gây cho ông ta niềm vui mừng hơn cả chín mươi chín con không bao giờ bị
lạc kia». Vâng, tôi nói một cách rất thật, chưa bao giờ một nụ cười của đứa nào
trong đám con của tôi đã làm tràn ngập lòng tôi một niềm vui thần tiên như con
bé đã làm khi tôi thấy trên khuôn mặt vô cảm như một pho tượng của nó vào một
sáng nào đó ló rạng ra và thình lình con bé hình như bắt đầu hiểu và chú tâm đến
những gì mà tôi đã cố gắng dạy nó từ bao nhiêu ngày nay.
Ngày 5 tháng 3. Tôi ghi lại cái
ngày này như một ngày sinh nhật. Phải nói không phải chỉ là một nụ cười mà là cả
một sự thay hình đổi dạng. Thình lình nét mặt của con bé trở nên sinh động,
tựa như một sự chiếu rọi ánh sáng giống như cái ánh sáng đỏ tía trên các vùng
cao của rặng núi Alpes xảy ra trước cơn hừng đông, làm lung linh những đỉnh núi
tuyết phủ mà nó tô điểm ra khỏi bóng đêm, người ta bảo một sự tô điểm màu sắc
thần bí ; và tôi cũng tưởng tượng ngang như cảnh hồ tắm của Bethesda vào lúc
thiên thần hiện xuống và đến đánh thức làn nước đang ngủ yên. Tôi cảm thấy một
nỗi hân hoan trước sự biểu lộ thiên thần mà Gertrude đã đột ngột có được , bởi
vì tôi thấy hình như cái điều xảy đến cho con bé vào lúc này không phải là sự
hiểu biết mà là tình yêu. Thế là cái niềm phấn khởi của sự biết ơn đã làm cho
tôi cảm thấy nhẹ nhàng, và hình như tôi đã dâng lên Thiên Chúa cái hôn mà tôi
đặt lên cái trán xinh đẹp đó.
Những kết quả ban đầu càng khó đạt
bao nhiêu thì những tiến bộ ngay sau đó càng nhanh chóng bấy nhiêu. Hôm nay tôi
phải cố gắng để nhớ lại tôi và con bé đã tiến hành bằng những con đường nào;
hình như đôi lúc đối với tôi Gertrude đã có những bước tiến nhảy vọt gần như để
chế nhạo lại mọi phương pháp. Tôi nhớ khi mới đầu tôi hay nhấn mạnh trên phẩm
tính của sự vật hơn là sự khác biệt của chúng: nóng, lạnh, ấm, êm dịu, chua
chát, thô nhám, mềm mại, nhẹ nhàng... rồi những chuyển động: tách ra, gần lại,
nâng lên, chéo lại, nằm, cột lại, rải ra, gom lại v.v... Và chẳng mấy chốc, vượt
bỏ phương pháp, tôi bắt đầu nói chuyện với con bé mà không cần biết là trí óc nó
có luôn luôn theo kịp tôi không; nhưng dần dần tôi mời mọc khơi gợi cho con bé
cứ tha hồ mà hỏi tôi. Chắc chắn là có một sự làm việc trong trí óc con bé trong
thời gian tôi để nó một mình; bởi vì mỗi lần tôi gặp lại nó, thì lại là một sự
ngạc nhiên mới và tôi cảm thấy như cái màn đêm của sự ngăn cách tôi với con bé
như bớt dày đi. Và cũng như thế, tôi tự nhủ, cái ấm áp của không khí và sự kiên
trì của mùa xuân đang từ từ chiến thắng mùa đông. Biết bao lần tôi đã từng ngắm
cảnh tuyết tan ; người ta bảo cái áo choàng tuyết mòn dần từ bên dưới, nhưng cái
bề ngoài vẫn giữ nguyên. Mỗi mủa đông Amélie đều chú ý cái điều này và bảo tôi:
tuyết vẫn không thay đổi; người ta tưởng tuyết vẫn còn dày, nhưng rồi thình lình
tuyết nhường bước, và nơi này nơi kia, để lộ ra cuộc sống.
E ngại nếu Gertrude cứ bám
gần ngọn lửa mãi sẽ làm cho con bé bị khô héo như một bà lão, tôi bắt đầu đưa nó
đi ra ngoài. Nhưng con bé chỉ thuận đi dạo khi được tôi nắm tay dẫn đi. Sự ngạc
nhiên và sự sợ hãi trưóc tiên của con bé khi nó vừa bước ra khỏi nhà làm cho tôi
hiểu điều đó ngay cả trước khi con bé biết nói cho tôi nghe là nó chưa bao giờ
phiêu lưu ra bên ngoài. Nơi cái nhà tranh mà tôi đã tìm ra nó, không ai quan tâm
đến nó về cái gì khác hơn ngoài việc cho nó ăn và giúp nó khỏi phải chết, bởi vì
tôi không dám nói đến: để sống. Cái thế giới tăm tối của con bé cũng bị giới hạn
bởi những bức tường của căn phòng duy nhất mà nó không bao giờ rời, cho
dù chỉ là một chút dò dẫm ra tới bực cửa, vào những
ngày mùa hè, khi cánh cửa để mở toang ra với cái thế giới rộng rãi sáng sủa. Con
bé kể cho tôi nghe sau này rằng khi nghe tiếng chim hót, nó đã hình dung ra lúc
ấy một tác dụng trong trẻo của ánh sáng, cũng như cái nóng ấm mà nó cảm thấy
đang mơn trớn trên má và trên bàn tay của nó, nhưng vì không suy nghĩ chính xác,
những cái đó hiện ra cho nó một cách rất tự nhiên như là không khí nóng ấm đã
chuyển thành hót cũng như nước trở thành sôi khi gần lửa. Sư thực là con bé đã
không hề lo lắng, không hề chú ý đến cái gì cả và đã sống trong sự đờ đẫn sâu
thẳm, cho đến ngày tôi bắt đầu săn sóc đến nó. Tôi nhớ lại nỗi hân hoan vô tận
của nó khi tôi dạy cho nó biết là những âm thanh nho nhỏ đó phát ra từ những
sinh vật sống động mà hình như cái nhiệm vụ duy nhất của chúng là cảm nhận và
bày tỏ niềm vui vô hạn của thiên nhiên. (Chính từ ngày đó mà con bé có thói quen
nói: Tôi vui vẻ như một con chim.) Tuy nhiên cái ý tưởng những tiếng hót nói lên
sự huy hoàng của cái cảnh vật mà con bé không thể nào chiêm ngưỡng đã bắt đầu
làm cho nó buồn.
- Có thực là, con bé nói, trái đất
cũng xinh đẹp như lời chim hót kể? Tại sao người ta lại không nói đến điều ấy nhiều
hơn? Tại sao thầy không nói cho con nghe hả thầy? Phải chăng vì sợ làm con đau
lòng khi nghĩ là con không thể nhìn thấy? Thầy đã sai lầm. Con nghe rất rõ tiếng
chim: con tin là con hiểu hết tất cả những gì chúng nói lên.
- Những kẻ có thể nhìn thấy không
nghe được tường tận như con, Gertrude của ta, tôi nói với con bé với hy vọng an
ủi con bé.
- Tại sao những con vật khác lại
không hót? Con bé lại hỏi tiếp. Đôi khi những câu hỏi này làm tôi ngạc nhiên và
trở nên bối rối trong chốc lát, bởi vì con bé buộc tôi phải suy gẫm về những
điều mà từ trước cho tới nay tôi đã chấp nhận mà không hề ngạc nhiên thắc thắc.
Cũng như thế mà lần đầu tiên tôi cân nhắc suy nghĩ là những động vật càng gắn
mình gần với mặt đất bao nhiêu và càng nặng nề thì càng buồn nản bấy nhiêu. Đó
là cái điều tôi cố làm cho con bé hiểu; và tôi nói với nó về con sóc và những
thú vui của nó.
Lúc đó con bé mới hỏi tôi phải
chăng loài chìm là loài động vật duy nhất biết bay.
- Còn có những con bướm nữa, tôi
nói với con bé.
- Thế chúng có hót không?
- Chúng có một cách thức riêng để
nói lên niềm vui của chúng, tôi trả lời. Nó được ghi khắc bằng màu sắc lên trên
cánh của chúng... Và tôi miêu tả những nét sặc sỡ của bướm cho con bé.
28 tháng 2
Tôi trở lùi lại một chút, bởi vì
ngày hôm qua tôi đã để mình bị lôi cuốn theo câu truyện.
Để dạy Gertrude học tôi cũng phải
tự mình học loại chữ nổi dành cho người mù, nhưng chẳng mấy chốc con bé đã trở
thành giỏi hơn tôi trong việc đọc cái loại chữ viết mà tôi khá vất vả mới nhận
ra, và hơn thế nữa tôi lại sẵn lòng đọc bằng mắt nhìn hơn là bằng tay sờ. Ngoài
ra thì không có gì khác để cho tôi phải học. Và trước hết tôi thây sung sướng
được có người giúp đỡ, bởi vì tôi còn nhiều việc phải làm cho cộng đồng giáo
dân, mà nhà ở thì quá tản mác đến nỗi những cuộc thăm viếng người nghèo hay
người bệnh bắt buộc tôi phải thực hiện nhiều chuyến đi đôi khi khá xa. Jacques
đã sơ ý làm cho mình bị gãy tay trong khi trượt pa-tanh trong kỳ nghỉ lễ Giáng
sinh nên đã về sống gần chúng tôi tại nhà - bởi vì trong thời gian này nó đã trở
lại Lausanne nơi mà nó đã bắt đầu đi học để theo học phân khoa Thần học. Vết
thương của Jacques không đến nỗi trầm trọng và bác sĩ Martins mà tôi đã cho mời
đến ngay lúc đó đã dễ dáng làm cho vết thương thuyên giảm mà không cần phải nhờ
đến bác sĩ giải phẫu, nhưng những sự phòng ngừa phải tuân theo bắt buộc Jacques
phải lưu lại nhà một thời gian. Nó đột nhiên bắt đầu quan tâm đến Gertrude mà từ
trước tới giờ nó không hề nhìn đến và tự mình đảm nhận giúp tôi dạy cho con bé
tập đọc. Sự hợp tác của nó chỉ kéo dài trong thời gian nó dưỡng bệnh, khoảng ba
tuần lễ, nhưng trong thời gian ấy Gertrude đạt được những kết quả trông thấy.
Một nhiết tình kỳ diệu thúc đẩy con bé lúc này. Cái đầu óc mới hôm qua hãy còn
đờ đẫn, thì hình như hôm nay từ những bước đầu tiên và gần như trước cả khi biết
đi, đã phóng chạy. Tôi thán phục con bé đã không mấy khó nhọc để tìm cách hình
thành tư tưởng, và mới nhanh chóng làm sao để đạt đến chỗ diễn tả bằng một cách
thức không còn ấu trĩ , mà đã chính xác giúp cho nó hình dung được ý tưởng một
cách chúng tôi không ngờ nhất nhưng cũng hài lòng nhất, những sự vật mà người ta
vừa dạy cho nó nhận biết hoặc những gì chúng tôi nói chuyện với nó và mô tả cho
nó, trong khi chúng tôi chỉ có thể đặt để sao cho vừa tầm con bé, bởi vì chúng
tôi luôn luôn dùng đến những gì mà con bé có thể sờ mó hay cảm giác để cắt nghĩa
những gì mà nó không đạt đến được, như những kẻ đo đạc bằng viễn trắc lượng.
Nhưng tôi tin là vô ích khi ghi
lại ra đây tất cả những nấc tiến đầu tiên của sự dạy dỗ này mà chắc chắn ai cũng
có thể tìm thấy trong những sách giáo dục cho người mù. Chính vì thế mà tôi nghĩ
vấn đề màu sắc đối với mỗi người trong đám người mù đều gây cùng một sự bối rối
cho mỗi ông thầy. (Và về đề tài này tôi như được nhắc nhở cho chú ý là trong
Kinh thánh không có phần nào nói về vấn đề màu sắc.) Tôi không biết những người
khác dạy về vấn đề này như thế nào, còn về phần tôi, tôi bắt đầu gọi tên các màu
sắc của lăng kính theo thứ tự mà cái cầu vồng cho chúng ta thấy, nhưng liền đó
nó lại tạo ra một sự lẫn lộn giữa màu sắc và ánh sáng trong trí con bé, và tôi
nhận ra rằng trí tưởng tượng của con bé không tài nào phân biệt nổi giữa đặc
tính của sắc thái và cái mà các họa sĩ gọi là, tôi tin, cái «sắc độ». Con bé
càng gặp khó khăn hơn để có thể hiểu được là mỗi màu sắc lại còn có thể đậm hay
nhạt và lại còn có thể trộn lẫn vào nhau. Không có gì làm cho con bé bối rối hơn
và con bé trở lại vấn đề này không ngừng.
Tuy nhiên tôi đã có dịp đưa con bé
đi Neuchâtel để có thể cho con bé nghe một cuộc hòa nhạc. Vai trò của mỗi
nhạc khí trong bản giao hưởng cho phép tôi trở lại vấn đề màu sắc này. Tôi gợi
cho Gertrude nhận xét cái âm vang khác nhau của những nhạc khí đồng, những nhạc
khí dây và nhạc khí gỗ, và mỗi một thứ nhạc khí đó trong cách thế riêng lại có
khả năng phát ra với cường độ mạnh hay yếu, toàn nấc thang của các âm thanh, từ
trầm nhất đến bổng nhất. Tôi gợi cho con bé tưởng tượng cũng bằng cách như thế
trong thiên nhiên, những màu đỏ và màu cam tương đồng với những âm vang của tù
và và kèn trôm-bôn, màu vàng và màu xanh lục như âm thanh của vĩ cầm, đại hồ
cầm và những âm thanh trầm, màu tím và màu xanh dương ở đây gợi lên bằng tiếng
sáo, tiếng kèn cla-ri-nét, tiếng kèn ô-boa. Một sự hân hoan nội tâm từ đó thay
thế cho mhững hoài nghi của con bé:
- Thế thì phải là đẹp lắm! Con bé
lặp lại. Rồi thình lình :
- Nhưng mà màu trắng thì sao? Con
chưa hiểu màu trắng giống như thế nào...
Và tôi chợt nhận ra ngay sự so
sánh của tôi rất là bấp bênh. Tuy nhiên tôi thử nói với con bé:
- Màu trắng là giới hạn sắc sảo
nhất mà tất cả các âm điệu lẫn lộn vào nhau, cũng như màu đen là giới hạn bóng
tối. – Nhưng điều này không làm cho tôi lẫn con bé hài lòng, và nó làm cho tôi
nhận thức ngay là những nhạc khí gỗ, đồng và vĩ cầm vẫn khác biệt rành rẽ cái
này với cái khác trong âm thanh trầm nhất cũng như âm thanh bổng nhất. Biết bao
lần, như bây giờ, tôi phải giữ yên lặng trước tiên, bối rối và tìm kiếm bằng bất
cứ sự so sánh nào tôi có thể trông cậy vào. Cuôi cùng tôi nói với con bé:
- Này! hãy tưởng tượng như màu
trắng là một cái gì đó rất trinh nguyên, một cái gì đó không còn màu sắc nào cả
mà chỉ là ánh sáng, còn màu đen trái lại, giống như là quá nhiều màu sắc đến nỗi
chỉ còn là tối...
Tôi chỉ nhắc lại đây những mẩu đối
thoại như là một thí dụ về những cái khó khăn mà tôi thường xuyên va chạm phải.
Gertrude có một cái hay là không bao giờ làm bộ như đã hiểu như nhiều kẻ thường
làm, điều ấy khiến cho họ dễ mang lại cho tâm trí của mình những dữ kiện không
chính xác hay sai lầm, từ đó những suy luận của họ về sau thành ra sai lạc.
Trong bao lâu con bé chưa có được một ý tưởng rõ rệt, mỗi khái niệm vần cứ là
một nguyên nhân của sự lo lắng và bực bội đối với nó.
Như tôi đã nói trên đây, sự khó
khăn gia tăng đền nỗi khái niệm về anh sáng và khái niệm về nhiệt đầu tiên đã
gắn bó với nhau chặt chẽ trong trí con bé cho nên về sau tôi rất chật vật để
tách rời hẳn chúng ra.
Cũng qua con bé mà tôi không ngừng
rút được kinh nghiệm rằng cái thế giới của nhìn thấy khác với cái thế giới của
âm thanh và vế mặt nào đó tất cả những sự so sánh mà người ta tìm kiếm từ mặt
này để giải thich cho mặt kia đều có tính cách khập khểnh.
Ngày 29
Quá chăm chú vào cái việc so sánh,
tôi hãy còn chưa nói đến sự hài lòng vô cùng mà Gertrude đã có tại cuộc hòa nhạc
ở Neuchâtel. Người ta trình diễn đúng ngay bản La Symphonie pastorale.
Tôi nói «đúng ngay» bởi vì, người ta có thể hiểu một cách dễ dàng rằng
không có một tác phẩm nào khác hay hơn mà tôi muốn để cho con bé nghe. Khá lâu
sau khi chúng tôi đã rời phòng hòa nhạc, Gertrude vẫn còn giữ im lặng và như còn
đắm chìm trong một sự ngây ngất. Cuối cùng con bé nói:
- Có thật là những gì thầy nhìn
thấy cũng đẹp như thê?
- Cũng đẹp như gì hả con?, cưng
của ta.
- Như cái «cảnh bên bờ suối»
ấy.
Tôi không trả lời con bé ngay, bởi
vì tôi ngẫm nghĩ rằng cái sự hài hòa chải chuốt khó tả thành lời này, không phải
là cái thế giới đang có mà là cái thế giới lẽ ra có thể có, cái thế giới có thể
có nếu như không có cái xấu và cái tội lỗi. Và tôi cũng đã chưa bao giờ dám nói
với Gertrude về cái xấu, về tội lỗi, về cái chết.
- Những kẻ có đôi mắt, cuối cùng
tôi nói, không biết được hạnh phúc của họ.
- Nhưng con không có mắt nhìn
thấy, con bé lập tức nói lớn lên, con biết được hạnh phúc bằng nghe thấy.
Con bé nép vào tôi trong khi đi và
nó tì vào cánh tay tôi như mấy đứa bé làm.
- Mục sư, thầy có cảm thấy con
hạnh phúc đến mức nào không? Không, không, con không nói điều ấy để làm vui lòng
thầy đâu. Hãy nhìn con: có phải điều ấy có thể nhìn thấy trên khuôn mặt, khi mà
cái điều người ta nói là không thật? Phần con, con nhận biết rất rõ điều ấy bằng
giọng nói. Thầy có nhớ cái ngày mà thầy trả lời con là thầy không khóc, sau khi
dì con (con bé gọi vợ tôi như thế) trách móc thầy là đã không biết làm một tí
gì cho dì ấy, con đã la lên: mục sư, thầy nói dối! Ôi! Con đã cảm thấy điểu ấy
ngay trong giọng nói của thầy rằng thầy đã không nói thật với con, con cũng
không cần sờ má thầy để biết là thầy đã khóc. Và con bé lặp lại rất lớn tiếng:
«Không, con đã không cần phải sờ vào má thầy» điều ấy làm cho tôi đỏ mặt, bởi vì
chúng tôi hãy dang còn ở trong thị trấn và những người qua lại quay nhìn. Tuy
nhiên con bé tiếp:
- Đừng tìm cách đánh lừa con, thầy
có thấy không. Trước hết bởi vì đó là một việc rất hèn nhát khi tìm cách đánh
lừa một kẻ mù... Vả lại điều ấy chả mang lại được gì cả, con bé vừa cười vừa nói
thêm. Hãy nói cho con, mục sư, thầy không đau khổ chứ, có phải vậy không?
Tôi nâng tay con bé lên môi tôi
như thể để làm cho nó cảm nhận mà không cần thú nhận với nó rằng một phần cái
hạnh phúc của tôi là do nó mang đến, và trả lời:
- Không. Gertrude, không, ta không
khổ sở. Làm sao ta lại khổ sở được?
- Tuy thê đôi khi thầy có khóc?
- Ta có khóc đôi khi.
- Không lần nào kể từ lần con nói
với thầy?
- Không, từ lần ấy ta không còn
khóc nữa.
-Và thầy sẽ không còn ý muốn khóc
chứ?
- Không, Gertrude ạ.
- Và nói đi... có phải từ lúc ấy
thầy có ý muốn nói dối?
- Không, con cưng.
- Thầy có thể hứa với con là sẽ
không bao giò tìm cách đánh lừa con?
- Ta hứa với con.
- Được rồi! Hãy nói cho con nghe
ngay lập tức: Có phải con đẹp không?
Câu hỏi bất chợt này làm tôi sửng
sốt, hơn nữa cho tới lúc này tôi vẫn chưa muốn để cho mình chú ý đến sắc đẹp
không thể chối cãi của Gertrude, và tôi cho là hoàn toàn vô ích, thêm vào đó,
con bé cũng tự biết.
- Điều ấy có gì quan trọng đối với
con để cho con muốn biết? Tôi nói ngay với con bé.
- Đó là nỗi lo lắng của con, con
bé nói tiếp. Con muốn biết phải chăng con không... thầy gọi cái đó như thế
nào?.. phải chăng con không lạc điệu lắm trong bản hòa tấu. Con có thể hỏi ai
khác điều này hả mục sư?
- Một mục sư không bao giớ lo lắng
đến sắc đẹp của khuôn mặt, tôi nói, tự biện hộ bằng mọi cách.
- Tại sao?
- Tại vì vẻ đẹp của tâm hồn đủ cho
vị ấy rồi.
- Thấy thích để cho con tin là con
xấu hơn, bấy giờ con bé nói với một cái bĩu môi duyên dáng đến nỗi tôi không
còn kiềm chế được và la lên:
- Gertrude, con thừa biết là con
xinh đẹp.
Con bé nín thinh và khuôn mặt nó
biểu lộ một nét rất nghiêm trang mà mãi đến khi về tới nhà mới thôi.
Vừa về đến nhà, Amélie đã
tìm cách làm cho tôi hiểu là nàng không chấp nhận việc dùng ngày giờ của tôi. Lẽ
ra nàng có thể nói trước, nhưng nàng đã để cho chúng tôi đi, Gertrude và tôi,
không nói một tiếng, theo thói quen của nàng là cứ để cho làm và sau đó là dành
cho mình cái quyền trách móc.
Vả lại nàng không trách móc tôi điều gì chính xác, nhưng
thái độ im lặng của nàng cũng đã là lời cáo buộc, bởi vì không lẽ nào nàng lại
không tự nhiên tìm biết về cái gì chúng tôi đã nghe, từ khi nàng biết là tôi
đưa Gertrude đi nghe hòa nhạc? vẻ vui sướng của con bé lại không làm tăng thêm
tí nào chú tâm mà nàng đã cảm thấy là người ta nói về sự hài lòng của nó sao? Vả
lại Amélie cũng không giữ yên lặng mà làm bộ giả lả chỉ nói về những điều rất
bâng quơ, chỉ đến chiều tối, sau khi bọn nhỏ đã đi ngủ, tôi kéo nàng ra riêng và
hỏi nàng một cách nghiêm khắc:
«Em bực mình về cái chuyện tôi đã
đưa Gertrude đi nghe hòa nhạc?» tôi được nàng trả lời:
- Ông làm cho con bé những cái mà
không bao giờ ông làm cho vợ con của ông.
Cũng cái kiểu luôn luôn cùng một
lời phàn nàn và một kiểu từ chối không chịu hiểu là người ta ăn mừng đứa con trở
về mà không phải là những đứa vẫn ở yên chỗ như bài dụ ngôn đã chứng tỏ; tôi
cũng khổ tâm thấy nàng không để ý về sự tật nguyền của Gertrude, kẻ không thể
vui với sự ăn mừng cách nào khác hơn. Và phải chăng, do ý Thiên Chúa, mà ngày
hôm đó tôi thấy tôi được rảnh rỗi, tôi vốn là một kẻ luôn bận bịu với công việc
mục vụ, lời trách móc của Amélie lại càng thêm bất công khi nàng biết mấy đứa
con tôi đứa nào cũng có một việc gì đó phải làm, hoặc là một viếc gì đó cầm chân
chúng ở nhà, kể cả nàng. Hơn nữa, Amélie lại không có sở thích vê âm nhạc, đến
nỗi khi sắp đặt giờ giấc cho mình, không bao giờ ý tưởng nghe nhạc đến với nàng,
cho dù cuộc hòa nhạc có diễn ra ngay trước cửa nhà.
Điều làm cho tôi phiền não hơn, đó
là Amélie đã dám nói lên cái điều ấy trước mặt Gertrude, bởi vì mặc dù tôi đã
kéo riêng vợ tôi ra một chỗ, nhưng nàng cũng đã cất tiếng lớn lên để Gertrude
cũng có thể nghe.
Tôi cảm thấy mình phẫn uất hơn là
buồn, và một lúc sau đó, khi Amélie đã để cho chúng tôi yên, tôi tiến đến gần
Gertrude, nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn run rẩy của con bé đưa lên mặt tôi:
- Con thấy chưa! lần này ta đâu có
khóc.
- Không, lần này đến lượt con, con
bé nói, trong khi gượng cười với tôi, và khuôn mặt xinh đẹp của nó khi ngước
nhìn tôi, tôi chợt nhìn thấy khuôn mặt nó đẫm lệ.
8 tháng 3
Điều
hài lòng duy nhất mà tôi có thể làm cho Amélie đó là tránh làm những điều mà
nàng không hài lòng. Cái bằng chứng của tình yêu có tính cách hoàn toàn tiêu cực
này là điều duy nhất nàng cho phép tôi. Về một phương diện nào đó, nàng đã làm
đời tôi co cụm lại, cái điều mà tự nàng không thể nào biết đến. Ôi! Lạy Chúa
phải chi nàng đòi hỏi tôi một hành động khó khăn! Tôi sẽ vui vẻ chu toàn cho
nàng bất chấp mọi liều lĩnh, hiểm nguy! Nhưng mà người ta bảo là nàng ghê tởm
tất cả những cái gì không phải là cái nếp quen thuộc, đến nỗi sự tiến bộ trong
cuộc đời đối với nàng cũng chì là đem thêm vào chuỗi ngày quá khứ những ngày đều
đặn khác. Nàng không cầu mong, cũng không chấp nhận cho tôi có những đức hạnh
mới, hoặc phát huy thêm những đức hạnh đã được nhìn nhận. Nàng nhìn với nỗi lo
sợ nếu không phải là bài xích, tất cả những cố gắng của tâm hồn muốn nhìn thấy
trong đạo Thiên Chúa điều gì khác hơn là sự thuần thục hóa bản năng.
Tôi
phải thú nhận là có một lần ở Neuchâtel, đi để tính toán tiền nong với người
hàng xén của chúng tôi như Amélie đã yêu cầu và nhớ mang về cho nàng một cuộn chỉ
nhưng tôi đã quên bẵng. Sau đó tôi đã bất bình với tôi còn hơn cả chính nàng
giận tôi, vì tôi đã hứa với nàng là không quên đâu, và biết rằng “kẻ nào trung
thành trong những công việc nhỏ nhặt cũng sẽ trung thành trong việc lớn”, - và
tôi sợ những câu kết luận mà nàng có thể rút ra từ sự quên khấy đó. Tôi cũng đã
muốn nàng trách mắng tôi vài câu, bởi vì về điểm này tôi đáng tội lắm. Nhưng sự
việc xảy ra thì lại là những lời phàn nàn tưởng tượng đã bị vấn đề khấu trừ tiền
nong chính xác thắng thế; ôi! cuộc đời sẽ đẹp và sự khốn khổ của chúng ta sẽ có
thể chịu dựng được nếu chúng ta bằng lòng với những cái xấu có thực mà không để
tai nghe cái bóng ma và quái vật của trí óc chúng ta… Nhưng tôi cũng chiều mình
theo đây để ghi lại cái điều lẽ ra là chủ đề cho một bài giảng (Mat. XÌ,29.
“Đừng để trí óc lo lắng”). Đó là câu chuyện về sự phát triển tinh thấn của
Gertrude mà tôi vạch ra ở đây. Tôi trở lại.
Tôi
hy vọng có thể theo dõi sự phát trỉển này ở đây từng bước một, và tôi đã bắt đầu
kể có chi tiết. Nhưng cũng vì thiếu thời giờ để ghi chú tỉ mỉ mọi giai đoạn, mà
hôm nay tôi vô cùng khó khăn để tìm lại sự liên tục chính xác. Câu chuyện lôi
cuốn tôi nên tôi đã trình bày trước tiên những suy nghĩ của Gertrude, những cuộc
chuyện trò với nó, phần nhiều là những chuyện gần đây nhất, và đối với những ai
tình cờ đọc đến những trang này chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi thấy con bé lại có
thể diễn tả với sự chính xác và lý luận rất chí lý ngay lúc ấy. Những sự tiến bộ
của con bé cũng đã nhanh chóng đến mức làm người khác sửng sốt: tôi thường thán
phục trí óc con bé đã tiếp thu những của ăn tinh thần mà tôi mang lại cho nó với
một sự nhanh chóng cực kỳ và tất cả những gì lọt vào trí óc nó đều được biến
thành của nó bằng một công việc đồng hóa và một sự chín mùi liên tục. Con bé làm
tôi sửng sốt, không ngừng đi trước tư tưởng của tôi, vượt qua luôn, và thường
thường từ lần nói chuyện này qua lần khác, tôi không còn nhận ra nó là học trò
tôi nữa.
Chỉ
trong vòng vài tháng trí khôn con bé không còn vẻ như đã từng bị ngưng trệ lâu
dài. Con bé cũng tỏ ra khôn ngoan già dặn nhiều hơn phần đông những đứa con
gái mà thế giới bên ngoài làm cho xao lãng tâm trí và quá nhiều những cái bận
tâm phù phiếm thu hút hầu hết sự chú ý. Tôi còn tin là con bé có thể lớn tuổi
hơn cái tuổi tỏ ra cho chúng tôi thấy lúc ban đầu. Con bé cũng có vẻ hình như
lợi dụng sự mù lòa, đến nỗi tôi đâm ra nghi ngờ phải chăng trên nhiều điểm, sự
tật nguyền này không còn là một lợi điểm cho nó nữa. Mặc dù không muốn đem con
bé ra so sánh với Charlotte nhưng thỉnh thoảng mỗi khi tôi phải nhắc nhở bài vở
cho con bé này, tôi thấy chỉ một con ruồi bay cũng đủ lảm cho đầu óc của nó bị
xao lãng, tôi nghĩ: “Cũng đành thôi, nó có thể nghe tôi hơn nếu phải chi nó
không nhìn thấy!”
Khỏi
phải nói là Gertrude rất ham đọc sách; nhưng vì e ngại phải theo kèm sát tư
tưởng của con bé nên tôi lại thích nó không đọc nhiều – hay nói đúng hơn là
không nhiều khi không có tôi – và chủ yếu là Kinh thánh, cái điều có vẻ như kỳ
lạ đối với một người theo đạo Thiên chúa. Tôi sẽ cắt nghĩa điều trên đây, nhưng
mà trưóc khi đề cập đến một vấn đề khá quan trọng, tôi muốn kể lại một sự kiện
nhỏ có liên quan về âm nhạc và tôi phải xác định lại thời gian nơi chốn câu
chuyện xảy ra, theo như tôi nhớ được, đó là ít lâu sau buổi hòa nhạc ở Neuchâtel.
Vâng,
tôi tin là cuộc hòa nhạc đã xảy ra, ba tuần lễ trườc kỳ nghỉ hè đã đưa Jacques
trở về gần gũi chúng tôi. Giũa lúc đó tôi đã nhiều lần đưa Gertrude đến ngồi
trước cây đàn phong cầm nhỏ của nhà nguyện chúng tôi mà thường thường do cô
Louise phụ trách và bà ta là người mà hiện nay Gertrude đang sống chung. Cô Louise lúc ấy hãy còn chưa bắt đầu dạy nhạc cho Gertrude. Mặc dù yêu âm nhạc nhưng
tôi lại không biết gì nhiều và cảm thấy không mấy có khả năng dạy cho con bé khi
tôi ngồi trước phìm đàn bên cạnh nó.
- Không, để con làm một mình, con
bé bảo tôi như vậy, ngay từ những cái mò mẫm đầu tiên. Con thích để mặc con một
mình.
Và
tôi tự ý rời con bé không vì nhà nguyện không phải là chỗ để tôi lưu lại đây với
mình con bé , hoặc vì sự tôn kính nơi thánh, mà do e ngại những lời đàm tiếu –
mà thông thường tôi cố gắng không lấy làm điều; nhưng ở đây liên quan đến con bé
chứ không phải chỉ có mình tôi thôi. Cứ mỗi khi vòng viếng thăm giáo dân đưa tôi
đi về hướng này, tôi lại đưa con bé đến tận nhà thờ và thường thường bỏ nó lại
một mình ở đó trong nhiều tiếng đồng hồ rồi lại đến đón nó khi trở về.
Nó tự thả mình vào việc khám phá những âm giai hài hòa, và khi tôi tìm lại nó
vào buổi chiều, thường thấy nó đang chăm chú trước vài hòa âm đưa nó đắm chìm
trong một niềm hân hoan vô tận.
Một
trong những ngày đầu tháng Tám, cách lúc đó vào khoảng xê xích sáu tháng, vì
không tìm gặp được bà góa nghèo đang cần được khuyên giải, tôi bèn quay trở về
đón Gertrude ở nhà thờ mà tôi đã bỏ nó lại đó một mình, con bé không đợi tôi sớm
đến như thế và tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy Jacques ở bên cạnh con bé. Không
đứa nào nghe tôi bước vào bởi vì tiếng động nào do tôi gây ra đều bị tiếng phong
cầm lấn át. Bản tính tự nhiên của tôi không thích rình mò, nhưng tất cả nhũng gì
liên quan đền Gertrude đều làm cho tôi quan tâm, tôi rón rén bước nhẹ và lén leo
mấy bực thang dẫn lên bục giảng, một vị trí tốt để quan sát. Tôi phải nói là
suốt thời gian tôi ở tại chỗ, tôi không nghe thấy một lời lẽ nào mà đứa này hoặc
đứa kia đã nói khác đi như lúc trước mặt tôi. Nhưng nó lại sát vào con bé, và
rất nhiều lần, tôi thấy nó nắm tay con bé để hướng dẫn ngón tay con bé trên các
phím đàn. Không phải là một điều lạ lùng khi con bé chịu cho nó có những nhận
xét và một sự dìu dắt mà trước đây con bé muốn gạt qua đối với tôi? Tôi quá ngạc
nhiên, quá đau lóng đến nỗi tôi không muốn thú thật điều ấy ra với chính mình và
rồi tôi đã dự tính xen vào thì tôi thấy Jacques thình lình rút cái đồng hồ bỏ
túi ra.
- Bây giờ dã đén giờ anh phải rời
em, nó nói, cha anh sắp trở về rồi.
Tôi
thấy lúc ấy nó nâng bàn tay con bé đang buông xuôi lên môi nó, rồi nó đi. Một
lúc sau đó, sau khi đã trở xuống cầu thang không gây một tiếng động, tôi mở cửa
nhà thờ với cách thế con bé có thể nghe được và tin là tôi chỉ có việc bước vào.
- À này! Gertrude! Con sẵn sàng để
đi về chưa? Đàn được chứ?
- Dạ, tuyệt lắm, con bé nói với
tôi bằng giọng tự nhiên nhát của nó, hôm nay con thực sự có vài tiến bộ.
- Một nỗi buồn to tát tràn ngập
lòng tôi, nhưng không một ai trong chúng tôi có chút gì ám chỉ đến cái điều tôi
sắp kể.
Phải trễ lắm tôi mới được gặp
riêng một mình với Jacques. Vợ tôi, Gertrude và mấy đứa nhỏ thường lui về phòng
riêng ngay sau bữa ăn tối, để hai chúng tôi kéo dài buối tối vào việc nghiên cứu
học hỏi. Tôi chờ đợi lúc này. Nhưng trước khi nói chuyện với nó, tôi cảm thấy
lòng tôi đầy ắp những tình cảm rối rắm đến nỗi tôi không biết làm sao hoặc không
dám đề cập đến vấn đề đang làm tôi đau khổ.
Và chính nó thình lình phá vỡ sự
im lặng bằng cách báo cho tôi biết quyết định của nó là lưu lại nhà gần chúng
tôi suốt kỳ nghỉ hè. Nhưng mà, mới vài ngày trước đó, nó đã báo cho chúng tôi
biết cái dự tính đi chơi vùng núi Alpes, mà vợ tôi và tôi đã rât đồng tình chấp
thuận ; tôi biết là T... bạn nó mà nó đã chọn làm bạn đồng hành đang đợi nó, tôi
cũng thấy sự thay đổi hẳn ý định này lẽ nào không liên quan với cái cảnh tượng
mà tôi vừa bắt gặp tình cờ. Đầu tiên, một sự uất hận to lớn làm tôi tức tối,
nhưng tôi e rằng nếu buông thả mình vào cơn giận chỉ làm cho thằng con của tôi
lạnh nhạt hẳn với tôi, cũng như tôi sẽ phải hối tiếc về những lời lẽ quá gay
gắt, tôi hết sức cố gắng lấy lại trầm tĩnh và bằng một giọng mà tôi cố làm ra
như tự nhiên nhất:
- Cha nghĩ là T... đang trông con,
tôi nói với nó.
- Chà! Nó tiếp tục, nó không hoàn
toàn trông đợi con đâu, vả lại, nó cũng không đến nỗi phải khó khăn để tìm kẻ
thay thế con. Con nghỉ ở nhà đây cũng thoải mái như là ở Oberland và con thực sự
tin tưởng là con có thể sử dụng thời giờ của con một cách hữu hiệu hơn là rong
chơi trên mấy rặng núi.
- Vậy thì, tôi nói, con đã tìm ra
ở đây có cái gì đó làm cho con bận tâm đến?
Nó nhìn tôi, nhận thấy trong giọng
nói của tôi có tí mìa mai, nhưng mà, nó hãy còn chưa nhận ra nguyên nhân, nó lấy
lại vẻ ung dung:
- Cha biết là con vẫn thích sách
vở hơn cái trò leo núi.
- Ừ, ông bạn ạ, tôi nói trong khi
nhìn nó một cách chăm chăm, nhưng mà con có tin là những bài dạy kèm phong cầm
còn tỏ ra hấp dẫn cho con hơn việc đọc sách?
Chắc chắn là nó cảm thấy đỏ
mặt, bởi vì nó đặt tay lên trán như thể là che
bớt ánh sáng ngọn đèn.
Nhưng nó trấn tĩnh lại gần như tức thì và bằng một giọng mà tôi muốn thấy là ít
tin tưởng hơn:
- Cha tha lỗi cho con. Ý của con
là không muốn dấu diếm cha điều gì, và cha đã đi trước hơi sớm sự thú nhận mà
con chuẩn bị thưa với cha.
- Thà là cha không thấy con nữa
còn hơn là để thấy con mang lại những âu lo cho Gertrude. Cha không cần sự thú
nhận của con! Lợi dụng sự tật nguyền, sự ngây thơ, sự trong trắng, đó là một sự
hèn nhát khả ố mà cha không bao giò tin là con có thể làm! Và đừng có nói với
cha những chuyện ấy bằng thái độ bình tĩnh đáng ghét đó!... Hãy nghe đây: cha có
nhiệm vụ chăm sóc Gertrude và cha không chấp thuận cho con được nói chuyện với
nó, đụng chạm nó và nhìn nó một ngày nào nữa.
- Nhưng mà, thưa cha, nó tiếp tục
nói bằng cái giọng bình thản và điều đó làm tôi mất tự chủ, hãy tin chắc đi là
con quý mến Gertrude cũng ngang như cha có thể làm đối với nàng. Cha đã hiểu lầm
kỳ lạ nếu cha nghĩ là đã có điều gì đáng trách, con không nói chỉ trong cách cư
xử mà còn trong ý đồ và trong thâm tâm của con nữa. Con yêu Gertrude, và con xin
thưa với cha là con trọng nàng cũng ngang như con yêu nàng vậy. Ý tưởng làm vẩn
đục nàng, lợi dụng sự thơ ngây của nàng và sự mù lòa của nàng đối với con cũng
khả ố như đối với cha vậy. Rồi nó cam đoan là điều nó muốn đối với Gertrude là
một người nâng đỡ, một người bạn, một người chồng. mà nó không nghĩ là phải nói
với tôi trước khi nó có quyết định hẳn sẽ lấy con bé làm vợ. rằng sự quyết định
này chính Gertrude chưa biết và chính là với tôi mà nó muốn thưa chuyện đầu tiên.
- Đây là lời thú nhận mà con phải thưa với cha, nó nói thêm, và con không còn
gì khác nữa để thú nhận, hãy tin con đi!
Những
lời lẽ này làm tôi sửng cả người. Trong khi nghe nó nói những lời này, màng tang
tôi đập dồn dập. Tôi chỉ chuẩn bị nói những lời quở trách trong khi nó cứ từ
tốn làm cho tồi mất hết lý do để phẫn nộ, khiến cho tôi càng cảm thấy lúng túng,
đến nỗi khi nó dứt lời, tôi cảm thấy không còn gì để nói với nó.
- Thôi chúng ta hãy đi ngủ, cuối
cùng tôi nói sau một hồi yên lặng khá lâu. Tôi đứng dậy và đặt tay lên vai nó.
Ngày mai cha sẽ nói với con điều cha suy nghĩ về chuyện đó.
- Ít ra cha cũng nòi cho con biết
là cha không còn giận con nữa.
- Cha cần đêm nay để suy nghĩ lại.
Khi
tôi gặp lại Jacques ngày hôm sau, tôi thực tình hình như nhìn nó lần đầu. Nó
thình lình tỏ ra cho tôi thấy là thằng con của tôi không còn là một đứa trẻ nữa
mà là một chàng trai, và nếu trong bao lâu tôi còn coi nó như một đứa trẻ, cái
tình yêu mà tôi ngạc nhiên có thể coi như quái dị đối với tôi. Tôi đã trải qua
một đêm để thuyết phục mình rằng điều ấy trái lại là hoàn toàn tự nhiên và bình
thường .
Cái
sự không hài lòng do đâu mà càng mạnh hơn? Điều đó chỉ sáng tỏ cho tôi một ít
lâu hơn về sau. Trong khi chờ đợi, tôi phải nói chuyện với Jacques và bảo thẳng
cho nó biết quyết định của tôi. Nhưng do một bản năng nào đó cũng chắc chắn như
lương tâm đã cảnh cáo tôi là phải ngăn cản cuộc hôn nhân này bằng bất cứ giá nào.
Tôi
kéo Jacques ra sâu phía sau vườn, tại đây tôi bắt đầu dò hỏi nó:
- Con đả tuyên bố điều này cho
Gertrude biết chưa?
- Chưa, nó trả lời. Có thể nàng đã
cảm thấy tình yêu của con, nhưng con chưa thú thật với nàng điều gì.
- Thế thì! Con sẽ hứa với cha là
khoan hãy nói với con bé.
- Thưa cha, con xin hứa là sẽ vâng
lời cha, nhưng con có thể biết lý do của cha không?
Tôi
lưỡng lự trong việc cho nó biết lý do, vì không biết rõ phải chăng những gì đến
trước tiên trong trí cũng chính là điều quan trọng nhất để nói trước. Nói đúng
ra nơi đây chính lương tâm hơn là lý trí chỉ huy hành xử của tôi.
- Gertrude hãy còn quá trẻ, cuối
cùng tôi nói. Hãy nghĩ xem, nó hãy còn chưa chịu phép bí tích thông công. Con
biết đó không phải là một đứa trẻ như những đứa khác, than ôi! Và sự phát triển
của nó lại quá chậm trễ. Chắc chắn là nó sẽ rất nhạy cảm, dễ tin đối với những
lời nói yêu đương đầu tiên mà nó được nghe, chính vì thế mà tại sao điều quan
trọng lại là đừng nói với nó những điều ấy. Chiếm đoạt một kẻ không có thể tự vệ.
đó là một hành động hèn, cha biết con không phải là một đứa hèn. Tình cảm của
con, như con nói, là không có gì là đáng trách, nhưng cha thì bảo rằng như thế
là có tội bởi vì nó hãy còn chưa chín chắn. Sự thận trọng mà Gertrude chưa có
thể có thì chính chúng ta phải có cho nó. Đó là một trách nhiệm của lương tâm.
Jacques có điểm này xuất sắc, chỉ
cần mấy tiếng đơn giản sau cũng đủ để kìm hãm nó: “Cha kêu gọi lương tâm của
con” mà tôi thường dùng khi nó còn là đứa trẻ. Tuy nhiên tôi nhìn nó và suy
nghĩ là nếu Gertrude có thể thấy được, con bé sẽ không bỏ qua mà không chiêm
ngưỡng cái thân thể cao lớn dong dỏng, vừa thẳng vừa mềm dẻo, cái trán đẹp không
có những nếp nhăn, cái nhìn thẳng thắn, cái khuôn mặt hãy còn trẻ thơ, nhưng
hình như hơi tối mờ đi vì một sự nghiêm trọng bất thường. Nó để đầu trần, và mái
tóc màu xám tro mà nó để cho khá dài, cuộn thành lọn hai bên mang tai và che
khuát mất nửa tai nó.
- Còn một điều này nữa cha muốn
đòi hỏi con, tôi tiếp tục trong khi dứng dậy khỏi cái ghế dài mà chúng tôi đang
ngồi: con đã có ý định ngày mốt sẽ đi, cha yêu cầu con dừng làm khác đi chuyến
hành trình. Con phải cố gắng vắng nhà trọn một tháng. Và cha xin con là đừng có
rút ngắn một ngày nào của chuyền du ngoạn này. Con hiểu chứ?
- Được rồi, thưa cha, con sẽ vâng
lời cha.
Tôi
hình như thấy mặt nó trở nên tái mét, đến nỗi môi nó cũng nhợt nhạt. nhưng tôi
tự bảo là với một sự tùng phục nhanh nhẩu như vậy, tình yêu của nó nhất định
chưa phải đã sâu đậm lắm, và tôi cảm thấymột sự nhẹ nhõm không diễn tả được. Hơn
thế nữa, tôi rất nhạy cảm với cái tính ngoan ngoãn của nó.
- Cha đã tìm lại được đứa con mà
cha yêu thương, tôi nói với nó một cách dịu dàng, và kéo nó về phía tôi, tôi đặt
môi lên trán nó. Nó có vẻ như hơi lùi lại, nhưng tôi không muốn lấy đó làm điều.
10 tháng 3
Căn
nhà của chúng tôi khá nhỏ đến nỗi chúng tôi buộc phải sống trong cái cảnh kẻ này
lấn qua kẻ khác đôi chút, điều này đôi khi gây bất tiện không ít cho công việc
của tôi, mặc dù tôi đã dành riêng ở trên lầu một phòng nhỏ ở đó tôi có thế lui
về một mình và tiếp khách, bất tiện nhất là khi tôi muốn nói chuyện riêng với
một ai trong nhà cách riêng tư mà không làm cho cuộc trò chuyện trở nên trịnh
trọng như những câu chuyện xảy ra trong cái phòng coi như phòng khách riêng đó
mà đám con tôi gọi đùa là: Thánh địa, nơi mà chúng bị cấm vào. Cũng sáng hôm
nay Jacques đã đi Neuchâtel để mua giày leo núi và, vì thời tiết rất tốt, đám
trẻ sau bữa ăn sáng đã ra ngoài với Gertrude mà chúng vừa dẫn con bé cũng như
con bé dẫn dắt chúng. (Tôi hài lòng ghi nhận ra đây là Charlotte rất chú ý đến
con bé). Tư nhiên tôi thấy mình được ở một mình với Amélie vào giờ uống trà mà
chúng tôi luôn luôn dùng ở phòng sinh hoạt chung, Đó chính là điều tôi mong muốn
tại vì tôi cũng đã muộn màng trong việc đem chuyện này ra nói với nàng. Rất hiếm
khi tôi phải mặt đối mặt với nàng làm cho tôi cảm thấy như nhút nhát, và tính
cách quan trọng của câu chuyện tôi sắp phải nói với nàng làm tôi bối rối như thể
những lời thú nhận ra đây không phải là của Jacques mà chính là của riêng tôi.
Tôi cũng nghiệm thấy là trước khi nói chuyện, vào một mức độ nào đó hai con
người, cùng sống chung với nhau một cuộc đời, và yêu nhau, lại có thể vẫn cứ là
bí hiểm và khép kín kẻ này đối với kẻ khác, lời nói, trong trường hợp này dù là
những lời chúng ta nói với người kia hoặc người kia nói với chúng ta, vang lền
rền rĩ như những cú thăm dò để cảnh báo cho chúng ta sự kháng cự của bức tường
ngăn cách, và nếu người ta nhắm vào đó thì chỉ càng liều lĩnh làm dày thêm lên…
- Jacques có nói cho tôi hôm qua
và hối sáng nay, tôi bắt đầu trong khi nàng rót trà, và giọng nói của tôi cũng
run run như giọng của Jacques ngày hôm qua khi cam kết. Nó đã nói với tôi về
chuyện nó yêu Gertrude.
- Nó đem chuyện ấy ra nói với ông
là tốt đó, nàng nói không nhìn tôi và tiếp tục công việc nội trợ như thể là tôi
báo cho nàng một chuyện hoàn toàn tự nhiên, hay đúng hơn như là tôi không bảo
cho nàng biết chuyện gì cả,
- Nó có nói nó mong được cưới con
bé, quyết định của nó….
- Cái đó phải xem xét trước, nàng
thì thầm trong khi khẽ nhún vai.
- Như vậy là bà còn nghi ngờ? tôi
nói với vẻ hơi nóng nảy.
- Người ta thấy cái điều ấy xảy ra
lâu rồi. Nhưng đó lại là một thứ chuyện mà những kẻ đàn ông không biết để ý đến.
Thấy
phản đối cũng chăng ích lợi gì, vả lại câu trả lới của nàng cũng có phần đúng
sự thật, tôi chống ché lấy lệ:
- Trong trường hợp này lẽ ra bà
phải báo cho tôi biết chứ.
Nàng
cười một nu cười mỉm chi mà đôi khi nàng vẫn hay kèm theo và bao che cho kiểu
nói lấp lửng, trong khi nghiêng nghiêng lắc đầu.
- Ước chi tôi cũng phải báo cho
ông biết hết tất cả những gì ông không nhận biết hết!
Lời
nói bóng gió này có ý nghĩa gì vậy? Đây chính là cái điều tôi không biết cũng
như không muốn tìm biết, và lảng qua;
- Cuối cùng, tôi nuốn nghe chính
bà nghĩ thế nào vè chuyện ấy.
Nàng
thở dài rồi tiếp:
- Ông biết đó, ông bạn của tôi ơi,
là tôi không bao giờ chấp nhận sự hiện diện của con bé đó giữa chúng ta.
Tôi
cố lắm mới không nổi cáu khi thấy nàng quay lại câu chuyện trong quá khứ.
- Không phải chuyện về sự hiện
diện của Gertrude, tôi nói, nhưng Amélie đã tiếp tục nói:
- Tôi nghĩ là việc ấy kết cuộc
không thể mang lại gì hơn ngoài sự đáng tiéc.
Với
ý cố hòa giải, tôi chụp ngay câu nói:
- Thế là bà coi đó như là một cuộc hôn nhân đáng tiếc.
Được rồi! Đó chính là điều tôi muốn nghe bà nói.
Sung sướng là chúng ta cùng chung ý kiến. Tôi nói rõ thêm là cuối cùng Jacques
cũng đã ngoan ngoãn tùng phục trước những lý lẽ mà tôi nêu ra nên cũng chẳng còn
gì đáng lo ngại: nó đã thỏa thuận ngày mai sẽ khởi hành chuyến du lịch kéo dài
trọn một tháng.
- Còn như điều tôi không lo lắng
hơn bà về chuyện Jacques sẽ gặp lại Gertrude ở đầy khi trở về, cuối cùng tôi
nói, tôi nghĩ tốt hơn hết là gửi gắm con bé cho cô Louise để tôi còn có thể tiếp
tục gặp con bé, bởi vì tôi không dấu giếm gì tôi đã giao ước có những bổn phận
thực sự đối với con bé. Tôi cũng cảm thấy trước bà chủ trọ mới chỉ cần được yêu
cầu là sẵn sàng giúp đỡ chúng ta ngay. Như vậy là bà giải thoát được một sự
hiện diện làm cho bà cảm thấy khó chịu. Cô Louise sẽ chăm sóc Gertrude;
cô ấy sẽ tỏ ra hân hoan về sự giàn xếp này; cô ta đã từng thích thú trong việc
dạy con bé học nhạc.
Thấy Amélie hình như tỏ vẻ quyết
giữ im lặng, tôi nói tiếp
- Để tránh cho Jacques không đến
đó tìm Gertrude, tôi tin tốt nhất là mình cũng nên báo cho cô Louise biết chuyện
mà phòng ngừa, bà có nghĩ như vậy không?
Tôi cố thử bằng câu hỏi này sẽ moi
được một câu trả lời của Amélie, nhưng nàng mím chặt môi như thể không nói một
câu nào. Và tôi tiếp tục nói không phải vì tôi không còn gì để nói thêm, nhưng
mà chỉ vì tôi không chịu được sự im lặng của nàng:
- Ngoài ra, khi Jacques đi du
ngoạn vế có lẽ cũng đã nguôi ngoai với mối tình của nó. Vào tuổi nó, có phải
người ta chỉ biết có dục vọng thôi sao?
- Ối chà! Ngay cả muộn hơn về sau
này. người ta cũng luôn luôn không biết, sau cùng nàng nói một cách kỳ lạ.
Cái giọng bí hiểm và trịnh trọng
làm tôi nổi nóng, bởi vì bản chất tự nhiên của tôi lại quá thẳng thắn đâu dễ
dàng len lỏi theo những cái bí ẩn. Quay qua nàng, tôi năn nỉ nàng giải thích cho
tôi cái điều nàng ngầm hiểu về điều ấy.
- Không có gì cả, ông bạn của tôi,
nàng tiếp tục một cách rầu rầu. Tôi chỉ suy nghĩ là vừa rôi ông ước ao dược
người ta bảo cho biết những gì ông không đế ý biết.
- Rồi sao nữa?
- Rồi thì tôi tự bảo không phải dễ
mà bảo cho biết.
Tôi đã nói là tôi chúa ghét những
cái bí ẩn và theo nguyên tắc, tôi từ chối những cái hiểu ngầm.
- Khi bà muốn cho tôi hiểu bà thì
bà nên cố gắng diễn tả một cách rõ ràng hơn, tôi đáp lại bằng một thái độ hơi
tàn nhẫn và tôi hối hận ngay lúc đó, bởi vì tôi thấy có lúc môi nàng run lên.
Nàng quay đầu đi rồi ngẩng lên bưóc vài bước lưỡng lự và như lảo đảo trong
phòng.
- Nhưng mà cuối cùng, Amélie, tôi
la lớn lên, tại sao bà cứ tiếp tục thất vọng khi mà lúc này tất cả đã được sửa
sai?
Tôi cảm thấy cái nhìn của tôi làm
cho nàng khó chịu, và với cái kiểu quay lưng lại, tựa khuỷu tay xuống bàn và tay
nâng lấy đầu mà tôi nói với nàng:
- Tôi đã nói nặng với em nãy giờ.
Xin lỗi em.
Bấy giò tôi nghe nàng tiến gần lại
tôi, rồi tôi cảm thấy mấy ngón tay của nàng đặt nhẹ lên trán tôi, trong khi nàng
nói bằng một giọng dịu dàng và đầy nước mắt:
- Ông bạn đáng thương của tôi ơi!
Rồi nàng rời căn phòng ngay lập
tức.
Những câu nói của Amélie có vẻ như
bí ẩn lúc đó phải ít lâu sau mới sáng tỏ trong tôi; tôi đã kể lại như nó xuất
hiện đầu tiên cho tôi, còn ngày hôm đó tôi chỉ hiểu là đã đến lúc Gertrude rời
khỏi căn nhà này.
12 tháng 3
Tôi tự đặt cho mình cái bổn phận
hằng ngày dành chút ít thì giờ cho Gertrude; nghĩa là tiếp theo sau những công
việc của mỗi ngày, vài giờ hoặc vài ba chặp. Ngày hôm sau cái ngày mà tôi và
Amélie nói chuyện với nhau, tôi thấy mình khá rảnh rỗi, và, thời tiết đẹp như
mời mọc, tôi dẫn Gertrude băng qua rừng đến tận Jura, chỗ quặt của khu rừng, nơi
mà từ đó xuyên qua các cành lá người ta có thể nhìn thấy khung cảnh bao la của
núi rừng mở ra và lúc trời quang, nhìn vượt lên trên lớp sương mù mỏng nhẹ,
sẽ khám phá đưọc cái vẻ đẹp kỳ diệu của rặng núi Alpes trắng xóa. Mặt trời đã ngả
về phía phải của chúng tôi khi chúng tôi đến được nơi chúng tôi có thói quen
cùng ngồi lại. Từ chỗ chúng tôi ngồi là cánh đồng cỏ dày và sát là là chạy dài thoai thoải xuống. Xa hơn vài con bò đang gặm cỏ, mỗi con trong đàn bò của vùng núi đều mang
một cái lục lạc nơi cổ.
- Chúng đang vẽ cái quang cảnh
này, Gertrude vừa nghe tiếng leng keng của chúng vừa nói.
Con bé yêu cầu tôi, như mỗi lần đi
dạo, miêu tả cho nó nơi chồn mà chúng tôi dừng lại.
Nhưng mà, tôi nói với nó, con đã
biết rồi mà; đây chính là chỗ bìa rừng mà người ta có thể nhìn thấy rặng núi
Alpes.
- Hôm nay người ta trông nó có rõ
không?
- Người ta nhìn thấy tất cả cái vẻ
huy hoàng của nó.
- Thầy đã nói với con mỗi ngày
trông nó khác đi một tí.
- Hôm nay ta sẽ so sánh nó như thé
nào đây? Như cái khát của một ngày hè. Trưóc khi chiều xuống, cái rực rỡ đó cũng
sẽ tàn và tan rã vào không trung.
- Con muốn thầy nói cho con nghe
rằng trong cánh đồng rộng lớn trước mặt chúng ta đây có bông huệ không?
- Không, Gertrude à. Loài huệ
không mọc trên những vùng cao này, hoặc là chỉ vài loại hiếm thôi.
- Không có cả cái loại mà người ta
gọi là hoa huệ đồng ?
- Không có hoa huệ mọc trong đồng.
- Ngay cả trên những cánh đồng
chung quanh Neuchâtel?
- Không có hoa huệ đồng.
- Thế thì tại sao Chúa lại bảo
chúng ta «Hãy nhìn hoa huệ ngoài đồng?»
- Chắc là vào thời của Ngài thì có,
bởi vì Ngài nói đến nó ; nhưng những sự canh tác của con người đã làm cho nó bị
biến mất.
- Con nhớ thầy thường nói với con
là sự cần thiết của trái đất này là sự tin cậy và tình yêu. Thầy có nghĩ rằng
chỉ cần thêm một chút lòng tin nữa con người sẽ lại bắt đẩu thấy chúng? Phần
con, khi con nghe lời này, con đoan chắc với thầy là con thấy chúng. Con sẽ kể
cho thầy nghe, thầy có muốn không? Người ta nói những cái chuông đỏ thắm, những
cái chuông màu xanh da trời tràn đầy hương thơm của tình yêu và gió chiều đã đu
đưa chúng. Tại sao thầy nói với con là không có nơi kia trước mặt chúng ta? Con
ngửi thấy chúng! Con nhìn thấy cánh đồng tràn ngập chúng.
- Chúng không đẹp hơn như là con
nhìn thấy đâu, hỡi Gertrude của ta.
- Hãy nói là chúng không kém hơn
chứ.
- Chúng cũng đẹp như con nhìn thấy
vậy.
- «Và ta nói cho ngươi biết, ngay
cả Salomon trong cái vinh hiển nhất của ông ta, cũng không mặc đẹp như chúng»,
con bé nói, dẫn lờì của đức Ki-tô, và nghe cái giọng rất du dương của con bé,
tôi hình như nghe thấy những lời này lần đầu tiên. «Trong tất cả sự vinh hiển
của nó», con bé lặp lại một cách trầm ngâm, rồi con bé yên lặng một lúc và tôi
nói tiếp:
- Ta đã nói với con là những kẻ có
đôi mắt để nhìn chính là những kẻ không biết nhìn thấy. Và tận cùng đáy lòng,
tôi nghe dâng lên lời cầu nguyện sau: «Ôi, lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa đã mặc
khải cho những kẻ khiêm nhường cái điều mà ngài đã cất dấu đối với kẻ khôn
ngoan!»
- Nếu thầy biết, con bé nói lớn
lên lúc ấy trong một niềm hứng khởi mừng vui, nếu thầy có thể biết làm sao con
có thể tưởng tượng một cách dễ dàng tất những cái ấy. Này đây! thầy có muốn con
miêu tả cho thầy cái khung cảnh này không?... Đàng sau, trên đầu và xung quanh
chúng ta là những cây tùng bách bằng mùi nhựa, những thân cây đỏ sẫm, những cành
ngang màu xạm tối la đà mỗi khi có cơn gió muốn uốn cong chúng. Ỡ dưới chân
chúng ta, giống như một quyển sách đang mở nằm nghiêng trên cái giá sách của
rặng núi là cánh đồng rộng lớn xanh tươi và sặc sỡ mà bóng tối in lên những nét
sẫm, mặt trời phết vàng lên và nhũng chữ khác nhau là những cánh hoa - những
cánh long đởm những cánh hoa hoàng liên, nhũng cánh hoa mao lương và những cánh
hoa huệ của vua Salomon – mà những con bò tới tập đọc lõm bõm từng chữ với cái
lục lạc của chúng, và các thiên thần đến để đọc tin mừng, bởi vì thầy nói là mắt
của con người thì nhắm lại. Ở phía dưới quyển sách, con thấy một dòng sông lớn
của sữa bốc hơi, mù mịt, che phủ hết cái vực sâu của bí ẩn, một dòng sông bao
la, không có bờ nào khác ngoài rặng núi Alpes rực rỡ xa xăm dưới kia, xa tắp
trưóc mặt chúng ta. Jacques phải đi đến nơi xa tắp đó có phải không, thầy hãy
nói đi: có đúng là ngày mai anh ấy phải đi?
- Nó phải đi vào ngày mai. Nó đã
nói điều ấy cho con?
- Anh ấy không có nói với con,
nhưng con hiểu. Anh ấy phải vắng nhà lâu?
- Một tháng... Gertrude à, ta muốn
hỏi con... Tại sao con không kể cho ta nghe nó đến tìm gặp lại con ở nhà thờ?
- Anh ấy đến tìm gặp con hai lần.
Ố! Con không muốn dấu thầy điều gì cả! Nhưng con ngại làm cho thầy đau lòng.
- Con không nói mới là làm cho ta
đau khổ.
Bàn tay con bé tìm bàn tay tôi.
- Thật là buồn khi phải đi xa.
- Hãy nói cho ta biết, Gertrude...
nó đã nói yêu con chưa?
-
Anh ấy chưa nói với con. Nhưng con cảm thấy điều ấy mả không cần người ta phải
nói ra. Anh ấy không yêu con bằng thầy.
- Và con này, Gertrude, con đau
khổ khi thấy nó đi xa?
- Con nghĩ tốt hơn hết là anh ấy
nên di. Con không thể trả lời thầy được.
- Nhưng mà con hãy nói đi: chính
con, con đau khổ thấy nó bỏ đi?
- Thầy biết rõ chính thầy là người
con yêu thương, thưa mục sư... Ồ!
Tại sao thầy rút tay lại? Con sẽ
không nói với thầy như thế này nếu thầy chưa có vợ. Nhưng mà không ai cưới một
người mù. Thế thì tại sao chúng ta lại không có thể thương yêu nhau? Hãy nói đi,
thưa mục sư, thầy có thấy như thế là xấu xa không?
- Trong tình yêu không bao giờ có
cái xấu.
- Con chỉ cảm thấy cái tốt trong
lòng con thôi. Con không muốn làm Jacques đau khổ. Con không muốn làm ai đau
khổ... Con chỉ muốn mang lại hạnh phúc.
- Jacques đã có nghĩ đến chuyện
cưới con.
- Thầy có thể cho con nói chuyện
với anh ấy trước khi anh ta khởi hành không? Con muốn làm cho anh ấy hiểu là anh
ta phải rút lại cái tình yêu đối với con. Mục sư, thầy hiểu chứ, có phải vậy
không, là con không thể lấy ai được cả. Thầy sẽ để cho con nói chuyện với anh
ấy, có phải vậy không?
- Ngay tối nay.
- Không, ngày mai, ngay lúc anh ấy
khởi hành...
Mặt trời lặn dần trong một vẻ huy
hoàng rực rỡ nhất. Bầu trời ấm áp. Chúng tôi đứng dậy và trong khi vừa nói
chuyện, chúng tôi trở lại con đường sẫm tối trở vế nhà.
Nguyên tác
La
Symphonie pastorale
Tác giả ANDRÉ GIDE (1869-1951)
Tác giả ANDRÉ GIDE (1869-1951)
ÐOÀN VĂN KHANH dịch
theo nguyên văn tiếng Pháp
theo nguyên văn tiếng Pháp
No comments:
Post a Comment