Ký sự Tùy bút
15.- KHI "BÀI
PHONG" LẠI QUAY VỀ PHONG KIẾN
Lúc mới từ vùng Việt Minh trốn về đến Huế rồi được ông Cẩn cho đi học, tôi thường sống gần bác Tâm, mà bác thì vốn làm Thông tin và do thói quen nghề nghiệp của người thích làm văn làm báo nên thường đem những chuyện chính trị và thời sự ra bàn luận mỗi khi gặp người quen, cũng như hay đem những chuyện ấy kể lại cho bác gái nghe trong những bữa cơm gia đình nên tôi cũng biết được khá nhiều tin tức và giai thoại, nhất là lúc ấy tình hình lại đang có nhiều vấn đề sôi động.
Kể từ khi cơn thử thách cho những con người đi tìm đất sống qua đi, tôi về Sài gòn thăm bên ngoại rồi sau đó lại trở ra Huế nhưng lại ở với chú Cọp và vào nội trú ở Pellerin sống hoàn toàn theo kiểu đời học sinh, lúc nào cũng chỉ xoay quanh có ăn ngủ với học hành thì cũng không còn mấy chú ý chuyện xã hội bên ngoài. Vả lại, sau khi ông Diệm đã truất phế xong Bảo Ðại và thiết lập nền Cộng hòa, xã hội cũng bắt đầu đi vào ổn định với một thể chế mới được hình thành và càng ngày càng được củng cố thì tôi cũng an tâm với đời sống học sinh vô tư hơn là để ý đến những chuyện chính trị. Tuy nhiên dù tôi có không để ý, nhưng rồi vẫn có một vài sự kiện nào đó cũng đã bỗng nhiên tác động đến sự suy nghĩ hay ảnh hưởng ngay cả đến cuộc sống của tôi.
Lúc mà Quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Ngô Ðình Diệm lãnh đạo đang gặp hồi nguy biến thì cũng nhờ có một số người nhiệt tình ủng hộ đứng ra tập họp các đảng phái và nhiều nhân sĩ thuộc các thành phần chống Cộng đoàn kết lại lập thành Phong trào Cách Mạng Quốc gia để làm hậu thuẫn cho Chính phủ mà ông Diệm có thể vượt qua cơn sóng gió, nhưng sau đó thì Phong trào này bị giải thể để cho những tổ chức mới như Phong trào Cách mạng Quốc gia, Tập đoàn Công dân, Phong trào Phụ nữ Liên đới v.v... dưới sự chỉ đạo của ông cố vấn Ngô Ðình Nhu ra đời gọi là nhằm thực hiện một cuộc cách mạng xã hội thì cái tinh thần phong kiến lại bắt đầu len lỏi vào các sinh hoạt chính trị khiến cho cái tinh thần tự do dân chủ không còn phát huy được nữa mà rốt cuộc mọi công cuộc vận động cách mạng hóa xã hội cũng chỉ là trên danh từ còn thực tế vẫn chỉ là những trò mị dân học lại từ Cộng
sản.
Trước đây Việt Minh đã vẽ ra cái ngày 19 tháng 5 để gọi là
"ngày sinh nhật Bác" rồi bắt toàn dân phải kỷ niệm như ngày ra đời của một vị cứu tinh cho dân tộc thì bây giờ ở mảnh đất Miền Nam này người ta cũng đang lấy ngày 7 tháng 7 - ngày thủ tướng Ngô Ðình Diệm về chấp chánh - để đánh dấu một bước ngoặt của lịch sử. Ngày này đã được gọi là ngày "Song Thất" để biến thành một ngày lễ long trọng, nhưng do tính cách đồng âm của tiếng Hán, khi nghe hai tiếng "song thất", tôi thấy mình lại thường hay liên tưởng đến một sự mất mát hơn là một điều tốt lành.
Rồi bài hát "Suy tôn Ngô Thủ tướng" được tung ra để đối lại với những bài hát suy tôn họ Hồ ở Miền Bắc - sau khi ông Diệm đã trở thành Tổng thống đầu tiên của Việt Nam thì bài hát này lại được đổi thành
"Suy tôn Ngô Tổng thống"- Người dân Miền Nam bây giờ không những phải nghe hoặc hát bài suy tôn Ngô Tổng Thống sau mỗi lần chào cờ trong các buổi lễ công cộng tại các cơ quan, các trường học, trên các đài phát thanh, mà ngay cả ở những nơi chỉ dành cho việc giải trí như rạp hát, rạp chiếu bóng. Trước mỗi xuất hát, khán giả phải đứng dậy chào cờ và nghe hát bài suy tôn rồi chương trình mới bắt đầu.
Là một học sinh, dĩ nhiên tôi cũng phải tập hát bài hát này:
"Ai bao năm từng lê gót nơi quê người..." Vừa mới nghe câu đầu tiên tới hai tiếng
"lê gót" tôi bỗng nhiên cảm thấy có một cái gì chướng tai và một hình ảnh không đẹp gợi lên trong trí. Có điều, sống trong cái không khí phong kiến vẫn bao trùm và tự do dân chủ kiểu Cộng sản vẫn cứ phảng phất khắp nơi như thế này tôi thấy mình cũng chẳng biết bày tỏ ý kiến này với ai ngoài việc nói cho vài người mình thân thiết nghe chơi cho vui thôi. Cũng may là một thời gian sau giới chức có trách nhiệm hình như cũng đã nhận ra cái điểm không ổn đó nên đã cho sửa đổi lại hai chữ
"lê gót" thành "tranh đấu". Tuy nhiên dù sao thì cái ấn tượng
"lê gót" ban đầu trong trí tôi không bao giờ có thể xóa đi được
nữa.
Vì cái tư tưởng tôn phò minh chúa ấy vẫn chưa gột rửa được trong lề lối suy tư và hành động của con người cho nên tại miền Trung vốn là nơi có truyền thống phong kiến thì một khi ông Diệm đã được coi là minh chúa của cả nước, ông Cẩn cũng được một số người tôn phò như lãnh chúa của một vùng. Tuy nhiên vì không học hành đỗ đạt cao hay từng làm chính trị như các người anh khác trong gia đình cho nên nay bỗng nhiên quyền hành đến
tay, ông cũng dễ bị nhiều người chỉ trích và đôi khi còn truyền tai nhau những giai thoại diễu cợt về khả năng kiến thức hay tính kiêu ngạo và độc đoán của ông ta. Ngay cả thằng Lâm cũng nghe được đâu đó rồi kể lại cho tôi những chuyện như có lần một vị tỉnh trưởng nọ đến xin yết kiến "cậu" để thỉnh ý về một vấn đề quan trọng nhưng gặp lúc ông Cẩn đang ngồi say mê ngắm con bê mới đẻ ở chuồng bò bèn ra lệnh cho vị tỉnh trưởng ra tận chuồng bò để yết
kiến.
Ngoài việc sơn son thếp vàng cho triều đại mới bằng những phương tiện truyền thông, nhiều cơ sở mới cũng được thành hình hay nhiều công trình mới cũng bắt đầu được thực hiện. Trường trung học công lập lớn nhất ở Huế mang tên Khải Ðịnh có một lúc đã được đổi tên là trường Ngô Ðình Diệm nhưng có lẽ bị nhiều người chỉ trích nên sau đó đã phải đổi là trường Quốc học. Ngôi nhà ba tầng ở đầu đường Nguyễn Trường Tộ phía trước nhà thờ Phủ cam nay cũng được cho trương cái bảng
"Văn phòng Cố vấn Chỉ đạo Miền Trung". Khu nghĩa địa Tây ở Phủ cam được sửa sang và dùng làm nơi cải táng ông Ngô đình Khôi. Và ở Thuận An người ta đang xây cất một ngôi nhà để cho cậu Cẩn ra nghỉ mát.
Cũng vì cái tinh thần phong kiến đó mà một số người trước đây từng hợp tác với chính quyền của ông Diệm thì nay quay ra bất mãn, nhưng ngược lại cũng có nhiều người nhân cơ hội này lại nhảy ra phò tá để mong cho mình cũng có chút công danh. Ngay trong số những người có liên hệ với cha tôi trước kia dần dần cũng có nhiều sự thay đổi trong vai trò và thái độ. Một số chú bác vốn hồi giờ không đảng phái nào thì bây giờ gia nhập đảng Cần Lao của ông Nhu và tham gia hoạt động cho các đoàn thể do chính quyền đỡ đầu như Phong trào Cách Mạng Quốc gia, Tập đoàn Công dân, Phụ nữ Liên đới... Các phong trào đoàn thể này thì lại lo kinh tài để nuôi tổ chức và làm hậu thuẫn cho chính quyền hơn là làm cách mạng thực
sự.
Nếu như có một số người mới xuất hiện hay được tin dùng thì cũng có một số chú bác thuộc các thành phần đảng phái Quốc gia lâu đời trước đây ra giúp chính quyền nay lại bắt đầu đang dần dần lui về vườn hoặc bị đưa về Trung ương giữ những chức vụ ngồi chơi xơi nước. Ngoài bác Ðàm vẫn tiếp tục bị câu lưu, chú Thụ được đổi về Trung ương, chú Nghĩa bị thay thế trong chức vụ Tỉnh trưởng Quảng ngãi, ngay cả chú Cọp sau khi được ân thưởng Bảo Quốc Huân chương vì có công trong vụ dẹp yên nhóm Ðại Việt ly khai lập chiến khu Ba Lòng thì cũng có vẻ bớt lui tới "dinh cậu
Cẩn".
Một hôm cả nhà đang ngồi ăn sáng ở phòng ăn thì có một viên chức bên Nha Công an vào gặp chú Cọp có chuyện khẩn. Tôi nhận ra đó là viên công an họ Vũ của sở Công an Liên khu V trước kia, người vốn được Việt Minh giao giữ chức vụ Trưởng ban điều tra vụ án mang tên Gián Ðiệp Bình Ðịnh nhưng sau đó đã bị thay thế bởi viên công an họ Cao khét tiếng hơn. Chú Cọp tưởng ông ta không biết tôi nên có chỉ tôi rồi giới thiệu cho ông ta biết nhưng thực ra thì cả ông ta và tôi đều đã biết nhau từ hồi còn ở trong kháng chiến rồi vì tôi đã từng gặp ông ta mấy lần sau khi ông ta không còn giữ chức vụ Trưởng ban điều tra vụ án đó nữa nhưng ông ta thường hay lui tới Gò Xoài để nhờ dượng Bốn chế cho ông mấy tể thuốc đau bao
tử.
Tôi không biết vì lý do nào khiến ông ta bị thay thế trong chức vụ Trưởng ban điều tra vụ án được gọi là Gián điệp đó, cũng như tôi không biết tại sao ông bỏ hàng ngũ bên kia để về bên này và vào lúc nào, nhưng bây giờ thấy ông ta cũng có mặt ở đây khiến tôi ngạc nhiên không ít. Tôi có đem điều thắc mắc của mình ra hỏi thì chỉ được chú Cọp cho biết là ông ta hiện cũng đang làm việc tại Nha Công an Trung Phần của Quốc gia với chức vụ phó Giám đốc và đang được ông Cẩn giao phó cho nhiệm vụ khám phá một số người làm gián điệp cho Pháp thế thôi.
Sau đó ít lâu, cả nhà được chú Cọp bảo lo chuẩn bị để dọn về Sài gòn vì chú đã được lệnh thuyên chuyển về Tổng nha ở Sài gòn. Dù chú không nói thì tôi cũng thừa hiểu cái chuyện thuyên chuyển về Sài gòn của chú không phải là một sự thăng quan tiến chức mà chỉ là một hình thức quản chế tinh vi như ngày xưa chú đã có lần từng là Ðại Biểu Quốc Hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng lại bịViệt Minh bắt từ Hà Nội đưa vào Liên khu V an trí một thời gian rồi được thả ra cho làm công an rong chơi nhưng thực ra thì lúc nào cũng có một công an thứ thiệt ở gần chú cho nên mấy chú trong Hướng đạo vẫn quen gọi chú là công an cà
nhỏng.
Dù sao thì lâu nay tôi ở với chú Cọp nhưng việc ăn học của tôi ở Huế vẫn là do sự sắp đặt và thỏa thuận của ông Cẩn với những người được ủy thác trách nhiệm đó cho nên bây giờ chú được đổi về Sài gòn tất nhiên chú cũng cần phải đem vấn đề của tôi trình lại với ông Cẩn. Chính vì thế mà chú có bảo tôi để rồi chú sẽ đưa vào trình diện ông Cẩn để xin cho tôi theo chú về Sài gòn, nhưng không hiểu sao sau đó chú Cọp lại không đưa tôi đến mà chỉ bảo với tôi chú đã lo xong xuôi cả rồi, do đó khi nghe chú bảo tôi chỉ việc theo chú về Sài gòn tất nhiên tôi cũng phải đi theo. Thế là tôi rời Huế mà không hề đến chào từ biệt ông
Cẩn.
Qua hai năm an tâm làm học sinh ở cái thành phố hoa phượng đỏ có làm cho tôi thấy mình nguôi quên đi những u buồn quá khứ nhưng với những sự kiện chính trị gần đây lại khiến cho tôi bắt đầu suy nghĩ. Thành phố Huế này ngoài màu hoa phượng đỏ rực rỡ của tuổi học trò, còn có màu rực rỡ vàng son của những triều đại vua chúa và cả cái màu đỏ của cái chủ nghĩa sắt máu đã một lần xuất hiện để lật đổ cái ngai vàng. Mùa hè rực rỡ đã qua đi cũng như những cái rực rỡ vàng son phong kiến nay cũng đã loang lổ kể từ ngày vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn tuyên bố thoái vị nhưng cái màu đỏ sắt máu thì hình như lúc nào cũng vẫn còn lảng vảng khắp nơi.
Huế đang sắp sửa đi vào mùa mưa. Vào những tháng cuối năm trời đã lạnh lại còn gió bấc với mưa dầm, vì mỗi cơn mưa ở Huế thường kéo dài cả tuần lễ, lúc thì nặng hạt, lúc lại rả rích tưởng chừng không bao giờ dứt. Dù qua hai năm quen thuộc với cái thành phố trầm lặng này, tôi cũng thấy mình có một chút luyến tiếc khi xa rời nó nhưng với những biến chuyển phức tạp như lâu nay, tôi thấy mình cũng không chắc gì có thể cứ bình tâm ở cái thành phố này mãi. Và tôi đã lặng lẽ theo chú Cọp về Sài gòn vào một ngày khởi đầu mùa mưa của xứ
Huế.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment