Không biết các cụ con trời ngày xưa có thâm ý gì không mà khi sắp thứ tự cho mấy con vật được dùng để tiêu biểu cho mười hai con giáp của phép tính niên lịch thì đã để cho con dê đi sau con ngựa, nhưng khi nghiệm lại cái ngụ ý tượng trưng của những con vật được dùng để chỉ cá tính của con người thì đúng là con dê cà tửng theo con ngựa thật. Ðiều này chắc chắn ai trong chúng ta cũng thừa biết vì cái thủa còn là học trò thì ai mà chẳng từng sống với cảnh mấy con ngựa nhí nhảnh tan trường về và phía đàng sau là mấy anh chàng dê non theo kề rề. Cái hình ảnh này thế mà cũng dễ thương đến nỗi có nhà thơ đã cảm hứng để làm thành thơ rồi sau đó lại được một ông nhạc sĩ xúc động theo để đem phổ thành nhạc và nhờ thế mà thiên hạ từ đó mới có một chút gì để cho mình gợi nhớ mỗi khi thấy buồn bâng quơ:
Em tan trường về
Anh theo rề rề...
Tuy nhiên, cái hoạt cảnh này không phải chỉ có thế mà còn nhiều màn vui ra phết là vì dê chỉ biết có mỗi món võ húc cho nên mỗi khi muốn tấn công mục tiêu là chỉ biết có mỗi một việc húc đầu vào mà thôi. Còn ngựa thì lại chỉ rành có ngón đá
hậu. Chính vì thế mà khi dê buồn tình theo kề rề ngựa rồi húc đầu vào mông ngựa mà ngựa không hài lòng là thế nào cũng bị ngựa đá giò lái để cho dê chỉ còn nước ôm đầu máu tháo
chạy. Có lẽ vì nhớ những hình ảnh vui vui này mà nay lại là lúc năm Ngọ lụi hụi qua và năm Mùi lục tục đến, thiên hạ lại lôi con dê ra làm đề tài kháo
chuyện, tôi thấy mình bỗng nhiên cũng hăng tiết nhảy vào góp dăm ba câu chuyện lẩm cẩm về dê cho hội hè ngày xuân thêm rậm đám.
Cứ theo tử vi mà luận đoán thì tuy ngày sinh tháng đẻ của tôi chả có tí gì dính dáng tới con dê cả nhưng có lẽ vì tôi sinh vào năm con bò, nhằm giờ chó sủa, do đó hễ gặp sao vàng chiếu
mệnh thì sớm muộn gì cũng phải thành ra cầm tinh bị gậy, cho nên thủa nhỏ có được cha mẹ cho đua đòi chữ nghĩa, nhưng mới lên mười thì mất mẹ, rồi vài năm sau đó cha lại được Công An Liên khu mời về cơ quan để
"hội ý" rồi không bao giờ còn trở lại nhà nên tôi
vừa mới tấp tểnh lên năm đầu của bậc trung học thì được
bà con xóm làng thương, đặc miễn cho cái chương trình bậc phổ
thông dài dòng mất thì giờ để chuyển thẳng vào đại học Du
mục Tô Vũ tại địa phương mà không cần phải qua kỳ thi tuyển
nào cả. Thế là ngày ngày tôi được lùa dê lên đồi thả cho đi
ăn tự do rồi sau đó thì thong thả đi săn rắn mối, moi trộm
khoai mì nướng ăn chờ giờ lùa dê về.
Cái lý do tại sao tôi không được chăn trâu hay
chăn bò mà lại chăn dê cũng dễ hiểu thôi vì cái xóm đạo vùng
ven biển mà sau ngày mẹ tôi mất rồi cha tôi dẫn mấy anh em tôi
cùng về tá túc, vốn không có ruộng, chỉ toàn là đất cát nên
chỉ có thể trồng dừa với lại khoai mì nên chẳng ai nuôi trâu
bò cả. Tuy nhiên vì sau xóm có một ngọn đồi có nhiều loại cây
nhỏ lúp xúp có nhiều lá cho dê ăn nên một số gia đình ở đây
mới nảy sinh ra thêm cái nghề nuôi dê này.
Còn cái Ðại học Du mục Tô Vũ thật ra chỉ là cái tên của tôi đặt ra sau này, để gợi nhớ những ngày phải đi chăn dê mà cứ tưởng như mình là Tô Vũ ngày xưa.
Ông quan này được Hán Võ Ðế sai đi sứ sang Hung Nô để thương
thuyết hòa bình thì bị chúa Hung Nô dụ về đầu nhưng Tô Vũ không
chịu. Chúa Hung Nô nổi giận bắt Tô Vũ bỏ vô hang ba ngày không cho ăn uống để cho chết nhưng Tô Vũ lại không chết nên mới bị đày ra đất Bắc chăn dê, và dạy rằng chừng nào dê đực đẻ mới cho
về. Nhưng dê đực thì làm sao mà đẻ, cho nên Tô Vũ đành an tâm mà chăn dê mãi cho đến gần hai mươi năm
sau, chúa Hung Nô giảng hòa với nhà Hán, Tô Vũ mới được tha.
Tuy gọi là đại học du mục nhưng trong đội ngũ nhà trường chưa có ai được liệt vào hàng giáo sư để giảng dạy về mấy môn như động vật học, khảo cổ
học, nên tôi chả biết tí gì về những chuyện như con dê thuộc họ hàng nào của loài động
vật, thủy tổ phát xuất ở đâu, vào thời kỳ nào, và sau đó được chia thành bao nhiêu chi tộc, rồi cơ duyên nào xui khiến cho dê bắt đầu kết nghĩa với người để về sống chung làm gia súc cho người uống sữa, ăn
thịt, còn da thì được lột ra rồi đem thuộc để may áo, chế thành vật dụng cho người dùng, nhưng nhờ gần gũi với bầy dê hằng ngày mà tôi cũng có được vài kiến thức sơ đẳng về con vật thường được người ta dùng để ám chỉ mấy anh chàng có máu mê gái và thường hay sung độ.
Dê không ăn cỏ như trâu bò mà chỉ ăn toàn lá cây cho nên phân dê có hình dáng tròn tròn khô ráo giống như mấy viên thuốc tể của người Tàu chứ không choèn nhoẹt như phân bò và hôi thúi như phân heo cho nên chăn dê không đến nỗi bị chê là ngu như chăn bò và cũng không dơ bẩn như chăn
heo, huống hồ xét trong lý lịch của hàng ngũ chăn dê trên thế giới thì trong sử sách ghi lại còn có cả một vị từng là quan chánh sứ của nhà Ðại Hán Trung
Quốc. Có điều dê nhỏ con nên chăn dê không được hưởng cái thú cỡi lên mình nó mà nghêu ngao như chăn trâu chăn bò, trái lại khi lùa dê đi ăn mà có con nào ương ngạnh bỏ hàng ngũ nhảy vào vườn phá cây cối của người ta trồng thì mình phải chạy theo nó và dùng roi quất lia lịa để cho nó chừa cái tội thích tự do cá nhân, không chịu theo đúng đường lối chính sách đi ăn của nhà chăn dê đã đề
ra.
Thường thì người ta chỉ nuôi dê cái, còn dê đực thì cả bầy chỉ có một con thôi, vì con người thấy rằng một bầy dê chỉ cần một anh dê xồm là đủ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tất cả các nàng dê cái, cho nên những dê con mới sinh ra nếu là giống cái thì cứ an tâm mà hưởng cái tuổi thọ trời cho mình, còn như là đực thì khi mà anh chàng dê con vừa lớn tới độ thấy cuộc đời là đáng yêu thì cũng là lúc anh dê này phải tức tưởi từ giã nó vì người ta không muốn để cho mấy anh dê non lớn lên nữa thì chỉ thêm
loạn. Hơn nữa, khi dê còn nhỏ thì thịt còn thơm chứ một khi đã trở thành dê xồm rồi thì cái mùi hôi dê có tẩm một tấn ngũ vị hương vào cũng không át
nổi.
Vì dê không được người ta nuôi nhiều cho nên khi một anh dê bị làm thịt thì cái món gì của dê cũng qúy
cả. Thịt dê được mấy ngài sành ăn nhậu khen ngon và lành đã đành, huyết dê thì được đánh tiết canh hay còn được dùng để pha vào rượu cho qúy ông uống mà lên tinh thần và tăng cường sinh
lực, còn dái dê thì lại càng được quí còn hơn thuốc bổ thận cho nên chỉ ông nào có diễm phúc lắm mới được dùng đến nó.
Nhờ chăn dê mà tôi mới để ý cái điều là dê cũng có sừng và có râu.
Về cái sừng thì dê cũng giống như bò, lúc mới ra đời sừng chưa có mà phải đợi khi đã bắt đầu lớn thì sừng mới nhú
ra, nên tôi không lấy gì làm lạ. Duy có một điều là bộ râu của dê
thì không vểnh ra như râu mèo hay râu cọp mà lại quặp vào khiến tôi
đâm ra thắc mắc là vì tôi thấy mấy chú bác vui tính thường hay chọc đùa mấy cụ ông xưa nay vốn nổi tiếng biết nể vợ nhiều hơn sợ trời:
Vuốt râu ra ta không sợ vợ
Quặp râu vào ta sợ vợ ta
Không phải chỉ thế thôi mà ngay trong ca dao cũng có câu:
Xưa kia có thế này đâu
Bởi vì sợ vợ nên râu quặp vào.
Ðiểm thắc mắc của tôi là không hiểu tại sao người ta lại bảo mấy người râu quặp thì sợ vợ trong khi tôi nhận thấy thì anh chàng dê đực cũng râu quặp nhưng lại tới hàng tá vợ dê cái mà vẫn ngang nhiên ban phát niềm vui cho mọi nàng dê chứ có qụy lụy một mụ dê nào đâu. Thấy đây cũng là một vấn đề khá lý thú nên tôi tính để dành làm đề tài sau này soạn luận án lấy bằng Phó Tiến sĩ khi ra trường. Rất tiếc là tôi không được tiếp tục theo học đại học Tô Vũ này cho đến lúc thành tài mà chỉ vài năm sau đó do thời thế đổi thay nên tôi bị đuổi khỏi trường đại học du mục này để về thành phố làm một tên học sinh bắt đầu học lại bậc trung học. Thế là tôi mất luôn cái cơ hội để tìm hiểu xem dê đực có sợ dê cái giống như người hay không.
Trở lại làm học sinh, tuy không còn trông thấy dê nhưng nhờ được học những môn văn chương chữ nghĩa như cổ văn mà tôi được thầy giảng cho nghe nhiều điển tích liên quan về dê như cái chuyện ông Tô Vũ mà tôi đã mạn phép dùng tên để vinh danh cho cái trường đại học du mục tôi đã từng theo học trước đây. Rồi khi học Cung Oán ngâm khúc, đọc những câu như:
"Dấu dương xa lối cũ quanh co", nếu không được
thầy giảng cho nghe thì làm sao mà biết dương xa là cái gì lại
đi vào lối cũ quanh co.
Thì ra dương xa là xe do dê kéo. Chả là mấy
vị vua chúa ngày xưa thì ông nào cũng có vô số vợ. Riêng ông
vua Võ đế nhà Tấn thì ngoài cái việc có rất nhiều cung phi mỹ
nữ, lại còn thêm cái sở thích đêm đêm dùng xe do dê kéo để
đi thăm các bà cung phi. Nhiều hôm nhà vua không biết mình nên đến
với bà nào đành cứ việc lên xe ngồi mặc cho dê tự ý muốn kéo
mình đi đâu tùy thích, và hễ xe dê ngừng ở nơi nào thì nhà vua
sẽ nghỉ đêm tại đó. Do đó mà bà cung phi nào nhớ thương vua
nhiều thường hay kiếm mấy cành lá dâu cắm ở ngoài cửa phòng
mình để cho dê thấy lá dâu thì thèm ăn mà kéo xe vua đến với
mình.
Thấy học văn chương điển tích đã nhiều mà
chẳng có cái điển tích nào giúp tôi giải tỏa được cái thắc
mắc tại sao mấy người sợ vợ thì lại bị người ta gọi là râu
quặp. Vừa lúc đó thì tôi được học đến truyện Kiều, thế là
bỗng nhiên tôi như tìm ra chân lý.
Truyện này kể rằng lúc Kiều đã phải vào
lầu xanh thì gặp được Thúc Sinh. Cái anh chàng này vì có máu dê
trong người cho nên mặc dù đã có vợ là sư tử Hoạn Thư nhưng
cũng lén sư tử để đi dê nàng Kiều, rồi lại còn làm ra vẻ hào
hiệp cưu mang cho nàng Kiều thoát khỏi chốn lầu xanh để cùng
nhau xây dựng một cái động dê riêng cho nhau. Lúc sư tử Hoạn Thư
khám phá ra mình bị cắm sừng thì nổi tam bành sai đám khuyển mã
tới phá nát cái động dê và bắt luôn cả em dê Kiều đem về
cho mình trị tội. Anh chàng dê Thúc Sinh về nhà thì thấy em dê
Kiều của mình đã bị sư tử tha về đây từ hồi nào nhưng vì
bản chất dê thì nhút nhát nên anh chàng dê Thúc Sinh mới không dám
nhận họ hàng mà chỉ đau khổ ngồi nhìn nàng sư tử Hoạn Thư
vờn em dê Kiều của mình đến tả tơi chứ không hề dám thở
than. Rất tiếc là Nguyễn Du khi mô tả anh chàng Thúc Sinh này lại
quên không đề cập đến anh chàng này có râu hay không, nhưng
nếu có râu thì chắc chắn phải là râu quặp vì ngồi run rẩy nhìn
sư tử vờn dê mà vuốt râu thì chỉ có thể vuốt vào cho nó
quặp thôi chứ không tài nào vuốt ra cho nó vểnh lên được.
Vì con dê được người ta dùng làm biểu tượng cho sư dâm đãng nên người có tính dâm đãng còn được người ta gọi là người có máu dê, có khi còn gọi là máu 35. Lần đầu tiên nghe người ta nói đến loại máu này tôi cứ nghĩ là kiến thức về khoa học của mình quá kém vì đọc trong sách vở thì chỉ thấy máu người theo sự phân loại của y học chỉ có bốn loại được đặt tên bằng các mẫu tự A B và O chứ đâu còn loại nào khác nữa và được đặt tên bằng số đâu. Thì ra chẳng qua cũng chỉ tại mấy ông con trời bày ra lắm môn cờ bạc cho
dân ta ham vui rồi móc túi nộp tiền cho mấy tay xì thẩu nên trong môn đánh đề các ông con trời cũng dùng những con vật tượng trưng cho các con số để giúp cho dân ghiền đánh đề dễ
nhớ, và con số 35 được tượng trưng bằng con dê xồm. Thế cho nên anh nào thuộc loại máu 35 thì cũng đồng nghĩa với máu dê nhưng có lẽ còn pha thêm tí cờ bạc nữa thì
phải.
Ngoài ra vì dê không biết rống như bò hay gầm như cọp mà chỉ biết kêu
be he nghe rất dễ ghét nên mấy anh chàng hay bắt chước dê đi
ghẹo gái theo kiểu be he thì thế nào cũng bị các bà các cô
mắng "Ðồ băm lăm", còn mấy ông già mà cũng be he
thì bị mắng là "Ðồ già dê..." Tuy là mắng thế
đấy nhưng giả dụ nếu như tất cả đàn ông con trai trên thế
gian này mà không một ai biết be he tí nào cả thì chắc có lẽ hàng
tỉ con cháu E-và trên trái đất này chỉ có nước buồn vì khô héo
mà chết mất thôi.
Kể ra thì dê bị con người kết cho cái tội dâm
đãng nhưng thật ra bản chất dê rất hiền lành nhút nhát cho nên
thành ngữ mới có câu Dương chất hổ bì nghĩa là cốt là dê mà
là da cọp, dùng để chỉ mấy người chỉ quen mượn oai hùm để
loè thiên hạ chứ mình thì chả ra cái thớ gì cả. Câu này cũng
giống như câu truyện ngụ ngôn Dê đội lốt cọp. Một anh chàng
dê xồm nọ sau khi "chào buổi sáng" tất cả các chị dê
trong bầy xong thì hết chuyện làm sinh buồn tình bèn đi kiếm đâu
được bộ da cọp khoác lên mình rồi quay về hù mấy chị dê cái
nhà mình cho vui. Cả bầy dê nhác trông tưởng là cọp thật cong
đuôi chạy làm anh chàng dê xồm khoái trá cười be he. Cọp thật
nghe tiếng dê be he liền nhảy tới nhưng không thấy dê mà thấy có
một anh cọp khác nên còn phân vân dò xét thì anh chàng dê xồm
khoác bộ da cọp quay lại thấy cọp thật bèn hồn vía lên mây, phóng
chạy như bay làm văng luôn cả bộ da cọp.
Nói chuyện dê thì chắc còn nhiều lắm nhất là những chuyện dê bên Tây bên Mỹ nhưng vì tôi không thông tiếng nước ngoài nên không đủ khả năng tìm
hiểu. Tuy nhiên quay về với cội nguồn dân tộc thì thấy còn một chuyện tuy có liên quan đến dê mà không phải là dê, đó là hai câu sấm của cụ Trạng Trình:
Mã đề Dương cước anh hùng tận,
Thân Dậu niên lai kiến thái bình
Cứ theo như nghĩa trơn của hai câu sấm trên mà giảng thì cuối năm ngựa đầu năm dê là anh hùng nào rồi cũng đi đoong và kế tiếp là qua năm khỉ năm gà là dân chúng sẽ nhìn thấy cảnh thái bình.
Kể từ khi Việt Nam bị Pháp chiếm làm thuộc địa rồi sau đó thì cứ chiến tranh triền miên, đói khổ liên tục khiến nhân dân lúc nào cũng mong ngóng cảnh thái bình. Chính vì thế mà cứ mỗi lần cảm thấy ngán ngẫm với thời cuộc, nhiều người lại hay đem hai câu sấm này ra luận giải để mong tìm ra một chút hy vọng. Bao nhiêu năm qua, cứ mỗi lần cái chu kỳ mười hai con giáp tiến đến giai đoạn Ngọ Mùi Thân Dậu tiếp nối nhau là thiên hạ lại hồi hộp chờ đợi một sự biến chuyển nào đó sẽ mang lại sự tươi sáng cho muôn dân. Nhưng qua bao lần ngựa đi dê tới, anh hùng tận cũng đã nhiều mà thái bình thịnh trị đâu chẳng
thấy, không biết có phải tại vì anh hùng tuy có tận nhưng còn nhiều tên khùng chưa chịu tận?
Nay lại cũng là lúc ngựa đá chân dê, không biết các bậc quang minh cao kiến có vị nào tìm thấy một lời giải đáp nào khác cho cái tiền đề này chưa hay cũng chỉ tiếp tục luận đoán?
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment