Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 19, 2013

Tìm Một Niềm Tin [9]

Ký sự Tùy bút

9.- VỀ ÐÂU RỒI GIẤC MƠ MIỀN QUÊ NGOẠI

Lần đầu tiên bước lên phi cơ, tôi không khỏi có những xúc động. Phải rồi, mới cách đây chỉ hơn một năm thôi, tôi chỉ quen nhìn thấy những chiếc máy bay oanh tạc hay thả bom gầm thét trên bầu trời để rồi gây thương vong và kinh hoàng cho người ở dưới đất. Còn những người ngồi trên phi cơ thì tuy chỉ cách tôi có một khoảng cách chiều cao không nhiều lắm nhưng lại cứ như là người của một thế giới văn minh xa lạ nào đó mà không bao giờ tôi có thể đạt tới được như họ. Bây giờ được ngồi trên chiếc máy bay bốn động cơ này để về với ông ngoại, tôi ngỡ mình như lại sống trong mơ. 


Có lẽ do nhớ lại cảm giác xưa nên tự nhiên tôi nảy sinh ý muốn được nhìn xem cảnh dưới đất như thế nào, nhất là vùng đất Bình Ðịnh cũ, cho nên vừa bước vào trong máy bay, không đợi tiếp viên hàng không chỉ dẫn, tôi đã vội tìm ngay cho mình một chỗ ngồi sát bên cửa sổ. Thế nhưng tôi đã hoài công vì sau khi máy bay cất cánh đã lâu rồi, tôi nhìn mãi qua cửa sổ cũng chỉ thấy có mây trắng bay lơ lửng xung quanh nếu không là màu xanh bên trên của bầu trời và dưới là màu xanh của biển mà thôi vì đường bay không đi trong đất liền mà lại hướng dọc theo biển. 


Sau bốn tiếng đồng hồ bay liên tục để vượt một đoạn đường một ngàn cây số, máy bay đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất. Nhìn thấy cái phi đạo dài hun hút, đài kiểm soát không lưu kiên cố và nhiều cơ sở phụ thuộc, với nhiều bãi sân rộng rãi có nhiều loại máy bay đang đậu, tôi thấy mình có vẻ hài lòng hơn là khi nhìn cái sân bay Phú Bài. Nhà ga phi trường là một dãy lầu rộng rãi và sang trọng, còn hành khách thì nhộn nhịp kẻ đi người đến. Ðiều này tạo cho tôi một ấn tượng tốt ban đầu về thành phố này.


Học theo cách "ai làm sao, mình làm vậy", cho nên sau khi theo đám hành khách vào cổng và làm xong các thủ tục tại bàn kiểm soát, tôi theo họ bước ra phòng đợi thì cũng vừa lúc nhìn thấy ông ngoại tôi mặc bộ đồ tây trắng, đầu đội cái nón cối thuộc địa, đang ngóng nhìn vào số hành khách từ bên trong đi ra. Mặc dù xa ông ngoại đã mười mấy năm nhưng khuôn mặt của ông tôi vẫn không có vẻ gì khác lạ với khuôn mặt trong những bức hình cũ trước đây nên vừa nhác thấy là tôi đã nhận ra ngay. Bên cạnh ông ngoại tôi là bà ngoại mặc áo dài đỏ sậm và em tôi trong chiếc áo dài gấm đỏ, cổ đeo kiềng vàng kiểu xưa, trông có vẻ như già nua cũ kỹ đi chứ không tươi sáng như tôi tưởng tượng. Tôi vội tiến lại gần nhưng ông bà tôi chẳng ai nhận ra tôi cả. Chỉ có em tôi nhìn thấy liền lên tiếng trước. Ông tôi ngỡ ngàng quay lại nhìn tôi. Thì ra cái hình ảnh tôi còn lưu lại trong ký ức ông bà ngoại tôi có lẽ quá khác xa với tôi hiện tại. 


Một người đàn ông tầm thước mặc đồ veste cũng vừa từ phía quầy chỉ dẫn tiến lại và ông tôi giới thiệu đó là cậu Ðôn. Tôi cúi đầu chào người cậu ruột mà từ thủa nào tôi chỉ nghe mẹ tôi thỉnh thoảng có nhắc đến chứ chưa bao giờ biết mặt. Cậu Ðôn cũng ngỡ ngàng nhìn tôi, nhưng ánh mắt có vẻ trìu mến chứ không nghiêm nghị như ông ngoại tôi, có lẽ cậu đang nhớ lại người em gái của mình xa cách từ thủa theo chồng và từ đó chẳng bao giờ còn gặp lại nữa. 


Sau khi chờ tôi lãnh xong hành lý, cậu tôi giục tất cả ra sân lên chiếc xe Citroen con cóc mui vải trông có vẻ như rất mỏng manh do cậu tôi lái lấy để đi về nhà ngoại. Ông tôi ngồi ở ghế trước với cậu tôi và mỗi lần xe đi qua đâu thì lại ngoái ra sau bảo cho tôi biết. Cùng ngồi nơi băng sau với tôi là bà ngoại và em tôi. Thấy băng sau có vẻ im lặng quá nên tôi muốn tìm một chuyện gì đó để pha trò. Khi sực nhớ ra cái tên gọi của chiếc xe đang đi, tôi chợt loé lên một ý nghĩ khôi hài: "deux cheveaux (đơ sơ vô) là đồ sợ vợ". Tôi chưa biết cậu tôi có sợ vợ không nhưng vừa định nói thì cũng kịp nhận ra rằng ngồi ở ghế phía trước lại cũng là mấy vị đại biểu cho truyền thống lễ giáo phong kiến hàng ngàn đời nay cho nên vội kìm hãm lại. 


Xe chạy về trung tâm thành phố có nhiều nhà cửa to lớn đồ sộ. Ðường phố rộng rãi có cây cao bóng mát nhưng toàn là cây me hay loại cây gì đó tôi không biết tên chứ không có bóng cây phượng vĩ nào như ở Huế . Có nhiều con đường, tôi còn thấy có cả đường rầy bắt chìm theo đường phố. Ông tôi bảo đó là đường xe điện cũ vì hiện nay xe điện đã bãi bỏ. Nhà cửa dinh thự đều có vẻ to lớn đồ sộ, nhưng bên cạnh những phố xá nguy nga thì cũng có những khu cũ kỹ hay xen lẫn những căn nhà tồi tàn, những túp lều lụp xụp. Còn lưu thông trên đường phố thì thật là nhộn nhịp với những chiếc xe du lịch sang trọng có, cũ kỹ có, xen vào những chiếc xe thổ mộ lọc cọc, xe ba gác đạp ì ạch, xe xích lô máy nhả khói mịt mù, xe taxi con cóc, xe đò và xe buýt to lớn bóp còi inh ỏi, xe vận tải đủ kiểu, lại có nhiều chiếc có mui đậy bằng lá dừa nước trông rất thô kệch, tất cả tạo thành một khung cảnh thật là xô bồ. 


Xe chạy qua cầu Quay, và hướng dọc theo bến cảng. Tôi nhìn ra sông Sài gòn và lần đầu tiên tôi nhìn thấy những chiếc thương thuyền ngoại quốc to lớn đang neo tại bến Nhà Rồng. Khúc đường này lại có cả đường xe lửa bắt ngay giữa lộ và tôi thấy có một cái đầu máy nhỏ loại diesel đang kéo vài toa xe chở hàng từ bến cảng chạy chậm chậm vào. Hai nhân viên hỏa xa đứng hai bên bửng trước của đầu máy phất phất lá cờ đỏ trong tay và thổi tu huýt liên tục cho xe cộ trên đường dạt tránh qua hai bên. Nhìn chiếc xe lửa cũng sát cánh với xe hơi trên cùng một con lộ trong thành phố tạo cho tôi một cảm giác đầy bon chen tại cái thành phố này. 


Khi xe qua khỏi kho 11 và tới gần cây cầu cao thì quẹo phải rồi chạy vào con đường dọc theo bờ sông. Ông tôi chỉ cây cầu và nói cho tôi biết đó là cầu Tân thuận, nơi cách đây không lâu tướng Trình minh Thế đã tử trận. Tôi nhìn cây cầu chỉ có mấy nhịp mà cái thì đúc bằng xi măng, cái thì lại bằng sắt, trông thô kệch chứ không có vẻ duyên dáng như cầu Trường tiền. Con kinh rộng phía dưới thì nước đục ngầu có mấy chiếc giang đỉnh treo cờ tam tài và mấy chàng lính Tây đứng sau ụ súng máy đang ầm ĩ rẽ nước lướt trên sông tạo thành những luồng sóng dài đằng sau lái đánh rào rạt vào bờ và như muốn nhận chìm những chiếc tàu kéo nhỏ đang giòng sau mình một dãy xà lan hay ghe bầu to lớn chở hàng khẳm như muốn ngang bằng với mặt nước. Bên kia sông là cánh đồng trống trải rộng ngút chân trời. 


Ðoạn đường dọc theo con kinh này chỉ trải đá và nhiều chỗ lại lồi lõm vết bánh xe vận tải chở nặng. Xe cộ lác đác mấy chiếc xe chở than đá hay chở hàng và lọc cọc mấy chiếc xe thổ mộ. Hai bên đường là mương thoát nước từ các rãnh trong xóm đổ ra đen sì. Mạn phía trong đường là bờ tường cao của một vài kho hàng gì đó rồi tiếp đến là những nhà vách ván lợp tôn chen lẫn những căn nhà lá. Mạn sát bờ sông là đất trống có căng rất nhiều lều vải to lớn của nhà binh hiện đang dùng làm nơi tạm trú cho đồng bào miền Bắc di cư, quần áo giăng phơi lung tung và đàn bà con nít lố nhố. 


Qua khỏi khu này thì bãi đất bên bờ sông trở thành bãi chứa than đá. Tới đây thì xe cũng ngừng lại trước một căn nhà ngói đỏ mới cất có bờ rào bằng cây và cái cổng gỗ nhỏ sơn màu đỏ. Tất cả cửa lớn cửa sổ của căn nhà cũng được sơn bằng một màu đỏ xin xỉn trông mệt mắt vô cùng. Tất cả xuống xe vào nhà, một ngôi nhà phố không ra phố, kiểu không ra kiểu, và đó là nhà ông ngoại tôi. Một người đàn bà còn trẻ và hai đứa bé lăng xăng chạy ra chào đón rất lễ phép. Người đàn bà có vẻ niềm nở hỏi thăm tôi huyên thiên, giọng rặc Hà tĩnh, nhưng tôi chưa biết chị là ai cả. Ông tôi giới thiệu đó là vợ và con của anh Bàng, một người anh họ của tôi vừa mới di cư vào đang ở đậu trong nhà. 


Thật tình mà nói, nhìn ngôi nhà tôi hơi thất vọng vì không thấy nó giống tí nào với căn nhà ở vùng quê ngoại mà tôi vẫn mường tượng và nó cũng không tạo cho tôi một ấn tượng quen thuộc hoặc cái cảm giác êm vui hài hoà nào cả. Nhà mặt trước và hai bên là tường gạch nhưng gian sau thì lại vách ván, và ngoài những cái mang màu đỏ đã kể khi nhìn từ bên ngoài, còn lại trong nhà cái gì có thể sơn được cũng đều mang màu đỏ nốt. Thật tình tôi chưa bao giờ tưởng tượng ông ngoại tôi lại thích màu đỏ đến thế. 


Cách thiết kế bên trong của ngôi nhà cũng rất đặc biệt. Phòng ngoài mặt trước quay ra đường toàn là cửa gỗ nhiều cánh giống như kiểu nhà phố buôn bán đời xưa. Phòng này hầu như để trống vì ngoài mấy cái kệ gỗ, chẳng còn đồ đạc gì khác. Thông ra sau là cái hành lang nửa như lối đi nửa như căn phòng để đồ đạc có ngăn một góc làm thành cái buồng tắm. Phía bên phải là một phòng ngủ rộng có kê một cái đi văng, một cái giường lớn, một cái tủ áo và một cái bàn giấy kê sát cửa sổ. 


Tiếp theo là gian nhà ngang được ngăn ba, ngăn sát bìa nhô dài hơn một chút ra đàng sau và có cửa thông qua với ngăn giữa nhưng lại bị đóng kín. Ngăn giữa có kê một bộ ngựa gõ và một cái nàn vừa là bàn ăn vừa là bàn tiếp khách, và trong một góc cạnh cái tủ kiếng là cái bồn nước máy rửa mặt. Phía trên cái cửa sổ nhìn ra sân sau treo một bức ảnh phóng lớn và được tô màu, nước thuốc đã phai ố với thời gian. Ðó là bức hình ông ngoại tôi trong bộ quần áo đi săn mang giày ống cao với khẩu súng gác ngang đùi ngồi trên mình con voi bị hạ đang nằm chìa cặp ngà to dài và cong ra trước như một chứng tích của những ngày lẫm liệt cũ. Ngăn dành cho bếp nhỏ và hẹp nhất có kê san sát một cái chạn để chén bát, một cái tủ đồ ăn, một cái bàn nhỏ và có một cái bệ bằng xi măng trên đặt mấy cái lò đất để nấu nướng và dưới bệ là mấy cần xé đựng than đước. Ðằng sau nhà là cái sân hẹp để năm sáu cái lu sành to tướng có nắp đậy dùng chứa nước mưa và một cái hồ bằng xi măng để hứng nước máy.


Ðồ đạc trong nhà đều bằng loại gỗ tốt chắc và nặng trình trịch, nhưng lại không đồng bộ với nhau, có bộ thì sơn véc ni đen, có cái lại đánh véc ni màu cánh kiến. Nói chung thì toàn bộ căn nhà có vẻ như được cấu trúc và bày biện theo ngẫu hứng không theo một mẫu thiết kế nào cả, chẳng khác nào cái thành phố này cũng đang phát triển một cách tự phát bừa bãi ngoài ý muốn của con người. 


Cậu Ðôn ở lại chơi một hồi rồi cũng cáo từ ông bà tôi để về Biên hoà vì cậu làm việc và ở trên ấy. Khi theo tiễn cậu ra xe tôi chợt thấy một người đàn ông dáng vóc nho nhỏ từ phía gian nhà ngang theo cửa hông bên cạnh bước ra, tay cầm chiếc nón phớt, trông giống như cậu Viện trong các hình cũ tôi đã nhìn thấy nhưng già đi nhiều. Ông tôi bảo đó chính là cậu Viện. Tôi vội cúi đầu chào cậu, chưa kịp hỏi thăm thì cậu đã lơ đãng quay chào cậu Ðôn một tiếng và chụp chiếc mũ lên đầu bỏ đi ra đường. 


Ngày tôi giã từ Bình Ðịnh ra Huế, không có ai đón chờ nhưng tôi tìm thấy mình qua những khung cảnh kỷ niệm cũ thời thơ ấu hiện về. Hôm nay về Sài gòn, tôi được những người thân yêu chờ đón sẵn ở phi trường và đưa về nhà, nhưng cái hình ảnh miền quê ngoại trong ký ức với những kỷ niệm êm đềm thì hình như không nhìn thấy ở đâu cả. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment