5.-TRÊN
BƯỚC ÐƯỜNG ÐI TÌM KỶ NIỆM
Nếu như mười năm qua
tại Bình định, tôi chỉ nhìn thấy toàn những sự tàn phá làm tiêu hủy đi
những công trình xây dựng của những đời trước thì khi trở lại thành phố
Huế, tôi thấy nơi đây mọi cái hình như vẫn còn nguyên vẹn. Này là cầu
Trường Tiền với những nhịp cầu vòng sơn màu trắng bạc, đối lại là cây
cầu Bạch hổ của con đường xe lửa với những nhịp cầu sắt hình thang sơn
đen nằm xa xa về mạn thượng lưu. Giòng sông Hương trong xanh và phẳng
lặng với những con đò có mui giữa khoang vẫn lơ lửng như đợi chờ. Ngôi
hoàng thành với các kiến trúc cổ vẫn còn đấy và phố xá, dinh thự , đền
đài gần như không có gì thay đổi. Ðiều này gợi tôi nhớ đến căn nhà nằm
bên bờ sông An cựu gần cầu Lò rèn nơi tôi đã sống thời thơ ấu và tôi nảy
ra ý định muốn đi tìm xem lại.
Lẽ ra từ chỗ tôi ở trọ
trong thành nội có thể đi xe buýt về trạm chính Ðông Ba rồi sang xe để
về An Cựu hay Bến Ngự, nhưng vì chưa quen đường xe buýt, lại nữa tôi
đang thừa thì giờ và cũng muốn ngắm cảnh ngắm người nên tôi cứ từ từ mà
thả bộ.
Nếu khu tả ngạn là khu
thuần túy của người Việt, với hoàng thành cổ kính, chợ Ðông ba đông đúc
với những con đò luôn tấp nập dưới bến, nhà cửa phố xá có vẻ chen chúc,
thì ngược lại khu hữu ngạn là khu phố Tây, với thương xá Morin, những
công thự to lớn, các trại lính, đường sá rộng rãi hơn, và nhà cửa phần
nhiều được thiết kế theo kiểu biệt thự có vườn. Ðây cũng là khu tập
trung các trường học lớn, các cơ sở tôn giáo. Ngoại trừ một số công thự
đã được chuyển thành cơ quan Chính quyền Quốc gia còn các khu như Morin,
toà Khâm sứ cũ và mấy doanh trại lính vẫn còn thuộc Pháp với lá cờ tam
tài vẫn còn ngạo nghễ bay và những anh chàng "lê dương săng đá" hoặc mấy
anh chàng "Xê-nê-ga-le gạch mặt" vẫn còn canh gác hay đi lại xí xô xí
xào. Tuy nhiên bây giờ đã về sống bên đây thì tất nhiên tôi cũng phải
làm quen dần với cái cảnh "ông Tây cũng là bạn ta" nên Tây làm gì kệ hắn,
còn đường ta, ta cứ đi.
Ði hết khu Morin, nơi
ăn chơi mua sắm của những anh chàng lính Tây, tôi lần đường qua sở Bưu
điện, trường Lycée francais, đến ngã sáu nhà hàng Chaffanjon, qua khu
trường học Providence và lần đến khu nhà máy điện nằm bên này bờ sông An
cựu. Tất cả vẫn còn y như xưa, chỉ riêng có cây cầu Lò Rèn thì đã bị
giật sập không biết từ hồi nào. Tôi phân vân tự hỏi phải chăng trong cái
thế giới này vẫn có những cái trùng hợp ngẫu nhiên nào đó mà con người
không thể giải thích được. Ừ nhỉ! tại sao bao nhiêu cái khác ở thành phố
này hầu như vẫn không có gì suy suyển, chỉ riêng có cây cầu gắn liền với
kỷ niệm và nối đường về của tôi đi tìm thăm căn nhà cũ thì lại không còn.
Từ bên này bờ sông ngó
qua, tôi thấy dãy nhà ba căn ở góc đường bên kia bờ sông vẫn còn đó và
vẫn thấp thoáng có bóng người ở. Mười năm trước đây tôi đã từng sống
trong căn nhà đó, có cha mẹ tôi, em gái tôi và cả thằng em trai mới sinh
ra đời, nhưng hôm nay chỉ còn lại mình tôi lần mò về chốn cũ để mà xót
xa cho những tang thương biến đổi. Chắc chắn là những người hiện đang
sống trong căn nhà đó lúc ấy cũng không ngờ bên kia bờ sông đang có một
tên thiếu niên thờ thẫn đứng nhìn qua bên này để nuối tiếc tìm về những
hình bóng xa xưa không bao giờ thấy nữa.
Vì biết tại Huế này vẫn
còn nhiều bạn bè cũ của cha tôi nhưng tôi chưa biết dò hỏi ai nên những
lần thả bộ rong đó đây tôi thường chú ý nhìn người qua lại để may ra có
tình cờ nhận ra khuôn mặt nào quen thuộc không. Chính nhờ thế mà hôm nay
lúc từ cầu Lò Rèn trở về, khi đi ngang qua nha Thông Tin nằm trên đường
Trần Hưng Ðạo ngay trước bùng binh cầu Trường Tiền, tôi chợt thấy một
người đàn ông dáng quen quen đang cỡi chiếc xe đạp dura - loại xe đạp
sang vào thời ấy - từ cổng phía bên đi ra. Nhìn kỹ tôi nhận ra ngay là
bác Tâm liền mừng rỡ gọi lớn lên. Bác Tâm nghe tiếng gọi cũng dừng lại.
Thế là bác cháu cùng vui vẻ nhận nhau rối rít.
Sau vài lời trao đổi về
sự tình, bác Tâm liền đèo tôi bằng xe đạp về nhà bác. Thì ra nhà bác Tâm
cũng ở Phủ cam, gần nhà ông Cẩn. Nhà bác là một căn nhà gạch nhỏ mới xây
nằm bên mạn thấp của con đường đất nhỏ chạy ngang dốc phía trước nhà thờ
dẫn vào xóm. Sau vườn nhà bác là con đường xe lửa. Bên kia đường xe lửa
lại là khu vườn nhà ông Cẩn. Thấy bác Tâm về có dẫn tôi theo, bác gái
đang ngồi đan áo ngước nhìn tôi, mới đầu hơi có vẻ ngạc nhiên nhưng sau
khi nghe bác trai giới thiệu, bác gái đã tỏ ra thương mến tôi ngay như
thể con cháu quen thuộc trong nhà.
Tôi đã gặp lại thằng
Lâm và con Ái. Thằng Lâm bây giờ đang học lớp quatrième trường
Providence, còn con Ái, hồi ở Bồng sơn còn bé tí chưa biết đánh vần, vẫn
bị tôi coi là con nít để lên giọng bắt nạt thì nay cũng vừa lên trung
học và đang học sixième trường Jeanne d'Arc. Cảnh thì đang đi tu ở dòng
Chúa Cứu Thế nên tôi chưa gặp. Thế là chúng nó đứa đã học cao hơn tôi,
đứa xấp xỉ tôi và tất nhiên còn giỏi hơn tôi về tiếng Pháp là cái chắc.
Ðiều này khiến cho tôi hơi mang tí mặc cảm. Nhưng cũng may, hình như
chẳng ai trong chúng tôi lấy đó làm điều hơn thua nên chỉ qua một thoáng
bỡ ngỡ ban đầu, tất cả chúng tôi đã tìm lại được niềm vui vẻ hồn nhiên
như xưa.
Kể ra thì nhà bác Tâm
cũng không lấy gì làm rộng, bác lại đông con , vì sau mấy đứa tôi đã
biết từ hồi ở Bồng sơn, bây giờ còn có thêm mấy đứa em nhỏ nữa, nhưng vì
biết tôi dù sao ở với người thân vẫn hơn, nên ngay chiều hôm đó bác Tâm
đã chở tôi qua thưa với ông bà người Quảng để tôi về ở với bác, đồng
thời cũng để nhờ hai ông bà Quảng hôm nào chú Nghĩa có trở lại tìm tôi
thì báo cho chú biết chỗ tôi ở để liên lạc. Thế là tôi thu xếp đồ đạc,
vỏn vẹn mấy bộ quần áo, đến ở với gia đình bác Tâm.
Nhờ gặp được bác Tâm
nên bỗng nhiên tôi như cũng đã tìm thấy được một chút cái không khí ngày
xưa ở Bồng sơn khi cha tôi đã đưa anh em tôi gia nhập vào đại gia đình
ông bà cụ Cẩm, thân sinh của bác Tâm. Và cũng nhờ gặp bác Tâm mà tôi bắt
đầu biết được tin tức về các chú bác bạn cũ của cha tôi. Chú Cọp hiện
đang sống ở Sài gòn. Bác Ðàm, bạn đồng nghiệp và bạn Hướng đạo của cha
tôi từ thời ở Thanh hoá rồi vào Huế, rồi lại cùng đi tri huyện một lượt
với cha tôi, nay đang là Tỉnh trưởng tỉnh Quảng trị. Mấy đứa con bác Ðàm
trạc tuổi tôi thời ấy hiện nay cũng đang đi học tại Huế.
Vì chú Cọp ở tận trong
Sài gòn nên tôi chưa vội hỏi thăm, nhưng khi nghe thằng Lâm cho biết là
Sơn, con bác Ðàm học chung với nó, tôi đã nặn óc viết một lá thư thăm
bác nhờ Lâm trao ngay cho nó để đưa lại cho bác Ðàm. Thư tôi gửi cho bác
Ðàm được Lâm giao cho Sơn nhằm ngày học cuối trước dịp nghỉ lễ Các Thánh,
nhờ thế mà qua hôm sau bác về Huế để đón mấy con bác đang theo học ở đây
ra Quảng Trị ở chơi với bác mấy ngày nghỉ lễ, bác đã nhận được thư tôi
ngay. Thế là sau khi đọc xong thư, bác đã đến nhà bác Tâm tìm tôi.
Tuy xa cách đã lâu ngày
nhưng tôi thấy bác cũng không có gì thay đổi so với những bức ảnh chụp
chung với cha tôi trước đây, ngoài cái việc bây giờ bác trông có vẻ
đường bệ hơn và đi bằng công xa sang trọng có tài xế lái. Bác ân cần hỏi
han tôi một hồi về những biến cố đã xảy ra cho gia đình tôi. Tiếp đó bác
còn khen tôi viết thư hay và có khả năng viết văn, lại còn khuyên tôi
sau này cũng nên viết lách góp mặt với đời, nhưng hãy đợi khi nào thật
chín chắn đã rồi hãy viết. Về chuyện này tôi xin mở ngoặc để ghi ngay
một điều là không biết vì tôi không dám tin lời bác khen mình hoặc tại
vì quá tuân thủ nghiêm minh lời khuyên của bác mà từ đó cho đến ngày
Miền Nam sụp đổ, trên thị trường chữ nghĩa Miền Nam chưa bao giờ có ai
đọc thấy tên tôi ký dưới một bài văn hay một bài thơ, dù chỉ là xuất
hiện trong một đặc san cỡ trường Trung học, trong khi ấy, suốt mấy mươi
năm tôi cũng đã có đôi lần được vài tên bạn rủ làm văn viết báo.
Sau một hồi trò chuyện,
bác quay qua nói với bác Tâm hãy để cho tôi đi theo bác. Tôi thấy mình
vừa mới tìm thấy chút không khí quen thuộc nơi đây thì chưa chi lại có
thay đổi nên còn phân vân, nhưng thấy bác giục và nể bác nên tôi đành từ
giã bác Tâm để theo bác ra xe. Bác đưa tôi ghé lại căn biệt thự riêng
của bác ở gần dòng Chúa Cứu thế và giới thiệu tôi cho mấy đứa con của
bác đang chờ bác về để cùng đi ra Quảng Trị. Tôi ngượng ngùng nhìn chúng
vì tôi chưa nhận ra nét quen thuộc nào nơi chúng cả và chúng cũng bỡ ngỡ
nhìn tôi như chưa hề bao giờ biết tôi trong đời. Chính vì thế mà khi mới
gặp bác Ðàm, tôi vui vẻ và tự nhiên bao nhiêu thì bây giờ gặp mấy đứa
con bác, tôi lại thấy mình ngượng ngùng lúng túng bấy nhiêu.
Thật ra thì ngày nhỏ
chúng với tôi cũng đã từng có dịp gặp nhau và chơi chung lúc cả hai gia
đình còn ở Huế, nhưng bây giờ sau mười năm xa cách tôi cũng không hình
dung được chúng lớn như thế nào rồi, còn chúng thì hình như không hề
nhận ra tôi và hình như cũng chẳng còn lưu giữ một tí kỷ niệm nào về tôi
cả. Trong cái độ tuổi mỗi ngày mỗi lớn, mỗi thay đổi, lại sống trong hai
môi trường và hai hoàn cảnh khác nhau, có lẽ chỉ có tôi vì thấy mình cứ
mỗi ngày lại thêm một mất mát nên thường có khuynh hướng tìm về kỷ niệm
cho nên vẫn còn nghĩ về chúng, còn chúng vẫn sống trong một môi trường
yên vui, càng ngày càng thăng tiến với những điều mới lạ mang đến cho
mỗi năm một tuổi thì cái việc quên bẵng đi vài cái hình ảnh ngày xưa còn
bé bỏng cũng là thường tình thôi. Cũng vì thế mà lúc ngồi trên xe từ Huế
ra Quảng trị, tôi chẳng biết chuyện gì để nói ngoài việc trả lời những
câu hỏi của bác Ðàm và nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường.
Ra khỏi thành phố Huế
thì cảnh trí cũng trở nên khô cằn với những vùng cát trắng. Tại một đoạn
tôi bỗng bắt gặp bên con đường sắt chạy song song với quốc lộ một số toa
xe lửa bị cháy lật nằm nghiêng ngả từ hồi nào vẫn chưa được dọn dẹp, có
lẽ dấu tích còn sót lại của một lần xe lửa bị trúng mìn lúc còn chiến
tranh. Cái hình ảnh đoàn tàu đổ nát nằm ngả nghiêng như thế này chỉ gợi
lên cho tôi những cảm nghĩ không vui. Do đó mà tôi bỗng có cảm giác như
cái vẻ bình yên tôi đang sống hôm nay cũng chỉ là một cái gì đó mong
manh như sương khói chiều hôm.
Tới Quảng trị thì cũng
là lúc trời vừa tối, tuy nhiên tôi cũng nhận ra thành phố này cũng nhỏ
hẹp, và phố xá còn thua kém hơn cả phố xá ở Hội an. Cả thành phố hình
như chỉ có dinh Tỉnh trưởng là có vẻ đồ sộ nhất mà thôi. Bác Ðàm đưa tôi
trình diện bác gái và giới thiệu cho tôi biết mấy con nhỏ của bác sống ở
đây. Bọn chúng trố mắt nhìn tôi ngơ ngác và tôi thì cũng ngượng nghịu
với cái vẻ còn mang tính chất mán rừng về phố phường của mình nên không
biết nói gì hay làm gì. Ngay cả đối với bác gái tôi vẫn còn lưu giữ
nhiều ấn tượng đẹp trong những kỷ niệm liên quan đến mẹ tôi nhưng bây
giờ gặp lại, tôi thấy bác có vẻ điềm đạm ít nói khiến cho tôi cũng không
mấy tự nhiên.
Tối hôm đó tại phòng ăn,
cả nhà quây quần quanh chiếc bàn lớn và dài có trải khăn để ăn tối. Bữa
ăn dọn lên theo lối tây, có đầy đủ khăn ăn, muổng nỉa ly tách và có
người hầu bàn lần lượt bưng dọn từng món ăn một. Cả nhà vừa ăn vừa nói
chuyện vui vẻ và bác Ðàm vẫn ân cần hỏi han tôi nhưng tôi lại cảm thấy
như vẫn có chút gì lạc lõng giống như hôm ngồi ăn cơm tối trong dinh
tỉnh trưởng Quảng nam. Cũng vì thế mà tuy bữa ăn có nhiều món lạ, và có
nguyên cả con heo sữa quay mà bác Ðàm bảo là để ăn mừng đứa con thất lạc
tức là tôi nay đã trở về, nhưng tôi ăn chẳng ngon tí nào cả. Tôi lại
thấy nhớ những tô bún bò Huế hay ổ bánh mì thịt của các gánh hàng rong
mà bác Tâm gái vẫn hay mua cho tôi ăn sáng, tuy thật bình dị, nhưng cũng
dễ ấm lòng.
Ngày hôm sau bác đưa cả
gia đình đi xem lễ ở nhà thờ La Vang, nằm về phía tây quốc lộ 1 cách
tỉnh lỵ cũng không xa lắm. Chiến tranh vừa mới chấm dứt, nên con đường
từ quốc lộ đến La vang còn mang dấu vết lồi lõm của những lần Việt Minh
phục kích đặt mìn. Nhà thờ cũng còn thưa thớt và chưa được sửa sang vì
lúc ấy chưa có những đoàn hành hương đông đảo như sau này. Những ngày ở
Bình định tôi cũng đã từng nghe nhiều người công giáo mơ ước có một lần
được hành hương về nơi Ðức Mẹ đã có lần hiện ra giúp đỡ những người khốn
khó để dâng lên một lời cầu khẩn, nay bỗng nhiên tôi lại được cái may
mắn đến viếng nơi mà nhiều người hằng mong ước, tuy nhiên tôi lại thấy
những gì tôi đã mất mát trong đời sẽ không bao giờ có thể tìm lại, và
điều tôi mơ ước cho mai sau thì hình như tôi cũng chưa thể hình dung nó
là cái gì ở đâu và như thế nào, nên lời cầu nguyện của tôi hôm ấy chỉ là
xin cho tôi tìm thấy một sự bằng an cho tâm hồn trong cuộc đời vẫn chưa
ngừng biển động.
Qua mấy ngày sống ở
Quảng Trị với bác Ðàm, lúc ở trong dinh thì cứ phải gò bó mình theo
phong cách lễ nghi cho đúng tôn ti xã hội, còn lúc ra chơi phố thì nhìn
cái phố xá nghèo nàn nhỏ bé tôi lại nhớ đến cái huyện lỵ Phù cát buồn
nản ngày xưa nên lúc nào cũng thấy mình bứt rứt không yên. Thêm vào đó
khi nghe bác Ðàm lại có ý khuyên tôi cứ ở đây với bác một thời gian cho
quen với nếp sinh hoạt mới của xã hội bên đây rồi bác tìm cho một việc
làm để ổn định cuộc sống, sau đó thừa thì giờ thì đọc sách đọc báo để mở
mang thêm kiến thức cũng được, vì bác cho là tôi gặp quá nhiều biến cố
đau thương, lại bị gián đoạn học hành mấy năm nay nên có thể không còn
tinh thần để tiếp tục học hành một cách có hiệu quả như một học sinh
thông thường.
Ngày mới ra tới Hội An,
nhìn thấy cái cung cách còn mang đầy màu sắc phong kiến của xã hội bên
này không còn phù hợp với mình, tôi đã nảy ra cái ý định làm một con
người bình thường và quên đi cái lý lịch quá khứ của mình, nhưng rồi sự
xuất hiện của chú Nghĩa đã lôi tôi về với thực tại không thể chối bỏ.
Tôi lại nhớ cha tôi trước khi phải nằm xuống vì những viên đạn của những
con người đang nhân danh phục vụ cho Tổ quốc và Dân tộc để vong thân cho
một chủ nghĩa không tưởng, lời trăn trối của người là dù trong hoàn cảnh
nào tôi cũng nên cố gắng học hành. Bây giờ tôi đang có cơ hội thuận tiện,
lại còn có ông Cẩn đã nói sẽ lo cho tôi được học hành tới nơi tới chốn,
tôi thấy mình hình như cũng chưa cam lòng với cuộc sống bình lặng ở một
cái tỉnh lẻ nhỏ bé buồn nản này. Chính vì thế mà khi đã hết kỳ nghỉ lễ
và thấy mấy người con bác Ðàm sửa soạn để trở về Huế đi học lại, tôi
cũng đã nài xin bác cho tôi được trở về Huế.
Bác Ðàm có lẽ cũng
thông cảm niềm u uẩn của tôi nên không nói gì, và trước khi ra xe rời
Quảng Trị, bác lấy ra ba ngàn đồng đưa cho tôi bảo cầm về nhờ bác Tâm
sắm sửa cho để đi học. Thế là chiều hôm đó, tôi lại bùi ngùi từ giã bác
Ðàm để cùng đi với các con bác vô Huế và trở về lại nhà bác Tâm.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment