Khỉ là con vật đứng hàng thứ chín trong số 12 con vật được chọn làm biểu tượng cho thập nhị chi của phép tính âm lịch. Không biết các cụ chiêm tinh lý số học bên Tàu ngày xưa khi sắp đặt cái thứ tự của các con vật trong 12 con giáp này là căn cứ vào cái lý cao siêu nào thì tôi không biết, nhưng cứ theo như lối suy nghĩ
"duy hiện tượng cà tửng luận" của con cháu dòng dõi thằng Bờm như tôi thì khi nhìn vào cái thứ tự của ba con vật ngựa dê và khỉ này, tôi thấy sự sắp đặt thứ tự trước sau của chúng quả là rất có ý nghĩa và rất
"lô-gíc", vì phải có con ngựa nhí nhảnh đi trước, rồi tới con dê cà tửng theo sau thì sau đó mới có bầy khỉ được sinh ra để múa may nhảy nhót làm trò vui cho cuộc đời.
Tuy gọi nôm na là khỉ nhưng tên trong sổ Thập nhị
Địa chi thì khỉ lại là Thân, tên chữ Hán là hầu, còn trong dân gian thì khỉ có khi được gọi bằng bí danh là bú dù, mang bí số 000 tức là ba không. Có một điều không ai có thể chối cãi là trong các loài động vật có mặt trên quả đất này thì chỉ có loài khỉ là có hình dạng giống với hình dạng con người nhất, chỉ phải cái tội là không những đã khoác nguyên bộ lông lại còn đèo thêm cái đuôi. Ngoài ra khỉ biết dùng hai tay để cầm nắm và đưa thức ăn vào miệng nhưng vẫn thích leo trèo, nhảy nhót, đánh đu trên cây và đi bằng tứ chi chứ không chịu đi đứng thẳng bằng hai chân như người. Có lẽ vì thế mà mấy ông thầy bói chuyên xem Tử vi tướng số mới bảo là người nào sinh nhằm năm con khỉ tức tuổi Thân, số thường hay lăng xăng vất vả chứ không bao giờ được nhàn
hạ.
Còn đứng về mặt khoa học tự nhiên và dựa vào các nghiên cứu của mấy nhà khảo cổ học và động vật học mà nói thì loài khỉ có mặt trên quả địa cầu này còn trước cả loài người và họ hàng nhà khỉ cũng chia ra thành nhiều tông chi hệ phái với nhiều tên gọi khác nhau, và quy tụ sinh sống theo vùng có những điều kiện môi sinh thích hợp cho mỗi giống. Có điều những cái này không làm tôi quan tâm lắm vì đây là một vấn đề khảo cứu có tính cách chuyên môn vượt ra ngoài khả năng tìm hiểu của tôi, vì vậy tôi chỉ muốn lạm bàn về mấy con khỉ và dăm ba chuyện lẩm cẩm không phải của khỉ mà lại rất khỉ ở xứ ta mà thôi.
Bên cạnh loài khỉ nhỏ con chỉ lớn bằng con búp bê, đuôi dài, và loài vượn thường sống hàng đàn ở tại nhiều khu rừng núi của ta, còn có loại khỉ đột, loài đười ươi v.v... là loại khỉ cao lớn như người, nhưng những loại này hiếm hoi hơn và ít gặp. Loại khỉ nhỏ thường sống hợp quần và mỗi bầy khỉ đều có một con khỉ đầu đàn được người ta gọi là khỉ chúa. Vì khỉ chỉ sống ở những nơi có rừng rậm núi cao cho nên khi người ta muốn miêu tả một vùng đất nào mà đời
sống ở đấy còn mang nhiều tính chất hoang vu man dã thì người ta bảo đó là xứ
"khỉ ho cò gáy". Ca dao cũng có câu đề cập đến giang sơn của loài
khỉ:
Bấy lâu nay anh ăn ở trong rừng
Chim kêu vượn hú, anh nửa mừng nửa lo
Ngoài ra, cũng vì cái vẻ mặt quá dị hợm của khỉ mà người nào có những khuyết điểm về dung nhan hay lố bịch trong cách hành xử thường hay bị người khác đem ra so sánh với
khỉ. Nào là xấu như khỉ, mặt nhăn như mặt khỉ, cười nhăn răng như
khỉ, nhảy nhót như khỉ, bắt chước như khỉ, phá như khỉ v.v... Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ như khi con dê cà tửng theo kề rề con ngựa mà bị ngựa mắng
"Rõ khỉ!" thì dê cà tửng không nên giận mà phải biết tiếp tục cười be he thì mới mong được ngựa cho kết thân, bằng ngược lại tất nhiên bị ngựa đá là cái
chắc.
Không biết có phải lý do khỉ vốn có căn tu hay sao đó mà chỉ ăn chay trường vì chỉ dùng các món hoa quả chứ không hề động đến thịt cá. Tuy nhiên khỉ chỉ biết tìm chỗ nào có cây trái thì hái ăn và vừa ăn vừa phá một cách rất phí phạm chứ không hề biết trồng trọt sản xuất hay thu hoạch để dành cho nên có thể nói khỉ là một tập đoàn phá hoại. Chính vì lẽ đó mà những người làm nương rẫy ở những nơi gần rừng có khỉ sinh sống rất sợ cái nạn khỉ. Một đám bắp sắp đến kỳ thu hoạch mà được một bầy khỉ rủ nhau kéo đến tham quan thì coi như công lao trồng tỉa suốt mùa của người ấy đi đoong. Ngược lại, người nào đi lạc trong rừng lâu ngày bị đói khát mà thấy ở đâu có khỉ sống là biết ngay ở đấy có cây trái ăn được, và cây trái gì mà khỉ ăn vô sống được thì người ăn cũng không
chết.
Lại nữa, mặc dù khỉ không biết hút xách xì ke ma túy nhưng không hiểu tại sao khỉ lại rất sợ nước cho nên không chịu tắm rửa gì cả khiến cho mình mẩy đầy chí rận, do đó lúc nào cũng gãi, lại còn cái màn ngồi đâu thì lại hay vạch lông bắt chí rận cho nhau không khác gì đám dân bị đi tù. Cái nết ở bẩn này của khỉ khá nổi tiếng cho nên ca dao mới có câu:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ lại trả lời "cả họ mầy thơm!"
Khỉ cũng có những biểu lộ tình cảm và thái độ bằng nét mặt, và lại còn biết cười nữa, mặc dù nụ cười của khỉ chả có gì để gọi là khả ái. Theo sự khảo cứu của các nhà tâm lý học thì hệ số thông minh của loài khỉ cũng khá cao. Điều này dân gian ta cũng thừa biết từ lâu cho nên không bao giờ nghe ai mắng người khác là ngu như khỉ cả. Khỉ lại rất có tài bắt chước, nhưng vì khỉ không có ngôn ngữ nên không thể tích lũy kinh nghiệm đúc kết thành chân lý để cho đời sau làm vốn phát huy sáng kiến cải
tiến lề lối sinh hoạt cho nên xã hội loài khỉ qua hàng ngàn năm vẫn không có tiến hóa.
Nếu khỉ sống gần người thì thường hay bắt chước các hành động của con người, nhưng vì thiếu óc suy luận trừu tượng và sáng tạo nên chỉ biết áp dụng các hành vi học được một cách bừa bãi, không biết ứng dụng đúng trường hợp và hoàn cảnh cho nên rất dễ gây nguy hại cho người và có
khi cho cả chính khỉ. Lại nữa, do bản tính khỉ thường hay phá phách và thích cào cấu gây thương tích cho nên ít ai dám nuôi khỉ trong nhà và nếu có nuôi thì cũng phải xích nó lại chứ không dám thả cho sống tự do như các con vật đã được thuần hóa khác. Tục ngữ cũng có câu:
"nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà" là cốt cảnh giác con người đừng nên nuôi
khỉ.
Mặc dù khỉ phá phách thật, nhưng con người khôn ngoan hơn nên đôi khi cũng biết nghĩ ra cách để bóc lột sức lao động của loài khỉ. Vốn ở các vùng Sơn Đông và Phúc Kiến bên Tàu có loại cây trà lâu năm cao lớn như những cây cổ thụ mọc trên núi và nhờ hấp thụ được sương móc và khí âm dương của trời đất nên rất thơm ngon. Vì không thể leo lên tận ngọn để hái các đọt trà ở ngoài chót vót nên người ta mới rình đám khỉ rừng có bệnh ghiền trà leo lên cây bứt những đọt trà non còn ngậm trong họng chờ cho chất trà ra thấm giọng thì liền xông ra bắt và móc họng để lấy lại những đọt trà mà khỉ vừa ăn vào miệng chưa nuốt đó đem về chế biến thành một loại trà ngon, qúy và hiếm. Chính bằng cách ăn chận và bóc lột sức lao động của
khỉ mà người ta mới có được loại trà đặc biệt này để thưởng thức và nâng nghệ thuật trà ẩm lên mức tinh vi cầu kỳ. Tuy nhiên có lẽ vì cũng còn nhớ đến công lao của loài khỉ nên người ta đã gọi trà này là hầu trà, coi như đó cũng là chút tưởng lệ cho loài
khỉ.
Còn về cái chuyện nuôi khỉ để nhảy nhót làm trò vui cho đời thì xứ nào cũng có. Cứ nhìn vào sự kiện bất cứ sở thú nào cũng phải có khu chuồng khỉ là biết ngay, cũng như những đứa con nít được cha mẹ dẫn cho đi xem sở thú mà chưa ghé lại khu chuồng khỉ để xem khỉ làm trò khỉ là chưa đi xem sở thú vậy. Còn các đoàn xiếc thì đoàn nào mà chẳng có vài ba con khỉ cho ăn mặc quần áo, mang giày dép, đội mũ giống người, để biểu diễn các trò của con người như đánh trống, thổi kèn, đi xe đạp, lái xe, xin tiền v.v...
Tuy khỉ không có ngôn ngữ nên không có văn chương nhưng trong văn chương của loài người thì lại hay lôi họ hàng nhà khỉ ra để mắng xéo loài người.
Cao Bá Quát, một nhà nho có tài nhưng bất đắc chí lại có tính kiêu ngạo cho nên học hành nổi tiếng mà thi cử thì chỉ đỗ thi hương chứ không đỗ thi hội nên lại càng ngông ngạo. Khi nhờ có người tiến cử mà được ra làm quan ở kinh thì cũng vẫn không thay đổi tính khí cho nên qua thời Tự Đức, ông bị đổi ra làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây, một cái xứ khỉ ho cò gáy, mà dân số thì đa số là Mán Mèo còn học trò thì chỉ loe ngoe mấy đứa lố ngố. Điều này khiến cho Cao Bá Quát quá nản chí mới làm ra đôi câu đối dán ở phòng
học:
Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Sang tới thời Nho học suy tàn thì có thêm cụ Tú Xương cũng học tài thi phận nên thất chí mới sinh ra làm thơ ngông. Trong một lần cụ lều chõng đi thi nhưng bị đánh hỏng trong khi đám con quan học hành dốt nát hơn cụ, tài cán chẳng ra gì mà lại được chấm đậu làm cụ bực tức nêu đích danh mà chửi toáng lên:
Cử nhân thằng ấm Kỷ
Tú tài con Đô Mỹ
Học thế cũng đòi thi
Ôi khỉ ôi là khỉ!
Bên ta thì như thế đấy, nhưng bên Tàu thì khỉ lại nổi tiếng vì là một trong mấy nhân vật chính của bộ truyện Tây Du Ký. Vốn là con khỉ đột nhưng nhờ thụ khí âm dương của đất trời mà thành hình trong tảng đá hàng ngàn năm, rồi được đá nứt sinh ra cho nên anh chàng khỉ đá này rất thông minh phá phách không khỉ nào sánh kịp, ngay cả đến chốn Thiên đình cũng bị anh khỉ đá này lần mò lên đại náo, đánh cho Thiên binh Thiên tướng chạy xiểng liểng mà Trời cũng không làm sao trừ nổi, cho nên anh khỉ đá này mới có thêm cái danh xưng là Tề Thiên đại thánh tức là bậc thánh tài ngang với trời.
Tuy trời có ngán con khỉ đá này thật, nhưng
"vỏ quít dày có móng tay nhọn" cho nên con khỉ đá này lại bị Phật
tổ Như Lai chiêu dụ rồi đem nhốt lại dưới núi đá suốt năm trăm năm, mãi cho đến khi Tam Tạng được vua Đường tôn phái đi Tây Trúc để thỉnh kinh Phật về cho vua, lúc đi ngang qua chỗ ngọn núi đá đó thì nghe có tiếng rên rỉ cầu cứu bèn động lòng từ bi mới đưa tay gỡ lá bùa ếm trên ngọn núi để giải thoát cho con khỉ đá. Cảm cái ơn ấy của nhà sư mà từ đó con khỉ đá đã xin quy y lấy tên là Tôn Ngộ không theo làm đệ tử thầy Tam Tạng để đi thỉnh kinh Phật.
Kể từ khi truyện này du nhập qua bên ta thì người lớn tới con nít gì cũng mê, nhất là đám trẻ con thì hình như chẳng đứa nào xa lạ gì với con khỉ Tề thiên đại thánh, vì vậy mà ngay cả trước cái thời Tây phương biết làm ra các phim Tarzan đánh đu với khỉ ở trong rừng để cho đám trẻ nhỏ say mê, đòi cha mẹ dẫn đi xem xi-nê-ma thì ở bên ta, các đoàn múa lân đã từng nhận thấy nếu đoàn múa lân mà chỉ có con lân và ông Địa thôi thì chưa xôm tụ, bèn thêm thắt cho vài anh võ sinh đeo mặt nạ giả khỉ Tề thiên đại thánh, heo Trư Bát Giái và qủy Xa Tăng cầm gậy, chỉa ba, nhảy nhót vòng quanh để gây thêm thích thú cho bọn
trẻ.
Nhưng nói gì thì nói, khi bàn qua cái mục ăn thì đối với con người vốn được coi là loài tạp thực tất nhiên khỉ cũng chỉ là một con vật có thể ăn thịt được, thế nhưng từ cọp, voi cho đến rắn rít gì cũng bị con người xơi xả láng, trái lại không nghe nói có ai ăn thịt khỉ bao giờ cả. Điều này không phải vì lý do khỉ rất giống người cho nên người ta động lòng trắc ẩn mà có lẽ chỉ vì thịt khỉ có mùi hôi quá nên người ta không nuốt nổi thôi. Còn như bảo tại người ta tôn trọng quyền sống của loài khỉ như các nhà bảo vệ thú vật hiện nay đang hô hào thì tôi không tin, vì bằng chứng là người ta từng giết khỉ chỉ để lấy xương nấu thành một loại thuốc cao gọi là cao khỉ, cũng giống như người ta từng lấy xương cọp để nấu thành cao hổ cốt vậy, một loại cao rất qúy và hiếm dùng để chữa bệnh theo Đông y.
Có một điều hơi lạ là mặc dù người ta không ăn thịt khỉ thật, nhưng không hiểu sao riêng cái món óc khỉ thì lại có người dùng rồi và còn cho là rất bổ và rất qúy. Sử Trung Hoa có ghi lại vào cái thời các nước Tây phương vừa trở nên hùng cường nhờ có cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, bèn rủ nhau qua phương Đông hỏi thăm cái kho tàng của mấy chú ba Tàu, gặp lúc vua ba Tàu thì lại trẻ người non dạ nên việc nước đều do tay bà mẹ là Từ Hi Thái hậu thao túng. Bà Thái hậu thấy chưởng của xứ Tàu không ngăn nổi súng đại bác của đám Bạch qủy Bát quốc Tây phương bèn xuống nước cầu hoà. Và để tỏ lòng hoà hiếu theo đúng phong tục Đông phương, bà đã cho mở tiệc thết đãi rất hậu các sứ thần của Bát quốc.
Có thể nói đây là một bữa tiệc có một không hai trong lịch sử ẩm thực toàn thế giới từ cổ chí kim vì tiệc kéo dài liên tục trong nhiều ngày và thực khách thì được đãi ăn toàn những món cầu kỳ quái đản chưa từng thấy, trong đó có món óc khỉ xơi tái được múc ra từ sọ con khỉ còn đang sống nhăn. Riêng ở xứ ta thì chưa nghe nói có ai bắt chước ăn óc khỉ như ở bên Tàu, nhưng cái món cao khỉ thì trước đây nhờ nghe lời đám Sơn Đông mại võ quảng cáo mà cũng đã có nhiều người tin là bổ và dùng qua rồi.
Kể ra thì những chuyện khỉ trên đây cũng chưa có gì đặc biệt lắm. Cái chuyện khỉ đáng nói nhất là
ngoài cái việc bị quy cho cái tội lậy truyền căn bệnh AID cho loài
người và chứng bệnh này đang giết
hại lần mòn hàng chục triệu người trên thế giới hiện nay mà
nhiều nhất là ở các nước Phi châu, khỉ còn được coi như
là nguyên nhân sinh ra trận dịch khỉ vĩ đại xảy ra cho loài người trên quả đất này và gây khốn khổ cho hơn một phần tư dân số toàn cầu trong gần suốt một thế kỷ qua và cho đến nay vẫn còn sót lại mấy nước chưa trừ khử được. Mầm mống gây ra căn bệnh này có thể nói là bắt nguồn từ lúc cụ Đắc Uỷnh ở xứ Hồng Mao đề ra cái thuyết tiến hóa.
Suốt mấy ngàn năm qua dân chúng Tây phương nhờ được học Kinh Thánh nên ai cũng đinh ninh con người là do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng nên để cai quản muôn loài sinh vật khác trong vũ trụ này, nhưng nay cụ Đắc Uỷnh bỗng nhiên tuyên bố thủy tổ của loài người chính là loài khỉ, làm mọi người chưng hửng. Tuy nhiên sự khám phá này lại mê hoặc cụ sinh viên triết Cán Mác
của xứ Phổ Đế đến nỗi cụ bèn dựa vào thuyết tiến hóa này để lật lại hệ thống
triết học của ông thầy mình mà lập ra một triết thuyết mới về sự tiến hóa của xã hội loài người theo quan niệm duy khỉ biện chứng pháp.
Cụ Lê Ninh Nhừ ở xứ Nga Lạp Phu thấy triết thuyết này hấp dẫn quá bèn đem ra nghiễn ngẫm thành ra bị nhiễm nặng loại siêu vi khuẩn
khỉ mang ký hiệu CS. Sau đó cụ lại đem siêu vi khuẩn này cấy cho đám thợ thuyền và nông dân trong nước khiến cho tất cả đều nhiễm bệnh dịch khỉ mà nổi cơn hăng vác đục búa theo cụ đi đập tan cái ngai vàng của sa hoàng và đồng thời dùng lưỡi liềm cứa cổ hết bất cứ tên nào không để yên cho cụ cấy loại siêu vi khuẩn khỉ này vào người. Thế là dân nước Nga Lạp Phu vì mắc bệnh khỉ mà trở thành ốm đói kinh niên cho nên đâm ra
ganh ghét mấy tên khoẻ mạnh đang ăn nên làm ra, do đó lúc nào cũng sôi sục căm thù, chỉ tìm mọi cách lây bệnh cho bọn mạnh khoẻ cho chúng ngã lăn quay ra để mình lấy của.
Sau khi toàn dân Nga Lạp Phu bị nhiễm bệnh dịch khỉ thì siêu vi khuẩn khỉ này liền lây lan qua mấy xứ phụ cận, rồi tới các xứ Đông
Âu và ngay cả nước Tàu to lớn cũng bị nhiễm siêu vi khuẩn khỉ này mà mang bệnh luôn cả nước. Cũng may là tại các quốc gia khác trên thế giới nhờ khoa học tiến bộ nên người ta đã nghiên cứu chế ra thuốc chủng kịp thời mà ngăn ngừa được bệnh dịch khỉ hoành hành, nhưng vẫn có một số người vì không chịu tiêm chủng ngừa nên đã vướng phải siêu vi khuẩn này, nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là con số lẻ
tẻ.
Riêng tại xứ ta thì bao nhiêu năm dân ta cũng chỉ thích quanh quẩn bên bờ ao, không hiểu sao lại có một bác Cáo già bỗng nhiên lò mò đi lạc qua tới xứ Nga lạp phu, gặp được cụ Lê Ninh Nhừ rồi được cụ kết nghĩa làm anh em thành ra cũng nhiễm bệnh luôn cho nên sau đó mới đem siêu vi khuẩn khỉ
này về xứ lây lan cho đồng bào. Mặc dù quyết tâm của bác Cáo già là phải cấy siêu vi khuẩn khỉ này cho toàn dân một cái rụp, nhưng không may cho bác Cáo già là từ khi con cháu nhà Bờm tập bỏ dùng thuốc Bắc để chuyển sang dùng thuốc Tây thì cũng có nhiều kẻ tỏ ra có sức đề kháng với siêu vi khuẩn này do đó hì hục mãi bác cũng chỉ cấy được vi khuẩn bệnh này cho dân nửa nước mạn Bắc con sông ngăn đôi, còn dân mạn Nam thì nhờ có mấy xì-pông-xo Tây phương giúp đỡ thiết lập hàng rào y tế phòng chống dịch nên vẫn còn mạnh khoẻ và làm ăn
khấm khá ra.
Bác Cáo già thấy thế thì tức lắm, bèn cho lùa hết thanh niên nam nữ mạn Bắc đã bị nhiễm bệnh nên trở thành khỉ người có thể leo dọc Trường sơn, len lỏi vào mạn Nam gieo bệnh. Năm Mậu Thân bác Cáo già âm thầm chỉ thị cho đám khỉ người ở rừng dốc toàn lực tràn về các thành phố nhất loạt tung siêu vi khuẩn khỉ khắp nơi, không ngờ quẻ bói Mậu Thân cũng có nghĩa là
"khỉ mậu lúi" cho nên đám khỉ người của bác Cáo già bị một phen trúng thuốc giải phải chạy trối chết về rừng. Riêng bác Cáo già cay cú quá bèn bỏ đi thẳng một mạch mong tìm cụ Cán Mác và nghĩa huynh Lê Ninh Nhừ để hỏi cho ra lẽ.
Tuy nhiên, vì dân ta vốn có cái quá khứ hơn một ngàn năm ăn ở chung đụng với mấy chú Ba Tàu nên cũng từng học theo cái tập quán ăn uống khạc nhổ bừa bãi cho nên rốt cuộc siêu vi khuẩn khỉ cũng âm thầm xâm nhập được vào người và tiềm phục khắp lục phủ ngũ tạng chỉ chờ hôm trái gió trở trời là
bùng ra ngoài. Do đó mà qua đến đầu mùa xuân con mèo, nhân tiết
trời rét mướt làm cho cơ thể kém đề kháng, lại thêm xì-pông-xo cúp chi viện mua thuốc ngừa nên đùng một cái
bệnh dịch khỉ bộc phát tràn lan trong dân chúng không còn tài nào chận lại nữa. Thế là cả nước đành mang chung bệnh dịch khỉ. Đám đệ tử bác Cáo già khoái quá liền cho tổ chức đoàn múa
"Tề thiên đại thánh" ăn mừng "mùa xuân đại náo"
khắp nước, nhưng dân mạn Nam thì nhiều người đã có kinh nghiệm về sự tác hại của bệnh dịch khỉ nên cứ âm thầm rủ nhau bằng mọi cách kiếm đường chuồn ra xứ khác có vệ sinh an toàn hơn để sinh
sống.
Cũng may là sau cái lần dịch khỉ lây tràn ra khắp cả nước ta thì cái bệnh dịch khỉ này bỗng nhiên cũng không còn khả năng lây lan ra nước nào khác nữa, trái lại sau đó tại nhiều nước Đông
Âu rồi ngay chính xứ Nga Lạp Phu, cái nôi phát sinh ra bệnh dịch khỉ cũng có người dần dần trở thành khỏi bệnh nên tìm cách miễn nhiễm cho dân tộc mình khỏi cái bệnh dịch này, duy chỉ có bên Tàu và bên ta có lẽ do ý thức về vệ sinh phòng dịch chưa được phát triển cho nên
loại siêu vi khuẩn khỉ này vẫn tồn tại một cách dai
dẳng.
Có một điều rất khỉ đáng nói là cái đám con cháu nhà Bờm vì sợ siêu vi khuẩn khỉ mà phải bằng mọi cách trốn chui trốn nhủi chạy ra xứ khác để sinh sống thì nay có nhiều kẻ có lẽ do cái gốc có dùng qua cao khỉ ngày xưa mà nay bỗng nhiên lại mắc phải cái chứng phong
ban ngứa ngáy trong người. Đám này thấy đoàn múa
"Tề thiên đại thánh" bên nhà lúc này ngoài mấy anh chàng
Tề Thiên Đại thánh, Trư Bát Giái còn được tăng cường thêm hàng hà sa số yêu tinh ma nữ thay nhau ra múa màn
"mùa xuân đại náo" theo điệu bú dù cải cách thì đâm ra nhớ da diết hương vị quê hương, bèn cứ tít mắt rủ nhau về quê cũ ăn dồi chó chấm mắm tôm, xem khỉ múa và móc tiền ra thưởng cho khỉ ăn dài dài cho khỉ thêm sức mà múa mãi. Chỉ khổ cho những người dân lương thiện xứ ta thì do mang phải căn bệnh dịch khỉ nên sức khoẻ cứ kiệt dần, không tài ngóc đầu lên nổi.
Kể từ cái năm bệnh dịch khỉ mới chớm phát ở xứ ta, qua cái năm con khỉ mậu lúi cho tới nay thì cũng đã qua mấy vòng 12 con giáp. Qua bao nhiêu năm dân ta chỉ gặp toàn là ba con khỉ mắc phong nhảy ra múa may gieo rắc nỗi sợ hãi nghèo đói chết chóc cho dân ta mà thôi. Nay cái vòng tuần hoàn của trời đất lại đang quay trở lại năm con
khỉ.
Sấm Trạng Trình có câu:
Thân Dậu niên lai kiến thái bình.
Cầu cho năm con khỉ này câu sấm Trạng Trình kia sẽ ứng nghiệm để cho những con khỉ đại náo
thôi không còn diễn cái trò khả ố, để cho dân ta sớm được bình
phục sống yên vui lành mạnh và hưởng thái bình. Mong lắm thay!
ĐOÀN
VĂN KHANH
bài viết hay lắm ạ
ReplyDeletephong thủy thu hút tình duyên
phong thủy tình duyên cho người độc thân
vòng cổ phong thủy mệnh kim
vòng cổ phong thủy mệnh mộc
vòng cổ phong thủy mệnh thủy
vòng cổ phong thủy mệnh hỏa
vòng cổ phong thủy mệnh thổ