23.- TUỔI
THANH XUÂN
CHỢT THẤY ÐỜI NHƯ LỊM TẮT
Thực ra thi đậu được Tú Tài I mới chỉ là điều kiện cho phép người học sinh được học lên năm cuối của bậc Trung học để rồi thi lấy nốt Phần Hai cho nên nếu như vì lý do nào đó mà một người chỉ đậu được Phần Một nhưng không đậu tiếp được Phần Hai thì vẫn coi như chưa phải là đậu xong Tú Tài, và dĩ nhiên không thể nào được vào Ðại học. Mà cái mong muốn vào Ðại học bây giờ của đám học sinh con trai đến tuổi vào đời lại có thêm một động lực thôi thúc mới: lý do để xin được hoãn
dịch.
Thật thế! Cái không khí thanh bình của mấy năm đầu sau ngày đình chiến theo hiệp định Genève đã bắt đầu bị khuấy động kể từ khi vấn đề Hiệp thương bị chính quyền Miền Nam xóa bỏ và Cộng sản bắt đầu xoay ra dùng biện pháp quân sự để hòng giải quyết vấn đề thống nhất. Chiến tranh du kích đã tái diễn tại các vùng nông thôn. Mới đây Cộng sản lại cho phát động phong trào Ðồng khởi ở Bến Tre và từ đó nhiều trận đánh lớn đã xảy ra khiến cho tin chiến sự lại trở thành đề tài thời sự hàng đầu của mọi người. Chính phủ đã phải ra tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn lãnh thổ Miền Nam và cho ban hành lệnh Tổng động viên. Ðiều này dĩ nhiên là có tác động trực tiếp đến lứa tuổi thanh niên và vì thế mà trừ bọn con gái ra, đám con trai đến tuổi trưởng thành không ít thì nhiều đều phải băn khoăn lo lắng cho tương lai của mình.
Cái rắc rối của lứa tuổi thanh niên bây giờ là tất cả mọi dự tính cho tương lai đều trở thành tạm bợ. Nếu không đi học tiếp để xin được tạm hoãn dịch vì lý do học vấn thì cũng khó xin việc làm lâu bền vì không cơ sở nào muốn tuyển nhận người thuộc lứa tuổi bị chi phối bởi luật Ðộng Viên. Một vài người trầy trật không vượt qua khỏi cái ải Tú Tài, cũng đã xoay ra chọn trước con đường binh nghiệp cho xong. Riêng tôi, thấy bạn bè của mình người thì xin vào phân khoa này, kẻ thi vào đại học nọ, vừa an tâm được hoãn dịch, vừa tạo cho mình một tương lai vững chãi hơn nên tôi cũng muốn làm sao lấy cho xong cái bằng Tú Tài để sớm trở thành sinh viên như
họ.
Anh bạn Lưu công của tôi thấy tôi đã qua được Tú Tài phần một và khi biết tôi không có phương tiện để theo học lớp Ðệ Nhất bèn về nhà gom tất cả sách vở bài tập mà anh ta vừa học xong trong niên học vừa qua ở Chu Văn An mang lại cho tôi mượn để tôi tự học. Nhờ anh bạn vốn chăm chỉ nên đã ghi chú thêm lời giảng, cùng soạn ra những bản tóm tắt các điểm chính yếu và quan trọng cho mỗi bài học suốt năm qua mà nay tôi đã có đầy đủ tài liệu rất chi tiết để tự học một cách dễ dàng.
Chương trình năm Ðệ Nhất có môn Triết là môn khó nuốt và thường là nỗi lo âu cho nhiều học sinh thi Tú Tài Hai nhưng tôi lại nghĩ rằng môn triết rất phù hợp với bản tính hay suy tư của mình nên không cần bận tâm mà chỉ chú tâm học các môn như Sinh ngữ, Toán, Lý, Hoá trước. Nhờ được vài tháng vắng chú Hùng nên tôi cũng đã có nhiều thì giờ tự do yên tĩnh để tự học và nắm được phần lớn chương trình lớp Ðệ nhất. Nhưng rồi
khóa họp thường kỳ của Quốc Hội lại đến và chú Hùng cũng đã vào Sài gòn ở để đi họp khiến cho tôi không những
bị mất đi cái yên tĩnh quý báu ấy mà sau đó còn có thêm nhiều chuyện xảy ra làm
trở ngại cho việc tự học của tôi rầt nhiều.
Cùng với tình hình chiến sự ngày một gia tăng, thì chính quyền với chiêu bài chống Cộng cũng càng ngày càng trở thành độc tài. Ðiều này khiến cho các thành phần đảng phái chống đối lại ông Diệm càng gia tăng hoạt động. Người Mỹ vì không có một chính sách rõ ràng trong vấn đề Việt Nam cho nên cũng đã tiếp tay cho các thành phần đối lập để làm áp lực đối với chính phủ của ông Ngô Ðình Diệm. Chính vì thế mà vào tháng 11 đã xảy ra cuộc đảo chính của một số sĩ quan chỉ huy lực lượng Nhảy dù.
Mới sáng sớm người ta nghe đài Sài gòn bỗng phát đi cái thông báo của lực lượng đảo chánh rồi sau đó là các chương trình phát thanh thường lệ đều ngưng, chỉ còn nghe đài phát ra toàn những bản quân nhạc. Dân Sài Gòn bắt đầu nhốn nháo rủ nhau ra đường đi xem đảo chính. Tôi cũng đi theo. Các ngả đường bao quanh dinh Ðộc Lập đều có lính nhảy dù án ngữ canh gác nhưng dân chúng vẫn len lỏi qua
lại.
Vài toán biểu tình kéo về dinh Ðộc Lập yểm trợ cho lực lượng Ðảo Chính. Mấy sĩ quan cầm đầu lực lượng đảo chính như Trung tá Thi, Trung tá Ðông được đám biểu tình hoan hô như những anh hùng sắp làm nên lịch sử. Tuy thế suốt cả ngày chỉ thấy hai bên án binh bất động, rồi nhiều tin tức trái ngược nhau về một cuộc thương thuyết giữa chính phủ và phe đảo chính đang diễn ra khiến cho nhiều người chỉ biết bàn tán xôn
xao.
Ngày hôm đó mấy chú dân biểu thuộc nhóm Cần Lao thì lo cho cái ghế của Tổng Thống đang bị lung lay và cái địa vị cùng quyền lợi của mình bị đe dọa. Chú Cọp và các chú bác thuộc mấy đảng phái khác thì lại đang ra mặt ủng hộ phe đảo chính. Mặc dù tôi không hoàn toàn ưa thích đường lối cai trị của ông Nhu và ông Diệm nhưng tôi cũng không nhìn thấy cái gì khả dĩ làm cho mình tin tưởng nơi những người muốn lật đổ ông Diệm nên chỉ biết làm kẻ bàng
quan.
Ngày hôm sau lực lượng bao vây vẫn còn đó nhưng không khí không còn vẻ sôi động như ngày qua. Tuy thế vẫn còn có một đám biểu tình của sinh viên học sinh xảy ra. Vốn dè dặt với súng đạn cho nên tôi cũng chỉ lảng vảng xa xa phía sau chứ không theo đám biểu tình tiến vào sát cổng dinh Ðộc Lập. Chợt một lúc nào đó tôi nghe có hàng loạt súng nổ từ toán lính phòng vệ trong dinh bắn ra làm đám biểu tình bỏ chạy tán loạn. Tôi chợt thấy Phú và Hi con chú Cọp cũng ở trong đám biểu tình tuôn ra và cái áo trắng của Phú đang mặc hình như có vấy máu. Thế là tôi cũng cắm cổ chạy. Sau đó tôi đến nhà chú Cọp thăm cho biết sự tình thì được biết áo của Phú có bị vấy máu thật nhưng đó là máu của một kẻ nào đó bị trúng đạn chứ riêng Phú thì chỉ mới bị một phen hú vía thôi.
Khi các đơn vị quân đội trung thành với ông Diệm bắt đầu kéo về giải tỏa Sài gòn và các sĩ quan cầm đầu cuộc đảo chính bỏ trốn thì đám lính nhảy dù cũng lặng lẽ rút. Cuộc đảo chính coi như thất bại. Những ngày sau đó các thành phần dân sự chống đối Chính phủ cũng lần lượt bị bắt, trong
số đó có cả chú Cọp. Còn các chú dân biểu Cần Lao thì cũng túi bụi họp hành để lên án cuộc đảo chính và làm kiến nghị bày tỏ lòng trung thành và sự ủng hộ tuyệt đối với chính phủ do Ngô Tổng thống lãnh đạo.
Trong lúc tình hình còn chưa ổn định thì một hôm vào nửa đêm tự nhiên tôi cảm thấy cứ đau nhói ở bụng. Cơn đau càng lúc càng gia tăng và có lúc tôi tưởng chừng như muốn tắt thở. Vốn từ lâu đã từng quen im lặng chịu đựng chứ không kêu ca mỗi khi đau ốm cho nên người trong nhà cũng chẳng ai để ý cơn đau của tôi. Ðến sáng thấy cơn đau càng trầm trọng nên tôi bèn tự mình đi tìm đến một bác sĩ nào đó để khám bệnh
thử.
Lúc ra đầu đường Trần Hưng Ðạo, tôi cũng chưa biết là bây giờ nên đi đâu, nhưng nhìn thấy gần đấy có một phòng mạch bác sĩ đang mở cửa nên tôi liền ghé vào. Nhìn cái khuôn kiếng lộng bằng của ông bác sĩ này treo ở phòng mạch tôi mới biết ông ta tốt nghiệp chuyên
khoa về ruột gan bao tử ở Pháp. Bệnh nhân ngồi chờ khám không đông nhưng đều có vẻ khá giả cả. Khi đến phiên tôi, ông bác sĩ khám một hồi rồi hỏi ai giới thiệu cho tôi biết mà đến đây vì tôi bị viêm gan cấp tính, nếu không gặp đúng thầy và để chậm hơn nữa là phải đi bệnh viện, phải chữa trị khó khăn lâu dài chứ không phải dễ. Thật tình thì tôi cũng ghé bừa vào chứ có ai chỉ đâu. Ông ta chích cho tôi một mũi thuốc gồm nhiều thứ pha trộn chung rồi biên cho cái toa mua thêm vài thứ thuốc uống hỗ trợ đồng thời kể một loạt các loại đồ ăn cần phải kiêng cữ trong thời gian trị
bệnh.
Lúc trả tiền thì tôi giật mình vì giá biểu thù lao cũng được tính rất cân xứng với giá trị cái bằng tốt nghiệp của ông ta. Ðã thế ông ta lại còn bắt tôi mỗi ngày phải trở lại để ông ta tái khám theo dõi bệnh tình và chích thuốc chứ không cho toa mua thuốc về nhà chích như thói quen bệnh nhân đi khám bác sĩ tư. Tôi xót ruột lắm nhưng vì tin tưởng ông ta nên đành bóp bụng mỗi ngày trở lại phòng mạch để cho ông ta tiếp tục điều
trị.
Kể ra thì ông bác sĩ quả có giỏi và đã trị đúng bệnh nên qua năm lần khám và chích thuốc thì tôi thấy mình khoẻ lại rõ rệt và ông ta cũng cho tôi nghỉ tái khám, chỉ dặn về tiếp tục uống thuốc và ăn uống kiêng cữ một thời gian.
Thế là cái công dành dụm tiền lâu nay định để sắm cho mình một chiếc vélo-solex làm phương tiện đi lại cho ra vẻ hợp thời trang bỗng chốc qua một tuần lo chữa bệnh, đã biến thành tiền của ông bác sĩ gần hết. Tuy nhiên nhớ lại mới đây dượng Ba ở Qui Nhơn cũng bị đau giống như tôi nhưng bác sĩ ngoài ấy chữa không được cuối cùng phải đưa vào nhà thương Grall nằm điều trị cả tháng mới bình phục, tôi bèn tự an ủi mình vẫn còn may. Nếu gặp trường hợp này mà không tiền, không ai lo kể như
xong.
Thời gian này tình hình chính trị vẫn còn chưa ổn định khiến cho sinh hoạt thành phố thỉnh thoảng lại bị xáo trộn vì có lệnh giới nghiêm. Cũng vì thế mà một hôm chú Hùng về Qui Nhơn rồi nhưng có mấy người nhà của chú ngoài Trung mới vào tạm trú nhằm bữa bị giới nghiêm nên ngại ra tiệm bèn rủ nhau nấu cơm luộc trứng vịt ăn đỡ. Mặc dầu bác sĩ có căn dặn kiêng ăn trứng một thời gian nhưng thấy mình có vẻ bình thường nên tôi cũng đâm ra khinh suất cho nên hôm đó tôi cũng ăn đại. Thế là cơn đau tái phát. Tôi đến phòng mạch ông bác sĩ chuyên khoa để xin thuốc thì tình hình giới nghiêm làm cho ông bác sĩ không đi làm được khiến tôi lại phải quay về chịu trận.
Hôm sau ông bác sĩ thấy tôi nhăn nhó ôm bụng đến bèn hỏi nguyên nhân. Khi nghe tôi nói vì lỡ ăn trứng ông ta liền trách tôi đã không tuân đúng lời
dặn. Ông lại còn bảo để cho bệnh trở lại thì khó chữa và lâu hơn. Tôi bèn đem hoàn cảnh khó khăn của mình trình bày để xin ông bác sĩ cho toa về nhà mua thuốc chích cho đỡ tốn kém nhưng ông bác sĩ cũng rất thản nhiên bảo rằng ông không có một ngoại lệ nào cả. Thế là xe đạp và vài món đồ đáng giá như đồng hồ, sách qúy của tôi đều đi vào tiệm cầm đồ hay ra hàng sách cũ nằm để tôi có tiền nộp cho bác sĩ mỗi ngày.
Cũng may là qua chừng mười lần chích thuốc và cũng là lúc tôi không còn gì để cầm bán thì ông bác sĩ cho tôi ngưng. Có điều lần này sau khi ngưng đi bác sĩ, tôi không có được cái tâm trạng mình đã bình phục như trước mà lúc nào cũng có cái cảm giác hình như còn có một cái gì đó không ổn. Ðể đề phòng bệnh tái phát, lần này tôi kiêng cữ rất cẩn thận, nhưng cũng vì thế mà khi phải ăn cơm tháng chung lệ thuộc vào chủ hàng như hiện nay, nhiều bữa tôi gần như chỉ còn dám ăn có mỗi món rau.
Cái cảm giác này cứ kéo dài mãi nên một hôm gặp chú Tiến tôi bèn đem chuyện mình bị bệnh ra kể. Chú Tiến bèn bảo tôi để chú giới thiệu đến một ông bác sĩ mà chú bảo là bạn dân biểu cùng khối với chú để ông ta khám giúp cho. Tôi cầm cái thư giới thiệu của chú Tiến đến tìm ông ta ở phòng mạch mà cũng là tư gia thì thấy bảng đề ông ta tốt nghiệp trường Y khoa Hà nội và cũng chuyên khoa về ruột gan bao tử lại còn đèo thêm cả phổi phèo nữa. Có điều phòng mạch của ông ta thật vắng khách.
Tôi xuất trình lá thư giới thiệu của chú Tiến. Ông ta liếc qua thật nhanh, tỏ vẻ không lấy gì làm hài lòng vì phải bỏ công không nên ông ta cũng chỉ khám qua loa, kê vội cho tôi một cái toa về mua vài thứ thuốc uống thông dụng rồi gần như là đuổi tôi về cho lẹ.
Tôi vốn đã có thành kiến với mấy ông bác sĩ bỏ nghề để làm chính trị nay lại gặp phải một ông này hành nghề không ra hành nghề mà chính trị cũng không ra chính trị càng chán thêm. Ừ nhỉ! Sao cái xã hội này từ ngày bắt đầu nổi lên giành độc lập đến nay lại nảy sinh ra lắm ông bác sĩ không thích làm nghề chuyên môn của mình để cứu nhân độ thế mà lại cứ xoay ra làm chính trị cho cuộc đời rối rắm thêm như thế.
Mặc dù uống thuốc và kiêng cữ đều đặn nhưng sao càng ngày tôi thấy mình cứ như đuối dần và cũng không còn muốn cầm đến sách vở nữa. Rồi một hôm thấy mình lại như muốn nghẹt thở khiến tôi lo quá bèn thử quay trở lại ông bác sĩ chuyên khoa cũ cho ông khám lại xem
sao. Ông ta khám xong thì nói là gan của tôi đã bình thường nhưng thấy tôi có vẻ suy sụp quá nên ông hỏi tôi có lo nghĩ gì không. Vừa nghe tôi nói vẫn kiêng ăn và lo học thi Tú Tài, ông ta không cần phải đắn đo tìm tòi gì nữa mà viết ngay cho tôi cái giấy giới thiệu bảo đi chụp hình phổi ngay. Ngày hôm sau có kết quả cho biết là tôi đã bị nám phổi. Dĩ nhiên lần này bệnh tình của tôi không còn thuộc lãnh vực chuyên môn của ông ta nữa nên ông ta cũng không đòi tôi phải đeo theo ông ta nữa mà cho ngay cái toa để về nhà mua thuốc chích và vài thứ thuốc uống trị về phổi kèm theo lời dặn nên ăn uống tẩm bổ, khỏi phải kiêng cữ gì nữa, chỉ cần mỗi hai tháng phải đi chụp hình phổi để theo dõi tiến trình của việc điều trị mà thôi.
Biết được nguyên do bệnh trạng mình rồi tôi cũng bớt lo. Hơn mười năm trước mẹ tôi cũng vướng phải chứng bệnh phổi này nhưng ngày ấy không có thuốc men điều trị nên mẹ tôi đã phải từ giã cuộc đời sau mấy năm sống mỏi mòn trong tuyệt vọng. Thời của tôi may mắn đã có thuốc chữa, chỉ cần có tiền mua thuốc và kiên trì một chút thôi. Nhưng tiền nong thì làm sao đây? Túng quá tôi đành phải viết thư kể lể với cậu Ðôn sự tình từ ngày tôi bỏ nhà ngoại ra đi làm kiếp ngựa hoang. Có lẽ thư tôi viết đã cảm kích được tấm lòng nhân hậu của cậu Ðôn nên chỉ vài hôm sau tôi thấy cậu đến tìm tôi và cho một ít tiền. Hôm ấy có cả anh Hân cùng đi với cậu. Anh Hân quan sát chỗ tôi ở một hồi rồi khen tôi có được một chỗ ở tốt. Tôi lại yên lặng.
Nhờ chích thuốc đều đặn và ăn uống bình thường trở lại nên tôi thấy mình cũng không còn cái tâm trạng uể oải nữa nên bắt đầu tiếp tục ôn tập lại bài vở rồi đến ngày có thông báo thâu nhận hồ sơ thí sinh xin thi Tú Tài Hai tôi cũng vội vàng đến tìm chú Tám giáo sư tư thục nhờ làm cho tôi một cái giấy chứng nhận đã học hết chương trình Ðệ nhất để nộp đơn làm thí sinh tự do. Ngày thi đến tôi cũng nôn nao đi thi như mọi thí sinh khác.
Dĩ nhiên là chỉ tự học mà còn phải trải qua bao nhiêu xáo động tinh thần lẫn thể chất như tôi vừa qua thì đi thi chỉ là chuyện cầu may nhiều hơn là tin tưởng vào khả năng của mình. Buổi đầu tiên thi môn luận Triết. Ðọc qua đề tài thấy chả có vẻ gì là hóc búa nên tôi nổi hứng tán bừa phứa và còn lấy làm hài lòng về cái bài làm của mình nữa là khác. Ðiều ấy giúp tôi lên tinh thần và tiếp tục dự thi các môn còn lại mấy buổi sau đó một cách trôi chảy. Thế là tôi bắt đầu hy
vọng.
Ngày niêm yết kết quả thi viết tôi hồi hộp đi xem bảng. Chen vào dò mãi chả thấy tên mình đâu cả tôi lui ra nhưng chưa về ngay mà còn nán lại chờ cho số người xem bảng về bớt để vào dò lại một lần thật kỹ. Và tôi đã thất vọng thực sự.
Vừa lúc đó thì tôi thấy anh bạn Lưu công lò dò tới. Anh ta cũng cất công ra đây xem bảng vì muốn biết kết quả thi cử của tôi ra sao. Nghe tôi báo tin là đã rớt anh ta xoay ra hỏi cách thức tôi làm bài thi như thế nào. Khi nghe tôi thuật lại cách tôi đã làm bài luận Triết thì anh ta lắc đầu. Thì ra lâu nay tôi cứ cho là môn Triết hợp với bản tính ưa suy tư của mình nên không chịu đào sâu triết học kinh điển nên hôm làm bài thi chỉ toàn nói quàng theo kiểu
"kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà" cho nên mới bị
"ao" cũng là đáng tội.
Nhận ra được cái lẽ chủ quan sai lầm đã khiến cho mình thi rớt, tôi không còn ấm ức nữa. Thôi thì chuyến này về chịu khó giở mấy quyển sách giáo khoa và sách bài mẫu dạy làm luận triết ra nghiền ngẫm thêm chờ ngày thi lại khóa hai
vậy.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment