Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 8, 2013

Chuyện Gà Bươi

Phiếm luận

Tôi đã định bụng là năm nay sẽ không bàn chuyện mấy con giáp nữa, vì tự thấy mình chẳng những đã dốt nhân văn, lại còn mù tịt khoa học, cho nên toàn là nói mò, chỉ thêm rác chữ nghĩa. Tuy nhiên, sực nhớ lại năm con gà này cũng là năm mà cái vòng tuần hoàn của trời đất quay trở lại gắn cho cái tên Ất Dậu, trùng tên với cái năm con gà cách nay đã 60 năm, khởi điểm của trận "gà nhà bôi mặt đá nhau"dằng dai và tàn khốc chưa từng thấy đã xảy ra tại xứ sở của Rồng Tiên, với nhiều đại bang chủ nhào vô cá độ ăn thua đủ, làm cho con cháu Tiên Rồng lớp chết hàng đàn hàng đống không tài nào đếm xuể, lớp sứt càng gãy cựa tả tơi và bỏ chạy tứ tán bốn phương trời, còn cái tổ ấm thì tanh banh như cái bãi rác, khiến cho tôi lại đâm ra ngứa cổ phải bắt chước gà mà gáy lên vài ba hồi hoặc cục tác lên dăm ba tiếng cho đỡ ấm ức về những chuyện gà bươi.


Sở dĩ gọi là chuyện gà bươi vì những chuyện mà tôi sắp kể ra đây chẳng qua cũng chỉ là những mẩu chuyện thuộc loại "đầu gà đít vịt" về gà có dính dáng đến đám con cháu thuộc giòng giống Tiên Rồng được tôi bươi từ trong ký ức của "gà què ăn quẩn cối xay" ra rỉa mổ và lượm lặt lại để mua vui chứ không nhằm mục đích biên khảo, cho nên nếu có lẫn lộn cả rác rến thì cũng là lẽ tất nhiên thôi. 

Thoạt tiên, nói đến gà thì ai cũng nghĩ ngay gà là một loài gia cầm chuyên cung cấp thịt và trứng cho người. "Con gà cục tác lá chanh" mà! Câu ca dao này là bằng chứng cho thấy ông cha ta từ ngàn xưa đã nhận định cái cứu cánh của đời gà theo quan niệm của con người là như thế nào rồi. Đã thế, gà tuy cũng thuộc loài chim vì có cánh nhưng lại không bay được, cho nên cứ phải quanh quẩn với cái chuồng. Còn về mặt thẩm mỹ thì theo sự nhận định của con người, con trống vẫn được công nhận là phái khoẻ, nhưng cũng là phái đẹp vì được trời ban cho bộ mã rất màu mè sặc sỡ, khác hẳn con mái trông có vẻ thô kệch, cục mịch hơn, có lẽ cho dễ phù hợp với cái thiên chức "con gà mái đẻ" mà Tạo hóa đã dành sẵn cho. 

Không biết vào cái thủa ban sơ còn sống tự do trong thiên nhiên thì loài gà theo chế độ nào, nhưng từ khi gà được loài người cưu mang đem về nuôi thì gà bị người ép phải theo chế độ đa thê. Một chàng gà trống có thể được người giao cho quản lý ái tình cho một bầy gà mái. Tuy thế, anh chàng gà trống cũng không hề tỏ ra mệt mỏi. Còn các ả gà mái thì cũng chẳng bao giờ bận tâm với những chuyện ghen tương phiền phức, vì con ai nấy nuôi, mạnh ai nấy kiếm sống. Họa hoằn người ta mới thấy có ả gà mái nổi khí xung thiên sao đó mà trở thành "nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ". Trường hợp này không biết có phải vì ả gà mái này học lóm được câu ca dao "con gái cầm roi rược chồng" ở miền đất võ hay không thì tôi không dám quyết đoán. 

Tuy gà trống, gà mái hay gà con thì cũng là gà một nhà nhưng lại có vẻ như không dùng chung một thứ ngôn ngữ. Gà trống thì gáy còn gà mái thì chỉ biết cục tác, và gà con thì lại chiêm chiếp. Cái điều này có gây trở ngại cho gà trong việc truyền thông với nhau hay không thì tôi không rõ, nhưng đối với loài người thì sự khác biệt trong cách dùng ngôn ngữ của gà lại hóa ra rất có ích. Ngày xưa khi dân ta chưa có đồng hồ cơ giới hay điện tử để xài như ngày nay thì tiếng gà gáy được coi như tiếng chuông đồng hồ reo báo thức buổi sáng, vì gà có thói quen thức dậy rất đúng giờ giấc. Cứ đầu canh năm là anh chàng gà trống đã thức dậy rồi, và để bắt đầu cho một ngày mới, anh chàng nhất định thế nào cũng phải vuôn cánh rướn mình gân cổ gáy lên vài hồi để đánh thức cả làng cùng dậy theo mình. 

Gà mái thì lại có thói quen mỗi lần đẻ trứng xong là y như rằng làng trên xóm dưới đều biết vì cứ cục tác ỏm tỏi cả lên, ra cái điều kể công ta đây vừa rặn ra cho đời một niềm hy vọng mới. Chính vì gà đẻ là mang lại cả một nguồn hy vọng cho nên truyện ngụ ngôn mới có câu chuyện Gà đẻ trứng vàng đại ý như sau: Có một người thấy con gà của mình bỗng một hôm đẻ ra cái trứng vàng. Anh ta mừng lắm. Hôm sau lại thấy gà tiếp tục đẻ trứng vàng nữa, anh chàng bèn nổi máu tham nghĩ bụng nếu cứ đợi cho gà đẻ mỗi ngày thì lâu quá và lỡ như gà đổi ý thì hết mong, chi bằng mổ ngay bụng gà lấy hết trứng ra một lần luôn cho tiện và lại chắc ăn. Không ngờ khi anh chàng mổ bụng gà ra rồi thì chả thấy có trứng vàng nào cả mà gà thì cũng ngoẻo luôn. 

Cái mơ ước gà đẻ trứng vàng này có vẻ rất quyến rũ con người nên trước kia ở Miền Nam, khi Ngân hàng Việt Nam Thương Tín mới thành lập đã cho vẽ ngay cái hình con gà ấp trứng vàng làm biểu tượng để thu hút người dân đến gửi tiền vào trương mục tiết kiệm tại ngân hàng. Phiền một nỗi, vào cái thời buổi chiến tranh thì leo thang và nạn lạm phát thì trở thành phi mã, đồng tiền bị mất giá hàng ngày, cho nên khi mang quả trứng tươi gửi vào cho con gà Thương Tín ấp thì sau một thời gian quay lại ngân hàng lãnh về, thân chủ chẳng thấy trứng vàng đâu mà chỉ còn là quả trứng thối mà thôi. 

Gà đẻ rất nhiều và chỉ đẻ trứng rồi mới ấp cho nở thành gà con. Vịt cũng đẻ trứng nhưng lại không biết ấp nên nhiều khi con người lợi dụng ổ gà đang ấp để bỏ thêm vào vài cái trứng vịt cho nên lúc trứng nở ra thì lẫn lộn vừa gà con vừa vịt con. Gà mẹ có lẽ cũng thuộc loại khù khờ, kém thông minh, cho nên mới không biết phân biệt con gà với con vịt mà cứ coi tất cả đều là con mình để rồi cứ vui vẻ dẫn nhau đi kiếm ăn chung. Lúc ra đến bờ ao, mấy chú vịt con thấy nước là liền nhào xuống theo bản năng, còn gà mẹ thì đứng trên bờ mà cục tác cuống cà kê lo con mình chết đuối. Đúng là "mẹ gà con vịt chắt chiu". Câu tục ngữ này còn được dùng để ám chỉ về người như khi muốn nói về những chị vợ cả không con hay vì quá chân chất nên đôi khi cũng được mấy anh chồng tốt mã đi léng phéng mấy con gà mái tơ bên ngoài rồi mang luôn con riêng đem về cho vợ nhà nuôi luôn. 

Mặc dầu gà dễ nuôi nhưng gà cũng lại hay bị dịch chết hàng loạt. Ngày xưa ở nông thôn cứ mỗi lần thời tiết sang mùa và trời bắt đầu trở gió bấc là gà bỗng nhiên rủ nhau lần lượt đứng ủ rũ không còn chịu bươi quào ăn uống gì nữa rồi ngã lăn quay ra chết. Chính vì thế mà cứ mỗi khi thấy con gà nào bắt đầu tỏ vẻ hơi tiu nghỉu là chủ gà vội vàng đem ra làm thịt ăn gỡ gạc, hoặc mang ra chợ dụ kẻ khù khờ bán rẻ bán tháo để vớt vát tí vốn liếng, chứ không phải như ngày nay ở các nước tiên tiến và nuôi gà theo kiểu công nghiệp, hễ mà có dấu hiệu gà bị dịch là cả trại gà bị cơ quan vệ sinh phòng dịch ra lệnh mang chôn sống tập thể để tránh lây lan và cũng không được làm thịt bán ra cho người mua về ăn để tránh truyền bệnh dịch cho người. 

Mặc dù ngày nay gà thường được nuôi theo kiểu công nghiệp trong những trại gà quy mô to tát, nhưng ngày xưa, khi đám con cháu Tiên Rồng còn quen sống co cụm trong các làng mạc ở nông thôn sau mấy lũy tre xanh và chuyên nghề cày cấy thì nhà nào cũng có nuôi ít ra là dăm ba con gà theo kiểu thả lỏng, trước là để cho nó tự kiếm ăn và lượm lặt mấy hạt thóc rơi vương vãi kẻo uổng, sau đó là vào những ngày tết ngày giỗ, hay những khi có lễ lạc đình đám, gia chủ còn có con vật đem ra giết thịt để làm mâm cơm tươm tất cúng tổ tiên, thết đãi họ hàng làng nước. 

Nhờ dân ta ai cũng quen cái lề lối nuôi gà bằng cách thả lỏng ấy mà trước đây cụ Nguyễn Khuyến khi đã về hưu quan, phải sống cuộc đời thanh bạch, gặp lúc bạn hiền cũ đến thăm mà không có gì để thết đãi khách qúy, mới vin vào cái cớ đó để mà tạ lỗi cùng khách qua câu thơ: "Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà..." Và sau đó là cụ đã có thể an tâm mà tiếp khách chỉ bằng cái tình: "Bác đến chơi đây ta với ta". 

Vì thịt gà được coi là "món ngon vật lạ" cho nên gà thường được dùng để lễ tạ thánh thần, làm món quà biếu xén, lễ tết quan, thầy v.v... Ngày xưa dân có chuyện phải đến cửa quan là y như rằng có dẫn theo cặp gà sống thiến để giúp mình đỡ run khi phải bẩm báo trước mặt quan. Nếu được quan vui vẻ phê cho vài chữ suông sẻ là kể như "Bút sa gà chết". Cha mẹ muốn cho con mình đua đòi dăm ba chữ thánh hiền cho nở mày nở mặt với thiên hạ thì hôm đầu tiên dẫn đứa bé đến trường cũng phải kèm theo một mâm xôi có con gà luộc mang đến cho thầy làm lễ ra mắt tiên sư trước đã, sau đó thầy mới mở cánh cửa Khổng sân Trình cho đứa bé bước vào. Còn khi dùng gà để cúng thần, cúng tổ, thì thần thánh chỉ chứng giám qua cái lòng thành thôi, cho nên sau khi cúng xong thì con gà vẫn còn nguyên đó, người ta chỉ cần đem cặp chân gà cúng ra xem xét hình dạng để nghiệm đoán xem ý thần thánh ứng cho lành hay dữ, còn con gà thì chia nhau đánh chén. 

Mặc dù khi sắp hạng các phần trong cơ thể của gà theo mặt sành ăn thì các cụ vẫn bảo: "Nhất phao câu, nhì đầu cánh". Tuy nhiên khi thẩm định giá trị tinh thần của miếng ăn thì cái đầu bao giờ cũng là tượng trưng cho phần cao qúy nhất cho nên ở chốn đình trung, mâm cỗ của các bậc trưởng thượng mới có cái đầu gà, và mặc dù cái đầu gà thì chỉ xương xẩu và lớn cỡ đầu ngón chân cái nhưng cũng phải chặt đôi chẻ tư sao cho đồng đều để cho các cụ mâm trên ai cũng được hưởng một phần vinh dự, bằng không thì thế nào cũng có màn vỡ đầu sứt trán vì "Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp"! 

Riêng cặp chân gà thì toàn xương và gân thôi, bỏ đi thì tiếc mà ăn thì cũng chỉ có mỗi một cách là gặm đi gặm lại cho đến chừng nào không còn gặm nổi nữa đành bỏ. Tuy thế cái này lại rất hấp dẫn với dân nhậu. Kể ra nếu được ngồi với một người bạn hiền để vừa lai rai gặm cái chân gà vừa nhâm nhi xị rượu rồi cùng nhau đàm đạo về chuyện xưa tích cũ có anh chàng Dương Tu bị Tào Tháo giết, chỉ vì viên tướng trẻ ngông nghênh này đã nói toạc tim đen của ngài thừa tướng đa nghi khi ban ra cái mật khẩu "gân gà" cho ba quân, xem ra vẫn mang chút khí phách của kẻ trượng phu, chứ không giống như phường tục tử, chỉ biết xúm vào tranh nhau bươi dĩa thịt gà rồi vừa nhai ngấu nghiến vừa đấu láo tào lao về mấy con gà mái ghẹ. 

Thịt gà đã được coi là ngon tất nhiên trứng gà lại càng được coi là ngon và bổ hơn nữa. Đối với kẻ sống ở những nước tư bản ngày nay thì trứng gà, thịt gà là cái món thực phẩm bình dân ê hề và rẻ tiền chứ ở quê nhà vào cái thời mà đời sống kinh tế còn phải thắt lưng buộc bụng thì các cụ nhà ta chỉ dám ăn trứng vịt chứ không bao giờ dám nghĩ đến chuyện ăn trứng gà, mà trứng gà chỉ để ấp lấy con, họa hoằn mới được dùng làm thuốc hay món tẩm bổ cho người bệnh. Qua cái thời bắt đầu va chạm với văn minh Tây phương thì dân ta mới dần dần nghĩ đến chuyện dùng trứng gà để ăn thường ngày. Bữa ăn sáng bằng ổ bánh mì với hai quả trứng gà "ốp la" hoặc một tô phở nóng có đập thêm quả trứng gà là biểu hiệu cho cả một cuộc sống sang trọng và sung túc. Ngoài ra, vì thịt gà còn được các vị lương sư Đông y thẩm định là ăn nên thuốc cho nên gà còn được mấy ông thầy lang ta dùng để ra thực đơn tẩm bổ cho người bệnh như món gà giò hầm thuốc bắc chẳng hạn. 

Khi gà bị giết thịt thì lông thường được bỏ đi chứ không có giá như lông vịt. Tuy nhiên các tay thợ thủ công chuyên sản xuất đồ gia dụng cũng hay chọn ra một ít lông tốt và đẹp để dùng làm một loại chổi bán cho người cần phủi bụi bàn ghế hay đồ đạc. Danh từ thông thường gọi đó là cái phất trần theo như ngoài Bắc, hoặc nôm na hơn như trong Nam thì gọi là cái chổi lông gà, nhưng đối với đám trẻ con hay mấy anh chồng thuộc loại râu quặp thì hay gọi nó bằng cái tên chữ là "kê mao côn", vì nó còn được coi như một loại vũ khí rất tiện dụng, thường được mấy ông bố bà mẹ dùng trong môn võ đánh đòn vào những lần trị tội mấy đứa con ngỗ nghịch, hay mấy bà vợ già La sát khi cần ra chiêu trấn áp để hỏi tội đức ông chồng của mình. 

Ngoài ra gà không phải chỉ là món thực phẩm khoái khẩu chỉ dành riêng cho người mà còn nhiều loài sinh vật khác cũng tích cực hưởng ứng tranh phần: từ những loài thú bốn chân như chồn, cáo cho tới loài chim trên trời như quạ, diều, và ngay cả loài bò sát như trăn, rắn v.v... cũng thích rình bắt gà để ăn thịt. Câu ca dao sau là cả một bằng chứng:

Chiều chiều quạ nói với diều
Ở trong bụi rậm có nhiều gà con 

Cũng vì cái cùng đích của đời gà là để bị giết thịt và suốt cuộc đời của gà từ lúc mới từ trong trứng nứt ra thì cũng đã đầy dẫy những hăm dọa bất trắc, cho nên gà thường chết yểu. Được cái, gà sinh sản mau chóng và lớn nhanh như thổi cho nên người ta mới nói "còn gà mái thì còn gà giò". Câu này còn hay được người dân quê ngày xưa đem ra dùng để an ủi những cặp vợ chồng trẻ nào chẳng may phải mất đi một đứa con nhỏ vì tai nạn rủi ro, đau ốm bệnh tật, hay không nuôi được, vì người ta nghĩ rằng còn vợ còn chồng thì cho dẫu có mất đi đứa con này, ông trời cũng sẽ đền bù cho họ đứa con khác. Ngoài ra khi thấy người đàn bà nào mắn con và sinh nở mau mắn thì người ta cũng hay nói người ấy đẻ như gà.

Vì cuộc sống của gà có nhiều cái gần gũi và quen thuộc với người cho nên người ta cũng hay đem những đặc tính nhận xét thấy nơi gà để miêu tả về người. Thấy kẻ nào hay nhút nhát, chậm lụt thì người ta bảo là đồ gà chết, đồ gà nuốt dây thun. Người mà mỗi khi có động tĩnh gì thì mặt mày tái mét không còn hột máu, thì người ta bảo là mặt mày trông giống như cái thứ gà bị cắt tiết. Người nào hay bồn chồn nôn nóng khi có một điều vui mừng hoặc cứ lăng xăng cuống quýt khi gặp việc lo lắng bối rối thì người ta bảo lính quýnh như gà mắc đẻ. Người hay ăn nói hớ hênh, bộp chộp, cho nên cứ vô tình để lộ cho người khác nhận ra cái điều người ấy muốn che dấu, hoặc những kẻ có tính thích tự khoe khoang cho người khác biết việc mình đã làm thì người ta ví họ giống như là Gà đẻ gà cục tác... 

Khi ngồi vào mâm cơm mà cứ hay quậy đũa vào món này, chọt đũa món nọ lung tung rồi mới chịu gắp một miếng và lúc ăn thì vương vãi cả ra mâm, thì người ta bảo người ấy ăn uống như gà. Người được giao cho một công việc gì đó để làm nhưng khi rớ tay vào thì vừa luộm thuộm, vừa không xong đâu vào đâu, hay chỉ bây bưa thêm ra cho người khác phải mất công dọn dẹp thì người ta bảo là làm như gà bươi. Người mới đầu hôm đã lo đi ngủ thì người ta bảo đi ngủ như gà. Mắt người nào không trông rõ vào lúc nhá nhem tối giống như mắt gà vào lúc chạng vạng thì người ta bảo mắt người ấy bị bệnh quáng gà.

Ngoài những nét thông thường không có gì đáng để cho mình tự hào đó, gà còn có một đặc tính tiêu biểu được con người đem ra khai thác để làm niềm vui cho mình, đó là cái tật hay đá nhau. Loại gà thường thì chỉ đá nhau vài ba hiệp rồi con nào tự lượng sức mình không đấu nổi thì bỏ chạy là xong. Tuy nhiên có một loại gà nữa rất háo thắng, chỉ biết đá nhau cho tới khi chết bỏ chứ không hề có chuyện đầu hàng hay hòa giải. Đó là loại gà chọi hay còn gọi là gà nòi. Loại gà này to con, giò cổ cứng cáp, ít lông, cựa khoẻ, da và mặt thường đỏ gay, còn dáng dấp thì hùng hổ cứ như là dũng sĩ, vì thế người ta mới nuôi loại gà này chỉ cốt để chúng đá nhau cho mình xem và cá độ ăn tiền với nhau. Loại gà này bao giờ cũng được chủ cất chuồng cho ở riêng, cho ăn uống đầy đủ và được săn sóc đàng hoàng chứ không buông thả như gà thường, và trong bao lâu mà gà vẫn còn khả năng đấu đá chứ chưa gục ngã tại đấu trường thì vẫn được chủ tâng tiu hết mình. 

Trong số người đam mê môn chọi gà cũng có người xem chọi gà như là một cái thú nhằm tìm hiểu võ nghệ của loài gà để học hỏi thêm cho mình, nhưng rất nhiều người chỉ coi việc chọi gà như một cái thú cờ bạc. Thông thường những cuộc chọi gà không phải chỉ có chủ mấy con gà ăn thua với nhau mà còn có sự tham dự đông đảo của quần chúng hâm mộ. Người ta đánh cá với nhau về những con gà đưa ra đấu cũng giống như đánh cá ngựa ở trường đua, và trường gà nào có gà đá càng hay thì sòng cá độ gà càng lớn, càng sôi nổi. 

Không biết có phải vì hay gần gũi với gà và quen đem người ra mà so sánh với gà nên dần dà đám con cháu Tiên Rồng bị tiêm nhiễm luôn cái tiếng gà để gọi thay cho tiếng người khi nói về người, mà hầu như trong bất cứ lãnh vực nào, từ thể thao, văn hóa, quân sự, cho tới chính trị, khi một cá nhân nào đó được một cá nhân khác, một nhóm, một tập thể, một tổ chức v.v... đứng ra bảo trợ để thực hiện một công việc nào đó là y như rằng người đó sẽ được gọi ngay là con gà như chúng ta vẫn từng nghe thiên hạ bảo nhau: tên đó là con gà của tổ chức này, gã nọ là con gà của phe kia v.v... Không biết khi nghe loài người cũng gọi người là gà thì loài gà có cảm thấy vinh dự lây hay không, nhưng trong giòng giống người thì từ khi dùng tiếng gà để gọi người, xem ra cái phẩm chất của người cũng có biến thái đi nhiều lắm. 

"Con công ăn lẫn chuồng gà", câu tục ngữ này vừa có ý tiếc rẻ cho con công đẹp đẽ và mang phong thái của loài chim quý nhưng khi bị người bắt về nuôi và cho ăn ở lẫn lộn với đám gà thì cũng phải đánh mất đi rất nhiều những nét hay đẹp của loài giống mình. Tổ tiên xưa của đám con cháu Tiên Rồng khi bắt đầu dựng nước cũng đã từng nhìn thấy trước cái viễn ảnh con cháu mình sau này sẽ có ngày không còn mang cái phẩm chất tiên rồng nữa mà bị nhiễm cái bản chất của gà cho nên cũng đã từng căn dặn trước: 

Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. 

Thế nhưng, đám con cháu sau này kể từ khi bị lây nhiễm cái bản chất gà trong người rồi thì cũng không làm sao tránh khỏi cái nạn lâu lâu lại giở trò đá nhau tơi bời một trận. Không những thế, trong số con cháu bị lây bản chất gà, thỉnh thoảng lại còn thêm vài tên nhiễm phải bản chất của loại gà toi cho nên khi thấy mình yếu thế thì cũng không ngần ngại chơi trò lòn lưng "Cõng rắn cắn gà nhà", để cho nó diệt bớt đối thủ giùm mình. 

Quay trở lại cái năm Ất Dậu 60 năm về trước thì lúc ấy cái mảnh giang sơn gấm vóc của tổ tiên để lại cho con cháu giòng giống Tiên Rồng đang bị cai trị bởi ba tầng áp bức: nào là thực dân Tây, phát xít Nhật, cọng thêm cái ngai vàng loang lổ của mấy ngàn năm phong kiến đã đến hồi lung lay, nhưng vẫn còn đè nặng lên đầu lên cổ người dân. Cũng vì thế mà vào cái năm con gà thiếu thóc này dân nghèo bỗng ngã ra chết đói như rạ, khiến cho anh hùng mọc lên như nấm. Các vị anh hùng này không thể cầm lòng trước những cảnh thương tâm xa xót của giòng giống mình, nên mới nhảy ra hô hào tất cả con cháu Tiên Rồng hãy mau mau cùng nhau hiệp lực làm một cuộc cách mạng để xóa bỏ mọi bất công áp bức hầu mang lại quyền sống và quyền được ăn được nói cho mọi người. 

Có lẽ cũng tại vì cuộc cách mạng lại xảy ra nhằm vào năm con gà và các vị anh hùng đứng ra lãnh đạo thì có lẽ trong đời cũng đã từng có lần nếm nhầm món thịt gà bị dịch cho nên nếu không mang mầm mống của bệnh dịch thì cũng vướng phải bệnh quáng gà cho nên mới loạng quạng "trông gà hóa cáo" và biến cách mạng thành cái trò chơi "xúi con nít ăn cứt gà" lúc nào không hay biết. Chính vì thế mà sau khi đám con cháu Tiên Rồng hớn hở hè nhau lật đổ nhào ba tầng áp bức xong thì bỗng thấy tất cả cứ như "vắng chủ nhà gà bươi bếp". Sau đó thì các vị anh hùng xưng là lãnh đạo chỉ biết quay ra gân cổ cãi nhau theo kiểu "ông nói gà bà nói vịt", rồi bày trò "gà nhà bôi mặt đá nhau" và đem cái giang sơn gấm vóc của tổ tiên để lại biến thành cái trường đá gà vĩ đại để cho các tay đại bang chủ quốc tế tha hồ mà nhào vô cá độ ăn thua đủ. 

Mặc dù trận đá gà khởi đầu vào cái năm Ất Dậu và kéo dài dai dẳng trong ba thập niên đó cũng đã kết thúc từ lâu, gà nào chết thì cũng đã chết, gà nào sống thì cũng đã cố gân cổ gáy vài hơi chiến thắng, cũng như gà nào què giò gãy cựa thì cũng đã được lùa vô rừng cho mổ sỏi đá, để cho các đại bang chủ từng nhào vô cá độ cũng rã sòng, ai về nhà nấy từ khuya, nhưng dư âm của trận đấu thì vẫn còn vang vọng cho tới ngày nay, và riêng về đám con cháu Tiên Rồng thì hình như cho tới nay vẫn chưa làm sao tẩy sạch cái bản chất lai gà trong người cho nên vẫn tiếp tục thích chơi cái trò bôi mặt xanh mặt đỏ cho nhau rồi nhìn nhau sửng cồ chứ không để ý gì đến chuyện mình phải làm cái gì hay cách nào để mang lại vẻ vang cho giòng giống. 

Kể chuyện gà bươi thì còn bươi là còn chuyện để kể nhưng càng bươi thì lại càng thêm rác cho nên tôi xin tạm ngưng bươi để cầu xin sao cho năm Ất Dậu này, đám con cháu Tiên Rồng mau trừ khử được cái bản chất lai gà để trở lại thuần nhất bản chất Tiên Rồng, thì mới mong có ngày mang lại sự rạng rỡ cho giòng giống mình được. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment