Ký sự Tùy bút
16.- THAY ÐỔI
CHƯA PHẢI LÀ ÐỔI THAY
Nhà chú Cọp thật ra chỉ là một căn phố sang lại vì chủ phố vẫn là ba Tàu. Dãy phố gồm bốn căn có lầu quay mặt ra một cái sân hẹp trên khoảnh đất nằm ngay phía sau dãy phố trệt cũ kỹ cũng của Tàu kế rạp xi nê Moderne, gần chợ Tân Ðịnh. Ngoài căn bìa phía ngoài là chủ ba Tàu ở, căn
bìa trong là ba Tàu mở lò bánh mì, hai căn giữa người Việt ở thì một căn là của chú Cọp và căn kế là của vị luật sư họ Lê gốc người Thanh hóa. Vì nhà kiểu phố nên cũng không lấy gì làm rộng rãi mà nay tất cả nhà đều dồn về đây ở, lại có thêm chú Các và tôi cho nên hầu như không còn ai có được một góc riêng tư nào
cả.
Về Sài gòn vào lúc lở dở niên học mà năm nay là năm tôi phải thi lấy bằng Trung học Ðệ nhất cấp nên chú Cọp liền xin cho tôi vào học ngay tại một tư thục ở gần nhà chú. Em tôi thì sau cái lần tôi trình bày cho chú Cọp biết rõ hoàn cảnh, cũng đã được chú qua nhà thuyết phục ông bà ngoại tôi để cho đi học lại và nay đang theo học tại trường Saint Enfance của các bà xơ cạnh nhà thờ Tân Ðịnh. Như thế là anh em tôi đều đi học trường gần nhau nhưng vì tôi vẫn ở với chú Cọp còn em tôi thì ở với ngoại bên Khánh hội nên thường chỉ cuối tuần khi tôi về bên ngoại mới gặp thôi.
Vì dân số Sài gòn gia tăng đột biến kể từ khi có cuộc di cư cùng với nhu cầu học vấn đang phát triển và học sinh bây giờ đa số chuyển qua theo chương trình Việt mà trường công thì không đủ đáp ứng nên trường tư cũng mọc lên như nấm. Tuy thế học sinh các lớp cũng còn phải chia thành ca sáng và ca chiều, do đó học sinh chỉ còn đi học ngày có một buổi bốn hoặc năm tiếng đồng hồ liền. Ngoài ra phần đông các trường tư mới mở đều lo chạy theo lợi nhuận cho nên bất cứ ai có đóng học phí là được vào học chứ không cần đòi hỏi điều kiện gì cả. Chính vì thế mà giáo dục cũng trở thành một ngành kinh doanh và việc học hành của học sinh cũng có vẻ rất xô
bồ.
Trường tôi học có tên là Tân Thanh, một trong những trường do nhóm QDÐ họ Phan
gốc người Quảng nam chủ trương. Mặc dù mới mở nhưng nhờ trường có được ban giảng huấn gồm vài giáo sư tên tuổi nên thu hút được khá đông học sinh, tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là học sinh của trường tất nhiên là học giỏi. Trường sở lại được xây cất trên một khoảnh đất quá hẹp nên vừa không có sân mà còn phải xây cao nhiều tầng, phòng ốc đã nhỏ mà
sĩ số quá đông khiến cho học sinh phải chen chúc nhau trong những dãy bàn ghế vừa hẹp vừa kê san sát.
Trường em tôi học cũng là tư thục nhưng cơ sở đã có từ lâu nên khang trang rộng rãi. Mặc dù trường có tên là Saint Enfance và dạy chương trình Pháp nhưng với xu hướng đặt tên Việt đang thịnh hành nên trường được đổi tên là Thiên Phước. Nếu chỉ nghe nói thôi thì tưởng như em tôi cũng có phước lắm nhưng sự thực bên trong thì cũng rất não lòng. Lúc mới xin cho em tôi vào trường này, chú Cọp có sắp đặt cho em tôi ở nhà chú để đi học cho tiện vì từ nhà chú đến trường chỉ đi bộ chừng vài phút, thế nhưng em tôi lại không thích hợp với nếp sống bên nhà chú, nên sau đó lại xin về ở bên ngoại, thành thử mỗi ngày em tôi phải đón xe thổ mộ từ Khánh Hội
qua Sài gòn rồi sang xe buýt để lên Tân định. Chiều tan học về lại phải đi hai cuốc xe ngược lại chuyến sáng.
Khi thấy em tôi không ở bên chú Cọp nữa thì ông tôi cũng muốn giữ thể diện nên đã nhận đóng học phí hàng tháng cho em tôi, có điều trường vẫn dạy theo lối cũ học ngày hai buổi, ông lại chỉ cho tiền đóng học phí mà không cho tiền đóng bán trú buổi trưa trong trường nên hàng ngày em tôi cứ phải mang theo ổ bánh mì và chai nước để sau buổi học sáng thì lại ra mấy gốc cây trong sân trường ngồi ăn bánh mì chờ giờ học buổi chiều. Ngoài ra để được đi học, mỗi ngày em tôi phải thức khuya dậy sớm nhiều hơn để làm cho xong hết việc nhà, mà việc nhà thì hình như không bao giờ
hết.
Nhà ông ngoại tôi thì cũng chẳng có gì thay đổi ngoại trừ số người sống trong nhà thì có đổi thay. Cậu Viện lúc này không ở đây nữa mà đã vào trong Phú lâm mở một tiệm đại lý bán thuốc tây và chích thuốc theo toa bác sĩ vì cậu có bằng trữ dược viên. Cũng may là cậu Viện đã ra ở riêng nên lúc này trong nhà cũng bớt đi được một mục hầu hạ chứ nếu không thì em tôi cũng khó lòng mà được đi học. Em tôi có kể là khi cậu Viện dọn đi thì cậu Kiên có xin ông tôi về đây ở nhờ để đi học nhưng chỉ một thời gian có lẽ chịu không nổi cái cung cách phong kiến của ông nên cậu cũng đã ra đi tìm nơi khác trọ. Chị Bàng và mấy đứa con nhỏ cũng đã ra riêng kể từ khi anh Bàng kiếm được việc làm và chỗ ở tại Sài gòn.
Lúc này mấy bãi than đá bên phía bờ sông đã tiêu thụ hết và than đá Hải Phòng cũng không còn chở vào nên trong nhà đỡ được cái nạn bụi than đá đóng lớp, nhưng nước máy thì lại khan hiếm đến nỗi ông tôi phải cho đào một cái hồ chìm để hứng mà nhiều hôm cũng không hứng được giọt nào nên mùa nắng không có nước mưa để dùng đành phải mua nước từ các xe đổi nước.
Tết năm đó, lần đầu tiên tôi ăn Tết ở nhà ngoại nên cũng đã biết thêm được vài thông lệ khá ngộ nghĩnh. Cận Tết ông bà tôi đi dạo một vòng Bến thành xem chợ Tết và ghé mua một ít bánh mứt nhưng không bao giờ mua hoa kể cả một nhánh mai hay một chậu cúc gọi là chút lộc đầu xuân. Ngày cuối năm, bà tôi lo đi chợ mua đồ về nấu nướng để làm các thức ăn cho mấy ngày Tết, và mua thêm vài quả dưa hấu cho bà lấy hên. Trái cây thì đã có cậu tôi mang về biếu từ mấy hôm trước. Nhà có bao nhiêu ly tách chén dĩa đều được đem chùi rửa sạch sẽ và sắp sẵn trong cái tủ kiếng chờ hôm sau mang ra xử
dụng.
Sáng mồng một ông tôi ăn mặc chỉnh tề - lúc nào cũng com-lê trắng - đi lễ xong là về nhà đi ra đi vào chờ đợi. Khoảng quá 9 giờ thì đợt đầu tiên và cũng là đông nhất gồm họ hàng bên ngoại hiện cư ngụ ở Sài gòn, kẻ dùng taxi hoặc cyclo máy, người đi xe đạp, lũ lượt kéo đến gần như một lúc vì có hẹn nhau trước. Bà tôi và em tôi lo pha trà và dọn bánh mứt, lột bưởi xẻ dưa hấu đem ra mời họ hàng. Cậu Từ lớn tuổi nhất và cũng là vai lớn trong số họ hàng đứng ra đại diện tất cả con cháu nói vài lời chúc tụng. Sau đó là mọi người ăn bánh mứt, uống nước, chuyện vãn cho đến khoảng hơn 10 giờ thì mọi người cùng đồng loạt cáo từ.
Ðám họ hàng này còn có một nét độc đáo nữa là từ người đã lớn tuổi cho đến đám trẻ nhỏ, hễ thưa gửi với ông tôi lúc nào cũng dùng hai tiếng cụ Thị chứ không bao giờ gọi ông tôi theo vai vế. Chả là ông ngoại tôi ngày xưa làm Ðốc học và được vua ban tước Thị Ðộc Học sĩ nên họ hàng vẫn quen xưng tụng từ thời còn phong kiến. Bây giờ thời thế đã đổi thay, sống giữa Sài gòn chẳng ai biết đến cái tước ấy là gì nữa, nhưng với cuộc di cư đem gần hết cái họ ngoại của tôi từ Hà tĩnh vào đã làm sống lại một chút vang bóng của thời ông tôi còn ở quê nhà.
Ðộ gần trưa thì cậu Ðôn lái xe chở tất cả gia đình xuống chúc Tết và ở lại dùng cơm. Ðây cũng là một thông lệ vì mỗi năm cũng chỉ có một ngày duy nhất này gia đình cậu Ðôn về ăn cơm chung thôi. Cánh họ hàng sở dĩ luôn đến sớm nhất và đồng loạt cáo từ cũng chỉ vì muốn tránh cái giờ gia đình cậu Ðôn về. Năm nay cậu tôi vừa đổi xe mới của Mỹ hiệu Nash rộng rãi và sang trọng hơn chứ không còn đi chiếc xe con cóc nữa.
Sau vài thủ tục chúc tết thì bữa ăn trưa được dọn lên và ông tôi cùng tất gia đình cậu mợ tôi ngồi vào bàn ăn, tôi cũng được ngồi theo ở vị trí khiêm tốn nhất. Bà tôi và em tôi thì không bao giờ ngồi chung mâm trên, tuy nhiên mọi người trước khi ngồi vào bàn vẫn phải mời bà tôi một tiếng cho phải phép. Sau khi xong bữa cơm gia đình này, và gia đình cậu Ðôn đã ra về kể như là xong Tết, bà tôi có quyền sai em tôi rửa sạch và cất bớt một số chén dĩa ly tách vì qua mồng hai mồng ba hầu như cũng chẳng còn ai đến ngoại trừ vài người vốn trước kia là học trò của ông tôi đến chúc Tết thầy cũ.
Cậu Viện thì trong những dịp như thế này đều tìm cách lánh mặt trước. Năm nay cậu Viện không về ăn Tết ở nhà nên qua mồng hai ông ngoại dẫn tôi vào Phú Lâm thăm cậu Viện để tôi biết chỗ ở của cậu. Nói là tiệm cho có vẻ sang trọng chứ thực ra đó chỉ là một căn nhà lá sơ sài nằm ngay trước khu tạm cư của đồng bào Nùng di cư. Nhà được ngăn đôi bằng một cái màn vải, nửa ngoài có đặt một cái tủ kiếng nhỏ để chưng thuốc tây, một cái divan cho khách nằm chích thuốc, nửa sau là chỗ ở. Cậu có nuôi một người cháu họ nhỏ hơn tôi vài tuổi gọi là để cho học nghề y tá nhưng cái chính là để cho cậu có người nấu cơm và sai vặt.
Tiệm này cũng là do cậu Viện nhờ ông ngoại tôi nói giúp với cậu Ðôn cho mượn vốn để cậu tự lập. Tôi nghe nói lúc đầu tiệm cũng có khá nhiều thuốc nhưng bây giờ thì chỉ còn lưa thưa vài hộp thuốc tây lỏng chỏng trong cái tủ kiếng với vài bộ ống chích vì hàng bán ra được đồng nào cậu lại đem ra dùng đi chợ, uống cà phê, ăn hủ tiếu cho nên bây giờ thuốc hết thì vốn cũng không còn. Số đồng bào Nùng ở trại tạm trú cũng đã đi định cư gần hết, đồng bào địa phương chẳng bao lăm nên lúc này hai thầy trò chỉ biết nấu cơm ăn rồi ngồi đánh cờ tướng với nhau chờ ngày dẹp tiệm.
Từ lúc về Sài gòn tôi cũng biết là chú Cọp bây giờ phương tiện không có và bổng lộc cũng không còn dồi dào như lúc còn làm Giám đốc ở ngoài Trung nên vẫn có ý định xin về bên ngoại cho chú nhẹ gánh bớt nhưng chưa tiện. Nay nhân dịp về bên ngoại nghỉ ăn Tết, thấy nhà trống vắng nên tôi viện cớ gần thi cần yên tĩnh để ôn tập bài vở nên xin chú Cọp cũng như cậu Ðôn và ông ngoại tôi về nhà ngoại ở.
Ông tôi có lẽ cũng đang cần tiểu đồng để sai vặt nên bằng lòng sắp xếp cho anh em tôi ở bên phòng cậu Viện cũ.
Ông cũng mua thêm một cái divan nhỏ cho tôi dùng làm giường ngủ và kê thêm một cái bàn để cho tôi có một góc riêng tư làm chỗ học hành.
Về đây ở tuy có yên tĩnh thật nhưng cái không khí trong gia đình thì vẫn cứ nặng nề. Bà tôi lúc này thấy em tôi cũng đi học nên hình như càng nhiều mặc cảm với anh em tôi hơn. Có lẽ ông tôi cũng nhận thấy điều ấy và để tránh bị bà than phiền là ông tôi cũng qúy tôi hơn bà nên bây giờ về đây ở, tôi không được ngồi ăn chung với ông, cũng không ngồi ăn chung với bà mà chỉ ngồi ăn một mình nơi cái bàn ở bếp, còn thức ăn thì tùy bà cho gì thì ăn nấy chứ không có thực đơn riêng nào cả.
Ông tôi thì vẫn tối ngày loay hoay với mấy công việc ông chế ra để tiêu khiển thì giờ nên thỉnh thoảng tôi lại được ông sai lấy cái này, phụ bê cái nọ, hoặc giúp ông lau chùi chiếc xe mobylette màu xanh mới mua. Ngắm chiếc mobylette của ông, tôi nghĩ chiếc xe này sở dĩ màu xanh vì xưởng chế tạo chỉ sơn xe có mỗi một màu duy nhất ấy nên ông đành chấp nhận chứ nếu có màu khác chắc chiếc xe này cũng đã là màu đỏ rồi. Tuy sắm xe để đi nhưng hễ đi đâu ông lại gọi taxi thành thử xe của ông chỉ để cho ông mỗi ngày có dịp đạp cho nổ máy vài phút nhằm bảo trì máy móc cho đúng nguyên tắc bảo hành của nhà chế tạo.
Thấy tôi hay đọc sách văn chương, thỉnh thoảng ông lại ghé qua chỗ tôi ngồi học, một tay cầm tờ nhật báo, một tay chỉ vào một chữ nào đó trong trang báo và hỏi tôi là cách dùng chữ như thế đúng hay sai. Ông luôn than phiền báo chí bây giờ viết sai chữ nghĩa nhiều quá. Chính cũng vì cái tính hay bắt bẻ chữ nghĩa đó mà một hôm tôi dùng từ
"thi Trung học", ông đã giảng đi giảng lại cho tôi không biết bao nhiêu lần rằng:
"thi" tiếng Hán là "thí" còn tiếng Pháp là "concours", có nghĩa là tuyển chọn để lấy đậu một số người ấn định theo nhu cầu dựa
trên kết quả sắp hạng từ cao xuống thấp, thí dụ như thi tuyển vào một trường nào chẳng hạn. Còn như gọi
"thi Trung học" hay "thi Tú tài" là không đúng mà phải nói là
"sát hạch", tiếng Pháp là "examination", vì hễ thí sinh nào đạt được số điểm trung bình trở lên là đương nhiên được chấm đậu chứ không có ấn định số người đậu. Dĩ nhiên tôi phải nhìn nhận là ông tôi nói rất đúng nhưng tập quán ngôn từ của xã hội đã lập thành, nếu tôi nghe theo ông rồi đến trường hay ra đường nói chuyện với mọi người mà dùng những tiếng như đi
"sát hạch Trung học", chắc chắn tôi sẽ được người ta gọi là thằng
gàn ưa dở hơi.
Gần đến ngày thi Trung học đệ nhất cấp thì bỗng nhiên tôi bị một trận cúm nặng. Cũng may là tôi đã qua khỏi để kịp dự thi. Suốt một tuần trước ngày thi chẳng những bị bệnh làm cho không ôn tập được bài vở mà hôm đi thi thì vừa mới dẫn xe đạp ra cổng đã gặp ngay bà tôi đứng đó chêm một câu:
"thi cử gì cái thứ mít rụng" làm tôi đâm ra nản. Tuy nhiên tôi vẫn còn may mắn vì bài thi nào cũng làm được cho nên tôi cũng đã qua được kỳ thi viết và sau đó là đậu luôn kỳ vấn đáp. Kể ra thì với mảnh bằng này tôi cũng chưa đạt tới đâu trên nấc thang học vấn, nhưng dù sao đấy cũng là niềm khích lệ đầu tiên để cho tôi lấy đà cố gắng tiếp tục tiến thêm nữa cho khỏi phụ lòng mong ước của cha tôi trước khi người phải nằm xuống vì lý tưởng của mình.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment