6.- HỌC SINH LÀ
NGƯỜI TỔ QUỐC MONG CHO MAI SAU
Thấy tôi khăn gói quay trở
về, bác Tâm có lẽ cũng đã đoán trước tình ý của tôi nên không lấy gì làm ngạc nhiên, nhưng bác bắt đầu phải nghĩ đến chuyện lo cho tôi đi học
ngay, vì thế qua hôm sau bác đã đến gặp ông Cẩn để trình bày sự
việc.
Thì ra lâu nay ông Cẩn quá bận rộn với các chính khách tới lui tấp nập để
"thỉnh ý" về những vấn đề "quốc gia đại sự" nên quên mất cái chuyện nhỏ chỉ liên quan đến mỗi mình tôi, còn chú Nghĩa thì cũng phải lo về tiếp thu tỉnh nhà, phải lo ứng phó với bao nhiêu khó khăn và phức tạp do tình hình chính trị đang tạo ra khiến cho chú cũng không còn thì giờ đâu để nhớ lại thằng cháu hờ bị bỏ quên ngoài
Huế. Lần này nhờ có bác Tâm ở gần ông Cẩn nhắc nhở nên tôi không phải chờ đợi lâu vì chỉ vài ngày sau đó là tôi đã bắt đầu cắp sách đến trường
rồi.
Thực ra tại Huế có hai trường tư lớn có nội trú
tốt, đó là trường Providence của các linh mục Pháp và trường Pellerin của các sư huynh dòng La san nhưng ông Cẩn lại không muốn gửi tôi vào đấy, không hiểu có phải vì mối quan hệ giữa ông Cẩn với linh mục Luận ở Providence và các sư huynh dòng La san không được tốt đẹp do một vài bất đồng nào đó về quan điểm chính trị như lời bác Tâm kể hay vì các trường này dạy chương trình Pháp và tiền ăn học quá tốn kém nên ông Cẩn đã gửi tôi qua gặp cha Lập để xin vào trường Bình minh do cha mới sáng lập dạy chương trình
Việt. Sau khi hỏi sơ qua quá trình học vấn của tôi, cha hiệu trưởng cho tôi được vào học lớp Ðệ
lục.
Vì trường này không có nội trú lại ở quá xa Phủ cam, tôi không thể hàng ngày hai buổi đi về nhà bác Tâm, nên ông Cẩn gửi tôi vào ở nội trú tại ký túc xá của một trường tư thục tiểu học khác cũng gần đó. Ðể chuẩn bị cho tôi vào nội trú, bác gái cũng vội vàng đưa tôi ra phố sắm sửa thêm cho tôi vài bộ quần áo, chăn màn
gối, một cái áo len, và một ít dụng cụ học sinh, và sau đó thì bác Tâm đưa tôi nhập
học.
Nói là Ký túc xá để nghe cho có vẻ thanh lịch chứ thực ra đây chỉ là một căn nhà cũ kỹ nằm ở góc đường Ðào Duy Từ , được mấy ông thầy dòng Giu se ở Quảng bình di cư vào mướn tạm làm trường tiểu học dạy cho đám học sinh Quảng bình mới di cư vào. Các thầy dành một gian rộng phía sau nhà hình như vốn là mấy cái nhà kho chứa hàng, không có
trần, kê san sát được khoảng hơn hai chục cái giường gỗ có lẽ cũng đi xin được từ một trại lính nào đó để làm chỗ ngủ cho đám học sinh khoảng hai chục đứa vừa tiểu học vừa trung
học, cũng gốc Quảng bình di cư mà vì cha mẹ ở xa nên phải ở lại đó để đi
học. Ðồ dùng của nhà ăn nhà bếp cũng xài nhiều thứ là đồ của nhà binh như chén dĩa nhôm, và thực phẩm cũng kèm theo nhiều món là đồ cứu trợ đồng bào di cư. Không biết có phải vì từ hôm về bên này được tiếp xúc với nhiều cảnh sang
trọng, tôi đã hơi nhiễm cái mùi phú quí nên khi nhìn vào cái ký túc xá di cư này, tôi thấy cái gì cũng có vẻ chắp vá nghèo nàn và ngay cả bữa ăn cũng có vẻ đạm bạc khiêm
tốn.
Còn trường trung học Bình Minh là một ngôi trường vừa mới được xây cất gần khu Lò sát sinh Huế nằm bên bờ sông Ðông ba trên con đường đi về Bao
vinh. Trường cái gì cũng mới, từ trường ốc, bàn ghế, thầy giáo, học
sinh, ngay cả mấy cây phượng vĩ trong sân cũng là cây con mới
trồng, và vì mới khai giảng năm đầu tiên cho nên học sinh cũng còn thưa
thớt. Bọn chúng đều là dân Huế ngoại trừ một số rất ít là Quảng Bình di cư, mới xin vào trường này vì lý do gần nhà cũng có, nhưng vì lý do không xin được vào trường công, hoặc yếu kém nên phải bỏ chương trình Pháp của các trường khác để vào đây học chương trình Việt cũng có, nên đám học sinh này cũng phức
tạp, hiền lành cũng lắm mà quậy phá cũng nhiều.
Vì căn trường tiểu học có ký túc xá lại nằm trên đường Ðào duy
Từ, cách trường trung học Bình Minh khoảng 500m nên đám nội trú học trung học chừng dăm đứa như tôi đều mỗi ngày hai buổi đến giờ đi học lại phải tập họp xin phép thầy giám thị đi học rồi cùng nhau đi bộ đến trường. Tan học chúng tôi lại đi bộ về ký túc xá trình diện thầy giám
thị. Nhờ thế mà hằng ngày đám học sinh lớn chúng tôi có dịp đi ra đường hít thở khí trời và nhìn thấy người thấy cảnh chứ không đến nỗi bị nhốt trong vòng tường của cái ký túc xá chật chội suốt tuần như đám tiểu
học.
Tôi bắt đầu có bạn mới, bạn cùng chung ký túc xá và bạn cùng
lớp. Ðám bạn ở ký túc xá đều là Quảng bình di cư thấy tôi có một mình nói giọng khác lạc lõng vào đây lại nghe tôi bảo là từ vùng Việt minh trở về nên xúm vào gọi tôi là
"dân cụ Hồ". Hơn thế nữa, thấy tôi gầy nhom nên bọn chúng lại còn hay chọc tôi là cháu bác Hồ ăn bột khuấy nước lã bị lỏng ruột nên ốm yếu còn chúng là dân di cư, con cụ Ngô, ăn bắp luộc chắc bụng hơn nên mập
mạnh. Tuy nhiên về sau không biết đứa nào tò mò nghe được mấy thầy dòng nói tôi là cháu cậu Cẩn thì chúng lại ngẩn người ra không hiểu
nổi. Có điều bọn chúng đã trót quen miệng gọi tôi bằng cái biệt danh
"dân cụ Hồ" ấy rồi nên cũng không còn muốn gọi tôi bằng cái tên riêng của tôi
nữa.
Vào thời ấy, học sinh thường phải tập hát bài Học sinh Hành khúc để đồng ca vào các dịp
lễ. Bài hành khúc mở đầu bằng câu:
"Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau..." Tuy nhiên khi ra đường, hay khi ngẫu
hứng, có nhiều đứa thỉnh thoảng lại nghêu ngao:
"Học sinh là người chọc phá ba gai ba que... Học sinh là người quỷ quái tinh ranh như
ma..." và còn nhiều lời khác nữa tùy theo tài ứng khẩu của mỗi tên, mỗi lúc.
Cái việc biến đổi lời các bài ca để đùa cợt hay châm biếm không biết bắt đầu từ thời nào nhưng lúc còn ở trong vùng kháng
chiến, tôi cũng đã từng thấy có xảy ra. Hồi ấy đám Thiếu Nhi cứu quốc vẫn thường hay hát những bài có tính cách suy tôn lãnh tụ mỗi lần hội
họp, nhưng rồi tôi cũng đã có lần nghe có đứa mà gia đình có lẽ không mấy tôn kính vị
"cha già dân tộc" nên đã nhại lời các bài hát ấy chẳng hạn như:
"Ðuốc gươm thiêng soi cho nước nhà... Bắt cha già phơi nắng lột
da..." Tuy nhiên hồi ấy thì cũng chỉ có hát lén lút thôi chứ bây giờ thì cái lối tự ý đổi lời bài ca rồi hát nghêu ngao ở bên này thì lại rất phổ biến và hầu như đó cũng là một cái thú vui cho đám trẻ con ở thành.
Mặc dù là học sinh thì phải hiểu mình là người Tổ quốc mong cho mai sau
thật, nhưng trong hoàn cảnh của một đất nước đang lâm vào một cuộc chiến tranh vừa chống xâm lăng lại vừa nội chiến và khi nhìn vào tầng lớp cha anh thì người bên này kẻ bên
nọ, có kẻ ở bên này lại nhảy qua bên kia đi đánh Pháp, có kẻ đang ở bên kia lại bỏ hàng ngũ kháng chiến về thành đi lính Quốc gia và hợp tác với Pháp chống Việt
Minh. Tổ quốc thì chỉ có một nhưng dân tộc thì lại chia hai, đánh nhau chán rồi lại
nghỉ, người thì di cư, kẻ thì tập kết, và người nào cũng tự cho mình là kẻ đấu tranh cho Tự do và phục vụ cho Dân
tộc. Sống trong một bối cảnh lịch sử đầy dẫy những nghịch lý mà những cái biểu tượng cao đẹp thì lại cứ lẫn lộn và rối rắm như mớ bòng bong thì làm sao biết được Tổ quốc nằm nơi đâu? Thôi thì cứ đùa bỡn chọc phá cho vui với cuộc đời
vậy.
Sau bao nhiêu năm tháng dài thất
học, nay trở lại đời học sinh, tuổi cũng hơi lớn so với lớp tôi
học, dĩ nhiên tôi thấy mình cũng không còn có được cái tính hồn nhiên như các học sinh khác. Tuy nhiên tôi cũng thấy mình có yên vui phần nào và hơi bắt đầu tự tin chứ không còn thu mình sợ hãi như thời gian sống lạc lõng trong một môi trường đói khổ và đầy nghi kỵ như trong thời gian vừa qua sống trong vùng cộng
sản. Và có lẽ nhờ đứng trong cái đám học sinh chẳng có gì xuất sắc mà tôi được coi là một học sinh
giỏi. Chính vì thế mà tôi cũng tự tạo cho mình được một chút tin tưởng nơi những người đã bỏ công ra lo lắng cho tôi.
Mỗi cuối tuần tôi lại ra nhà bác Tâm ở chơi. Lâm là thằng bạn thân nhất của tôi vào lúc
ấy. Nó kém tôi một tuổi, hơi lùn nhưng bây giờ lanh lợi hơn tôi
nhiều. Nó cũng còn đi Hướng đạo và sinh hoạt trong đoàn thiếu sinh Nguyễn trường
Tộ. Ngày mới hồi cư về Huế, bác Tâm đã xin cho nó cùng vào tu ở dòng Chúa Cứu thế với Cảnh em của nó, nhưng chỉ mới được một năm thì
đã không kham nỗi kỷ luật nên xuất. Bác Tâm lại xin cho nó vào học ở Providence, trường nổi tiếng về phương diện giáo dục còn học sinh thì vẫn được tiếng là học
giỏi, có kỷ luật và luôn luôn chiếm thành tích đậu nhiều và điểm cao trong các kỳ thi Trung học cũng như Tú tài, nhưng riêng nó thì vẫn hay bị bác Tâm rầy la về cái tội biếng học và hay nghịch phá xóm làng.
Do có nó đưa đường dẫn lối mà tôi đã có dịp hội nhập vào cái đám nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò của đất này vì nó thường rủ tôi đi theo đám bạn Phủ cam của nó. Những lúc hiền lành và có chút tiền lẻ bỏ túi thì rủ nhau đi chơi
phố, xem xi nê, hay qua Nam giao ăn chè , lên núi Ngự ăn bánh bèo. Vài thằng có chút máu nghệ sĩ thì thỉnh thoảng rủ nhau tập nhâm nhi ly cà phê và phì phèo điếu thuốc lá bàn chuyện sáng tác những tác phẩm lớn cho một nền văn học nghệ thuật mới của ngày
mai.
Hôm nào không tiền và máu giang hồ vặt nổi dậy thì chúng rủ nhau chơi những trò quậy phá. Một vài tên trong bọn có anh gia nhập Bảo chính đoàn tại địa phương nên có súng. Thỉnh thoảng chúng lại rủ các anh đi bắn
chim. Nói là đi bắn chim nhưng thực ra cũng chỉ là đi loanh quanh mấy khu đồi gần đó một hồi chẳng thấy con chim nào thì lại quay về rảo qua các khu vườn, thấy có quả thanh trà hay trái ổi chín thì đưa tay hái ăn giùm cho chủ vườn. Một đôi khi chủ vườn hay được có ra la lối thì ông anh có súng chỉ cần giương khẩu carbine lên trời nổ liền mấy phát
"pằng pằng". Chỉ chừng ấy thôi nhưng cũng đủ làm cho khổ chủ hiểu rằng
"dĩ hoà vi qúy", và tất cả hai bên đều nhận thấy đã đến lúc nên cùng im lặng chia tay nhau là hơn.
Ở xứ Huế ngoại trừ những nhà theo công giáo còn nhà nào cũng đều có một cái am trong vườn. Ngày rằm mồng một người ta hay đặt xôi chè chuối bánh trong am để cúng. Con đường chạy dọc hai bên bờ sông An cựu từ khu Phủ cam ngược về Bến ngự có nhiều nhà có vườn
rộng, am lại xây xa nhà và gần đường mà đèn đường thì lại thưa thớt và ánh điện cũng chẳng lấy gì làm sáng nên rất tiện cho bọn bạn tinh nghịch này mở những cuộc đột kích tìm chiến lợi
phẩm.
Vì từ ngoài đường sáng nhìn vào trong vườn cây cối um tùm nên thấy tối mà đèn đóm trong am cũng lờ mờ cho nên một đôi khi có tên lẻn vào vừa đưa tay đỡ nhẹ vài món chè xôi thì phát giác ra khổ chủ cũng đang mọp người khấn vái trước am bất chợt ngẩng lên bắt gặp quả tang. Thế là tên gian thủ vội vàng quăng tất cả
lại, phóng mình ra đường và đồng thời cả bọn đang đứng chờ ở mé sông, nghe động cũng vùng lên
chạy, bỏ lại sau lưng những tràng chửi rủa của khổ chủ về cái đám cô hồn sống phá phách.
Kể ra thì không phải bọn
chúng đều hư hỏng hay là đói khát thèm thuồng, nhưng ở vào cái tuổi đang lớn,
còn sung độ nên mới hay bày trò ra nghịch phá cho qua cơn buồn chán vậy thôi.
Riêng tôi qua những năm tháng sống âm thầm nhịn nhục nên nay cũng không còn
thích thú gì với những cái trò nghịch phá này, nhưng lỡ đi theo thằng Lâm thì
cũng phải chiều theo nó, nếu không thì cũng chẳng biết làm gì mà còn bị mất bạn.
Bác Tâm thỉnh thoảng vẫn rầy la nó và bảo nó hãy bắt chước tôi mà chăm chỉ học
hành. Sự thực thì tôi chưa giúp được cho nó ngoan ra tí nào nhưng ngược lại thì
hình như nó lại đang có khả năng lôi cuốn tôi theo nó vào trong cái thế giới của
đám bạn học sinh qủy sứ nhiều hơn.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment