Ký sự Tùy bút
24.- TIẾNG ÐẠN
PHÁO
TRÊN VÙNG ÐẤT VẪN CÒN ÐAU
Kể ra thì cái đường học vấn của tôi quả là có long đong lận đận và đứt đoạn tùm lum nhưng vẫn còn nối được chứ chưa đến nỗi bỏ đi cho nên lần thi lại khóa hai tôi cũng đã qua được kỳ thi viết êm xuôi và tiếp theo là kỳ vấn đáp cũng trót lọt để trở thành cậu Tú như mọi người. Xong được cái bằng Tú Tài tôi thấy nhẹ nhõm người nhưng vì đậu khóa hai nên cũng đã hết hạn để có thể nộp đơn thi tuyển vào các Ðại học có học bổng, còn các đại học tự do khác thì còn cả tháng nữa mới tới ngày cho ghi danh, lại nhân dịp chú Hùng lúc này cũng đang nghỉ ở nhà ngoài Trung thành ra tôi cũng được rảnh rỗi bèn quyết định mua vé xe lửa làm một chuyến về thăm Qui Nhơn chơi, nghỉ ngơi vài tuần truớc khi tập tễnh làm sinh viên.
Từ khi con đường sắt xuyên Việt tái thiết xong và được coi như là một biểu tượng cho nền an ninh và thịnh vượng của Miền Nam thì tôi chưa có dịp đáp chuyến tàu suốt này lần nào. Bây giờ thì chiến tranh đã tái diễn nên đã có những lần con tàu suốt này khi chạy qua các khu rừng vắng bị Việt cộng phục kích chận đường để lục soát và bắt cóc các nhân viên chính quyền hay quân nhân di chuyển lẻ tẻ bằng xe lửa. Chính vì thế mà lúc này mấy chú dân biểu ở miền Trung dù được hưởng quy chế đi xe lửa hạng nhất có giường ngủ miễn phí cũng không còn dám dùng xe lửa để di chuyển nữa mà đành xuất tiền túi bù thêm vào khoản chênh lệch giữa hai giá vé để mua vé máy bay đi cho được an toàn hơn. Tuy nhiên dân chúng thì vẫn còn chuộng dùng xe lửa vì chưa ngại Việt Cộng và ngồi xe lửa bao giờ cũng thoải mái hơn là ngồi chen chúc bó gối trên xe đò.
Ðể nắm chắc phần thoải mái khi đi tàu, tôi đã mua vé hạng nhì trước hôm đi một ngày để ưu tiên chọn chỗ ngồi vừa ý. Không may hôm đi lại trùng vào dịp ngoài La Vang có tổ chức Ðại hội Thánh Mẫu, giáo dân khắp nơi náo nức rủ nhau hành hương nên giờ chót, một số người công giáo ở Sài gòn cũng đổ ra ga mua vé chuyến tàu suốt đi Quảng Trị cho kịp dự ngày khai mạc Thánh lễ làm cho tàu vừa phải hoãn lại một tiếng đồng hồ để nhân viên bán vé phục vụ cho hết số khách, còn trên tàu thì người ta chen lấn giành chỗ nhau và chật như nêm cối đến nỗi toa hạng nhất hạng nhì cũng thành ra hạng ba cá mòi hộp cả. Không những thế, khi ra tới ga Hoà Hưng đoàn tàu còn phải dừng lại để móc thêm hai toa thiết giáp của toán binh sĩ an ninh thiết lộ đi theo hộ tống cho đoàn tàu. Thế là cái dự tính tìm chút cảm giác thoải mái của kẻ đi xe lửa không thành mà cái hình ảnh con tàu hiền hoà đưa con người vào những chuyến viễn du bây giờ cũng điểm thêm chút vẻ sắt máu vì có thêm bóng dáng của hai toa thiết giáp màu xám xịt với ụ đại liên và các lỗ châu mai mở ra xung quanh như dấu hiệu có những khẩu súng bên trong sẵn sàng chực nhả đạn.
Từ Biên Hoà ra tới Tuy Hoà tàu chạy trong đêm tối và chỉ dừng lại ở những ga lớn nên tôi cũng chẳng thấy được gì bên ngoài mà ở trong toa thì ồn ào chật chội nên cũng không ngủ được. Ðến quãng chín giờ sáng thì tàu ra tới Diêu Trì. Hành khách về Quy nhơn phải chuyển sang tàu nhỏ. Ðoạn đường nhánh này chỉ mười cây số nhưng cái đầu máy nhỏ chạy bằng hơi nước kéo hai toa hành khách loại cũ kỹ chạy từ tốn và dừng lại tại mỗi ga xép dọc đường cho mấy bà quang gánh đi chợ lên xuống nên cũng mất cả hơn nửa tiếng đồng hồ mới tới Qui Nhơn, nhưng đây có lẽ lại là một cái thú cho những kẻ đang muốn tìm lại chút cảm giác thanh nhàn của ngày cũ như tôi.
Sau ba năm liền không về thăm lần nào,
nay quay lại, tôi thấy thành phố Qui Nhơn quả là đã đổi khác rất nhiều. Nhà cửa phố xá mọc lên san sát và dân cư đông đúc hơn. Mấy con đường chính từ khu nhà ga chạy ra tới biển như Võ Tánh, Cường Ðể bây giờ đầy dẫy biệt thự và phố lầu mới cất khang trang tân tiến hơn hẳn khu phố Gia Long cũ kỹ. Các chú bác mà tôi quen biết bây giờ hầu như ai cũng có nhà hay phố lầu hai tầng hoặc ba tầng. Vì đất dành xây phố được phân lô theo tiêu chuẩn ngang 5m, dài 20m nên các nhà phố mới xây cất ở đây đều có vẻ rộng rãi hơn nhà phố Sài gòn.
Nhờ đã đậu xong cái bằng Tú tài toàn phần nên chuyến về thăm Qui Nhơn lần này tôi cũng có vẻ như sáng giá ra một chút. Người này người nọ hỏi thăm và chúc mừng. Người thì hỏi tôi định học tiếp ngành gì ở Ðại học. Kẻ thì rủ rê tôi về Qui Nhơn xin làm việc để nối chí cha tôi mà góp phần xây dựng tỉnh nhà. Có người còn khuyên tôi muốn cưới vợ thì nên về Bình Ðịnh mà kén vì con gái Bình Ðịnh nhất định phải nết na hơn gái Sài gòn. Kể ra thì ở
xứ nào cũng có những bông hoa xinh đẹp cả, nhưng cái giọng nói
"nẫu" thì nhất định là không làm sao rung cảm tôi bằng cái giọng
"ngu lắm cơ". Còn cái chuyện nết na dịu dàng thì họa chăng có Trời mới biết chứ ai đảm bảo được điều đó vì câu ca dao
"cầm roi rược chồng" nghe từ thủa nhỏ đến nay tôi vẫn thuộc nằm lòng và tôi lại rất giống cha tôi ở cái điểm là không biết võ. Nói tóm lại là chuyến về thăm này tôi được nghe nhiều người đề cập đến toàn là những chuyện tôi chưa hề nghĩ đến hoặc không dám nghĩ đến khiến cho tôi chỉ biết cười giả
lả.
Nói đúng ra thì nơi mảnh đất Bình Ðịnh này cha tôi dù sao cũng đã lưu lại được chút tiếng tăm. Ðiều đó có thể chứng minh được bằng sự kiện cụ thể vì trong khu 6 của thành phố vừa mới được mở mang có mấy con đường mới, một mang tên cha tôi, một mang tên ông Nguyễn và một mang tên ông Võ. Cái việc chọn tên mấy vị này để đặt tên cho mấy con đường mới đó có phải vì sự thành tâm tưởng nhớ của những người được sống hôm nay đối với những người đã hy sinh ngày qua hay có ẩn ý chính trị nào đó thì tôi không thể biết được. Có điều qua vài hôm ở chơi tại thành phố, tôi ngỏ ý với vài người có phương tiện để nhờ họ đưa đi thăm mộ cha mẹ tôi thì ai cũng tỏ ra ngần ngại. Lý do nại ra đều giống nhau và cũng rất xác đáng: tình hình an ninh ở các nơi mộ tọa lạc lúc này không còn bảo đảm.
Suốt chín năm kháng chiến, Bình Ðịnh từng là hậu phương an toàn và vững chắc của Việt Minh Liên Khu V cho nên sau khi Quốc gia tiếp thu, các cơ sở chìm của Cộng sản còn gài lại chỉ tạm thời rút vào bí mật. Bây giờ chiến tranh đã được phát động thì lực lượng nòng cốt bám trụ lại vùng lên và Bình Ðịnh lại là nơi Việt cộng hoạt động mạnh nhất. Các vùng rừng núi bây giờ là mật khu của Việt cộng và vùng nông thôn là địa bàn họat động của du kích quân.
Nếu chỉ di chuyển trên quốc lộ, nhìn ra cánh đồng hai bên thấy mọi sinh hoạt vẫn bình thường thì tưởng chừng đời sống vẫn êm ả thanh bình lắm, nhưng nếu chỉ cần đi rẽ ra xa khỏi quốc lộ vài cây số tại những vùng núi non thì sự an ninh không còn bảo đảm. Bất cứ lúc nào cũng có thể có một vài ông du kích từ một lùm bụi nào đó nhảy ra chĩa súng vào người hỏi thăm và bắt dẫn đi lên núi. Từ thị trấn Bồng Sơn vào khu nghĩa trang đồi Thiết đính chưa tới ba cây số và từ quốc lộ 1 tại Phù Mỹ rẽ xuống Gò Rộng cũng chỉ khoảng ba cây số thôi nhưng bây giờ đến đó cũng gần như là xâm phạm vào lãnh thổ của một quốc gia khác vì nơi đó còn có sự hiện diện của một thứ quyền lực khác.
Tuy không đi thăm mộ cha mẹ tôi được nhưng một hôm chú Năm có công việc phải về Phù cát để tiếp xúc với đại diện cử tri đơn vị bầu cử của mình nên rủ tôi đi ra thăm lại chốn xưa. Trên con đường từ Qui Nhơn ra Phù Cát tôi lại nhìn thấy những cái bình phong bằng đất hai bên vệ đường hay những cái nia tròn sơn trắng treo trên cây chuyên dùng kẽ biểu ngữ bây giờ được kẽ mấy câu như:
"Toàn dân hăng hái tham gia xây dựng ấp chiến lược",
"Ấp chiến lược là quốc sách"... Ðúng thế. Ðây là chính sách hàng đầu hiện nay của chính phủ nhằm gom dân sống rải rác tại nông thôn vào các ấp được phòng thủ để có thể kiểm soát và loại trừ các thành phần Việt cộng hay thân Cộng ra ngoài hầu các lực lượng an ninh dễ dàng tiêu diệt vì cuộc chiến tranh hiện nay là một cuộc chiến giành dân lấn đất.
Ra tới Phù Cát chú Năm đưa tôi vô quận để thăm chú Bảy vì chú Bảy đang là Quận trưởng ở đây. Thời còn mồ ma chính phủ Nam triều cha tôi được bổ vào làm tri huyện ở Phù Cát này thì cái huyện đường cũng vừa mới được xây xong thay thế cho cái huyện đường trước đó quá cũ nằm trong phố bị phế bỏ. Chỉ hơn một năm sau thì Việt Minh khởi nghĩa và theo đúng chính sách tiêu thổ kháng chiến, cái huyện đường đó đã bị san bằng. Quận đường hiện tại chỉ mới được xây cất lại chừng vài năm nay nhưng hình như nằm kế cạnh vị trí của huyện đường cũ vì tôi còn nhận ra hàng xoài trồng dọc theo lối cổng vào lúc xưa chỉ là cây con mới trồng nay đã cao lớn và có trái nhưng lại thuộc bên khu trường học cũng mới được xây cất kế bên quận. Còn vòng rào quận nay được rào bằng dây kẽm gai và bên trong vòng rào của quận cũng ngổn ngang hàng đống cột sắt và các cuộn dây kẽm gai đang chờ phân phối cho các xã để xây dựng ấp chiến lược.
Chú Bảy đang ngồi làm việc ở văn phòng. Thấy tôi đến chú cười cũng như ngày xưa mỗi lần chú gặp tôi chú cũng chỉ cười. Tôi nhìn căn phòng làm việc của chú và chú ý đến tấm bản đồ quận Phù cát treo trên tường sau lưng bàn giấy của chú có những chỗ được đánh dấu bằng các chấm đỏ hoặc chấm đen. Tôi thắc mắc hỏi chú ý nghĩa của mấy chấm đó thì được chú cho biết nơi có chấm đỏ là vùng Việt Cộng kiểm soát và nơi có chấm đen là vùng xôi đậu có nghĩa là nửa theo bên này nửa theo bên kia hay ngày thì thuộc Quốc gia mà đêm là Việt Cộng. Dân chúng sống ở vùng này thì thường bị cái nạn ban đêm các ông du kích mò về lôi cổ đi đào đường đắp mô rồi ban ngày Quốc gia tới lại bắt đi phá mô lấp đường. Mà những người dân thì có lẽ chỉ mong muốn được sống yên ổn với mảnh vườn thửa ruộng chứ cũng không mơ ước gì hơn.
Vào lúc đó thì tôi thấy một viên sĩ quan vào gặp chú để báo cho chú biết là đơn vị của ông ta sắp mở một cuộc hành quân pháo kích vào mật khu của Việt cộng để thanh toán cho xong cấp số đạn hàng tháng.
Ông ta xin chú Bảy tăng viện cho một đơn vị lính bảo an đi làm vòng đai an ninh và mời chú cùng tham dự. Lúc sắp sửa xuất phát thấy tôi có vẻ tò mò muốn biết nên chú Bảy cho tôi đi theo.
Gọi là cuộc hành quân nghe có vẻ rùng rợn nhưng thực ra tôi thấy cứ như là đi chơi. Toán hành quân gồm có một chiếc GMC và một chiếc Dodge chở lính của pháo đội với khẩu sơn pháo 75 ly và đạn pháo, một xe dodge chở một tiểu đội lính bảo an trang bị súng cá nhân. Viên sĩ quan pháo binh đi xe jeep còn chú Bảy đi bằng chiếc xe land rover của quận. Ðoàn xe chạy ra chợ Gồm rồi rẽ vào một con đường đất nhỏ hướng Ðông của quốc lộ, đến chỗ có một cái trường học bỏ hoang thì đậu lại. Toán binh sĩ bảo vệ tản ra bố trí quanh khu vực còn toán pháo binh lo kê khẩu pháo hướng nòng vào dãy núi phía nam con đường đất và khiêng đạn xuống khui ra khỏi hộp rồi sắp sẵn thành hàng kế cận khẩu pháo. Sau khi giở bản đồ, đo và chấm tọa độ, điều chỉnh góc độ của khẩu pháo, ấn định mức thuốc bồi, viên sĩ quan cho lệnh khai hỏa. Người xạ thủ ôm viên đạn pháo từ tay người phụ xạ thủ trao qua và rót vào nòng súng rồi thụp người xuống lấy tay bịt tai. Một tiếng nổ inh tai kèm theo lằn lửa phụt lên từ nòng súng và viên đạn pháo bay vút lên trời cao rồi rơi vào sau dãy núi và vọng lại một tiếng nổ xa xa.
Trong dãy núi kia bây giờ là nơi trú ẩn của Việt cộng. Không biết những trái pháo vu vơ này có gây được một tổn thất nào cho đối phương không hay chỉ có tác dụng như một sự phá rối giấc ngủ ngày của một số người chỉ chuyên sống về đêm thì không ai kiểm chứng được nhưng nhìn cách đánh giặc cái kiểu này gợi tôi nhớ lại những quả pháo của tàu Tây từ ngoài biển bắn vào Gò Xoài những ngày tôi còn nhỏ. Những quả đạn ngày ấy cũng chẳng giết chết hay làm bị thương được anh du kích hay chị cán bộ nào mà chỉ làm cho dân chúng phải đùm túm nhau chạy tản cư lên núi. Tuy thế, có một lần một quả đạn pháo vu vơ ấy cũng đã vô tình gây tử thương cho một cô bé học cùng lớp với tôi.
Cuộc bắn phá vào các mục tiêu khả nghi trong dãy núi cứ thế mà thong thả tiến hành cho đến khi thanh toán xong số đạn mang theo thì toán hành quân rút về. Tôi theo chú Bảy về quận và chiều hôm đó lại theo chú Năm về lại Qui Nhơn. Nhìn thành phố buổi chiều như có vẻ đang nhộn nhịp hơn lên với kẻ đi làm về, kẻ rảo phố mua sắm hay ra biển dạo mát và người dân thành phố có vẻ rất hài lòng với cuộc sống thanh bình có những tiện nghi vật chất mà nền văn minh đang mang lại cho họ, tôi chợt cảm thấy như có một cái gì đó rất mâu thuẫn trên đất nước này. Xa xôi bên ngoài thành phố, tại các làng xóm âm thầm khi màn đêm buông xuống là một cuộc sống thấp thỏm cũng đang bắt đầu với những bóng người lần mò trong đêm tối để phá hoại và giết chóc vì tin tưởng mình đang chiến đấu cho một ngày mai tươi sáng hơn. Thành phố Qui Nhơn đang phát triển và hứa hẹn còn phát triển nữa, nhưng tương lai của thành phố sẽ như thế nào thì không ai biết được.
Tôi nán lại Qui Nhơn thêm vài ngày nữa rồi đáp xe đò vô Nha Trang và vì thời gian nghỉ cũng không còn nhiều nên tôi cũng chỉ ở lại Nha Trang có vài ngày đủ thời gian ghé thăm chú Tiến, thím Nguyễn và anh Tánh, sau đó là lo đáp tàu về Sài gòn để chuẩn bị ghi danh vào Ðại
học.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment