Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Thursday, April 18, 2013

Chuyện Buồn Thời Kháng Chiến

Kính dâng hồn thiêng các vị anh hùng, liệt sĩ 
đã hy sinh vì đại cuộc chống Cộng cứu nước 

Một nhóm hơn bốn mươi anh em học sinh trường Trung Học cấp II tỉnh Bình Ðịnh, đã lên đường tòng quân vào mùa Hè năm 1949. Trên chuyến tàu lửa đêm ngược bắc khởi hành từ ga Bồng Sơn hôm ấy, cả bọn đều ngồi chung một toa xe, say sưa trò chuyện và chốc chốc lại hát bài hát mà họ đã hãnh diện đồng ca trong buổi lễ tiễn hành trước đó không lâu, do quý vị giáo sư và bạn bè cùng trường tổ chức: "Ðoàn Vệ Quốc Quân một lòng ra đi là có mong chi đâu ngày trở về. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi, ra đi thề chết chớ lui.."
Thật vậy, lời ca đã khích động lòng yêu nước bồng bột, hăng say tột cùng của tuổi trẻ. Hàng vạn thanh niên, học sinh thời bấy giờ đã dám coi thường mọi gian nguy và xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhưng để rồi sau đó chẳng bao lâu, cũng không biết bao nhiêu người trong hàng ngũ kháng chiến chống Pháp đã thất vọng, hối hận khi nhận chân được bộ mặt thật của cái gọi là "Mặt Trận Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh" (1).

Sau ba tháng thụ huấn cấp tốc về quân sự tại một trường võ bị thuộc Liên Khu V, hầu hết các tân binh đồng khóa được bổ sung vào các đơn vị tác chiến ở Cao Nguyên Trung Phần và Nam Khánh, đang thiếu hụt quân số trầm trọng. Huân - một trong số hơn bốn mươi anh em học sinh nói trên - được thuyên chuyển đến phục vụ tại cơ quan Thông Tin Liên Lạc trực thuộc Bộ Tư Lệnh Liên Khu sở quan. Ðơn vị của Huân đóng quân tại Bình Thành, một làng nhỏ ven núi thuộc quận Nghĩa Hành, cách xa thị trấn Quảng Ngãi khoảng hai mươi cây số về phía Tây. Huân đến trình diện thì đơn vị của anh cũng vừa mới dời về đồn trú nơi đây gần tròn một tuần lễ. Các văn phòng của cơ quan đã được đặt tại các tư gia bị trưng dụng. Cán bộ, sĩ quan và binh sĩ cũng chia ra ở rải rác trong những căn nhà của dân. Mọi cơ sở quân chính khác của đơn vị đều được xếp đặt đâu vào đấy, nhờ vậy mà Huân đã có thể bắt tay vào công vụ trong ngày đầu tiên mới đến và cũng đã dễ dàng am hiểu được tình hình quần chúng địa phương, phần lớn qua anh em đồng đội.

Cũng như những làng cận sơn khác, Bình Thành dân cư không mấy đông đúc và chuyên sống về nghề nông, nhưng đất đai lại cằn cỗi. Hơn hai phần ba diện tích canh tác là nương rãy, phần còn lại thì ruộng mỗi năm chỉ sạ được một mùa lúa. Con sông nhỏ duy nhất mang tên làng từ núi đổ xuống, thường không đủ nước tưới ruộng nên hoa màu cũng hay bị thất thu. Chẳng những thế mà trong vài năm qua, sản lượng ruộng đất lại bị bình nghị quá cao, thuế suất nông nghiệp càng nặng. Thuế đảm phụ quốc phòng từ mấy năm trước cũng bị tiếp tục truy thu theo thể thức lũy tiến và cả hai thứ thuế dân chúng đều phải thanh nạp bằng thóc. Bởi vậy, nạn thiếu hụt lúa gạo đã xảy ra dồn dập, triền miên và quanh năm suốt tháng, dân địa phương phải ăn cơm nấu bằng một phần gạo ghé đến năm bảy phần khoai lang, sắn mì hoặc mít khô. Ðời sống của họ thật quá vất vả, cực khổ.

Qua những buổi sinh hoạt tập thể với dân làng - theo kế hoạch dân vận của đơn vị đề xuất - Huân đã có dịp tiếp xúc và quen biết nhiều người, trong số có bà Chương, một cụ già hiền từ nhưng gương mặt lúc nào cũng lộ một vẻ buồn kín đáo. Và Mai người cháu nội gái của bà Chương mà anh em bộ đội đồn trú nơi đây thường gọi đùa là "đóa hoa miền sơn cước". 

Bà Chương rất mến Huân và anh cũng thường đến thăm viếng gia đình bà trong những lúc rảnh rỗi. Lần nào đến thăm, Huân cũng được hai bà cháu cụ Chương niềm nở tiếp đón và đãi ăn, không mít ướt, mít ráo thì cũng khoai luộc hay bột mì khuấy đặc chấm tương. Dần dần họ trở nên thân mật, bà Chương đã gọi Huân bằng "cháu" thay vì tiếng "cậu" và Huân cũng không còn xa lạ gọi Mai bằng "cô" như trước nữa.

Một hôm đến chơi nhằm ngày Chúa nhật, Huân được cầm ở lại và sau bữa cơm thân mật gia đình, bà Chương ân cần hỏi thăm về quê quán của Huân. Cụ cũng cho anh biết sơ lược về gia cảnh thật bi thương của bà: ông Chương xưa kia là một nhà Nho, đã từng tham gia hoạt động trong các tổ chức bí mật kháng Pháp vào cuối thập niên 1930. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông được đề cử giữ chức vụ Ủy Viên Ban Chấp Hành của Mặt Trận Việt Minh (1) tỉnh Quảng Ngãi. Trong một chuyến công tác của đoàn thể vào một đêm mùa Ðông mưa gió năm 1947, ông Chương đã bị chết trôi trên dòng sông Vệ. Nhưng sau đó có người đã khám phá ra trên thi thể ông có một vết đạn xuyên qua lồng ngực! 

Ông Văn, con trai của ông bà Chương, đã gia nhập Giải Phóng Quân trong những ngày đầu của cuộc Khởi Nghĩa Mùa Thu 1945. Hơn hai năm chiến đấu ngoài mặt trận, ông Văn được giải ngũ vì bị thương mất một cánh tay và khoảng một năm sau đó thì ông từ trần vì bệnh sốt rét rừng. Sau cái tang chồng đau đớn chưa giáp thất tuần, bà Văn đã phải gạt nước mắt nhận lệnh đi "dân công tiếp vận chiến trường". Trong một đêm mưa to gió lớn, không may bà đã bị cây ngã đè chết và bỏ thây tại vùng núi rừng hiểm trở miền Tây, nơi giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Bà Chương nghẹn ngào giây lát ngó sang Mai (đang ngồi kéo chỉ ở phía cửa hông) rồi với giọng chầm chậm cụ kể tiếp: 

"Chúng tôi chỉ có một người con trai và một đứa cháu nội gái duy nhất. Cháu Mai năm nay mới lên 16 nhưng đã phải bỏ học từ mấy năm qua, để lo việc chăm sóc ruộng vườn sinh sống và cũng để giúp tôi một tay sửa chữa lại căn nhà nầy - trước kia là kho chứa nông cụ - để ở, vì ngôi nhà cũ của chúng tôi ở đằng kia (bà chỉ tay về phía ngôi nhà lớn ba gian cách đó độ vài trăm thước) Chính Phủ đã mượn chứa lúa thuế hơn một năm nay. Tội nghiệp cháu Mai đã chịu nhiều khổ cực quá sớm, từ ngày cha mẹ cháu qua đời". 

Bà Chương đưa khăn vuông trầu lên lau nước mắt. Huân liếc nhìn và bắt gặp đôi mắt Mai long lanh qua màn lệ mỏng. Mai đơn sơ trong chiếc áo cánh vải màu đen và vẫn ngồi chăm chỉ công việc quay xa kéo sợi nhưng không dấu được nét buồn thoáng hiện trên khuôn mặt ngây thơ thùy mị dễ mến của người con gái tròn hai tám. Trời đã đổ bóng chiều, Huân cáo từ bà Chương và Mai ra về nghe lòng nao nao thương cảm.

Sau gần hai tháng đóng quân tại Bình Thành, vào một chiều cuối tuần Huân nhận được lệnh chuẩn bị để cùng với đơn vị dời đi nơi khác, vào giữa đêm cùng ngày. Huân vội vàng đến chào tạm biệt bà Chương và Mai rồi trở về nhà lo thu xếp hành lý. Ngồi bên chiếc ba-lô dây đã nịt chặt, Huân thẫn thờ nhìn ra đêm tối qua khung cửa sổ và nghĩ ngợi, hình như còn có một việc gì chưa làm xong. Bỗng nghe có tiếng động nhẹ ở cánh cửa trước Huân khấp khởi mừng và vội đi tới mở cửa thì ra lại gặp Phượng người bạn gái cùng lứa và chí thân của Mai.

 Phượng trao cho anh mảnh giấy nhỏ có dòng chữ: "Huân đi mạnh giỏi. Nhớ về Bình Thành thăm bà và em!" và bảo nhỏ là của Mai nhờ chuyển, rồi vụt chạy ra ngõ. Huân dõi theo, nghe có tiếng cười nói thì thầm và thấy thấp thoáng bóng Mai cùng Phượng lẩn khuất dần trong màn sương đêm. 

Huân trở vào khép kín cửa rồi ngồi xem lại từng nét chữ của Mai trên mảnh giấy. Huân cảm thấy quí mến Mai nhiều hơn qua hành động, mà trong giây phút đầu anh đã nông nổi có ý hờn trách. Dòng chữ của Mai thật ngắn, nhưng lại là một bài thơ dệt bằng nhiều ý tưởng cao đẹp và dài bất tận đối với Huân. Huân xếp mảnh giấy có dòng chữ của người anh yêu mến, không phải để cất vào ba-lô hành lý mà để nắm thật chặt vào lòng bàn tay, như cố giữ một kỷ vật trong hành trang của cuộc đời mình.

Cũng như phần đông những cơ quan quân sự khác trong thời chiến, đơn vị của Huân thường di chuyển luôn và ít có khi nào đóng quân tại một địa điểm lâu hơn vài tháng. Ðường về Bình Thành do đó đôi lúc cũng thật xa cách. Dù vậy, Huân vẫn cố gắng đi lại thăm gia đình Mai, thoảng lâu lắm cũng mỗi tháng một lần.

Hơn hai năm xuôi ngược khắp miền sông Trà núi Ấn (2), lần đầu tiên Huân nhận được lệnh đi công tác ngoài tỉnh. Suốt đêm trước ngày lên đường Huân trằn trọc mãi không ngủ được, phần thì lo nghĩ đến chuyến công tác có tính cách đặc biệt của mình, phần vì nôn nao bởi hơn cả tháng rồi mà chưa có dịp gặp lại Mai. Gà vừa gáy đầu, Huân đã choàng dậy và hối hả cụ bị hành lý ra đi, để có dư chút thì giờ ghé ngang qua Bình Thành thăm gia đình bà Chương.

Vừa trông thấy Huân đến từ ngoài ngõ, hai bà cháu Mai đã ra tận ngoài sân mừng đón và anh cũng vui không kém. Bà cụ dạo nầy không được khỏe lắm, còn Mai thì trông gầy hơn trước. Trong bữa cơm trưa thanh đạm đãi Huân, bà Chương ngỏ lời cầu chúc Huân bình yên trong chuyến đi và vì chỗ thân tình, nên bà cũng không ngần ngại cho anh biết về đồng công đồng nợ cùng sự làm ăn sa sút của gia đình bà. Bà Chương nhìn Mai tỏ vẻ thương hại rồi xoay qua phía Huân bà nói như có ý ngầm gởi gắm một điều gì, nếu một mai bà có mệnh hệ nào: "Phần tôi đã già rồi không kể chi, chỉ tội nghiệp cho cháu Mai còn nhỏ dại, côi cút!" Huân im lặng như cùng chia xẻ nỗi ưu tư của người thân và cũng thầm lo âu, liệu đời lính nay đây mai đó của mình có giúp đỡ dược gì cho cuộc sống của Mai, trong cái xã hội đầy bất trắc nầy không?

Mặt trời đã xế bóng, Huân vội từ giã lên đường. Mai được phép bà nội theo tiễn chân anh một đoạn đường. Bà Chương dừng trước ngõ vẫy tay nhìn theo cho đến khi Mai cùng Huân khuất sau lũy tre. Ðến bờ phía Nam sông Bình Thành, Huân dừng lại và chưa kịp nói gì thì Mai đã trao biếu anh một bọc kẹo dừa gói bằng lá chuối khô. Bên ngoài bọc kẹo bao thêm chiếc khăn tay màu trắng. Ở một góc khăn có thêu chỉ màu hai chữ M và H nằm gọn gàng trong lòng hai nhánh hoa hường đậu vòng nguyệt. 

Kể từ ngày thân nhau, lần đầu tiên Mai đánh bạo cầm lấy tay Huân và run run lập lại lời mà nàng đã từng nói với anh nhiều lần: "Huân đi mạnh giỏi. Nhớ về Bình Thành thăm bà và em". Huân âu yếm siết chặt tay Mai trong lòng hai bàn tay của anh và nghe lòng xao xuyến lạ thường. Huân mím đôi môi và cảm thấy có vị mằn mặn. Mai cũng kéo vạt áo dài lau nhanh nước mắt. Trong giây phút liên hệ tình cảm thiêng liêng nhất của tuổi trẻ, họ như không muốn rời nhau. Nhưng đời vẫn là những chuỗi dài chia tay.Huân sang bên nầy bờ sông, đưa tay vẫy chào tạm biệt Mai và lủi thủi bước đi những bước chậm chạp. Nét buồn của Mai trong cuộc chia tay mỗi lúc như càng tô đậm trong trí óc và gợi thêm niềm nhung nhớ. Bất giác anh cảm thấy lo sợ khi liên tưởng đến truyện "Bến Tương Giang" ngày xưa. 

Quả vậy, sông Bình Thành đã trở nên dòng ngăn cách buồn thương giữa Mai và Huân sau nầy.

Huân đáp chuyến xe lửa xuôi Nam, khởi hành từ ga Quảng Ngãi lúc 9 giờ tối hôm ấy. Ngồi thu mình trong tấm chăn vải mỏng Huân xếp cẩn thận và cất vào túi áo chiếc khăn tay mà Mai đã bọc ngoài gói quà biếu anh ban chiều, rồi lần bốc từng miếng kẹo dừa bỏ vào miệng. Hương vị ngọt ngào của kẹo như ngấm sâu vào tim anh nghe lòng ấm áp. Huân cảm thấy thấm thía và biết nói mấy cho vừa cái ý nghĩa cao đẹp, mặn mà trong "những tình đơn sơ".

Ðêm càng khuya, tiếng khua chạm từ những bánh xe lửa lăn trên đường sắt nghe mỗi lúc một rõ và nhịp nhàng, tiếng ồn ào của hành khách lại im lặng dần. Huân và một vài người bạn đồng hành vẫn còn ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Trăng hạ tuần tháng bảy đã mọc soi bóng con tàu đang lướt nhanh trên những ruộng mía, bờ lau và núi đồi cũng chập chờn hiện lên bên lưng trời trong xanh phía Tây. Một sĩ quan Công An Quân Pháp - người bạn vong niên của Huân, quê ở quận Ðức Phổ tỉnh Quảng Ngãi - ngồi bên cạnh trò chuyện và kể cho Huân nghe những danh lam, thắng cảnh cùng nhiều câu chuyện huyền bí về rừng thiêng núi hiểm ở Quảng Ngãi. Cuộc nổi dậy chống Chính quyền thời bấy giờ của "người Việt miền núi" (3) ở quận Sơn Hà, anh ấy kể nghe thật rùng rợn.

Sau khi đề cập đến các địa danh "Liên Trì Dục Nguyệt" và "Thiên Bút Phê Vân", Tâm (tên người sĩ quan Công An Quân Pháp) tỏ vẻ thương tiếc và thắc mắc về cái chết mờ ám của cụ Huỳnh Thúc Kháng (4), trong lúc đi kinh lý tại tỉnh nầy mấy năm về trước. Tâm cho hay, chính anh là một trong những người có trách nhiệm bảo vệ an ninh và hướng dẫn cụ Huỳnh đến thăm hai thắng cảnh nói trên, trước khi cụ từ trần chỉ có vài hôm. Qua sự trao đổi về hiện tình đất nước, Tâm choàng tay nắm chặt vai Huân và xa gần tâm sự: "Ðời trai chúng mình chắc còn nhiều gian lao đối với quê hương dân tộc, đang trong cảnh họa vô đơn chí nầy!" Câu nói của Tâm thật đã phản ảnh đúng tâm trạng, chẳng những của giới thanh niên mà chung cho cả những người yêu nước thời kháng chiến, vừa lo chiến đấu chống ngoại xâm mà cũng vừa ý thức được hiểm họa nội thù. Lớp người trẻ tuổi cùng tâm tư và chí hướng thật dễ thông cảm nhau và bộc trực những điều riêng tư, kể cả những điều mà họ có thể sẽ đón nhận những hậu quả nguy hại không lường được.

Bóng trăng treo chênh chếch trên rặng núi miền An Lão thuộc tỉnh Bình Ðịnh đã mờ dần, sau dãy Trường Sơn trùng điệp. Con tàu bò lê thê mệt mỏi rồi cũng ngưng hẳn, sau một hồi còi dài. Huân cùng Tâm rời khỏi toa xe và nắm tay nhau băng qua đám cỏ còn đẫm ướt sương đêm, để đi đến hướng có ánh đèn leo lét gần đó. Họ vào một quán ăn, gạnh bên một vách tường của nhà ga Bồng Sơn Bắc đổ nát bởi bom đạn và sau khi điểm tâm qua loa, hai người bạn trẻ bùi ngùi chia tay nhau, mỗi đứa phiêu bạt một phương trời.

Chiều cùng ngày Huân lội bộ đến đầu cầu Bồng Sơn Nam, để tiếp nối cuộc hành trình bằng chuyến "xe goòng" đêm (5). Tại đây Huân gặp lại Hòa - người bạn học cũ sau hơn hai năm xa cách - nay đã trở thành một phế binh. Hòa đưa Huân vào quán nước của anh và chặt dừa non mời Huân giải khát. Trong nỗi mừng mừng tủi tủi, Hòa kể cho Huân nghe nào chuyện "kẻ còn người mất" trong đám bạn bè của họ, đến cao trào chống đối của nhân dân khắp nơi, sau những vụ xử tử các vị giáo sư cùng các bạn thanh niên và học sinh nhiệt tình yêu nước tại Bình Ðịnh như: Nguyễn Hữu Lộc, Ðoàn Ðức Thoan, Võ Minh Vinh, Ðoàn Thế Khuyến và Nguyễn Hữu Thạnh. Những cuộc đàn áp man rợ tiếp theo của Chính quyền thời bấy giờ, qua các cuộc ruồng bắt, tù đày hàng loạt các nhà tu hành, những nhân sĩ và đảng viên của các đảng phái có tiền tích chống Pháp Nhật, cũng được Hòa tuần tự tường thuật chi tiết. Hòa thở ra nghe thật não nề và kể tiếp về chuyện đời anh: 

"Sau khi Huân tòng quân độ một tuần lễ thì tôi cũng xung phong gia nhập Vệ Quốc Ðoàn. Hơn một năm lăn lóc ngoài mặt trận, tôi đã bị mìn cướp mất một chân tại chiến trường An Khê rồi được giải ngũ về sống một cuộc đời khác hơn xưa như anh đã thấy". Hòa lơ lãng ngó lên mái quán lợp lá dừa đã hư dột, rồi nhìn sang Huân và với giọng tự mỉa mai mình, nhưng cũng hàm ý hứa hẹn một điều gì riêng tư mà người ngoại cuộc khó có thể đoán biết được: "Công thập niên đăng hỏa và xương máu của tôi đã đổi lấy ngôi vị làm chủ túp lều nầy! Sự nghiệp đời trai há lẽ chỉ có ngần ấy thôi, sao anh?

Nắng chiều đã tắt hẳn và màn đêm cũng buông xuống dần. Huân đưa tay nhìn đồng hồ. Hòa hiểu ý đứng dậy chậm chạp bằng đôi nạng gỗ, rồi đến cầm tay chúc lành cùng an ủi Huân và có lẽ cho cả anh nữa "Chuyện đời tan hợp, hợp tan là lẽ thường. Chúng mình rồi cũng sẽ có ngày gặp lại nhau." Cuộc tái ngộ ngắn ngủi qua mau, Huân và Hòa cùng gạt nước mắt trong cảnh kẻ ở lại người ra đi!

Sau chuyến công tác dài gần ba tháng, trên đường trở về đơn vị Huân ghé lại Bình Thành thăm hai bà cháu cụ Chương. Ðứng trước cánh cửa bỏ trống nhìn vào gian nhà vắng vẻ, tiêu điều Huân linh cảm đã có sự gì không lành xảy đến cho gia đình Mai. Huân chạy vội lại nhà Phượng hỏi thăm và Phượng sụt sùi cho hay: 

"Bà Chương không thanh nạp nổi thuế nông nghiệp. Hai tháng trước, bà bị gọi đến trụ sở Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh xã và trong cuộc lời qua tiếng lại sao đó, bà đã bị viên Trưởng Ban thuế đánh một bạt tai ngã chết tại chỗ. Người ta đồn rằng bà Chương không phải chết vì bị đánh mà vì quá uất ức nên bà cắn lưỡi tự sát. Khi chết lưỡi bà bị dập nát và miệng đầy máu. Mai, phần thì phải vất vả lo việc chôn cất cho bà nội, phần vì quá đau buồn nên ngã bệnh và đã chết sau đó chưa đầy một tháng. Lúc Mai đau, tôi luôn luôn ở bên cạnh để giúp đỡ và chăm sóc thuốc thang. Trên giường bệnh, Mai thường khóc và nhắc đến anh. Lúc mê sảng Mai cũng thường gọi đến tên Huân". 

Tin buồn tựa sét đánh, lòng Huân tê tái và tim anh như vỡ ra từng mảnh. Huân ngậm ngùi thì thào: "Thế là hết, hết tất cả. Một đóa hoa đời đã rơi rụng và cả một gia đình đã hoàn toàn đổ nát!"

Huân nhờ Phượng dẫn đến thăm mộ bà cụ Chương ở bên kia, rồi sang thăm mộ Mai ở bên này chân đồi. Mây tang dăng dăng khắp nẻo, trời Thu ảm đạm phủ một màu tím bầm lên miền cô thôn sơn dã. Huân quỳ xuống, cắm dưới chân mộ Mai cành hoa mà anh vừa hái được bên bờ suối và lâm râm cầu nguyện hương hồn người quá cố chóng siêu thoát. Huân cúi dầu trước mộ Mai lần cuối, rồi ngỏ lời cảm ơn và giã từ Phượng ra đi. Qua khỏi mấy cụm rừng quanh co khoảng vài dặm đường, Huân dừng chân bên bờ sông Bình Thành nhìn dòng nước lững lờ trôi trên bến cũ, mang theo những lá úa vàng tơi tả. Mưa chiều lấm tấm rơi nhẹ lên má Huân. Gió heo may cuối mùa thương nhớ lay động đầu cây ngọn cỏ, như hương linh của người trinh nữ đang theo đưa tiễn một người đi.

Tiếng gà gáy nghe thưa thớt đây đó trong các xóm nhà xa xa. Trời dần dần sáng rõ, Huân thấy thấm mệt sau cuộc băng đồi vượt suối thâu đêm, để kịp trình diện đơn vị trong buổi sáng ngày hôm sau. Huân tháo chiếc ba-lô nặng trĩu khỏi vai và ngồi nghỉ chân cạnh gốc một cây thông già, đứng rủ bóng bên dãy rào thưa xiêu vẹo. Nhìn những chòm cỏ dài lê thê ngả màu rạ lan tràn trên lối đi, dẫn vào một ngôi Thánh đường dột nát, cảnh thêm hoang phế, điêu tàn và nỗi lo âu cũng chồng chất thêm trong tâm tư của người thanh niên hai mươi tuổi đời. Huân hoang mang suy nghĩ và lòng bâng khuâng tự hỏi:

- Trên khắp các nẻo đường đất nước tôi, còn có bao nhiêu người con gái vô tội đã phải gánh chịu nhiều phũ phàng như Mai?
- Tại sao những người nhiệt tình yêu nước đã ngã gục lại không phải bởi dao súng của kẻ thù xâm lược?
- Những kẻ đang tâm tạo nên cuộc tương tàn cốt nhục đã làm được gì trước cảnh núi sông nghiêng ngửa, hay họ chỉ là lớp người quên mình mang dòng máu Việt gây thêm nghiêng ngửa núi sông?
- Tôi đang chiến đấu cho sự sống còn của dân tộc, hay đang tiếp tay với kẻ nội thù giày xéo quê hương?
- Tôi là một Vệ Quốc Quân hay là một nạn nhân của lớp người vong bổn, đã và đang phản bội cuộc kháng chiến chính nghĩa của toàn dân?...


Sau bao nhiêu năm tàn binh lửa, đất nước Huân vẫn còn ngập đầy tóc tang, thù hận. Ðời Huân chưa nhẹ gánh phong trần và đang sống trong kiếp tủi hờn tha hương đây đó. Chiều nay - cũng một chiều Thu vương buồn như năm nào - Huân dừng bước lãng du nhìn sang bên kia bờ Thái Bình Dương và kiểm điểm lại hành trang của cuộc đời mình, rồi lòng tự bảo lòng: "Vâng ta sẽ trở về quê xưa và ghé lại thăm mộ Mai!"

SONG NGUYÊN
Ðặc san LIÊN TRƯỜNG QUI NHƠN Xuân TÂN TỊ 2001


Cước chú:
1- Mặt Trận Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, viết tắt V.M.
2- Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn ở tỉnh Quảng Ngãi.
3- Danh từ của Việt Cộng gọi đồng bào Thượng.
4- Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ Tịch Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam (gọi tắt Hội Liên Việt) do Ðảng CSVN  thành lập vào giữa năm 1946.
5- Một loại xe do sức người đẩy chạy trên đường rầy, được dùng trong thời kỳ kháng chiến ở Liên Khu V.

No comments:

Post a Comment