Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 19, 2013

Tìm Một Niềm Tin [7]

Ký sự Tùy bút 
7.- ÐỜI VẪN CÒN 
CHƯA HẾT CHUYỆN NGỠ NGÀNG

Do sự qua phân đất nước nên tại Huế cũng có một số người di cư từ Quảng bình, phần lớn là vợ con các binh sĩ và viên chức chính quyền, theo quân đội Liên hiệp Pháp rút vào bằng đường bộ từ lúc khởi đầu cuộc tập kết, nhưng số người không nhiều và không mang một sắc thái khác lạ đối với dân địa phương nên không tạo nên một sự biến đổi quan trọng nào đáng kể trong nếp sống tại đây. Tiếp theo đó là sự ra đi của quân đội Pháp khỏi thành phố này có làm cho những sinh hoạt khu Morin bên hữu ngạn sông Hương trở nên vắng vẻ hơn, nhưng nhờ thế mà thành phố đã được trả lại cái vẻ trầm lặng cố hữu và càng nên thơ hơn với những tà áo trắng học trò. 


Ngoài ra, trong diễn tiến hình thành một cơ chế chính quyền mới, một số người thuộc thành phần có thành tích chống cộng ở Liên khu V cũ nay đang được ông Cẩn cắt cử vào các chức vụ trọng yếu để đi làm công tác tiếp thu hoặc thay thế cho các viên chức cũ từ thời Pháp ở đây. Chỉ có bác Tâm, vốn hồi cư đã lâu, nhưng có lẽ do bản tánh không muốn bon chen nên vẫn an tâm với cái chức vụ khiêm nhường của mình ở Nha Thông Tin trong khi nhiều bạn bè khác của bác đã chiếm được những địa vị cao như chú Thụ giữ chức Giám đốc Nha Thông tin Trung Phần, chú Nghĩa đã về làm Tỉnh trưởng Quảng ngãi, chú Uyển được đề cử làm Tỉnh trưởng và chú Tiến làm Phó Tỉnh trưởng để về tiếp thu tỉnh Bình định... 


Vì người từ các tỉnh thuộc Liên Khu V ít nhiều gì cũng là chỗ quen biết cũ với bác Tâm nên mỗi khi có dịp ra Huế đều có ghé lại thăm bác, nhờ thế mà tôi cũng đã có dịp gặp lại rất nhiều người cũ có quen biết với cha tôi. Tuy nhiên qua kinh nghiệm tiếp xúc lâu nay, tôi thấy hình như bất cứ ai đã từng có một chút liên hệ nào đó với cha tôi ngày xưa thì nay cũng có vẻ muốn tỏ ra có một chút quan tâm đối với tôi. Phiền một nỗi tôi không còn nhỏ dại để cho họ xoa đầu như lúc còn bé, mà tôi cũng chưa đến cái tuổi được mọi người chấp nhận như là trưởng thành để được xem như là một đối tượng có thể trao đổi những vấn đề quốc gia đại sự mà họ đang bận tâm nên thường thường mỗi khi gặp họ chỉ làm cho tôi đâm ra lúng túng không biết nói năng gì. Chính vì thế mà để cho đỡ bị phiền toái, tôi thấy mình cứ giữ thái độ "kính nhi viễn chi" là hơn. Chỉ có chú Chinh là người khi gặp lại tôi thấy mình vẫn có thể hồn nhiên như cũ. 


Chú Chinh thì từ khi thấy mấy anh chị em trong nhà người nào cũng chọn con đường tập kết, chỉ có mình chú làm kẻ ở lại cho nên để tránh những rắc rối trong thời gian chuyển tiếp, chú cũng phải tạm thời lánh ra Huế ở tại nhà bác Tâm chờ ngày tỉnh nhà được tiếp thu xong thì trở về. Ngày mới ra Huế và gặp tôi, nghe nói tôi hiện đang được ông Cẩn cho ăn học, chú mừng và khuyến khích tôi nên cố gắng, chỉ thiếu câu "mai mốt chú sẽ gả cháu cho", không biết vì thấy tôi đã có vẻ lớn nên chú không còn nói đùa hay do hoàn cảnh bây giờ đã thay đổi vì tôi đã là người bên đây, còn cháu của chú thì lại theo gia đình đi tập kết qua bên kia. 


Vì ở không cũng buồn nên sẵn rạp xi nê Majestic trong khu Morin bây giờ do người Việt khai thác cần người bán vé nên chú xin vào làm tạm, nhờ thế mà mỗi chủ nhật thằng Lâm lại rủ tôi đến rạp chú làm xin chú "bán" cho mấy cái vé xem xi nê khỏi tốn tiền. Có điều vì rạp này trước đây chuyên chiếu phim cho người Pháp, nay mới đổi qua phục vụ cho người Việt, khách còn bỡ ngỡ nên số người xem có vẻ cũng thưa thớt khiến cho chủ rạp cũng không thể nào mướn nổi những phim mới và hay. 


Qua mấy tháng tạm yên ổn học hành và có bạn bè để vui chơi, tôi hầu như cũng tìm lại được đôi chút vô tư của tuổi cắp sách đến trường. Sống đời học sinh tất nhiên đôi lúc tôi cũng có tham dự vài trò nghịch ngợm với bạn bè, nhưng thường là chỉ vào những lúc về Phủ cam đi theo bọn thằng Lâm vui đùa chút đỉnh những trò vô thưởng vô phạt thôi, chứ còn những lúc sống trong ký túc xá, tôi lúc nào tuân giữ đúng nội quy. Tuy nhiên một hôm tôi đang ngồi học trong lớp bỗng thấy một nhân viên nhà trường cầm vào một mảnh giấy đưa thầy giáo để cho gọi tôi lên văn phòng cha hiệu trưởng gấp. Tôi sửng sốt tự hỏi không biết mình đã vi phạm điều gì, hoặc là có sự thay đổi nào đó trong vấn đề ăn học của tôi rồi chăng?


Lúc bước vào văn phòng thì tôi ngạc nhiên thấy chú Cọp đang ngồi nói chuyện với cha hiệu trưởng ở xa lông. Vừa thấy tôi, chú bật dậy tiến đến và trìu mến ôm tôi vào lòng. Chú bảo tôi đã cao lớn lên nhiều so với những ngày còn ở Bồng Sơn nhưng sao trông gầy quá. Tôi cũng thấy mình xúc động vô cùng vì không ngờ lại được gặp chú một cách bất ngờ như thế này. Thời còn ở Bình Ðịnh, chú Cọp rất mến cha tôi và thương anh em tôi, cho nên sau khi chú trốn thoát về thành, nhiều biến cố tang thương đã xảy ra cho những người ở lại, người ra đi tất nhiên không thể không xa xót. Vì lẽ đó mà hôm nay vừa mới từ Sài gòn ra Huế còn đang bận bịu công tác, chú cũng đã cố nhín chút thì giờ đến tận trường tìm thăm tôi. 


Chú vắn tắt cho tôi biết là em tôi cũng đã theo gia đình cô Chín đi vào Nam, nhờ thế mà chú đã gặp và đưa em tôi về sống với ông bà ngoại tôi ở Sài gòn. Chú cũng cho tôi biết sơ qua về tình hình bên ngoại tôi để tôi mừng, đồng thời khuyên tôi cứ yên tâm học hành, đợi đến kỳ nghỉ hè hãy về thăm bên ngoại. Chú không nói cho tôi biết chú ra Huế làm việc gì nhưng chú có bảo tôi hôm nào ổn định xong công việc và nơi ăn chốn ở sẽ đưa tôi về ở với chú cho được tự do thoải mái, đỡ khỏi sống cảnh tù túng trong ký túc xá. Lúc tiễn chú ra về tôi chợt chú ý đến chiếc xe jeep xanh chú đi mang bảng số VN, có tài xế mặc sắc phục công an lái. 


Vào trưa thứ bảy cuối tuần, trước giờ học sinh nội trú được đi phép, tôi thấy chú một mình lái chiếc xe jeep màu xanh hôm nọ trở lại đón tôi ở ký túc xá rồi đưa tôi đi xem xinê, đi ăn phở, sau đó lái xe về đậu trong một căn biệt thự lầu ở đường Lê Lợi nằm sát bờ sông Hương đối diện với khu Morin. Căn biệt thự có lẽ là một cơ sở của ngành Công an vì thấy có công an canh gác nhưng lại không có bảng cho biết là cơ quan gì. Chú dẫn tôi lên thẳng phòng riêng của chú trên lầu có cửa sổ nhìn ra sông. Trong phòng có đầy đủ đồ đạc nhưng chú bảo đây chỉ là chỗ ở tạm thôi, chờ ít lâu chú sẽ có nhà mới và sẽ đón thím ở Sài gòn ra. 


Trong lần gặp ở trường vì không có thì giờ nên chú chỉ hỏi thăm qua loa, hôm nay rảnh rỗi nên chú đã chuyện trò với tôi suốt buổi. Chính vì thế mà tôi mới đem cả những chuyện từ ngày mới về thành kể cho chú nghe, kể cả chuyện bác Ðàm đưa tôi ra Quảng trị nhưng tôi không thích ở đó, và những kỷ niệm của tôi đối với bác Ðàm từ những ngày xa xưa. Chú Cọp bỗng nhiên nói là bác Ðàm cũng đang có mặt ở đây và bảo với tôi là để rồi chú sẽ đưa tôi xuống dưới lầu thăm bác Ðàm. Tuy nhiên suốt buổi ở chơi với chú Cọp tại đó, tôi không thấy chú dẫn tôi đi đâu cả và cũng không nghe chú nhắc nhở gì đến chuyện bác Ðàm nữa. Tôi nghĩ đây là cơ quan và có lẽ bác Ðàm đang bận họp hành công tác quan trọng gì đó nên tôi cũng không dám hỏi thêm. Sau đó tôi ngỏ ý muốn về nhà bác Tâm nên chú đã lái xe đưa tôi về Phủ cam. 


Tối hôm đó tôi kể lại cho bác Tâm nghe chuyện tôi đã được chú Cọp đến đón và chở đi chơi rồi chở về nhà chú, và có nghe chú nói bác Ðàm cũng ở đó nhưng tôi không được gặp. Bấy giờ bác Tâm mới nói cho tôi biết là chú Cọp vừa mới được ông Cẩn gọi ra Huế để trao cho giữ chức vụ Giám đốc Nha Công an Trung phần nhằm giải quyết vụ khủng hoảng do một nhóm Ðại Việt ly khai đang thành lập chiến khu Ba lòng ở tỉnh Quảng trị chống lại Chính quyền. Bác Ðàm là tỉnh trưởng sở tại, lại có chân trong đảng Ðại Việt nên bị ông Cẩn tình nghi, buộc phải ngưng chức, đồng thời cho Công an câu lưu để điều tra. Chú Cọp là người của Quốc Dân Ðảng nên được ông Cẩn chọn để thay thế cho ông Giám đốc hiện tại vốn là một nhà giáo, không đủ uy tín dàn xếp vụ này. 


Tự nhiên tôi thấy mình như vừa bị ai lấy mất đi một cái gì đó mình vẫn quý vẫn thích. Cái hình ảnh đẹp của những người tôi yêu mến hình như bây giờ không còn trong sáng nữa mà đã bắt đầu bị hoen ố vì sự xuất hiện của cái bóng đen tranh chấp, tỵ hiềm. Ngày mới ra tới Hội an tôi đã từng chứng kiến sự chia bè kết phái của những người trong cùng một nhóm vừa mới thoát ra khỏi địa ngục Cộng sản, nhưng họ là những người tôi chưa quen biết. Bây giờ tôi lại phải nhìn thấy cái cảnh này xảy ra trong chính những người tôi từng qúy mến và hiện đang có những liên hệ tình cảm mật thiết với tôi. 


Tôi lại nhớ mới cách đây vài tháng khi bác Ðàm đưa tôi ra Quảng Trị thì bác còn đường bệ là một ông Tỉnh trưởng đầy quyền uy. Tôi không biết ngày ấy khi khuyên tôi nên ở lại với bác, lúc ấy bác có một dự tính nào không, nhưng nay suy nghĩ lại, tôi thấy dù sao việc tôi từ chối không ở lại Quảng Trị cũng là một cái may giúp tôi hôm nay khỏi lâm vào một trong hai cảnh: hoặc là đang bơ vơ trở lại thành phố này, hoặc biết đâu chừng lại đang nằm chung với những anh thanh niên đầy nhiệt huyết không quen biết nào đó giữa chiến khu Ba Lòng, tấm lòng thì cùng hướng về Tổ quốc, nhưng nỗi niềm thì chưa chắc đã chung. 


Dù sao thì tôi cũng không còn thơ ngây đến nỗi không có chút ý thức về chính trị hay những nhận định riêng tư về cuộc đời. Phiền một nỗi những người lớn đang tự cho mình có phần trách nhiệm đối với tôi lẽ ra phải mở cho tôi một niềm tin mới thì hình như lại chỉ mang tới cho tôi những cái ngỡ ngàng. Ðứng trước những tranh chấp và đố kỵ giữa những người đang trực tiếp dự phần trách nhiệm cuộc đời của mình, tôi cảm thấy mình cứ như con thuyền lơ lửng giữa dòng. Chính vì thế mà tôi thấy mình một khi còn phải nằm trong dòng nước ấy thì điều tốt nhất là cố làm sao đừng để cho mình bị nhận chìm bởi những làn sóng ngầm hay là bị cuốn hút vào một con nước xoáy nào đó. 


Một lần nữa tôi lại thấy mình không bao giờ có được một niềm vui trọn vẹn và trên bước đường đi tìm một niềm tin của mình thì hình như chẳng hề thấy đâu là bờ bến và hiện đang bị trôi dạt vào cái hậu trường sân khấu chính trị đầy dẫy những hiện tượng dở khóc dở cười của những kẻ lẽ ra phải mang lại cho tôi một niềm tin. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment