Ký sự Tùy bút
22.- NGỰA
HOANG
ÐÂU DỄ CAM LÒNG CHỊU KÉO XE
Chuyện thi rớt Tú tài của tôi không phải chỉ gây ngạc nhiên cho bạn bè cùng lớp mà cả những người trong gia đình quen thuộc cũng ngạc nhiên không kém, nhưng vì không ai biết được cái nguyên nhân thầm kín đưa đến cơn khủng hoảng tinh thần của tôi cho nên ai cũng chỉ lấy câu
"học tài thi phận" để mà an ủi. Tuy nhiên, đối với tôi thì sau khi nhận thấy cái đầu óc mơ mộng đi tìm chút
"bóng mát cho cuộc đời" đã khiến cho tôi uổng phí một năm học, phải giã từ mái trường Chu Văn An, tôi quyết định phải dẹp ra ngoài tư tưởng những cái
"ngu lắm cơ" để chú tâm ôn lại bài vở chờ sang năm thi lại. Thế nhưng hoàn cảnh lại không để cho tôi được yên ổn thực hiện theo dự tính bình thường.
Cậu Viện sau một thời gian ra mở cái tiệm đại lý thuốc tây để gọi là tự lập thì chỉ thấy vốn liếng bỏ ra lúc đầu cứ mòn dần cho đến chừng không còn gì nữa đành dẹp tiệm dọn về ở chung trở lại. Ngày trở về thì căn phòng cũ lâu nay anh em tôi ở quen rồi nên cậu cũng không nỡ đòi mà chỉ chiếm căn phòng lớn phía trước, hơn nữa nhà không có người để phục dịch vì em tôi cũng đi học nên cậu cũng bỏ bớt thói quen phải có mâm riêng hầu cậu như xưa
mà chịu ngồi ăn cơm chung một lần với ông tôi. Tuy nhiên cái óc thích kinh doanh theo cách tính toán trên mây của cậu thì cậu chưa từ
bỏ.
Sau mấy tháng ngồi quán cà phê suy nghĩ chưa ra phương kế làm ăn nào hay ho thì chợt không biết do ông bạn nào bày vẽ và dẫn mối mà một hôm cậu hớn hở quay về nói với ông tôi là có một chiếc taxi chủ chạy lấy còn tốt nhưng nay chủ định giải nghệ cần bán gấp vì thế mà cậu muốn nhờ ông tôi nói với cậu Ðôn cho mượn vốn một lần nữa để cậu mua rẻ chiếc xe ta xi này rồi đem về cho thuê, như vậy là vừa có thu nhập lại vừa khoẻ cái thân. Ông tôi nghe cậu lý luận cũng xuôi tai bèn đi gặp cậu Ðôn nói chuyện. Cậu Ðôn thì phải nể ông tôi cho tròn đạo hiếu nên cậu Viện cũng rước được cái xe taxi đã cũ kỹ ấy
về.
Ðể có chỗ cho xe đậu, ông tôi phải cho phá cái cổng cũ ra làm mới lại cho rộng và đặt cống đúc xi măng thay cho cái cầu ván bắc qua cái mương trước nhà để cho xe có thể vào đậu trong mảnh sân con bên hông nhà. Ngoài ra ông lại còn mua cây và tôn che thêm ra làm thành như cái mái hiên để cho xe cũng có được một chỗ núp mưa nắng. Nhà không ai biết lái xe cả nên khi rước cái xe về chủ cũ phải lái xe đưa vào đậu hẳn hòi nơi mái hiên. Từ hôm đó trở đi, mỗi sáng ông tôi lại có thêm một niềm vui bận bịu ra mở xe rồ máy để bảo
trì cho máy móc luôn luôn tốt. Phiền một nỗi cái xe đã qua bao năm tháng làm việc đến độ rã rời nên bây giờ được ông tôi săn sóc thì xe cũng không còn hơi sức đáp lại tấm lòng ưu ái của ông cho nên cứ ù lì ra đến nỗi ông tôi phải thúc dục năm lần bảy lượt mới chịu hục hặc lên vài tiếng, xong rồi lại còn cà khực cà khịa một hồi mới chịu vào khuôn phép. Còn cậu Viện thì sau khi nghe xe nổ máy ròn rã được rồi là vui vẻ ra quán cà phê ngồi tán gẫu chờ có người hỏi thuê
xe.
Các tài xế chạy taxi thường chỉ thích thuê loại xe nhỏ 2CV vừa đỡ tốn xăng vừa dễ sửa chữa nhưng chiếc xe cậu Viện mua là loại Peugeot 203, lớn hơn loại 2CV nên vừa ăn xăng nhiều mà hư hỏng thì sửa chữa cũng tốn hơn, do đó mà mấy ông tài xế ta xi chạy xe thuê ít thích mướn. Tuy nhiên nhờ ngày nào cũng ngồi quán cà phê rỉ rả mà cậu cũng tìm được người chịu đóng thế chân một số tiền nhỏ rồi mỗi sáng lại lãnh xe ra, tới tối mang xe về trả. Ðược đâu vài ba bữa đầu bác tài mỗi tối về trả xe là đóng tiền nong sòng phẳng nhưng sau đó thì bắt đầu than ế khách rồi nào là xe cứ hư vặt phải tốn tiền và thời gian sửa chữa hoài do đó chạy không được bao nhiêu nên xin góp thiếu hoặc có khi còn xin được khất qua ngày khác.
Tình trạng làm ông chủ ngồi chơi thu tiền này của cậu Viện kéo dài độ chừng một tháng, đến khi mà số tiền góp thiếu nhiều hơn số tiền thế chân thì không thấy bác tài đến lãnh xe chạy nữa và cũng biến luôn. Cậu Viện lại phải lân la tìm người để cho thuê. Chờ cả tháng mới có được người hỏi thuê nhưng lúc tài xế mang xe ra thử thì mới lui ra tới đường xe đã khựng lại như con ngựa chứng rồi đề máy, quay ma-ni-ven cách nào cũng không chịu nổ nữa. Thế là cả nhà lại được huy động ra đẩy xe vào. Xe để nằm ụ hoài không dám sửa vì sợ tốn thêm tiền mà kêu bán cũng chẳng ai mua, nay thấy tôi thi rớt nghỉ học cậu Viện bèn có sáng kiến bàn với ông tôi nên cho tôi đi học thợ máy để về săn sóc cho chiếc taxi nhà thì khỏi lo bị mấy ông tài xế thuê xe kỳ kèo
nữa.
Tôi không có óc kinh doanh nhưng cũng không đến nỗi không biết suy luận. Thấy mình không đi học mà cứ ở nhà kiểu này thì thế nào cũng bị sai khiến làm những công việc vừa uổng công vừa phí tiền một cách vô ích theo sáng kiến chỉ đạo của cậu Viện, mà không nghe lời thì cũng không làm sao tránh khỏi những chuyện rầy la trách cứ này khác nên tôi buộc lòng phải tìm cho mình một lối thoát. Sẵn dịp thấy chú Hùng bạn Dân biểu Quốc Hội với chú Năm ở Bình Ðịnh vừa thuê một căn phố trong hẻm ở đường Trần Hưng Ðạo để dùng làm chỗ ở mỗi khi vào Sài gòn đi họp cho nên những khi chú về ngoài Trung thì nhà bỏ trống, tôi bèn xin chú cho tôi ở trông nhà cho chú và được chú đồng ý. Thế là tôi lại giã từ ngôi nhà ngoại để đi làm quản gia cho chú Hùng.
Chú Hùng cũng quê Nghệ An nhưng vào sống ở Bình Ðịnh từ lúc nào thì tôi không biết, có điều tôi gặp chú từ lúc còn ở Gò Xoài vì lúc ấy chú cũng hay ghé chơi và quen thân với tất cả những người bên gia đình họ Trương nhưng hình như lại không thân với cha tôi lắm, mặc dù tôi nghe nói chú cũng biết gốc gác phía bên nội tôi. Chú cũng rất ghiền trà nhưng không thích bánh đậu xanh hay kẹo đậu phộng như cha tôi, còn về mặt cá tính thì chú có vẻ bình dị nhưng đôi khi có nhiều cái chú cũng tỏ ra rất câu nệ như ông tôi hoặc bốc đồng như cậu Viện, và đặc biệt là giọng nói của chú thì lại mang nặng âm hưởng của miền Nghệ Tĩnh còn hơn cả ông tôi hay cậu Viện
nữa.
Tuy là nhà giáo nhưng từ thời còn ở trong kháng chiến chú vẫn hay mặc bộ đồ kaki như cán bộ và cho tới bây giờ cần phải mặc áo sơ mi trắng thì áo cũng vẫn may theo kiểu hai túi có nắp. Trong đợt công an Việt Minh bắt giữ cha tôi và nhiều chú bác bị tình nghi chống lại chế độ thì chú vẫn bình chân như vại nên có người nói chú là công an. Tuy nhiên ngày cha tôi bị tuyên án tử hình chú cũng đã từng thảo giúp cho tôi cái đơn để gửi lên Uûy Ban Hành Kháng Liên Khu V xin ân xá cho cha tôi mặc dù là kết quả không đi tới đâu. Sau khi cha tôi đã bị hành quyết thì tôi nghe nói chú định trở về ngoài khu IV và chú Năm định nhờ chú dẫn anh em tôi theo trả về bên nội. Cũng may là chú không đi, không biết có phải vì chú ngại đường Trường Sơn gian khổ hay vì lý do nào nữa thì tôi không biết, bằng không ngày ấy chú mà dẫn tôi theo thì không biết đời tôi đã ra
sao.
Sống độc thân mãi tới sau ngày phe Quốc gia tiếp thu tỉnh Bình Ðịnh chú mới lập gia đình với một goá phụ địa phương gốc thành phần địa chủ và nhờ có vốn chú bèn xoay ra kinh doanh nhưng khác với cậu Viện ở cái điểm là chú thành công và có tiền. Nhờ tham gia Phong trào Cách mạng Quốc gia và dựa thế ông Cẩn mà chú được thầu làm cây cầu phao bắc qua sông Lại giang để thu tiền xe cộ qua lại. Vài người bạn Bình Ðịnh còn nói với tôi là chú làm kinh tài cho ông Cẩn, và người ta còn đồn rằng cây cầu Bồng Sơn được tái thiết rất chậm trễ cũng vì bên Phong trào muốn duy trì cây cầu phao này lâu hơn để còn thu được tiền. Còn cái chức dân biểu của chú có lẽ chỉ là một cái danh vị mà ông Cẩn dành cho chú chứ chẳng phải vì chú tha thiết tranh đấu cho một mục tiêu chính trị nào cả nên chú cũng chẳng cần quan tâm đến những vấn đề của Quốc Hội ngoài việc có mặt trong các phiên họp cho đúng với bổn
phận.
Kể ra thì khi xin làm quản gia cho chú Hùng tôi cũng chỉ muốn tìm cho mình một chỗ tạm nương thân rồi vừa kiếm chỗ kèm trẻ vừa ôn lại bài vở để thi lại Tú Tài 1 nhưng qua đây tôi lại vướng vào một nếp sống thật xô bồ chi phối thì giờ của tôi rất nhiều. Về những chuyện làm ăn của chú ở Qui Nhơn như thế nào thì tôi không biết, nhưng vì chú không có con mà nay đang là lúc làm ra tiền nên có những lúc chú cũng tỏ ra rất hào phóng thành thử có nhiều người thường lân la đến chú để làm thân hoặc tôn chú làm Mạnh Thường Quân để lợi dụng hoặc trông mong chú mở hầu bao. Chính vì thế mà mỗi lần có chú ở Sài gòn là khách khứa cũng kéo theo lui tới thường xuyên cho nên tôi cứ phải chạy lo vặt cho chú liên miên.
Những lúc chú về ngoài Trung thì tương đối tôi được thoải mái hơn, nhưng đôi khi cũng có mấy người ở Bình Ðịnh vào Sài Gòn có công việc hoặc đám bạn bè cũ ở Bình Ðịnh nhờ gia đình khá giả hoặc đã đi làm có tiền vào Sài gòn chơi được chú cho tá túc dăm ba bữa nên rủ tôi đi chơi hoặc nhờ tôi đưa đi chỗ này chỗ kia. Tôi không thích lối sống xô bồ và ăn nhậu theo kiểu này nhưng nhiều khi cũng vì nể tình bạn bè cũ mà phải đi theo họ. Chỉ có vài anh bạn hiền lành được tôi rủ đến chơi vào những lúc không có chú Hùng ở Sài gòn, thấy tôi ở một mình một căn nhà rộng vắng vẻ lại đâm ra ao ước được có chỗ ở yên tĩnh như tôi để học hành. Họ đâu biết có những lúc tôi muốn nghẹt thở vì số người và cách thức sinh hoạt ở trong nhà.
Mặc dù xa mái trường Chu Văn An nhưng mối thân tình giữa anh bạn Lưu công và tôi không vì thế mà suy suyển, trái lại anh ta còn theo dõi và khuyến khích tôi đừng bỏ học. Sống theo kiểu không thể sắp xếp thời giờ sinh hoạt theo một nề nếp như thế này khiến cho tôi cũng khó mà chú tâm ôn tập bài vở một cách đều đặn. Tuy nhiên vì năm nay tôi chỉ cần xem lại chương trình đã học qua năm ngoái rồi cho nên tôi cũng đâm ra khinh suất. Mùa thi lại đến và tôi nộp đơn làm thí sinh tự do. Thời gian này không may lại trùng với thời gian chú Hùng ở Sài gòn khiến cho tôi lại cứ bị bận rộn với những công chuyện khách khứa của chú cho nên tôi lại nếm mùi thi rớt thêm một keo nữa.
Anh bạn Lưu công của tôi đã thi đậu xong Tú Tài toàn phần và bây giờ đang chuẩn bị thi vào Dược khoa, thấy tôi lại rớt nữa cũng đâm ra ái ngại cho tôi, nhưng anh ta vẫn khuyên tôi đừng nản chí. Mặc dù không dám bắt chước cái ngông của Tú Xương, nhưng một khi phải sống trong một xã hội vẫn quen dùng sự thi cử và mảnh bằng để đánh giá trình độ con người thì nếu không muốn chấp nhận thái độ an phận, tôi bắt buộc phải tuân theo cái định luật
"thua keo này bày keo khác". Cũng may là thời gian tiếp theo đó chú Hùng về ngoài Trung ở luôn mấy tháng, nhờ thế mà tôi cũng được tạm yên ổn ôn lại bài vở và lần thi lại khóa 2, tôi cũng đậu được Tú tài 1, cái cửa ải đầu tiên của không biết bao nhiêu vinh nhục dành cho những người trót đeo đẳng nghiệp sách đèn
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment