Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Monday, February 18, 2013

Tìm Một Niềm Tin [21]

Ký sự Tùy bút

21.- CHỈ VÌ ÐỜI CÓ NHỮNG CÁI "NGU LẮM CƠ"

Sau một mùa hè đi thăm miền Trung với nhiều chuyện vui buồn lẫn lộn, tôi trở về Sài gòn và đến ngày tựu trường lại cắp sách đến trường như cũ. Năm nay tôi lên Ðệ nhị và học vào buổi chiều chứ không phải là buổi sáng như năm học Ðệ tam nữa. Ðang cùng đám bạn cũ đứng tụm năm tụm ba tán gẫu trước cửa lớp chờ chuông reo vào học giờ đầu tiên của một niên học mới thì thằng bạn vua quậy xóm nhà lá đệ tam cũ bỗng nhiên hướng về phía mấy ông thầy đang buớc vào phòng giáo sư rồi nghêu ngao: 


Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà đông

Tôi đang bất mãn nhìn căn phòng hẹp và thô sơ được dành làm lớp học cho Ðệ Nhị C vừa thấp lè tè, mái thì lợp tôn, nằm lọt thỏm giữa tòa nhà ba tầng và dãy nhà gạch nằm ngang kế cận vào lúc đang trưa của một ngày nóng tháng chín, bèn bốc đồng chêm: "Thơ của cha thi sĩ này khùng quá! Như con đây sắp phải vào cái lớp hỏa lò này ngồi cho đến chiều thì chẳng làm sao mà mát nổi, chỉ thấy đầu bốc hơi và người thì đổ mồ hôi như tắm thôi". Anh bạn trưởng lớp cao lều khều nghe thế liền khoèo tôi và chỉ vào một người trong số mấy ông thầy vừa mới đi ngang qua rồi bảo: "Thơ của thi sĩ Nguyên Sa đó!" 


Ðúng là cái búa gõ vào đầu tôi. Lâu nay tôi bị cái hào quang của các nhà văn nhà thơ tiền chiến làm loá mắt khiến cho không nhìn thấy các nhà thơ trẻ hiện tại đang đi lên nên đâu có biết thi sĩ Nguyên Sa lại chính là giáo sư Trần Bích Lan dạy Việt văn và Triết học của trường. Tôi không biết vừa rồi ông ta có nghe được câu nói của tôi không nhưng tôi cũng mừng thầm là ông ta chỉ dạy cho các lớp ban A hay ban B gì đó, còn tôi thuộc ban C nên theo học với giáo sư Vũ Hoàng Chương chứ nếu không vào lớp chắc sẽ bị ông ta đì suốt năm. 


Không biết vì ảnh hưởng của cái lớp học nắng thì nóng bỏng, mưa thì nước rơi kêu lộp độp trên mái tôn khiến cho thầy trò cũng phải ngưng lại ngồi nhìn mưa rơi, hay do hậu quả của những cái không hài lòng trong chuyến đi thăm miền Trung vừa qua mà năm nay tôi cảm thấy mình hay lơ đãng chứ không còn chăm chỉ học hành như năm ngoái. Lại nữa, nếu ngày xưa tôi hay tưởng tượng đến một thi sĩ Vũ Hoàng Chương tìm say vì thấy mình "đầu thai nhầm thế kỷ" thì bây giờ tôi đang phải đối diện thường xuyên với một giáo sư Vũ Hoàng Chương mô phạm bắt học sinh cứ phải vùi đầu vào cái kho tàng văn học cổ điển và những bài nghị luận khô khan nên tự nhiên tôi thấy mình đâm ra có những lúc mơ ưóc một chút gì mát mẻ như thơ của thi sĩ Nguyên Sa hơn. 


Thế là tôi bắt đầu thỉnh thoảng có những buổi đạp xe đạp thơ thẩn trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trước Sở Thú vào giờ tan trường trưa để tìm tí bóng mát cho đời mình. Ðoạn đường này từ đại lộ Thống Nhất đổ về Hải quân công xưởng không những vừa yên tĩnh, vừa có cây cao bóng mát mà còn có cả những tà áo Trưng Vương thướt tha trong nắng nữa. Chả là "anh Pétrus Ký thì có em Gia Long, chàng Chu Văn An thì có nàng Trưng Vương", tôi có ngọn lửa hồng gắn trên túi áo của mình thì có đi tìm tà áo xanh cũng là chuyện hợp lý thôi.


Một hôm đạp xe ngang qua chỗ có mấy cô Bắc kỳ Trưng Vương đang nói chuyện và cười khúc khích với nhau thì tôi loáng thoáng nghe được mấy tiếng "ngu lắm cơ". Ðúng là vào lúc ấy tôi có ngu ngu thật nên khi nghe thấy mấy tiếng này phát ra bằng cái giọng Bắc kỳ trong trẻo đã khiến cho tôi chợt thấy say mê Hà Nội vô ngần. Tôi đã từng yêu Hà nội qua tiểu thuyết của Tự Lực Văn đoàn, lại càng mến Hà Nội nhiều hơn từ khi có những bản nhạc hát về Hà Nội như: "Tôi xa Hà nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu..." Chính vì thế mà hôm nay tôi nhất quyết phải đi tìm cho mình chút hương vị của Hà nội thanh lịch giữa cái Sài gòn tả pín lù này. 


Lúc này anh Ba cũng đã vào Sài gòn ở tại nhà chú Năm, do đó những ngày nghỉ tôi thường đến ở lại đây chơi với anh ta. Anh Ba bây giờ không còn thích bàn về những cái ngông nghênh như ngày xưa mà bắt đầu nói về những chuyện tình mộng mơ. Tôi cũng muốn theo chân anh Ba nhưng phiền một nỗi anh bạn thân Hà Nội cùng lớp thì không có em gái còn mấy tà áo Trưng Vương thường lướt qua trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm kia thì tôi cũng chỉ biết nhìn nó bay trong nắng thế thôi chứ làm sao dám đến gần. Quay về với Bình Ðịnh quen thuộc thì mấy cô gái đồng trang lứa nay tuy má có hồng lên nhưng với giọng nói nhèo nhẽo và trong lúc nói chuyện lại hay dùng những tiếng như "nẫu, tui..." nghe chẳng êm ái tí nào làm tôi liên tưởng đến cái hình ảnh "cầm roi rược chồng" hơn là cái cảnh thơ mộng kiểu "bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ". Do đó mà có một hôm anh Ba đưa tôi đến chơi nhà bác Trưởng là người Bắc di cư có mấy cô con gái sàn sàn mới lớn vào độ vừa trăng tròn là tôi bắt đầu chấm mục tiêu ngay. 


Tuy là người Nam Ðịnh di cư nhưng vì trước khi xảy ra cuộc Toàn quốc kháng chiến, bác Trưởng vốn có một thời gian làm việc ở Bình Ðịnh nên giữa hai bên gia đình cũng đã từng quen biết và thân thiết với nhau. Do đó mà bây giờ gặp lại ở Sài gòn này, anh Ba vẫn đến chơi thường xuyên với mấy người con trai của bác Trưởng và thân mật với mấy cô con gái chẳng khác nào anh em. 


Tôi bắt đầu hỏi thăm anh Ba về cô bé thứ hai mà tôi cho là xinh nhất nhà và cũng được anh Ba đồng ý như vậy. Kể ra thì cô bé cũng xinh thật nhưng giọng nói hơi khào khào và đang theo học tại tư thục Nguyễn Bá Tòng của mấy vị linh mục Bùi Chu Phát Diệm chứ cũng chẳng phải Trưng Vương như tôi nghĩ. Tôi đang mê Hà Nội và vẫn muốn tìm cho mình chút hương vị thật Hà Nội nhưng Hà Nội thứ thật như mấy cô cháu mợ Ðôn học trường đầm Marie-Curie mà tôi đã gặp qua một hai lần gì đó thì chao ôi sao mà kiêu sa kiểu cách quá. Nhút nhát như tôi lại là Chu Văn An pha mùi trọ trẹ thì thôi, nay có cơ hội mon men làm quen được với Nam Ðịnh cũng gần như Hà Nội rồi. Thế là tôi đem nỗi lòng vương vấn ra kể cho anh Ba để mong nhờ được anh ta giúp đỡ. 


Nghe tôi nói anh Ba chợt há hốc mồm ra ngạc nhiên nhìn tôi như thể vừa khám phá thêm một con dê non sắp húc đầu vào bờ rào cho nên anh ta không chút ngần ngại nói ngay cho tôi biết là tuy cô bé còn nhỏ nhưng đã có mấy tay trồng cây si rồi, trong đó có cả anh chàng học sinh con nhà giàu xứ Thượng đang ở trọ ngay trong nhà bác Trưởng. Tôi chợt thấy mình hụt hẫng như đang định ngồi xuống cái ghế thì lại bị kẻ khác nâng mất rồi. Tuy nhiên sau đó không hiểu sao tôi lại thấy anh Ba đổi ý và tỏ vẻ sẵn lòng giúp tôi làm quen với cô bé mà còn giúp tôi một cách rất hào phóng. 


Ðể tạo cho tôi cơ hội làm quen, anh đã chịu khó dẫn tôi đến nhà xin phép hai bác được đưa các em cùng đi chơi phố, xuất tiền mua vé xi nê và trả tiền ăn kem cho cả bọn lại bao tiền mấy cuốc taxi đưa các em đi và về vì anh Ba có thừa tiền nhà gửi cho hàng tháng còn tôi thì lúc nào túi cũng rỗng. Khổ một nỗi, mỗi lần đi chơi chung như thế tôi lại chỉ biết diễn xuất có mỗi cái màn anh chàng nhát gái đi cua đào cho nên khi cùng thả bộ trên đường phố thì tôi lại vờ đi xa xa ra phía trước như là một kẻ đi đường xa lạ nào đó, còn lúc ngồi trong rạp xinê thì lại như chỉ để ý xem phim đang chiếu những gì và lúc ngồi ở tiệm kem thì cũng chỉ biết nhìn người đi đường hay lắng nghe cái máy hát trong tiệm phát ra mấy bản nhạc rất thịnh hành lúc bấy giờ như Bambino, Que sera sera v.v... mà chẳng bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt cô bé và mở miệng nói một câu dù chỉ là một câu rất vớ vẩn như hôm nay trời nhiều nắng hay là sắp mưa gì đó chẳng hạn.


Thấy tạo cơ hội cho tôi mấy lần cũng khá hao tài mà tôi vẫn chẳng tiến thêm được bước nào trên con đường "tìm đến với nhau", anh Ba bèn dọa tôi coi chừng sẽ bị anh chàng học sinh xứ Thượng đang ở trọ ngay trong nhà phỗng mất cô bé. Tôi quýnh lên như Sơn Tinh với Thủy Tinh đang chạy đua để chiếm công chúa trong truyện cổ tích bèn nghĩ ra kế đột kích bằng cách viết thư rồi nhờ anh Ba chuyển giùm. Anh Ba cũng thấy đối với một kẻ quá nhát gái như tôi thì không có cách nào hay hơn nên đồng ý. Thế là tôi bèn nặn óc bóp tim dùng hết khả năng văn chương của mình đẻ ra bức thư tình tha thiết đầu tiên đưa cho anh Ba để nhờ anh chuyển giao cho cô Bắc kỳ nho nhỏ của tôi. Sẵn có chị Tư giúp việc nhà cho bác Trưởng lại cũng là người thân tín cùng quê quán với anh Ba nên được anh Ba ủy thác cho cái nhiệm vụ làm địch vận và tìm cơ hội giao thư tận tay cô bé. Chị Tư vốn cũng có thiện cảm với tôi từ những ngày nhỏ ở Bình Ðịnh nên sốt sắng nhận lời. Thế là tôi khấp khởi mừng thầm.


Sau mấy tuần lui tới anh Ba chờ nghe hồi âm, tôi vừa băn khoăn lo lắng, vừa hy vọng tràn trề, có khi lại thoái chí như muốn rút lui thì một hôm chị Tư xuất hiện. Mặc dù lúc ấy tôi đang có mặt ở nhà anh Ba nhưng chị Tư không nói gì với tôi cả mà chỉ kéo anh Ba ra sau nhà nói nhỏ một hồi rồi bỏ về. Tôi nôn nóng nhìn chăm chăm vào anh Ba chờ anh ta lên tiếng nhưng không hiểu sao anh Ba cũng như đang có điều gì rất đắn đo và mặt thì lại lộ vẻ đăm chiêu ra chiều rất thất vọng. Cuối cùng anh nhấc cây đàn mandoline và bắt đầu dạo một bản nhạc. Ðó là bản Espoirs perdues của Schubert mà cả anh Ba và tôi đều thích từ thủa mới chơi đàn. Lộ một nét mặt đầy đau khổ, anh đàn say sưa, đàn với tất cả tâm hồn và tôi tưởng chừng chưa bao giờ nghe anh Ba đàn tuyệt diệu đến như vậy. Thế là khi nghe dứt bản nhạc, tôi tự nhiên thấy mình như đã hiểu tất cả chẳng cần phải đợi nghe anh Ba giải thích thêm lời nào nữa mà chỉ biết nhìn anh ta bằng cái ánh mắt ngầm diễn tả "biết rồi! khổ lắm! khỏi cần phải nói nữa!" rồi lẳng lặng bỏ ra về luôn chẳng hề ngoái lại. 


Thật ra thì câu chuyện này chưa có gì gọi là tuyệt vọng vì sau này nghe kể lại tôi được biết là chị Tư có giao thư của tôi tận tay cô bé thực và cô bé sau khi xem xong bức thư chỉ đốt đi chứ không nói gì cả. Nhưng vì vốn mang ấn tượng phải đua tranh với một địch thủ đang lấn lướt hơn mình cho nên hôm thấy chị Tư đến nói nhỏ với anh Ba mà không nói gì với tôi rồi lại thấy anh Ba chỉ ôm đàn dạo lên khúc nhạc có ý nghĩa như một câu trả lời định mệnh đã gây cho tôi một cảm giác tuyệt vọng bất ngờ. Rồi câu chuyện không hiểu vì sao lại vỡ lỡ ra khiến cho trong bà con đều biết và bị nhiều người đem ra làm đề tài chọc quê tôi khiến cho tôi ngượng vô kể. Thấy lần đầu tiên thử đi tìm chút bóng mát cho cuộc đời đã gặp phải những cái chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ đồng thời mỗi khi nhớ lại những cái vụng về ngớ ngẩn của mình chỉ càng làm cho tôi thêm thối chí nên tôi đành âm thầm quay về khép kín nỗi lòng để cho tự ái đỡ bị tổn thương. 


Nếu tự ái của tôi có đỡ bị thương tổn thì cũng từ hôm ấy tôi lại mang cái mặc cảm không có được một người yêu để cùng nắm tay nhau đi tìm chút bóng mát cho cuộc đời khiến cho hồn thơ của tôi như chợt thức tỉnh và tôi đã thử làm thơ để giải tỏa cái nỗi niềm u uất của mình. Phiền một nỗi câu chuyện tình của tôi hãy còn chưa có đầu có cuối, chưa có những tình tiết đam mê cho nên mặc dù tôi có ra công bóp tim nặn óc cho tăng phần rung cảm, thơ của tôi làm vẫn chưa đạt tới cái mịn màng tha thiết của tơ lụa Hà Ðông mà chỉ mới loáng thoáng vẻ trơn suông như vải kaki Nam Ðịnh nên tôi không biết gửi ai mà cũng không dám đưa cho ai đọc nên chỉ làm xong rồi xé bỏ. Tuy nhiên vì trót để hồn đi tìm kiếm vần thơ khiến cho trí quên dần cả bài vở, nên hậu quả của sự đi tìm tí bóng mát cho đời mình này là ngày công bố kết quả kỳ thi viết Tú Tài Phần I khóa 1 năm ấy không có tên tôi. Khoá thứ hai bạn bè cũng không thấy tên tôi đâu cả. Ai cũng lấy làm ngạc nhiên vì nào có ai được tôi nói cho nghe cái nguyên nhân sâu xa và thầm kín đã gây ra cớ sự này đâu. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment